Vỗ béo, thụ tinh nhân tạo ở đàn bò

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi mà Bộ NN-PTNT đang triển khai, giống là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi, vì vậy việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề nhằm nâng cao chất lượng bộ giống Quốc gia. Dù vậy, quy trình TTNT chưa được áp dụng rộng rãi, thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò đã lâu nhưng đến năm 2016 mới chỉ đạt 57%, riêng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 21%.

“Sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả cao, công nghệ chuyển giao đơn giản, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian nuôi giúp cho người nông dân nâng cao ít nhất giá trị kinh tế từ 10 – 15% so với phương thức truyền thống.

Từ những lý do đó, việc triển khai dự án là cần thiết tại các cùng chăn nuôi chính, góp phần chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức bán thâm canh và thâm canh hàng hóa”, bà Hạnh chia sẻ.

Đối với mô hình cải tạo đàn bò ưu tiên lựa chọn các xã có tỷ lệ bò lai thấp, chủ yếu đang áp dụng bằng phương pháp phối giống trực tiếp, đảm bảo số lượng bò cái nền đạt tiêu chuẩn, nằm trong độ tuổi sinh sản. Tương tự, bò tham gia mô hình vỗ béo phải đảm bảo đúng đối tượng, không sử dụng vào mục đích cày kéo, vắt sữa, sinh sản. Từ những yếu tố trên, dự án đã sàng lọc và lựa chọn được 630/856 hộ đăng ký, chiếm tỷ lệ 73,6% thực hiện trình diễn trên 9 mô hình, bao gồm 4 mô hình cải tạo và 5 mô hình vỗ béo.

Năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội hơn

Tham gia mô hình, các hộ phải tự đối ứng 50%, phần còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ. Cụ thể 1 con bò cái nền có chửa được cấp 120 kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều tinh, 0,5 lít nitơ; với bò vỗ béo là 135kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều thuốc nội ký sinh trùng, 0,5 liều thuốc ngoại ký sinh trùng, 0,5 liều sán lá gan.

Đặc biệt, tại mỗi điểm trình diễn sẽ có 2 cán bộ chuyên ngành chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ cũng như theo dõi tình hình sinh trưởng của đàn bò.

Ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với trước đây. Áp dụng phương pháp nhân giống bằng TTNT giúp tăng nhanh tổng đàn, cải thiện khả năng di truyền. Với 616 con bò được TTNT, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ cho ra đời số bê lai tương ứng. Qua khảo sát cho thấy, mỗi con bê lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/con,

Trong khi đó, bò vỗ béo được tiêm, tẩy nội ngoại ký sinh trùng từ trước, kết hợp với việc sử dụng lượng thức ăn xanh hợp lý nên tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740,1 gr/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40,1 gr/con/ngày, tương ứng 5,7%. Riêng tại Hòa Bình, mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo cho lãi từ 3 – 3,5 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng lên 12 – 15% so với các hộ không tham gia dự án.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ bò lại thuộc chương trình dự án tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) tăng từ 49,89% lên 76,15%; tại xã Thạch Đồng (huyện Thạch Thành) tăng từ 46,92% lên 61,58%.

Bà Trịnh Thị Hòa trú tại khu phố 5, phường Bắc Sơn cho biết: “Tham gia dự án giúp tôi nắm vững được phương pháp phát hiện động dục, quy trình phối giống nhân tạo thay thế cho dùng đực nhảy và đưa giống bò BBB vào áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế.”

Bà Trịnh Thị Hòa cho biết chất lượng bò được cải thiện rõ rệt

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, kết quả bước đầu được đông đảo bà con nông dân đón nhận, đánh giá cao, trong tương lai việc nhân rộng mô hình hoàn toàn khả thi.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng lúa GlobalGAP

Những câu hỏi người dân luôn đặt ra là làm sao để làm ra hạt gạo chất lượng cao? Làm sao để thay đổi thói quen SX nông nghiệp không còn phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học? Làm sao để nhân rộng ý thức “hạt gạo sạch” cho chính những người làm ra?

Những hạt gạo sạch được tạo ra từ mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

SX nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) chính là câu trả lời của Cty TNHH Thương mại Tân Thành. Tại huyện Tri Tôn (An Giang), Tân Thành thực hiện mô hình liên kết với nông dân làm 40ha lúa sạch. Đây là một trong 4 điểm đầu tiên tại ĐBSCL liên kết cùng Cty quyết tâm áp dụng hướng SX an toàn.

Từ vụ lúa ĐX 2013 đến nay, việc áp dụng công nghệ mới vào quy trình SX đã dần dần đi sâu vào nhận thức của người nông dân và thực sự mang lại hiệu quả rõ nét. Đây chính là nguồn động lực cho Cty tiếp tục mở rộng hướng SX GlobalGAP.

Trồng lúa GlobalGAP  mang lại hiệu quả rõ nét cho bà con ngư dân

Một trong những minh chứng cụ thể là nông dân liên kết cùng Cty tham gia áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng. Mô hình tận dụng những bờ ruộng thường bỏ trống để trồng các loại hoa sao nhái, hướng dương, đậu bắp… có sắc rực rỡ dễ thu hút các thiên địch trong tự nhiên đến ruộng lúa. Trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc BVTV hóa học được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học nhằm bảo vệ các thiên địch.

Những bờ ruộng đầy hoa thu hút thiên địch đến tiêu diệt các dịch hại trên đồng ruộng, góp phần giảm hoạt động sử dụng thuốc BVTV hóa học. Qua đây có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa GlobalGAP và công nghệ sinh thái trong hoạt động SX nông nghiệp. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và SX chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu. Sản lượng ít nhưng giá trị vượt trội, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo đúng chất “sạch” của người tiêu dùng.

