Các hình thức nuôi Bào ngư

Hiện có 3 dạng hình nuôi bào ngư: nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo bè ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đá, rạn san hô dọc bờ biển.

Nuôi bằng lồng trong bể xi măng

– Lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ, kích thước 50 x 40 x 30 cm, treo trong bể xi măng hoặc xếp chồng lên nhau cách đáy 20 cm. Bể xi măng hình chữ nhật diện tích 10 x 2 x 1 m, có mái che nắng, xung quanh để trống, trong đó có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn: nhiệt độ 26 – 30 C, độ mặn 30 – 35 phần ngàn, độ pH = 7,6 – 8,7, ôxy hoà tan 5 ml/lít.

– Cho ăn: dùng rong mơ thái vụn 1cm hoặc rong câu chỉ vàng, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa, với hệ số 16:1. Tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể với tốc độ 10 lít/phút để kích thích bào ngư ăn và sinh trưởng. Hàng ngày thay 20 – 30 cm nước trong bể, vớt xác chết, thức ăn thừa trong lồng. Hàng tháng thay 100% nước, thay lồng và chuyển sang bể nuôi mới.

– Mật độ nuôi: 60 – 100 con/lồng kích cỡ 100 mm trở lên. Khi bào ngư nuôi đạt kích thước 20 – 25 mm thì san lồng nuôi với mật độ 30 con/lồng.

Nuôi bằng lồng treo bè ngoài biển

– Vị trí nuôi: bào ngư nuôi ở vùng tương đối kín gió, không có sóng lớn (không làm hỏng lồng nuôi và bè), độ mặn ổn định 30 – 35 0/00, xa cửa sông, không có nước ngọt chảy vào và có dòng chảy lưu thông, độ sâu 6 – 8 m.

– Lồng nuôi: sử dụng lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ (3 – 4 mm), kích thước 50 x 40 x 30 cm có dùng móc nhựa gài nắp để tiện cho việc kiểm tra và cho ăn. Lồng được treo trên bè nổi cách nhau 0,5 m và ở độ sâu 2 – 5 m.

– Bè nuôi: có thiết kế và quy cách như bè nuôi tôm hùm. Có thể nuôi tôm hùm ở dưới, nuôi bào ngư ở lớp nước trên. Bè nuôi thiết kế di động để có thể di chuyển khi mưa bão, sóng lớn.

– Mật độ nuôi 60 – 100 con/lồng (cỡ 10 mm trở lên). Khi bào ngư đạt 20 – 25 mm san lồng nuôi mật độ 30 con/lồng.

-Cho ăn: rong câu chỉ vàng, rong mơ thái vụn, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa.

– Vệ sinh lồng nuôi: sau 1 tuần nuôi, dùng bàn chải cọ kỹ lồng nuôi, diệt trừ địch hại, vớt thức ăn thừa, xác bào ngư chết… Hàng tháng thay lồng nuôi mới.

Nuôi thả đáy trên bãi đá dọc bờ biển

– Vị trí nuôi: nuôi bào ngư ở vùng trung triều có độ sâu khi triều xuống cạn còn 1 – 2 m nước, độ mặn cao và ổn định 30 – 35 0/00, dòng chảy tương đối (5 m/giây), không có nước ngọt chảy vào, xa cửa sông. Đáy đặc biệt là đá tảng hay rạn san hô để bào ngư ẩn trốn và nhiều tảo, rong…

– Thức ăn: ngoài các loại rong, cần rải định kỳ rong câu chỉ vàng (5 – 7 ngày/lần) để tăng cường thức ăn cho bào ngư, rải vào 4 – 5 giờ chiều tối để bào ngư ra ăn.

-Cách thả giống: trước khi thả phải ương bào ngư giống trong bể xi măng từ 3 – 5 mm cho tới khi bào ngư được 15 mm thì thả giống. Thả vào lúc 6 – 9 giờ sáng. Để bào ngư bám vào bản tảo rồi thả xuống vùng nuôi, sau đó bào ngư phát tán ra xung quanh.

-Mật độ nuôi: 15 – 20 con/lồng. Trước khi thả phải lặn bắt hết địch hại như sao biển, bạch tuộc… Thả thức ăn rong tảo xuống, kiểm tra định kỳ tỉ lệ sống chết của bào ngư.

– Sau 9 – 10 tháng nuôi bào ngư đạt kích thước thương phẩm 5 – 6 cm (30 – 35 con/kg) thì thu hoạch.

Nguồn: Nông thôn ngày nay được kiểm duyệt bởi Fartech VietNam.

Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc

Tại Miền Bắc, ba ba thường chậm lớn và có thể chết vào 4 tháng mùa lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp quá 15 độ C, baba sẽ ngừng ăn và trú dưới bùn; ở giai đoạn khó khăn này, ba ba dễ mắc bệnh do cạnh tranh thức ăn, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Và khi nhiệt độ ổn định trên 20 độ C ba ba mới sinh hoạt trở lại và bắt mồi. Do đó, người nuôi ba ba ở miền bắc cần phải cẩn trọng khi chọn nuôi đối tượng đặc sản này

I. Rủi ro vì thiếu kiến thức kỹ thuật nuôi baba.

Đã ba ngày, mỗi khi trời hửng nắng anh Nguyễn Tài Chiến, xã Tài Chiến, Quế Võ, Bắc Ninh lại cho baba ăn; nhưng do nhiệt độ không ổn định nên baba vẫn không ăn. Theo đặc tính sinh học của baba, khi thời tiết trên 15 độ C, nhiệt độ ổn định thì ba ba sẽ ăn.

Do chưa nắm đúng kỹ thuật chăm sóc ba ba qua đông, anh Chiến đã để thức ăn còn tồn đọng dưới ao, lượng thức ăn dư thừa đã làm ô nhiễm nguồn nước ao baba.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thủy sản, vào mùa đông ở miền Bắc thường lạnh, ẩm ướt, khi đó baba ít vận động, thường trú ngụ dưới bùn vì thế baba rất dễ nhiễm khuẩn; nếu như bị xây xước các vết thương sẽ lở loét và dẫn tới chết. Do không phát hiện kịp thời nên hơn 3000 con baba của anh Chiến đang có nguy cơ chết dần, bởi những vết thương xuất hiện nhiều trên mai, bụng, kẽ chân. Có lứa anh chiến thả 1.000 con giống, nhưng khi thu hoạch, chỉ bắt được 600 con thành phẩm, thất thoát tới 40%. Anh Chiến chia sẻ : “Vào mùa đông baba ít đi tìm kiếm thức ăn. Do ít vận động nên nó dễ bị các đối tượng vi khuẩn xâm nhập.”

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, baba nuôi ở miền Bắc tăng trưởng chỉ bằng 50% so với nuôi ở phía Nam. Thời gian nuôi baba thương phẩm ở nơi khí hậu nóng trên 1 năm là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 – 2kg.

