Khánh Hòa: Đại lý thức ăn cũng “lao đao” sau bão

Sau cơn bão số 12, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, kéo theo các đại lý thức ăn thủy sản cũng lâm vào cảnh khó khăn do không thu hồi được số tiền bán thức ăn nuôi thủy sản.

Nhiều hộ nợ tiền thức ăn nuôi thủy sản

Mua nợ gối đầu

Ông Nguyễn Đình Huân – chủ đại lý thức ăn thủy sản Đình Huân ở tổ dân phố Hội Phước (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đang lo lắng khi những ngày qua, nhân viên kinh doanh của Công ty Tongwei Việt Nam liên tục nhắc nợ khoản tiền thuốc thú y, thức ăn thủy sản mà đại lý còn thiếu. “Những năm qua, người nuôi tôm ở phường Ninh Hà đều khá uy tín. Trong vụ, họ đều lấy chịu thức ăn từ đại lý chúng tôi, đến cuối vụ xuất bán tôm xong là thanh toán toàn bộ số tiền nợ. Tuy nhiên, vụ tôm cuối năm 2017, toàn bộ tôm bị cuốn phăng theo bão, người nuôi không còn gì để trả nợ tiền mua thức ăn. Trong khi đó, công ty không cho nợ nên gia đình tôi đang phải lo tiền trả cho công ty”. Lật cuốn sổ ghi nợ cho chúng tôi xem, trong số người nuôi mua nợ thức ăn cho tôm từ đại lý của gia đình ông, người ít thì 20 – 30 triệu đồng, người nhiều 50 – 60 triệu đồng, tính ra số nợ lên đến cả tỷ đồng. Ngoài đại lý Đình Huân, 3 đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản tại phường Ninh Hà và các địa phương khác ở thị xã Ninh Hòa đều rơi vào cảnh tương tự, có đại lý số nợ lên đến 2 – 3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Âu – người nuôi tôm ở khu vực Hà Liên cho biết: “Vụ nuôi cuối năm, gia đình tôi thả nuôi 20 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau 50 ngày nuôi, tôm đã đạt kích cỡ 150 con/kg, chưa kịp xuất bán thì bão ập vào, gia đình tôi mất trắng toàn bộ. Hiện nay, tôi đang nợ 60 bao thức ăn từ đại lý với số tiền 18 triệu đồng”. Qua câu chuyện với chủ đại lý thức ăn, ông Âu đề nghị khoanh lại số nợ này, đồng thời mong muốn đại lý tiếp tục bán chịu cho ông chờ vụ nuôi tới sẽ trả.

Các nậu vựa chuyên bán thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè cũng rơi vào cảnh tương tự. Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi lồng bè lớn ở thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), được biết, các chủ nậu vựa không để nông dân nợ lâu tiền thức ăn mà chỉ gối đầu trong 1 tháng. Tuy nhiên, các hộ nuôi lồng bè thường nuôi với số lượng lớn, chi phí thức ăn nhiều nên số nợ trong 1 tháng của hộ nuôi ít cũng đến 60 – 70 triệu đồng, hộ nhiều 400 – 500 triệu đồng. Một chủ vựa kinh doanh thức ăn ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau cơn bão số 12, số tiền các hộ nuôi tôm lồng bè nợ gia đình tôi hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi muốn thu hồi nợ, người nuôi cũng không có để trả nên đành phải khoanh lại số nợ này, đợi người nuôi phục hồi sản xuất, năm sau thu hồi”.

Mong sự chia sẻ

Được biết, để có vốn kinh doanh, hầu hết các nậu vựa đều vay ngân hàng, trong khi thức ăn đã bung ra, nợ chưa thu hồi được nên rất khó khăn. Các chủ nậu vựa kiến nghị ngân hàng xem xét khoanh nợ, miễn, giảm lãi cho các đại lý kinh doanh thức ăn bị ảnh hưởng do bão.

