Những bệnh thường gặp ở bò (Phần 1)

1. Bệnh chướng bụng đầy hơi

Chướng bụng đầy hơi là hiện tượng lên men quá mức, làm giãn nở dạ cỏ và dạ tổ ong. Bệnh xảy ra do bò ăn nhiều cỏ non, đặc biệt là vào đầu mùa mưa. Cũng có thể do ăn phải các loại thức ăn bị thối, mốc, thức ăn quá chua hoặc do thay đổi thức ăn đột ngột.

Trong số thức ăn xanh có một số loại dễ lên men như cải bắp, lá su hào, dưa chuột, dưa gang

Triệu chứng:

Các loại thức ăn vào dạ cỏ, bị lên men và sinh ra nhiều hơi, bụng gia súc căng to dần (đặc biệt phía bên trái). Bò biếng ăn, không nhai lại, đứng lên nằm xuống bứt dứt, khó chịu, nét mặt lo lắng, hay nhìn về phía sườn và thở khó khăn.

Bò bị chướng hơi dạ cỏ

Khi bị nặng bò không đứng được, nằm nghiêng, bốn chân bơi bơi, bí đái, bí ỉa. Gõ vào vùng trên dạ cỏ, tiếng kêu như tiếng trống, tim đập gấp, yếu. Trường hợp diễn ra cấp tính và không được can thiệp kịp thời, bò bị chết trong vòng vài giờ do ngạt thở.

Điều trị:

Phải điều trị kịp thời, nếu để chậm con vật có thể bị ngạt và chết. Tuỳ theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà áp dụng các biện pháp sau đây:

– Để bò đứng với phần thân trước cao hơn (đứng chân trước vào máng ăn hoặc chân sau trong hố), cho ống thông bằng cao su (đường kính 3-4cm) vào thượng vị dạ cỏ để làm cho hơi thoát ra.

– Dùng nắm rơm khô hoặc dùng bọc giẻ gồm muối rang hoặc gừng, rượu, dấm trộn lẫn với nhau chà sát mạnh lên hai bên sườn và lên hông trái.

– Cho bò uống bài thuốc gồm tỏi (10-20 nhánh), lá trầu không (10 lá), một bát nhỏ than xoan hoặc than củi tán nhỏ pha trộn với một ít dấm thanh hoặc khoảng 1 lít nước dưa chua.

– Dùng 3 quả bồ kết bỏ hạt, nướng giòn, sau đó giã nhỏ với 3 củ tỏi to, 1 củ gừng và 1 nắm rau dăm, hòa tất cả với 50ml nước trong cho bò uống

– Dùng pilocarpin 3% tiêm dưới da, liều 6-10ml, mỗi ngày tiêm một lần, trong 2-3 ngày liền

– Cho uống 50g muối bicarbonat Na hoặc magiê sunphat, pha với 2-3 lít nước

Trường hợp bò bị chướng hơi cấp tính, phải can thiệp ngay bằng cách chọc troca vào lõm hông trái để cho hơi thoát ra. Nhưng phải lưu ý sát trùng troca và sát trùng chỗ chọc cẩn thận; phải để cho hơi thoát ra từ từ, tránh cho bò bị chết do sốc. Sau khi chọc, tiêm thuốc trợ sức cho bò và cho ăn cháo loãng có pha chút muối.

Phòng bệnh:

– Bảo quản tốt thức ăn cho bò, tránh thối mốc. Trường hợp chẳng may thức ăn bị hỏng phải loại bỏ, không cho bò ăn.

– Cỏ non, đặc biệt là sau khi mưa, nên thu cắt và cho ăn tại chuồng, trước khi cho ăn cần rửa sạch và phơi tái.

– Không thay đổi các loại thức ăn một cách đột ngột mà phải thay đổi từ từ và có giai đoạn chuyển tiếp.

2. Ngộ độc ở bò

Hiện nay, để bảo vệ cây trồng người ta sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, các nhà máy công nghiệp thải ra một lượng hoá chất độc đáng kể. Tất cả những loại hoá dược và hoá chất này ngày càng gây ô nhiễm các nguồn nước, các bãi chăn thả bò và ô nhiễm ngay cả các loại sản phẩm-phụ phẩm nông nghiệp dùng làm thức ăn cho bò, làm cho bò có thể bị nhiễm độc cấp tính hoặc nhiễm độc trường diễn

Các hoá chất gây ngộ độc cho bò thường gặp là :

– Các loại thuốc trừ sâu như: wofatox, neguvon, dipterex, sumidin…

– Thuốc diệt chuột: phosphua kẽm

– Các chất thải công nghiệp như: sunphát đồng, sunphát kẽm, axit chlohydric, axit sunphuric….

Triệu chứng:

Tuỳ theo từng loại hoá chất và liều lượng mà bò ăn hoặc uống phải, các hoá chất này gây tác động với các mức độ khác nhau lên thần kinh trung ương, lên hệ thống tiêu hoá và các cơ quan khác của cơ thể.

– Trường hợp ngộ độc cấp diễn: bò đột ngột chảy rãi dớt như bọt xà phòng, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt liên tục. Một số trường hợp gia súc ỉa chảy dữ dội, thậm chí ỉa chảy có máu tươi. Các hoá chất có thể gây hưng phấn trung khu vận động, làm cho con vật chạy nhảy, đi vòng tròn, siêu vẹo không tự chủ được và sau đó liệt nằm một chỗ. Chất độc còn tác động lên trung khu hô hấp và tuần hoàn, làm cho bò lúc đầu thở mạnh, tim đập nhanh, loạn nhịp sau đó ngừng hô hấp, truỵ tim mạch và chết rất nhanh, sau 3-6 giờ.

– Trường hợp nhiễm độc trường diễn: là do gia súc tiếp nhận chất độc với lượng nhỏ, nhưng liên tục trong một thời gian nhất định. Các chất độc tích luỹ trong cơ thể, gây ra các biến đổi bệnh lý, khó phát hiện ngay. Thông thường, đó là những biến đổi: thoái hoá gan, rối loạn tiêu hoá, bần huyết, nhiễm độc thần kinh….. Điều nguy hiểm là các chất độc này tích luỹ trong cơ thể hoặc được thải qua sữa và người tiêu thụ loại thịt, sữa này cũng sẽ bị ngộ độc

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng như mô tả trên. Cần phân biệt với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính: khi bị bệnh truyền nhiễm luôn luôn có sốt cao

Trong chẩn đoán bệnh, cần kết hợp xem xét các nguy cơ gây ra ngộ độc đồng thời xét nghiệm thức ăn và nguồn nước để tìm chất độc

Điều trị:

