Kỹ thuật chống rét cho ong

Theo ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nuôi ong nhiệt đới, bên trong đàn ong, khu vực nuôi ấu trùng nhiệt độ luôn luôn duy trì khoảng 32 – 36ºC. Nhiệt độ cao hoặc thấp hơn mức này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ấu trùng. Vì vậy, vào mùa đông thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì nhiệt độ của đàn ong, cần chống rét theo 2 phương pháp:

1. Kỹ thuật chống rét bên trong đàn ong

Quân luôn luôn phải đông, phủ kín các cầu; các đàn ong yếu, thế đàn < 2 cầu, thưa quân phải nhập lại với nhau.

Luôn đủ thức ăn dự trữ (có phấn dự trữ và luôn có mật vít nắp). Để đảm bảo đàn ong luôn có mật vít nắp trước khi kết thúc vụ mật đông, người nuôi không quay vòng mật cuối, sớm ổn định đàn ong.

Cho ong ăn bổ sung trước khi hết mật tự nhiên. Cần bổ sung thêm thức ăn cho đàn ong ngày trước và sau các đợt rét kéo dài, không cho ong ăn những ngày rét đậm.

Luôn đảm bảo rằng đàn ong được chống rét kể cả bên trong tổ

Nuôi ong trong thùng ghép: Tức là trong một thùng nuôi 2 đàn, mỗi đàn có cửa tổ quay về một hướng, ở giữa có vách ngăn ong thợ của hai đàn không qua lại nhưng sẽ hỗ trợ để các đàn ong giữ nhiệt tốt hơn.

2. Kỹ thuật chống rét bên ngoài đàn ong

Trước hết, cửa tổ đàn ong tránh hướng gió lùa; khoảng trống trong đàn cần lấp đầy bằng các tấm xốp được bọc nilon để ong không cắn tấm xốp hoặc bằng các gối (khâu bằng bao dứa trong nhồi rơm rạ, lá chuối phơi khô); trên mặt cầu cần phủ giấy báo (4 – 5 lượt). Ngoài ra, không mở cửa đàn ong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Hướng dẫn bà con kỹ thuật chống rét cho ong

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Xử lý nghịch vụ cây ăn trái

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, để đảm bảo vườn cây trong giai đoạn mang trái đầy đủ dinh dưỡng, cần hạn chế bón nhiều phân đạm trong mùa mưa, lũ.

Nguyên nhân là trong nước mưa có chứa khí nitơ (78%) kết hợp với khí oxi (21%) tạo ra dạng đạm rơi xuống.

Theo tính toán, 10ha đất sẽ nhận được lượng đạm từ nước mưa vào khoảng 10 – 84kg đạm/năm. Chính vì vậy trong nước mưa có đạm, nếu bà con bón thêm đạm sẽ gây hiện tượng thừa, làm cho cây ra đọt non, trong giai đoạn cây có trái non, sẽ dẫn hiện tượng rụng trái. Ngược lại, trên sầu riêng, hoặc trái đang phát triển sẽ xảy ra hiện tượng trái bị sượng.

Để nuôi trái trong giai đoạn này, TS Võ Hữu Thoại khuyến cáo, cần sử dụng phân NPK, đặc biệt các loại phân chuyên dụng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bón với liều lượng vừa đủ. Khi trái non rụng nhiều, bà con nên bổ sung các loại phân bón lá chứa các nguyên tố vi lượng phun lên để hỗ trợ dinh dưỡng, cung cấp các dưỡng chất cho cây.

Tăng cường bón phân cung cấp các dưỡng chất cho cây

PGS.TS Phạm Văn Kiêm, nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp – Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) nhận định, đối với bệnh thối rễ của các loại cây ăn trái nói chung từ sầu riêng, cam, quýt… và những loại cây trồng cạn trên rẫy như ớt, khổ qua… đều có thể bị bệnh thối rễ. Tất cả các loại cây này đều bị ảnh hưởng bởi nấm Fusarium gây hại rễ.

Trong đất ở vùng ĐBSCL, đều xuất hiện loại nấm Fusarium ở trong đất. Đối với loại nấm này, cần điều kiện để phát triển, nếu hệ vi sinh vật trong đất phong phú thì có thể ức chế nấm Fusarium gây thoái rễ. Nhưng, khi hệ vi sinh vật trong đất cạn kiệt, khi đó trong đất chỉ còn duy nhất nấm Fusarium, dẫn đến nấm Fusarium ăn rễ cây, phát triển mạnh dẫn đến thối rễ.