Theo ông Nguyễn Thược – hộ nuôi tôm hùm lồng ở thị trấn Vạn Giã, sau bão, toàn bộ số tôm của gia đình ông mất sạch, ông đang nợ 60 triệu đồng tiền thức ăn từ nậu vựa. Trước mắt, gia đình ông đang xoay xở để làm lại lồng bè, mua giống để thả nuôi tôm lại, từ đó mới có thể có tiền trả nợ. Gia đình ông Trương Thái Hùng – hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh cũng đang nợ 3 tháng tiền mua thức ăn, với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông cho biết, qua trao đổi, các chủ nậu vựa chuyên cung cấp thức ăn thủy sản cho bè nuôi của gia đình đồng ý khoanh lại số nợ nhưng người nuôi phải chịu lãi suất ngân hàng. Riêng đối với số thức ăn mua mới, phải có tiền mua thì họ mới bán.

Qua trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, các địa phương đều xác nhận thực trạng những hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa, lồng bè đang nợ tiền mua thức ăn từ các đại lý, nậu vựa. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong lên đến 16.530 ô lồng, đầm Nha Phu 2.310 ô lồng; thị xã Ninh Hòa 1.025ha ao đìa, huyện Vạn Ninh 640ha ao đìa thì số nợ tiền thức ăn là rất lớn.

Hiện nay, người dân mong muốn bên cạnh việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, các ngân hàng cần xem xét cho người dân vay mới để tái đầu tư; các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão sớm được ban hành, triển khai. Từ đó mới có thể khắc phục được hậu quả, trả các khoản vay, khoản nợ do bão gây ra.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tôm hùm giống đầu mùa có giá thấp

Hiện nay, ngư dân các xã, phường ven biển TP Quy Nhơn như: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng… đã bắt đầu vào vụ khai thác tôm hùm giống.

Tôm hùm giống đầu mùa đang ở mức thấp. 

Hiện tại, tôm hùm sao (tôm hùm bông) có giá dao động từ 220 – 240 ngàn đồng/con, tôm xanh có giá 20 – 30.000 đồng/con. So với cùng kỳ mùa vụ năm trước, giá tôm sao giảm từ 130 – 150 ngàn đồng/con, tôm xanh giảm từ 30 – 50.000 đồng/con.

Theo ngư dân làm nghề đánh bắt khai thác tôm hùm giống cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua đã làm thiệt hại nặng nề đối với các vựa nuôi, nên hiện tại nhu cầu nuôi tôm chưa có nên giá bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng thời tiết bất thường, tôm hùm giống chưa xuất hiện nhiều nên việc đánh bắt không đạt.

Nguồn: Báo Bình Định được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chế tạo thành công vaccine chống lại Betanodavirus

Các nhà nghiên cứu Italia đã nghiên cứu thành công vaccine chống lại Betanodavirus – tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá.

Betanodavirus gây hoại tử thần kinh trên cá.

Chế tạo thành công vaccine chống lại Betanodavirus

 Betanodavirus hoặc virus hoại tử thần kinh (NNV) là một loại virus được phân loại trong họ Nodaviridae. Betanodavirus gây bệnh trên cá có tên gọi là hoại tử thần kinh do virus (VNN) hoặc bệnh não võng mạc do virus võng mạc (VER). Đây là tác nhân gây bệnh hết sức nguy hiểm trên các loài cá biển, hằng năm vẫn gây thiệt hại rất lớn cho các quốc giá trên thế giới.

Nghiên cứu này của các nhà khoa học Italia vận dụng kiến thức sẵn có về phòng chống miễn dịch của cá chẽm châu Âu đối với các chế phẩm kháng nguyên có nguồn gốc từ virus gây hoại tử thần kinh và virus retinopathy (betanodavirus), đại diện cho một mối đe dọa lớn đối với sức khoẻ của loài cá này.

