Kỹ thuật trồng lúa cấy (Phần 3)

8. Kỹ thuật chăm sóc lúa cấy

Làm cỏ
Khi cây lúa bén rễ hồi xanh thì bắt đầu làm cỏ kết hợp với sục bùn và bón thúc. Sau đó tuỳ vào giống lúa ngắn hay dài ngày có thể tiếp tục làm cỏ sục bùn từ 1-2 lần nữa và kết thúc trước khi lúa bước vào thời kỳ làm đòng. Làm cỏ sục bùn có tác dụng diệt cỏ dại, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ô xy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới. Làm cỏ bằng tay, cào răng đẩy tay.

Trừ rong rêu: Những ruông lúa có nhiều rong rêu thì nên trừ bằng cách tháo cạn nước 5-6 ngày kết hợp bón vôi bột (5-10 kg/ha), hoặc phun CuSO4 5-10% vào ngày nắng từ 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày, hoặc dùng MCPA dung dịch 0,4% phun 500 lít/ha.
Bón thúc

– Bón thúc đẻ nhánh: Khi lúa bén rễ hồi xanh kết hợp với làm cỏ đợt I, bón 50 -60 % lượng đạm

– Bón đón đòng: Trước trỗ 30 -35 ngày. Bón đón đòng có tác dụng xúc tiến phân hóa gié và hoa nhằm đạt số hạt / bông cao.

– Bón nuôi đòng: Tiến hành vào thời gian trước trỗ 12-15 ngày. bón nuôi đòng có tác dụng tăng tỉ lệ hạt chắc và khối lượng hạt.
Để tăng hiệu quả của phân bón thúc nên bón sâu theo cách kết hợp với làm cỏ sục bùn, giữ nước vừa phải, không bón khi thời tiết xấu…có thể dùng phân viên tổng hợp bón tập trung vào gốc sẽ năng cao hiệu quả của phân.

Tưới nước
Tuỳ điều kiện cụ thể mà có thể đảm bảo chế độ nước phổ biến như sau: duy trì mức nước < 5 cm vào thời kỳ sau cấy đến thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, > 20cm vào thời kỳ cuối đẻ nhánh để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu.

Nếu lúa tốt, sinh trưởng mạnh thì nên rút nước phơi ruộng, hạn chế dinh dưỡng cũng có tác dụng làm giảm đẻ nhánh vô hiệu. Duy trì 5-10cm nước vào thời kỳ làm đòng đến chín sữa. Sau thời kỳ chín sữa có thể rút nước, lúa tiếp tục vào chắc, thuận lợi cho khâu thu hoạch.
Trường hợp lúa xấu hoặc trên đất chua , mặn, phèn, phải duy trì mực nước 5-6cm để hạn chế phèn, mặn.

Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

9. Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch lúa
– Thu hoạch thủ công: Liềm các loại là công cụ chủ yếu và được sử dụng phổ biến tại các hộ gia đình, trang trại nhỏ.

– Thu hoạch cơ giới: Sử dụng các máy gặt cải tiến loại vừa và nhỏ để thu hoạch lúa.

Thu hoạch lúa

– Đập, tuốt lúa: Đập lúa bằn tay, trục lúa bằng trục đá có trâu bò kéo, tuốt lúa bằng máy đạp chân, bằng máy tuốt thủ công nhỏ hoặc bằng máy tuốt lúa.

Nơi đập tuốt lúa phải được lót bạt, hoặc tực tiếp ở sân phơi, nhưng phải sạch rác, sạn và không được lẫn với giống khác.

Phơi sấy, cất trữ bảo quản
Phơi sấy: yêu cầu phơi khô để hạt có hàm lượng nước đạt < 13%, cũng như không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động. Có thể sử dụng 2 phương pháp phơi sấy chủ yếu sau:

– Phơi bằng ánh sáng mặt trời: hạt lúa nói chung có thể được phơi bằng ánh sáng tự nhiên, độ dầy 3-7 cm, thường xuyên đảo hạt để hạt khô đều, tránh cường độ ánh sáng mạnh.

Người nông dân đang cùng nhau phơi lúa

– Phương pháp làm khô bằng hệ thống quạt không khí nóng: Hạt lúa có thể làm khô bằng hệ thống sấy có thổi không khí nóng với nhiệt độ 40 – 450c, thời gian sấy tùy thuộc vào ẩm độ hạt khi thu hoạch, nhiệt lượng cung cấp, cũng như khối lượng hạt cần xử lý.

Cất trữ bảo quản:

Sau khi lúa đã phơi khô, quạt sạch trấu, hạt lép, đóng vào bao để bảo quản trong kho chuyên dụng. Kho bảo quản phải được khử trùng, dọn sạch trước khi cất trữ.

Ở các hộ gia đình nên cho thóc vào bồ, thùng phi hoặc thùng tôn đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra ẩm mốc, mọt và chuột. Nếu bị dịch hại và ẩm mốc cần phải xử lí ngay.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng lúa cấy (Phần 2)

4. Làm đất gieo mạ

Mạ dược:
Chuẩn bị ruộng mạ: Chọn chân ruộng cao, chủ động tưới tiêu, đất cát pha hoặc thịt nhẹ và tiện chăm sóc.

Làm đất:
Đất cày ngả sớm, bừa 4-6 lần, nhuyễn và sạch cỏ. Nếu đất chua có thể bón vôi 15-20 kg/sào Bắc Bộ. Bón lót 3- 4 tạ phân chuồng, 7-10 kg supe lân, 2 kg urê và 3kg kali/sào.

Người dân làm đất gieo mạ lúa

Lên luống rộng 1,2 – 1,4 m, có rãnh thoát nước, mặt luống phẳng ở vụ đông xuân, mặt luống hơi vồng ở vụ mùa để dễ thoát nước.
Gieo mạ: Hạt giống sau khi xử lí, ngâm ủ nảy mầm đều là đem gieo

Mật độ và kỹ thuật gieo: Vụ đông xuân gieo 40-45 kg/sào Bắc bộ, vụ mùa ít hơn( tùy theo giống, thời vụ và khối lượng hạt). Gieo hơi chìm hạt, nhất là vụ đông xuân để chống rét, sau gieo có thể phủ một lớp tro mộc ( 8-10 kg/sào).

Mạ sân, mạ trên nền đất cứng:
Là giải pháp tình thế trước đây để khắc phục hiện tượng thiếu mạ trong vụ đông xuân, do thời tiết rét đậm kéo dài, mạ dược bị chết nhiều. Song hiện nay biện pháp này đã trở thành tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi.

Làm mạ sân hay mạ trên nền đất cứng không phức tạp chỉ cần chọn được nền đất cứng (bờ mương, ven đường, sân, vườn..), làm cho mặt đất phẳng, rải một lớp bùn hoặc đất bột mỏng lên sân hay nền đất cứng (Nếu đất xấu nên trộn thêm với phân chuồng hoai mục đã được ủ với lân để đảm bảo dinh dưỡng cho mạ), gieo hạt đã xử lí, ngâm ủ, nảy mầm đều.
Lượng gieo: 1,0 -1,5 kg hạt giống/m2. Tưới nước giữ ẩm.