Việc xét nghiệm tìm ra chất độc mà bò bị nhiễm rất quan trọng, nó cho phép áp dụng biện pháp giải độc và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách, khi chưa xác định được loại chất độc và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng ta có thể điều trị theo phác đồ sau đây :

+ Điều trị triệu chứng :

– Trợ tim mạch với việc tiêm long não nước hoặc cafein

– Thuốc an thần: cho uống seduxen với liều 1mg (1 viên)/20-30kg thể trọng/ ngày

– Chống xuất huyết với việc tiêm vitamin K và vitamin C

+ Giải độc cho gia súc: hàng ngày truyền tĩnh mạch huyết thanh mặn (9%), huyết thanh ngọt (5%) đẳng trương với liều 2000ml/kg thể trọng kết hợp cho uống dung dịch orêsol: pha một gói 20g với 1000ml nước đun sôi để nguội

+ Hộ lý: để gia súc nơi thoáng khí. Nếu trời lạnh cần sưởi ấm. Cho ăn cháo loãng, dễ tiêu

Phòng bệnh:

Hàng ngày cần chú ý kiểm tra thức ăn, nguồn nước dùng cho bò, nếu phát hiện mùi lạ thì phải loại bỏ hoặc cách ly, không cho bò đến gần. Ở những cánh đồng có phun thuốc trừ sâu cần chờ đợi thời gian khoảng 10 ngày cho thuốc kịp phân huỷ, trước khi thu cắt cho bò. Nhìn chung, cỏ thu cắt về trước khi cho bò ăn cần rửa sạch sẽ, phơi tái.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kinh nghiệm thiến trâu, bò

Thiến bò nhằm phá hủy hoàn toàn chức năng sinh lý của dịch hoàn và các tuyến sinh dục phụ của gia súc đực. Gia súc đực sau khi bị thiến sẽ bớt hung hăng, thuần tính, việc chăn dắt và sử dụng gia súc sẽ dễ dàng hơn. Gia súc nuôi lấy thịt thì sau thiến sẽ nhanh béo, thịt mềm, không có mùi hôi… Là 1 phương pháp chọn giống, giúp loại bỏ những con đực không đạt yêu cầu về phẩm chất.

Phương pháp cố định

Đứng nằm đều được. Đứng là tốt nhất: cố định trong giá 4 trụ.  Hai chân sau cố  định hình số  8. Phần ngực và bụng có dây thừng buộc đỡ để tránh khi thiến mà gia súc nằm xuống ( tránh gây nhiễm trùng vết mổ)

Chuẩn bị gia súc và vệ sinh

Dùng xà phòng rửa 2 bên bẹn, dịch hoàn 2-3 lần sau đó lau khô lại bằng khăn. Tiến hành sát trùng bằng cồn Iốt 5 % thật kỹ toàn bộ dịch hoàn

Vị trí mổ và Phương pháp gây tê

Vị  trí mổ:  Kẻ  đường thẳng chia dịch hoàn làm 3 phần, tiến hành cắt 1/3 phía dưới rạch vòng sang bên cạnh 100% để dịch rỉ viêm chảy hết, vết thương khô ( sau mổ)

Gây tê: với trâu bò thì không cần gây mê- mà ta chỉ tiến hành gây tê thấm : mổ đâu gây tê đó. Gây tê dẫn truyền :  gây tê thừng dịch hoàn bằng cách tiêm Novocain 3% 10ml. Dùng tay ép da đâm kim vào thừng dịch hoàn. Sau đó sát trùng lại.

Đồng thời có thể tiêm 50-100ml dd Novocain nồng độ thấp ( <1%) vào dưới da bao dịch hoàn ở giữa 2 dịch hoàn.

Phương pháp phẫu thuật

Dùng tay đưa trước dịch hoàn dồn toàn bộ bao dịch hoàn về lòng ban tay nhìn rõ dịch hoàn. Sau đó cắt 1 đường bằng 1/3 kích thước bao dịch hoàn, khi rạch cần rạch thẳng, dứt khoát  ở  chính giữa rãnh 2 dịch hoàn.

Bỏ dao ra, tay trái cầm dịch hoàn, tay phải đẩy dịch hoàn bên phải về phía trước. Sau đó dùng dao lướt nhẹ giác mạc riêng dịch hoàn chui ra, ta bóc tách hai lớp giác mạc ra khỏi dịch hoàn và vuốt ngược lên thường dịch hoàn bộc lộ thừng dịch hoàn, sau đó dùng panh kẹp thừng dịch hoàn , xuyên kim chỉ (đã đc tiệt trùng) qua thừng dịch hoàn (tránh mạch máu) rồi thắt lại.

Sau đó dùng dao cắt đứt thừng dịch hoàn và cắt đoạn chỉ  thắt để  thừa 20cm sau đó cắt và kéo ra kiểm tra xem máu có chảy ra không, nếu vẫn chảy thì thắt thêm 1 nút nữa. Sau đó sát trùng lại với cồn iod 5-10% thấm vào vết cắt trên thừng dịch hoàn  rồi mới cắt đoạn chỉ thừa.

Làm tương tự với dịch hoàn bên kia. Sau khi cắt xong cả 2 bên dịch hoàn ta dùng tay vuốt dịch hoàn từ trên xuống cho máu chảy ra, không đọng lại trong bao dịch hoàn.

Cuối cùng quan trọng nhất là cho cồn Iốt 5% vào trong bao dịch hoàn và bóp mạnh bao dịch hoàn để còn Iốt thấm đều bao dịch hoàn ( 3 lần) sau đó rửa sạch bằng nước sinh lý. Sau đó rắc kháng sinh vào trong vết mổ của bao dịch hoàn.

Ngoài ra chúng ta có thể dùng phương pháp thiến kín: là phương pháp dùng kìm  phá huỷ  thừng dịch hoàn hoặc dùng hóa chất (hỗn hợp fomalin 38% với cồn 960  theo tỷ  lệ  4:1) tiêm vào thừng dịch hoàn gây ra quá trình viêm không nhiễm trùng làm hủy hoại thừng dịch hoàn mà không cần phải phẫu thuật.  Nhưng  phương pháp này chỉ  tiến hành được với những gia súc non, gia súc già cho kết  quả không chắc chắn.

*Chú ý: Tuyệt đối không được khâu bao dịch hoàn lại. bên ngoài vết mổ có thể dùng các chất chống ruồi muỗi đậu vào để bôi tránh nhiễm trùng, tránh ruồi muỗi đẻ trứng.

Chăm sóc sau phẫu thuật

–  Có thể tiêm kháng sinh 5-7 ngày sau thiến, tránh nhiễm trùng

–  Không để trâu bò vào hồ, ao, đầm lầy, nước bẩn… trong vòng 15 ngày.

– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không được để trâu bò nằm lên phân, nước tiểu.

– Thường xuyên kiểm tra vết mổ. Nếu có dòi, mủ chảy ra do vệ sinh kém…Cố định gia súc rửa lại với betalin sau đó sử  dụng dipterex và hút kèm ít nước  –> phun vào hoặc dùng hoa trinh nữ  vò nát cho vào.

– Sau đó rửa sạch lại với nước muối sinh lý hoặc rửa bằng betalin (cồn iod) rắc kháng sinh. Tuyệt đối không khâu

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi bò nhốt chuồng hiệu quả cao

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi bò đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, khi mà thịt bò trở thành thực phẩm chính yếu của người tiêu dùng cả nước. Để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, dưới đây là một số kinh nghiệm chia sẻ đến bà con.

1. Chuẩn bị chuồng trại

– Để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng, quản lý đàn bò, xây dựng chuồng nuôi bò ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hướng chuồng xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích chuồng nuôi bình quân 3-5 m²/ con.

– Tuỳ theo qui mô mà chuồng có thể xây dựng 1 dãy hoặc 2 dãy. Nền chuồng phải làm chắc, không láng trơn, có độ dốc 2-3% về phía rãnh thoát. Cần trang bị máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, kích thước máng ăn 60 cm x 120 cm, cao phía sau 80 cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo.

Chuồng nuôi bò rộng rãi, thoáng mát

– Kích thước máng uống dài x rộng x sâu là 60 cm x 60 cm x 40 cm. Rãnh thoát nước thải thiết kế phía sau rộng 30 cm, sâu 30 cm, độ dốc 5-8%. Ngoài ra cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1-1,5m, hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè.

2. Vệ sinh chuồng trại

– Tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại.

– Vệ sinh phòng bệnh: Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải. Tích cực diệt chuột, dán, ve, ruồi muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò.

Vệ sinh chuồng trại

– Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh.

– Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có dấu hiệu biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay.

– Tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ các loại bệnh bắt buộc cho bò 2 lần / năm như: bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, …

– Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.

– Sau khi xuất toàn bộ vật nuôi phải tiến hành khử trùng toàn bộ chuồng nuôi theo chế độ tổng vệ sinh và khử trùng trước khi nuôi lứa mới.

– Trường hợp trong chuồng nuôi có vật nuôi bị chết vì bệnh dịch thì phải thực hiện chế độ khử trùng cấp bách theo hướng dẫn của thú y.

3. Tẩy ký sinh trùng cho bò

Để bò khỏe mạnh lớn nhanh cần tẩy ký sinh trùng theo các phương pháp dưới đây:

–  Đối với ngoại ký sinh trùng:

Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như Neuguvon hoặc Asuntol hòa thành dung dịch tắm hoặc xoa. Pha và sử dụng thuốc Nevugvon với liều phổ biến 1à 25g/lít nước, bổ sung 50ml dầu ăn và 20g xà phòng bột lắc đều trước khi sử dụng. Dùng bình phun đều lên cơ thể bò, đặc biệt là vùng bẹn, nách và yếm. Có thể đeo găng tay, dùng giẻ để bôi thuốc. Không để thuốc bám vào người, quần áo. Không hút thuốc, ăn uống trong khi pha và bôi thuốc.

Tẩy ký sinh trùng cho bò

–  Đối với nội ký sinh trùng:

Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như: Levamisole, Tetramisole điều trị nội ký sinh trùng đường ruột và Fasinex điều trị sán lá gan.

Liều lượng: Levamisole 7,5%, dùng 1ml/20kg thể trọng. Fasinex dùng 1 viên /75kg thể trọng. Cách sử dụng: Cho uống, trộn vào thức ăn hoặc tiêm theo hướng dẫn.

4. Khẩu phần ăn cho bò

– Để bò có tốc độ lớn nhanh nhất thì lượng thức ăn đảm bảo năng lượng cao được ăn vào hàng ngày là 2,5% trọng lượng cơ thể.

Ví dụ: bò nặng 200kg cần khoảng 5kg vật chất khô trong một ngày, còn thức ăn thô xơ khoảng 15 – 20kg.

– Khẩu phần hoàn chỉnh là đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò. Bò có thể tự do lựa chọn sau khi đã trộn lẫn hoàn toàn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau.

– Phương pháp cho ăn và tập cho bò ăn thức ăn tinh vô cùng quan trọng. Lúc đầu nên cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao. Nếu ngay từ đầu bò ăn nhiều thức ăn tinh có thể bị chết do ngộ độc axít (acidosis). Thức ăn thô xanh cần sử dựng kết hợp với thức ăn tinh để tạo ra một khẩu phần ăn hoàn chỉnh.

– Khẩu phần ăn cho bò nhốt chuồng bao gồm: thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin. Căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có để lựa chọn các nguyên liệu chính như sau:

+ Thức ăn thô xanh: Các loại cỏ băm nhỏ, thức ăn băm nhỏ ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp băm nhỏ, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa, vỏ hoa quả) chiếm 55-60% vật chất khô trong khẩu phần.

Thức ăn tinh hỗn hợp: Các loại Sắn Nghiền, ngô Nghiền, khô dầu lạc, bột keo dậu. Thức ăn tinh hỗn hợp… chiếm 40-45% vật chất khô trong khẩu phần.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ủ chua ngọn và lá mía để nuôi bò thịt

Bà con các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường đã  tận dụng ngọn, lá mía sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Sau khi thu hoạch mía, lá mía và ngọn được sử dụng để ủ chua làm thức ăn cho bò

Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt” của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm.

Theo TS. Bình thì ngọn, lá mía dùng cho chăn nuôi bò thịt có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, có thể thay thế được nguồn thức ăn xanh. Với phương pháp ủ chua, nông dân có thể tận dụng được từ 60 đến 80% ngọn lá mía tại các vùng nguyên liệu mía đường làm thức ăn dự trữ cho những tháng thiếu cỏ để chăn nuôi bò thịt rất tốt.

Ông Nguyễn Công Nhân ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân là người đầu tiên được Sở NN-PTNT Thanh Hóa và nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giúp đỡ xây dựng mô hình theo phương pháp này phấn khởi cho hay: “Phương pháp này dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có, các phụ gia cũng dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền”. Nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở Xuân Châu đã bắt đầu làm theo. Cách làm như sau:

– Ngọn lá mía sau khi thu hoạch được băm nhỏ với kích thước 1-3cm rồi trộn đều với urê (2%), rỉ mật (2-4%) hoặc bột sắn, bột ngô, cám gạo… (tỷ lệ 4-6%). Nếu là rỉ mật thì có thể dùng vòi phun hoặc pha trong bình ô doa để tưới đều vào đống lá và ngọn đã băm nhỏ; nếu là bột mì, bột ngô hoặc cám gạo thì dùng tay trộn đều trước khi đem ủ trong các silo.