Virus nodavirus có mặt rộng rãi và phân thành nhiều dòng gây nhiễm cho các động vật không xương sống (trong côn trùng, alphanodavirus) và các loài cá, do đó chúng có thể gây ra vấn đề lớn đối với các loài cá nuôi. Nhiều nỗ lực đã được nghiên cứu nhằm hướng tới việc tìm ra các vaccine mới để tạo ra sự bảo vệ trên cá biển, đặc biệt là ở giai đoạn cá nhỏ.

Và những nỗ lực này bao gồm việc sử dụng các chủng betanodavirus bất hoạt làm kháng nguyên, các chất tiêm chủng được bổ sung các chất bổ trợ hoặc các thuốc ức chế miễn dịch.

Kết quả

Kết quả cho thấy các chế phẩm bất hoạt của betanodavirus được tiêm trong màng bụng của cá chẽm có thể gây ra sự nhận biết mầm bệnh đặc hiệu và bảo vệ miễn dịch. Ngoài ra, những nỗ lực thực hiện việc cấp vaccine bằng cách ngâm và cho ăn đang được đánh giá cao và cho thấy những kết quả khả quan và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để cải thiện.

Kết luận

Việc tạo ra vaccine chống lại betanodavirus bằng cách bất hoạt là một bước tiến quan trọng nhằm phát triển nghề nuôi cá biển.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội…

Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản.

Tâm bão quét qua huyện Vạn Ninh – vùng nuôi trồng trọng điểm gây sóng lớn, gió giật mạnh đã đánh chìm toàn bộ lồng bè truyền thống bằng gỗ, cá tôm trôi theo bọt nước, người nuôi “khóc ròng” vì bao nhiêu vốn liếng đều mất sạch.

Gượng dậy sau bão

Gia đình chị Cao Thị Yến Châu ở tổ 8, thị trấn Vạn Giã là một trong những trường hợp bị thiệt hại nặng. Cơn bão vừa qua đã làm gia đình chị mất trắng hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3 – 0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4 – 5 kg/con, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ thế, gia đình chị hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng do vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài để đầu tư SX.

Các lồng bè nuôi truyền thống bằng gỗ bị bão số 12 đánh tan nát

Theo chị Châu, việc khôi phục SX gặp rất nhiều khó khăn do không còn vốn liếng. Sau bão gia đình chị có mót lại một số cây gỗ, phi nhựa và lồng bè rách nát nhưng chẳng tận dụng được bao nhiêu. Do đó để tái SX, chị mong nhà nước sớm hỗ trợ để làm lại từ đầu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cũng than vãn vì bão đã khiến gia đình ông trở nên trắng tay. Gần 30 lồng bè nuôi tôm hùm và cá bớp đã bị bão cướp sạch, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngay cả chiếc bè còn sót lại của gia đình ông cũng tan nát nên muốn nuôi lại phải mất thời gian dài làm bè gần như toàn bộ và cần số tiền rất lớn, hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với người nuôi trồng thủy sản khi các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phi nhựa, lưới đều tăng mạnh từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng/công lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi hiện nay cũng khan hiếm.

Ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh xác nhận, đúng là nhu cầu vật tư làm lồng sau bão đều tăng khiến người nuôi gặp khó khăn, trong khi vốn liếng người dân đã mất sạch. Vì vậy, theo ông Thênh nếu nhà nước không sớm hỗ trợ cho bà con, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn tái SX thì khó mà khôi phục lại như từ đầu.

Nên có mô hình thích ứng BĐKH

Qua thiệt hại nuôi trồng thủy sản vừa qua tại Khánh Hòa mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão. Mặc dù các lồng bè nuôi ven biển đã được người nuôi gia cố, chằng chéo nhưng hầu như bị phá hủy. Bởi lẽ vật liệu làm lồng của người dân chủ yếu bằng gỗ, khung sắt, thùng nhựa nên dễ bị sóng gió mạnh đánh vỡ là điều hiển nhiên.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội. Sở NN-PTNT đề xuất xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng nhựa HDPE tại các vùng nuôi chính như huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh, để bà con nắm bắt và tham quan học tập.

