Trồng điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic.

Trồng điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, do đó bắt buộc người trồng phải có kiến thức sâu.

Vườn điều Organic của HTXNN Bù Gia Mập.

Vậy nhưng, một HTXNN ở vùng biên giới Bình Phước, với khoảng 85% xã viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vốn được coi là lạc hậu, đang có thành quả tốt với mô hình điều hữu cơ, tiêu chuẩn Organic.

Cuối năm 2016, HTXNN Bù Gia mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) ra đời với 64 thành viên có tổng diện tích điều 250 ha. Sau khi được thành lập, UBND xã đã chỉ đạo HTX phối hợp Liên hiệp HTX điều Bình Phước hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn Organic.

Đến nay, số xã viên là 136 và diện tích tăng lên gần 544 ha điều, trong đó 495 ha đạt chuẩn Organic, diện tích còn lại đang tiếp tục được đánh giá để cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới.

Kết quả, vụ điều 2016-2017, dù SX bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, nhưng năng suất điều của xã vẫn đạt từ 0,7-1,3 tấn/ha, riêng vườn điều của các thành viên HTX Bù Gia Mập đạt từ 1-1,5 tấn/ha.

“SX điều sạch phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, từ khâu dọn vườn, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch… nên tính trung thực của nông dân phải đặt lên hàng đầu. Các chuyên gia nước ngoài sẽ kiểm tra tại một vườn điều bất kỳ, nếu sản phẩm của vườn nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị ra khỏi HTX và phải làm lại từ đầu. Ban đầu, nhiều hộ ngần ngại vì sợ không theo được, nay họ chủ động trồng điều sạch để được vào HTX”, ông Hà Văn Toản, Phó giám đốc HTX cho biết.

Ông Điểu Hồng Mớt ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập đi tiên phong trong SX điều sạch cho biết: “Ngày xưa còn nghèo, cây điều nuôi sống mình, hết mùa thì mua phân bò về bón để cây có sức cho trái vụ sau. Từ 1 ha, nay tôi mua thêm 7 ha. Duy trì bón phân chuồng 2 lần/năm nên vườn điều luôn đạt 1,8-2 tấn/ha và ít sâu bệnh. Tham gia HTX, được kỹ sư nông nghiệp đến tận vườn “cầm tay chỉ việc”, từ bón phân, phun thuốc đúng quy trình đến không xịt thuốc cỏ, đốt lá tại vườn giúp mình có thêm kiến thức, sản phẩm làm ra được công ty đến tận vườn thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường”.

Gia đình anh Nghị ở thôn Đắk Á, có 3 ha điều, xưa nay vẫn SX theo kinh nghiệm chứ không biết đến trồng điều sạch. Sau khi cân nhắc, anh quyết định vào HTX. Sau đó, anh được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, năng suất vườn điều tăng từng năm. Niên vụ điều 2017-2018 đạt 2,5 tấn/ha, đây cũng là một trong những vườn điều đạt năng suất cao của xã.

Hướng dẫn quy trình chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ.

“Mừng nhất là sản phẩm được công ty đến tận vườn thu mua với giá cao. Sau khi hết vụ, còn được công ty trợ giá thêm 500 đồng/kg điều hữu cơ, tổng số tiền nhận được 12 triệu đồng, đủ tiền mua gạo ăn cả năm”, anh Nghị khoe.

Hiện toàn bộ sản phẩm điều của HTX được một số DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Đồng thời, được trợ giá 500 đồng/kg sau khi kết thúc mùa vụ. Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập cho biết, vụ điều 2017-2018, HTX bán được 333,35 tấn điều Organic. “Một vườn điều bình thường hằng năm cho năng suất khoảng 2 tấn/ha, nhưng trồng theo hướng Organic thấp hơn nhiều. Nhưng bù lại, giá lại cao hơn. Cho nên, trên cùng diện tích, nông dân vẫn đạt mức thu nhập ngang với phương thức trồng thông thường, đồng thời, không lo đầu ra”, bà Yến nói.

Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Organic phải tiến hành song song với việc giảm lượng thuốc hóa học và kết hợp bón phân hữu cơ để cải tạo đất. Điều dễ nhận thấy, SX hữu cơ bước đầu nông dân gặp khó khăn, nhưng để tính lâu dài thì đây đang là hướng đi tất yếu.

Ngoài HTXNN Bù Gia Mập, trong Liên hiệp HTX điều Bình Phước còn 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Phước Hưng (Đồng Xoài). Trong đó, HTX Đồng Nai đã dán nhãn thương mại công bằng quốc tế. HTXNN Bù Gia Mập sản xuất hữu cơ là bước đi nhanh nhất để sản phẩm được dán nhãn thương mại công bằng của Tổ chức Fair Trade. Qua đó, sản phẩm có thể đi thẳng vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU…

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Liên kết trồng dưa lưới, hiệu quả bền vững

Chỉ cần diện tích 1.000-2.000m2, mỗi nhà màng trồng dưa lưới có thể thu hoạch được 4 vụ/năm, doanh thu cả trăm triệu đồng/công/vụ. Nếu có hợp đồng liên kết đầu ra ổn định, canh tác dưa lưới sẽ nhanh thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận lâu dài cho nông dân.