5. Chăm sóc và quản lý ruộng mạ

Chăm sóc mạ dược:
Nước: Ở thời kỳ mạ non (từ gieo đến 3 lá), mặt luống cần được giữ ẩm để rễ phát triển thuận lợi. Khi mạ có 4 lá đến nhổ cấy tùy theo thời tiết và sinh trưởng của mạ để quyết định chế độ tưới nước. Khi cần chỉ tưới nước vào rãnh để luống mạ đủ ẩm. Trước khi nhổ có thể tưới trước 5-7 ngày cho đất mềm, dễ nhổ, tránh đứt rễ.

Phân bón: Bón thúc vào thời kỳ mạ 3-4 lá, Lượng bón từ 0,5- 1,0 kg Urê/ sào Bắc bộ tùy theo giống và độ phì đất. Trước khi nhổ cấy 3-5 ngày, có thể bón tiễn chân giúp cây mạ ra rễ mới. Mạ tốt, mạ già không nên bón thúc nhiều.

Phòng chống rét: Dùng các giống chịu rét. Gieo đúng thời vụ, gieo vào lúc trời ấm, gieo mật độ dày, tăng phân chuồng và lân, không bón đạm vào lúc trời rét, điều tiết nước và che phủ Nilon cho mạ trong những đợt rét.

Phòng chống mạ già, mạ ống: Mạ đông xuân rất mẫn cảm với nhiệt độ. Cần đề phòng mạ ống khi thời tiết ấm, nhiệt độ bình quân trên 20°c kéo dài và tích ôn đạt 500ºc . Điều kiện đất tốt, nước nhiều, gieo dày cũng dẫn tới mạ ống.

Biện pháp chống mạ già và ống: Rút nước để ruộng mạ khô, không bón đạm, bố trí thời vụ thích hợp và tránh tình trạng “mạ chờ ruộng”.

Phòng chống sâu bệnh cho mạ: Tiến hành phòng trừ khi sâu bệnh phát sinh rộ.

Tiêu chuẩn mạ tốt: Mạ cứng cây, khỏe, tỉ lệ bẹ/lá cao, đanh dảnh, màu sắc lá xanh vàng, tỉ lệ C/N thích hợp, mạ không bị ống, có sức ra rễ mạnh và không có sâu bệnh.

Đúng tuổi: Tuổi mạ cấy tùy thuộc vào giống, thời vụ và phương pháp làm mạ. Để tính tuổi mạ có thể dùng ngày tuổi hoặc số lá. Thí dụ, ở vụ mùa tính tuổi mạ theo ngày tuổi, còn ở vụ đông xuân theo số lá (mạ dược 5-6 lá, mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng 2-3 lá).

Chăm sóc mạ sân:
Đối với mạ sân, sau khi gieo hạt cần đặt biệt điều tiết nước và giữ ẩm cho mạ. Số lần tưới nước phụ thuộc vào nhiệt độ và cường độ ánh sáng trong ngày. Ở vụ mùa số lần tưới nước đòi hỏi nhiều hơn ở vụ xuân, đặc biệt vào những ngày nắng nhiều và nhiệt độ cao. Khi đó, cứ 20- 30 phút cần tưới nước một lần để giữ ẩm. Khi mạ có 2,5 – 3 lá là đủ tuổi để nhổ cấy.

6. Kỹ thuật làm đất cấy

Đất trồng lúa
Đất trồng lúa có hai dạng cơ bản:
Đất chuyên canh lúa: Thường có chân vàn hoặc chân trũng khó thoát nước. Loại đất này thường làm dầm, khi có điều kiện thì chỉ rút nước phơi ải sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa mùa.
Đất luân canh lúa-màu: Là đất chân cao, cấy vụ mùa và làm màu vụ đông xuân. đất này không phơi ải mà chỉ làm dầm.

Kỹ thuật làm đất
Đất lúa cần phải cày sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước. Ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt cày đảo ải. Làm ải có tác dụng cho đất thoáng, tiêu diệt được một số loại dịch hại trong đất. Nếu phơi ải gặp mưa lớn không có khả năng phơi lại thì phải giữ nước, chuyển sang làm dầm.
Làm đất lúa phải cày sâu, bừa kỹ cho đất nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng thuận lợi cho khi cấy đồng đều và điều tiết nước.
Cày sâu tạo điều kiện cho bộ rễ lúa phát triển tốt, tăng nguồn dự trữ dinh dưỡng, có lợi cho các hoạt động của vi sinh vật vùng rễ phân giải các chất hữu cơ khó phân huỷ, tăng cường dinh dưỡng cho lúa.
Yêu cầu đất lúa trước khi cấy phải sạch gốc rạ, cỏ dại. đất lúa cấy mạ sân càng phải được làm kỹ hơn, mặt ruộng phẳng hơn và để mức nước nông để lúa cấy xong phát triển thuận lợi.

Bón lót
Trong quá trình làm đất sẽ kết hợp với bón lót. Bón lót phân chuồng, phân xanh, vôi và các loạ phân vô cơ như lân, kali, đạm…Bón lót sâu và hợp lí :
Bón lót phân xanh và vôi (nếu có) vào lúc cày ngả, phân chuồng và phân lân bón vào lúc cày lại, đạm và kali bón trước khi bừa cấy.
Vụ chiêm xuân nhiệt độ đầu vụ thấp cần quan tâm bón lót nhiều hơn vụ mùa.

Tận dụng phân chuồng để bón lót cho lúa

7. Kỹ thuật cấy

Mật độ và khoảng cách cấy
Mật độ có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành số bông. Xác định mật độ cấy hợp lý cần dựa vào các yếu tố sau:

Thời vụ cấy: vụ có nhiệt độ thấp cấy dày hơn vụ có nhiệt độ cao.

– Vụ xuân cấy mật độ: 45-55 khóm/m2, 2-3 dảnh /khóm

– Vụ mùa cấy mật độ: 40- 45 khóm/m2, 2-3 dảnh / khóm
Khoảng cách:

– Vụ xuân: 20 cm X 11cm hoặc 18 cm X 11 cm

– Vụ mùa: 20 cm X 11 cm.
Giống: loại hình nhiều bông cấy dày hơn loại hình to bông.

– Giống nhiều bông cấy 200 -250 dảnh cơ bản /m2

– Giống to bông: cấy 180 -200 dảnh cơ bản /m2

Đất và dinh dưỡng: Đất xấu, ít phân cấy dầy hơn nơi đất tốt và nhiều phân.

Tuổi mạ, chất lượng mạ: Mạ già chất lượng kém cấy dày hơn mạ non, mạ tốt.

Trình độ thâm canh: Nơi có trình độ thâm canh thấp cần cấy dầy hơn nơi có trình độ thâm canh cao.

Kỹ thuật cấy
Cấy thẳng hàng, cấy nông 3-4 cm( cấy sâu 5-6cm lúa sẽ phát sinh 2 tầng rễ), ở vụ chiêm xuân cấy sâu hơn vụ mùa.
Để cấy nông, cần làm đất kỹ, giữ nước nông, cấy ngửa tay. Cấy thẳng hàng dễ kiểm tra, bảo đảm mật độ và tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc sau này.