Các lồng nuôi bằng nhựa HDPE chịu được bão cấp 12

Trao đổi NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện các nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE. Bởi hệ thống lồng này có khả năng đánh chìm khi có gió bão và chịu được bão cấp 12, lưới và dây giềng có tuổi thọ từ 7 – 10 năm, bảo hành 20 năm.

Theo đó, về lồng nuôi, có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10m, sâu lưới 5 – 6m, thể tích 500m3; lồng tròn đường kính 12m, sâu lưới 6 – 7m, thể tích 800m3; lồng tròn, đường kính 16m, sâu lưới 7 – 8m, thể tích 1.500m3; Lồng tròn, đường kính 20m, sâu lưới 8 – 10m, thể tích 3.000m3; lồng vuông kích thước: 5x5m, sâu lưới 5m, thể tích 125m3; lồng vuông kích thước 5x5m, sâu lưới 3m… với giá dao động từ 40 – 50 triệu cho đến 350 triệu/lồng.

Toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ neo lồng đặc biệt tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập. Còn hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều.

Về giá đỡ khung lồng được làm 100% bằng nhựa HDPE được SX tại Việt Nam, có độ bền, độ mềm dẻo và độ vững chắc của khung lồng. Túi lưới được dệt không gút, bền, không bị lão hóa và có khả năng chống sinh vật bám được gia cường bởi các dây giềng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sứa biển: Nguồn thức ăn thủy sản tiềm năng

Sinh sôi quá nhanh và có nguy cơ làm chật đại dương, nhưng nếu được tận dụng làm thức ăn nuôi cá, chắc chắn sứa biển sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới cho ngành thức ăn thủy sản.

Biến đổi khí hậu toàn cầu cùng các hoạt động của con người đã gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển và làm giảm đáng kể số lượng nhiều loại cá đại dương. Hoạt động khai thác cá quá mức cũng làm suy kiệt nhiều loại cá là đối thủ cạnh tranh của sứa biển, tạo điều kiện cho sứa sinh sôi rất nhanh. Sứa không có giá trị kinh tế, thậm chí bị coi là những mối nguy hại với nhiều loại cá nuôi lồng trên biển. Số lượng sứa độc tương đối lớn, một số loại sứa vùng nhiệt đới còn được xếp hạng nhóm động vật độc nhất trái đất. Khi nhiệt độ nước biển tăng kéo theo ô xít hóa đại dương, sứa càng sinh sôi mạnh.

Tuy nhiên, Dự án GoJelly, với vốn đầu tư lên tới 6 triệu euro của quỹ châu Âu và hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Hải dương Geomar Helmholtz tại Đức đã khiến sứa trở nên hữu ích hơn khi chúng được tận dụng để sản xuất thức ăn nuôi cá, làm phân bón hoặc sản xuất chất lọc hạt vi nhựa.

Dự án GoJelly kéo dài 4 năm, với sự tham gia của 15 tổ chức khoa học từ 8 quốc gia trong khối EU. Chỉ riêng châu Âu, sứa lược châu Mỹ dó có sinh khối trên 1 tỷ tấn và chúng ta cần phải tìm ra giải pháp xử lý đám sứa này trước khi chúng “chiếm đóng” đại dương – TS Jamileh Javidpour tại GEOMAR, người sáng lập và điều phối Dự án GoJelly cho biết. Ngoài nghiên cứu sứa làm thức ăn nuôi cá, các nhà khoa học còn phát hiện chất nhầy của sứa có thể kết dính các chất vi hạt nhựa. Đây chính là cơ sở để nghiên cứu sản xuất công nghệ lọc sinh học (biofilter) từ sứa. Biofilter sau đó sẽ được sử dụng để lọc chất thải cho các nhà máy sản xuất vi hạt nhựa. Ngoài ra, Dự án cũng mở rộng phạm vi sử dụng sứa trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm.