Từ thành công của chàng kỹ sư trẻ…

Ở huyện đầu nguồn An Phú, nhắc đến Nguyễn Văn Đệ (xã Vĩnh Lộc), những nông dân lớn tuổi còn phải nể phục bởi anh được xem là người đầu tiên thành công với dưa lưới, một loại cây trồng vốn mới mẻ với vùng đất đã “quen” với lúa, rau màu.

Là một kỹ sư nông học (tốt nghiệp năm 2006), anh Đệ đã bắt đầu với những công việc trái ngành trước khi “kết duyên” với cây dưa lưới từ năm 2014. Để khởi nghiệp tại quê nhà, anh đã đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. “Lần đầu trồng, thấy dưa bị nứt tôi cũng hơi lo lắng. Sau khi tìm hiểu, biết đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên mới yên tâm. Tôi cố gắng vừa canh tác, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng” – anh Đệ chia sẻ.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang kiểm tra chất lượng trái dưa lưới do anh Thảo trồng

Nhờ sản phẩm được tiêu thụ nhanh với giá cao, chỉ sau 2 năm canh tác, anh Đệ đã trả hết nợ ngân hàng (vay đầu tư nhà lưới) và bắt đầu có lời. Nhận thấy tiềm năng loại cây trồng này còn lớn nên anh nâng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh còn liên kết với nông dân cùng thực hiện quy trình canh tác an toàn và làm đầu mối thu gom sản phẩm của họ. Chàng kỹ sư trẻ đã xây dựng nhãn hiệu dưa “Mr.Đệ”, được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đệ cho biết, với giá thu mua lại từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lời ít nhất 35 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nếu mỗi năm canh tác được 4 vụ thì sau khoảng hơn 2 năm, nông dân đã lấy lại được vốn đầu tư nhà màng. “Sau khi liên kết ổn định với 6 nông dân ở An Giang và Cà Mau, phát triển 10.000m2 dưa lưới, tôi đang mở rộng liên kết sang Vĩnh Long, Kiên Giang, TP. Cần Thơ để dần nâng diện tích lên gấp đôi. Bên cạnh dưa lưới, tôi đang thử nghiệm quy trình trồng dưa hấu, cà chua tí hon, dưa lê theo hướng an toàn để chuyển giao cho nông dân, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng hiệu quả canh tác” – anh Đệ nhấn mạnh.

…đến thắng lợi của những nông dân chịu thay đổi

Một trong những nông dân đang liên kết thành công với kỹ sư Nguyễn Văn Đệ là anh Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, Phú Tân). Được anh Đệ tận tình hướng dẫn quy trình canh tác an toàn, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 28.000 đồng/kg, anh Thảo cùng bạn của mình đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng xây dựng nhà màng 1.000m2, thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ tự động. Vụ đầu tiên, anh trồng 2.600 gốc dưa lưới trong những chậu nhựa, được nối hệ thống tưới nhỏ giọt vào tận gốc. “Khi dưa lưới được 7 ngày tuổi, cao từ 10-15cm thì tiến hành quấn đọt lên dây. Công việc này cần 2 người quấn liên tục trong 40 ngày. Khi cây được 2,5m thì ngắt đọt. Trồng trong nhà màng nên ít bị sâu bệnh, nhất là không có bọ trĩ, bọ phấn trắng. Trong chiếc bồn chứa 2.000 lít, mình hòa sẵn phân hữu cơ. Mỗi ngày, bật hệ thống tưới tự động trong 1-2 giờ là được” – anh Thảo chia sẻ.

Ngay vụ dưa đầu tiên, mỗi gốc đều cho ít nhất 1 trái, trọng lượng bình quân trên 2kg, đạt yêu cầu về độ đường, tiêu chuẩn thu mua. Với 2.600 gốc dưa, sau 85 ngày canh tác, anh Thảo thu hoạch được hơn 5 tấn trái, giao hết cho anh Đệ giá 28.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu khoảng 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, dinh dưỡng hữu cơ, nhân công khoảng 50 triệu đồng, nhóm anh Thảo thu lời 90 triệu đồng. Nếu tiếp tục đà thắng lợi này, chỉ sau 1 năm với 4 vụ dưa, nhóm anh Thảo đã có thể lấy lại vốn đầu tư nhà màng và bắt đầu thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/công từ năm thứ 2.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đệ cho biết, với hệ thống nhà màng được lắp ráp bằng khung thép vững chắc thì 5 năm sau mới phải bảo trì. Trong thời gian này, người sản xuất đã thu được lợi nhuận khá nên hoàn toàn có thể tái đầu tư mở rộng, tăng diện tích liên kết.

“Dưa lưới là loại cây trồng cho năng suất cao, kỹ thuật sản xuất không khó, thời gian canh tác ngắn, giá trị thương phẩm tốt. Điều quan trọng là khi canh tác, cần có hợp đồng liên kết thu mua nhằm ổn định đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nông dân Thừa Thiên Huế trồng đậu bắp cho thu nhập cao

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển diện tích trồng đậu bắp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đậu bắp được huyện Quảng Điền xác định là một trong những cây trồng chủ lực

Trên cánh đồng xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) phủ một màu xanh bát ngát của đậu bắp. Người dân địa phương cho biết, đây là loại cây khá dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao; có thể cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, đem lại thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/sào.