Người nông dân đang cấy lúa

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các lưu ý trong kỹ thuật bón phân cho lúa

Cây lúa là cây lương thực chính của nước ta, VN là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu lúa gạo, Những chú ý khi bón phân cho lúa sau đây sẽ giúp mọi người có cách nhìn khác về cách canh tác

I.      Những điều phải nhớ:

1. Nguyên tắc bón phân N: Nặng đầu nhẹ cuối

  • Bón đạm (N) theo nguyên tắc BỐN, BA, HAI, MỘT
  • 30-40% cho đợt 1 (7-10 NSS)
  • 30-40% cho đợt 2 (18-20 NSS)
  • 20% cho đợt 3 (đón đòng 40-50 NSS):khi có trên 2/3 ruộng lúa chuyển sang màu vàng tranh và nếu cần bón 10% cho đợt 4 lúc lúa trổ xẹt (60-70 NSS).

2. Nguyên tắc bón phân Lân (P): Bón sớm từ 0-22 NSS là dứt nếu ruộng có bị xì phèn thì cần thay nước, bón lân, xịt phân bón lá, chờ cho rễ ra trắng sau đó mới được bón Urê hay DAP.

3. Nguyên tắc bón phân Kali: Rất cần bón 50kg KCl vào đợt đón đòng, cho hiệu quả cao nhất. Trên đất xám, cát, gò rất cần bón thêm vào đợt 1 (7-10 NSS) 50 kg/ha KCl.

II.      Những điều nên làm:

  • Không nên ham phân, đặc biệt là không nên bón thừa phân Urê, DAP vào cuối vụ (lúc lúa làm đòng trở đi).
  • Bón đúng theo hướng dẫn: nặng đầu nhẹ cuối, bón đúng ngày và đúng loại, đúng lượng phân đã hướng dẫn.
  • Nên bón lân nung chảy (Ninh Bình, Vân Điển) từ 200-400 kg/ha cho xám bạc màu, đất phèn (bón lót hoặc bón thúc đợt 1).
  • Đối với phân đạm nên bón hơi thiếu đến vừa đủ sau đó bổ sung bằng phân bón lá.

III.      Những điều không nên làm:

  • Bón phân lai rai làm nhiều lần vì sẽ làm tăng nhánh vô hiệu, không có lợi.
  • Bón nhiều phân đạm, vượt quá yêu cầu của cây dẫn đến lốp đổ, nhiều sâu bệnh.
  • Bón phân lúc trời mưa hoặc ruộng khô nước.
  • Bón phân SA trên đất phèn.

IV.      Hướng dẫn quan trọng cho bón phân đợt 3:

Bón phân đợt 3 (đón đòng): theo nguyên tắc nhìn trời, nhìn đất nhìn cây mà bón

  • Nhìn trời: trời mưa, trời âm u hoãn bón.
  • Nhìn đất: có đủ nước hay không, có bị xì phèn hay không. Chỗ trũng bón nhẹ tay (vì hưởng các chất dinh dưỡng trên gò trôi xuống), chỗ gò: bón nặng tay vì bị rửa trôi bớt.
  • Nhìn cây: ngày bón cụ thể là khi trên ruộng lúa có trên 2/3 cây lúa đã chuyển sang màu vàng tranh (dao động từ 45-50 ngày sau sạ đối với lúa 90 ngày, nên nhớ phải đợi lúa chuyển vàng mới bón; nếu đợi đến sau 45-50 ngày lúa vẫn còn xanh đậm thì chỉ bón 50 kg KCl và không bón một hạt Urê nào, vì nếu thừa Urê sẽ làm cho lúa lốp, lép nhiều về sau và sinh nhiều sâu bệnh. Lưu ý chỗ lúa qúa tốt không bón thêm đạm (chỉ bón độc nhất Kali); chỗ lúa tốt vừa: sương nhẹ; chỗ lúa xấu: bón nặng tay hơn.

Cách bón cụ thể: 

Sử dụng 10 kg KCL bón vào những chổ lúa tốt, còn xanh. Sau đó lấy 40 kg KCL còn lại trộn đều với 40 kg Urê bón vào những chỗ còn lại theo nguyên tắc vá áo và nặng nhẹ đã nêu trên. Lưu ý, chỗ lúa tốt đã bón Kali rồi không bón thêm gì nữa.

(1) Bón phân cho lúa không chỉ là “kỹ thuật” mà còn là “nghệ thuật” của người nông dân. Các công thức phân nêu trên chỉ mang tính tham khảo dựa trên nhu cầu cần thiết cơ bản của cây lúa. Tùy theo tình trạng đất đai và tình trạng của cây lúa mà người nông dân có thể gia giảm lượng phân nguyên chất tổng số và lượng phân cho mỗi đợt bón. Lưu ý không để xảy ra hiện tượng thiếu và thừa dưỡng chất, đặc biệt đối với phân đạm.

(2) Để phát huy hiệu quả của phân bón cho cây lúa phải áp dụng liên hoàn nhiều biện pháp tổng hợp. Trong đó chú ý đến biện pháp làm đất hợp lý, bảo đảm độ tơi, xốp, bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất hợp lý. Không nên đốt rơm rạ vừa làm chất hữu cơ và mất chất đạm.

(3) Bổ sung lượng phân trung lượng (qua dạng phân bón rể hoặc bón lá) và phân vị lượng (tốt nhất là dạng phân bón lá). Vì những ruộng thâm canh lúa ở Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng đang thiếu hụt các chất trung và vi lượng trầm trọng do cây lúa bòn rút liên tục nhiều năm nhưng không được bồi hoàn trả lại.

(4) Nên phối trộn với các loại phân hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo đất để làm phong phú thêm nguồn vi sinh vật đất và hạn chế tác hại do ngộ độc hữu cơ khi cày vùi rơm rạ ngay sau khi thu hoạch và tiến hành sản xuất vụ lúa tiếp theo.

Nguồn: Agriviet.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa

Ốc bươu vàng chủ yếu phá hại lúa và hoa màu trồng dưới nước. Ốc ăn phiến lá và lá nõn cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.

Trứng ốc bươu vàng

Ốc gây hại nặng cho lúa bởi chúng có thể cắn trụi tới tận gốc khiến cây khó có khả năng phục hồi. Để diệt trừ có hiệu quả đối tượng dịch hại này, kỹ sư Nguyễn Văn Hà – Phòng Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau:
– Trước khi làm đất cần vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp sạch cỏ dại là nơi ốc cư trú lây truyền sang vụ sau. Dùng tay hoặc dùng lưới cào bắt ốc. Khi gieo sạ nên đánh rãnh thoát nước, ốc tập trung vào rãnh nên dễ dàng bắt ốc bằng tay.