Mặt khác, điều kiện làm cho hệ vi sinh vật trong đất ít đi là do phân hữu cơ bị vi sinh vật ăn và phân hủy hết, đến lúc cạn kiệt nguồn thức ăn, dẫn đến vi sinh vật chết dần, dẫn đến nấm hại phát triển, tấn công rễ. Do đó, bên cạnh bón phân hóa học, bà con cần phải bón nhiều phân hữu cơ cho đất vườn, nuôi hệ vi sinh vật ngoại sinh này, ức chế bệnh thoái rễ.

Đối với bệnh thối rễ, nếu tưới  Benomyl chỉ giúp vườn cây khá lên khoảng 3 tháng, khi hết thuốc dẫn đến cây càng kiệt quệ nhanh hơn. Vì vậy, chỉ có cách tạo hệ vi sinh vật có sẵn trong đất, bằng cách bón phân hữu cơ cho cây.

Trên thị trường có nhiều loại phân hữu cơ để bón cho cây, nhưng có thể sử dụng cách thả lục bình vào mương nước trong vườn cây, đợi lục bình mọc dày, kéo lên tủ gốc, sau đó tưới Trychoderma lên để lục bình phân hủy nhanh, tạo thành phân hữu cơ cung cấp cho đất.

Kỹ sư Phạm Văn Quy, đại diện Cty Beymer (Đức) cho biết, vào mùa mưa, rất dễ gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý trái non, đất dễ đi đọt sẽ gây rụng trái. Trong quá trình này, sau khi đậu trái non, nên sử dụng các dòng phân bón. Thứ nhất, về phân bón gốc, sử dụng các dòng có kali để hạn chế quá trình ra đọt và có thêm thành phần trung, vi lượng để đảm bảo bộ lá dày hơn. Beymer có đưa ra thị trường dòng sản phẩm Nitrofoska Perfect 15-5-20, bên cạnh thành phần kali 20%, có thêm vi lượng là Mg 2% giúp bộ lá xanh hơn. Dòng sản phẩm này còn có thêm thành phần Boron để tăng tỷ lệ đậu trái. Dòng sảng phẩm thứ hai, được sử dụng trong giai đoạn sau khi đậu trái non này là dòng kali Boron, gồm 40% kali, 6% Mg, Boron 0,8%.

Theo liều lượng khuyến cáo sử dụng, trong giai đoạn cây từ 4 – 6 năm tuổi, bà con nên bón thành phần Nitrofoska Perfect khoảng từ 400 – 500 gram/gốc; cây từ 6 – 8 năm tuổi trở lên, bón khoảng 600 – 700 gram/gốc. Cây từ 10 năm tuổi trở lên, bón khoảng 1kg phân/gốc. Bên cạnh quá trình bón phân dưới gốc đảm bảo có thành phần kali để hạn chế hiện tượng ra đọt gây rụng trái, Beymer cũng có dòng sản phẩm Basfolia Boron và sản phẩm kết hợp để phun lên trái và mặt lá là sản phẩm Basfolia Combi-Stipp.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Vaccine trong nuôi trồng thủy sản

Vaccine chống lại một số bệnh nhiễm khuẩn quan trọng đã được báo cáo trên toàn thế giới và sử dụng thành công trong điều kiện thí nghiệm hoặc thực tế áp dụng ở cấp độ thực địa.

Vaccine đang được nghiên cứu và sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. 

Vaccin cho vi khuẩn

Cá bệnh do vi khuẩn

Vaccine hiện đang có mặt trên thị trường chống lại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm vibrioosis ( Listonella anguillarum, Vibrio ordalii ), furunculosis bệnh nhọt (Aeromonas salmonicida subsp. salmonicida), bệnh vibrioosis ở vùng nước lạnh (Vibrio salmonicida), bệnh yersiniosis (Yersinia ruckeri), nhiễm trùng tiết niệu (Rennibacterium salmonaris), bệnh tụ huyết trùng (Photo bacterium damselae subsp. Piscicida), bệnh xuất huyết ( Edwardsiella ictaluri), bệnh trắng đuôi (Flavobacterium columnarae ), bệnh do Moritella viscosis, Streptococcus iniae, Lactococcus garviae. (Sommerset et al., 2005).

Và các vaccin được báo cáo thành công trong điều kiện thí nghiệm như vaccine chống lại Vibrio harveyi and Photo bacterium damselae subsp, và Tenacibaculum maritimum ở Cá Hồi cũng được báo cáo (Håstein et al., 2005).

Hầu hết các loại vaccin vi khuẩn thường được bào chế dạng vaccine sống, giảm độc lực hoặc vaccine bất hoạt.

Vaccine chống lại virus

Cá hồi nhiễm bệnh IPN

Rất nhiều nghiên cứu cũng đã được tiến hành để xây dựng vaccine chống lại virus gây ảnh hưởng đến nhiều loài cá. Vài loại vaccine đã được cấp phép sử dụng cho mục đích thương mại ở Chilê, Canada, Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, đây là những vùng địa lý chính để nuôi cá các loài cá có giá trị cao như cá hồi, cá ngừ, cá seabass, cá tráp, cá cam và cá da trơn. Hầu hết các vaccine thương mại có sẵn đều dựa trên các kháng nguyên bất hoạt hoặc các protein tái tổ hợp.