Vụ lúa ĐX 2015 – 2016 sắp kết thúc, trên cánh đồng SX GlobalGAP lại chuẩn bị hạt giống, ươm cây hoa con cho vụ mùa hoa tiếp theo.

Cây lúa đơm hoa trĩu hạt chuẩn GlobalGAP

Bà Trần Thị Bích Trân, Trưởng phòng Kỹ thuậ,t Cty TNHH Thương mại Tân Thành cho biết, ban đầu Cty liên kết thực hiện SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tri Tôn với 40ha, thu về 700 tấn lúa/năm. Vụ ĐX 2014-2015, Cty kết hợp cùng Chi cục BVTV An Giang triển khai mô hình công nghệ sinh thái trên toàn tỉnh An Giang, trong đó có 32ha lúa GlobalGAP, số nông dân tham gia chiếm 80% tổng diện tích SX theo tiêu chuẩn sạch của Cty.

Qua 2 năm áp dụng công nghệ sinh thái kết hợp SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, điều rõ nét là thu hút thiên địch trên ruộng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tới đây Cty sẽ tiếp tục triển khai mô hình công nghệ sinh thái ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… lên hàng trăm ha.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sử dụng vitamin C cho gà

Vitamin C tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng, có tính chất chống ôxy hóa trong cơ thể.

Vitamin C được tổng hợp trong cơ thể nhưng trong những trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc trong tình trạng stress thì nên cung cấp Vitamin C qua thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm với liều 100 – 500 mg/ kg thức ăn.

Vitamin C giúp gà chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất

Khi thời tiết nóng, chủng ngừa, cân gà hoặc đàn gà bị bệnh truyền nhiễm thì dùng Vitamin C liều cao giúp cho đàn gà mau chóng ổn định và vượt qua những yếu tố bất lợi. Vitamin C (acid Ascorbic) có vai trò quan trọng  trong quá trình phòng chống stress, giúp cơ thể tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường.

Vì vậy, trong chăn nuôi gà sẽ thường xuyên sử dụng vitamin C điển hình như sau: Trước và sau khi chủng ngừa: trước khi chủng ngừa 1 2 ngày và sau khi chủng ngừa 3 5 ngày cần cung cấp Vitamin C để giúp gà tạo kháng thể tốt, hạn chế bị sốc do chủng ngừa. Trong mùa nắng nóng: Thường xuyên cung cấp Vitamin C trong thức ăn hoặc nước uống để giúp gà ổn định năng suất và tăng sức chịu đựng.

Trong những tháng chuyển mùa cần cung cấp Vitamin C thường xuyên để giúp gà tăng sức kháng bệnh. Trước khi và sau khi chuyển gà sang chuồng mới (như chuyển từ chuồng gà sang chuồng gà hậu bị, chuyển từ chuồng gà hậu bị sang chuồng gà đẻ,…): Cung cấp vitamin C để hạn chế những sốc do rượt đuổi, dồn ép gà,… Khi thấy chất lượng vỏ trứng không tốt (nhiều trứng non, trứng sần sùi, vỏ trứng mỏng,..). Khi sử dụng kháng sinh,…cũng cần sử dụng Vitamin C.

Chú ý là muốn sử dụng Vitamin C đạt hiệu quả cao, nên cho gà sử dụng Vitamin C trước khi xảy ra stress từ 12 14 giờ. Bên cạnh đó,Vitamin C rất dễ bị hư và bị giảm tác dụng trong điều kiện sản xuất và bảo quản không tốt, như: ánh sáng, độ ẩm cao, nhiệt độ cao.

Một số biểu hiện khi gà bị thiếu vitamin:

  • Gà thiếu vitamin A sẽ chậm phát triển, giảm đẻ tỷ lệ nở phôi thấp.Mắt mờ, chân, da, mào khô, sừng hóa.
  • Gà thiếu vitamin B1 chân yếu, đầu nghẹo, không đi được, ăn kém, gầy còm.
  • Thiếu vitamin B2 hấp thụ thức ăn kém, gà chậm lớn.
  • Thiếu vitamin PP (axít Nicotinic hay Nicotinamid) miệng loét, viêm khớp, viêm ruột.
  • Thiếu vitamin B12 gà thiếu máu, chậm lớn.
  • Thiếu vitamin C sức đề kháng gà yếu, kém chịu nóng.
  • Thiếu vitamin D xương mềm, gà đi tập tễnh, khớp xương biến dạng, gà đẻ xượng rỗng, vỏ trứng mỏng, giảm tỷ lệ đẻ.
  • Thiếu vitamin E gà phù đầu, sưng xuất huyết não, gà con đi lại khó khăn, đi hay ngã hoặc đầu hay cúi giữa 2 bàn chân. Gà trống kém hoạt động, tỷ lệ nở thấp.

Khắc phục: Bổ sung vitamin vào thức ăn, cho uống liên tục 3 5 ngày hay Multivit 1g/1lít nước hoặc 0,5 kg thức ăn,Vitamin ADE, B-complex,…

Theo nhanong.com,vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết nuôi thủy sản có lãi thời giá cả xuống thấp

Đầu tư xây dựng ao bài bản, tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, chủ động con giống nuôi đầu vào…, trang trại thủy sản của gia đình anh Ngô Văn Quang ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vẫn có lãi khá.

Trại cá của anh Quang

Hơn 10 năm nay, năm nào gia đình anh Ngô Văn Quang cũng kết dư được 300 – 400 triệu đồng từ gần 1ha ao nuôi thâm canh cá. Có được nguồn lợi nhuận ổn định trên, là do gia đình anh Quang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chăn nuôi thủy sản hiệu quả. Nhằm chủ động nguồn con giống đầu vào, khi quy hoạch ao nuôi anh Quang đã xây dựng riêng 2 – 3 ao nhỏ, để nuôi gột cá hương thành cá phân cho ao nuôi thương phẩm. Như vậy đã giảm được chi phí đầu tư mua con giống, chất lượng con giống đảm bảo tốt hơn, ngoài ra còn có thể đáp ứng nhu cầu cá giống cho một vài trang trại khác.