Bên cạnh đó, những khi thời tiết xuống quá thấp hoặc có sương muối sẽ ảnh hướng đến baba, điệu kiện tự nhiên không thuận lợi dẫn đến baba chết đáy, nhiều ngày sau baba mới nổi. Đây cũng là khó khăn đối với người nuôi baba ở miền Bắc gặp phải.

II. Hiệu quả kinh tế từ nuôi baba

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiêu, xã Nội Duệ- Tiên Du- Bắc Ninh sản xuất ba ba giống được hơn 20 năm nay. Vào đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm ông Tiêu chuẩn bị ổ đẻ cho baba; khoảng 20cm cát sạch không lẫn sỏi đá được ông trải đều rồi phun nước tạo độ ẩm thích hợp khoảng 80% cho baba , sau 3 đến 5 ngày là baba sẽ lên đẻ. Ông Tiêu cho biết: “Tháng 3 khoảng từ 10 – 20, baba đực lên trước đi ở trong ổ đẻ, nó dũi, là baba chuẩn bị ổ đẻ, mỗi lần baba đẻ từ 35 trứng, sau bốn ngày chúng tôi lấy trứng ra ấp, khoảng 60 ngày là trứng nở.”

Theo tính toán của ông Tiêu, sản xuất ba ba giống chỉ khoảng 70 ngày là có thu hoạch, lợi nhuận cao và nhanh quay vòng vốn. Tuy nhiên sản xuất con giống cần phải có kỹ thuật và nguồn vốn nhiều hơn. Với 30 cặp baba đẻ, hàng năm, ông thu khoảng 1000 trứng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ bán giống cao hơn so với nuôi thương phẩm nên ông đã chuyển toàn bộ 3000m2 ao sang nuôi baba bố mẹ để sản xuất giống.

“Phong trào nuôi baba thương phẩm phát triển thì chính ra nuôi baba giống kiếm lãi hơn. Từ những năm 2007 tôi nhân giống, thu lợi nhuận cao, nhanh hơn nhiều, lúc đầu bán 4tram, 5tram một con, mỗi năm chúng tôi thu hoạch trên 800 triệu tiền giống.” Ông Nguyễn Văn Tiêu nói.

III. Không tránh khỏi những khó khăn

Trước kia, người sản xuất baba giống trên địa bàn đều có lợi nhuận cao và ổn định hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, hộ sản xuất baba giống nhiều mà không bán được, giá bán con giống sụt giảm chỉ bằng 1/4 so với trước. Trong khi, số hộ nuôi baba thương phẩm cũng giảm khoảng 50% so với thời kỳ cao điểm.

Thống kê của chi cục Thủy sản Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh có 54 hộ kinh doanh sản xuất baba; trong đó có 4 cơ sở lớn và hàng chục hộ nhỏ sản xuất con giống. Mỗi vụ, những cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 300 nghìn con baba giống.

Việc sản xuất nhiều con giống đã dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Đồng thời, số người nuôi baba thương phẩm sụt giảm do nguồn vốn đầu tư và chi phí nuôi baba tăng cao thời gian kéo dài. Theo ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh thì nuôi baba kéo dài khoảng 2 năm nên người nuôi phải có đủ kinh phí để nuôi nên thời điểm này người nuôi baba đang gặp phải khó khăn.

Theo tính toán của người nuôi ba ba; một năm nuôi tốt baba chỉ đạt khoảng 0,8 – 1kg/con. Nuôi năm rưỡi đến hai năm may ra mới đạt 1,5 – 1,8kg/con. Trong khi giá baba thương phẩm năm nay giảm từ 10 đến 20%; chi phí thức ăn và thuốc phòng trị bệnh lại tăng khoảng 3% so với vụ trước. Cùng với đó là những khó khăn do thị trường không ổn định, khi được mùa mất giá, tư thương ép giá, mà người nuôi baba thương phẩm phải gánh chịu. Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh chia sẻ: “Người nuôi baba chưa làm chủ được thị trường, tôi đánh giá hiện tại người nuôi gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn tồn đọng, giá baba sụt giảm.”

Gia đình ông Trịnh Đình Chinh chuyên nuôi ba ba thịt được 10 năm. Có thời điểm, ông Chinh nuôi tới 4.000 con/lứa, năm lãi nhất cũng được 50 – 60 triệu đồng, năm nay giá baba xuống thấp, ước tính ông chỉ thu lãi khoảng 20 triệu. Nhưng đó là với điều kiện tiêu thụ thuận lợi và ba ba không bị tổn thất vì dịch bệnh… Còn năm sau như thế nào, chính bản thân ông cũng không dám chắc.

IV. Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc.

Theo TS Bùi Quang Tề – chuyên gia nghiên cứu thủy sản – Nguyên Viện nghiên cứu Thủy sản I, khuyến cáo bà con phải cẩn trọng nuôi ba ba ở miền Bắc. Khi bà con muốn mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi baba, lịch thời vụ và đặc biệt là quy trình chăm sóc quản lý tốt vào 4 tháng mùa lạnh. Ông cũng lưu ý đến bà con, với đối tượng nuôi thủy sản quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn nước sạch tránh để baba nhiễm dịch bệnh.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề cho biết: “Baba vào mùa đông không ăn, nên dọn sạch đáy ao đảm bảo sạch bệnh, nhiều người vẫn cho ăn baba không ăn, thức ăn phân hủy gây ô nhiễm môi trường nước. Bổ sung đất cát cho đáy ao để baba trú đông.”

Khi thời tiết giá lạnh, ba ba ăn ít và chỉ ăn nhiều vào những ngày nắng ấm khi nhiệt độ trên 20 độ C. Nên bà con có thể nuôi vỗ baba bằng những thức ăn tươi như: tôm, cá, giun đất vào những ngày nắng ấm. Lượng thức ăn sử dụng bằng 3- 5% khối lượng baba nuôi, tránh để baba đói sẽ dẫn đến cạnh tranh mồi và cắn nhau. Do thức ăn tươi rất dễ ô nhiễm môi trường nên thức ăn thừa phải vớt bỏ.

Vào đầu mùa đông, ông Nguyễn Văn Tiêu đã chuẩn bị hơn 1 tạ cá mồi, nuôi chung ao baba, theo tính toán của ông số thức ăn này đủ cho 30 cặp baba vượt qua 3 tháng mùa lạnh.

