Nuôi cá cảnh gom triệu đô

Đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh của TP HCM sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con và thu về khoảng 40-50 triệu USD
TP HCM được xem là trung tâm cá cảnh lớn của cả nước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá cảnh mở rộng quy mô, có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu đến 52 quốc gia

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP HCM, 10 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn TP đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là đã không còn cá cảnh xuất khẩu không đăng ký kiểm dịch.

Cơ sở cá cảnh giới thiệu loại cá lóc hoàng đế giá hàng chục triệu đồng/con tại “Ngày hội cá cảnh” vừa diễn ra ở TP HCM

Cá cảnh nước ngọt xuất khẩu hơn 70 loài, trong đó khoảng 45 loài nuôi sinh sản nhân tạo, hơn 20 loài được khai thác từ sông suối và khoảng 10 loài có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan. Những loài cá cảnh có tỉ lệ xuất khẩu cao hiện nay là cá dĩa, neon, bảy màu, mô ly, hòa lan, phượng hoàng, chạch rắn, lòng tong, bướm bầu, thủy tinh, xiêm, sặc, ông tiên, tai tượng… Nhóm cá cảnh biển xuất khẩu chỉ chiếm tỉ lệ dưới 1%. Cá cảnh của TP đã xuất khẩu đến 52 quốc gia; trong đó, thị trường châu Âu chiếm 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.
Với kết quả đó, TP đặt mục tiêu cả năm 2017 sẽ xuất khẩu từ 18-20 triệu con cá cảnh, với giá trị kim ngạch là 20-25 triệu USD, tăng từ 15%-20% so với năm 2016.
Ông Tống Hữu Châu, chủ trang trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), cho biết nuôi cá cảnh xuất khẩu được TP chọn là lĩnh vực quan trọng trong nền nông nghiệp đô thị. Do đó, TP đã có các chính sách phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TP đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỉ lệ sống từ 25% lên 70%. Đồng thời, chuyển giao cho trại cá cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi) cá neon sinh sản, đến nay trại có 3.000 cá con và 200 cá bố mẹ neon Việt Nam; chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng, cho sinh sản bán nhân tạo và bàn giao 100 cá neon Việt Nam 2 tháng tuổi cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai đúng thời vụ những mô hình cá cảnh tại các quận, huyện. Trong đó, lợi nhuận từ mô hình cá koi lên tới 600 triệu đồng/vụ; cá dĩa thương phẩm 160 triệu đồng/vụ; sinh sản cá dĩa đạt 163 triệu đồng/vụ…
Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục tìm những giống cá mới, đẹp để đưa vào kế hoạch thực hiện mô hình trong năm 2018.
Theo đó, mục tiêu của TP đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con, kim ngạch đạt 40-50 triệu USD.

Gặp khó vì rào cản kỹ thuật

Theo Chi cục Thủy sản TP, nghề sản xuất cá cảnh của TP đến nay chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các trại nuôi chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà không tuân thủ quy trình chuẩn nên vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực trong TP cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cá cảnh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cá cảnh như quy trình chọn giống, sản xuất giống, lai tạo giống mới và chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm cá cảnh vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế. Hội viên phân tán chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và HTX cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP còn ít. Dự án xây dựng chợ hoặc trung tâm giao dịch sinh vật cảnh, cá cảnh trên địa bàn TP vẫn chưa được triển khai.
Ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (chủ trại cá cảnh Thiên Đức), cho biết châu Âu là thị trường tiêu thụ cá cảnh lớn của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính, có nhiều rào cản kỹ thuật và thủ tục phức tạp cho các nhà xuất nhập khẩu. Nhu cầu cá cảnh quanh năm song vào mùa hè, khách hàng châu Âu quan tâm nhiều đến dòng cá lạnh (cá chép, cá tàu). Do đó, cơ quan chức năng cần sớm công bố thủ tục và kết quả việc thực hiện công tác phối hợp với châu Âu để được xuất cá chép từ Việt Nam. Đồng thời, kết nối tour du lịch của khách nước ngoài đến được với một số doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp.
Ông Tống Hữu Châu đánh giá mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh của TP cũng như tỉ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với tiềm lực, việc xuất khẩu sang thị trường châu Á chủ yếu bán cho khách những mặt hàng họ cần hoặc không có. Khó khăn trong việc xuất cá cảnh đi Hàn Quốc như một số loại cá bảy màu là cơ quan kiểm dịch nước này đòi hỏi giấy phép NAFI (Trung tâm Chất lương nông lâm thủy sản) thay vì của Trung tâm Thú y Vùng 6 hoặc Chi cục Thủy sản. Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều rào cản về kỹ thuật làm cho việc xuất khẩu cá cảnh sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ giao thương mua bán qua đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc hoặc quá cảng qua Thái Lan.