Bẫy ốc bươu vàng bằng cọc và chai nhựa

– Cắm cọc ở các vùng trũng nhử ốc lên đẻ trứng để tiêu diệt. Khi đưa nước vào ruộng cấy hoặc cho nước vào ruộng lúa đang sinh trưởng, phát triển cần phải sửa dụng lưới chắn 3 lớp để ngăn ốc xâm nhập.
– Dùng mồi để dụ ốc tập trung ăn và bắt, mồi có thể dùng các loại thức ăn ốc thích như xơ quả mít, dây lá khoai lang, lá cây dâm bụt, rau diếp, rau xà lách, lá bắp cải…
– Quây ruộng có ốc, cho vịt vào nhốt không cho ăn trong một ngày, vịt sẽ mò bắt hết ốc nhỏ, trứng ốc trong ruộng.
– Khi mật độ ốc bươu vàng trên 2 con/m² thì bà con phải dùng thuốc hóa học để diệt trừ. Sử dụng các loại thuốc ít độc hại với tôm, cá như: Dioto 250EC, Pazol 700WP, Clodan supe 700WP, Mosade 70WP. Phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Thời điểm phun thuốc tốt nhất là trước khi cấy lúa hoặc sau khi lúa hồi xanh, nên tháo cạn ruộng xâm xấp nước, sau 24 giờ phun thuốc mới cho thêm nước để cấy hoặc dưỡng lúa. Bà con nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát là lúc ốc bươu vàng hoạt động mạnh nhất để tăng hiệu quả của thuốc.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng lúa cấy (Phần 1)

1. Chuẩn bị hạt giống

Nhà nông có câu ”Tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”. Yếu tố đầu tiên đảm bảo cho cây lúa khỏe cần phải có hạt giống tốt. Gieo trồng hạt giống tốt là điều kiện cần thiết để cây lúa khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh và vượt qua được biến động bất lợi của điều kiện môi trường từ đó mới có thể cho năng suất, chất lượng cao.

Lúa giống

Để có hạt giống tốt đối với những hộ nông dân tự làm giống phải tuân thủ quy trình sản xuất và bảo quản giống do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định. Nếu không tự sản xuất được thì phải mua hạt giống tại những cơ sở cung cấp giống tin cậy.
Hạt giống khỏe phải đảm bảo những yêu cầu sau:

  • Hạt giống phải khô, sạch, chắc mẩy, thuần, đúng giống, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn những hạt giống khác, không bị lẫn hạt cỏ và tạp chất, không có hạt lem, lép và không bị dị dạng
  • Hạt giống không bị côn trùng phá hoại (sâu mọt), không mang mầm bệnh nguy hiểm.
  • Tỉ lệ nảy mầm cao, đạt 85% trở lên.
  • Số lượng hạt giống/đơn vị diện tích: Tùy theo mùa vụ và trọng lượng 1000 hạt của giống để tính lượng hạt giống cần cấy (Trọng lượng 1000 hạt lớn, lượng hạt giống cần nhiều hơn hạt giống có trọng lượng 1000 hạt thấp). Thông thường lượng hạt giống cần thiết:

– Vụ xuân: 2- 2,5 kg hạt giống/ sào Bắc bộ

– Vụ mùa: 1,5- 2 kg hạt giống/ sào Bắc bộ

Lưu ý: Đối với lúa lai chỉ cần 1 kg hạt giống/ sào Bắc bộ

2. Ngâm ủ hạt giống

Thực hiện tốt các khâu kỹ thuật ngâm ủ hạt giống sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao, loại bỏ được một số loại bệnh hại và kí sinh trên hạt.

  • Phơi lại hạt giống: Hạt giống cần phơi lại 6- 8 giờ trong nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng). Phơi lại có tác dụng làm cho hạt hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men, tăng khả năng nảy mầm.
  • Thử tỷ lệ nảy mầm: Chọn hạt tốt, loại bỏ hạt lép lửng bằng nhiều cách: Bằng quạt gió, sàng sảy hoặc trong quá trình ngâm nước cần vớt hết những hạt nổi và giữ lại hạt chìm (hạt tốt).
  • Xử lí hạt giống: Có thể sử dụng một trong các phương pháp sau:

+ Xử lí bằng nước nóng 54°c ( pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh): Ngâm hạt vào nước lạnh 24 giờ, sau đó đưa vào nước nóng 45- 47°°c trong 5 phút và cuối cùng là nước nóng 54- 55°c trong 10 phút. Phương pháp này đơn giản nhất, có tác dụng trừ nấm bệnh và tuyến trùng trên hạt, tạo cho hạt hút nước nhanh
+ Xử lí bằng nước vôi: Hòa tan 1kg vôi sống vào 100 lít nước, ngâm 1-2 ngày ở vụ mùa, 3-4 ngày ở vụ xuân, đãi sạch rồi ủ thúc mầm.
+ Xử lí bằng hoá chất Formalin: Dung dịch 2% phun vào hạt giống ( 5 lít dung dịch cho 50 kg hạt giống), ủ kín 3 giờ, đãi sạch rồi thúc mầm.

Đối với hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nảy mầm. Dùng a xít nitric 0,2% (lượng dùng 100 ml dung dịch cho 1,2- 1,4 tạ hạt giống) để xử lý phá ngủ hoặc dùng supe lân để thay thế.

  • Ngâm ủ hạt giống
    – Ngâm hạt: Để hạt nảy mầm cần phải ngâm hạt hút đủ độ ẩm cần thiết. Thời gian ngâm tùy thuộc nhiệt độ, 1-2 ngày ở vụ mùa, 2-3 ngày ở vụ đông xuân. Trong quá trình ngâm, hạt hô hấp yếm khí, thiếu ô xy làm nước chua, cần phải thay nước mỗi ngày một lần.

Ngâm ủ hạt giống

– Ủ thúc mầm: Sau khi hạt đã hút đủ nước, đem ủ, để hạt nảy mầm. Trong quá trình ủ, nên định kỳ vảy nước và trộn đảo hạt để hạt nẩy mầm đều.
– Khi hạt đã nhú mầm, nên xen kẽ “ngày ngâm đêm ủ” để phát triển cân đối mầm và rễ. Vụ mùa, hè thu chỉ cần ủ nứt nanh, vụ đông xuân cần có mầm dài hơn.

3. Các phương thức làm mạ

Tùy điều kiện đất đai và thời tiết, có thể làm mạ bằng nhiều phương pháp khác nhau:

  • Mạ dược:
    Là hình thức phổ biến nhất. Ruộng mạ được giữ nước, làm đất kỹ, trang phẳng rồi lên luống, gieo hạt đã nảy mầm, giữ ẩm thời kỳ đầu sau đó mới tưới nước cho đến lúc cấy.
  • Mạ sân (mạ nền):

Những năm rét nhiều ở vụ xuân, mạ dược thường chết gây thiêu mạ, phảI khắc phục bằng làm mạ sân (Thường là vụ xuân muộn).

Xuất phát từ kinh nghiệm làm mạ Dapog của Philippin. Làm đất khô trước khi gieo, lót giấy PE hoặc lá chuối, rải một lớp đất bột mỏng rồi gieo hạt, tưới ẩm. Mạ Dapog gieo dày (2-2,5 Kg/m2), tuổi mạ 10-15 ngày.

Có thể cải tiến phương pháp này bằng cách trước khi gieo mầm, rải một lớp bùn mỏng lên sân hay lên nền đất cứng ở bờ mương, ven đường. Nếu đất xấu có thể trộn thêm phân chuồng mục đã ủ với lân. Gieo hạt đã xử lí, ngâm ủ. Mật độ gieo từ 1,0-1,5kg/m2. Tưới giữ ẩm, che nilon tránh gió lạnh. Khi mạ 2,5-3 lá là nhổ cấy được. Khi lấy mạ bứng cả mảng. Khi cấy tách thành các khóm nhỏ. Mạ sân bén rễ nhanh, không thua kém mạ dược.