“Vào mùa đông lạnh baba thường ít ăn, vì thế cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho baba, lựa chọn thức ăn tươi, tận dụng nguồn cá tạp còn sống kích cỡ nhỏ thả chung với baba. Thời tiết thuận lợi baba trong ao quây lại bắt cá ăn, làm thế chủ động được nguồn thức ăn không sợ cạnh tranh.” Ông Nguyễn Văn Tiêu – Xã Nội Duệ – Tiên Du – Bắc Ninh nói.
Vào mùa lạnh ao nuôi baba ít được thay nước nên để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi, cần giữ ấm cho baba bằng cách phủ bèo 1/3 ao nuôi, ngoài ra bèo có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, đảm bảo sức khoẻ cho ba ba. Cùng với đó bà con sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch nước ao nuôi.

Định kỳ thay nước ở ao nuôi 1 tháng/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước trong ao. Nếu ao nhỏ, nuôi mật độ dày, khoảng 20 ngày thay toàn bộ nước cũ và cấp nước mới cho ao. Những ngày rét có sương mù nên thay nước lạnh ở tầng mặt và thêm nước mới vào ao.
Như kỹ sư Nguyễn Xuân Lâm – Chi cục Thủy sản Bắc Ninh tư vấn: “Đối với ao nuôi ô nhiễm nguồn nước do nguồn thức ăn dư thừa, chúng ta có thể sử dụng thuốc Vạn tiêu linh, nhằm khử trùng ao nuôi, hoặc vôi bột. Nếu có điều kiện, nên thay nước định kỳ.”
Theo kinh nghiệm nuôi baba của ông Nguyễn Văn Tiêu thì việc thả bèo vừa có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, vừa có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, tránh nắng cho baba vào mùa hè.

Quy định mới ban hành của Bộ NNPTNT có đề cập đến loài baba được nuôi phổ biến như các loại lợn, gà, tôm, cá thì không phải chịu sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng diện tích nuôi baba. Do đó, trước khi quyết định nuôi bà con cần tìm hiểu rõ thị trường và nguồn gốc baba giống và cẩn trọng với những con giống nhập ngoại từ Thái Lan, hay Đài Loan.

Để đầu tư một khu nuôi ba ba, tiền vốn ban đầu bỏ ra không nhỏ, nếu nuôi nhỏ lẻ cũng cần mấy chục triệu đồng, còn nếu đầu tư theo kiểu trang trại thì phải cần đến hàng trăm triệu đồng. Do thời gian nuôi thương phẩm kéo dài khoảng 2 năm nên bà con cần có nguồn vốn ổn định để mua thức ăn và phòng trị bệnh cho baba; và khi đã đầu tư nuôi baba tại miền Bắc bà con cần chọn đúng thời vụ bán thương phẩm để có lợi nhuận cao nhất.

TS Bùi Quang Tề – Nguyên Viện nghiên cứu thủy sản cho biết: “Ở miền Bắc nuôi baba 2 năm, năm đầu ta nuôi từ bé đến lớn năm sau nuôi vỗ béo. Cẩn trọng khi nuôi và không nên bán vào mùa đông có thể bán trước hoặc sau tết được giá cao.”.

Tại thời điểm này, dù là nuôi Baba thương phẩm hay sản xuất giống đều có lãi, tùy thuộc vào kỹ thuật nuôi, chăm sóc baba qua động và thị trường sẽ quyết định thành công của người nuôi. Tuy nhiên, các chuyên gia thủy sản nước ngọt cũng khuyên, bà con hết sức cân nhắc khi nuôi ba ba ở miền Bắc. Nếu có nuôi, nên nuôi ở quy mô nhỏ, xen canh với các loại thủy sản khác, không nên nuôi theo quy mô lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi ghép ba ba và cá vừa tăng năng suất, lại giảm chi phí

Nuôi ghép ba ba, với cá trong cùng một ao vừa nâng cao sức sản xuất sinh vật của ao, vừa tăng năng suất, thu nhập cho người nuôi.

Ba ba thở bằng phổi nên thường nổi lên mặt nước để hít thở, trong khi cá thở bằng mang nên nuôi ba ba cùng cá sẽ làm tăng việc trao đổi hàm lượng ôxy và vật chất giữa tầng mặt và tầng đáy của ao. Ba ba thường sống ở đáy ao, làm chất mùn bã hữu cơ bị phân giải, góp phần làm tăng lượng ôxy trong ao.

Hơn nữa, nuôi ba ba với cá, lượng chất amôniăc thải ra nhiều được động, thực vật phù du hấp thụ, góp phần giảm mức độ ô nhiễm. Ba ba không làm tổn thương cá giống và cá thịt, chúng còn ăn những con cá chết, giúp giảm lây lan dịch bệnh cho cá.

Ao nuôi ghép không cần bón phân vì những chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. 

Trên thực tế, cá trong ao nuôi ghép với ba ba luôn đạt tỷ lệ sống cao hơn các ao khác. Ao nuôi ghép cũng không cần bón phân vì chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. Những mảnh vụn và cặn bã hữu cơ có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sinh trưởng của cá và ba ba nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo…

Sau khi cá ăn, ba ba có thể ăn lại thức ăn thừa này. Với ao nuôi chung, diện tích không cần lớn và nên có bùn ở đáy ao để dễ bắt ba ba. Tỉ lệ thả: Chọn ba ba giống cỡ 150 – 250g/con, dựa vào độ lớn của ba ba để tính mật độ thả, thường là 1 – 2 con/m2, theo thông tin từ báo Kinh tế Nông thôn.

Về quản lí: Nhìn chung tham khảo cách quản lí nuôi ba ba ở ao đất, nhưng có điểm riêng sau: thời gian cho ăn lệch đi, tốt nhất là sau khi cho cá ăn khoảng nửa giờ mới cho ba ba ăn, như vậy không ảnh hưởng lẫn nhau. Mật độ nuôi ghép dầy gặp thời tiết thay đổi trời oi bức, nước ao đục, hàm lượng oxy giảm, ba ba không chịu được, cá bị chết, nên phải kịp thời bổ sung nước mới vào ao.

Mùa hè cần cho máy sục khí hoạt động, nếu không lúc cá thiếu oxy sẽ hơi lờ đờ, chậm chạp làm ba ba ăn cá. Ba ba có sức chịu đựng hơn cá, cho nên khi bón vôi hay dùng thuốc bột tẩy để khử trùng nước phải tính đến sức chịu đựng của cá, thường bón với 30g/m3 bột tẩy 1,5g/m3.

Trong ao nuôi ghép ba ba với cá, các loại tảo phát triển nhiều mà không bị tàn lụi, chủ yếu là trong ao có hàm lượng đạm cao. Trong chuỗi thức ăn nuôi ghép cá và ba ba, ở đá yao còn có những mảnh vụn và chất vẩn cặn bã hữu cơ, đều có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh trưởng của cá và ba ba, cho nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo vào ao, vì sau khi cá trắm cỏ ăn, số còn thừa lại là thức ăn cho ba ba. không ảnh hưởng lẫn nhau.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu, ấp trứng ba ba

Để thành công trong việc nuôi ba ba cần nắm rõ các khâu kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thu ấp trứng là khâu quan trọng, quyết định đến thành công của nguời nuôi.

