Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lai Châu làm chủ quy trình sản xuất giống cá tầm

Sở KH&CN Lai Châu mới thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số khoảng vài ba năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Trường An, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu, cho biết các nhiệm vụ được thực hiện rất thành công.

Thành công đầu tiên mà ông An nhắc đến là đề tài “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ươm giống và nuôi thương phẩm cá tầm (Acipencer spp) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lai Châu” do Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va triển khai từ 2012 – 2013. Nhờ đề tài này, Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.

Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.

“Hiện giờ chúng tôi lại tiếp tục một đề tài nữa, đó là ‘Xây dựng mô hình liên kết chuỗi cá tầm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tại Lai Châu’. Có thể hiểu nôm na là Lai Châu đã xây dựng được ‘bệnh viện phụ sản’ cho con cá tầm để phục vụ từ khâu nuôi cá bố mẹ, đẻ trứng ấp nở ra con và cung ứng cho tất cả các nơi có nhu cầu về con giống cá tầm” – ông An khẳng định.

Trong giai đoạn hiện nay, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi được Lai Châu triển khai đều quy mô, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và có sự tham gia của doanh nghiệp – theo ông An.

“Chúng tôi đi vào các mảng như dược liệu, chè hữu cơ và cá tầm để từ đó xây dựng các thương hiệu lớn. Chúng tôi tuyển chọn các đơn vị thực hiện đề tài hết sức chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên với Bộ KH&CN, Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi. Khi kêu gọi được các doanh nghiệp lớn tham gia, họ có vốn, có lợi thế về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, chắc chắn sẽ phát triển được những sản phẩm có thương hiệu. Thứ hai là tạo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và gắn với xây dựng thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” – ông An cho biết.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vào vụ dưa hấu Tết

Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau xuống giống vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán được 73 ha, tăng 13 ha so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh.

Nhiều thuận lợi

Năm nay, những giống dưa được người dân đưa vào canh tác như Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt, đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn.

Có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 20 năm, là một trong những người tiên phong trồng dưa hấu tại địa phương, ông Lê Văn Thanh (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) chia sẻ: “Trồng dưa hấu đươc xem là nghề “hốt bạc” dịp Tết vì điều kiện đất đai ở đây phù hợp với loại dưa này. Vài năm trở lại đây, dưa hấu đem lại lợi nhuận khá cao, nhất là vào dịp Tết nên bà con rất phấn khởi và yên tâm mở rộng diện tích”.

Hiện số hộ tham gia trồng dưa hấu tại vùng chuyên canh xã Lý Văn Lâm tăng lên 108 hộ. Hội Nông dân cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật như: xử lý hạt giống, bón phân, tạo mầm hoa, chọn trái, nuôi trái… giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả.

Năm nay, giá giống, phân bón và giá nhân công khá ổn định nên người trồng dưa cũng yên tâm về các yếu tố đầu vào. Cộng thêm thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, mưa rào nhẹ, tạo điều kiện cho ruộng dưa phát triển tốt.

Ông Lê Văn Đa (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) cho biết: “Năm rồi tôi trồng 3 công, năm nay có kỹ sư vô hướng dẫn kỹ thuật nên tôi trồng thêm 3 công nữa. Lúc mới xuống giống nước dâng cao, tôi cố gắng be bờ, giữ được nước nên dưa rất tốt, ít sâu rầy. Mỗi công dưa cho trên 3 tấn trái. Nếu giá cả ổn định và thời tiết thuận lợi đến khi thu hoạch thì mỗi công có thể thu lời trên 20 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Phong (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết: “Vào vụ dưa hấu đi làm công một ngày được 200.000 đồng, làm suốt 3 tháng cũng có tiền trang trải trong gia đình, sắm sửa chuẩn bị Tết”.

Tăng nhanh diện tích trồng dưa chuẩn VietGAP

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau”. Đây là mô hình thí điểm trồng dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại tỉnh Cà Mau. Dự án triển khai thực hiện năm 2016 với diện tích ban đầu là 4 ha, đến nay đã nhân rộng thêm 17 ha với 21 hộ dân tham gia.

Ươm hạt giống dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP để chuẩn bị đưa xuống ruộng.
Ông Nguyễn Đông Dương, Giám đốc HTX Lý Văn Lâm, cho biết: “Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào. Đặc biệt là phải đạt tiêu chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc nên dưa VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn so với dưa hấu trồng theo cách truyền thống, được đưa vào siêu thị với giá 10.000 đồng/kg. Với diện tích dưa hấu VietGAP được mở rộng, năm nay sản lượng sẽ cao gấp 3-4 lần so với năm trước”.