Ao hồ được kè cứng bờ và thành, có hệ thống cấp thoát nước thuận tiện, tránh được rò rỉ gây thất thoát nước ao, dễ dàng cho thay bổ sung nước mới thường xuyên, giúp cá tăng trọng nhanh, tăng năng suất, tăng sản lương, gia tăng thu nhập, rút ngắn thời vụ, giảm chi phí thức ăn.

Anh Quang cho biết, đầu tư cho cứng hóa thành bờ ao không tốn nhiều kinh phí, chỉ cần bỏ ra lợi nhuận 1 năm nuôi cá, sẽ yên tâm thả cá nhiều năm mà không lo vỡ bờ thẩm lậu nước ao, nhất là vào những năm có mưa bão nhiều.

Theo anh Quang: Trong nuôi cá VietGAP quan trọng nhất là phải giám sát chặt chẽ sự biến đổi của thời tiết khí hậu và thủy văn. Con cá cũng như cây trồng và con người, đều phải chịu sự tác động rất lớn của khí hậu thời tiết và thủy văn, trong đó các loại cá nuôi thường mẫn cảm rất cao với sự thay đổi của thời tiết.

Vì vậy, vào những ngày nhiệt độ ngoài trời từ 37 độ C trở lên phải dừng cho cá ăn công nghiệp, bổ sung thêm vitamin C cho cá ăn để tăng sức đề kháng. Định kỳ 10 ngày thay mới cho 20 – 30% nước ao, cá sẽ tăng trọng nhanh.

Ao cá nuôi thâm canh bắt buộc phải có máy quạt nước hoặc hệ thống sục khí để cung cấp ô xy kịp thời cho cá. Mùa xuân và mùa hè quạt nước/sục khí cho ao cá 2 lần, từ 1 giờ đêm đến 6 giờ sáng và từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Mùa thu, mùa đông chỉ cần sục khí 1 lần từ 1 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Những ngày trời mưa, thời tiết âm u, không có ánh sáng phải tăng cường thời lượng quạt nước/sục khí lên gấp đôi. Sau mỗi lần thời tiết hết mưa phải quạt nước/sục khí ngay, kết hợp xử lý nước ao bằng nước vôi bột, liều lượng 2kg vôi cục để tả pha loãng tạt cho 100m2 mặt nước ao…

Bằng cách nuôi thủy sản này, mà suốt thời gian giá cá thương phẩm giảm sâu, một số trang trại phải giảm hoặc tạm dừng nuôi, thì gia đình anh Quang vẫn duy trì đủ lượng đàn cá nuôi, có lãi khá.

Bà Ngụy Thị Vân, Trưởng trạm Khuyến nông TP Bắc Giang ví von: Anh Quang rất “mát tay” tay nuôi cá. Gần như thả vào bao nhiêu con thì sau đó xuất ra đủ bấy nhiêu con. Cá anh nuôi 4 tháng đã bằng người khác nuôi 5 tháng.

Anh Quang nói vui: “Nuôi cá theo cách này tối thiểu là hòa còn đâu là lãi”. Hiện giá một số loại cá trên thị trường đã nhích lên, trang trại của anh bắt đầu có lãi cao. Nếu xuất hết số cá trong ao bây giờ, trừ hết mọi chi phí chắc chắn gia đình anh Quang sẽ bỏ túi được 70 – 80 triệu đồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cân bằng độ pH đất trồng bưởi sau mưa

1. Mưa lớn làm ảnh hưởng cây bưởi

Cây bưởi ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 5,5 – 6,5. Mưa lớn khiến lớp rễ tơ của bưởi, rễ ăn màng trên lớp đất mặt bị hư hại đã ảnh hưởng lớn đến sức hấp thu dinh dưỡng, gây thiếu ăn cục bộ, đặc biệt những cây ra sai quả còn bị sốc dinh dưỡng, làm nhiều quả bị chín ép, chín non.

Mặt khác, cuối đông, đầu xuân tới được dự báo rét hơn nhiều năm gần đây sẽ kìm hãm sinh trưởng thân rễ cây trồng, như vậy là thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa vụ tới.

Nếu giai đoạn sau thu hoạch, bộ rễ cây bưởi không được hồi phục nhanh sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa quả vụ tới, dẫn tới hiện tượng quả non bị rụng nhiều. Lường trước những khó khăn trên, việc chủ động chăm sóc cây bưởi giai đoạn sau thu hoạch cần hết sức quan tâm:

Trước hết, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành để hạn chế một số sâu bệnh xâm nhiễm gây hại.

Xới xáo lớp đất mặt vườn tạo độ thông thoáng giúp bổ rễ phát triển khỏe. Đồng thời bón phân hữu cơ và phân khoáng giúp cây hồi phục sau thu hoạch. Trong các loại phân vô cơ trên thị trường hiện nay, phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển chứa nhiều nhất các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng.

Phân lân nung chảy Văn Điển chứa nhiều chất dinh dưỡng, trong đó P2O5 15 – 19%, MgO 15 – 18%, SiO2 24 – 32%, CaO 28 – 34% và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn,Cu,Z, Bo, Mo… Phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 dạng viên (N = 5%; P2O5 = 10%; K2O = 3%; S = 2%; MgO = 9%; CaO = 15%; SiO2 = 14%; ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co… mà các loại phân bón khác không có.

