Nhà nông Thanh Đa trồng rau an toàn, thu 600 triệu đồng/ha

Tham gia mô hình trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (TP.Hà Nội) không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần đưa xã nhà thành địa chỉ sản xuất, cung ứng RAT uy tín trên địa bàn thành phố.

Thu nhập tăng, sức khỏe đảm bảo

Là 1 trong những chủ vựa rau lớn ở thôn Phú An, xã Thanh Đa, ông Nguyễn Đình Thân cho biết: “Trước kia, người dân chủ yếu canh tác rau theo phương thức truyền thống, tự phát, cơ cấu cây trồng, mùa vụ không rõ ràng, thiếu định hướng nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang làm RAT, mỗi sào rau đem lại cho nông dân 15 – 20 triệu đồng/năm, nhờ đó cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Từ nguồn thu nhập được coi là phụ, hiện nay, rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã”.

Thời gian tới, TP.Hà Nội tập trung phát triển chuỗi RAT gắn sản xuất với sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm

Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tham mưu thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ RAT, theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT; chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất tốt hơn.

Cũng ở thôn Phú An, bà Nguyễn Thị Thủy trồng 2 sào RAT các loại. Bà Thủy cho biết, để phòng trừ sâu bệnh, bà sử dụng các loại bẫy bả sinh học, dẫn dụ bướm và các loại côn trùng vào bẫy. Mỗi sào ruộng, bà đặt 7 miếng bẫy (giá 10.000 đồng/miếng), nhiều bướm sâu tơ, ruồi đục quả, bọ phấn… bị thu hút và dính bẫy. Diệt bướm là biện pháp tốt nhất để không phát sinh sâu hại cây trồng và giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Không chỉ có hộ gia đình ông Thân, bà Thủy, hàng trăm hộ dân ở Thanh Đa đều có cuộc sống khấm khá hơn hẳn khi chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng RAT. Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Văn Mạnh cho hay: Nằm ven sông Hồng, khu đất Bãi Nổi tại thôn Phú An thường xuyên được phù sa bồi đắp màu mỡ nên rất thuận lợi cho trồng RAT. Năm 2009, xã tiến hành quy hoạch 30ha tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau.

Bắt tay vào thực hiện, xã được thành phố quan tâm hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hạt giống rau, tập huấn kỹ thuật thông qua các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, thành phố còn đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng quy hoạch sản xuất RAT, gồm: 7km bêtông nội vùng, xây dựng nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện và hệ thống đường dây, lắp đặt hệ thống tưới đến từng ruộng. Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai, vùng RAT thôn Phú An đã tăng lên 50ha với 330 hộ tham gia sản xuất. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình trên 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và trồng rau truyền thống.

Theo ông Mạnh, để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất vùng RAT, xã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của nông dân; hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, cách ly đúng thời gian, bỏ bao bì vào thùng chứa đúng nơi quy định… Điều đáng mừng là RAT thôn Phú An đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận chất lượng RAT, được đăng ký mã số, mã vạch để quản lý, bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu tại thị trường Thủ đô.

Trước nhu cầu sử dụng rau sạch tăng cao, nhiều hộ dân Phú An đã mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng rau. Xã Thanh Đa chỉ đạo HTX Nông nghiệp Phú An, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. UBND xã cũng đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp triển khai hệ thống nhà kính sản xuất RAT.

Thêm cơ chế hỗ trợ phát triển RAT

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội đã có hơn 5.000ha diện tích rau được chứng nhận an toàn, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh RAT nói riêng và các sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi nói chung là cần phải có nguồn vốn lớn. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Để RAT phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thảo dược để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng; siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nuôi vịt trời – một vốn bốn lời.

Suốt 30 năm làm nghề nuôi vịt thịt, ông vua “vịt” Nguyễn Thanh Tuyền (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) thấy nếu cứ mãi “cắm đầu” vào con vịt thịt, thì hệ số lãi suất không cao, nên đã ném cả chục tỷ đồng để lập trang trại vịt trời.

Vịt trời vào trang trại

Tiếp tôi tại bộ bàn đá đặt cạnh ao thả vịt trời, ông Tuyền thở phào: “Tôi vừa lên xã xin lập dự án nuôi vịt trời. Cán bộ xã bảo phải lập dự án mới vay tiền ngân hàng được. Ngày trước làm theo kiểu nông dân, thấy gì làm nấy, đâu cần làm dự án. Bây giờ thiếu tiền mới làm dự án để vay ngân hàng”. Ý định của ông Tuyền là sẽ vay ngân hàng vài ba tỷ đồng để mở rộng quy mô nuôi vịt trời.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền cho đàn vịt trời 5 ngày tuổi ăn. Đây là số vịt trời giống ông triển khai cho siêu dự án vịt trời.

Nói về cái nghiệp nuôi vịt của mình, ông Tuyền nhớ lại: “Thuở thiếu thời tôi sống ở miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long nên không lạ gì con vịt trời. Thậm chí, tôi còn cùng chúng bạn rủ nhau đi săn vịt trời ngoài đồng ruộng, nên đã sớm ấp ủ tham vọng sẽ phải thuần hóa và nuôi bằng được loài vịt này”. Nhìn đàn vịt trời bố mẹ tới 1.500 con ông Tuyền đang thả trong ao, thi thoảng từng tốp bỗng đập cánh bay vù vù, tôi hỏi ông Tuyền: Nếu cả đàn vịt kia “sổ lồng” bay đi mất thì sao? Ông Tuyền cười lớn rồi nói: “Chúng đã được tôi thuần hóa hết rồi, thi thoảng mới có 5-10 con bay lạc mất thôi, chứ đã nuôi giống này mà lúc nào cũng lo nó bay đi mất thì hơi sức đâu mà lo”.