Hiện Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc ruộng dưa, chủ động đủ nguồn nước tưới tiêu và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhằm giúp ruộng dưa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, phấn khởi: “Trồng dưa hấu được xem là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này. Vụ dưa này trung bình mỗi công chi phí đầu tư từ 4-5 triệu đồng, nếu giá cả bình ổn như mọi năm thì người trồng dưa có thể thu lời trên 15 triệu đồng/công, không chỉ giúp thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm ngày càng phát triển mà còn giúp người dân đón Tết sung túc hơn”.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Giá vật liệu làm lồng, bè nuôi thủy sản tăng mạnh

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.

Gần nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại lồng, bè nuôi tôm hùm nhưng vẫn không đủ. Ông Thiều cho biết: “Đợt bão vừa qua, 80 ô lồng nuôi tôm của gia đình tôi bị sóng biển đánh tan, không vớt vát được gì. Hiện nay, do nhu cầu làm lại lồng, bè của người dân tăng cao khiến các vật liệu như: gỗ, lưới, cước, phuy nhựa… khan hiếm, giá thành tăng gấp đôi. Để làm lại 60 lồng, bè có diện tích hơn 240m2, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, chưa kể công thợ. Trong khi trước đây, chỉ mất khoảng 600 triệu đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hàng đã đặt gần 1 tháng nay nhưng đến giờ họ vẫn chưa cung cấp đủ”.

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí

Do giá gỗ làm lồng, bè tăng cao nên ông Huỳnh Văn Thức (thị trấn Vạn Giã) phải ra tận tỉnh Phú Yên để mua tre về làm lồng, bè nuôi tu hài, sò huyết, sò mồng nhằm giảm chi phí. Ông Thức cho hay: “Tre tôi mua với giá 50.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng so với trước đây. Tiền công chặt tre, vận chuyển do gia đình tự thuê. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi biển, bây giờ mà không làm thì biết lấy gì để sống. Tuy giá vật liệu tăng cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận mua để tiếp tục tái đầu tư”.

Bà Lê Thị Thanh Hồng (thị trấn Vạn Giã), người chuyên cung cấp vật liệu làm lồng, bè cho biết, hơn 1 tháng nay, kho hàng của gia đình bà lúc nào cũng trống rỗng, bởi hàng nhập về đến đâu khách mua hết đến đó. Chính vì nhu cầu sử dụng vật liệu, nhất là gỗ và lưới làm lồng tôm, cá tăng mạnh nên giá thành cũng tăng theo.

Không chỉ vật liệu làm lồng, bè tăng giá mà hiện nay, giá công thợ đóng bè cũng tăng gần gấp đôi so với trước nhưng cũng không dễ để tìm thợ. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau gần nửa tháng liên hệ, đến nay, gia đình tôi mới thuê được 3 thợ mộc về đóng lồng, bè nuôi tôm. Giá công thợ hiện nay tăng từ 300.000 đồng lên 700.000 đồng/người/ngày và phải bao ăn 3 bữa. Với 70 ô lồng có diện tích hơn 300m2, phải mất hơn 2 tuần gia đình tôi mới đóng xong bộ khung lồng, bè. Tiếp đó, phải mất 2 tuần làm khung lưới lồng trên biển thì mới thả nuôi tôm trở lại được”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 16.530 lồng, bè nuôi tôm, cá của người dân bị thiệt hại do bão, chưa kể hàng trăm lồng, bè nuôi thủy sản của một số doanh nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Còn công thợ là sự thỏa thuận giữa chủ lồng, bè và người thợ nên chính quyền không thể can thiệp.

Điều đáng nói, do nhu cầu gỗ làm lại lồng bè tăng mạnh nên đã gia tăng tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Tuy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chốt chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác gỗ trái phép nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, huyện Vạn Ninh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng cùng với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác rừng trái phép…

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mùa kiệu Tết: Cung thấp, cầu cao

Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tại huyện Cam Lâm hay TP. Cam Ranh, không còn thấy những ruộng kiệu bạt ngàn như những năm trước.

Ông Lê Văn Bông – Khuyến nông viên xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho hay, nông dân không mặn mà với việc trồng cây kiệu. Trên địa bàn xã diện tích kiệu giảm mạnh, hiện nay chỉ còn vài sào so với khoảng trên dưới 20ha những năm trước. Tại vùng Đồng Bà Thìn, diện tích kiệu lâu nay khoảng 15ha nhưng năm nay chỉ còn vài sào.

Sản xuất kiệu tại Cam Thành Nam, Cam Ranh.

Tại thị trấn Cam Đức (Cam Lâm), diện tích trồng kiệu cũng không như những năm trước đây. “5 – 6 năm trước, diện tích kiệu lên tới 25ha. Năm nay chỉ đạt khoảng 12ha”, ông Nguyễn Văn Thư – cán bộ nông nghiệp thị trấn Cam Đức xác nhận.

Tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) – trọng điểm kiệu của tỉnh – bây giờ tìm “đỏ mắt” mới thấy được mảnh ruộng trồng kiệu. Ông Ngô Văn Nhẹ – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Có nhiều lý do khiến diện tích giảm mạnh: đất trồng nhiễm sâu bệnh phải luân chuyển cây khác, giá giống cao (35.000 – 38.000 đồng/kg), công lao động tăng (hiện nay 200.000 đồng/công), giá cả bấp bênh… Vì thế, tổng diện tích kiệu toàn xã chỉ còn dưới 10ha, trong khi những năm trước lên đến 50 – 60ha.

Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cam Lâm cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên thì tâm lý nông dân ngại mưa lũ nên cũng không phát triển thêm diện tích. Năm nay, diện tích kiệu toàn huyện giảm 15ha so với năm 2016, chỉ còn 148ha.

Tuy vậy, tình hình cây kiệu lại rất khả quan cho nông dân. Ông Trần Văn Ân – chủ cơ sở chế biến Ngọc Thưởng (thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam) cho biết, từ tháng 6 âm lịch (thời điểm xuống giống) tới nay, kiệu phát triển tốt; năng suất cao hơn năm trước, có thể đạt 1,2 tấn/sào; sâu bệnh cũng giảm nên chi phí phun xịt thuốc bảo vệ giảm nhiều. Hơn tháng trước, cơn bão số 12 khủng khiếp là vậy nhưng lại không ảnh hưởng đến các ruộng kiệu.

Còn một tháng nữa mới tới vụ thu hoạch nhưng ngay từ bây giờ, nhiều nông dân trồng kiệu đã thu tiền bán kiệu sớm. Ông Trần Văn Ân cho hay, theo dự báo, giá kiệu Tết thu mua sẽ cao hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/sào. Hiện nay, các thương lái đã tìm đến các ruộng kiệu ngã giá và đưa tiền trước; căn cứ vào dự đoán năng suất mà chốt giá mức 27 – 35 triệu đồng/sào, thậm chí còn cao hơn.

Ông Ngô Văn Nhẹ cho biết, đầu mùa, người dân không đầu tư trồng kiệu nhiều nên diện tích sụt giảm. Giảm cung ắt tăng cầu. Chuyện các thương lái thu mua kiệu sớm khẩn trương như hiện nay là điều bình thường vì nếu không nhanh thì đến mùa, có tiền chưa chắc đã mua được. Năm nay, nhờ mã kiệu đẹp thương lái trả giá rất cao. Kiệu đang thời kỳ tích lũy tinh bột, củ to, chắc, dự báo được mùa, năng suất, sản lượng có thể tăng 20 – 25% so với mọi năm.

Còn ông Nguyễn Văn Thao – người trồng kiệu nhiều kinh nghiệm tại thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam cho hay, kiệu Tết năm nay năng suất dự báo có thể đạt 1,5 tấn/sào, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các thương lái đã đặt mua kiệu non với giá 34 triệu đồng/sào, cao nhất từ trước tới nay so với giá kiệu sớm 25 – 27 triệu đồng/sào cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cánh đồng rau VietGap tỏa hương thơm, nông dân thu nhập cao ở Tân Minh

Nhiều năm nay, xã Tân Minh (huyện Thường Tín) được coi là vùng chuyên trồng các loại rau gia vị lớn nhất TP.Hà Nội. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, việc trồng rau gia vị của người dân tại đây ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

Có mặt trên cánh đồng xã Tân Minh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi đứng trước những vườn rau kinh giới, mùi tàu, húng, tía tô xanh tốt và tỏa hương thơm ngào ngạt. Bà Đàm Thị Dung (thôn Phúc Trại) đang thu hoạch rau ngổ cho biết, rau ngổ là một trong những loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại nhanh cho thu hoạch (chỉ khoảng 50 ngày).

Mỗi lần trồng nếu chăm sóc tốt, bà con có thể thu hoạch liền trong vòng 6 tháng mới phải trồng lại. Bên cạnh đó, chu kỳ thu hoạch chỉ khoảng 12 – 15 ngày/lứa nên người trồng rau thơm có thể thu quanh năm.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc ruộng rau thơm. 

“Gia đình tôi trồng 4 sào rau thơm các loại, mỗi tháng thu hoạch đều trong 20 ngày, đem bán cho các thương lái đổ buôn tại chợ đầu mối. Ngày ít cũng được vài trăm ngàn đồng, ngày nhiều có thể thu được tiền triệu nên lúc nào cũng “rủng rỉnh” tiền trong túi ” – bà Dung vui vẻ cho biết.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Mai cũng ở thôn Phúc Trại đang chăm sóc ruộng rau tía tô. Chị vui vẻ cho biết: “Mùa này không cần chăm sóc nhiều, rau tía tô vẫn lên ầm ầm. Nếu thời tiết ẩm thì 2 ngày mới phải tưới một lần, còn hanh khô thì ngày nào cũng phải tưới. Hiện nay gia đình nào cũng đầu tư giếng khoan và bể lọc ngay cạnh ruộng, một số gia đình còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động nên sản xuất nhẹ nhàng lắm. Gia đình tôi có hơn 2 sào trồng rau thơm, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 – 7 lần so với cấy lúa”.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc rau trồng theo mô hình VietGAP.

Hiện nay, ngoài các hộ chuyên sản xuất, tại địa bàn xã Tân Minh còn hình thành một đội ngũ chuyên thu gom hàng giao cho các chợ đầu mối. Người dân chỉ cần thu hoạch rau lên đầu bờ là đã có người tới thu mua. Toàn xã hiện có hơn 30 ôtô bán tải và vài trăm chiếc xe máy tham gia vận chuyển rau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn xã Tân Minh hiện có hơn 4.000 hộ trồng rau gia vị các loại. Mỗi ngày đều có hàng chục ô tô, xe máy của tư thương đến thu mua và chở rau phân phối ra khắp các chợ đầu mối quanh khu vực Hà Nội.

Chị Vũ Thị Hằng, một hộ trồng rau ở đây cho biết, gia đình chị trồng rau gia vị với diện tích hơn 1 sào, chủ yếu là rau kinh giới, tía tô, thơm Láng… Bình quân mỗi tháng, gia đình chị thu lãi khoảng 3 triệu đồng (khi giá thị trường bình ổn). Riêng dịp cuối năm, bao giờ giá rau cũng cao gấp 2, gấp 3 lần giá ngày thường.

Chị Hằng cho biết, thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của HTX Tân Minh, gia đình chị được hướng dẫn trồng rau theo mô hình cộng đồng, nhờ vậy rau thơm cho năng suất cao hơn, giá bán tốt hơn. Đặc biệt các hộ tham gia mô hình đều yên tâm khi rau trồng đúng quy trình, thu hoạch đúng cách, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

“HTX phân công các nhóm trưởng trực tiếp quản lý rau của các hộ trong nhóm. Điều này giúp mỗi hộ có ý thức tự giác trong việc trồng rau an toàn và đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, rau gia vị Tân Minh ngày càng có uy tín, thương lái thu mua với giá tốt” – chị Hằng nói.

Tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP

Cán bộ HTX Tân Minh hướng dẫn trồng và quản lý rau theo mô hình cộng đồng.

Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ của Sở NNPTNT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã, với tổng diện tích 1.138,7ha. HTX Tân Minh là một trong những mô hình phát huy hiệu quả rất tích cực.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, rau thơm đang được xem là cây trồng chủ lực của địa phương với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất ra thị trường 50 – 60 tấn rau. Đặc biệt, xã đã có 90ha trồng rau thơm được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn.

Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX thường xuyên tập huấn và nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, HTX đã thành lập 33 tổ giám sát, mỗi tổ có từ 30 – 35 người, chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát quá trình sản xuất của bà con. HTX còn liên kết với một số công ty về trực tiếp thu mua hàng, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhờ đó giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất an toàn để ổn định đầu ra cho sản phẩm và xây dựng được thương hiệu rau thơm Tân Minh trên thị trường” – ông Thắng nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ phát hiện tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản

Bộ kit này dựa trên cơ chế cạnh tranh miễn dịch giữa chất kháng sinh Enrofloxacin và cộng hợp enzyme đánh dấu lên kháng thể đặc hiệu. Nồng độ Enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của enzyme.

Sự cần thiết

Enrofloxacin là loại thuốc kháng sinh thuộc họ Fluroquinolone giúp kháng bệnh cho tôm cá, tuy nhiên chất này có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng sản phẩm (gây giảm thị lực cho mắt, gây viêm khớp…). Là một loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm. Trên thực tế nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vẫn lạm dụng thuốc này. Các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đang lên tiếng cảnh báo về tình hình nhiễm Enrofloxacin. Các mặt hàng thủy sản trong nước cũng có nguy cơ nhiễm Enrofloxacin.

ELISA (Enzyme-Linked ImmunoSorbent Assay) là một kỹ thuật sinh hóa để phát hiện kháng thể hay kháng nguyên trong mẫu cần phân tích. Bộ kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh Enrofloxacin có nhiều ưu điểm, đặc biệt là tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.

Thực hiện nhanh, thao tác đơn giản, dễ thực hiện. Không đòi hỏi thiết bị đắt tiền. Không cần nhân viên chuyên môn cao. Độ nhạy cao, có khả năng phát hiện dư lượng Enrofloxacin ở ngưỡng phát hiện 1 ppb. Chi phí kiểm mẫu thấp do có thể kiểm đồng thời một số lượng mẫu lớn.

Ngoài ra, bộ kit này là có thể phân tích khoảng 50 – 80 mẫu cùng một lúc.

Thành phần của bộ kit bao gồm:

– Đĩa giếng: Đĩa ELISA 96 giếng được sử dụng nhiều nhất thường là polystyrene hoặc các dẫn xuất của polystyrene thu được bằng cách biến đổi hóa học hoặc chiếu xạ bề mặt. Phổ biến nhất là đĩa 96 giếng được thiết kế thành 8 hàng và 12 cột. Mỗi giếng giữ khoảng 350 µl thể tích với một khu vực bên trong khoảng 2,5 cm2.

– Chứng âm, chứng dương: Có tác dụng kiểm tra xem mẫu, hóa chất và điều kiện chạy đã chuẩn chưa.

– Cộng hợp, cơ chất, dung dịch hãm màu.

Quy trình

Nguyên lý: Kháng thể đặc hiệu kháng Enrofloxacin được gắn lên giếng. Cho mẫu vào, nếu Enrofloxacin có trong mẫu phân tích sẽ bị kháng thể bắt giữ, các tạp chất bị rửa trôi. Cho thêm cộng hợp giữa Enrofloxacin và enzyme vào giếng, khi đó nồng độ Enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của mỗi giếng. Nếu nồng độ Enrofloxacin cao tương ứng với màu nhạt, còn nồng độ Enrofloxacin thấp tương ứng với màu đậm. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào 2 màu đậm hoặc nhạt là có thể biết được thủy sản có nhiễm Enrofloxacin hay không.

Xử lý mẫu: Thông thường có thể xử lý mẫu theo hai cách:

Đối với hệ số pha loãng 3 lần: Cho 2 g mẫu vào ống ly tâm, sau đó cho thêm 4 ml dung dịch methanol 70% vào. Lắc mẫu trong 20 phút. Tiếp đến, ly tâm 10.000 vòng/phút trong 15 phút. Lấy 2 ml dịch trong, thổi khô, sau đó hòa cặn lại bằng dung dịch methanol 35%. Độ pha loãng là 3 lần.

Đối với hệ số pha loãng 6 lần: Cho 2 g mẫu vào ống ly tâm, sau đó cho thêm 4 ml dung dịch methanol 70% vào. Lắc mẫu trong 20 phút. Ly tâm 10.000 vòng/phút trong 15 phút. Rút 1 ml dịch trong pha loãng với 1 ml dung dịch pha loãng đi kèm.

Tiến hành phản ứng

Cho 50 µl dung dịch chuẩn Enrofloxacin và dung dịch mẫu vào mỗi giếng. Cho 50 µl cộng hợp enzyme vào các giếng đã cho chuẩn và mẫu. Ủ tại nhiệt độ phòng trong 30 phút. Rửa các giếng bằng dung dịch rửa 3 lần. Cho 100 µl cơ chất hiện màu vào tất cả các giếng, ủ trong 30 phút.

Kết quả

Để đọc mật độ quang bằng máy so màu thì cho vào mỗi giếng 50 µl dịch hãm màu, hỗn hợp sẽ chuyển sang màu vàng, sau đó đọc tại bước sóng 450 nm. Cách đọc như sau:

Đối chứng dương: Màu rõ ràng, độ hấp thụ ánh sáng (A) phải > 0,6

Đối chứng âm: Không màu hoặc màu nhạt, A phải < 0,1

Mẫu dương tính: Có màu rõ ràng, A phải > 0,3

Lưu ý: Toàn bộ thuốc thử phải bảo quản trong lạnh (4 – 80C). Khi tiến hành thí nghiệm phải đưa toàn bộ thuốc thử về nhiệt độ phòng. Không để các thuốc thử tiếp xúc ánh nắng.

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm, cá VietGAP phục vụ tết

Nhiều nông dân nuôi tôm, cá tại tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi khi sản phẩm do họ nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, kịp đưa ra thị trường phục vụ dịp cuối năm.

Cá tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẵn sàng phục vụ tết 2017. 

Bà Đặng Khánh Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh và Tổ chức GIZ thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), đơn vị đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân nuôi tôm – lúa, tôm thâm canh và cá chạch bùn… xây dựng quy trình nuôi VietGAP. Sau khi nuôi, các hộ được cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cụ thể, tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Cty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Trường, tổ viên có 2,6 ha mô hình cho biết, nuôi tôm – lúa theo VietGAP đòi hỏi người nuôi phải được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách cẩn thận, tuyệt đối không dung chất cấm, hóa chất ngoài danh mục.

Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là người làm ra tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người SX, môi trường nuôi được bền vững, nên người nuôi rất yên tâm. Một khi thị trường tiêu thụ tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên theo.

Trước đó, tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) được TTKN Kiên Giang phối hợp với Cty TNHH Công nghệ NhoNho trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú, kinh phí do Tổ chức GIZ tài trợ. Tổ hợp tác có 4 hộ nông dân cùng nuôi, sản lượng tôm sú 8 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Năm nay, tôi thu trên 1.000 kg tôm/2ha, bán được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi một nửa”.

Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình, nông dân phải có từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ như xới mặt ruộng, xả bỏ nước, rải vôi bột cả trên bờ lẫn mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào vèo và ao nuôi. Tôm nuôi 2 giai đoạn, và trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Sau khi kết thúc vụ tôm, các hộ dân tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa được hỗ trợ làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ, thu mua chế biến, đóng gói gạo VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, bà Đặng Khánh Hồng cho biết thêm.

Ngoài mô hình tôm – lúa, có 6 cơ sở tại huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên đăng ký liên kết SX tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, có 5 cơ sở được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản) cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Đào Thọ Quí, có 70.000 m2 nuôi tôm tại phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, phấn khởi nói: “Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường 70 tấn tôm thương phẩm. Với quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm dễ dàng vào hệ thống siêu thị, các đơn vị thu mua chế biến cũng rất an tâm về chất lượng, ATTP”.

Bên cạnh con tôm nước lợ, TTKN Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân 2 huyện Châu Thành, Giồng Riềng nuôi cá chạch bùn thương phẩm trong ao dùng thức ăn công nghiệp theo VietGAP, đã được Cty CP Chứng nhận và Giám định VINACERT cấp chứng nhận. Nông dân tham gia được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 30% giá trị vật tư và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ông Hà Văn Bòn Ba, nông dân ở xã Giục Tượng (Châu Thành), người tham gia mô hình nhận xét: “Cá chạch bùn là đối tượng dễ nuôi, thích nghi rộng với môi trường, quy trình nuôi đơn giản, cá ăn thức ăn công nghiệp nên chủ động và tiết kiệm thời gian chăm sóc, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trung bình lãi 18 triệu đồng/300 m2/vụ nuôi (khoảng 4 tháng)”.

Cá chạch bùn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tốt tại các nhà hàng ở TP Rạch Giá

Nguồn: Tepbac.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hoa nội ‘đẩy lùi’ hoa ngoại

Lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc thường bị “mù” nụ hoa đầu cành, độ bền của cành hoa chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại sản xuất trong nước, giá bán cũng đắt hơn đáng kể.

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp VN) luôn là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài nghiên cứu quy trình công nghệ SX và chọn tạo giống hoa cây cảnh mới, trung tâm còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển giao TBKT vào SX hoa cây cảnh cho các địa phương…


Nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Viện Nghiên cứu Rau quả

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Trong các loại hoa phổ biến trên thị trường hiện nay, thì lan hồ điệp được coi là hoa cao cấp cho hiệu quả SX lớn nhất (thu nhập có thể đạt 25 tỷ đồng/ha canh tác/năm). Hiện SX trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn lại phải nhập khẩu khoảng 1 triệu cây hoa/năm (năm 2017). Tuy nhiên SX hoa lan hồ điệp cần vốn đầu tư khá lớn, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khắt khe, cây giống phải trồng trên giá thể, trong nhà kính/nhà màng, có thiết bị điều khiển nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng chủ động, cây lan mới có thể ra hoa được.

Sớm nắm bắt được các yêu cầu thực tế đặt ra, ngay từ những năm 2005 – 2008 Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình SX hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp. Quy trình đã được tặng cúp Vàng hội chợ Asean + 3 và giải thưởng Bông lúa vàng. Được các địa phương trong nước áp dụng phổ biến trong SX.

Theo thống kê, năm 2017 toàn miền Bắc đã xây dựng được 88.300m2 nhà màng hiện đại, SX được gần 1.300.000 cành lan hồ điệp thương phẩm (tăng 87.100m2 nhà màng và 1.248.000 cành lan hồ điệp so với năm 2005). Đáp ứng được hơn 50% nhu cầu hoa lan hồ điệp cho thị trường nội địa. Cơ bản “đẩy lùi” được hoa ngoại nhập vào nước ta qua con đường tiểu ngạch.

Nhà màng trồng lan hồ điệp của Viện Nghiên cứu Rau quả

Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, trung tâm còn lai tạo thành công một số giống lan hồ điệp chất lượng cao, phù hợp điều kiện khí hậu miền Bắc. Đồng thời xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Đã đảm bảo được 20,3% nhu cầu cây giống lan hồ điệp cho các nhà vườn trồng lan miền Bắc. Đây là những kết quả rất quan trọng để trong thời gian tới, nước ta hoàn toàn tự chủ được nhu cầu cây giống cho SX hoa trong nước, tiến tới xuất khẩu lan hồ điệp sang thị trường các quốc gia khu vực.

Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, trên địa bàn xã có một số nhà vườn, mỗi năm nhập khẩu tiểu ngạch hàng chục nghìn cành lan hồ điệp từ Trung Quốc để xuất bán ra thị trường khu vực. Do hoa Trung Quốc hình thức khá bắt mắt nên dễ bán được giá cao, nhưng sau sử dụng các nụ hoa đầu cành thường bị mù (không nở), độ bền của cành hoa cũng chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại SX trong nước.

Trước thực trạng đó, UBND xã Xuân Quan đã phối hợp với Sở KH – CN Hưng Yên và Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh xây dựng phòng nuôi cấy mô để ứng dụng các TBKT nhân giống một số loại lan quý hiếm. Bước đầu đã tạo cho ra hàng ngàn cây giống lan đai châu, địa lan, hồ điệp đáp ứng cho nhu cầu phát triển SX tại chỗ.

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết thêm: Tiềm năng SX hoa – cây cảnh nói chung, hoa lan hồ điệp nói riêng ở nước ta còn rất lớn. Vì chúng ta có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, có nguồn lao động rẻ, người dân có ý chí vươn lên làm giàu, cán bộ khoa học có trình độ cao, và có một số vùng khí hậu ôn đới như Mộc Châu, Sa Pa rất phù hợp cho cây lan hồ điệp phân hóa mầm hoa tự nhiên.

Trước những thuận lợi trên Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang tập trung đầu tư lai tạo các giống hoa mới, nâng cao quy trình công nghệ SX hoa thương phẩm, hình thành một số cơ sở nhân giống lan hồ điệp công nghiệp, đảm bảo đủ nguồn giống tốt, giá thành hạ cho nhu cầu SX hoa quanh năm trong nước. Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Hoa lan hồ điệp Việt Nam, là cầu nối cho sự liên kết “4 nhà”, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật.

Sản xuất lan hồ điệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đáng nể người đầu tiên đưa con cá thác lác cườm ra nuôi lồng bè trên sông Hậu

Ông Lý Văn Bon là người đầu tiên ở ĐBSCL đưa con cá thác lác cườm từ ao hầm sang nuôi lồng bè sạch trên dòng sông Hậu. Cũng là người thành công với ý tưởng nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch sinh thái và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đặc sản.

Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), ở khu vực 1, Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, quê gốc ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) là cái nôi của con cá, con tôm. Ông mang trong mình niềm đam mê bất tận với nghề nuôi cá, từng là sinh viên ĐH Thủy sản Nha Trang. Khi ra trường, vì hoàn cảnh đưa đẩy, ông không gắn bó được với nghề mà xin vào làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Cà Mau.

Ông Bảy Bon bên hệ thống lồng bè nuôi cá

Theo ông Bảy Bon, cơ duyên đến với nghề cũng đặc biệt. Năm 1998, trong lần làm thủ tục nhập hàng, ông Bảy Bon gặp ông Philip người Pháp, là tiến sĩ thủy sản. Có chung niềm đam mê nên hai người nói chuyện rất nhiều về con cá, con tôm. Buổi gặp tình cờ, cũng là lúc cuộc đời ông Bảy chuyển sang một hành trình mới, khi được nghe những chia sẻ của “người bạn, người thầy” về dòng Mêkông.

Ông Philip nói: “Trên thế gới chỉ có duy nhất một dòng sông Mêkông, nếu như nuôi cá, muốn khởi nghiệp từ con cá thì không cần đến nước nào khác, Việt Nam là số một. Do số lượng cá bị khai thác quá nhiều, dẫn đến cá trong tự nhiên cạn kiệt, dân số lại ngày càng tăng, cá ngoài tự nhiên thì ngày càng ít, nếu không duy trì ngành này thì nó sẽ mất đi”.

Khi ông Philip nghiên cứu tại Cần Thơ thì nhận ra dòng sông Hậu dưới chân Cồn Sơn nước chảy rất mạnh, có dòng nước xoáy, nên cá chẽm và các loại cá khác tập trung về đây sinh sôi nhiều. Từ đó, theo ông Philip chọn nơi này đầu tư bè nuôi cá là tốt nhất, nhờ lượng oxy cung cấp dồi dào cho cá, nguồn nước ô nhiễm rất ít so với những nơi khác, do nằm ở giữa dòng sông Hậu.

Với những thực tế được kiểm chứng, cũng như những luận điểm chắc chắn của ông Philip, ông Bảy Bon thấy được hướng đi mà ông đã từng ấp ủ, nên xin nghỉ làm hải quan, tập trung về khu Cồn Sơn nuôi cá lồng bè. Ban đầu ông nhận thấy cá điêu hồng đang được người tiêu dùng ưa chuộng, lại dễ nuôi, đầu tư ít, thời gian thu hoạch ngắn nên ông chọn con cá điêu hồng để nuôi, giống nhập từ Đài Loan và Thái Lan, về sau ông tự sản xuất giống.

Ông Bảy Bon cho cá thác lác ăn

Sau vài năm giá cá điêu hồng tuột dốc không phanh, dẫn đến thua lỗ tiền tỷ. Không nản lòng, ông Bảy Bon đi học hỏi, tìm hiểu những mô hình, những loài cá nào đạt hiệu quả kinh tế cao để nuôi. Từ những chuyến đi đó, tình cờ Bảy Bon quen ông Tư Kháng quê ở Hậu Giang, là một trong những người đem con cá thác lác từ Campuchia về Cần Thơ và nhờ ĐH Cần Thơ nghiên cứu, sinh sản thành công, với ý tưởng lấy thịt cá làm chả xuất sang Nhật.

Sau khi được ông Tư Kháng tư vấn, năm 2012, ông Bảy chuyển hướng đầu tư 250.000 con cá thác lác cườm, đến khi thu hoạch xuất bán 70 – 80 tấn đem lại lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, xóa được số nợ do thua lỗ khi nuôi cá điêu hồng. Từ đó ông gắn bó với con cá thác lác. Ông Bảy Bon dẫn chúng tôi tham quan trên 30 lồng bè, vèo cá lớn nhỏ với diện tích trên 5.000m2 trị giá gần 20 tỷ đồng, kết thành từng dãy nối với nhau bằng những cây cầu gỗ.

Vừa nuôi cá thác lác cườm, ông còn đẩy mạnh kết hợp du lịch sinh thái. Lúc đầu thì có vài chục người, dần dần càng nhiều du khách đến câu cá, tham quan bè cá. Thế là, ông mở ra cơ sở chế biến món đặc sản cá thác lác rút xương, cá thác lác muối sả, hoàn toàn thủ công và không sử dụng các chất bảo quản với tiêu chí thực phẩm sạch. Mỗi ngày có hàng trăm kg cá thành phẩm được tiêu thụ.

Hàng ngày, ông xuất bán 300 – 500kg cá tươi cho các đại lý, thương lái ở khắp nơi. Mỗi năm, ông Bảy Bon cho xuất bè hàng chục loại cá đặc sản như cá hô, cá chạch lấu, tôm càng xanh… Nhẩm tính, chỉ riêng lợi nhuận từ cá thác lác cườm cũng đem lại vài tỷ đồng/năm. Ông còn kết hợp với nhiều bà con ở Cồn Sơn làm du lịch sinh thái, dưới sông thì có bè cá, trên cồn có cây trái, du khách đến đây tha hồ thưởng thức cây nhà lá vườn của vùng đất Nam bộ như mắm kho, ếch, gà ta, sầu riêng, chuối…

Ông Bảy Bon thành công với với nhiều giống cá đặc sản kết hợp làm du lịch sinh thái miệt vườn

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.