Lá mía sau khi thái nhỏ

– Silo là những ống tròn rỗng có đường kính khoảng 1,2-1,4m, cao 1,3-1,4m được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gỗ, tôn sắt… và có thể chồng lên nhau để có chiều cao theo ý muốn. Trong trường hợp không có các silo thì có thể đào hố đất, xây bể xi măng hoặc dùng các bao nilon chắc chắn để nén ủ cũng được. Dùng nilon để lót đáy và xung quanh silo trước khi cho hỗn hợp ngọn, lá mía và chất phụ gia gây lên men vào ủ. Cứ sau 1 lớp ngọn, lá mía dày 10-15cm lại dùng đầm hoặc chân để nén chặt xuống cho đến khi đầy silo. Sau cùng dùng nilon đậy kín rồi lấp 1 lớp đất dày 20-30cm (nện chặt) lên trên. Dùng bao đựng cát hoặc đất xếp 1 lớp lên trên, làm giàn mái che mưa nắng.

– Sau từ 30-45 ngày có thể lấy ra cho bò ăn dần. Nếu không có nhu cầu cho ăn ngay thì có thể bảo quản dự trữ được từ 5-7 tháng. Sản phẩm đảm bảo chất lượng là có mùi thơm dễ chịu, màu hanh vàng, trâu bò rất thích ăn. Có thể cho ăn với khối lượng 6-8kg/con/ngày cùng với các loại thức ăn tinh khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một số bệnh sinh sản trong chăn nuôi bò sữa

Các giống bò sữa hiện nuôi ở nước ta đều có nguồn gốc từ các nước ôn đới nên khả năng chống chịu với bệnh tật không cao, tỷ lệ máu ngoại càng cao thì sức đề kháng càng giảm. Bên cạnh đó việc khai thác sữa và chế độ nuôi dưỡng chăm sóc không phù hợp dễ làm bò mắc một số bệnh. Sau đây là một số bệnh sinh sản thường gặp trong nghề chăn nuôi bò sữa.

1. Chậm sinh và vô sinh:

Đó là trường hợp bò cái đến tuổi thành thục (14 tháng tuổi trở lên) mà không thấy động dục hoặc không thể phối giống; hoặc có động dục, phối giống đúng thời điểm nhưng không thụ thai.

Bò cái sau khi sanh 3-5 tháng mà không lên giống hoặc có lên giống nhưng phối giống nhiều lần không đậu thai.

1.1. Đối với bò cái tơ:

Nguyên nhân có thể là do bộ máy sinh dục phát triển không bình thường (buồng trứng, tử cung kém phát triển, có khối u trên buồng trứng…), có thể do viêm nhiễm đường sinh dục (âm đạo, tử cung…) hoặc do chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc không tốt bò còi cọc như thiếu khoáng: Photpho, Selenium, đồng, Vitamin A…

Để xử lý cần tìm hiểu tình trạng chăm sóc, nuôi dưỡng nếu tình trạng này xảy ra ở một số cá thể thì có thể là do những bất thường ở bộ máy sinh dục, còn nếu có nhiều cá thể mắc phải (trên 50 % số bò cái sinh sản trong trại), thì cần lưu ý đến các yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại hoặc bệnh truyền nhiễm.

1.2. Đối với bò cái đã trưởng thành:

Trước hết lưu ý đến chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, vì nhiều hộ chú trọng đến việc khai thác sữa mà không cung cấp dinh dưỡng đủ, cân đối cho việc hồi phục hoặc không cung cấp đủ dinh dưỡng trong thời kỳ cạn sữa do tâm lý sai lầm là “sợ cho bò ăn cám hỗn hợp trong giai đoạn cạn sữa sẽ làm thai to, bò đẻ khó”, bò cái ít được vận động.

Một sai lầm khác là nông dân cung cấp quá nhiều thức ăn tinh, hèm bia, xác mì, tỷ lệ thức ăn tinh trên thô không phù hợp trong quá trình chăn nuôi. Cũng có thể do các viêm nhiễm từ lần sinh sản trước (viêm tử cung, viêm âm đạo…) mà không được điều trị triệt để.

Để xử lý trước hết người chăn nuôi cần kiểm tra và điều chỉnh quá trình chăn nuôi của mình, nhờ nhân viên thú y kiểm tra đường sinh dục của bò để có quyết định điều trị phù hợp (viêm đường sinh dục, tồn lưu thể vàng, u nang buồng trứng…)

Cần lưu ý là việc phát hiện chính xác thời điểm lên giống để phối giống đúng lúc góp phần quan trọng vào kết quả đậu thai nên người chăn nuôi cần ghi chép vào sổ sách các thời điểm như ngày sanh, ngày lên giống kỳ trước, tình trạng bệnh sau khi sanh (viêm tử cung, viêm âm đạo, viêm vú…), dự đoán ngày lên giống (sau khi sanh 45- 60 ngày) để tập trung quan sát (nhất là vào ban đêm) báo cho dẫn tinh viên kịp thời phối giống.

2. Viêm vú (Mastitis):

Đây là loại bệnh phổ biến trên bò sữa, dễ lây lan và gây thiệt hại về kinh tế rất lớn vì nó làm giảm sản lượng sữa và chất lượng sữa.

Bệnh gây ra do vệ sinh chuồng trại, vệ sinh vắt sữa không tốt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn (như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn hay trực khuẩn gây mủ) hay nấm Candida albicals xâm nhập vào bầu vú và gây bệnh. Bệnh viêm vú thường có hai thể: Viêm vú lâm sàng và viêm vú tiềm ẩn.

2.1. Viêm vú lâm sàng: Tình trạng viêm vú có thể xãy ra ở 1, 2 hoặc cả 4 thùy vú, có thể ở các thể sau:

– Viêm vú thể tương mạc: Vú bị sưng ở một thùy hay toàn bộ bầu vú. Khi ấn mạnh tay vào bầu vú bò bị đau, lượng sữa giảm rõ rệt, sữa loãng và có hạt lổn nhổn.

– Viêm vú thể Cata: Đặc trưng là tế bào thượng bì bị tróc ra, ở những ổ viêm có dịch thấm xuất. Sữa bị cặn hoặc cục sữa vón do dịch thẩm xuất và bạch cầu. Thể viêm vú này thường không làm bầu vú bị sưng nhưng làm cho núm vú tăng thể tích (to ra) do biểu bì dầy lên. 