Việc cân bằng độ pH là một trong những yếu tố quyết định năng suất bưởi

Lân tạo bộ rễ khỏe, hồi phục nhanh, tạo dựng bộ thân cành cứng cáp, nâng đỡ tán cây và giàn quả, giúp cây chống chịu tốt với mưa gió. Được bón đủ lân cây bưởi có bộ rễ chắc, khỏe; bộ lá to, dày, hiệu suất quang hợp tăng; nhiều hoa, sai quả, đặc biệt hiện tượng rụng quả non đợt đầu giảm rất rõ.

Canxi giúp khử chua cho đất, điều chỉnh độ pH thích hợp cho cây bưởi phát triển. Canxi giúp làm cứng thành vách tế bào. Trong dịch bào, canxi hoạt hóa nhiều enzim cần thiết cho quá trình phân chia tế bào, nhất là ở mô phân sinh đỉnh.

Magie và lưu huỳnh có vai trò nâng cao hiệu suất quang hợp của bộ lá, chuyển hóa các loại đường, tổng hợp dinh dưỡng tích lũy và nuôi thân, cành, rễ…

Các nguyên tố vi lượng (sắt, bo, đồng, kẽm, magan) tham gia hầu hết các loại men giúp quá trình đồng hóa các khoáng chất nhanh hơn, tạo điều kiện cho quá trình phân hóa mầm hoa và đậu quả.

2. Bón phân cho cây bưởi sau thu hoạch

Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, cũng như năng suất đã thu hoạch và tiềm năng của cây bưởi. Thường vào tháng 11 – 12 sau thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày. Bón 10 – 20kg phân hữu cơ ủ hoai mục + khoảng 5 – 10kg phân lân nung chảy và 4 – 5kg phân NPK 5.10.3 cho mỗi gốc, giúp cho cây bưởi nhanh hồi phục sau thu hoạch, đặc biệt giúp cho bộ rễ phát triển khỏe, tạo điều kiện cho vụ xuân ra nhiều hoa, đậu nhiều quả và hạn chế hiện tượng rụng sinh lý. Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân; sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Lưu ý: không được tưới nước vào giai đoạn này nhằm khống chế lứa lộc đông hoặc xuân sớm. Chỉ khi xuất hiện nụ, hoa mới tưới và bón phân đón hoa. Những cây quả ít, thân lá phát triển mạnh cần phải kìm hãm sinh trưởng để kích thích phân hóa mầm hoa, bằng cách cuốc sâu và phơi khô đất vùng xung quanh gần tán cây, cách gốc khoảng 0,5 – 1,0m tùy độ rộng tán cây.

Theo Trạm Khuyến nông Phúc Thọ, toàn huyện có 600ha bưởi Diễn. Những năm trước bón phân đơn đạm, lân, kali riêng rẽ cho bưởi nhiều đợt rất tốn công. Bón nhiều đạm urê làm cho đất ngày càng chua, lá xanh đen, cành, cây dễ bị gẫy, hoa không sai, tỷ lệ đậu quả thấp, quả chín không chắc, thịt quả nhão, ăn nhạt, không thơm ngon. Bón như vậy là thiếu các chất vi lượng cây dễ sinh bệnh, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân nên bón phân NPK Văn Điển để nâng cao năng suất, chất lượng.

Bón phân cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết giúp cây tăng trưởng mạnh hơn

Điển hình nông dân trồng nhiều bưởi Diễn và có kinh nghiệm lâu năm của huyện Phúc Thọ là ông Nguyễn Văn Mỡ, thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc. Gia đình ông có 4 sào bưởi Diễn tuổi cây 17 – 18 năm, ông cũng có lời khen về phân bón Văn Điển: “Những năm trước khi chưa bón NPK Văn Điển, bón thừa phân chuồng, phân đạm, lá xanh đen, cành cây rậm rạp hay bị sâu đục thân gây hại, gió to cành cây dễ gẫy, ít quả nhưng quả to, vỏ dày, hay bị nhám đen, ăn nhạt. Bón NPK Văn Điển cây cành khỏe, lá màu xanh sáng, hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, khi chín vỏ quả mỏng nhẵn, màu da đồng, nặng tay, tôm vàng óng mọng nước và tăng hương vị ngọt thanh, thời gian bảo quản được lâu hơn”.

Về phía Nam Hà Nội, huyện có nhiều bưởi Diễn là Chương Mỹ với diện tích trên 500 ha. Khác với huyện Phúc Thọ đất trồng bưởi của Chương Mỹ chủ yếu tập trung ở vùng đồi Xuân Mai. Nơi đây đất chua, nghèo dinh dưỡng nhất là thiếu các chất vi lượng nên bón phân Văn Điển cho bưởi Diễn càng có hiệu quả.

Do đất Chương Mỹ là vùng đồi nghèo mùn, kết cấu dời dạc do có nhiều sỏi đá lên khả năng hấp thụ và lưu giữ phân kém. Phân lân Văn Điển hoặc NPK Văn Điển có loại lân chậm tan, lân không hòa tan trong nước, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi. Ngoài ra, trong phân còn có tỷ lệ canxi (vôi) khá và đầy đủ các chất vi lượng nên càng phù hợp với đất trồng bưởi Diễn ở Chương Mỹ”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hiệu quả trồng ngô lai trên đất lúa

Vụ HT 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh TT – Huế phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư huyện A Lưới và UBND xã Hồng Quảng triển khai mô hình trồng 5ha ngô lai trên đất lúa giúp bà con chuyển đổi cây trồng và sử dụng toàn bộ diện tích thiếu nước để SX hiệu quả.

Ngô gieo trồng từ giữa tháng 6, sau khi thu hoạch vụ ngô trước đó. 39 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc BVTV. Bên cạnh đó còn được tập huấn kỹ thuật làm đất, gieo hạt, bón phân chăm sóc.