Trong Dự án này, các cộng sự Na Uy từ Viện Nghiên cứu Đại dương NTNU và SINTEF gồm TS Aberle-Malzahn (NTNU) và TS Rachel Tiller (SINTEF) sẽ phân tích các yếu tố phi sinh vật (như thủy văn, nhiệt độ), sinh vật (hệ sinh thái, sinh khối) và hóa sinh (chất lượng thực phẩm) ảnh hưởng như thế nào tới sự sinh sôi của sứa biển. Những kết quả nghiên cứu này giúp ích cho quá trình dự báo thời điểm sứa biển nở rộ, từ đó có thể thu hoạch sứa bền vững.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngô sinh khối thu về 150 tỷ/năm tại Nghệ An

Ông Nguyễn Bá Trường, người trực tiếp quản lý và thu mua nguyên liệu làm thức ăn cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: Hiện đàn bò sữa của TH ở huyện Nghĩa Đàn đã vượt qua mốc 45.000 con, cung cấp sữa tươi nguyên liệu để SX các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK. Tổng đàn lớn như vậy thì mỗi năm đàn bò sữa “ngốn” tới vài trăm ngàn tấn thức ăn thô xanh (chưa kể việc phải nhập khẩu cỏ Alfalfa chịu lạnh để kích thích tiết sữa và các loại thức ăn tinh).

Trong khi đó, diện tích ngô, cỏ Monbasa, hoa hướng dương, cây cao lương, cỏ Mulato II… của trang trại TH mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu thức ăn thô xanh của cả đàn bò. Bởi thế, những năm trước đây, mỗi năm TH phải nhập khẩu thêm các loại cỏ của Mỹ, Australia, Brazil… về để đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò. Điều đáng nói là khi hàng trăm nghìn tấn cỏ này về đến trang trại thì giá đội lên rất cao.

Người dân trồng ngô cung cấp cho đàn bò sữa của TH

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, Tập đoàn TH đã chủ động lấy mẫu rơm, rạ tại các địa phương ở Nghệ An về phân tích độ an toàn và hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng và sau đó triển khai mua mỗi năm hàng trăm tấn rơm rạ/năm về chế biến ủ chua cho đàn bò.

Năm 2014, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã chủ động mở ra một hướng đi mới để giải quyết vấn đề này. Đó là phối hợp với địa phương để liên kết với nông dân trong vùng dự án và các huyện lân cận để SX ngô sinh khối. Trước mắt bà con trực tiếp ký hợp đồng liên kết với trang trại TH để trồng ngô. Sau đó, nếu bà con thấy có lợi ích thực sự thì sẽ tiến tới việc thành lập HTX. Theo đó, từng hộ nông dân sẽ là cổ đông chỉ chuyên SX các loại thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò sữa của TH.

Ông Nguyễn Bá Trường tâm sự: “Khi chúng tôi đến các HTX để bàn với họ triển khai thực hiện chủ trương này thì đa số bà con không ủng hộ phương án trồng ngô cung cấp cho TH vì họ chưa quen với tập quán canh ngô sinh khối mà chỉ trồng ngô lấy hạt dùng cho chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.

Kiên trì vận động rồi cuối cùng một số bà con mới chịu bắt tay vào SX ngô sinh khối vụ đông. Khi ngô vừa chín sáp, tập đoàn tiến hành thu mua với giá từ 850.000 – 900.000 đồng/tấn ngay tại ruộng, ngay trong năm đầu thu nhập của bà con đã tăng gấp rưỡi”.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ thế, vụ sau người dân vùng dự án và các huyện lân cận bắt đầu mở rộng diện tích. Trồng ngô sinh khối, do trồng dày hơn ngô lấy hạt nên năng suất đạt bình quân từ 39 – 40 tấn/ha, thu nhập từ 32 – 34 triệu đồng/ha. Bà con không phải lo xử lý sản phẩm sau thu hoạch, đất đai lại giải phóng nhanh nên có thêm thời gian để tăng vụ.