  • Mạ khô (mạ đồi, mạ nương):
    Làm đất khô, gieo sâu 2-3 cm (hoặc chọc lỗ bỏ hạt) dùng cào, bừa răng lấp hạt…ở đồng bằng, làm đất nhỏ lên luống, gieo hạt, lấp một lớp đất bột mỏng và tưới ẩm. Loại mạ này, sau cấy bén rễ nhanh, mọc khỏe.
  • Mạ nổi (mạ bè):

Phổ biến ở vùng đất trũng không làm được mạ dược (mạ nước). Lấy rơm cỏ kết thành bè rộng 1-1,2 m, nổi lên 3-5 cm, dùng đất sét, bùn loãng rải lên rồi gieo mầm.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.

Các biện pháp hạn chế lúa đổ ngã

Các giải pháp cơ bản là làm sao giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt ngay từ đầu, rễ ăn sâu, thân cứng, lá đứng, tán lá gọn, năng suất cao nhưng ít đổ ngã bao gồm các biện pháp kỹ thuật liên hoàn như sau:

Lúa bị đổ ngã gây thiệt hại lớn cho người nông dân

1. Làm đất – chuẩn bị ruộng:

Sau thu hoạch vụ trước cần tiến hành cày ải, phơi đất sau vụ lúa ĐX còn có tác dụng cắt đứt mao quản phèn (tránh xì phèn) giúp cho bộ rễ phát triển thuận lợi ngay từ đầu (chống ngộ độc phèn) rất tốt. Có thể dùng nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ (mau ngấu rạ) chống ngộ độc hữu cơ.

Lưu ý: phải cải tạo mặt bằng đồng ruộng tốt (có thể áp dụng việc san phẳng mặt bằng bằng tia laser là một tiến bộ kỹ thuật), ruộng có mặt bằng tốt dễ quản lý nước, bón phân có hiệu quả giúp lúa phát triển đồng đều dễ đạt năng suất cao. Vùng có nước lũ nên tận dụng đưa nước lũ vào ruộng, lấy phù sa, xả bớt phèn là hết sức cần thiết.

Cần củng cố hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng (chủ động nước), gia cố các bờ ruộng (tránh mất nước do rò rỉ) cần phải làm cẩn thận trước khi vào vụ và củng cố thường xuyên. Chủ động nước là giải pháp cơ bản để quản lý nước theo quy trình ở mục 6 dưới đây là rất cần thiết.

2. Chọn giống:

Chọn các giống lúa cứng cây, có bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh khá, tán lá gọn, giấu bông, ít đổ ngã, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt (để xuất khẩu, dễ bán). Các tiêu chuẩn khác cần xem xét đó là tính thích nghi rộng, chịu phèn, chịu mặn, kháng một số sâu bệnh chính, có thời gian sinh trưởng phù hợp với hệ thống canh tác của vùng.

Khuyến cáo nên sử dụng giống xác nhận (không lấy lúa thịt để làm giống).

3. Sạ thưa – sạ hàng:

Khuyến cáo sạ thưa, sạ hàng (80-100kg/ha) để lúa phát triển thuận lợi, rễ sẽ ăn sâu hơn. Sạ dày (>150 kg/ha) nhất là vào vụ HT, TĐ thiếu ánh sáng lúa sẽ mọc vống lên cao, giành ánh sáng (lo phát triển chiều cao, rễ kém phát triển) dễ đổ ngã.

4. Xử lý hạt giống:

Xử lý bằng các hoạt chất (như K-Humate, Vipac 88 …) làm tăng sức nảy mầm, độ nảy mầm của hạt giống, tăng sức chống chịu của hạt giống với điều kiện bất lợi của đất đai, thời tiết.

5. Bón phân:

Tăng cường các loại phân bón giúp cho tốt rễ ngay từ đầu như bón phân hữu cơ, phân lân, phân Silica. Trên đất phèn nên bón lót phân lân nung chảy (khoảng 200-400 kg/ha) là biện pháp chủ động hạ độc phèn, cung cấp lân sớm cho bộ rễ phát triển ngay từ đầu có hiệu quả rất tốt.

Chú ý bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm vào giai đoạn đòng trở đi (nên bón phân đón đòng theo kỹ thuật không ngày, không số). Lưu ý: Bón phân đợt 2 không chờ cấy dặm, bón đúng ngày 18-22 NSS (đối với lúa 90 ngày) và gia giảm theo tình hình sinh trưởng của lúa: (i) lúa phát triển bình thường bón 1 bao ure + 1 bao DAP (II) lúa phát triển kém bón 60-70 kg ure + 60-70 kg DAP (iii) lúa phát triển tốt bón 30 kg ure + 30 kg DAP.

Có thể bón phân Silica 3 giai đoạn (i) Cây con 7-10 NSS: 25-50 kg/ha (ii) Đẻ nhánh 18-22 NSS: 25-50 kg/ha (iii) Làm đòng 40-45 NSS: 25-50 kg/ha để tăng cường độ cứng của cây, hạn chế đổ ngã.

Khi lúa bị ngộ độc phèn cần xử lý theo 5 bước (i) xả nước, thay nước mới (ii) bón phân lân dưới gốc (lân nung chảy hay super lân 20-30 kg/công) (iii) phun phân bón lá giàu lân (như Hydrophos) hoặc phun Vina Super Humate (K-Humate) có thể phun liên tiếp 2 lần cách nhau 3 ngày/lần (iv) chờ đợi 3-5 ngày sau nhổ lúa lên thấy rễ mới mọc ra thì việc cứu lúa đã thành công (v) tiếp tục chăm sóc, bón phân theo quy trình. Trong thời gian lúa bị ngộ độc phèn tuyệt đối không được bón phân ure lúa sẽ bị ngộ độc và chết nhanh hơn.

Bón phân rước hạt (lúc lúa cong trái me: 72-75 NSS) xử lý theo 2 tình huống sau: (i) nếu 3 lá đòng trên cùng còn xanh, không cần bón phân gốc chỉ phun xịt phân bón lá giàu kali (như Vina Super Humate, K-Humate, HK 7-5-44 …) (ii) nếu 3 lá đòng trên cùng bị vàng à bón 2 kg ure/công hoặc phun phân bón lá + 1 muỗng canh ure/bình 16 lít (xịt chỗ lúa bị vàng) rất có hiệu quả.

Nên sử dụng các loại phân bón lá kích kháng (Vina Super Humate, K-Humate) phun xịt cho lúa theo quy trình 4K (cây con, đẻ nhánh, trước trổ, sau trổ) hoặc 7K (như 4K + thêm giai đoạn 15 NSS, 30 NSS và làm đòng 40-45 NSS) có hiệu quả làm lúa cứng cây, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, giảm phân bón gốc 20-30%.

Không nên dùng 2,4D, Bonsai để phun cho lúa sạt bẹ giúp lúa cứng cây như nông dân thường làm (nguy hiểm), tốt nhất là không nên bón dư phân. Khi lúa bị dư phân (hoặc lúa chỗ trũng quá tốt) nên cắt nước, phun Silica Potass (chứa Silic và Kali) giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã.

6. Quản lý nước:

Nên cắt nước lúc lúa đã đẻ kín hàng (30-32 NSS), giúp rễ lúa ăn sâu, lúa cứng cây, làm đòng thuận lợi. Nến áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm (ướt khô xen kẽ) từ giai đoạn lúa làm đòng đến chín sáp.