Bãi đẻ

Nên làm bãi đẻ ở cạnh ao hay giữa ao rộng khoảng 2 – 5 m2, có độ dốc 250, trồng cây che mát cho ba ba nghỉ và đẻ trứng. Bờ ao có độ dốc nhất định cho ba ba bò. Khoảng đất giữa tường bao và mép nước nên phủ một lớp đất cát pha để ba ba dễ đào hố đẻ trứng. Bãi đẻ cần yên tĩnh, diện tích khoảng 20 con/m2, tùy thuộc vào số lượng ba ba đẻ. Tỷ lệ đực/cái 1:2 đến 1:3.

Thu trứng

Trứng nằm trong ổ, sau khoảng 50 – 65 ngày nở thành ba ba con, điều kiện ấp tự nhiên này tỷ lệ nở rất thấp. Trong điều kiện nuôi, người nuôi có thể tạo chỗ cho ba ba đẻ thuận lợi hơn và có nhiều phương pháp, kinh nghiệm ấp trứng để đảm bảo tỷ lệ nở cao (khoảng 90 %). Tuy nhiên, muốn ấp nở nhanh, tỷ lệ nở cao cần phải biết kỹ thuật thu trứng.

Thời điểm thu trứng: Theo dõi ba ba đẻ để đánh dấu vào ổ trứng. Ba ba thường đẻ vào ban đêm, nên thu trứng là vào các buổi sáng. Nếu ba ba đẻ rộ tiến hành thu trứng hàng ngày, lúc ba ba đẻ thưa 3 – 5 ngày thu một lần. Không nên để ba ba đẻ sau 15 – 20 ngày mới thu trứng đem ấp. Như vậy trứng thụ tinh vào các đợt không đồng đều gây lộn xộn đến số trứng cho ấp ở các đợt. Khi thu trứng, ta cần lật nhẹ lớp đất, cát lên lấy trứng nhẹ nhàng, tránh bị vỡ trứng.

Bãi đẻ cho ba ba nên ở cạnh ao hoặc giữa ao.

Lựa chọn trứng ấp: Chỉ giữ trứng đã được thụ tinh để cho ấp. Trứng thụ tinh phần lớn tròn, trứng sau khi thụ tinh ngả màu hơi vàng nhìn rõ thấy vòng túi hơi, phần trên màu trắng là túi chứa hơi để phôi thở, phần dưới màu phớt hồng là phần phôi và noãn hoàng. Loại bỏ các quả trứng không được thụ tinh, các quả trứng nhỏ, hình dạng màu sắc không bình thường, có vết đốm loang lổ, không phân biệt rõ hai phần như trứng được thụ tinh.

Để việc tính toán kết quả nuôi vỗ, tỷ lệ nở được chính xác, cũng như xử lý kỹ thuật ấp đạt hiệu quả, người nuôi nên tiến hành ghi chép đầy đủ số liệu từng ao nuôi về ngày đẻ, ngày thu trứng, số lượng trứng thụ tinh, số lượng trứng thu được…

Ấp trứng

Nơi ấp: Để đạt hiệu quả, người nuôi nên ấp trứng trong nhà ấp gà, lò ấp trứng vịt để ấp hoặc có phòng ấp riêng đối với những hộ nuôi lớn để tránh nhiệt độ thay đổi và bảo vệ trứng.

Dụng cụ: Thường là khay nhựa hoặc chậu bằng nhôm, sắt tráng men, hoặc nhựa. Số lượng và diện tích khay phụ thuộc vào số lượng trứng cần ấp. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất lớn có thể xây phòng ấp, bể ấp chuyên hoặc dùng máy ấp trứng hiện đại để ấp trứng.

Thao tác ấp trứng: Tiến hành đổ cát sạch mịn, ẩm, tơi xốp và có lớp cát dày 7 – 8 cm vào khay ấp, đáy khay có lỗ thoát nước để tránh nước đọng làm hỏng trứng. Nhặt trứng đã được chọn rải đều trên mặt cát, khoảng cách giữa các quả 2 – 4 cm, đặt đầu có túi hơi hướng lên trên không nên đặt ngược hay lệch. Khi đủ 1 lớp trứng thì lấy một lớp cát rải kín lên trên, lớp cát cao hơn trứng 4 – 5 cm, để giữ nhiệt độ cho trứng.

Trong thời gian ấp trứng phải chú ý giữ ẩm cho cát trong khoảng 80%. Không để cát quá khô hay ướt quá nén chặt làm hỏng trứng và độ ẩm không khí trong phòng khoảng 75 – 80% (Trong thực tiễn, dùng cát không tốt bằng đất thịt, có thể dùng đất sâu cách mặt đất 60 cm không có mùn bã hữu cơ, đất nhỏ cỡ 1 cm, phơi thật khô để diệt khuẩn, phun nước để có độ ẩm 12 -16% như vậy đất thông thoáng, giữ nhiệt, giữ ẩm tốt). Đặt các khay trứng vào nơi yên tĩnh để ấp. Trong thời gian ấp tuyệt đối không đảo trứng, nếu di chuyển trứng rất dễ bị thương và phôi chết.

Quản lý và theo dõi ấp trứng: Quá trình phát triển của phôi, càng về giai đoạn cuối cùng càng nhạy cảm với điều kiện môi trường, trao đổi khí càng mạnh nên dễ chết. Vì vậy, việc làm quan trọng nhất trong thời kỳ ấp trứng này là giữ cho nhiệt độ được ổn định. Nhiệt độ thích hợp nhất cho việc ấp trứng là 30 – 320C, ở nhiệt độ này thời gian ấp chỉ 45 – 50 ngày; nhiệt độ ấp cao hơn 1 – 20C thời gian ấp có thể rút ngắn 4 – 5 ngày nhưng không an toàn.

Phôi trứng sẽ bị chết khi nhiệt độ < 200C và > 350C. Vì vậy, cách 1 – 2 ngày lớp cát trên mặt bốc hơi bị khô, cần phun nước cho ẩm trở lại bình thường. Nước phun cần từ từ, tránh dội nước làm cho nhiệt độ cát ấp bị thay đổi đột ngột, phôi sẽ chết. Trong quá trình theo dõi ấp trứng, có thể bới cát kiểm tra trứng, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ không cho kiến, chuột, rắn… vào ăn trứng và ba ba con.