“Nhà tôi trồng đậu bắp từ mấy năm nay. Trước đây trồng đậu phụng và sắn nhưng thu nhập không cao, lại hay bị tư thương ép giá. Từ khi chuyển qua trồng đậu bắp, tôi thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, nhiều hộ trong xã cũng chuyển sang trồng cây này. Năm vừa rồi, đậu bắp cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây khác, nếu chăm bón tốt có thể gấp 5 lần. Đây thực sự là cây trồng phù hợp trên đồng đất của xã Quảng Thọ”, bà Trần Thị Thanh Hương (50 tuổi) cho hay.

Theo bà Hoàng Thị Thu Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thọ: Đậu bắp là món ăn giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp, tiểu đường và mỡ trong máu. Hiện nay, đậu bắp được đưa đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn toàn tỉnh và còn đóng đi các tỉnh lận cận;

Mở rộng diện tích trồng cây đậu bắp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho chị em toàn xã, điển hình như chị Võ Thị Thu Phượng, Hoàng Thị Tâm…; giúp đời sống nhiều chị em được nâng lên đáng kể, việc chăm lo cho con cái được tốt hơn; tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội.

Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền cho biết, đậu bắp khá dễ trồng và bố trí thời vụ cũng không khắt khe; năng suất trung bình từ 18 – 20 tấn/ha/vụ. Hiện toàn huyện đã đưa vào trồng 11,6 ha; trong đó nhiều nhất là xã Quảng Thọ 9,2 ha, còn lại được phân bổ rãi rác ở các xã Quảng Phú, Quảng Thành. Tuy hiệu quả cao, nhưng loại cây này mới được đưa vào trồng nên kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc của bà con chưa cao. Phòng NN-PTNT huyện đã có kế hoạch mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu bắp trong thời gian tới.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nông dân Đồng Tháp trồng sen lãi gấp 2-3 lần trồng lúa.

Vụ mùa Đông Xuân 2018-2019, nông dân trong tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi gần 200 ha đất trồng lúa sang trồng sen lấy gương, bình quân mỗi héc ta cho lãi từ 60 – 100 triệu đồng, lãi gấp 2 – 3 lần trồng lúa. Trồng sen ở Đồng Tháp nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Cao Lãnh; trong đó, huyện Tháp Mười trồng gần 70 ha.

Thu hoạch sen lấy gương ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình.

Anh Nguyễn Thành Dũng, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vụ Đông Xuân 2018-2019 anh không làm lúa và chuyển sang trồng sen. Anh trồng được hơn 1 ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, anh thu hoạch kéo dài 2,5 tháng. Bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất 8 tấn/ha, anh bán với giá 15.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Sau khi thu hoạch diện tích trồng sen lấy gương anh Dũng tiếp tục trồng lúa, sản xuất theo mô hình lúa – sen – lúa.

Đặc biệt, cây sen ở huyện Tháp Mười được trồng nhiều nhất tỉnh và được chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười (huyện Tháp Mười) do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Ở huyện Tháp Mười còn đưa cây sen vào chương trình xây dựng “mỗi xã phường một sản phẩm”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đến thu mua tiêu thụ sản phẩm gương sen tươi và hạt sen khô để xuất khẩu, ngoài ra còn các sản phẩm chế biến từ sen được đưa ra thị trường như: sữa sen, bột hạt sen, trà lá sen, trà tim sen đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình thu hoạch sen lấy gương.

Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ phát triển 300 ha trồng sen, đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa. Các sản phẩm từ cây sen Tháp Mười được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen, đồng thời tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn, nổi bật là món cơm gói lá sen, chè sen…

Nguồn: tintucnongnghiep.vn được kiểm duyệt bới FarmTech VietNam.

Trồng rau kiểu “phó giáo sư”, thu 500 triệu/ha/năm

Thực chất, trồng rau “phó giáo sư” là tên gọi vui nông dân xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đặt cho quy trình canh tác có sự tham gia của các bên (PGS) để giám sát, đánh giá và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ áp dụng PGS, ý thức sản xuất theo quy trình an toàn của người dân được nâng lên.

Ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Nhị, một thành viên của nhóm sản xuất PGS Đặng Xá đều đặn ra thăm vườn rau của mình. Được biết, gia đình bà hiện có 1.000m2 sản xuất rau theo quy trình an toàn, có sự giám sát của hệ thống PGS.

“Nhóm sản xuất của tôi có 10 thành viên, phần lớn lượng rau sản xuất ra cung cấp cho Công ty Công nghệ cao An Sinh theo hợp đồng cả năm nên chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Áp dụng PGS, từ quá trình gieo hạt, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký do trưởng nhóm phát; theo định kỳ 2 tuần một lần, các thành viên trong nhóm họp bàn kế hoạch sản xuất, tiêu thụ để có thể điều chỉnh kịp thời sản lượng giữa các nhà” – bà Nhị cho biết.

Bà Nguyễn Thị Chung, thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá chăm sóc rau.