Cá rồng, một trong những loài cá cảnh đắt nhất hiện nay

Giống trong nước đang suy thoái

Ông Tống Hữu Châu cho biết các cơ sở sản xuất, nuôi cá cảnh đa phần sản xuất giống thuần túy từ những loài đã có sẵn hoặc nhập từ nước ngoài về bán và làm giống. Trong khi các chủng loài cá cảnh có giá trị trong nước lại đang suy thoái về chất lượng giống. Một số loài cá cảnh tự nhiên gần như tuyệt chủng như cá thái hổ. Do đó, TP nên tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp nhập giống về để cải tạo đàn giống cũ và tìm kiếm các nguồn giống mới.

Theo báo Người lao động, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

“Hoàng hậu quả khô” khẳng định vị thế trên đất cà phê

Bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, những năm gần đây, cây mắc ca đã từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng (Đắk Lắk), góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” vì hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Loại cây này được đưa vào trồng rải rác ở một số khu vực tại huyện Krông Năng từ hàng chục năm trước. Có thời gian cách đây chừng 10 năm, người dân ồ ạt đưa vào trồng mắc ca khiến cây trồng này lên cơn “sốt”. Để nhanh chóng phát triển diện tích, nông dân đua nhau tìm cây giống về trồng bất chấp nguồn gốc, chủng loại và chất lượng giống, trong đó, chủ yếu là giống thực sinh. Do đó, một số hộ gặp thất bại vì kiểu làm ăn xổi, bởi cây mắc ca phát triển tốt nhưng không cho quả. Bên cạnh đó, nhiều vườn mắc ca cho năng suất cao, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Những diện tích này được trồng bằng giống cây ghép, trồng ở khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp và canh tác đúng kỹ thuật.

Vườn mắc ca của gia đình ông Đinh Minh Đại tại thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng.

Một trong những người có kinh tế khá lên nhờ trồng mắc ca là ông Đinh Minh Đại, thôn Giang Minh, xã Ea Puk với vườn cây 2,6 ha trồng từ năm 2011 đến nay. Hiện, trong tổng số 800 cây mắc ca của gia đình ông, đã có 300 cây cho thu hoạch, năng suất đạt 15 kg hạt/cây. Bên cạnh thu hạt, vườn cây của ông còn cung cấp 4 dòng giống mắc ca ghép ra thị trường với số lượng 3.000 cây/năm, tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Đại cho biết, cây mắc ca có thể trồng thuần hoặc xen trong cà phê, tiêu…, năng suất vẫn tương đương và không ảnh hưởng đến các loại cây khác, thu hoạch xong được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá gần 100.000 đồng/kg hạt tươi.
Nói về sản xuất mắc ca ở Krông Năng thì không thể không nhắc đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya). Đơn vị có 49 thành viên, canh tác hơn 350 ha mắc ca trồng từ năm 2008 đến nay, trong đó, một phần diện tích đã cho thu hoạch, tổng sản lượng hằng năm đạt 40 tấn và 4 sào cây đầu dòng sản xuất giống ghép. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của đơn vị sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Bên cạnh bán hạt, HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đặc biệt, sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”.

Mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp mắc ca Tân Định đạt năng suất 3,5 tấn/ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện có 302 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk (99 ha), Cư Klông (45,7 ha), Ea Tam (38 ha)… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện nhiều vườn cây đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 tấn/ha. Những diện tích này tuy mới bước vào thời kỳ kinh doanh vài năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao và từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng. Thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca, trong đó, chú trọng vào chất lượng cây giống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Theo báo Đắk Lắk , kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Khánh Hòa: Tan hoang trại gà sau bão con Voi

Hầu hết các trại gà trong tỉnh đều thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa trại gà hoạt động trở lại, các chủ trại đều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

Thiệt hại nặng nề

Khu vực trại gà thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), có 5 chủ nuôi gà với hàng chục dãy chuồng trại lợp bằng mái tôn đều bị bão cuốn phăng, xếp thành dãy dài, bẹp dúm. Phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ và nỗi buồn vì phút chốc gia sản tiền tỷ tan theo mây khói, ông chủ trại gà Phạm Hữu Nghĩa mếu máo: “Nhà sập, toàn bộ 4 dãy chuồng tổng diện tích 3.200m2 cũng sập, đè chết hơn 2.000 con gà mái. Mấy ngày nay tôi chẳng thiết ăn uống, làm gì nữa”.