Ba ba con vừa nở ra khoảng 15 phút phải cho vào nước. Do đó, khi thấy trứng sắp nở (mổ mỏ, có chỗ nứt vỏ) phải kê khay ấp trứng lên chậu, hay bể xây nước nhỏ để chúng nở ra tự bò xuống. Nếu không để sẵn nước, ba ba con dễ bị chết khô.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách nuôi Baba con giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi

Hiện nay đã có rất nhiều tài liệu viết về các mô hình và kỹ thuật nuôi ba ba, tuy nhiên khâu nuôi dưỡng ba ba con chưa được đề cập cụ thể, trong khi đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp ba ba tăng cường sức đề kháng để bắt đầu thích nghi với môi trường sống mới, và giảm bớt tỷ lệ hao hụt trong suốt quá trình nuôi sau này. Vậy cách nuôi ba ba con như thế nào? Nên cho ba ba con ăn gì? Xin mời bà con theo dõi bài viết dưới đây.

Ấp trứng ba ba

Sau khi ba ba cái và ba ba đực giao phối, nếu thành công, ba ba cái sẽ mang thai và thường sinh vào khoảng tháng 3 – tháng 8 âm lịch, chúng sinh vào buổi tối. Thông thường ba ba sẽ đào lỗ để làm ổ đẻ, số lượng trứng mỗi lần sinh không cố định, giao động từ 10-20 trứng.

Nên thu trứng ba ba về ấp nhân tạo vì nếu để ba ba tự ấp trứng tỷ lệ nở sẽ không cao lại mất khá nhiều thời gian. Sau khi ba ba con nở, cho vào một chậu riêng, tắm ba ba con với nước sạch có pha 1 ít muối loãng.

Ao nuôi

Cần xây một bể dưỡng cho ba ba con mới sinh cho đến 3 – 4 tháng tuổi. Kích thước tùy thuộc vào số lượng ba ba được thả vào. Có thể tham khảo kích thước: 8x3x0,5m (dxrxs), diện tích này có thể dưỡng từ 3000 – 5000 con.

Cần vệ sinh ao nuôi trước khi cho ba ba vào bằng các dung dịch có sẵn trên thị trường như Formol hay thuốc tím ….

Thức ăn cho ba ba con

Số lần cho ba ba con ăn là 3-4 lần/ngày khi trời có nắng. Nguồn thức ăn tốt nhất cho ba ba con là cám của Cargil hoặc những loại thức ăn có độ đạm 40% trở lên.

Cách chăm sóc

Chọn ba ba con có trọng lượng từ 45-50gr trở lên. Nên chọn các con có trọng lượng và kích thước như nhau. Thời điểm thả giống thích hợp nhất trong năm là tháng 1 – tháng 2 âm lịch. Thời gian nuôi tùy thuộc vào mục đích nuôi của hộ.

Ở tháng đầu, ta xếp 2 lớp tàu dừa lên nhau theo chiều dọc của bể dưỡng, để ba ba có nơi để trú ẩn. Ở giai đoạn này chỉ cần đổ vào bể khoảng 15-20m3 nước.

Tháng tiếp theo, ta xếp 3 lớp tàu dừa lên nhau vì ba ba lúc này đã lớn hơn và cần nơi trú ẩn nhiều hơn. Mực nước cần lúc này từ 20-40cm.

Đến tháng thứ 3, ta đổ thêm khoảng 2-3cm cát để ba ba có chỗ để nghỉ ngơi.

Khoảng 2 tuần mới thay tàu dừa một lần, hoặc có thể dùng thuốc phân hủy đáy áo để phân hủy những chất cặn bã.

Sau 3 tháng có thể chuyển ba ba con sang bể nuôi lớn hơn để chăm sóc theo giai đoạn trưởng thành.

Nên chuẩn bị dụng cụ để thức ăn cho ba ba, có thể dùng nia, rổ (không phải rổ bằng nhựa) … để đựng thức ăn và thả xuống ngập dưới nước. Khi cho ba ba ăn người chăn nuôi nhớ để ý kích thước thức ăn có vừa với miệng không, lượng thức ăn có bị thừa không để điều chỉnh lượng và kích thước phù hợp.

Luôn giữ cho nước sạch, trong, không bị nổi ván, bẩn dễ gây bệnh cho ba ba.

Nếu áp dụng theo đúng phương pháp trên thì ba ba con sẽ ít bị hao hụt (chỉ khoảng 3-4%) so với những cách chăm sóc ba ba con khác (hao hụt có thể lên tới 30-40%).

Nguồn: Triệu phú nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xây ao nuôi Baba

Với các hộ gia đình không có điều kiện xây hồ xi măng để nuôi ba ba do giá thành loại này cao thì lựa chọn mô hình nuôi ba ba trong ao là một ý kiến không tồi. Loại kiến tạo theo kiểu hồ này ai cũng làm được, nơi nào cũng xây được; dù nước mặn, nước lợ, việc đầu tư vốn để kiến tạo không lớn mà vừa tầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ.

Mô hình nuôi ba ba trong ao được nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lựa chọn

1. Xây hồ âm 50%, dương 50%

a, Thiết kế mô hình nuôi ba ba trong ao

Nơi có mực nước thấp hơn mặt đất từ 0,5 – 1m những vị trí xây ở nơi này ít tốn kém nhất mà lại an toàn và giá thành rẻ.

Bạn chỉ cần thiết kế theo các thông số sau đây là bạn có thể yên tâm mình đã có 1 hồ nuôi Ba Ba được.

Theo diện tích đất từ 8m2 – 50m2 bạn chọn để xây hồ vừa ý.

– Tuỳ theo mực nước ngang bằng đáy mà dào độ sâu.

– Lúc nào cũng đảm bảo độ sâu của hồ 1,2m – l,4m.

– Mặt đáy nhỏ hơn mặt hồ 0,4 – 0,5m để tạo độ dốc.

– Nếu xây âm dương thì thành hồ chỉ cần 0,7 – 0,8m là vững vàng.

Sơ đồ mô hình nuôi ba ba trong ao

b, Các bước đào xây hồ:

Bước 1: Đào sâu theo kích thước bản vẽ.

Bước 2: Tiến hành đóng cừ, cọc quanh chu vi hồ 1m X 1m ở gốc dùng cọc cừ lớn, chắc chắn hơn, dùng kẽm loại 4mm câu các đầu cọc cừ lại tránh sức nén của nước làm vỡ hồ.

Bước 3: Dùng đất đắp nện chắc thành hồ lớp ngoài 0,3 – 0,4m.

Bước 4: Thành trong sau khi nện chặt đất trải 1 tấm Simili hoặc nilon.

Bước 5: Đáy hồ nếu có cát thì đổ 10 – 15cm, không thì đổ bùn non sạch.

Bước 6: Coi như bạn đã hoàn thành kiến tạo một hồ nuôi BaBa có từ 20 – 50m3 hoặc hơn tuỳ ý bạn thích.