Theo bà Nhị, trước kia, khi còn sản xuất theo tập quán cũ, cứ thấy rau chớm có sâu bệnh là phun, thậm chí còn phun định kỳ; thời gian cách ly cũng không được đảm bảo. Sau này, nhờ tham gia các lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sau này là PGS, GAP, nông dân Đặng Xá nhận thức được sự nguy hiểm của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Hiện, nếu có ít sâu tôi bắt bằng tay, cần dùng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ dùng loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Các thành viên, trưởng nhóm cũng kiểm tra ruộng rau của các thành viên thường xuyên, nếu vi phạm nguyên tắc sản xuất an toàn sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị yêu cầu ra khỏi nhóm” – bà Nhị nói.

Bà Nhị tiết lộ, chỉ với 1.000m2 trồng rau, gia đình bà có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Chung – thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá, một thành viên của nhóm sản xuất PGS cho biết: “Cái được lớn nhất khi tham gia PGS là chúng tôi không phải lo khâu tiêu thụ vì đã có HTX đứng ra kết nối với các đầu mối thu mua; kế hoạch sản xuất được lập sẵn tránh ế thừa khi sản phẩm cung cấp ra thị trường quá nhiều. Hiện, nông dân Đặng Xá rất hào hứng tham gia mô hình này”.

Việc tham gia PGS giúp nông dân Đặng Xá không phải lo khâu tiêu thụ rau.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đặng Xá, từ giữa năm 2018, tổ chức Rikolto (RECO) đã hướng dẫn HTX và bà con nông dân thành lập 3 nhóm PGS với 50 nông dân tham gia.

Trước đây, nông dân Đặng Xá được tham gia rất nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn sản xuất nhưng với mô hình PGS lần đầu tiên bà con được hướng dẫn một các chi tiết, cụ thể từng công đoạn sản xuất, giám sát sản xuất, thanh tra nội bộ. Quá trình giám sát chéo giữa các thành viên mà PGS đặt ra vừa giúp sản phẩm rau vẫn đạt chuẩn an toàn mà nông dân lại không cần nhờ đến bên thứ ba chứng nhận để tránh tốn kém.

“Nói cách khác, PGS hoạt động dựa trên trách nhiệm của mỗi thành viên, niềm tin của từng thành viên dành cho nhau; chỉ cần 1 thành viên làm ăn không nghiêm túc là sẽ ảnh hưởng đến cả nhóm. Nhờ áp dụng PGS cùng các quy trình sản xuất an toàn được thực hiện nhuần nhuyễn, rau Đặng Xá luôn được thị trường đánh giá cao; đã nhiều năm nay, rau Đặng Xá không để xảy ra sự việc nào đáng tiếc liên quan đến an toàn thực phẩm” – ông Khanh nói.

Nhờ chất lượng được đảm bảo nên rau Đặng Xá luôn được bán với giá cao hơn với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác ở Đặng Xá đạt 450 – 500 triệu đồng/ha/năm.

Hiện, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác ở Đặng Xá đạt 450 – 500 triệu đồng/ha/năm.

Điều đặc biệt của các nhóm PGS mà Hà Nội đang triển khai rộng khắp ở nhiều địa phương, trong đó có Đặng Xá là ban điều phối có sự tham gia của các bên. Ví dụ ở Đặng Xá, đại diện ban điều phối có Giám đốc HTX Đặng Xá; đại diện Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Hà Nội; đại diện khách hàng là Công ty An Sinh và đại diện nông dân. Trách nhiệm của mỗi thành viên được quy định rất cụ thể.

Theo đó, nông dân có nhiệm vụ sản xuất rau an toàn đúng quy trình và tiêu chuẩn (không sử dụng phân tươi khi chưa ủ hoai mục, không sử dụng nước thải để tưới rau, hạn chế sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục do HTX quy định); ghi chép nhật ký đồng ruộng; bán rau theo đúng cam kết với nhóm…

HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ; giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng bao gói mẫu mã, logo cho sản phẩm rau an toàn Đặng Xá. Trong khi đó, Công ty An Sinh phải cam kết tuân thủ hợp đồng đã ký kết/thỏa thuận.

Ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá, khẳng định, sản xuất theo PGS sẽ giúp lợi nhuận tăng cao hơn vì người dân tự chứng nhận đảm bảo chất lượng cho nhau thông qua hoạt động giám sát chéo, thay vì phải nhờ đến bên thứ ba. Trong một nhóm sản xuất sẽ có nông dân – doanh nghiệp – người tiêu dùng để đảm bảo quá trình giám sát diễn ra minh bạch.

“Đặc biệt, cái lợi lớn nhất khi tham gia PGS là việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân dễ dàng hơn nhờ kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống được tính toán kỹ lượng dựa trên mùa vụ, nhu cầu thị trường” – ông Mạnh nói.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Trồng dâu tây “hái” ra tiền.

“Nếu so sánh về đơn vị quy mô diện tích thì hiện nay không có cây trồng nào cho thu nhập cao như dâu tây”, ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo (Sơn La), chia sẻ.

Du khách trải nghiệm hái và mua dâu tây tại các nhà vườn ở H.Mộc Châu.

Hợp tác xã Tân Thảo nằm ở bản Tân Quế, xã Cò Nòi (H.Mai Sơn, Sơn La) hiện có 7 ha trồng dâu tây. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây dâu tây làm cảnh. Cận tết cũng là thời điểm nhiều nhà vườn bắt đầu có dâu tây chín. Dâu tây loại có vị chua được bán với giá 80.000 – 150.000 đồng/kg; loại ngọt giá cao hơn, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg và hái đến đâu đều có khách đặt mua đến đấy.