Nên cắt nước trước lúc thu hoạch (i) 7-10 ngày trong điều kiện bình thường (ii) 10-15 ngày nếu ruộng trũng, lúa quá tốt (iii) 5-7 ngày nếu đất cát, đất giồng nước rút nhanh.

7. Thời vụ:

Vụ ĐX ít đổ ngã hơn vụ HT và TĐ (do lúc lúa trổ – chín ít mưa, gió, bão). Do đó cần quan tâm đầy đủ các giải pháp nêu trên để hạn chế lúa đổ ngã ở vụ mùa mưa (HT, TĐ) nhiều hơn là vụ ĐX.

8. Thu hoạch đúng độ chín:

Nên thu hoạch đúng độ chín (khi lúa đã chín 85-90%) lúa ít đổ ngã và năng suất, chất lượng đạt cao nhất.

Nguồn: Trongtrot.lamnghenong.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nguyên nhân lúa bị đổ ngã

Khi lúa bị đổ ngã sẽ gây nhiều thiệt hại cho người nông dân, ngoài việc làm tăng chi phí do thu hoạch khó khăn hơn, lúa bị đổ ngã sớm còn làm giảm năng suất, làm tăng tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch và giảm chất lượng nông sản do bị ướt và dính bùn.

Hiện tượng lúa bị đổ ngã có nhiều nguyên nhân, có thể liệt kê một số nguyên nhân chính như sau:

A. Nguyên nhân khách quan

1. Do điều kiện thời tiết bất lợi: Nguyên nhân này rất dễ thấy, nhất là trong vụ Hè thu hoặc Thu Đông, tiết trời thường âm u, mưa nhiều, thiếu ánh sáng nên cây lúa có khuynh hướng tăng trưởng theo chiều cao, khi gặp mưa to và gió lớn, đôi khi cả lốc xoáy, nếu cây lúa đang giai đoạn chín sữa trở đi rất dễ bị đổ ngã do mất cân đối trọng lượng giữa phần gốc và phần ngọn.

2. Do thế đất thấp – trũng: Trên những chân ruộng thấp – trũng, nước ngập sâu liên tục, lúa thường vóng cao, thân mềm yếu, vừa dễ bị đổ ngã, vừa dễ bị các loại sâu bệnh tấn công như: Rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn …

B. Nguyên nhân chủ quan:

1. Do bón phân không cân đối: Trường hợp này rất thường gặp trên những chân ruộng nghèo lân, ka-li và can-xi, hoặc đất có hàm lượng mùn cao, nếu bón phân đạm quá nhiều không cân đối với lân và nhất là ka-li, sẽ dẫn đến hiện tượng lúa bị lốp đổ. Chúng ta đều biết đạm là nguyên tố giúp cây trồng phát triển về chiều cao thân lá, làm các tế bào dài ra nhanh, nhưng thành vách tế bào lại non yếu vì chưa tích lũy kịp xenllulo, rất dễ bị đổ ngã khi không có đủ các nguyên tố khác giúp cây trồng cứng chắc và phát triển hài hòa, cân đối với đạm, đó là Lân, Ka-li và Can-xi.

2. Do giống lúa: Đối với những giống lúa yếu cây, chịu phân kém mà chúng ta không có sự điều chỉnh, vẫn bón phân bình thường như những giống lúa khác hoặc sạ quá dầy cũng làm lúa dễ bị đổ ngã.

3. Do bị nhiễm bệnh: Những ruộng bón thừa đạm, sạ dày, hoặc ngập nước liên tục, khi gặp thời tiết ẩm ướt (mưa nhiều hoặc sương mù nhiều) rất dễ bị các loại nấm bệnh tất công như: Đạo ôn, Khô vằn, Vàng lá chín sớm làm khô lá chân, do đó mức độ đổ ngã càng nghiêm trọng hơn.

Nguồn: Trongtrot.lamnghenong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

 

Kỹ thuật gieo và chăm sóc cây lúa cao sản

Cây lúa là một trong năm loại cây lương thực hàng đầu Thế giới, cùng với ngô, lúa mì, sắn và khoai tây. Lúa là cây lương thực chính nuôi sống con người (40% dân số thế giới coi lúa là lương thực chính). Tổ chức dinh dưỡng quốc tế gọi hạt gạo là “hạt của sự sống”. Lúa có đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, protein, lipid, xenlulozo, … Ngoài việc sử dụng làm lương thực, gạo và các sản phẩm phụ khác còn được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau.

Cây lúa – Cây lương thực hàng đầu Thế giới

Cây lúa xuất xứ từ vùng nhiệt đới nên vùng khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho cây phát triển. Mỗi giống lúa có một nhu cầu về tổng tích nhiệt nhất định và thường: những giống ngắn ngày nhu cầu tổng tích nhiệt từ 2.500-3.000°C, giống trung ngày từ 3.000-3.500°C và giống dài ngày từ 3.500-4.500°C. Căn cứ vào chỉ tiêu này mà lựa chọn giống theo cơ cấu mùa vụ cho phù hợp (Nếu thời gian mùa vụ ngắn và nền nhiệt độ thấp, nên chọn giống có tổng tích nhiệt thấp. Nếu thời gian mùa vụ dài và nền nhiệt độ cao, nên chọn giống có tổng tích nhiệt cao. Và cũng có thể căn cứ vào tổng tích nhiệt của giống để điều tiết các trà cấy trong vụ).

Dưới đây là một số kinh nghiệm chia sẻ về kỹ thuật gieo và chăm sóc cho lúa

1. Làm đất

Đất lúa cần phải được cày, bừa kỹ và nên tranh thủ làm sớm sau khi thu hoạch. Tùy thuộc địa hình và chân đất mà nên làm ruộng theo kiểu (làm dầm hay làm ải). Ruộng làm dầm phải giữ được nước, ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt nên cày đảo ải và tiến hành đổ ải trước cấy 5-7 ngày. Làm ải giúp tăng cường quá trình giải phóng dinh dưỡng trong đất, đồng thời hạn chế các độc tố gây hại cây trồng và giúp tiêu diệt tàn dư dịch hại trong đất. Thực tế trong sản xuất cha ông ta đã có câu “Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”.

Cải tạo đất trồng lúa

Đất lúa phải được cày sâu, bừa kỹ cho thật nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng giúp thuận lợi cho cấy và điều tiết nước. Yêu cầu đất lúa trước khi cấy phải sạch gốc rạ và cỏ dại (lúa cấy mạ non ruộng càng phải được làm kỹ, mặt ruộng phải phẳng hơn và để mức nước nông) giúp lúa cấy xong phát triển thuận lợi.

2. Gieo cấy, trồng lúa

– Tuổi mạ: Tuổi mạ cấy tùy thuộc vào giống, thời vụ và phương pháp làm mạ. Để tính tuổi mạ có thể dùng ngày tuổi hoặc số lá. Ở vụ mùa tính tuổi mạ theo ngày tuổi (15-18 ngày), còn ở vụ đông xuân theo số lá (mạ dược 5-6 lá, mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng 2-3 lá).