Và bước cuối cùng là kiểm tra an toàn các thành ao không được nứt nẻ và cự ly ống xả tràn chỉ để thông cách mặt hồ ao 0,2m.

Đáy hồ phải rắc 0,5kg vôi để trị phèn , nếu có phân bò khô cho thêm 1kg/m2 lm2 càng tốt. Bạn phơi nắng vài ngày để diệt khuẩn và cho bùn bốc hơi độc.

Bước 7: Tiến hành bơm xả nước từ từ vài ngày cho đầy hồ (Bơm từ từ để thành hồ chịu lực giãn nở dần để tránh vỡ dột ngột). Khi thấy an toàn mới bơm đầy nước.

2. Đắp hờ nổi 100%

Xây hồ nổi 100% là do điều kiện môi trường nơi định xây lắp hồ bị ngập mặn và mực nước thường ở mức cao hoặc bằng mặt đất.

Các bước tiến hành cũng như xây hồ âm dương nhưng chỉ khác một chỗ là xây trên mặt đất hoàn toàn.

Do xây cao, sức chứa lớn, thành hồ bị sức nén căng liên tục, do đó cần chú ý gia cố theo các thông số sau:

Cọc, cừ dóng phải là cọc cừ tốt, to và bền, thường dùng cừ tràm hoặc đước.

– Đầu cọc phải dùng sắt 06 — 08 mm cầu dầu cừ.

– Thành hồ rộng hay cao từ 1 – l,2m.

Ông xả tràn phải làm kỹ – ông thoát nước ở đáy phải có 060 — 090mm, khi cần xả nước nhanh.

– Kích cỡ một hồ an toàn chỉ giới hạn không lớn quá 30 – 50m3 nước.

Nếu xây nhiều hồ liên kế nhau để các thành hồ dựa vào nhau giảm sức căng, chông vỡ bờ lúc mưa nhiều. Đề phòng chuột làm hang, cua còng, chó đào bới làm vỡ không biết lúc đêm hôm.

Nguồn: Nuoibaba.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Baba trong bể xi măng và những điều cần chú ý

Nuôi baba trong bể xi măng là một giải pháp hợp lý cho nhiều hộ gia đình và ở nhiều địa phương, do điều kiện hạn chế về ao hồ đồng thời tăng khả năng kiểm soát ba ba. Sau đây, Trang Trại Bình Minh sẽ hướng dẫn bà con cách xây dựng mô hình nuôi baba trong bể xi măng.

Nuôi baba trong bể xi măng dần trở nên phổ biến

I. Tại sao phải nuôi baba trong bể xi măng?

Thứ nhất, Ba ba là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập để phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh đó việc đầu tư để nuôi ba ba cũng là một bài toán đặt ra cho bà con đầu tư về giống về chỗ nuôi, thức ăn cho con ba ba cũng vô cùng lớn. Vì vậy, muốn nuôi ba ba có được hiệu quả kinh tế cao người nuôi cũng cần nắm vững những kiến thức cơ bản, nhất là các kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, xây dựng bể nuôi ba ba phù hợp và các kinh nghiệm nuôi ba ba hiệu quả.

Thứ hai, để ba ba phát triển nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao cần một môi trường chăm sóc ba ba tốt, không mất vệ sinh và cũng hạn chế được những sinh vật gây hại đến baba. Bể xi măng là một trong những giải pháp tốt nhất thỏa mãn hết những yếu tố đó.

Thứ ba là nuôi baba trong bể xi măng đỡ tốn diện tích, chi phí cũng không tốn kém,dễ dàng thu hồi lại vốn.

II. Quy trình xây bể xi măng nuôi baba

1. Bể nuôi baba cần xây như thế nào?

Bể nuôi ba ba cần được xây bằng gạch và láng xi măng. Mực nước sâu 0,6 – 1m. Có cống tràn (miệng cống ngang bằng lưới sắt) để giữ mức nước cố định có diện tích trên 10m ở mức cao nhất và có cống tháo nước ở đáy bể. Quanh bể nên để khoảng đất có bóng mát và bắc cầu cho ba ba từ bể lên bờ.

Bể nuôi baba được xây dựng bằng gạch và xi măng

2. Thả giống:

Trước khi thả giống phải dọn bể. Cần chọn những con giống khỏe, ngoại hình hoàn chỉnh, không bị xây xát… Con giống tốt nhất có trọng lượng 100g/con trở lên. Nên thả con giống có cùng cỡ và thả vào khoảng thời gian từ tháng 2 – 3 dương lịch.

3. Mật độ nuôi:

Con giống có trọng lượng từ 50 – 100g, thả 10 – 15 con/m2. Con giống có trọng luợng khoảng 200g thì chỉ thả 4 – 7 con/m2.

4.Thức ăn:

Bệ, máng đựng thức ăn phải được đặt ổn định, chìm dưới nước 20 cm. Trước khi cho ba ba ăn phải dọn bệ, máng sạch sẽ. Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, chủ yếu là động vật như giun, ốc, hến… Lượng thức ăn hàng ngày cung cấp cho ba ba khoảng từ 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể.

5. Chăm sóc:

Phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế việc tháo nước và đánh bắt gây hoảng sợ cho ba ba. Nước bể phải luôn sạch, không để bị thối bẩn. Nuôi vào mùa đông cần có biện pháp chống rét cho ba ba như dâng cao mực nước, thả bèo tây (lục bình)…

III, Một số chú ý khi nuôi baba trong bể xi măng

Khi nuôi baba trong bể xi măng bà con cần chú ý những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng sau:

– Thức ăn của ba ba chủ yếu là động vật (sống hay đã chết) như: giun, ốc, hến, chua, cá, mỡ trâu bò, ruột, sà lách… phế phẩm các lò mổ…

– Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, cho ăn đều. Có thể chủ động gây thức ăn bằng cách nuôi cách nuôi cá mè, rô phi, ốc vặn v.v…

– Chế biến thức ăn tổng hợp từ chất bột, cám bột cá,bột đậu tương sao cho đạm tổng số 40 – 43%.

– Không dùng bột cá mặn hay cá tép đã ướp mặn.

– Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể. Trước khi cho ăn phải dọn sạch sàn bệ, máng cho ăn.

– Điều chỉnh thức ăn theo thời tiết để tránh bị lãng phí ảnh hưởng đến chất nước. Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 – 32 độ C, trên 35 độ C ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12 độ C ngừng ăn.

– Nuôi ba ba ở miền Bắc cần chú ý, trước khi vào mùa đông cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và có độ béo cao như mỡ trâu, mỡ bò… để nó tích lũy mỡ dùng trong mùa đông.

Với các hộ nuôi ba ba để kinh doanh thì việc nuôi ba ba trong bể xi măng là một lựa chọn tối ưu giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả và năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Lên Cao Phong ăn cam tận vườn

Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đang trong vụ cam với những cây sai trĩu, nhìn thích mắt, ăn đã miệng.