Trồng ngô lai trên đất lúa mang lại hiệu quả cao

Kết quả cho thấy giống ngô lai LVN 10 có thời gian sinh trưởng 120 ngày, chiều cao cây trung bình 120cm, phù hợp với điều kiện SX của địa phương. Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

Về hiệu quả kinh tế, trên 1ha diện tích đất SX, với chi phí bỏ ra thấp hơn so với làm lúa, thực hiện mô hình trồng ngô lai cho thu nhập 16.050.000đ/ha, cao hơn 3.260.000 đ/ha và lợi nhuận 10.050.000 đ/ha, cao hơn 4.460.000 đ/ha so với trồng lúa thịt.

Theo Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tạo sông nhân tạo nuôi cá

Mới thoạt nghe tưởng như trăm phần trăm hư cấu nhưng thực tế chàng trai ấy đã bán được 20 dòng sông cho những người nông dân thỏa chí nuôi thả cá sạch…

Nể phục chàng boxing chế ra sông nhân tạo nuôi cá số 1 Việt Nam

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Trong khi những con sông tự nhiên đang dần cạn khô, đặc quánh rác, tanh hôi mùi tử khí thì lại có một người nghĩ ra ý tưởng đem rao sông nhân tạo để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản. Chàng trai đó mới chỉ ngoài hai mươi tuổi, là cựu vận động viên boxing chuyên nghiệp của tỉnh Hưng Yên, Vũ Duy Hào.

Hào đang thu hoạch cá

Trong trận tranh chức vô địch của một kỳ đại hội thể dục thể thao anh bị đối thủ đấm tụt cả vai nên đành phải chấp nhận huy chương bạc, giải nghệ trở về với nghiệp làm nông, nuôi cá gia truyền. Và từ đây, anh còn bị xây xẩm mặt mày hơn xưa gấp bội bởi các trận đấu trên võ đài còn có thời gian ngơi nghỉ, còn có trọng tài phân định thắng thua nhưng những trận đấu giữa cuộc đời thì bất kể sớm khuya, mưa nắng.

Đã biết bao lần anh phải vớt cả tấn cá chết vì sự cố kỹ thuật hay dịch bệnh, bao lần phải chịu cảnh bão giá sản phẩm làm ra bán với giá rẻ mạt. Bề ngoài tỏ ra bền gan, bền chí nhưng nước mắt cứ chảy ngược, lặn vào trong, xa xót. Vất vả ngược xuôi mãi rồi cũng dần phải quen bởi cuộc đời đâu có cho anh thời gian đủ để để xỏ găng tay hay đeo ngàm bảo vệ răng như khi xưa từng chiến đấu?

Tình cờ một dịp bà Vũ Thị Thắm – Chủ nhiệm HTX thủy sản Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mẹ anh khi đi dự hội thảo của một công ty cám cò Mỹ đã được nghe chuyên gia ngoại kể về mô hình làm sông nhân tạo ở trong ao ở nước họ.

Mô hình đó thú vị ở chỗ năng suất đạt rất cao (37 tấn/trong khoảng 100m2 sông) trong khi chất lượng cá lại rất tốt vì đã cách ly khỏi bùn, không bị ám mùi. Chuyên gia ấy có phát tài liệu cho mọi người nhưng cả trăm đại biểu nông dân hôm đó hờ hững cầm, hờ hững nghe như chuyện người ta phóng tên lửa lên mặt trăng chứ không nghĩ là sẽ áp dụng được bởi không có hình vẽ tổng thể mà chỉ là những phần rời rạc, trừ có một người. Đó chính là mẹ của vận động viên boxing Vũ Duy Hào.

Lăn lộn từ người bán cá ngoài chợ thành tổng đại lý thủy sản của cả một vùng, sở hữu trong tay không biết bao nhiêu m2 đất mặt đường, giàu có thuộc dạng nhất nhì xã nhưng bà lại không chọn con đường an nhàn để tận hưởng. Sau khi đấu thầu, mua dần ngót 9 ha ruộng hoang ở quê bà đổ ra cả núi của để đào ao lập nên một HTX thủy sản và truyền lửa nghề cho các con.

Sau khi có được những hình vẽ rời rạc mà chẳng hiểu gì vì tiếng Tây một chữ bẻ đôi cũng không biết bà về bàn với con trai thử làm một dòng sông nhân tạo để nuôi thủy sản bởi vì thừa biết nhược điểm của cá nuôi trong ao tĩnh rất lười vận động, tiêu hóa chậm, thịt tanh hôi mùi bùn. Mất mấy ngày đêm Hào mới mày mò hình dung, tính toán để cho ra được toàn cảnh của dòng sông nhân tạo.

Cấu tạo của một con sông nhân tạo

Xong đâu đấy thì thuê thợ xây, thợ cơ khí hoàn thiện luôn một cái dài 25m, rộng 5 m, sâu 2 m tường xây bằng gạch, đáy đổ bê tông, đầu vào là hệ thống bơm sục khí tạo dòng chảy ngầm qua một bức vòm cong, đầu ra là hệ thống hút phân. Tất cả được đặt trong một cái ao rộng 3.000m2. Trong sông nuôi cá với mật độ cao còn trong ao lấy nước vào sông thì thả 200-300 con cá mè để lọc sạch nước.

Lứa đầu tiên nuôi thất bại hoàn toàn vì vòm cong không đủ chuẩn, khí từ 144 cái ống nhỏ bên dưới thay vì đi ngầm để tạo dòng chảy cho sông lại thổi thẳng lên trời khiến cho 4 tấn cá điêu hồng, chép bên trong đột ngột mất ô-xy, ngửa trắng bụng, phải vớt bỏ.

Lần thứ hai dù đã tạo vòm chuẩn rồi nhưng vì làm bằng tôn nên nhanh chóng bị rỉ, hỏng. Lần thứ ba khi đã thay vòm bằng chất liệu inox thì lại đến sự cố lưới chắn bằng nhựa cản dòng chảy của nước, đinh vít lưới bằng chất liệu kém đã bung ra khiến cho cá bục từ “sông” tràn sang ao.