Để có chỗ nuôi giữ đàn vịt trời “khủng” trên, ông Tuyền đã “đổ” vào đây cả chục tỷ đồng để biến đầm lầy rộng 5ha thành trang trại.

Thấy tôi thắc mắc, thuần hóa được vịt trời đã đành, nhưng quan trọng lấy giống đâu để mà nuôi nhiều thế, ông Tuyền cười nói: “Đúng là thời gian đầu phải nói nôm na là đi nhặt nhạnh về nuôi. Tôi lần mò vô những xã vùng sâu, vùng xa của Long An, Đồng Tháp… mua mỗi lúc vài con vịt trời trong dân về làm giống. Họ bắt vịt trời Hoang dã từ đồng về cắt ngắn lông cánh để vịt không bay rồi nuôi như vịt nhà”.

Thấy cách tìm giống như thế “phiêu” quá, ông đã bắt xe ra ngoài Bắc, tìm về Bắc Giang rồi “tậu” một lúc hàng trăm con vịt trời giống. Theo ông Tuyền, nếu bình quân mỗi con bố mẹ có giá 1 triệu đồng như hiện nay, chỉ riêng đàn vịt trời giống của ông đã phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng. Ngoài đàn vịt giống này, ông còn có hơn 15.000 vịt trời đang nuôi bán thịt. Hiện trong trang trại vịt trời của ông Tuyền luôn có 20 công nhân lo chăm sóc, ăn uống, xử lý nước cho đàn vịt trời với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Một vốn, bốn lời

Gần 30 năm nuôi vịt thịt, cuối cùng ông Tuyền cũng gác lại để chuyển sang đầu tư nuôi vịt trời. Đâu là nguyên nhân để vua “vịt” bám đuôi con vịt trời? Lý do, theo ông Tuyền là do giá cả vịt thịt thất thường lại hay bị dịch Bệnh nên nghề nuôi vịt khó phát triển, mà đầu tư nuôi vịt trời lại siêu lợi nhuận, dễ nuôi, nên ông đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi để có hiệu quả hơn.

Để minh chứng cho tôi thấy lợi nhuận của nghề nuôi vịt trời, ông Tuyền đã phác thảo cho tôi vài con số. Theo ông Tuyền, nuôi một con vịt siêu thịt cùng một thời gian nuôi ăn thức ăn bằng 4 – 5 con vịt trời. Trong khi đó, khi bán một con vịt trời giá gấp 2 – 3 lần con vịt siêu thịt. “Vịt trời khá dễ nuôi. Thịt thơm, ngon, ngọt, xương nhuyễn hơn vịt thịt nên hiện thị trường rất ưa thích” – ông Tuyền chia sẻ.

Bình thường, để nuôi vịt trời, ông Tuyền thường chọn mua những con giống vài ba tuần tuổi, sau khi nuôi khoảng 3 -4 tháng, trọng lượng vịt trời có thể đạt hơn 1,3kg. Lúc này vịt có thể xuất chuồng với giá hiện thời là 250.000 – 300.000 đồng/con tại các nhà hàng, tiệm ăn. Trung bình, cứ 5 ngày trang trại của ông Tuyền có thể bán ra 3.000 con vịt trời, tương đương với số tiền thu về từ 750 – 900 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng trang trại nhà ông Tuyền thu về trên dưới 4 tỷ đồng. Mặc dù bán được số lượng vịt lớn như vậy, nhưng ông Tuyền vẫn chưa hài lòng, vì theo ông, lượng vịt bán ra phải cao hơn nữa mới đạt yêu cầu về quy mô của trang trại. Được biết, với mỗi con vịt trời bán ra, chỉ cần với giá 100.000 đồng là đã hòa vốn, bởi tuy giá giống đắt, nhưng bù lại tiền thức ăn lại ít hơn hẳn so với vịt thịt.

Sau một thời gian tiếp cận thị trường Tây Ninh, Đồng nai… đến nay, ông Tuyền đang tìm cách bán vịt trời cho thị trường trọng điểm TP.HCM. Bởi theo ông, đây là thị trường chủ lực để triển khai một “siêu” dự án nuôi vịt trời lớn nhất Việt Nam sắp tới.

Siêu dự án vịt trời

Đến thời điểm này, ông Tuyền đang có 3 trại nuôi vịt trời. Theo dự tính, ngay sau Tết Nguyên đán, ông sẽ tăng đàn vịt trời lên khoảng 50.000 con. Tuy nhiên, đó không phải là “siêu” dự án mà ông đang dự tính triển khai. Bằng chứng là ông đang cho ương đàn vịt giống lên cả 100.000 con với 200 chuồng ương giống.

Trong khu vực ương vịt trời giống, hàng ngàn con vịt con từ vài ngày cho đến chục ngày tuổi lúc nhúc trong những chuồng ương. Những đàn vịt trời này một phần giúp ông thực hiện một dự án “khủng” nuôi vịt trời lớn nhất Việt Nam ở đất phương Nam. “Trước khi cho đám vịt con này tiếp nước, tiếp đất tôi phải cho tiêm ngừa đầy đủ” – ông Tuyền nói.