Một loại vaccine chống lại virus gây hoại tử cơ quan tạo máu ở Cá Hồi (IPN) đang được sử dụng trong nhiều năm. Vaccine cho rhabdovirus, vaccine cho virus gây bệnh xuất huyết trên cá (VHSV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHNV) cũng có sẵn thương mại. Gần đây các nhà nghiên cứu Italia đã nghiên cứu thành công vaccine chống lại Betanodavirus – tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá.

Vaccine chống ký sinh trùng

Cá bị nhiễm ký sinh trùng.

Bên cạnh các loại vaccine virus và vi khuẩn, sự phát triển của một loại vaccine chống ký sinh trùng là một lĩnh vực đang nổi lên vì ký sinh trùng gây ra khoảng 20% ​​vấn đề bệnh tật trong nuôi trồng thủy sản.

Xét mối tương tác giữa ký chủ và ký sinh trùng (ký sinh trùng endo- hoặc ecto), thách thức lớn nhất đối với vaccine là xác định giai đoạn ký sinh trùng chịu tác động của vaccine.

Vaccine được tạo ra bởi ký sinh trùng Amyloodinium ocellatum khi tiêm vào vùng bụng được báo cáo là gây ra phản ứng kháng thể đặc hiệu đối với ký sinh trùng. Nó cũng làm giảm sự lây nhiễm ký sinh trùng trong ống nghiệm. Một vaccine sống giảm độc lực của ký sinh trùng Cryptobia salmositica (ký sinh trùng gây bệnh của salmonids) cho thấy phản ứng miễn dịch bảo vệ lên đến hai năm.

Những nghiên cứu trên đây chứng minh rằng Vaccine ngày càng được nghiên cứu và sử dụng phổ biến trên động vật thủy sản. Và chúng đóng góp rất lớn trong ngăn ngừa, phòng trị bệnh cho nhiều loài thủy sản.

Nguồn: Aquaculturemag được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Rau sam và dâu tằm: thảo mộc kích thích sự lột xác của tôm

Rau sam và dâu tằm có tác dụng kích thích tôm lột xác bằng hoạt chất Phytoecdysteroid tự nhiên. Qua đó mở ra một hướng đi mới nhằm nâng cao năng suất cho nuôi tôm nhờ kích thích quá trình lột xác.

Vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm gặp phải là sự chậm lại của quá trình lột xác của tôm.

Hormon Ecdysteroid đã được báo cáo là có tác dụng để kích thích việc lột xác của tôm sú. Nghiên cứu này nhằm mục đích sử dụng chiết xuất một hormone Ecdysteroid từ các loài thảo mộc như vạn tuế (Cycas revoluta), rau sam (Portulaca oleracea) và dâu tằm (Morus sp.).

Sau đó đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với thời kỳ lột xác, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Peunaeus monodon).

Việc chiết xuất Ecdysteroid từ lá của ba loài thảo mộc trên được thực hiện bằng phương pháp giã nhuyễn. Sau đó chiết xuất Ecdysteroid bằng thiết bị sử dụng sắc ký (TLC).

Dâu tằm (Morus sp.)

Thí nghiệm

Đánh giá hiệu quả của hormone tạo Phytoecdysteroid trong thời kỳ lột xác, tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm được thực hiện bằng cách tiêm 100 μL phytoecdyasterod (27,5 μg/tôm) ở đốt bụng thứ nhất. So sánh với ecdysteroid thương mại (kiểm soát dương tính) và dung dịch muối vô trùng (kiểm soát âm tính) cũng được tiêm ở liều 8,6 μg/tôm và 0 μg/tôm tương ứng.

Rau sam (Portulaca oleracea)

Kết quả

Kết quả cho thấy tỷ lệ lột xác cao nhất của Phytoecdysteroid thu được ở cây rau sam (Portulaca oleracea), tiếp theo là dâu tằm (Morus sp.) và vân tuế (Cycas revoluta) với hàm lượng ecdysteroid lần lượt là 0,43%, 0,22% và 0,09%.

Triacodoids được phân lập từ 3 cây này có thể rút ngắn thời gian lột vỏ tôm thành 4, 4, 2, và 5 ngày trước đó đối với thảo mộc Portulaca oleracea, Morus sp., Cycas revoluta và kiểm soát dương tính, so với kiểm soát âm tính.