Vào chính vụ, đâu đâu ở Cao Phong cũng tràn trong sắc vàng, đỏ của cam

Nằm cách Hà Nội 100 km, dọc theo quốc lộ 6, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nức tiếng khắp cả nước với các giống cam tươi mát, ngon ngọt. Mất chưa đầy hai tiếng đi ôtô từ Hà Nội, bạn đã có mặt ở vùng đất điểm sắc vàng ngọt lịm của cam. Dọc hai bên đường ở thị trấn Cao Phong có rất nhiều sạp bán cam cho khách đi đường, tuy nhiên cam không được tươi và có thể đã bị trộn các giống cam khác. Vì thế chỉ cần chịu khó đi vào các đường nhánh bên trong, bạn sẽ tìm được các vườn cam bạt ngàn được trồng trên sườn đồi, tha hồ thưởng thức ngay tại vườn cũng như mua mang về làm quà.

Không phải đến bây giờ cam Cao Phong mới xuất hiện nhưng người tiêu dùng Việt ngày càng mất niềm tin vào các loại hoa quả nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên được ưa chuộng. Các vùng trồng cam nổi tiếng ở miền Bắc như Hà Giang, Từ Liêm (Hà Nội), Cao Phong (Hòa Bình), Văn Giang (Hưng Yên) mấy năm trở lại đây còn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường trong nước. Các giống cam cũng được trồng chọn lựa và chất lượng hơn để đáp ứng nhu cầu cao của các khách hàng khó tính.

Cam lòng vàng ít hạt, mọng nước, ăn một lần là mê

Anh Chiến, chủ của một vườn cam ở khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết, vườn nhà anh có hơn 200 gốc cam, mỗi năm thu hoạch trung bình từ 12 đến 15 tấn quả. Cam Cao Phong bắt đầu chín từ tháng 8 âm lịch và kéo dài tới sau Tết mới hết vụ.

Có tới 6-7 giống cam được trồng ở đây, bao gồm cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Xã Đoài… Trong đó cam lòng vàng và cam Canh được ưa chuộng hơn cả vì mọng nước và có vị ngọt đậm đà, đồng thời giá cũng cao hơn so với các loại khác từ 5.000 đến 15.000 đồng mỗi kg.

Trung bình một cân cam mua ngay tại vườn có giá khoảng 35.000 – 50.000 đồng, tùy loại. Về Hà Nội, cộng thêm phí vận chuyển, dịch vụ, giá sẽ độn lên khoảng 45.000 – 70.000 đồng mỗi kg. Vậy nên nếu vừa muốn đi chơi một chuyến, vừa muốn mua được cam giá hợp lý, tươi, sạch, nhiều người đã chọn lên tận vườn. Chỉ cần mua từ chục cân trở lên là có nhiều chủ vườn niềm nở, dễ tính sẽ tiếp đón bạn.

Nhiều bạn trẻ ham du lịch lại “máu” kinh doanh đã chọn Cao Phong là địa điểm thường xuyên lui tới. Ở đây vừa có đồng mía vừa có vườn cam, đi lại không tốn nhiều thời gian, di chuyển và chơi trong ngày thoải mái. Tuy nhiên, lưu ý là đường từ Hà Đông lên Hòa Bình nhiều đoạn đang làm, đi bằng ô tô sẽ an toàn và đỡ bụi hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thương hiệu cam Cao Phong tạo nên giá ổn định cho thị trường

Đã vài năm trở lại đây, nhắc tới thương hiệu “cam Cao Phong”, người tiêu dùng đều tin tưởng về chất lượng bởi quả cam ngọt, có vị riêng và thương hiệu này đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cam lòng vàng tại thị trấn Cao Phong

Cam vàng quốc lộ 6

Chúng tôi đi dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào địa bàn huyện Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến xã Bắc Phong, thị trấn Cao Phong, Tây Phong… trải vàng 2 bên đường là màu cam chín vàng rực.

Ngay tại thị trấn Cao Phong sầm uất, từ quốc lộ 6 rẽ các tuyến đường vào các xã của huyện, chỉ chưa đầy 100 m đã thấy trước mắt là bạt ngàn cam. Có lẽ vì thế mà khách du lịch và người qua đường vẫn gọi vui đây là “phố cam”. Cảm giác dễ chịu, thích thú đầu tiên của du khách khi vào vùng cam đó là các tuyến đường đã được đầu tư cứng hóa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như thăm quan, du lịch.

Theo ông Khương Xuân Lịch (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), toàn bộ thị trấn Cao Phong có khoảng 800ha diện tích trồng cây có múi, chủ yếu là trồng cam. Năm 2017, diện tích cho quả khoảng 15.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái do diện tích thu hoạch và trống mới đã tăng lên. Theo ông Lịch, năng suất cam tại thị trấn khoảng 30 tấn/ha.

“Mặc dù năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, thị trấn giảm khoảng 20 tấn nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ổn định, đặc biệt là giá không có nhiều chênh lệch lớn. Giá cam canh khoảng 25-30.000 đồng/kg, trong khi giá cam lòng vàng cắt tại vườn cũng ổn định ở mức trên 20.000 đồng/kg. Tính trung bình, mức thu nhập của người dân trồng cam năm nay khoảng 51 triệu đồng/người”, ông Lịch nói.

Về thông tin hiện nay việc tiêu thụ cam đang chậm hơn so với mọi năm, chất lượng quả cam không được như những năm trước. Ông Lịch cho biết: “Đúng là năm nay sản lượng cam lớn hơn năm ngoái, nhiều hơn khoảng 3.000 tấn nhưng không có chuyện cam Cao Phong “vỡ trận” hay giá thấp mà trái lại, vẫn ổn định bởi thương hiệu cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng”.

Minh chúng cho điều này, ông Lịch đưa ra dẫn chứng còn tới 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán cổ truyền nên cơ hội bứt phá và đầu ra cho trái cam vẫn còn nhiều cơ hội. Hơn nữa, các nhà vườn mới chỉ thu hoạch khoảng 40% sản lượng, nhiều giống cam vẫn còn chưa thu hoạch. Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện tiêu chuẩn Vietgap, quả cam được dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc và được kiểm định chất lượng nên người tiêu dùng hoàn toàn tiếp tục tin tưởng vào chất lượng của quả cam Cao Phong năm nay.

Thương hiệu tạo nên giá ổn định

Chúng tôi tới hàng cam Hương Đồng của chị Lê Thị Hương (có địa chỉ tại  số 136, tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) khi cửa hàng đang tấp nập đón các đoàn thăm quan vườn cam, vừa kết hợp du lịch trải nghiệm, vừa mua sản phẩm cam Cao Phong.