Chị Trần Thị Lệ, trú tại xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 4ha đất đồi, sau khi cam hết chu kỳ, tôi đều chuyển sang trồng ngô sinh khối cho TH. Hàng năm nếu thuận lợi, tôi trồng 3 vụ ngô/năm. Do đất đồi, hạn hán và chất dinh dưỡng trong đất kém nên mỗi vụ chỉ được 34 – 39 tấn/ha (tùy vụ). Năm 2016, tôi trồng được 3 vụ thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ giống, phân bón và công cày còn lãi hơn 100 triệu.

Ngô non sinh khối được trồng rất nhiều để cung cấp thức ăn cho bò sữa

Năm nay, do thời tiết không ổn định nên tôi chỉ trồng 2 vụ nhưng vẫn thu được 160 triệu, trừ chi phì còn lãi trên 80 triệu. Nói chung, nếu so với trồng mía thì trồng ngô sinh khối cho lãi gấp 1,5 lần nên tôi và bà con rất yên tâm”, chị Lệ nói.

Ông Võ Quang Niên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) khi nghe chúng tôi đề cập đến việc liên kết SX ngô sinh khối cho TH thì phấn khởi nói: “HTX chúng tôi có 75ha đất màu thì có tới 65ha đất trồng ngô sinh khối. Bình quân mỗi năm làm 3 vụ chắc ăn, mỗi vụ thu được từ 40 – 50 tấn/ha. Giá bán tại ruộng TH thu mua là 860.000 đồng/tấn, doanh thu bình quân 105 – 110 triệu đồng/ha/năm. So với SX ngô hạt thương phẩm lãi ít nhất gấp 1,5 lần, nông dân không phải lo lắng về thời tiết, giá cả, thất thoát sau thu hoạch…”.

Khi được hỏi hàng năm có phải vận động bà con làm ngô sinh khối hay không? Ông Niên nói chắc nịch: “Hoàn toàn không! Sau khi nông dân thực hiện chương trình trồng ngô bán nguyên cả cây và bắp cho TH, mọi việc tiến hành thuận lợi, có thu nhập tốt và ổn định, bà con đều tự giác đăng ký SX”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Góc chuyên gia: Nâng cao hiệu quả sản xuất giống động vật thân mềm

Động vật thân mềm (ĐVTM) hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, giàu chất dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Do có nhiều ưu việt hơn một số đối tượng thủy sản khác như dễ nuôi, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, xác suất rủi ro ít, lợi nhuận cao… nên những năm gần đây việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm ĐVTM hai mảnh vỏ rất phát triển.

Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi một số đối tượng thủy sản khác như tôm hùm, TTCT, cá bớp, ốc hương… đang gặp khó khăn do thời tiết, thiên tai, môi trường…
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số lưu ý cũng như kinh nghiệm trong sản xuất giống nhân tạo ĐVTM hai mảnh vỏ.

Kích thích sinh sản

Có nhiều biện pháp kích thích sinh sản như: Kích thích khô, bằng dòng chảy, kích thích khô kết hợp dòng chảy, bằng giới tính, tiêm trực tiếp Serotonin vào phần cơ, bằng thay đổi pH, bằng sự thay đổi chu kỳ chiếu sáng, bằng Hormone… Trong đó, phương pháp phơi khô 30 – 40 phút và kết hợp dòng chảy là phổ biến và cho kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, với phương pháp này những đối tượng vỏ mỏng dễ phun nước ra khỏi cơ thể như tu hài, phi, móng tay, điệp… thì tỷ lệ hao hụt sau khi cho đẻ cao. Nhằm hạn chế tỷ lệ hao hụt và giữ cho chúng khỏe để tiếp tục nuôi vỗ tái phát dục thì người nuôi có thể sử dụng biện pháp hạ nhiệt độ bằng cách: Chọn giống bố mẹ rửa sạch bằng nước biển đưa vào thau nhựa, cấp nước đầy, hạ nhiệt độ xuống thấp hơn nhiệt độ nước trong bể đẻ 150C ngâm 60 phút sau đó cho vào bể đẻ, cấp nước tạo dòng chảy nhẹ và sục khí đều.