Tổng thiệt hại do bão đối với trại gà của ông Nghĩa lên tới 1,2 tỷ đồng. Để cứu 8.000 con gà còn lại (4.000 gà đẻ, 4.000 gà hậu bị), ông che tạm 2 lán nhỏ, mỗi lán gần 200m2 để có nơi cho gà ở. Vì làm tạm nên việc cho ăn, uống, vệ sinh, thu trứng và quản lý gặp nhiều khó khăn. “Lán trại tuềnh toàng, nên nguy cơ dịch bệnh rất cao do gà tiếp xúc trực tiếp với đất, môi trường gió lạnh, vệ sinh kém. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn (300 triệu đồng) để sớm khắc phục thiệt hại”, ông Nghĩa nói.

Trại gà của ông Võ Đông Anh (Cẩm Sơn, Diên Thọ, Diên Khánh) cũng tan tành do bão. Hơn 1.000m2 chuồng trại chỉ trơ lại khung sắt, 1.000 con gà hậu bị bị đè chết trong tổng đàn 5.000 gà đẻ và 3.500 gà hậu bị. Đồng thời, dàn cây sưa 8 năm tuổi của ông cũng bị gãy, đổ hư hỏng hết 200 cây. Tổng thiệt hại hơn nửa tỷ đồng.

Trại gà của ông Trần Văn Hiếu (Vạn Thuận, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cũng đổ nát như một bãi chiến trường. Đây là trại gà điển hình của thị xã Ninh Hòa được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhặt nhạnh những gì còn sót lại, ông Hiếu cho biết, trước bão trang trại có 6.000 gà đẻ và 3.000 gà hậu bị (4,5 tháng tuổi). Sau bão, số gà đẻ, gà hậu bị do thiếu nước, đè nhau chết chỉ tận thu bán được 1.800 con, còn lại phải đốt bỏ tiêu hủy. Bên cạnh đó, bão còn làm tốc mái, sập tường nhiều diện tích nơi làm việc và nhà ở của công nhân, thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. “17 – 18 năm tâm huyết, tích cóp vốn nuôi gà nay tay trắng. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng khắc phục làm lại 1 – 2 dãy chuồng kiếm lợi tức sống qua ngày và mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Trại gà của ông Anh chỉ còn trơ khung sắt

Đang thống kê thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, thiệt hại các trang trại gà tại 2 địa phương này không lớn. Tại huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế cho hay, trang trại gà trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ có vài trại nuôi theo hình thức gia trại, không phải quy mô doanh nghiệp, chủ yếu tại 2 xã Vạn Thắng và Vạn Bình, mỗi trại vài ngàn con nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức. Huyện đã giao Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, bổ sung để có kế hoạch hỗ trợ bà con theo quy định.

Thị xã Ninh Hòa cũng đang triển khai việc thống kê, tổng hợp số liệu. Đến ngày 12-11, toàn thị xã có 50.166 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã, việc thống kê thực hiện theo biểu quy định, không tách từng đối tượng gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà, vịt) nên không có số liệu riêng về gà.

Ông Nguyễn Lương Thao – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai việc rà soát, thống kê số lượng gà bị thiệt hại do bão. Về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Trung ương có Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; UBND tỉnh có Quyết định 2229/QĐ-UBND (4-8-2017) quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên, theo Quyết định 2229, để có phương án hỗ trợ, việc thống kê, rà soát phải hết sức cụ thể, bởi văn bản quy định việc hỗ trợ theo lứa tuổi gia súc, gia cầm. Ví dụ: gà đến 15 ngày tuổi hỗ trợ 10.000 đồng/con; 28 ngày tuổi hỗ trợ 20.000 đồng/con; 28 – 60 ngày tuổi hỗ trợ 30.000 đồng/con và trên 60 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con. Vì thế, việc thống kê phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai”, ông Thao cho biết.