Theo kế hoạch ông sẽ hợp tác với 3 nông dân triển khai một dự án nuôi vịt trời rộng 1.000ha. “Chúng tôi đã thống nhất kế hoạch triển khai dự án này rồi. Trang trại sẽ có diện tích 1.000ha tại khu vực cạnh hồ Dầu Tiếng. Trong khu đất này có khá nhiều hố bom, những thung lũng có thể chứa nước nuôi vịt trời, kết hợp thả nuôi cá” – ông Tuyền cho biết. Bên cạnh đó, cũng theo ông Tuyền, sắp tới sẽ triển khai nuôi vịt trời bằng thảo dược chứ không nuôi bằng thức ăn thường như hiện nay. “Nhu cầu ăn chơi của người dân ngày càng đòi hỏi không những ngon mà còn độc đáo, nên tôi cũng phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm vịt trời của mình nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường” – ông nói.

Để manh nha thực hiện “siêu” dự án vịt trời, từ lâu trong trang trại vịt trời của ông Tuyền lúc nào cũng có một chuyên gia người Đài Loan chuyên xử lý nước và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật với mức lương “khủng”. Tham vọng của ông Tuyền là sẽ chinh phục thị trường vịt trời cho toàn bộ các tỉnh miền Nam.

Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Hướng dẫn chi tiết nhất cách trồng măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà.

Cây măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều công dụng trong chữa bệnh và làm đẹp. Vậy tại sao chúng ta không thử trồng cây măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà mình nhỉ? Mời bạn xem hướng dẫn dưới đây để có món măng tây sạch ngon tuyệt nhé !

1. Giá trị dinh dướng của cây măng tây

Trong măng tây có chứa rất nhiều lượng vitamin, axit amin, các loại khoáng chất, sắt giúp bổ máu, canxi giúp chắc xương, kẽm, chất xơ, chất đạm,… Bên cạnh đó, măng tây cũng có thể chữa rất nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch, đường ruột,…

Măng tây có tác dụng chữa bệnh viêm bàng quang, ngừa sỏi thận, mật…có hợp chất chống oxy hóa, măng tím có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa hơn màu khác…

Ngăn ngừa lão hóa: Măng tây có chứa một chất chống oxy hóa gọi là glutathione, có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời.

Ngăn ngừa loãng xương: Măng tây là nguồn dồi dào vitamin K, giúp cho quá trình đông máu nhanh hơn, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe của xương.

Giảm cân: Măng tây là một loại thực phẩm thấp calories nên măng tây rất hữu dụng trong “công cuộc”giảm cân

Tốt cho thai nhi: Do có chứa nhiều folate nên măng tây rất có lợi cho thai phụ, vì folate là loại vitamin cần thiết cần thiết cho việc hình thành ống thần kinh thai nhi, ngăn ngừa dị tật ở thai nhi.

Đẹp da: Măng tây chứa rất nhiều vitamin C và vitamin A. Đây là 2 chất kháng oxy hóa hàng đầu bảo vệ da vững vàng trước sự xâm lăng của những gốc tự do. Vitamin C còn giúp cho sự tổng hợp collagen. Collagen là một loại protein có tác dụng nâng đỡ da và ngăn ngừa sự lão hóa da.

Ngăn ngừa ung thư: Ung thư và các chứng bệnh có liên quan sẽ được giảm thiểu nếu bạn ăn nhiều măng tây. Chất glutathione – một chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư – có rất nhiều trong măng tây.

Vì là loại thực phẩm có giá trị kinh tế rất cao nên măng tây được rất nhiều người trồng tại nhà. Tuy nhiên muốn trồng măng tây cho hiệu quả cao cần hết sức kiên trì với thời gian thu hoạch tận 9 tháng. Măng tây là loại cây ưa khí hậu mát, ưa sáng và cần cung cấp nhiều nước. Ở nhiệt độ 25 – 30 độ C là điều kiện thích hợp nhất để trồng loại cây này.

Thường thì người ta gieo trồng măng tây vào 2 vụ thu đông từ tháng 8 – tháng 3 và vụ xuân hè từ tháng 2 – tháng 6 dương lịch.

2. Cách trồng măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà

Măng Tây.

Chuẩn bị:

Trồng măng tây trong loại đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất cát. Để cây phát triển nhanh và cho chất lượng tốt cần bón lót trước khi trồng. Tỉ lệ bón phân 2 phần đất, 1 phần phân hữu cơ, 1 phần tro trấu hoặc rơm khô…

Chuẩn bị một thùng xốp to để tiến hành trồng cây.

Ươm hạt: Hạt giống măng tây lớn và có vỏ rất dày vì thế trước khi ươm cần phơi nắng to cho khô để tăng độ hút ẩm của hạt. Sau đó xả bằng nước lạnh, rửa sạch bụi bẩn ở hạt, loại bỏ những hạt lép, hỏng.

Khi ủ, ủ trong khăn tối màu ở nhiệt độ 30 – 40 độ C trong 1 tuần, để nơi kín gió và ánh sáng. Cứ khoảng 12 tiếng lại tưới nước ấm 1 lần cho hạt. Khi ủ trong vòng từ 9 đến 12 ngày thì hạt sẽ nút nanh và có thể đem trồng.

Khi trồng măng tây trong thùng xốp ta gieo hạt sâu từ 1 – 2,5 cm. Phủ lên hạt một lớp đất mỏng rồi tưới nước. Cây măng tây khá ưa ẩm nên cần tưới nước thường xuyên hàng ngày khi thấy đất khô.