Chị Hương cho biết, trung bình một ngày gia đình chị bán được khoảng 2-3 tấn cam. Dù mới trải qua một tháng thu hoạch nhưng gia đình chị đã bán được khoảng 100 tấn, nhiều hơn hẳn so với các gia đình khác.

Người mua cam có thể mua tại cửa hàng của gia đình hoặc cắt trực tiếp tại vườn cam. “Gia đình tôi có khoảng 10ha, trong đó 8ha đang thu hoạch, chủ yếu tập trung là cam lòng vàng và V2. Giá bán tại cửa hàng là 30-35.000 đồng/kg. Một số khách hàng bảo tại sao tôi bán giá cao hơn so với các nơi khác, tôi giải thích việc cam Cao Phong đã có thương hiệu, giá cam ổn định qua các năm và không chấp nhận việc bán thấp hơn giá đã niêm yết. Chúng tôi cam kết nếu chất lượng quả cam không đúng sẽ đền bù cho khách hàng”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, quả cam Cao Phong ngon là cam có sắc màu đỏ thẫm hoặc vàng tươi, mọng nước. Quả cam ăn ngon, ngọt còn bởi gia đình đã chú trọng đầu tư từ nhiều năm nay như bón cam bằng đậu tương nghiền nhỏ, tưới cam bằng nước ủ cá sông Đà từ 6-8 tháng…

Chị Hương nói thêm: “Gia đình tôi bán và trồng cam đã nhiều năm tại khu vực đã có chỉ dẫn địa lý về cam Cao Phong nên người mua hoàn toàn tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc. Giá cả là một phần chứ chất lượng quả cam mà không đúng như cam kết thì người mua sẽ không quay lại với mình nữa”.

Phát triển lâu dài

Trước việc sản lượng cũng như diện tích trồng cam tăng nhanh tại Cao Phong, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cương (Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong) về hướng phát triển lâu dài cho quả cam tại địa phương.

Cam lòng vàng nặng trĩu phủ đầy thị trấn Cao Phong

Ông Cương cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản cam, dự kiến khoảng tháng 8/2018 sẽ đưa vào hoạt động, sẽ thu mua khoảng 20-25.000 tấn cam để phục vụ dây chuyền hoạt động, chiếm khoảng 1/2 sản lượng cam toàn huyện Cao Phong”.

Ông Cương cho biết, mục tiêu của nhà máy chế biến và bảo quản cam Cao Phong là có nhiều sản phẩm từ quả cam như hoa quả khô, tinh dầu, thậm chí rượu cam sau khi Hợp tác xã đã có quá trình học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương đã thành công. Ngoài ra,  quá trình bảo quản hoàn toàn nguyên sơ quả cam tại các kho đông lạnh sẽ giúp việc bán cam quanh năm sau khi đã kết thúc niên vụ.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công việc bảo quản cam và thúc đẩy tiến độ hoàn thành nhà máy sớm hơn dự kiến để đưa vào hoạt động. Trong tương lai không xa, việc tiêu thụ cam tại Cao Phong sẽ được tập trung và có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ người nông dân trồng cam yên tâm đầu ra cho nông sản này”, ông Cương nói.

Trao đổi với PLVN , ông Hồ Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong) cho biết: “Thương hiệu cam Cao Phong vài ba năm trở lại đây đã có chỗ đứng trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thành quả đó là nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân huyện Cao Phong đã nhiều năm. Dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cam nhưng cam Cao Phong vẫn có giá bán ổn định, chất lượng bảo đảm là điều kiện tiên quyết giữ vững thị trường”.

Theo ông Dũng, người mua cam nên mua sản phẩm cam Cao Phong tại các khu vực có chỉ dẫn địa lý gồm thị trấn Cao Phong, các xã Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Tây Phong cho 4 giống cam gồm CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh để có thể an tâm về chất lượng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mùa vàng cam Cao Phong

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mặc dù đợt mưa lũ làm ngập một số diện tích cam, quýt ở ven suối, vùng trũng nhưng niên vụ 2017 – 2018 sản lượng tăng, giá ổn định.

Cam Cao Phong tiếp tục giữ uy tín và thương hiệu trên thị trường

Toàn huyện hiện có 2.835,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó cây cam 1.652,84 ha, cây quýt 814,86 ha. Diện tích cây trong thời kỳ kinh doanh 1.234,6 ha, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha, dự kiến sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. So với niên vụ 2016 – 2017, tăng cả diện tích cam, quýt thời kỳ kinh doanh và sản lượng, giá cả giữ ổn định. Tính đến đầu tháng 11/2017, nhân dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 105 ha các loại, với giá bình quân từ 20.000 – 22.000 đồng/kg tại vườn.

Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, uy tín, chất lượng cam Cao Phong, huyện đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp tổ chức 20 cuộc hội thảo về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả cho các nhà vườn. Là người vừa trực tiếp trồng, kinh doanh cam, chị Nguyễn Thị Loan ở khu 2, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Chúng tôi ý thức được rằng chỉ có chất lượng ngon, sạch mới giữ được thương hiệu và uy tín cam Cao Phong. Điều này quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều loại quả có múi ở các vùng khác trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, chúng tôi áp dụng đúng quy trình sản xuất đã ban hành.

Áp dụng cách chăm sóc cam hoàn toàn tự nhiên như ngâm ủ đậu nành, dùng viên ép cá con để tưới đã đem đến cho sản phẩm cam Cao Phong những uy tín trên thị trường. Hiện cam, quýt Cao Phong đã được trồng rải vụ, mỗi loại chín vào thời điểm khác nhau, từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau. Nhiều cửa hàng đã thực hiện niêm yết cụ thể về giá, thời gian thu hoạch, khách có thể mua trực tiếp, đặt cam qua điện thoại.

Để bảo vệ, phát huy chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. BCĐ đã tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp. Ông Phạm Văn Thụy, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phó BCĐ cho biết: Huyện đã ban hành mẫu bao bì cam Cao Phong chuẩn áp dụng chung trong toàn huyện từ niên vụ 2017 – 2018. Các nhà vườn sử dụng và ghi tên để truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho một số cá nhân và tập thể sản xuất cam trên địa bàn.

Phát động thực hiện phương châm “Người Cao Phong chỉ bán cam Cao Phong”, BCĐ đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về việc sử dụng bao bì sản phẩm, ý nghĩa của việc giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hộ kinh doanh cam, kiên quyết đấu tranh chống gian lận cam nơi khác trà trộn. Tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết sản xuất cam an toàn và kinh doanh đúng cam, quýt Cao Phong. Khi hết vụ, UBND huyện ban hành văn bản thông báo để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ. Huyện cũng tổ chức lễ hội cam Cao Phong lần thứ 3 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2017 để tiếp tục quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của huyện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.