Nguồn: Baokhanhhoa.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Luân canh lúa – khoai lang tím Nhật xuất khẩu

Khoai lang tím Nhật là một giống cây trồng từng giúp cho nhiều nông dân trở nên khá giả, trong đó không ít người vươn lên hàng tỷ phú. Tuy nhiên, lắm lúc cũng khiến cho người trồng điêu đứng do giá cả biến động bất thường, đầu ra không ổn định.

Khoai lang tím Nhật

Ông Võ Văn Tước, 49 tuổi, quê ở ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân đã từng trải nghiệm với nhiều giống khoai, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Từ những thất bại cay đắng, ông đã cần cù học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để dần dần trở thành một nông dân sản xuất giỏi.

Từ những thành quả lao động miệt mài, ông là người duy nhất ở Vĩnh Long đã đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017” do Hội Nông dân Việt Nam công bố.

Ông Tước kể, trước đây ông được cha mẹ cho 10 công đất gồm 6 công ruộng và 4 công vườn. Lúc đầu ông cuốc đất trồng khoai nhưng vì không có bờ bao nên khoai lúc trúng, lúc thua. Thế nhưng, sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, dự các lớp tập huấn và được nhiều cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nên năng suất ngày càng cao.

Nhờ tích lũy vốn liếng, mỗi năm sau mùa thu hoạch ông lại mua thêm đất canh tác. Tính đến nay, ông đã sở hữu gần 3ha đất vừa trồng khoai vừa cấy lúa theo mô hình luân canh. Lúc khởi nghiệp, ông trồng đủ các loại khoai lang nhưng hiệu quả không cao. Kể từ năm 2013, ông chuyển sang trồng khoai tím Nhật kết hợp với cấy lúa gia đình ông mới khá lên.

Là một nông dân tiêu biểu thời hội nhập, ông Tước không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương và hết lòng hỗ trợ khoai giống, đồng thời san sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho những hộ mới vào nghề.
Là một nông dân năng động, luôn tìm tòi suy nghĩ phải làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ ý tưởng đó, ông Tước đã mạnh dạn trồng khoai vụ nghịch để bán với giá cao hơn. Thường mỗi năm ông xuống giống vụ I vào nửa tháng 7 âm lịch thu hoạch vào rằm tháng Chạp; tiếp theo là vụ II thu hoạch vào cuối tháng 6 âm lịch. Thu hoạch khoai xong ông bắt đầu sạ lúa.

Ông chia sẻ, sở dĩ ruộng khoai của ông trúng mùa, củ to, năng suất, chất lượng cao là nhờ có đê bao khép kín, chủ động được nguồn nước, không sợ ngập úng vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng. Nhờ vậy mà sản lượng bình quân mỗi vụ trên 50 tạ/công (tạ = 60kg). Cá biệt năm 2016 tăng lên gấp đôi.

“Vua khoai lang” Võ Văn Tước

Ngoài ra, ông còn tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt là cách diệt côn trùng phá hoại dây, lá và củ. Nhờ cần cù sáng tạo và làm ăn có hiệu quả cao nên nhiều bạn bè con ở Bình Tân thường gọi ông là “vua khoai lang”.

Ông Tước phấn khởi cho biết lợi thế của khoai lang tím Nhật là dễ dàng xuất khẩu sang nhiều nước do chất lượng thơm ngon, màu sắc đẹp, độ dinh dưỡng cao. Hiện có giá dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/tạ (cao gấp 4 lần các loại khoai lang khác). Ngoài 2 vụ lúa – khoai, ông còn trồng thêm rau màu trên bờ đê, mé ruộng, thu nhập cũng khá cao. Tính bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí ông Tước còn lời trên 1 tỉ đồng.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Trồng cà chua thân gỗ tại nhà

Cà chua thân gỗ hay còn có tên gọi là Tamarillo, có xuất xứ từ Ecuador và đã được trồng thành công tại Việt Nam, hiện đang là loại quả khiến các bà nội trợ tích cực săn lùng.