Mật độ

Với ấu trùng kích cỡ khoảng 50 – 80 µm nên nuôi với mật độ 10 – 12 triệu con/bể (bể có thể tích 5m3).

Quản lý, chăm sóc ấu trùng

Thức ăn của ĐVTM hai mảnh vỏ chủ yếu là các loài tảo đơn bào như Nannochloropsis sp; Chaetoceros sp; Platymonas sp, Isochrysis sp…

Cho ăn: Đối với ĐVTM hai mảnh vỏ việc cho ấu trùng ăn là khâu cực kỳ quan trọng. Dù cho ăn ít hay quá nhiều cũng làm ảnh hưởng đến ấu trùng, có thể dẫn đến chết. Trong quy trình, các tài liệu hướng dẫn mật độ tảo cho ăn tăng dần từ 3.000 – 15.000 tb/ml giai đoạn đầu. Giai đoạn xuống đáy 250.000 – 300.000 tb/ml… Tuy nhiên, trên thực tế, để dễ áp dụng, người nuôi nên cho ăn 1,5 lít tảo/bể (5 m3) (đối với tảo xanh màu tảo như màu lá chuối và màu trà đối với tảo khuê) trong 3 ngày đầu sau đó tăng lên 2 – 3 lít.
Chế độ thay nước: Hạn chế thay nước trong giai đoạn ấu trùng sống trôi nổi. Tuy nhiên, nếu phát hiện nước có dấu hiệu chuyển màu đục nước gạo thì tiến hành lọc ấu trùng chuyển sang bể khác.

Cho ấu trùng xuống đáy: Khi ấu trùng đến cuối hậu kỳ (đối với tu hài, sò, điệp, móng tay…) nên thử nước mới. Để tránh ấu trùng bị sốc nước nên trộn lẫn 50% nước mới và 50% nước trong bể nuôi ấu trùng, sau đó lọc ấu trùng sang.

Nguồn: ThS Trần Trung Thành – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III 

Bưởi hồ lô mất mùa, sản lượng giảm tại Hậu Giang

Nông dân Nguyễn Trung Thành, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha cho biết, ông trồng bưởi hồ lô trên 600 trái để bán dịp Tết Mậu Tuất 2018, nhiều hơn năm trước 3 – 4 lần.

Nông dân Nguyễn Trung Thành chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha

Năm nay vườn bưởi hồ lô của ông Thành dùng giống bưởi Năm Roi, tạo dáng khá độc đáo, đang được nhiều Cty ở ĐBSCL và TP.HCM xuống bao tiêu sản phẩm. Giá bán một quả bưởi hình hồ lô có chữ nổi dao động từ 150.000 – 600.000 đồng/trái tùy loại, tăng khoảng 10% so với năm trước, còn bưởi vừa có dáng hồ lô và có chữ “Tài – Lộc” hoặc “Phúc- Lộc- Thọ” giá 500.000 đồng/trái. Nếu so ra, một trái bưởi hồ lô có chữ “Tài – Lộc” sẽ tương đương với hai chục bưởi thường (chục 14 trái) bán ngoài thị trường.

Bưởi giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều

Theo phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có khoảng 1.300ha bưởi. Diện tích trồng bưởi tạo hình phục vụ bán tết năm nay mất năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, sản lượng giảm mạnh khoảng 25 – 30% so với năm ngoái.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá rô đầu nhím mở ra hướng đi mới cho vùng đất nhiễm phèn

Mô hình nuôi cá rô đầu nhím tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp Mười, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An góp phần đa dạng hóa vật nuôi, tăng giá trị sử dụng đất, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm thủy sản có chất lượng phục vụ người tiêu dùng, khống chế, xử lý phèn trong ao nuôi thủy sản mới khai hoang bị nhiễm phèn.