Tỷ lệ sống và tăng trưởng cao nhất đạt được khi điều trị bằng rau sam (Portulaca oleracea), tiếp theo là dâu tằm (Morus sp.) và vạn tuế (Cycas revoluta) với tỷ lệ sống là 86%, 75% và 25%, tăng chiều dài là 4,42%, 2,26% và 2,16%, tăng trọng lần lượt là 15,90%, 10,55% và 8,73%.

Kết luận

Các kết quả phân tích trên của các nhà khoa học cho thấy hai loài thảo mộc rau sam và dâu tằm có tác dụng kích thích tôm lột xác bằng hoạt chất Phytoecdysteroid tự nhiên. Việc kích thích lột vỏ bằng thảo mộc cũng chứng minh rằng nó góp phần rút ngắn thời gian lột vỏ, tăng tỉ lệ sống và tăng trọng cho tôm.

Nguồn: Indonesian Aquaculture journal được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đánh giá sức khỏe tôm tại ao

Việc làm này giúp người nuôi phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.

Quan sát dấu hiệu bất thường

Thông thường, người nuôi nên kiểm tra toàn bộ hoạt động của tôm trong ao 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, quan sát một số dấu hiệu như: tôm thiếu ôxy, thức ăn dư thừa, màu sắc nước ao. Các dấu hiệu quan sát được là thông tin quan trọng đánh giá về hiện trạng sức khỏe tôm cũng như môi trường ao nuôi.

Tôm chết: trong mọi trường hợp, tôm chết cho thấy tình trạng ao nuôi đang xấu, sức khỏe tôm rất yếu.

Tôm bơi trên mặt nước: tôm có thể bị sốc do hàm lượng ôxy hòa tan thấp hoặc nhiệt độ cao hay bệnh.

Tôm hoạt động gần bờ: có thể do thiếu thức ăn.

Màu nước: thay đổi đột ngột hoặc đậm màu.

Mùi: Mùi phổ biến thường gặp là mùi tanh và mùi tảo. Mùi tanh là mùi đặc trưng của nhớt do tôm lột xác đồng loạt hoặc mùi thức ăn khi cho tôm ăn lượng lớn. Tảo nở hoa sẽ gây ra mùi, tảo lục thường là mùi bùn, tảo lam là mùi của thuốc kháng sinh. Ngoài ra, chất hữu cơ phân hủy trong tình trạng yếm khí cũng sinh ra mùi hôi thối.

Có cá bống bơi hỗn loạn hoặc tập trung gần bờ: Dấu hiệu cho thấy ôxy hòa tan thấp, có kèm khí độc cao, thường thấy ở những ao nhiều ngày tuổi. Đối với những ao này nên thu càng sớm càng tốt, để lâu theo phản ứng bình thường tôm sẽ lột xác nhưng không cứng vỏ và chết.

Ở một vài ao khi xuất hiện cua còng bò lên bờ, phản ứng chậm chứng tỏ nước ao nuôi bị ô nhiễm, khí độc cao và lượng ôxy hòa tan thấp… chỉ một tuần sau tôm sẽ rớt đáy. Một dấu hiệu nhận biết khác là ốc bò ra khỏi mặt nước thì lúc đó ao nhiều khí độc, đáy ao yếm khí…

Bọt khí nổi: Do hàm lượng hữu cơ trong nước ao cao.

Quan sát tôm ở sàng ăn

Hàng ngày kiểm tra tôm trong sàng ăn. Tôm khỏe là tôm có màu sắc bóng đẹp, phụ bộ đầy đủ không bị tổn thương, tôm búng mạnh, bơi nhanh, đường ruột đầy thức ăn và liên tục, tuyến gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường. Phân tôm mạnh khỏe sẽ có màu của thức ăn. Phân tôm có màu khác hoặc nhớt là dấu hiệu bất ổn. Khi thấy phân tôm của một vài con có màu đỏ, thường là trong ao đã có tôm chết.

Chài tôm kiểm tra sức khỏe

Tôm bị bệnh có biểu hiện: mềm vỏ, trống ruột. Ngã nghiêng (nằm nghiêng) nhanh chóng sau khi chài lên. Đục cơ trước 10 phút (khi chài lên) và thường xuyên xuất hiện đục cơ tại ao.

Sau khi chài tôm lên, cho vào một thau chứa lượng nước vừa đủ để tiện quan sát. Khi đã ổn định, tiến hành quan sát toàn thể mẫu tôm. Ba chỉ tiêu quan trọng nhất cần quan sát lúc này là độ đồng đều, tình trạng ruột và màu sắc gan tụy. Đây là những chỉ tiêu dễ quan sát và phản ánh trực tiếp hiện trạng sức khỏe tôm nuôi.