Loại cà chua thân gỗ này có nhiều thịt hơn, thơm hơn và có vị chua ngọt. Không chỉ sử dụng trong nấu ăn, cà chua thân gỗ còn được dùng chủ yếu để làm salad, hoặc ăn trực tiếp như hoa quả bình thường, làm nước ép trái cây vì rất giàu các vitamin và khoáng chất. Quả Cà chua thân gỗ – Tamarillo thường có màu cam hoặc màu đỏ, quả hình elip. Quả cà chua thân gỗ này cũng rất giống với cà chua thường mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nhưng mức giá thì lại đắt gấp gần 50 lần.

Hãy cùng tìm hiểu cách trồng loại cà chua đang làm mưa làm gió này cho khu vườn nhà bạn thôi để khỏi xót tiền mỗi lần phải mua chúng.

Thời điểm gieo hạt thích hợp nhất là mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng có bán với giá khoảng 30.000đ/gói (4 hạt) và gieo như cách gieo hạt cà chua đỏ thông thường ở Việt Nam.

Sau khi cây ra lá và đủ lớn thì bạn chuyển chúng ra đất trồng. Tuy nhiên cần lưu ý, đây là giống thân gỗ và tán lớn, cho nên chỉ có thể trồng ngoài vườn hoặc trong bồn lớn mà không nên trồng trong chậu hoặc thùng xốp để cây có thể phát triển tốt nhất.

Thời gian ra quả sau gần một năm tính từ khi trồng cây con. Cây con khỏe mạnh, phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, thích hợp trồng ở môi trường Việt Nam. Cây có thể ra quả quanh năm, và có thể thọ đến 20 năm tuổi.

Tuy nhiên, giống như các giống cây cà thông thường, thân cây cà chua rất giòn và dễ gãy, cho nên thường người ta sẽ kết hợp với giàn đỡ để cây không bị quá nặng, vì mỗi một đợt ra quả, cây có thể cho thu hoạch từ 40-60kg.

Theo như những người đã trồng thành công cây cà chua thân gỗ này thì cây cà chua nhà chị không thấy bị sâu bệnh và cũng không cần chăm bón quá nhiều như các loại quả và rau khác. Bạn cũng có thể dùng phân hữu cơ, phân gà, phân vi sinh để bón cho cây.

Loại cà chua này đang được bán trên thị trường với giá từ khoảng 500.000đ – 1.000.000đ, và thường không có sẵn mà phải đặt trước nhiều ngày rồi nhập khẩu về.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Xuất khẩu tôm vươn ra 93 thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vươn rộng ra 93 thị trường trên thế giới, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.

Và tăng trưởng tốt trong nhiều tháng qua, dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng mạnh vào dịp lễ Noel và năm mới 2018.

1. Chủ động nuôi

Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nuôi tại ĐBSCL những tháng cuối năm 2017 được dự báo thuận lợi, nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm, thị trường đầu ra rộng mở.

Là đơn vị sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Kiên Lương, Kiên Giang) rất chú trọng phát triển vùng nuôi nhằm chủ động nguyên liệu tại chỗ.

Ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư 650ha vùng nuôi, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước thả nuôi. Dù đã thời điểm cuối vụ nhưng Cty vẫn duy trì thả nuôi gần 20 ao (5.000m² mặt nước/ao), tôm nuôi được từ 40 – 60 ngày tuổi. Nếu thuận lợi, tôm nuôi khoảng 85 – 90 ngày sẽ cho thu hoạch, với năng suất từ 10 – 15 tấn/ao. Ngoài tôm đông lạnh trong kho, thì đây sẽ là nguồn cung tôm rất quan trọng trong những tháng cao điểm cuối năm.

Các tập đoàn chế biến tôm xuất khẩu lớn tại ĐBSCL thời gian qua cũng rất chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) đang sản xuất tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) với diện tích tự đầu tư trên 900ha. Ngoài ra, tập đoàn còn liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho khoảng 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác trong vùng, khoảng 100.000ha nữa. Đây sẽ là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến, xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có gồm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Tại Bạc Liêu, nhiều đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) tổng diện tích đầu tư nuôi 60ha, thả nuôi được 20ha mặt nước. Trong đó, 10ha nuôi trong nhà lưới mật độ 100 – 150 con/m² và 10ha nuôi ngoài trời mật độ 60 – 80 com/m² hiện tại thu hoạch được 3ha, sản lượng 90 tấn, diện tích đang còn tôm là 17ha. Chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) đầu tư với tổng diện tích toàn khu hơn 315ha, đang tiếp tục xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

2. Đầu ra rộng mở

Theo các đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua khá ấn tượng, với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Trung Quốc (63,3%), Hà Lan (35,1%), Anh (29,5%), Hàn Quốc (28%), Nhật Bản (27,7%), Canada (21,5%).