Gieo lúa

– Mật độ cấy: Vụ có nhiệt độ thấp cấy dầy hơn vụ có nhiệt độ cao (cấy 1-2 dảnh/khóm); vụ xuân cấy mật độ: 40-45 khóm/m2; vụ mùa cấy mật độ: 35- 40 khóm/m2

– Kỹ thuật cấy: Cấy thẳng hàng, cấy nông 2-3 cm, cấy sâu sẽ làm cho lúa phát sinh 2 tầng rễ, các mắt đẻ ở vị trí thấp sẽ không phân hoá được mầm nhánh, lúa đẻ nhánh kém, số nhánh hữu hiệu giảm. Vụ chiêm xuân nhiệt độ thấp cần phải cấy sâu hơn vụ mùa để hạn chế tỷ lệ chết rét “Chiêm đào sâu chôn chặt, mùa vừa đặt vừa đi”.

3. Bón phân cho lúa

– Cải tạo đất

Độ chua và hàm lượng mùn của đất có tác động nhiều đến các đặc tính lý, hóa và sinh học đất, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dinh dưỡng khoáng của cây lúa. Nhìn chung đất trồng lúa của chúng ta có phản ứng chua, nghèo mùn (pH từ 4,5-5,5), trong khi pH thích hợp nhất cho cây lúa sinh trưởng, phát triển là 5,5-6,5.

Bón phân cho lúa

Vì vậy, cần thiết phải cải tạo pH đất căn cứ độ chua đồng ruộng hiện nay lượng bón dao động từ 18-27 kg/sào 360m2; 25-37kg/sào 500m2; 500-750kg/ha (pH>5 bón mức tối thiểu; pH<5 bón mức tối đa) và cải thiện hàm lượng mùn cho đất bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ từ 3,0-3,5 tạ/sào 360m2; 4,0-5,0 tạ/sào 500m2; 8-10 tấn/ha.

Cách bón: Bón kết hợp phân chuồng trước khi cày bừa lần cuối

– Cung cấp dinh dưỡng cho lúa

Để tạo ra 1 tấn thóc cây lúa hút 24-28 kg N; 7- 9 kg P2O5 ; 28-32 kg K2O; 40-50 kg SiO2 và nhiều nguyên tố trung, vi lượng khác. Cây lúa có hai thời kỳ sinh trưởng quan trọng và mẫn cảm với phân bón mà nếu thiếu hụt sẽ khó có thể được bù đắp (thời kỳ đẻ nhánh và thời kỳ phân hóa đòng). Do vậy, phân bón cho lúa phải đáp ứng đầy đủ và cân đối các yếu tố dinh dưỡng, đồng thời phải cung cấp đúng thời điểm mới có thể cho năng suất tối ưu.

Bón lót: nhằm cung cấp đầy đủ và cân đối nhu cầu dinh dưỡng khoáng cho cây, giúp cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh bước vào thời kỳ đẻ nhánh thuận lợi hơn. Lượng dùng: 18-22kg/sào 360m2; 25-30kg/sào 500m2; 500-600kg/ha.

+ Bón thúc lần 1 (thúc đẻ nhánh): bón thúc đẻ nhánh (bón sau cấy 7-10 ngày), kết hợp làm cỏ sục bùn giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, đạt tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao. Lượng dùng: 10-15kg/sào 360m2; 15-20kg/sào 500m2; 300-400kg/ha.

+ Bón thúc lần 2 (thúc phân hóa đòng): bón vào giai đoạn lúa đứng cái (30-35 ngày sau cấy) giúp tăng số hạt và chiều dài bông lúa. Lượng dùng: 7-10kg/sào 360m2; 10-15kg/sào 500m2; 200-300kg/ha.

4. Quản lý nước

Vụ xuân nên lấy nước làm áo, sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng, vừa giữ ấm cho cây lúa giúp cây nhanh bén rễ hồi xanh đồng thời thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng.

Khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh thực hiện phương châm quản lý nước theo công thức: Nông – Lộ – Phơi. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình  hô hấp của cây, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung (không để ruộng khô nhằm hạn chế cỏ mọc nhiều). Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và chống đổ cho cây về sau.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kiên trì làm lúa chuẩn Global G.A.P

HTX Mỹ Thành (ấp 5, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vừa tiếp tục được tái cấp chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global G.A.P) năm 2017 cho vùng nguyên liệu gần 100ha lúa.

Ông Nguyễn Khắc Lân, Phó tổng giám đốc IQC trao giấy chứng nhận Global G.A.P cho Cty ADC và HTX Mỹ Thành Nam giấy chứng nhận Global G.A.P

Mỹ Thành Nam đươc đánh giá là HTX kiểu mẫu với sự hợp tác của bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh (doanh nghiệp) đồng thời được tổ chức quốc tế chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Tất cả các thành viên của HTX đều tham gia trồng lúa và đạt chuẩn Global G.A.P và đều yên tâm về đầu ra vì đã có phía doanh nghiệp, cụ thể là Cty TNHH ADC thu mua với mức gia cao hơn lúa thị trường.

Toàn bộ lúa thu hoạch từ vùng nguyên liệu chuẩn Global G.A.P Mỹ Thành Nam không còn tồn dư thuốc BVTV, truy xuất được nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe người dùng; đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Trước đó, xã Mỹ Thành Nam và Cty TNHH ADC đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận Global G.A.P tại vùng nguyên liệu lúa của mình vào ngày 12/2/2009.

Ruộng sản xuất theo Global G.A.P quản lý dịch hại tốt hơn, lúa phát triển tốt, khỏe hơn rõ rệt; chi phí sản xuất giảm hơn nhiều so với ruộng thông thường; năng suất và chất lượng lúa tăng nên bán được giá cao hơn so với lúa thông thường. Nông dân trồng lúa Global G.A.P có lợi nhuận tăng lên ước khoảng 20%/năm.

Mặc dù việc làm lúa theo chuẩn Global G.A.P và duy trì việc tái cấp chứng nhận Global G.A.P đòi hỏi rất nhiều công sức và chi phí nhưng với sự đồng hành phối hợp của Cty TNHH ADC, nông dân Mỹ Thành Nam đã kiên trì thực hiện cho đến nay.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Mỹ Thành Nam cho biết: “Chúng tôi đã duy trì làm lúa chuẩn Global G.A.P cùng Cty TNHH ADC từ năm 2009 đến nay vì có nhiều lợi ích: Nông dân được ADC cung cấp giống chuẩn, đầu tư phân thuốc, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo chuẩn Global G.A.P; đồng thời doanh nghiệp cũng bao tiêu toàn bộ lúa với giá cao hơn thị trường. Làm lúa theo mô hình này, lợi nhuận của nông dân cao hơn hẳn so với làm lúa thông thường.”

Ông Huỳnh Phương Nam, xã viên HTX Mỹ Thành Nam chia sẻ thêm: “Tham gia mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn Global G.A.P, tôi thấy chi phí đầu tư cho sản xuất như phân thuốc, vật tư nông nghiệp giảm hẳn; hạn chế sâu bệnh; năng suất lúa tăng lên cả trong những vụ nghịch mùa; chất lượng hạt lúa tốt hơn và lợi nhuận được nhiều hơn hẳn”.