Phân loại cá theo kích cỡ 

Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười có diện tích hơn 80ha. Trong đó, khu nuôi trồng thủy sản được thiết kế gồm 1 ao lắng và 24 ao nuôi với diện tích 3.000m2/ao, 6 ao nuôi với diện tích 1.000m2/ao. Các ao nuôi thủy sản thường nhiễm phèn nên tôm, cá không sống được và khó phát triển. Muốn kiểm soát độ pH của nước tại ao nuôi để các loại thủy sản phát triển tốt, ngoài kiểm soát 2 nguồn phát sinh phèn, cần chọn đối tượng nuôi thích hợp với điều kiện, môi trường đất và nước tại trạm. Cá rô đầu nhím là con lai, thừa hưởng những ưu điểm giữa cá rô đồng và cá rô đầu vuông, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cá rô đồng nhưng chất lượng thịt thơm, ngon hơn cá rô đầu vuông. Đặc biệt, loài cá này có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt rất tốt. Vì vậy, Sở KH&CN giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vùng đất nhiễm phèn mới khai hoang.

Ao nuôi có diện tích 900m2 được tát cạn nước, bắt hết cá tạp, vét bùn đáy ao, chừa lại lớp bùn khoảng 20cm, rửa phèn đáy ao khoảng 3-4 lần. Sau đó, sử dụng bạt phủ trên mặt bờ ao và lót xung quanh bờ ao nhằm hạn chế phèn từ trên bờ rửa trôi xuống do mưa, ngăn phèn rỉ từ trong bờ ao; đồng thời, bón vôi liều lượng 200kg để tăng pH của nước. Đáy ao được bón 300kg phân chuồng tạo hệ đệm nền đáy, ngăn phèn từ nền đáy xì lên và giúp tảo phát triển mạnh, quá trình quang hợp của tảo sẽ làm tăng pH. Cấp nước vào ao từ 1,5-2m, kiểm tra chất lượng nước đạt tiêu chuẩn trước khi tiến hành thả cá.

Cá rô đầu nhím đạt trọng lượng 130-170g/con, 5-7 con/kg

Cá giống được chọn những con khỏe mạnh, đồng đều, không xây xát, dị tật, kích cỡ từ 150-200 con/kg. Mật độ nuôi 20 con/m2. Cá được nuôi bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30%, kích cỡ viên thức ăn thay đổi tùy theo kích cỡ miệng của cá, dao động từ 2-4 mm. Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi phòng bệnh cho cá, lượng vôi bón 2-3kg/100m2; trộn men tiêu hóa và vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Thường xuyên thay nước, theo dõi hoạt động của cá.

Sau 3 tháng, trung bình, trọng lượng cá từ 130-170g/con, 5-7 con/kg. Tổng sản lượng cá thu hoạch trên 1.300kg, tỷ lệ sống đạt 70%. Với kết quả này, mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong ao phèn mới khai hoang mở ra hướng mới trong việc lựa chọn thủy sản phù hợp vùng đất phèn Đồng Tháp Mười của tỉnh, đồng thời giúp nông dân có biện pháp cải tạo nước ao, nâng pH đến 6,5-8 để phù hợp với nuôi thủy sản.

Nguồn: Trung tâm Ứng dụng TBKHCN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới luôn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mỗi nước.

Sự minh bạch thiết yếu

Băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải tỏa khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang – Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Công ty CP Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử. Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi TTCT theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử. Kết quả của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thanh Hương triển khai mô hình nuôi TTCT theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vẫn nhiều khó khăn

Phương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho người nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Thực tế, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.

Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.