Chăm sóc: Bón phân chuồng, phân lân, phân NPK theo cho kỳ 10 – 15 ngày để cây phát triển tốt, cho cây mập và giàu chất dinh dưỡng.

Thu hoạch: Khi thấy măng tây chồi lên cao khỏi mặt đất từ 20 – 30 cm thì tiến hành thu hoạch măng để sử dụng.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm.

Mít Thái là giống cây dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đậu trái quanh năm, múi mọng và giòn ngọt, đặc biệt cây trồng phù hợp với vùng đất đồi.

Mít Thái.

1, Tiêu Chuẩn Chọn Giống:

Dùng hạt cây Mít mật, Mít rừng gieo làm gốc ghép cho mít dai. Tiến hành ghép khi cây gốc ghép được 5-6 tháng, cao 30-40cm, lá đã ổn định. Có thể ghép mắt kiểu cửa sổ hoặc ghép áp, trong đó tỷ lệ thành công của ghép áp cao hơn. Thời vụ cho chiết, giâm hom, ghép cây tốt nhất là tháng 3-4 (vụ xuân) và tháng 8-9 (vụ thu) khi nhựa trong cây ổn định. Bí quyết thành công của các phương pháp nhân giống mít là giâm, ghép phải làm nhanh ngay sau khi cắt; với chiết cần để nhựa khô 2-3 ngày mới bó bầu nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn mà chết khô cành.

2, Thời Vụ và Mật Độ Trồng:

Đầu mùa mưa tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Nếu chủ động nguồn nước tưới có thể trồng sớm hơn, thậm chí trồng quanh năm.

– Trồng dầy: Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m. Một ha trồng khoảng 300 cây (vì phải chừa đường đi nội bộ).

– Trồng thưa: Cây cách cây 6m hàng cách hàng 7m. Một ha trồng khoảng 210 cây. – Đất cằn cỗi nên trồng dầy, đất tốt nên trồng thưa. Hiện nay, người ta có xu hướng trồng dầy để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian hoàn vốn, sau đó áp dụng phương pháp tỉa cành hay đốn tỉa bớt.

3, Làm Đất Và Đào Hố Trồng:

– Đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30 – 40cm (tùy nước thủy cấp ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa. Làm hốc sâu 40 x 40 x 40cm và đắp mô cao 40 – 70cm.
– Đất có độ dốc khoảng 5%, không cần đắp mô, chỉ cần làm hốc có kích thước 40 x 40 x 40cm.
– Độ dốc cao hơn 7%, làm hốc có kích thước 40 x 40cm và sâu 60cm.
– Mỗi hốc có thể trộn: 0,5kg vôi bột, 1-3kg phân hữu cơ Better HG01 3-2-2. Hố trồng đào 50 cm x 50 cm x 50 cm, khi đào hố nên để riêng lớp đất trên mặt ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên, bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

4, Phân Bón Lót:

Bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

5, Kỹ Thuật Trồng Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

Dùng tay móc một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng thanh trà khoảng 2-3 cm, kích thước to hơn bầu cây đôi chút, để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2-3 cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó đặt vào hố trồng, lấp đất và rút bọc nilon ra. Dùng tay lấp và ém chặc lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang bằng với nền đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng cần làm bồn đường kính khoảng 1 m để nước tưới không chảy ra ngoài. Trồng xong lấy cọc cắm, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc, nên buộc lỏng bằng dây nilon. Nếu trồng vào mùa mưa không cần che mát như sầu riêng hay măng cụt.

6, Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

6.1 Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:
Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

6.2 Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:
Chú ý chỉ tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho trái tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch trái xong. Khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.

6.3 Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):
+ Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1-1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 100-150 g NPK(15:15:15), xịt bổ sung phân bón lá vi lượng như: number one hay Fetrilon-combi theo liều hướng dẫn, mục đích giúp cây có đủ dưỡng chất và chất vi lượng cần thiết khi bộ dễ chưa bén đất.
+ Năm thứ 2: lượng bón cho một cây là: 1,5-2,0 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2.
+ Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho trái kinh doanh, lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Chia làm hai lần bón đầu và cuối mùa mưa. Trong thời gian quả đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g, kết hợp với phân bón lá 0-52-34 hoặc 10-52-17 phun cho cây 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần như vậy trái sẽ chính tập trung, màu thịt quả vàng hơn vàng mùi vị thơm ngon hơn.

7, Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC CÀNH: Có tên Margronia, thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non như Cyperan 5 EC, 10 EC, Decis 2,5EC, Bian 40-50 EC, Basudin 50 EC.

RUỒI ĐỤC TRÁI: Do loài dacus sp, đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc diệt ruồi như trebon 10 Nd, decis 25 ec…

SÂU ĐỤC TRÁI: Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất.Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm. Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

NGÀI ĐỤC TRÁI: Có nhiều loài gây hại khác nhau, chúng chích hút vào ban đêm ở giai đoạn trái chín. Cách phòng trị giống như sâu đục trái.