– Viêm vú có mủ: Biểu hiện đặc trưng là vú có mủ và dịch thẩm xuất. Bò sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn; bầu vú bị sưng đỏ, nóng và đau. Đầu tiên sữa loãng có màu hồng do xuất huyết nhẹ và sau đó có lẫn các cục sữa vón và dịch mủ màu vàng nhạt.

– Viêm vú có máu: Biểu hiện đặc trưng là các tổ chức của tuyến tiết sữa bị xuất huyết và tụ huyết. Bệnh thường ở thể cấp tính như bò sốt cao, kém ăn, mệt mỏi, bầu vú sưng to có những đám tụ huyết. Lượng sữa giảm nhanh có khi ngừng tiết sữa. Sữa loãng có màu hồng hoặc đôi khi đỏ như máu do xuất huyết. Bò có thể nhiễm trùng huyết và chết sau 7-9 ngày.

2.2. Thể viêm vú tiềm ẩn:

Viêm vú thể tiềm ẩn rất phổ biến và gây những thiệt hại kinh tế rất lớn vì nó làm giảm sản lượng sữa và chất lượng sữa.

Bệnh này nguy hiểm ở chỗ là bò mắc bệnh không có những biểu hiện để người chăn nuôi có thể quan sát được mà muốn phát hiện bệnh phải thực hiện các test kiểm tra trên sữa. Do vậy, mầm bệnh tồn tại lây lan cho những bò khác mà người chăn nuôi vẫn không hề hay biết.

Theo một số chuyên gia tình trạng viêm vú tiềm ẩn có thể gây giảm lượng sữa đến 20%, làm tổn thương lâu dài các tế bào, mô tiết sữa mà người chăn nuôi hoàn toàn không hề biết. Bò ít có triệu chứng bên ngoài, nhưng thường thì kém ăn, thỉnh thoảng sữa bị tủa và không có biểu hiện triệu chứng ở bầu vú.

Để phát hiện viêm vú tiềm ẩn cần dựa vào dấu hiệu của sữa và xét nghiệm sữa. Hiện nay có thể dùng test CMT mà thao tác thực hiện không phức tạp người chăn nuôi có thể tự kiểm tra.

Phòng bệnh viêm vú trước hết phải làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh vắt sữa (dụng cụ, nơi vắt sữa, cơ thể bị, bầu vú, núm vú, tay người vắt sữa). Tốt nhất người chăn nuôi không sử dụng “người vắt sữa thuê”.â Cho bò ăn cám hỗn hợp ngay sau khi vắt sữa để bò không nằm xuống sàn khi vắt sữa xong. Kiểm tra định kỳ, cách ly và điều trị triệt để khi bò mắc bệnh.

3. Viêm tử cung:

Bệnh do nhiễm khuẩn khi gieo tinh nhân tạo hoặc do bò đực bị viêm cơ quan sinh dục. Viêm tử cung còn do vệ sinh khi đẻ không tốt (chuồng trại bẩn, can thiệp của người chăn nuôi…). Bệnh viêm tử cung còn do kế phát của bệnh viêm âm đạo và viêm phúc mạc. Khi các vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, phát triển nhanh và gây viêm xung huyết, có mủ, gây tróc niêm mạc, xuất huyết.

Khi mắc bệnh, bò luôn mệt mỏi, ăn ít, sốt cao, đau vùng hông (bò luôn luôn quay đầu lại phía sau, đi lại bồn chồn). Vài ngày sau, âm hộ chảy dịch nhầy tanh, có lẫn máu, mủ. Thông thường khi bò mắc bệnh viêm tử cung thì thường mắc bệnh viêm âm đạo và ngược lại.

3.1. Bệnh viêm âm đạo:

Nguyên nhân gây bệnh cũng giống như bệnh viêm tử cung và thường hai bệnh này xảy ra cùng lúc. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào âm đạo và phát triển trên niêm mạc âm đạo và gây viêm. Bò có triệu chứng giống như viêm tử cung.

Tuy nhiên, khi dùng kềm mỏ vịt để khám thì thấy những đám tụ huyết, xuất huyết, loét… Khi bò bệnh thì báo cho cán bộ thú y đến khám và điều trị.

3.2. Sót nhau:

Sau khi đẻ, nhau thai sẽ được tống ra trong vòng 8-12giờ. Nếu nhau không ra sau 18 giờ, ta gọi là sót nhau.

Nguyên nhân của hiện tượng sót nhau là do bất thường của tử cung; bò gầy yếu, nuôi dưỡng kém bò đẻ khó, đẻ sinh đôi thời gian đẻ kéo dài nên lực co bóp của tử cung yếu không đẩy nhau ra.

Thông thường bò sót nhau sẽ ăn kém, sốt, nhưng đôi khi không có biểu hiện gì, vẫn ăn bình thường. Tỉ lệ sót nhau thường chiếm khoảng 5-15% số bò sinh sản trong đàn, nếu tỉ lệ này lớn hơn thì vấn đề nuôi dưỡng chăm sóc đàn bò cái sinh sản chưa tốt.

Khi bò sót nhau, cần gọi cán bộ thú y đến xử lý,  không tự tiện xử lý sẽ gây nên những tổn thương trên tử cung và từ đó ảnh hưởng đến sự sinh sản của bò sau này (giảm tỉ lệ thụ thai).

4. Bệnh sa tử cung sau sinh

Tử cung bị lộn hoàn toàn ra ngoài sau khi sanh.thường xảy ra ở bò già,đẻ nhiều lứa,chăm sóc kém,ít vận động hay do thai quá lớn, thao tác kéo bò quá mạnh.
Phải xử lý càng sớm càng tốt để lâu hiệu quả điều trị càng thấp do tử cung khô,xung huyết, nhiễm trùng hoặc gia súc kiệt sức mà chết.

Hướng xử lý(theo kinh nghiệm):

Cho bò đứng vào giá đỡ,chuồng ép hay dùng cây ép lại, khi bò không thể đứng dậy nổi do mệt,mất sức cũng có thể xử lý khi nằm nhưng cực hơn.Bò trên hình vứa mới sanh nên còn đứng nên ta xử lý dễ hơn.

Rửa sạch phần lộn ra ngoài bằng nước sạch pha phèn chua hay nước sinh lý mặn,bóc nhau dính ở đó,nếu bò nằm ta phải lót nilon sạch ở dưới.

Chích thuốc tê vào khum đuôi cho bò bớt rặng. Tuỳ vào tử cung lòi ra lớn hay nhỏ ta nhờ thêm 1.2 người phụ đưa vào.Một người nâng tử cung ngang âm hộ,người còn lại nhét vào cho đến khi lọt vào trong,trước khi thực hiện phải rửa tay sạch sẽ, móng tay cắt ngắn tránh tổn thương tủ cung.