Mỗi lần như thế đều phải làm lại từ đầu rất mất thời gian mà cá có lứa có thì không thể nay thả, mai bắt được. Trải qua tất cả 4 thế hệ thì nay cơ bản nguyên lý của dòng sông nhân tạo đã hoàn thiện trong đó có nhiều cải tiến so với mô hình mẫu của Mỹ.

Nghe tin Hào là người đầu tiên ở Việt Nam làm được sông nhân tạo, một đoàn Tây đen có, Tây trắng có gần 20 người đã cùng kéo nhau về xứ đồng hẻo lánh này để xem xét tỉ mỉ từng bộ phận rồi đều nhất loạt giơ ngón tay cái lên, thán phục: “Tốt, rất tốt”.

Đàn cá dày đặc cảm giác như phải dùng tay rẽ ra mới thấy nước bên dưới. Hào gọi chúng là cá thể thao vì bơi lội 24/24 ít khi thấy nghỉ ngơi. Cá trong ao tĩnh ngày ăn 2 bữa đã là thừa thãi, gặp khi thời tiết xấu thì bỏ bữa nhưng cá nuôi trong sông vận động liên tục nên ngày phải cho ăn đến 4 lần.

Cận cảnh đàn cá

Năng tập thể dục lại có chế độ ăn uống giàu đạm, hít thở đậm đặc o-xy nên chúng lớn nhanh như thổi, chất lượng thịt cũng khác hẳn, săn chắc, thơm ngon chứ không còn hôi tanh mùi bùn như cá nuôi ở trong ao. Diêu hồng khi mổ ra bụng hầu như không có màng đen như thường thấy mà hồng rực lên như một chỉ dấu đặc biệt sạch.

Chuyển giao công nghệ

15 dòng sông đã được dựng lên trong những cái ao của HTX với tổng chi phí hết khoảng 5-6 tỉ đồng. Nước từ những sông ấy chứa nhiều dưỡng chất còn được lấy lên, ngâm ủ để phục vụ cho nuôi trồng rau sạch bằng công nghệ thủy sinh trong hệ thống nhà lưới rộng 700m2. Một vòng tròn khép kín và sinh thái cứ thế mà diễn ra tuần tự.

Tiếng sông chảy róc rách, tiếng cá đớp mồm bôm bốp, tiếng của những cái máy cho ăn, máy hút phân sè sè tự động di chuyển như một bầy rô-bốt đã hớp hồn không chỉ của những khách tham quan mà ngay cả chủ nhân của chúng.

Cá nuôi trong sông

Chỉ cần ngắm đàn cá tung tăng bơi lội dưới sông đã đủ no nên nhiều khi Hào mê mải đến nỗi giờ ăn vợ phải chạy ra gọi mới chợt sực nhớ ra rằng mặt trời đã quá ngọ tự lúc nào. Có ông giám đốc ngân hàng huyện, chỗ thân cận của mẹ con Hào thấy khách vào ra trang trại nườm nượp đã mắng rằng: “Ai đến cũng tiếp, cũng chỉ dạy tỉ mỉ như thế rồi sau này nó làm ra hàng loạt sông lại cạnh tranh cho chính mình thì sao?”. Họ chỉ mỉm cười đáp rằng: “Nếu mà chúng tôi tham giữ công nghệ thì đã giàu từ lâu rồi. Cùng lan tỏa công nghệ nuôi sạch để cộng đồng làm theo thì đất nước mình mới mong có hàng nông sản sạch để mà ăn bác ạ!”.

Xây dựng một dòng sông nhân tạo từ trang thiết bị đến vật liệu tất tật hết khoảng 120-150 triệu nhưng Hào vẫn chỉ lấy người ta một chút công chứ không hề tính lãi từ phần công nghệ. Bởi thế mà đã có rất nhiều nông dân được chuyển giao công nghệ thành công như ông Chí ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có 3 cái, ông Quang ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có 5 cái, ông Lừng ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có 2 cái, ông Thành ở Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa có 2 cái… Tổng cộng đã có khoảng 20 dòng sông nhân tạo được bán ra như vậy và anh vẫn mong chờ những phản hồi, góp ý từ chính phía người dùng để thế hệ sau chúng thêm hoàn thiện.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đồng Tháp: Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Chiều ngày 22/11, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương có buổi tiếp và làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thuỷ sản Nam miền Trung về việc thực hiện thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng vốn sinh sống ở vùng nước mặn thích ứng với vùng nước ngọt để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Tháp.

Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cho biết, Công ty cần khoảng 50 ha để đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao, với nhiều mô hình để nông dân tiếp cận quy trình nuôi mới. Cùng với đó là chủ động nguồn tôm giống thuần ngọt tại chỗ, kiểm soát nước thải, môi trường, nguồn nước và thâm canh đối với tôm.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty trao đổi về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, thích ứng nước ngọt

Công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho cán bộ thuỷ sản và người nông dân. Bước đầu, Công ty sẽ hỗ trợ giống và hướng dẫn quy trình để người dân nuôi thử nghiệm – ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương thống nhất với đề xuất của Công ty và chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty khảo sát địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn, theo dõi quá trình thuần ngọt của tôm thẻ chân trắng và chọn 4 – 5 hộ nông dân cùng thực hiện; đồng thời, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan thực tế mô hình nuôi tôm của Công ty.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Dương đã khảo sát mô hình sản xuất tôm của Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung tại Bình Thuận.

Được biết, Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cũng đang đầu tư tại Long An trại vèo thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng thích ứng với nước ngọt.

Để nuôi được tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất.