Cho thu nhập quanh năm

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo, cho biết trong số 7 ha dâu tây thì có khoảng 3 ha người dân trồng bán làm cây cảnh chơi tết. Sau 10 năm dâu tây được trồng tại Sơn La, nhiều xã ở H.Mai Sơn có khí hậu trong lành, mát mẻ đang là mảnh đất giúp dâu tây trở thành cây trồng mới đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Cũng theo ông Lâm, dâu tây hiện được trồng theo diện tích mỗi ruộng khoảng 1.000 m² để phù hợp đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Chi phí ban đầu mỗi ruộng khoảng 100 triệu đồng nhưng bù lại, cây dâu tây cho nguồn thu nhập rất đa dạng. “Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống”, ông Lâm giải thích.

Ông Lâm cho biết, dâu tây trồng tại H.Mai Sơn hiện có năng suất khá cao, mỗi cây có thể cho thu hoạch 0,4 – 0,5 kg quả, tính ra mỗi ruộng có thể đạt năng suất trên 1,6 tấn quả, chỉ bán tươi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Nếu cộng cả chi phí bán giống, bán cây cảnh và quả tươi thì mỗi ruộng dâu 1.000 m² hiện đang cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. So sánh về quy mô diện tích thì không có cây trồng nào ở địa phương cho thu nhập nhiều, nhanh hồi vốn như dâu tây”, ông Lâm quả quyết.

Quả dâu tây đang mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập cao.

Còn tại xã Đông Sang (H.Mộc Châu, Sơn La), trang trại dâu tây Chimi, mô hình khởi nghiệp của chàng trai Vũ Văn Lực (29 tuổi), là địa chỉ không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch khi đến Mộc Châu. Vườn dâu tây tại đây rộng 4 ha, nằm giữa những vạt rừng thông mơ mộng. Những ngày trước và sau tết, mỗi ngày nhà vườn đón hàng ngàn khách đến thăm. Du khách được phát giỏ mây rồi vào vườn hái quả theo sự hướng dẫn của nhân viên, mỗi ki lô gam dâu tây ở đây có giá 350.000 đồng nhưng khách đều vui vẻ móc hầu bao khi lần đầu tiên được trải nghiệm tự mình hái những quả dâu tươi đỏ mọng, chụp ảnh với vườn dâu.

Cũng ở trang trại này, ngoài dâu tây tươi, nhóm của anh Lực tổ chức chế biến nhiều sản phẩm bánh dâu tây, nước ép dâu tây, mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo… để du khách có nhiều lựa chọn mua hàng. Theo một nhân viên thu ngân, doanh thu mỗi ngày lễ, tết ở trang trại này không dưới 100 triệu đồng. Dâu tây cũng khiến lượng khách tìm về khu du lịch rừng thông Bản Áng trên địa bàn xã Đông Sang tăng vọt.

Tiềm năng còn rất lớn

Quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp đại học tại Hà Nội nhưng anh Vũ Văn Lực chọn Mộc Châu làm điểm khởi nghiệp trồng dâu tây sau chuyến học tập kinh nghiệm ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo anh Lực, khí hậu Mộc Châu khá tương đồng với Đà Lạt nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, quả dâu tây ở Mộc Châu thậm chí còn có năng suất, chất lượng tốt hơn. Khởi nghiệp từ năm 2015 nhưng hiện dâu tây từ trang trại của anh đã có lượng khách quen tiêu thụ quả tươi rất lớn. Ngay từ ban đầu, anh Lực định hướng mô hình của mình chủ động chế biến quả dâu tây thành nhiều sản phẩm, tạo nhiều kênh phân phối, bán hàng khác nhau. Nhờ đó, diện tích trồng dâu tây năm 2015 chỉ có 2.000 m² thì nay đã tăng lên 4 ha vẫn đảm bảo thị trường tiêu thụ. Chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mô hình đã cho doanh thu tiền tỉ và hiện đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 40 lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, khoảng 80% sản lượng dâu tây của Hợp tác xã Tân Thảo được bán quả tươi, 20% còn lại đưa vào chế biến. Trong đó, phần lớn khách hàng cá nhân, một số ít đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ. Với diện tích hiện tại, Hợp tác xã Tân Thảo chưa có đủ sản lượng để cung ứng vào siêu thị nên dâu tây còn tiềm năng rất lớn để phát triển, mở rộng diện tích.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho thấy cây dâu tây trồng đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu vào khoảng năm 2012 do một số hộ dân mang giống từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra trồng. Cho đến năm 2014, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng trồng dâu tây với giống dâu Nhật Bản. Có giá trị kinh tế cao nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích dâu tây ở Sơn La không ngừng tăng lên. Cho đến cuối năm 2018, diện tích dâu tây toàn tỉnh Sơn La đạt 43,3 ha với tổng sản lượng ước đạt 593 tấn. Dâu tây trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Vân Hồ. Ngay trong tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ hội dâu tây tại Hà Nội để giới thiệu và quảng bá thương hiệu cho loại quả này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết hàng tấn quả dâu tây đã được tiêu thụ tại Hà Nội bước đầu cho thấy loại quả này được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Giá bán dâu tây trung bình trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa dâu tây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc nhưng chất lượng tương đương sẽ là lợi thế lớn cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

“Dù là cây trồng mới và đang được nhân rộng diện tích nhưng dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. UBND tỉnh Sơn La cũng đặc biệt quan tâm đến cây trồng này bằng cách hỗ trợ về cơ chế chính sách, Sở NN-PTNT tỉnh hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này khi sản lượng dâu tây hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Công nói.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, lãi 30.000đ/kg.

Nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi cá bông lau trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, bán 1 ký lời 30 ngàn.

Ông Lâm Thành Lâm (ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) thả nuôi 4.000 con cá bông lau giống, năng suất đạt 15-17 tấn/ha, giá bán cá bông lau là 100.000 đồng/ký, bình quân mỗi ký cá bông lau bán ra người nuôi cá lời (lãi) 30 ngàn đồng.

Nếu như trước đây, cá bông lau được khai thác chủ yếu trong tự nhiên thì vài năm trở lại, nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã phát triển nghề nuôi cá bông lau bằng nguồn giống được khai thác tại chỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 11 tháng nuôi, cá bông lau đạt trọng lượng trên 1kg/con, thương lái mua với giá 100.000 đồng/kg.

Theo đó, mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất sử dụng nguồn con giống nhân tạo được triển khai tại xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) đã tạo điều kiện giúp người dân chủ động được nguồn cá giống cũng như góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Với diện tích 2.000m², ông Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới được hỗ trợ khoảng 4.000 con giống cá bông lau, thả nuôi với mật độ là 2 con/m².

Ông Lâm cho biết: “Cuối tháng 1.2018, tôi được hỗ trợ cá giống để thả nuôi. Khi đó, cá giống chỉ đạt kích cỡ 8 – 10cm (cỡ 160 con/kg). Sau khoảng 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng từ 1 – 1,2kg/con, ước năng suất sau khi thu hoạch đạt khoảng 15 – 17 tấn/ha, qua đó lợi nhuận cũng khá”.

Cũng theo ông Lâm, nuôi cá bông lau trong ao đất, khâu quan trọng nhất và quyết định thành công cho vụ nuôi là việc thả giống. Thời điểm thả giống tốt nhất là vào buổi sáng, do nước đóng bao cá giống là nước ngọt nên trước khi thả ra ngoài, tháo miệng bao cho nước vào từ từ để thuần độ mặn cho cá vài phút sau đó để cá tự bơi ra. Đồng thời, khâu chọn cá giống cũng phải đặc biệt chú ý nên chọn giống cùng kích cỡ, không bị xây xát và không nhiễm bệnh.

Còn ông Lâm Vũ Linh cũng ở xã An Thạnh 3 góp lời: “Hiện nay, đàn cá bông lau của tôi đang phát triển rất tốt, trọng lượng trung bình đạt 1,2kg/con. Nuôi cá bông lau trong ao đất cũng như nuôi các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cũng như quản lý môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là được”.

Với kinh nghiệm nuôi cá bông lau nhiều năm, ông Linh chia sẻ thêm: “Nuôi cá bông lau giống nhân tạo lớn nhanh hơn, kích cỡ cá nhân tạo ngắn so với giống cá tự nhiên. Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần lưu ý: khi thời tiết thay đổi thất thường hay sau khi thay nước, cá có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn. Hoặc là cá giảm ăn có thể do ký sinh trùng, nên khi cá nuôi có biểu hiện giảm ăn cần phải diệt bệnh ký sinh trùng trên cá, cá khỏi bệnh sau vài ngày là ăn bình thường trở lại”.

Cũng là hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Trần Thanh Nhã ở ấp An Quới chân tình chia sẻ: “Điều kiện ở xã An Thạnh 3 rất thích hợp để nuôi cá bông lau. Sau 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng trên 1kg/con và có thể thu hoạch bán được. Hiện thương lái đến thu mua giá 100.000 đồng/kg, tính ra nếu bán cá thương phẩm thì mỗi kg cá bông lau thu lãi được 30.000 đồng. Do chi phí nuôi cá đạt trọng lượng 1kg là hết 70.000 đồng”.

Nuôi cá bông lau trong ao đất tại huyện Cù Lao Dung đã được người dân nuôi khoảng 3 năm nay, chủ yếu là giống được đánh bắt từ tự nhiên. Năm 2018, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung – Chủ nhiệm dự án cho biết: “Thực hiện dự án, đơn vị đã triển khai 3 mô hình thí điểm nuôi cá bông lau trong ao đất tại xã An Thạnh 3, với mật độ thả nuôi là 2 con/m² và 1 con/m². Sử dụng nguồn giống nhân tạo được sản xuất bởi Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Cái Bè, Tiền Giang). Qua 11 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với độ mặn dao động từ 3‰ – 7‰. Đây là đặc điểm sinh thái của vùng đất An Thạnh 3 nên rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng cá bông lau”.