RẦY, RỆP: Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là Nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 ec…

8, Thu Hoạch và Bảo Quản:

Cây mít cho trái rải vụ quanh năm, song vụ chính ở Đồng nai vào tháng 6, 7. Thời gian từ lúc ra hoa đến lúc trái già khoảng 5 tháng, do đó có thể căn cứ vào màu sắc trái để thu hoạch. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp, để vận chuyển đi xa nên thu hoạch lúc trái già. Hiện ở Đồng Nai có nhiều giống mít cho năng suất cao như: mít Viên Linh, mít Thái, mít nghệ, mít tố nữ… Song, nông dân nên trồng giống mít nghệ trong nước được tuyển chọn qua các cuộc thi trái ngon, giống tốt hoặc những giống mít trong nước có phẩm chất ngon được nhiều người ưa chuộng, đồng thời thích hợp để chế biến, sấy khô đóng gói xuất khẩu.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kỹ thuật nuôi ngao.

Bài viết này áp dụng trong điều kiện nuôi ngao bãi triều các vùng ven biển.

Bãi nuôi ngao.

I. CHUẨN BỊ BÃI NUÔI:

1. Điều kiện bãi nuôi

– Bãi triều phải nằm trong vùng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; bãi nuôi thuộc vùng trung và hạ triều, bằng phẳng, ít dốc, nền đáy cát chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%.
– Diện tích: 1-2 ha/bãi.
– Độ mặn ổn định, dao động từ 10-30‰.
– Không ảnh hưởng của nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, nước thải trong sinh hoạt và nước ngọt từ các cửa sông đổ ra.

2. Chuẩn bị bãi nuôi

2.1. Cải tạo bãi nuôi

– Đối với bãi cũ: Sau khi kết thúc một chu kỳ nuôi, người nuôi ngao cần tính toán lịch con nước thủy triều để tiến hành vệ sinh mặt bãi, đồng thời sử dụng máy, cày lật bãi nuôi, kết hợp bón vôi với lượng 10 kg/100 m2, rồi san bằng mặt bãi trước khi thủy triều lên.
– Đối với bãi mới: Người nuôi ngao tính toán lịch con nước thủy triều, tiến hành vệ sinh mặt bãi. Những bãi nuôi nền đáy chưa ổn định, tiến hành phun cát bổ sung đến mức hợp lý (nền đáy cát chiếm tỷ lệ 70-80%), rồi san bằng mặt bãi trước khi thả giống.

2.2. Chuẩn bị vây lưới và chòi canh bảo vệ ngao nuôi

* Vây lưới

– Chuẩn bị xăm lưới Politylen, cọc tre hoặc gỗ để vây xung quanh bãi nuôi, tránh ngao di chuyển tự do hoặc thất thoát khi gặp các điều kiện bất lợi của thời tiết như sóng gió, mưa bão …
– Vây lưới có thể được làm 1 hoặc 2 lớp, lớp trong có tác dụng ngăn không cho ngao di chuyển ra ngoài, lớp ngoài ngăn ngừa địch hại xâm nhập; chiều cao lưới 0,8-1,2 m, cỡ mắt lưới nhỏ hơn cỡ giống thả.
Cách cắm vây lưới: Vùi xuống đất khoảng 1/3 đến 2/5 chiều cao của xăm lưới, phần còn lại dùng các cọc bằng tre hoặc gỗ dài 1,5-2,5 m để nâng lưới lên cao hơn so với mặt bãi từ 50-70 cm. Cách 1,5-2,0 m cắm một cọc nhỏ (Φ = 8-10) để nâng lưới, cách 3-5 m cắm một cọc cỡ lớn (Φ = 10-15) để căng lưới.

* Chòi canh

Để thuận tiện cho việc quan sát, kiểm tra bãi nuôi hàng ngày, phải tiến hành dựng chòi canh bảo vệ ngao nuôi. Chòi được thiết kế kiên cố bằng các vật liệu như phi lao, bạch đàn, tre, nứa … , cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 5-7 m.

II. CHỌN VÀ THẢ GIỐNG:

1. Chọn giống

– Người nuôi nên chọn mua ngao giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đảm bảo chất lượng; tốt nhất nên chọn ngao giống đã được ương dưỡng tại các vùng nuôi có điều kiện môi trường tương ứng.
– Chọn ngao giống có kích cỡ đồng đều, màu sắc sáng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.

2. Thả giống

– Thời vụ thả nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng thời gian thả giống tập trung từ tháng 4-5 và tháng 9-10 dương lịch hàng năm.
– Cỡ giống thả và mật độ nuôi
Tùy theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi hợp lý.
+ Cỡ từ 600-2.000 con/kg, mật độ 250-350 con/m2;
+ Cỡ từ 400-600 con/kg, mật độ 180-250 con/m2.
– Cách thả giống: Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về nên để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ. Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi nước thủy triều đang lên. Lưu ý: Không thả giống khi độ mặn ở cơ sở cung cấp giống và địa điểm thả giống chênh lệch quá 5‰, cắm tiêu để tránh thả chồng lên nhau.

III. QUẢN LÝ BÃI NUÔI

1. Sau khi thả giống, chờ nước thủy triều xuống tiến hành kiểm tra tỷ lệ vùi cát của ngao, trên cơ sở đó xác định tỷ lệ sống để có kế hoạch thả giống bổ sung cho phù hợp.

2. Hàng ngày, sau khi thủy triều xuống tiến hành thăm bãi, kiểm tra các mối nguy có thể ảnh hưởng đến ngao nuôi như: Nhiệt độ (tăng cao vào tháng 6-7 hàng năm), độ mặn, ảnh hưởng của sóng gió …; bắt các đối tượng địch hại như Cua, ốc … và san lấp các chỗ trũng đọng nước trên mặt bãi để tránh hiện tượng nhiệt độ tăng cao cục bộ có thể gây chết ngao nuôi.