Ông Nguyễn Văn Chớ, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam khẳng định, thời gian qua mô hình trồng lúa theo chuẩn Global G.A.P đã đem lại lợi ích cho xã viên rất nhiều. Họ được cung ứng giống chất lượng cao; giảm chi phí sản xuất, giảm phân thuốc trong quá trình canh tác; chất lượng, sản lượng cao hơn và còn được bao tiêu lúa với giá cao hơn; so với lúa thường. Tôi đánh giá cao sự phối hợp, đầu tư, hỗ trợ dành cho nông dân của ADC. Sắp tới, Đảng ủy xã sẽ có chỉ đạo cụ thể cho ủy ban, các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động xã viên tham gia mô hình này nhiều hơn nữa; để tăng lượng xã viên và diện tích trồng lúa Global G.A.P trên toàn xã.

Nông dân xã Mỹ Thành Nam thu hoạch lúa chuẩn Global G.A.P

Đặc biệt, ngoài giống lúa chất lượng cao OM5451, vùng nguyên liệu Mỹ Thành Nam là nơi duy nhất sản xuất ra loại lúa dược liệu có tên lúa Cẩm Cai Lậy nổi tiếng từ ngày xưa và được nhiều người biết đến. Đến nay, Cty ADC là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất loại lúa này trong vùng nguyên liệu Global G.A.P Mỹ Thành Nam và chế biến thành gạo với tên thương mại là “Gạo đen Trường Thọ”.

Các nhà nghiên cứu về lúa gạo, thực phẩm gọi đây là loại gạo dược liệu bởi trong đó chứa đa dạng thành phần dinh dưỡng, đồng thời còn chứa rất nhiều acid amin quý hiếm; giúp phòng ngừa và giảm tác hại của nhiều căn bệnh thời đại như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Hàm lượng chất chống ôxy hóa trong gạo đen Trường Thọ còn cao hơn nhiều hơn so với trái Việt quất.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ chuột hại lúa xuân

Chuột có tính đa nghi cao, thần kinh khứu giác và vị giác rất phát triển, tập tính hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó diệt trừ. Chuột có vòng đời từ 370 – 420 ngày. Rất mắn đẻ. 1 con chuột cái trung bình đẻ 3 – 4 lứa/năm, mỗi lứa đẻ được 5 – 10 con.

Chuột con sau 2 – 3 tháng tuổi đã có thể sinh sản, đẻ quanh năm, sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 – 10. Chuột có đặc điểm sống theo bầy đàn, chúng thường di chuyển theo lối mòn, có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn, bán kính hoạt động gây hại lớn trên diện tích rộng. Chuột thường đào hang làm tổ trên các bờ mương, bờ ruộng, gò đống, nghĩa địa; đặc biệt ở nơi có nhiều bụi cây. Chúng gặm nhấm liên tục để mài mòn răng nên tác hại gây ra là rất lớn.

Chuột chủ yếu hoạt động và phá hại vào ban đêm. Trên ruộng, chuột hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nặng nhất vào giai đoạn trổ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang hạt lúa. Trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Ở giai đoạn hình thành đòng, chuột cắn thủng bẹ để ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chuột vít dãnh lúa để ăn hạt, dãnh bị hại thường bị cắn đứt, chỉ còn một phần nhỏ dính vào thân. Vết cắn của chuột ở ngay dưới gốc lúa nên dễ phân biệt thiệt hại do chuột hay do sâu đục thân gây ra (cả hai đối tượng này đều gây bông bạc cho lúa khi trỗ). Nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi tạo ra những dãnh mới, nhưng khi chín sẽ không đều. Nếu bị hại muộn, lúa không phục hồi được, không cho năng suất. Ngoài việc cắn phá lúa, chuột còn đào hang trên đê, bờ ruộng, bờ đập… làm cho nước trong ruộng bị thất thoát.

Công tác phòng trừ mang lại hiệu quả cao nhất bởi vì trên đồng ruộng sau khi thu hoạch vụ mùa và vụ đông, nguồn thức ăn khan hiếm khiến chuột đói, mặt khác khi lấy nước vào đồng các hang lỗ bị ngập nước, mất nơi cư trú, làm chúng chạy nên bờ.

Điều cần quan tâm trước tiên khi đề cập đến công tác diệt chuột là cần tiến hành sớm ngay từ đầu vụ, cần làm đồng loạt, liên tục và đều khắp. Phải ý thức công tác phòng trừ chuột phục vụ lợi ích cho toàn xã hội, do đó cần nhấn mạnh sự tham gia của toàn cộng đồng, bao gồm chính quyền và mọi công dân. Vì vậy để phát hiện sớm cần thăm đồng thường xuyên, lội vào giữa ruộng và phát hiện dãnh bị chuột phá. Trong một số trường hợp, chuột phá hại trên diện rộng, có thể gây mất trắng trên cả 1 vụ lúa.

– Vệ sinh đồng ruộng: cần hạn chế nơi cư trú của chuột bằng cách phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ ruộng, bờ mương, không để hoang hóa, tìm và phá các ổ chuột ở bờ ruộng ngay từ đầu vụ. Sau thu hoạch có thể dọn sạch rơm rạ, đốt đòng để hạn chế nơi cư trú của chuột.

– Thời vụ: Cần xác định thời vụ cho phù hợp với địa phương, nên gieo trồng và thu hoạch đồng loạt.

– Cơ cấu cây trồng: không nên trồng quá nhiều loại cây trồng trên đồng ruộng như khoai mì, bắp, đậu, mía… hay trồng giống lúa quá ngắn ngày, tạo điều kiện cho nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột.

– Bảo vệ thiên địch của chuột bao gồm: rắn, trăn, mèo, chó, chim cắt, cú mèo, diều hâu.

– Dùng bẫy cây trồng để bắt chuột từ đầu vụ.

– Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng-trổ, để hạn chế chuột làm tổ ven bờ, lợi dụng nước lớn, gom chuột lên chỗ cao, rồi tổ chức săn bắt.

– Săn bắt chuột bằng nhiều biện pháp như đào hang, đổ nước, bẫy, xông khói, chó săn chuột. Cần lưu ý tuyệt đối không dùng điện để bắt chuột vì rất nguy hiểm đến sinh mạng con người.

– Do chuột có tính đa nghi, nên khi đánh bã chuột cần làm cẩn thận, nếu không sẽ gây ra hiện tượng nhát bã, dùng lúa mộng và sáp trộn thức ăn gia súc làm mồi sẽ hấp dẫn chuột nhiều nhất. Hiện nay, sử dụng thuốc Rakumin để diệt chuột có hiệu quả cao nhất.

– Nhiều nông dân có những kinh nghiệm trừ chuột rất hiệu quả như trộn hạt bã đậu vào thức ăn chuột, rải dầu nhớt có trộn thuốc trên đường đi của chuột (do chuột có tập tính liếm lông), rào nylon quanh ruộng, đào hố, rồi dùng âm thanh đuổi bắt chuột…

Các địa phương nên căn cứ vào lịch lấy nước đổ ải để có kế hoạch phòng trừ cụ thể, kết hợp việc phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột, thông báo rộng rãi cho nhân dân biết thời gian và địa điểm để chủ động nhốt gia súc, gia cầm. Không đặt bả gần nguồn nước, các bãi chăn thả gia súc, gia cầm.

Chỉ nên dùng các loại có độc tính thấp thuộc nhóm chống đông máu được phép sử dụng tại Việt Nam như Rat K, Storm, Rambat2 % D…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.