Còn theo đánh giá của Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa, cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với nguồn nước lợ, mặn tại Cù Lao Dung. Nguồn giống cá bông lau nhân tạo sẽ có nhiều ưu thế để nhân rộng và cũng dần thay thế được nguồn cá tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức; đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn lợi giống cá bông lau tự nhiên, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

“Hiện nay, đầu ra cá bông lau chưa thật ổn định. Vì vậy, người nuôi cần phải tính toán kỹ trước khi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu, rồi dẫm vào “vết xe đổ” như con cá tra trong những năm trước đây” – đồng chí Đồ Văn Thừa khuyến cáo.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Làm giàu bằng mô hình nuôi dê, ếch, mỗi năm thu trên nửa tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thái, 53 tuổi, quê ở ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân có ý chí vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

Khởi đầu ông xây chuồng trại nuôi dê. Sau vài năm phát triển, đàn dê từ 10 con đã tăng lên hàng trăm con, trong đó có 30 con sinh sản. Ông cho biết nhiều năm nay giá dê luôn ở mức ổn định, nhất là gần đây thịt dê lúc nào cũng hút hàng, giá cao giúp cho người nuôi phấn khởi. Bình quân mỗi tháng ông bán ra từ 7 – 10 con dê thịt với giá 110.000đ/kg dê đực và 80.000đ/kg dê cái. Trọng lượng bình quân mỗi con từ 30 – 40 kg. Ngoài ra ông còn bán dê giống với giá từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng/con 3 tháng tuổi.

Ông Nguyễn Thái bên hồ ếch giống.

Thuận lợi lớn nhất của ông là nhờ có 4 công đất nhà trồng cỏ voi, cỏ sữa cho dê ăn nên đàn dê tăng trưởng nhanh, trừ hết các chi phí, mỗi năm còn lời trên 200 triệu đồng.

Cuối năm 2017 ông lại phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan trong hồ lót bạt. Hiện ông đã đầu tư xây được 24 hồ, mỗi hồ rộng 4 x 5 mét để nuôi ếch giống, mỗi đơt 45 ngày xuất bán 40.000 con, giá mỗi con từ 800 – 1.100đ. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 50.000 con ếch thương phẩm, giá bán dao động từ 30.000 – 40.000đ/kg.

Ông khẳng định nuôi ếch tuy vất vả nhưng lợi nhuận hấp dẫn. Thành công lớn nhất của ông là tính cần cù, chịu khó học hỏi từ các cuộc hội thảo do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Thứ hai là tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Khi hỏi tại sao ông chọn con dê và con ếch để nuôi mà không chọn con khác? Ông trả lời một cách tự tin: Trước khi bắt tay vào xây dựng chuồng trại, tôi đã bám sát vào nhu cầu của thị trường. Hiện nay thịt dê đang hút, thịt ếch được nhiều người chọn lựa vì đây là hai con vật tương đối an toàn về vệ sinh thực phẩm.

Từ một nông dân nghèo, chỉ sau vài năm chọn mô hình đa con ông đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê nhà, biến ước mơ thành hiện thực, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng khiến cho nhiều người thán phục.

Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, ông Thái còn là một nông dấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả từ nuôi dê và nuôi ếch.

Chưa dừng lại ở đây, lúc nào ông cũng tìm tòi, nghiên cứu chọn những vật nuôi có giá trị kinh tế cao để phát triển theo mô hình kinh doanh đa dạng. Hiện ông thả nuôi rắn ri cá trong vèo được 60 con đang trong thời kỳ sinh sản. Đây là một mô hình độc đáo mang lại hiệu quả rất cao.

Là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, ông được nhiều bà con nông dân tín nhiềm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Bình Ninh, gồm 19 thành viên, đa số là những người nhiệt tình và quyết tâm vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tam Bình nhận xét ông Nguyễn Thái là một nông dân tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi, người đi đầu trong phong trào nuôi dê và nuôi ếch ở địa phương.

Ông đã hết lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với nhiều người nhằm nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao.

Ông Thái chăm sóc đàn dê.

Cũng từ thành quả trên, ông Thái đã nhận được nhiều giấy khen cũa xã và của huyện về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Trồng xen cây Hoài Sơn trong vườn tiêu cho lợi nhuận kép.

Cây Hoài Sơn (củ mài) dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.

Anh Nhâm giới thiệu cách trồng Hoài Sơn xen tiêu.

Khi giá tiêu ở mức thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) không mặn mà đầu tư để giữ vườn tiêu. Tuy nhiên anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) lại có lãi nhờ trồng xen cây Hoài Sơn (củ mài).

Chúng tôi đến tham quan vườn tiêu 10 ha trồng xen với cây Hoài Sơn của anh Nhâm đang thời kỳ thu hoạch. Những trụ tiêu sai trái đang độ chín trên cao, mà trong lòng đất cũng đang lộ thiên những củ Hoài Sơn chờ thu hoạch. Anh Nhâm nói: Cách đây 3 năm (2015) khi giá hồ tiêu xuống thấp, Công ty đã thử nghiệm nhiều cây trồng cộng sinh trong vườn tiêu và thành công với cây Hoài Sơn.

Theo anh Nhâm, Hoài Sơn là cây mọc hoang dại tự nhiên dưới các tán lá cây trong rừng và có nhiều loài (khoảng 20 loài). Cây Hoài Sơn trồng tại vườn được lấy từ vùng núi Mây Tàu thuộc huyện Xuyên Mộc. Là loại cây thân leo, nhưng khi đưa vào trồng trong vườn tiêu, cây được điều khiển phát triển bò trên phần diện tích đất trống.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây Hoài Sơn giữ độ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp, vườn tiêu không phải làm cỏ. Thân rễ phình to thành củ ăn sâu xuống đất, có nhiều rễ con làm cho mặt đất nứt tạo độ thông thoáng và lưu dẫn nguồn nước thoát cho cây tiêu, chống xói mòn.

Lá cây Hoài Sơn phát triển tốt, là thức ăn của sâu nhưng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất củ. Vì thế mà trên cây tiêu cũng giảm được các loài sâu và côn trùng, từ đó giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc.

Với chiều cao cây tiêu 5 – 6 mét là môi trường lý tưởng cho cây Hoài Sơn phát triển. Sự sinh trưởng cộng sinh này không cạnh tranh về ánh sáng. Bón phân cho cho cây tiêu cũng là bón phân cây Hoài Sơn, tiết kiệm chi phí, tạo giá trị kinh tế tăng thêm trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Cây Hoài Sơn thường trồng vào đầu mùa mưa, một hàng tiêu trồng xen một hàng Hoài Sơn, cây cách cây 20 cm. Với diện tích 1 ha, trước khi trồng cần bón lót 15 tấn phân chuồng ủ hoai, 250kg phân NPK loại 16-16-8. Sau một tháng bón thúc tăng lượng phân NPK lên khoảng 500-700 kg/ha. Mỗi ha đất trồng tiêu, trồng xen khoảng 20.000 gốc cây.

Trong vòng sáu tháng là cây có thể cho thu hoạch củ. Mỗi cây cho một củ có trọng lượng khoảng từ 0,5-3kg. Mỗi ha trồng tiêu khi trồng xen cây Hoài Sơn nếu chọn được giống tốt, rõ nguồn gốc, bón phân cân đối, áp dụng kỹ thuật canh tác thì năng suất có thể cho từ 30-40 tấn củ.

Củ Hoài Sơn ( củ Mài ).

“Củ Hoài Sơn có giá trị kinh tế cao (khoảng 120-150 ngàn đồng/kg). Ngoài việc dùng để ăn, còn làm dược liệu điều chế thuốc quý chữa các bệnh như ăn uống khó tiêu, mồ hôi trộm, tiểu đường, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng và hấp thu tốt. Chính những đặc tính ưu việt đó, sắp tới Công ty sẽ chế biến củ Hoài Sơn thành sản phẩm Sữa Hoài Sơn, đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế”, anh Nhâm chia sẻ.

Cây Hoài Sơn dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.

Đây được xem là mô hình trồng xen cây cộng sinh điển hình, tạo điều kiện thuận lợi để canh tác vườn tiêu bền vững cần được khuyến khích nhân rộng trong bối cảnh giá tiêu không được thuận lợi như mong muốn của người dân.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi tôm.

Đó là khuyến cáo của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên khi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước đợt 2/2019 tại vùng nuôi huyện Đông Hòa cho thấy các chỉ tiêu môi trường nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.

Bà con bắt đầu thả nuôi đợt đầu.

Theo đó, chỉ tiêu độ mặn thấp, dao động từ 2 – 3‰ không phù hợp cho nuôi tôm tại Phước Giang, xã Hòa Tâm và cầu Ông Đại, xã Hòa Xuân Đông. Chỉ tiêu NH3 dao động 0,52 – 1,35mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phước Long, Phước Giang, xã Hòa Tâm và cầu Ông Đại. Chỉ tiêu PO4 (dao động 0,21 – 0,47mg/l) cũng vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi tại Bãi Ngọn, Vũng Tàu, thuộc xã Hòa Hiệp Nam và cầu Ông Đại.

Trong khi đó, hàm lượng DO dao động 0,21 – 0,47mg/l thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Bãi Ngọn, Vũng Tàu và cầu Ông Đại. Mật độ Vibrio spp dao động 1.030 – 3.580 CFU/ml vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Bãi Ngọn và Vũng Tàu.

Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên lưu ý người nuôi cần xử lý trước khi cấp và lấy nước vào ao nuôi. Đối với những ao có mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng có thể khử trùng nước ao nuôi bằng iodine.

Bên cạnh đó, xu hướng thời tiết hiện nay trong khu vực đêm không mưa, ngày nắng nên cần lưu ý duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m và duy trì quạt nước ao nuôi tránh hiện tượng phân tầng nhiệt và duy trì oxy trong ao nuôi. Định kỳ cần bổ sung vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng và chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi.

Ngoài ra, để nuôi tôm được hiệu quả người nuôi nên triển khai phương pháp nuôi tôm 2 giai đoạn. Các hộ nuôi có điều kiện hoặc cần thiết xây dựng bể nổi ương tôm từ 15 – 30 ngày rồi mới thả vào ao nuôi thương phẩm nhằm hạn chế bệnh chết sớm trên tôm nuôi.

Tại vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Đông Hòa, người nuôi đã bắt đầu thả đợt 1. Tuy nhiên theo người nuôi, do ảnh hưởng thời tiết cũng như môi trường nước chưa ổn nên việc thả giống chậm hơn mọi năm. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, toàn huyện chỉ mới thả được 100/1.100 ha.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.