Bơm rửa bằng dung dịch sát trùng hay đặt thuốc kháng viêm.Nhờ một người đặt một tay trong tử cung phòng khi bò rặng mạnh lòi ngược ra trong khi ta chuẩn bị may âm hộ lại.Nên khâu âm hộ lại khoảng vài ngày an toàn hơn.

Điều trị chống viêm bằng kháng sinh,thuốc trợ sức,thuốc cầm máu(khi ta thao tác ít nhiều gì cũng gây tổn thương tử cung).Thường bơm rửa tử cung tống để chất dơ ra ngoài. Sau khoảng tuần âm hộ teo nhỏ không thấy dấu hiệu căng chỉ nữa thì cắt chỉ ,sát trùng ,rửa sạch dấu may.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản

Trong chăn nuôi bò cái sinh sản, mục tiêu là làm sao để bò cái sinh sản con giống tốt, đồng thời cũng cần chú trọng số lượng bê con mà bò mẹ đẻ ra, tức là phải làm sao để bò cái đẻ càng nhiều lứa càng tốt và mỗi lứa phải đảm bảo chất lượng bê con khỏe mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc chăm sóc bò mẹ phát triển tốt, phải rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ đảm bảo sao cho bò mẹ đẻ mỗi năm một lứa là hợp lý. Nếu không có biện pháp chăm sóc tốt thì giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa lứa kế tiếp bị kéo dài.

Vì vậy, nông dân cần chú ý chăm sóc và phát hiện bò cái động dục sớm để giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa lứa kế tiếp chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng.

1. Chọn bò cái sinh sản làm giống

Yêu cầu cần đạt được để chọn bò cái có khả năng sinh sản tốt:

– Đẻ sớm:

Tức là bò cái đẻ lứa đầu trung bình ở khoảng từ 27 – 30 tháng tuổi (bò động dục lần đầu ở khoảng 18 – 21 tháng tuổi).

– Khoảng cách giữa hai lần đẻ ngắn:

Tốt nhất là bò cái đẻ năm một, tức là cứ 12 – 14 tháng đẻ một con bê.

– Đặc điểm ngoại hình:

+ Có dáng thanh nhẹ, da mỏng, lông thưa, thuần tính, hiền lành, các phần đầu, cổ, thân và vai kết hợp hài hòa.

+ Đầu thanh nhẹ, mõm rộng, mũi to, hàm răng đều đặn, trắng bóng, cổ dài vừa phải và thanh, da cổ có nhiều nếp nhăn.

+ Ngực sâu và rộng; xương sườn mở rộng, cong về phía sau, bụng to nhưng không sệ, bốn chân thẳng và mảnh, móng khít, mông nở, ít dốc.

+ Bầu vú phát triển về phía sau, 4 núm vú đều, dài vừa phải, không có vú kẹ, da vú mỏng, đàn hồi, tĩnh mạch nổi rõ, phân nhánh ngoằn nghèo.

Bò cái có ngoại hình phù hợp với khả năng sinh sản

2. Kỹ thuật phối giống

a. Phát hiện kịp thời động dục và đưa bò cái đi phối giống

Khi bò cái động dục có những biểu hiện chủ yếu như sau:

–  Bò cái động dục kêu rống, đi lại bồn chồn, phá chuồng, ăn kém hoặc bỏ ăn, con vật hưng phấn cao độ, sau đó chịu đứng yên cho con khác nhảy lên.

–  Dịch nhờn có độ keo dính cao, đứt quãng.

–  Âm hộ hơi mở, niêm mạc âm hộ chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt.

b. Các phương pháp phối giống

– Thụ tinh nhân tạo:

Dẫn tinh viên sẽ dùng tinh dịch bò (tinh viên hoặc tinh cộng rạ đông lạnh) và dụng cụ để phối giống nhân tạo cho bò cái. Bê lai đẻ ra sẽ đẹp hơn và to hơn so với dùng bò đực cho phối giống trực tiếp.

– Dùng bò đực lai:

Dùng bò đực lai có máu ngoại 75% trở lên (F2) được bình tuyển đủ tiêu chuẩn giống cho nhảy trực tiếp ở những vùng sâu vùng xa, chưa có điều kiện phối giống nhân tạo.

3. Chăm sóc và nuôi dưỡng bò đẻ và bê

a. Chăm sóc bò chửa

Bò cái có chửa cần được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày 30 – 35kg cỏ tươi, 2kg rơm ủ, 1kg thức ăn tinh (ngô, cám…) 30 – 40 gam muối, 30 – 40 gam bột xương, không bắt bò làm việc nặng như: cày, bừa… tránh xô đẩy, xua đuổi bò mạnh trong các tháng chửa.

b. Đỡ đẻ cho bò

– Thời gian mang thai trung bình của bò là 281 ngày.

– Triệu chứng bò sắp đẻ: Bò có hiện tượng sụt mông, đầu vú căng, đầu vú chĩa về hai bên, niêm dịch treo lòng thòng ở mép âm hộ, đau bụng, đứng lên nằm xuống, ỉa đái nhiều lần, có cơn rặn mạnh, bộc ối thò ra ngoài mép âm hộ.

– Trong trường hợp bò đẻ bình thường (thai thuận) không cần can thiệp hoặc chỉ cần hỗ trợ cho bò cái dùng tay kéo nhẹ thai ra. Khi bò đẻ sẽ vở ối, hứng lấy nước ối. Cắt dây rốn dài khoảng 10 – 12cm (không cần buộc dây rốn), sát trùng bằng cồn I – ốt 5%. Lau rớt dãi trong mũi, mồm bê, để bò mẹ tự liếm con. Nếu bò mẹ mệt không liếm ta phải dùng khăn khô lau bê. Bóc móng để bê con khỏi trơn trượt khi mới tập đi. Vệ sinh phần thân sau và bầu vú bò mẹ, cho bò mẹ uống nước ối, thêm ít muối, cám và nước ấm. Cho bê con bú, ghi sổ sách theo dõi bò, bê.

–  Trường hợp đẻ khó phải gọi cán bộ thú y can thiệp kịp thời.

Lưu ý: Trong trường hợp đẻ khó, sót nhau hoặc bị viêm nhiễm đường sinh dục, cần can thiệp và điều trị kịp thời, tích cực để sớm phục hồi chức năng sinh sản của bò cái.

c. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đẻ và bê con

– Đối với bò mẹ:

+ Từ 15 – 20 ngày đầu sau khi đẻ cho bò mẹ ăn cháo (0,5 – 1kg thức ăn tinh / con/ngày) và 30 – 40gr muối ăn, 30 – 40gr bột xương, có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng.

+ Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, một ngày cho bò mẹ ăn 30kg cỏ tươi, 2 – 3kg rơm ủ, 1-2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khỏe, nhanh động dục lại để phối giống.

Chăm sóc bò cái sau khi đẻ

– Đối với bê:

+ Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi nuôi ở nhà, cạnh mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chỗ bê nằm khô sạch.Trên 1 tháng tuổi: chăn thả theo mẹ ở bãi gần chuồng, tập cho bê ăn thức ăn tinh.

Bê con bú sữa mẹ sau khi sinh

+ Từ 3 – 6 tháng tuổi: cho 5 – 10 kg cỏ tươi và 0,2 kg thức ăn tinh hỗn hợp. Tập cho bê ăn cỏ khô. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.

+ Từ 6 – 24 tháng tuổi: chăn thả là chính, mỗi ngày cho ăn thêm 10 – 20kg cỏ tươi, ngọn mía, ngọn ngô non… Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2 – 4 kg cỏ khô một ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Kỹ thuật phát hiện động dục ở bò cái

Trong truyền giống nhân tạo bò, việc phát hiện bò cái động dục rất quan trọng, nếu không phát hiện được thì sẽ không tiến hành phối giống được hoặc phát hiện động dục sai thì phối sẽ không có chửa.

Mọi tốn kém cho các công việc chăn nuôi bò cái coi như bằng không. Phát hiện động dục là công việc quan sát, theo dõi bò cái để nhận biết các hiện tượng động dục và đưa bò cái vào nơi chờ phối giống.

Khi phát hiện bò cái động dục, cần chú ý quan sát các triệu chứng hoặc hiện tượng sau:

– Bò hay đi lại, ăn ít, hay kêu rống, có xu thế tìm gặp con khác (tìm đực), có con muốn tách khỏi đàn.

– Bò cái tỏ ra thân thiện theo đuổi nhau, hay tụ lại thành nhóm, húc liếm vờn nhau, tỏ ra thích nhau, nhảy chồm lên lưng nhau.

– Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.

– Nếu là bò vắt sữa thì lượng sữa trong ngày động dục sẽ giảm chút ít so với các ngày liền kề trước đó.

– Phần lông ở mông, lưng có để lại các dấu vết do bò cái bị các con khác nhảy lên hay bị con khác liếm.

– Âm hộ sưng, căng phồng, hơi ướt bóng, các lông xung quanh âm hộ cách xa nhau và dựng đứng lên so với các ngày thường.

– Niêm dịch chảy ra dính xung quanh âm hộ, loãng, trong suốt hay đục keo dính, đứt đoạn; nhiều khi dính xung quanh âm hộ, khấu đuôi, mông, tùy theo pha động dục. Niêm dịch là dấu hiệu thường được dùng để xác định chính xác giai đoạn động dục đang ở pha nào để xác định thời điểm phối giống tốt nhất.

– Chịu nhảy là hiện tượng mà bò cái khi con khác nhảy lên lưng thì đứng lại. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết và để xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Cần nhớ rằng con đứng dưới mới là con động dục, còn con nhảy chồm lên thì có thể là con sắp động dục hoặc đã qua pha động dục.

– Có trường hợp về cuối kỳ động dục, thấy có máu chảy ra. Dấu hiệu này cho biết là bò vừa động dục trước đấy vài ba ngày, cần phải để ý phát hiện động dục bò cái đó sau 15-18 ngày.

Phát hiện động dục bằng quan sát hàng ngày

Hiện nay, tuy có nhiều dụng cụ để hỗ trợ cho việc phát hiện động dục ở bò cái, nhưng chưa có dụng cụ nào thay thế được việc quan sát bằng mắt hàng ngày của chính người chủ nuôi bò.

Việc phát hiện động dục cần phải tiến hành ít nhất 4 lần trong 1 ngày (sáng sớm – buổi trưa – chiều tối – đêm). Tùy theo số lượng cái trong đàn mà phát hiện hàng ngày hay phát hiện theo chu kỳ động dục. Để phát hiện động dục dễ dàng, không bỏ sót bò cái động dục, không tốn công, nên đeo số cho bò và tổ chức phân đàn bò cái như sau, nhất là khi có nhiều bò cái:

– Đàn bò đã có chửa: Đã được khám thai xác định để nuôi riêng, không phải phát hiện động dục.

– Đàn bò bị bệnh sinh sản: Để điều trị riêng và tránh lây nhiễm sang con khỏe.

– Đàn bò chưa có chửa: Để theo dõi riêng biệt hoặc có thể sử dụng đực thí tình để phát hiện động dục; cần tổ chức phát hiện động dục riêng.

Chú ý: cần tạo cơ hội tốt cho bò cái thể hiện các hiện tượng động dục như cho bò ăn uống đủ no, che nắng, che mưa, che rét, tránh vật lạ; cho tiếp xúc với bò cái khác. Bò cái cột buộc phải được thả ra để bò có cơ hội tiếp xúc con khác và thể hiện các hiện tượng động dục tự nhiên, dễ nhận biết.

Khi phát hiện được bò cái động dục, cần phải xem số hiệu, đánh dấu đưa về nơi phối giống; xác định rõ ràng hiện tượng động dục và bò cái đang động dục ở pha nào, đồng thời báo ngay cho người phối giống biết càng sớm càng tốt.

Trong điều kiện của nông hộ chăn nuôi bò ở Việt Nam, do trình độ phát hiện động dục bò cái còn yếu, chưa có kinh nghiệm và chưa có ý thức đầy đủ về việc phát hiện động dục, nên cán bộ kỹ thuật phải từng bước đào tạo, hướng dẫn chủ bò phát hiện động dục. Mặt khác khi được báo có bò động dục, cần phải khẩn trương đến ngay để tiến hành khám lâm sàng (bò cái chịu nhảy, trạng thái niêm dịch…) để xác định pha mà bò cái đang động dục và xác định thời điểm phối thích hợp nhất.