Hiện nay, Cty CP Trung Sơn đang xuất khẩu tôm qua các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với mặt hàng chính là tôm đông lạnh nguyên con và tôm chế biến giá trị gia tăng cao. Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ, được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và chủ động thu hoạch theo đứng kích cỡ (size) khách hàng yêu cầu nên sản phẩm của Trung Sơn luôn dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao

Theo đại diện VASEP, hiện nay châu Âu rất chú trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản xuất bền vững. Nhiều nước EU xem đây là điều kiện bắt buộc để thủy sản được chấp nhận vào thị trường. Các quy trình sản xuất bền vững, an toàn với dịch bệnh, môi trường như: tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ… tại Việt Nam đang được các thị trường này rất ưa chuộng. Trong khối thị trường châu Âu thì Hà Lan, Anh và Bỉ là ba nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, 9 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến đạt 26.290 tỷ đồng, tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng có bước tăng trưởng tốt, 9 tháng ước đạt 357,63 triệu USD, tăng 38,63% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy hải sản, với 54,97%.

Còn tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 750 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt gần 120 triệu USD.

Ông Phan Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, hiện các thị trường như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang nhập mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý IV sẽ tăng cao. Khả năng đạt chỉ tiêu 1,1 tỷ USD trong năm nay là rất lớn.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Cà chua trái cây được trồng từ sữa và trứng

Giống cà chua trái cây có nguồn gốc từ nước Nhật, chỉ là cà chua bình thường. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc và tưới tắm lại đặc biệt không giống bất kỳ loại cây ăn quả nào. Đó là phân bón được thay bằng hỗn hợp sữa và trứng gà

Một người phụ nữ tên Phạm Thị Xuân Thủy ở Lâm Đồng là người tiên phong trong việc áp dụng cách trồng trọt của người Nhật vào Việt Nam.

Đầu tiên, một hệ thống nhà kính được lắp đặt với khung sắt không gỉ. Ngoài ra, còn lắp thêm hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt để tạo độ đồng đều chăm bón. Sau đó, sẽ chọn giống cà chua thường trước khi ghép với giống cà chua Nhật.

Cà chua sẽ được trồng bình thường đến khi nó trổ hoa thì bắt đầu áp dụng phương pháp tưới tiêu đặc biệt. Hỗn hợp sữa bò, sữa bột, trứng gà và mật mía được lên men trong một tuần và tiến hành tưới tiêu đều cho các cây.

Công thức pha trộn cũng được điều chỉnh để hợp hơn với khí hậu và thời tiết Việt Nam. Kết quả thu hoạch được khoảng 8-10kg mỗi cây và cứ 50-60 ngày cây bắt đầu cho trái.

Mục đích của hỗn hợp tưới tiêu trứng sữa này là cà chua sẽ hạn chế hết mức bị sâu bệnh phá hoại và có vị ngọt thanh chứ không chua như cà chua thường. Đặc biệt hơn nữa là, khi ăn có mùi thơm từ trứng sữa và không hề tanh.

Hỗn hợp này có giá thành khá cao và đòi hỏi kỳ công, vì thế mà cà chua trái cây đắt gấp nhiều lần các giống cà chua khác là điều dễ hiểu. Mỗi cân có giá lên đến 100 ngàn đồng

Ngoài việc mang lại vị giác tươi mới, giống cà chua này cũng đặc biệt chứa hàm lượng oxy hóa cao, ngăn ngừa ung thư nhất là ung thư tuyến tiền liệt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tỏi voi Nhật Bản trồng được ở “Vương quốc tỏi” Lý Sơn

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa loại tỏi voi ra trồng ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn…

Một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo doanh nghiệp này, nếu trồng tỏi voi, người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng và mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản tại Việt Nam.

Tỏi Lý Sơn vang danh không chỉ trong nước sẽ gặp khó với tỏi Nhật Bản?

Doanh nghiệp muốn trồng tỏi là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản). 2 doanh nghiệp này giới thiệu về sản phẩm tỏi voi và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. CAN Holdings là Công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tỏi voi là một trong những sản phẩm được Công ty sản xuất tại Nhật Bản.