3. Sau mỗi con nước hoặc bão gió, phải tiến hành ngay việc san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây phía cuối hướng gió hoặc dòng chảy; tránh để hiện tượng ngao dồn mật độ cao vào chân vây kéo dài, gặp điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến gây chết ngao cục bộ.

4. Thường xuyên vệ sinh, tu sửa chân vây lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống, làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao.

5. Hạn chế người và gia súc đi lại trên bãi nuôi. Định kỳ kiểm tra chiều dài, trọng lượng và tỷ lệ sống của ngao để đánh giá tốc độ sinh trưởng, chủ động các giải pháp (san thưa, thu hoạch …) khi cần thiết.

IV. THU HOẠCH

Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ để lựa chọn thời gian và phương pháp thu hoạch cho hợp lý.
1. Thời gian thu hoạch

– Sau thời gian nuôi khoảng 18-20 tháng, ngao đạt kích cỡ 50-60 con/kg nên tiến hành thu hoạch.
– Thời gian thu hoạch tốt nhất là vào mùa xuân và mùa thu dễ bảo quản.

2. Phương pháp thu hoạch

2.1. Thu thủ công: Dùng cào thu ngao khi nước triều kiệt
– Ưu điểm: Không làm dập vỏ; tỷ lệ tạp chất trong ruột ngao thấp.
– Hạn chế: Thời gian thu kéo dài, tốn nhân công, chi phí cao.

2.2. Thu bằng lưới kéo trên thuyền máy
– Ưu điểm: Thời gian thu hoạch ngắn, tốn ít nhân công, chi phí thấp.
– Hạn chế: Có thể làm dập vỏ một lượng ngao nhất định trong khi thu hoạch, tạp chất trong ruột ngao nhiều, mất chi phí và thời gian sơ chế, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng ngao xuất khẩu.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Trồng giống keo thân thiện môi trường

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty TNHH MTV Vũ Minh vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo thân thiện với môi trường hướng đến chứng nhận FSC.

Keo giống thân thiện với môi trường

Theo đó, đã có gần 566 ngàn cây keo giống thân thiện với môi trường được cấp cho người dân để trồng 221 ha rừng gỗ lớn, hướng đến chứng nhận FSC.

Với việc nhân rộng mô hình, kết hợp công tác tuyên truyền đã giúp người dân các xã vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và Khu Bảo tồn Sao La hiểu hơn về tác dụng của việc sử dụng cây giống được gieo ươm thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập mô hình trình diễn trồng rừng, phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC nhằm tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm phát khí thải hiệu ứng nhà kính.

Thành công của mô hình trồng keo giống thân thiện với môi trường còn là tiền đề cho việc gieo ươm giống cây lâm nghiệp như các loại cây bản địa, cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ, cung ứng nhu cầu trồng rừng, phục hồi rừng và phát triển sinh kế cho các địa phương trên toàn tỉnh.

Bí quyết trồng tiêu có lời trong cơn bão giá của nông dân Thuận Hà

Trong khi nhiều hàng ngàn nông dân trồng tiêu “méo mặt” vì giá tiêu rớt thê thảm kéo dài lê thê qua nhiều năm thì ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông), nhiều nông trồng tiêu vẫn bình chân như vại. Bí quyết của họ là gì?

Ở thời điểm hiện tại giá hạt tiêu chỉ ở mức dưới 50 ngàn đồng/kg nhưng ông Nông Văn Lê ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song vẫn bán được tiêu với giá hơn 80 ngàn đồng/kg. Ông Lê nói, ở Thuận Hà không chỉ riêng ông mà hàng chục nông dân khác cũng bán được tiêu với giá ổn định như vậy.

Để có những hạt tiêu sạch đạt chuẩn, ông Lê chọn cách làm cỏ thủ công thay cho việc dùng thuốc để diệt.

Nông dân này cho biết, trước thực trạng bấp bênh về giá cả nông sản, năm 2012, ông quyết định đầu tư trồng 6 ha hồ tiêu theo quy trình sản xuất nông sản sạch. Thay vì phải dùng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, ông sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm bón cho cây tiêu.

Nhờ sản xuất theo quy trình này mà nhiều năm qua, sản phẩm của gia đình ông Lê đã được một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu sang thị trường Châu Âu bao tiêu toàn bộ. Chính vì thế mà dù giá tiêu trên thị trường rớt thê thảm, tiêu hạt của ông Lê vẫn có giá ổn định, cao hơn thị trường khoảng 2,5 lần.

Không chỉ gia đình ông Lê mà ở Thuận Hà, hiện có khoảng 30 gia đình khác cũng đang trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông sản sạch. Toàn bộ sản phẩm các nông dân này làm ra đều được bao tiêu với giá cao hơn từ 2,5- 3 lần so với giá thị trường.

Anh Trần Văn Toàn, một trong số những nông dân này, cho biết: “Khi mới bắt đầu làm thì thấy khó do phải thực hiện nhiều công đoạn nghiêm ngặt để đạt được các tiêu chí về nông sản sạch. Tuy nhiên, bù lại sản phẩm bán ra luôn có giá cao hơn”.

Tiêu sạch đã giúp nhiều nông dân có thu nhập cao hơn.

Theo ông Lê, để có hạt tiêu sạch đúng chuẩn, gia đình không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ làm thủ công; tăng cường sử dụng các loại phân vi sinh, phần chuồng thay thế cho phân hóa học. Ngoài ra, tôi cũng thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học để đảm bảo sức khỏe cho vườn cây và đất.