Buổi làm việc với Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung nhằm mục tiêu nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, phù hợp với môi trường tự nhiên, giải quyết bài toán tạo nước mặn ở vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hiện tại, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn áp dụng.

Nguồn: Đồng Tháp GOV được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu

Từ nhà khoa học đến người nông dân ai ai cũng đinh ninh rằng thuốc sâu độc hại nhưng không có nó thì sẽ mất mùa ngay. Thế nhưng có một nơi cả xã đã 10 năm nay không hề dùng đến thuốc sâu mà vẫn được mùa liên tiếp…

Những nông dân biết sám hối

Đó là một buổi chiều mùa hè năm 2013, ông Nguyễn Xuân Điện (thôn Động Giã, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi làm đồng về, quần vẫn xắn móng lợn, người mướt mải mồ hôi, nói như reo lên với vợ rằng: “Bà nó ơi, hôm nay tôi ra hái mấy mớ rau muống ở cánh đồng Sú mà có ba con đỉa bám vào chân đấy! Đỉa lại xuất hiện ở làng mình rồi!”.

Đối với lão nông này thì bất kỳ sinh vật nào trên đời đều có quyền được sống, quyền bình đẳng dưới ánh sáng mặt trời.

Người dân cương quyết từ chối dùng bình thuốc sâu

Đã 10 năm nay dân làng ông, xã ông từ chối dùng thuốc trừ sâu. Cân bằng sinh thái trên đồng đã được tái lập mà bằng chứng là sự xuất hiện trở lại của đỉa, của bọ rùa, của chuồn chuồn kim, của xén tóc…

Đồng làng lại thơm mùi lúa chứ không còn tức ngực bởi mùi thuốc sâu sặc sụa. Đồng làng lại sáng sáng, chiều chiều từ trẻ con, người già đến các nam thanh, nữ tú quây quần ra ngồi hóng mát. Đồng làng lại có người tuốt đòng đòng để cắn chắt mà không sợ bị ngộ độc thuốc, hít hà hơi lúa mới đang lên sữa bên trong hạt mà không sợ bị ho hen vì hóa chất…

Cho đến nay, anh nông dân Nguyễn Đình Thắm ở Động Giã vẫn còn ám ảnh tội lỗi trước kia mình đã phải dùng đến chất diệt ốc bươu vàng: Thuốc vừa rời khỏi tay người là mặt nước bắt đầu nổi sóng. Các sinh vật bên dưới quằn quại và giãy giụa. Đầu tiên là tôm nổi lên, búng được vài cái rồi chết chìm. Kế đến là cá, chúng như bị thần kinh, lao đầu tứ tung, đâm cả vào bờ rồi chết rục. Lươn, chạch nằm sâu ở dưới bùn cũng phải bơi lên, giật đùng đùng rồi chết lập lờ ngang mặt nước. Cuối cùng là con ốc, gặp thuốc thì chúng chìm sau đó cả buổi mới chết nổi. Dã man quá! Diệt một con ốc bươu vàng thôi mà bao con phải chết theo…

Trước đây, nông dân dùng thuốc sâu bừa bãi theo thói quen. Gieo mạ xong thì phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong thì phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái thì phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt thì phun kích thích cho mã hạt đẹp, màu không bị rám. Tính ra mỗi vụ trung bình 4 – 5 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí mà thảm khốc nhất phải kể đến những buổi thuốc ốc, thuốc cỏ.

Anh Thắm cảm thấy tội lỗi khi nhớ lại cảnh rắc thuốc diệt ốc trước đây

Trong một buổi rắc thuốc như thế, anh Thắm bị chất độc ngấm vào người say lử lả. Miệng muốn nôn mà không thể nôn được, đầu váng vất như phải cảm còn khớp tay, khớp chân đau nhức như như có giòi bò ở bên trong, mãi chục ngày sau mới lại người. Hãi thuốc sâu từ dạo đấy nên hiện nay gia đình anh dù cấy đến 1,1 mẫu ruộng nhưng không hề dám phun một giọt hóa chất nào mà năng suất lúa vẫn đạt khá cao 1,5 – 1,7 tạ/sào.

Gieo mầm lành, gặp quả phúc

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Đoạt và bà Vũ Thị Tị năm nay đã tròm trèm tuổi thất thập nhưng vẫn còn cấy tới 1,2 mẫu vì làm ruộng bây giờ nhàn quá, công đoạn nào cũng có máy móc trợ giúp lại chẳng phải dùng đến thuốc trừ sâu. Trước đây, cũng như bao vùng quê khác, mỗi khi vào vụ ông bà vẫn thường phải “tắm mình” trong chất độc.

Cho đến khi ông Đoạt trở thành học viên của lớp IPM đầu tiên của xã năm 1992, được thầy giáo giảng về tác hại của việc lạm dụng thuốc, của ích lợi do các loại thiên địch như nhện, như bọ dừa, như chuồn chuồn kim, như kiến ba khoang… đem lại. Kể từ đó, làng xóm dần dần vắng bóng bình phun thuốc và giờ đây gần như tuyệt nhiên không nhà nào còn giữ. Thỉnh thoảng cũng có một vài công ty thuốc đến tiếp thị, cho không sản phẩm nhưng dân làng cũng chỉ lịch sự cười và xua tay.

Ông Đoạt ngợi ca hạt thóc của nhà mình, nhờ cấy thưa mà lúa mọc đều, từng hạt, từng hạt vàng óng như kén tằm, năng suất đạt 1,5 – 1,7 tạ/sào với một giống rất “đỏng đảnh” như là Bắc Thơm số 7 kể cũng là một sự lạ. Mỗi vụ gia đình thu về 1,8 tấn thóc, giữ lại 8 tạ để ăn còn đâu đem bán, đút túi gọn gàng 4 triệu đồng tiền lãi để dưỡng già.

Còn bà Tị thì lại mê mẩn vẻ đẹp bình dị của cánh đồng làng. Mỗi lần ra đó là hồn bà như có muôn đợt sóng vỗ về, rào rạt ở bên trong. Bà yêu cánh đồng bằng cả tấm lòng chân thật, thủy chung từ thủa thanh nữ đến lúc về già đủ để tinh tế cảm nhận từng biến chuyển của nó theo từng ngày, từng tháng. Lúa trỗ rồi lúa uốn câu, đỏ đầu bông, dần dần vào chắc. Mùi thơm của cánh đồng chuyển từ hương cốm non thành hương cốm già, nồng nàn chứ không còn man mác nữa.

Niềm vui trên cánh đồng sạch

Đồng sạch, tôm, cá, cua, chạch đua nhau sinh sôi, nảy nở. Những buổi mưa rào đám con cháu bà Tị lại rủ nhau mang chũm ra đồng kéo cá còn những hôm nắng lửa thì chúng đeo giỏ, mang móc ra đồng bắt cua. Tôm béo thơm, cua béo ngậy, cá béo bùi càng đẩy đưa bữa cơm canh thanh đạm, quê mùa nhưng hễ đặt vào môi là trôi ngay xuống cổ.

Anh Nguyễn Đăng Miền – cán bộ HTX Nông nghiệp Đỗ Động khẳng định với tôi rằng ở đâu phun thuốc thì vụ nào, năm nào cũng phải dùng vì cánh đồng đã mất đi thiên địch, mất đi sự cân bằng sinh thái. Thuốc độc diệt sinh vật có hại đồng thời diệt luôn cả sinh vật có lợi. Mà thói đời, “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” thứ có hại bao giờ cũng phát triển nhanh hơn thứ có lợi, bệnh tật bùng phát là vì thế.

Phải tôn trọng thế cân bằng của cánh đồng như tôn trọng chính con người. Tổ khoa học của HTX vỏn vẹn 4 người là thành viên đại diện cho 4 thôn trong xã. Họ thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện các ổ dịch để tuyên truyền cho dân làng biết mà phòng ngừa, nếu có dịch thì chỉ dập ở ổ chứ không bao giờ phun tràn lan, đại trà cả cánh đồng.

“Đã mấy năm nay, chưa bao giờ chứng kiến dịch nào đủ lớn để phải phun cả. Vụ này tuy là lúa bị bạc lá, khô vằn nhưng nông dân cũng quyết định không phun bởi vì bạc lá là do vi khuẩn gây ra có phun thuốc cũng vô ích còn khô vằn tuy có nhiễm nhưng mật độ không đáng kể, phun thuốc chỉ làm mất đi các thiên địch có ích. Tổ khoa học chỉ tổ chức phun thuốc duy nhất một lần để phòng khi cây mạ chuẩn bị ra ngôi (khoảng 15 ngày tuổi) còn người dân thì không bao giờ phải động đến hóa chất độc hại. Thế mà ở Đỗ Động chúng chưa bao giờ chịu cảnh mất mùa kể cả năm 2013 lụt lội khiến lúa chậm phát triển nên gặp đúng đợt dịch sâu đục thân phá hoại, năng suất giảm xuống thấp nhất nhưng vẫn đạt 1 tạ/sào”, anh Miền nói.

Còn anh Trần Đình Tuyến – Bí thư xã Đỗ Động thì xác nhận với tôi rằng với tổng số 400ha lúa, 30ha rau mỗi vụ nhưng địa phương mình không hề có một cửa hàng bán thuốc trừ sâu nào, không hề có cảnh nông dân đi phun thuốc, không có bao bì thuốc vứt trên mương máng, đường nội đồng. Bởi thế mà hạt gạo sạch được trân quý, không chỉ để ăn mà còn gửi biếu cho họ hàng ở trong Nam, cho con em trọ học ngoài nội thành.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh

Giải pháp này tự động khớp lệnh 3 bên giữa người sản xuất, người bán và người mua. Khi được phổ biến rộng rãi, nó có thể làm thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Khi người tiêu dùng lựa chọn giải pháp mua thực phẩm qua điện thoại thông minh, sẽ truy xuất được nguồn gốc thực phẩm đến từng sản phẩm, từng thửa ruộng, từng người trồng, từng đơn vị chế biến.

Sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà với giá rẻ nhất. Vì các cửa hàng thực phẩm sạch, các shipper chuyên nghiệp luôn ở gần nhất để có thể giao hàng nhanh nhất trong vòng 32 phút. Các giao dịch giữa người mua, cửa hàng và shipper được khớp lệnh tự động, với đầy đủ chi tiết của đơn hàng.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm

Truy xuất nguồn gốc giám sát nguồn gốc thực phẩm từ quá trình nuôi trồng cho đến khi lên bàn ăn. Hàng hóa tham gia phải trong chuỗi và được bên thứ ba kiểm soát độc lập về chất lượng, an toàn. Khi đạt tiêu chuẩn mới được cấp tem. Đây là giải pháp giúp chứng minh được sản phẩm tốt, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đúng giá trị.

Giải pháp giúp tối ưu hóa chuỗi nông sản và nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng giá trị cho người nông dân. Với người tiêu dùng thì được sử dụng sản phẩm sạch. Thay đổi nông nghiệp là giải pháp tương lai, là xu thế tất yếu. Điện thoại thông minh có thể làm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng.

Đây là giải pháp đồng bộ, có thể gọi là Win – Win. Các bên tham gia từ nông dân, người bán, người mua đều có lợi. Giải pháp mới liên quan đến nhận thức người tiêu dùng, chính sách Nhà nước và có tính xã hội cao nên rất cần xã hội chung tay góp sức.

Hiện nay giải pháp này đang được triển khai thí điểm tại Tp. HCM, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.