Theo lời giới thiệu của CAN Holdings tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Để sản xuất 100m² tỏi voi cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ. Sản lượng đạt 4,5 tấn/ha. Ở Nhật trị giá 1kg tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.

Nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn

Được biết, nếu dự án thành hiện thực, 2 công ty này, sẽ mang giống tỏi voi sang trồng tại đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã mang mẫu tỏi voi tới Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn để giới thiệu, mặc dù vậy, một số người dân Lý Sơn cho rằng, nếu trồng tỏi voi trên đảo, thương hiệu tỏi Lý Sơn vang danh bấy lâu nay sẽ bị ảnh hưởng.

Khí hậu và thổ nhưỡng cho phép Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi khí hậu, thổ nhưỡng của hòn đảo này cho phép người nông dân trồng được loại tỏi tép nhỏ, thơm, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không quá cay nồng. Tỏi Lý Sơn không chỉ là một nông sản vang tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Hiện nhiều doanh nghiệp tỏi cũng đang xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua các nước như Quata, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cả… Nhật Bản

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tác hại của việc sử dụng kháng sinh tăng trọng trong chăn nuôi heo

Trong chăn nuôi heo, việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng, phòng trị bệnh không đúng cách có thể dẫn đến sự tồn dư kháng sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Việc tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nên những tác hại sau:

– Sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn sẽ làm phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong đường ruột gây rối loạn tiêu hóa

– Gây phản ứng đối với người nhạy cảm kháng sinh hoặc gây dị ứng sau khi tiêu thụ sản phẩm có tồn dư kháng sinh

– Giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh và có thể tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn trong thú y và nhân y, do đó tốn kém về mặt hiệu quả kinh tế

– Một số kháng sinh có thể gây ung thư cho người tiêu thụ

– Trên bản thân thú nuôi giảm sự đáp ứng miễn dịch cơ thể, con giống sẽ bị yếu ớt.

Chính những tác hại trên, nên nhiều quốc gia đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trọng (Các nước Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ ngày 1-1-2006).

Việc sử dụng thuốc kháng sinh kích thích tăng trọng vô cùng có hại cho heo

Để thay thế sử dụng kháng sinh kích thích tăng trọng trong chăn nuôi cần áp dụng những biện pháp sau:

– Con giống: chọn giống nuôi tốt được bắt từ các trại an toàn dịch bệnh.

– Quản lý chuồng trại: Chuồng trại và khu vực chăn nuôi cần quy hoạch xây dựng phù hợp; xây dựng nơi cao ráo, thoát nước tốt, không bị mưa tạt gió lùa, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông, diện tích và mật độ nuôi phù hợp với từng giai đoạn nuôi dưỡng. Chuồng trại có tường rào bao quanh nhằm đảm bảo kiểm soát được người ra vào, ngăn chặn động vật truyền bệnh (chuột, chim…) từ ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.

– Nuôi heo an toàn sinh học: nhằm giảm thiểu mầm bệnh xâm nhập chuồng nuôi, ngăn ngừa sự phát tán của bệnh dịch, ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh bằng sát trùng toàn bộ chuồng nuôi định kỳ, vệ sinh thiết bị chăn nuôi, áp dụng quy tắc cùng vào cùng ra, kiểm soát các loại động vật vào trại,…

– Vaccin: tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin do ngành Thú y quy định.

– Dinh dưỡng: chọn nguyên liệu thức ăn có chất lượng tốt, thức ăn cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng cho thú nuôi, đặc biệt là acid amin, vitamin và chất khoáng để vật nuôi có thể trạng tốt.

– Dùng các chế phẩm sinh học để ức chế vi khuẩn có hại, tạo điều kiện vi khuẩn có lợi phát triển từ đó nâng cao sức tăng trưởng của heo.

– Axit hóa khẩu phần thức ăn bằng cách dùng các loại axit hữu cơ như: Lactic, Butyric, Propionic, Acetic,…

– Sử dụng Enzymes cải thiện sự tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng tốt cho bộ máy tiêu hóa vật nuôi.

– Dùng thảo dược (như tỏi, gừng,cỏ nhọ nồi, xuyên tâm liên,…) ức chế vi khuẩn có hại phòng bệnh cho vật nuôi.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.