Ngoài ra, việc thu hoạch, bảo quản… cũng phải thực hiện theo đúng quy trình. Theo đó, việc thu hoạch chỉ bắt đầu khi hạt tiêu đã chín được từ 95%, quá trình thu hoạch không để lẫn các tạp chất như lá, cành… Sau khi thu hoạch xong, hạt tiêu phải được phơi, sấy trong môi trường sạch sẽ vệ sinh.

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song khẳng định, HTX sản xuất nông sản sạch Thuận Phát đang làm rất tốt mô hình sản xuất gắn liền với việc bao tiêu sản phẩm. Hiện ngành ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích, tuyên truyền để người dân sản xuất theo mô hình này để nâng cao được chất lượng cũng như đảm bảo đầu ra.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Tây Ninh: Cùng nhau trồng chanh tứ quý

Hiện nay, chanh không hạt (hay còn gọi là chanh tứ quý) là loại cây đang được nhiều người dân trên địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu trồng thành công và mang lại lợi nhuận cao. Lúc giá chanh đắt, người dân ở đây có thể bán với giá 40.000 đồng/ký, lúc hạ thì vẫn bán được 10.000-15.000 đồng/ký.

Ông Trần Xuân Vũ, người tiên phong đưa cây chanh dây không hạt về trồng thử nghiệm tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu với diện tích 1 ha, đến nay cây đã cho thu hoạch. Ưu điểm của giống chanh không hạt là cây cho trái quanh năm, sau khi trồng được 1 năm là cho thu hoạch trái.

Ông Vũ giới thiệu về vườn chanh không hạt tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, năng suất đạt cao nhất là từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm thu hoạch từ 120 kg đến 170 kg/gốc, bình quân năng suất đạt 30 – 40 tấn/ năm và có thể thu hoạch trên 10 năm mới phải chặt bỏ.

Theo ông Vũ, với giá bán tại vườn từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm vào mùa nắng nóng, giá chanh có thể lên đến 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Khi thu hoạch, chỉ cần nhìn trái nào vỏ căng mọng, có màu xanh sáng tức là chanh đã già. Cây chanh không hạt cho trái to, khoảng 6-7 trái /kg, vỏ mỏng, mọng nước, vị chua thanh và có mùi thơm.

Ông Vũ cho biết thêm, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha gồm cây giống, phân bón, hệ thống tưới tự động tiết kiệm giúp cây phát triển và sinh trưởng tốt hơn. Sau khi trừ hết chi phí, người trồng thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Trái chanh không hạt hay còn gọi là chanh tứ quý.

Theo ông Vũ, sau khi tìm hiểu và trồng thử nghiệm 1 ha chanh không hạt đạt hiệu quả tốt, ông nhận thấy giống cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu tại địa phương.

Bên cạnh đó, đầu ra, giá cả lại sản phẩm ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng, nên ông Vũ quyết định liên kết với nông dân để trồng và cung cấp cho thị trường sản phẩm chanh không hạt lớn hơn. Đến nay, mô hình liên kết trồng chanh không hạt của ông Vũ đã có diện tích 5 ha, với 5 hộ tham gia sản xuất.

Ông Vũ cho biết thêm, trong quá trình liên kết sản xuất, ông Vũ sẽ cung cấp cây giống đạt chất lượng cho người trồng; hỗ trợ người trồng trong các khâu trồng, bón phân và các kỹ thuật khác; hướng dẫn và lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm. Đặc biệt, đến ngày thu hoạch, ông Vũ đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân với giá cả ổn định, sau đó cung cấp ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Trồng bông điên điển Thái, lạ mà hay

Ông Nguyễn Văn Thơ, ở ấp Bình Hoà, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong việc tận dụng nền đất ruộng làm lúa kém hiệu quả sang trồng bông điên điển Thái. Mỗi ngày thu nhập của gia đình từ 2.000m­­2 bông điên điển Thái được khoảng 450 nghìn đồng.

Trước đây, ở miền Tây nói chung và ở Hậu Giang nói riêng, muốn ăn bông điên điển phải đợi đến mùa lũ, mùa nước nổi, còn ngày nay tại bất cứ thời điểm nào trong năm thì cũng có thể thưởng thức loại bông đặc sản này.

Thời gian gần đây, với chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây trồng khác, ông Thơ đã suy nghĩ để tìm ra loại cây trồng hiệu quả thích hợp với mảnh đất ruộng chỉ không đầy 2.000m­­2 của mình.

Ông Nguyễn Văn Thơ đang thu hái bông điên điển Thái.

Vì đất thì ít nên ông Thơ rất khó để đầu tư trồng những loại cây dài ngày khác, nhưng nếu để trồng lúa thì hiệu quả không cao cuộc sống gia đình ông rất bấp bênh, buồn thiu. Thế nên ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây bông điên điển Thái, có thể tận dụng nguồn lao động của gia đình khoảng 2-3 giờ hái bông vào lúc sáng sớm.

Bông điên điển hái xong, thương lái đến tận nhà thu mua nên ông không cần phải đem bán chọ và thời gian còn lại ông Thơ làm những công việc khác để tăng thêm nguồn thu nhập.