Kích cỡ tôm

Đánh giá độ đồng đều, mức độ phát triển của đàn tôm theo ngày tuổi từ đó đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của tôm. Nếu tôm quá nhỏ so với bình thường có thể đưa ra các giả định tôm bị nhiễm các bệnh gây chậm lớn. Nếu tôm lệch cỡ nhiều, có thể đưa ra giả thuyết tôm thiếu dinh dưỡng (thiếu khoáng hoặc thiếu thức ăn) hoặc nhiễm các bệnh gây lệch cỡ.

Kiểm tra gan: Tôm bình thường gan có màu nâu vàng hoặc vàng cam. Khi bóp gan ra, có dịch màu nâu vàng sệt, không chảy. Có mùi tanh đặc trưng.

Kiểm tra ruột

Quan sát và đánh giá khi tôm còn sống

Điểm trung bình < 1,6: tôm bị thiếu ăn hoặc bệnh

Nếu đã cho ăn > 80% tổng lượng thức ăn khuyến cáo và ít nhất 3 lần/ngày mà ruột < 1,6 là tôm bệnh.

Một số thay đổi bên ngoài

Vỏ: Tôm khỏe có vỏ bóng, khá dày chắc trong khi tôm bệnh vỏ thường lồi lõm. Vỏ tôm mỏng hoặc do lột xác không cứng vỏ thường cho thấy môi trường nước xấu và tôm sốc rất nặng. Nếu trong chài có số lượng tôm mỏng vỏ nhiều hơn 5% thì cần có biện pháp để khắc phục.

Hình dạng bất thường: tình trạng dị hình (do một số bệnh thường gặp như ASDD hoặc IHHNV), gãy gai chủy, đứt râu, mòn cụt chân bơi, chân bò (do đáy ao bị ô nhiễm); vỏ có các chấm đốm đen, đốm nâu, đốm trắng (nhiễm khuẩn hoặc hội chứng Taura)

Cong thân: có thể bị tác động bởi các yếu tố như sốc do nhiệt độ cao, nhiễm khuẩn Vibrio, mất cân bằng khoáng chất, độc tố trong môi trường ao nuôi. Tỷ lệ tôm bị cong thân có thể chấp nhận được trong ao tôm là < 5%

Đốm đen: Những đốm đen trên vỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như nhóm vi khuẩn Vibrio, Taura syndrome virus (TSV), những tổn thương vật lý (Lightner, 1996). Những đốm đen do vi khuẩn Vibrio gây ra với nguyên nhân khởi phát là chất lượng nước xấu, thường không gây chết tôm nếu như nó không làm tổn thương vỏ quá sâu vào bên trong phần cơ thịt tôm. Trong ao tôm, tỷ lệ vỏ tôm có đốm đen có thể chấp nhận được ở mức 5 – 10% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.

Mang: bình thường mang có màu trong suốt. Mang đổi màu sang vàng, nâu hay đen thường do đáy ao bị ô nhiễm, chất hữu cơ trong nước nhiều. Ngoài ra, các vùng trắng như tuyết trên mang có thể là mang bị hoại tử do bão hòa khí trong nước.

Phụ bộ: sưng phồng hay gãy phụ bộ thường do nhiễm khuẩn từ những vùng đáy ao bị ô nhiễm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Điểm mạnh và điểm yếu của nông nghiệp hữu cơ

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ là một chủ đề có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người ủng hộ cho đây là phương thức tốt về môi trường, giảm tác hại của hóa chất trong nông nghiệp. Còn theo người phản đối, phương thức này kém hiệu suất trong khi lợi ích chưa rõ ràng.

Về mặt môi trường

Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, các nông trại hữu cơ có vẻ tốt hơn nông trại truyền thống về khía cạnh môi trường. Nhưng thực tế thì sao?
Lợi: Các trang trại hữu cơ cung cấp sự đa dạng sinh học cao hơn thông qua việc nuôi nhiều ong, chim, côn trùng có ích… Phương thức này cũng có giúp nâng cao chất lượng nước và đất, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Chưa tốt: Nông nghiệp hữu cơ thường mang lại ít sản phẩm hơn – khoảng 19-25%. Khi chúng ta tính đến sự khác biệt về mặt năng suất đó và xem xét hiệu suất về mặt môi trường tính trên một lượng lương thực cụ thể được sản xuất ra, ưu thế của nông nghiệp hữu cơ trở nên ít rõ ràng hơn (một vài nghiên cứu đã cho thấy điều này).

Đối với người tiêu dùng

Lợi: Đối với người tiêu dùng ở các nước có ít quy định về thuốc trừ sâu – chẳng hạn như Ấn Độ, thực phẩm hữu cơ làm giảm nguy cơ phải sử dụng các sản phẩm nông nghiệp có thuốc trừ sâu. Theo các nhà khoa học, những thành phần hữu cơ trong các sản phẩm này cũng có hàm lượng vitamin và chất chuyển hóa thứ sinh cao hơn đôi chút.
Chưa tốt: Các nhà khoa học chưa xác định được liệu những khác biệt về giá trị dinh dưỡng – nhất là vi chất dinh dưỡng – của thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường có thực sự quan trọng đối với sức khoẻ của chúng ta hay không, vì sự khác biệt đó rất nhỏ. Ngoài ra, thực phẩm hữu cơ cũng đắt hơn thực phẩm thông thường nên người nghèo ít có khả năng tiếp cận.

Đối với người sản xuất

Tốt: Nông nghiệp hữu cơ thường mang lại nhiều lợi nhuận – lên tới 35%, theo các nghiên cứu ở Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ – so với phương thức sản xuất thông thường. Nó cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm ở nông thôn do cần nhiều lao động hơn. Đối với người lao động, điều tốt nhất của nông nghiệp hữu cơ là tránh cho họ sự tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.
Chưa tốt: Hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa có nghiên cứu, thống kê thuyết phục về sự khác biệt thu nhập của người lao động làm việc ở trang trại hữu cơ và trang trại truyền thống. Thường thì nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được sử dụng theo cách tương tự các nông trại bình thường.
Kết luận: Cần ủng hộ nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ vẫn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cao cho con người
Hiện các nhà khoa học vẫn tranh cãi về việc liệu nông nghiệp hữu cơ có thể nuôi sống thế giới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khi cung cấp việc làm bền vững và thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng hay không. Một số thách thức khác vẫn chưa có được lời giải là vấn đề tăng năng suất của canh tác hữu cơ để thu hẹp khoảng cách sản lượng với các trang trại thông thường và liệu có đủ phân bón hữu cơ để sản xuất tất cả thực phẩm trên thế giới.
Nhưng chúng ta có nên tiếp tục sử dụng thực phẩm hữu cơ và mở rộng đầu tư vào canh tác hữu cơ? Câu trả lời là có. Nông nghiệp hữu cơ cho thấy những hứa hẹn đáng kể trong nhiều lĩnh vực và vì vậy, cần coi đó là một công cụ quan trọng để phát triển nông nghiệp toàn cầu bền vững hơn.
Hiện chỉ có khoảng 1% đất nông nghiệp được canh tác theo phương thức hữu cơ trên toàn thế giới, nhưng ảnh hưởng của nó đã vượt xa mức 1% đó. Trong vòng 50 năm qua, các trang trại hữu cơ đã cung cấp cho nông nghiệp truyền thống những ví dụ sống động về cách thức sản xuất mới và đóng vai trò là nhân tố thử nghiệm cho một loạt phương thức quản lý canh tác khác nhau, từ luân canh đến canh tác bảo tồn – những điều mà nông nghiệp truyền thống đã quên lãng suốt thời gian dài.
Thế nên, chúng ta nên hiểu và ủng hộ các trang trại hữu cơ – những người đang làm tốt việc sản xuất thực phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao, cung cấp thêm thực phẩm cho thế giới, đồng thời chờ đợi họ sớm giải quyết các điểm yếu như năng suất. Về phần mình, các nhà khoa học cần nghiên cứu để sớm đưa ra lời giải cho những câu hỏi quan trọng về nông nghiệp hữu cơ, giúp mọi người hiểu hơn về thành quả mà nó mang lại.
Tóm lại, cần học hỏi từ những thành công của các nông trại hữu cơ trong khi dần cải thiện nông nghiệp truyền thống – phương thức vẫn chiếm 99% nền nông nghiệp thế giới và đang nuôi sống nhân loại.
Theo khoahocphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sự tích lũy manganese trong hệ thống nuôi tôm Biofloc

Nghiên cứu này nhằm chứng minh sự tích lũy chất độc hại là manganese (Mn) và ảnh hưởng của nó đến tôm nuôi trong hệ thống Biofloc.

Trong hệ thống nuôi tôm tuần hoàn sẽ có sự mất mát các chất dinh dưỡng và tích lũy các chất độc hại. 

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ngày càng phổ biến ở nước ta do nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước, tỉ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng thủy sản nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng do sự trao đổi nước thấp của những hệ thống này dẫn đến việc thiếu hụt yếu tố dinh dưỡng hoặc tích lũy các chất độc hại.

Sự tích tụ Mn (SBR) là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của tôm nuôi. Do nước nuôi tôm có hàm lượng Mn cao chứa trong các hạt biofloc, các hạt biofloc này là thức ăn bổ sung cho tôm nuôi. Về cơ bản SBR có nhiều trong nước thải từ hệ thống nuôi tôm. Vật liệu flocs còn sót lại từ các lần xử lý nước trước còn gọi là “nước bẩn” . Các floc này trộn lẫn với các hạt floc mới và nó được dùng làm thức ăn bổ sung vào thức ăn cho tôm.

Thí nghiệm đánh giá tác động của Mn với tôm nuôi

Hai thử nghiệm được tiến hành như sau:

(i) Thử nghiệm thức ăn đầu tiên là một thí nghiệm kéo dài 6 tuần để xác định độc tính của mangan đối với tôm (Litopenaeus vannamei) trong khẩu phần không có bioflocs.

(ii) Thử nghiệm cho ăn thứ hai (5 tuần) là được thực hiện với các biofloc nói trên với hàm lượng mangan cao.

SBR được sử dụng đối với tôm nuôi trong giai đoạn khoảng 30 ngày tuối, ở giai đoạn này chất lượng nước nuôi tương đối tốt.
Nước sử dụng sau khi tách các hạt floc được sử dụng ngược lại vào hệ thống RAS và các hạt floc được sử dụng bổ sung cùng với thức ăn viên cho thấy tăng trưởng của tôm nhanh hơn so với chỉ đơn thuần dùng thức ăn viên.

Tuy nhiên, đến giai đoạn nuôi khoảng 60 ngày khi này chất lượng nước trở nên xấu hơn, do đó khi bổ sung các hạt floc vào thức ăn làm giảm tăng trưởng của tôm khoảng 30% so với việc không bổ sung.

Giai đoạn nuôi từ 60 ngày trở đi cho thấy hàm lượng Mn tích lũy dao động trong khoảng 0.9 – 1.1%, tương đương hàm lượng Mn có thể có trong thức ăn tôm khoảng 0.1 – 0.3% tùy thuộc vào lượng biofloc tạo thành.

Kết luận.

Mn đóng cai trò quan trọng trong nuôi tôm, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng Mn trong thức ăn tôm càng cao thì tôm càng chậm lớn, và hàm lượng này không được vượt quá 0.02%.

Sự tích lũy Mn trong nước nuôi tôm theo hệ thống Biofloc làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Do đó cần cân nhắc cẩn thận đối với các cấp độ tiềm tàng của các nguyên tố vi lượng trong biofloc.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cà Mau: Có 63/65 mẫu tôm giống nhiễm virut bệnh còi

Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: trong số 65 mẫu tôm giống thu tại một số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời để tiến hành xét nghiệm đối với 3 chỉ tiêu gồm: Đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi. Kết quả cho thấy, không phát hiện vi rút gây bệnh đốm trắng, đầu vàng. Tuy nhiên, có đến 63 mẫu tôm giống phát hiện nhiễm virut bệnh còi.

Người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống ở những nơi có uy tín trên thị trường.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau khuyến cáo các cơ sở sản xuất tôm giống tích cực nâng cao các biện pháp kỹ thuật, nhằm cải thiện chất lượng tôm giống, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh còi, để phục vụ cho người nuôi đạt hiệu quả.

Đối với người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống từ những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống có uy tín trên thị trường, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng hoặc chọn mua tôm giống từ các cơ sở sản xuất có kết quả xét nghiệm mẫu tôm giống không phát hiện virut gây các bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi được cập nhật hàng tuần trên Trang Thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.

Đối với các hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh, khi mua giống cần lựa chọn những bể tôm giống không nhiễm virut gây bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi. Ngoài ra, cần xét nghiệm thêm chỉ tiêu bệnh hoại tử gan tụy cấp trước khi thả nuôi.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Trong nuôi tôm, độ kiềm là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi. Kiểm tra độ kiềm hàng tuần là cần thiết trong quản lý ao nuôi tôm. Bài viết cung cấp kinh nghiệm đo độ kiềm trong ao nuôi tôm cá.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Độ kiềm trong nước là gì?

Độ kiềm là thước đo khả năng trung hòa acid của nước. Trong nuôi trồng thủy sản độ kiềm chỉ hàm lượng các ion HCO3-, CO32-, OH- trong nước, đơn vị là mg CaCO3/L .

Tầm quan trọng độ kiềm trong nước

Độ kiềm trong nước ít có tác động trực tiếp đến đời sống của các loài thủy sản nhưng lại tác động lên các yếu tố có liên quan như sự phát triển của thủy thực vật (tảo), ảnh hưởng tới pH, ảnh hưởng đến mức độ độc hại của khí độc và kim loại nặng trong nước. Năng suất sơ cấp (tảo) của ao nuôi tỉ lệ thuận với độ kiềm, vì vậy ao nuôi có độ kiềm cao dễ gây tảo hơn.

Nhiều người nuôi tôm mặc định là khi trời mưa phải bón vôi nhưng chưa thật sự hiểu được ý nghĩa thật sự của nó. Nước mưa mang theo lượng lớn acid chúng làm trung hòa lượng bicarbonate làm độ kiềm giảm kéo theo pH giảm đột ngột. Kiềm và pH giảm cùng lúc ảnh hưởng xấu đến tôm nếu không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời tôm nuôi sẽ gặp sự cố ngay.

Lưu ý khi đo độ kiềm

Vì độ kiềm đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm do đó người nuôi tôm thường phải đo độ kiềm ít nhất 1 lần trong ngày. Để đo độ kiềm người ta thường sử dụng 3 cách:

– Phương pháp chuẩn độ: Dùng khi cần độ chính xác cao và trong phòng thí nghiệm.

– Sử dụng máy đo: Máy đo hiện tại vẫn chưa tiện dụng nên vẫn cần những thao tác phức tạp và chi phí khá cao.

– Sử dụng bộ test kít: Đây là phương pháp được nhiều sự lựa chọn bởi thao tác thực hiện đơn giản, giá rẻ có thể áp dụng nhanh trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Một số lưu ý giúp bạn đo độ kiềm ao nuôi chính xác hơn:

– Lựa chọn loại Test kít uy tín dựa trên độ chính xác và độ đơn giản thao tác: Bộ Test kH được sử dụng nhiều hiện nay là bộ test kH của Sera (Đức) với ưu điểm kiểm tra nhanh, thao tác dễ dàng và độ tin cậy cao (Bạn có thể tham khảo tại đây).

– Đọc kỹ hướng dẫn thao tác kèm theo bộ Test và thao tác đúng quy trình đó để có kết quả tốt nhất.

– Luôn bảo quản thuốc thử nơi khô ráo thoáng mát và theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất. Nghi ngờ thuốc thử hỏng phải dùng mẫu mới kiểm tra đối chiếu.

– Khui nắp: Nếu nắp đậy lọ thuốc thử có đầu kim thì dùng đầu kim này để chích vào nắp nhỏ giọt. Nếu không thì dùng dao cắt lỗ nhỏ sao cho thuốc thử không tự chảy ra khi úp ngược lọ mẫu.

– Ống nghiệm luôn phải được vệ sinh bằng nước sạch trước và sau khi sử dụng.

– Lắc kỹ thuốc thử trước khi kiểm tra.

– Tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu như: mẫu mang tính đại diện vị trí lấy mẫu phải lấy ở tầng giữa cách mặt nước 50cm, dụng cụ thu mẫu, bảo quản và vẫn chuyển mẫu phải đảm bảo sạch.

– Không thu mẫu ngay sau khi xử lý hóa chất xuống ao.

– Mẫu nước đưa lên phải được đo ngay khi có thể hoặc mẫu phải được chuyển ngay đến phòng thí nghiệm. Việc đo các thông số của mẫu nước sẽ ít sai số hơn khi thực hiện đo nhanh trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu nước.

Độ kiềm phù hợp trong ao nuôi trồng thủy sản 75mg/l – 200mg/l với tôm thẻ chân trắng độ kiềm thích hợp là 120 – 150 mg CaCO3/l, với tôm sú độ kiềm thích hợp là 80 – 120 mg CaCO3/L.

Độ kiềm trong ao nuôi tôm thấp thường do: độ mặn thấp, ao bị phèn, thực vật phù du (tảo) phát triển mạnh, 2 mảnh vỏ ốc quá nhiều. Để tăng kiềm tốt nhất kết hợp loại bỏ các tác nhân này kết hợp bón vôi CaCO3 hoặc sử dụng Sodium bicarbonate (soda), liều soda 1,68mg/l để phục hồi 1mg/L kiềm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo những hệ lụy từ “đạm giả” trong thức ăn chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản về việc phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.

Tuy nhiên, việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.

Kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi

WHO cho biết, 3 hoạt chất axit Cyanuric, Ammelide và Melamine có thành phần cấu trúc khá giống nhau và có thể có tác động như nhau. Nhưng các nghiên cứu về việc các chất trên và hàm lượng của nó là bao nhiêu, có thể gây nguy hiểm cho con người hay không thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chỉ rõ.

Trước đó, khi phát hiện các chất này, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã khẳng định, việc bổ sung các chất trên sẽ gây tồn dư đạm trên động vật, gây ra các bệnh về thận cho động vật và con người.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổng cục Thủy sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đảm bảo không sử dụng các chất trên, thẩm định và chỉ định Phòng kiểm nghiệm đối với chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide phục vụ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm. Nghiên cứu đề xuất việc đưa các chất trên vào danh mực chất cấm sản xuất, kinh doanh trong thức ăn chăn nuôi nếu đủ cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng chất Cyanuric acid, Dicyandiamide và Ammelide; nâng cao cảnh giác và nói không với việc sử dụng hóa chất công nghiệp trong chăn nuôi, bảo vệ người chăn nuôi, sức khỏe người dân và chống hành vi nhập lậu, gian lận thương mại.

Nguồn: Vietnamplus được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.