Trong thực tế, thời điểm phối giống thích hợp nhất là từ nửa sau của pha chịu nhảy cho đến sau pha chịu nhảy 6 tiếng đồng hồ (trước thời điểm rụng trứng 6-12 tiếng), như sơ đồ sau:

Việc áp dụng nguyên tắc “sáng – chiều hay chiều – sáng” chỉ sử dụng được khi phát hiện được bò cái động dục ở pha trước động dục hay lúc bò cái chưa chịu nhảy, niêm dịch còn rất trong và loãng. Vì thế phải chú ý phát hiện được bò cái động dục ở ngay pha đầu (pha trước động dục) thì phối giống mới có chửa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở bò

Nguyên nhân: Vào mùa khô, bò chỉ ăn rơm, cỏ khô, thiếu thức ăn xanh nên hệ thống tiêu hóa, sức khỏe giảm. Đặc biệt hệ vi sinh vật trong dạ cỏ chưa thích ứng với các thức ăn khác. Đầu mùa mưa, cỏ phát triển, bò ăn nhiều nhưng sức tiêu hóa kém, không thích hợp với hệ vi sinh vật trong dạ cỏ dẫn đến tiêu chảy, rối loạn hệ thống tiêu hóa gây ra các phản ứng lên men, sinh hơi nhiều gây chướng hơi dạ cỏ. Ngoài ra bò chướng hơi vì mắc một số bệnh khác như: Viêm nhiễm ruột, dạ múi khế, dẫn đến giảm nhu động dạ cỏ, hơi từ dạ cỏ chậm thoát ra ngoài. Bò bị viêm hầu, họng sưng không nhai được thức ăn tồn đọng lâu lên men sinh hơi gây ra chướng hơi dạ cỏ.

Bò chết do chướng hơi dạ cỏ

Triệu chứng: Bò đang ăn bình thường hay đứng ở chuồng, phần hõm hông phía trái căng phồng nhanh, căng phồng cao hơn cả sống lưng. Khi gõ có tiếng kêu rõ, ấn tay vào như quả bóng đầy hơi. Bò thở khó, thở nhanh, đi lại khó khăn, mắt trợn ngược, nếu không can thiệp kịp thời rất dễ tử vong.

Điều trị: Cho uống ngay 1 trong các loại dung dịch:

1. Dung dịch thuốc tím: 1gr/1 lít nước, uống 3 – 5 lít.

2. Nước dưa chua: 3- 5 lít.

3. Bia hơi: 3 – 5 lít.

Dùng biện pháp cơ học, lấy tay kéo lưỡi bò ra và sát nước gừng vào lưỡi để gây ợ hơi ra ngoài.

Dùng tay lấy phân ở hậu môn ra để thông hơi, lấy rơm chà xát ở hông bên trái làm tăng nhu động của dạ cỏ.

Nếu có điều kiện gần trạm thú y hay có dụng cụ và thuốc thú ý:

Tiêm tĩnh mạch MgSO4 (Mazê Sunpat) 50-60ml/100kg trọng lượng.

Tiêm Strychnin B1 20ml/con

Tiêm Dilocarpin 1% 10 – 15ml/con

Hoặc dùng: Magiêsi sulphate 100gr

Muối ăn 50gr

Thuốc tím 2gr

Pha 3 loại này vào 2 lít nước cho uống 2 lần/ngày.

Dùng muối ăn 100gr, tỏi 50gr, gừng 30gr giã nhuyễn và pha vào 2 lít nước cho uống 2 lần cách nhau 2 – 3 giờ.

Khi đã dùng tất cả các biện pháp không khỏi, thấy bò vẫn căng hơi có khả năng nguy hiểm (tử vong) thì phải chọc thủng hông trái để cho hơi ra ngoài. Dùng Trocart, cây trúc nhỏ chọc thẳng vào hõm hông trái nơi căng nhất. Khi chọc dùng ngón tay bịt đầu lỗ lại, cho hơi ra từ từ đừng cho ra nhanh gây choáng bò sẽ chết đột ngột. Khi hơi ra hết vẫn để nguyên Trocart tại đó để cho hơi thoát ra đến khi bò khỏi hẳn. Tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng dùng:

1. Ampi-Septol 1ml/10kg trọng lượng

2. Chlotetradexa 10ml/100kg trọng lượng

3. Gentamycin 1ml/10kg trọng lượng

Bệnh chướng hơi dạ cỏ xảy ra nhiều vào đầu mùa mưa, vì vậy khi bò ăn nhiều cỏ non nên trộn thêm ít rơm khô. Bò mới đẻ có chế độ ăn từ thấp đến cao, không cho bê nhỏ bú sữa bò mẹ bị viêm vú, sữa vắt ra cho bê uống ngay không để lâu

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những chiếc lỗ kinh hoàng trên bụng bò sữa

Chúng ta vẫn hay thưởng thức những giọt sữa ngon ngọt, béo ngậy từ những hộp sữa đóng hộp. Vậy có bao giờ bạn nghĩ, để có được những sản phẩm như thế con người đã sản xuất như thế nào và hàng triệu con bò sữa đã từng chịu đựng sự đau đớn đó như thế nào không?

Con bò sữa

Trong trí tưởng tượng của nhiều người, bò sữa sẽ được chăn nuôi trên những cánh đồng đầy cỏ. Nhưng thực chất trong suốt cuộc đời mình, bò sữa sẽ được nhốt trong chuồng, liên tục mang thai để cung cấp sữa cho nhà sản xuất.

Không chỉ bị nhốt, những con bò sữa còn phải trải qua những cuộc phẫu thuật khá man rợ nhằm phục vụ cho công việc đánh giá tình trạng sức khỏe để đem lại hiệu suất sữa cao.

Nhân viên trực tiếp tiếp cho tay vào dạ dày bò để xử lý thức ăn

Mỗi con bò sữa đều trải qua ca phẫu thuật gắn một thiết bị dạng ống vào cơ thể cho phép nhân viên có thể trực tiếp tiếp cho tay vào dạ dày bò để xử lý thức ăn. Nếu tình trạng tiêu hóa của bò sữa gặp trở ngại, những người nhân viên sẽ trực tiếp kiểm tra thông qua chiếc ống đó, trong trường hợp cần thiết, họ sẽ trực tiếp đổ thuốc vào dạ dày, giúp đàn bò tiêu hóa dễ dàng hơn.

Thiết bị dạng ống được lắp vào cơ thể bò

Những chiếc lỗ hổng này có kích thước khá lớn, bằng mắt thường con người có thể nhìn thấy nội tạng bên trong con vật.

Nhiều người lo ngại, những con bò này chịu sự áp bức, lạm dụng từ những người nuôi chúng, nhưng cũng không ít người cho rằng có thể chúng mắc căn bệnh nào đó cần được gắn thiết bị này để hỗ trợ chữa trị. Những con bò sữa bị gắn chiếc ống trên cơ thể dù với mục đích khoa học, cơ bản đã giúp người nông dân nâng cao sản lượng lẫn chất lượng sữa bò đi chăng nữa thì phương pháp này là phản tự nhiên và khá tàn nhẫn.

Những chiếc lỗ hổng kích thước khá lớn khá đau đớn đối với bò sữa

Tuy vậy, việc sản xuất này vẫn còn diễn ra khá nhiều cũng chỉ vì mục đích nhằm tạo ra những sản phẩm từ sữa bò tốt nhất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.