Bông điên điển Thái bông dài, to, cánh dày nên rất năng xuất, có lợi cho người trồng

Theo ông Thơ chia sẻ: bông điên điển Thái rất dễ trồng, có ưu điểm vượt trội so với giống bông điên điển địa phương như bông dài, to và dày nên rất nặng ký, ăn giòn. Đặc biệt, trồng bông điên điển Thái một lần thu hoạch liên tục đến cuối năm, hái bông mỗi ngày.

Chi phí đầu tư trồng bông điên điển Thái thấp khoảng 600-700 nghìn đồng/công (chưa tính chi phí hái). Với một công đất của mình ông Thơ trồng được gần 800 cây bông điên điển Thái. Mỗi ngày ông Thơ hái được khoảng 16 – 17 kg bông điên điển Thái, với giá bán dao động khoảng 28.000 đồng/kg thì mỗi ngày thu nhập của gia đình từ 2.000m­­2 bông điên điển Thái khoảng 450 nghìn đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (phân, công hái, chi phí khác,…), ông Thơ còn lời khoảng 300 nghìn đồng/ngày.

Như vậy thời gian thu hoạch bông điên điển Thái trong 1 năm khoảng 10 tháng của gia đình ông Thơ rơi vào khoảng 90 triệu đồng/năm.

Ông Thơ chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng bông điên điển Thái: Cây bông điên điển Thái chỉ trồng một lần thu hoạch được suốt gần một năm cây mới tàn. Khi cây bông điên điển Thái không cho bông nữa chỉ cần chặt nhánh thì cây tiếp tục đâm tược và cho thu hoạch tiếp không cần phải trồng lại vào năm sau.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Ươm giống lan rừng thu tiền tỷ mỗi năm

Với diện tích ít ỏi, hơn 100m2 được tận dụng để làm khu vực ươm lan giống, anh Giang trồng đủ các loại như phi điệp tím, lan lai châu, quế, cáo, phong, lan trầm… Nhưng chủ yếu vẫn là trồng giống lan phi điệp.

Một góc ươm trồng của anh Giang

Xuất phát từ đam mê, trồng lan để chơi, để thưởng thức, cách đây 4 năm, anh Phạm Kiên Giang (SN 1989) ở tiểu khu Dương Tự Minh, TT. Đu, H. Phú Lương (Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư trên 400 triệu đồng mở vườn ươm hoa lan. Với diện tích ít ỏi, hơn 100m2 được tận dụng để làm khu vực ươm lan giống, anh trồng đủ các loại như phi điệp tím, lan lai châu, quế, cáo, phong, lan trầm…Nhưng chủ yếu vẫn là trồng giống lan phi điệp.

Hăng say bắt tay vào trồng, tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật nên anh trồng một cách đại trà, vừa làm vừa học hỏi. Anh Giang cho biết, để ươm được một chậu hoa lan thành công, đòi hỏi người trồng phải hiểu và nắm rõ quy trình. Sau khi tuyển chọn và đặt mua những chậu lan rừng to, đẹp từ vùng núi xa tại các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang và một số địa phương trong địa bàn Thái Nguyên.

Anh sử dụng phần thân già từ cây gốc để ươm ki. Thời điểm thích hợp nhất là từ tháng 2 – 4 dương lịch. Dùng các loại rêu rừng, vỏ thông, than củi để lót cho cây và luôn giữ độ ẩm khoảng 70%. Đến khi cây nảy mầm mới chuyển sang chậu. Ngoài ra, lưu ý không nên sử dụng các cành gỗ lớn để ghép.

Phần thân già được sử dụng để ươm ki

Do đặc tính hoa lan ưa ánh nắng vừa phải, nơi trồng cần thoáng mát nên vườn lan của anh được thiết kế bằng giàn để treo hoa, lắp đặt hệ thống lưới che nắng, che mưa, giúp giảm nhiệt độ và giảm thiểu 60% ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Đồng thời, lắp đặt hệ thống phun tự nhiên, sử dụng nguồn nước giếng khoan để đảm bảo tưới tiêu và giúp cây luôn giữ được độ ẩm.

Hỏi về bí quyết giúp cây giống chống được sâu bệnh anh Giang cho biết, ngay từ ban đầu phải xử lý các giá thể bằng cách ngâm qua nước vôi trong khoảng từ 2 – 3 ngày. Đến một giai đoạn khi lan đã phát triển ổn định, tiến hành phun thuốc khử trùng mỗi tháng 2 lần. Nhằm diệt khuẩn và phòng ngừa các loại bệnh như nấm cho cây.

Hoa lan được chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình

Đến nay, trong vườn ươm của anh sở hữu hơn 1200 chậu lan rừng các loại, trồng theo kiểu cuốn chiếu nên được thu hoạch liên tục. Tùy vào từng thời điểm giá cả có thể lên xuống khác nhau. Nhưng trung bình mỗi chậu được bán ra thị trường với giá thành từ 700 – 1 triệu đồng / giò.

Những chậu Lan Kiếm có giá giao động khoảng 70 – 80 triệu đồng

Về đầu ra, anh chủ yếu rao bán trên mạng và tiếp cận khách hàng trên toàn quốc. Anh cho biết, thị trường tiêu thụ hoa lan rất rộng và ổn định, không chỉ có các tỉnh thành lân cận mà còn có thể gửi bán theo đơn đặt hàng trên khắp cả nước, các tỉnh phía Bắc và trong Nam. Từ quy mô nhỏ, anh tích lũy, mở rộng dần và nâng cao chất lượng các giống hoa. Tập chung chủ yếu vào tìm kiếm thị trường và phát triển đầu ra của sản phẩm. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam