Những vấn đề gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đà điểu

Đà điểu là một trong những vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao và được nhiều người dân lựa chọn. Chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt và hệ miễn dịch phát triển cao. Tuy nhiên khi đưa vào nuôi nhốt, đà điểu thường gặp một số vấn đề sau gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

1.Va chạm

Tình trạng căng thẳng kèm theo điều kiện tiếp xúc với các vật lạ ở xung quanh sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho đà điểu ăn bừa bãi cả những vật dễ gây ra cọ sát với mề tuyến và ngăn trong của mề.

Một số sai sót trong chăn nuôi cũng có thể gây tác hại tới dạ dày, ví dụ như vận chuyển chúng tới một nơi không quen thuộc, vấn đề thức ăn, thiếu sự luyện tập cho các con non mới nở và cho ăn nhiều cát, sỏi quá v.v…

Ở đà điểu, tác động gây cọ sát dạ dày có thể ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Nếu bị dạng cấp tính, đà điểu sẽ ngừng ăn, uống hoàn toàn mặc dù vẫn có thể nhìn thấy chúng mổ vào thức ăn và có vẻ như đang ăn.

Cho đà điểu uống loại muối nhuận tràng (hay còn gọi là muối magiê sunfat) có thể hạn chế được những ảnh hưởng gây các vết xây sát mạn tính nhẹ. Dùng phẫu thuật lấy ra các vật lạ chỉ là biện pháp áp dụng trong trường hợp đã chắc chắn đang bị tác hại hoặc rõ ràng đã nuốt phải các vật lạ từ bên ngoài.

2.Hiện tượng mổ lông và mổ thịt nhau

Thói xấu đối với đà điểu là nhổ lông, ăn lông và mổ vào thịt nhau ở mọi độ tuổi. Những thói xấu này cói thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều đàn đà điểu. Chúng làm mất thẩm mỹ của con đà điểu và dẫn tới làm giảm giá trị của chúng trên thị trường.

Tình trạng này thường hay xảy ra với các con đà điểu non, các con nhỡ, thậm chí cả với các con trưởng thành và có thể dẫn tới tình trạng đánh chết nhau nếu không được xử lý kịp thời.

Các thói xấu của đà điểu thường là do cách chăn nuôi không đúng như nhốt quá đông, quá nóng, không thoáng gió, ẩm, cường độ ánh sáng không phù hợp, chỗ ăn, uống chật chội, nhốt lẫn những con đà điểu bị thương hoặc bị ốm, nhốt các con to lẫn với con nhỏ chung một chuồng v.v…

Dùng muối để chữa thói quen mổ nhau ở đà điểu là phương pháp đang được áp dụng tại 99% trang trại chăn nuôi. Có thể pha nước muối bằng cách cho một thìa canh đầy muối vào 4,5 lít nước uống cho mỗi buổi chiều. Cách ba ngày lại cho uống nước pha muối thành phần như vậy trong nửa ngày. Đồng thời, nên  bổ sung thường xuyên từ 0,5 đến 1 phần trăm muối vào khẩu phần ăn hàng ngày.

3.Sốc (khủng hoảng tinh thần)

Vào cỡ khoảng ba tháng tuổi, đà điểu dễ bị chết do nguyên nhân bị sốc. Tình trạng gây trầy xước, gãy xương và trật khớp khuỷu chân hoặc cánh nguyên nhân thường là do cách bắt đà điểu không đúng (ví dụ như cầm vào cánh), thiết kế hàng rào và bãi quây không hợp lý, chuyên chở hoặc vận chuyển không đúng cách hoặc để chúng thường xuyên chạy tán loạn cũng gây sốc dẫn tới chết.

4.Chân bị choãi

Tình trạng chân bị choãi ở đà điểu non (đặc biệt trong tuần tuổi đầu tiên) dường như có liên quan tới điều kiện ấp. Tuy nhiên các yếu tố khác như bề mặt nền của buồng nở con cũng như rác rưởi trong khu vực nở con đều gây ảnh hưởng.

5. Thân nhiệt bất thường

Đà điểu non được nuôi không có mặt bố mẹ thì cần có các điều kiện tối ưu. Nếu điều kiện nhiệt độ thấp trong một thời gian dài thì có thể gây ra tình trạng giảm thân nhiệt, chậm phát triển và làm chết đà điểu non. Đôi khi còn có thể gây ra các bệnh mạn tính như tai biến tim mạch, tràn dịch màng ngoài tim và tụ huyết thanh trong bụng.

6.Xoắn ruột

Mặc dù vấn đề này chỉ xảy ra ở từng con riêng biệt trong đàn nhưng nó cũng rất nguy hiểm và có thể gây ra khả năng chết tới 25%. Nguyên nhân gây ra xoắn ruột có thể liên quan tới sự thay đổi lớn trong chế độ ăn (từ loại thức ăn được cô đặc, vê tròn chuyển sang chế độ ăn chủ yếu là các loại lá được băm nhỏ).

7.Nhạy cảm với ánh sáng do ăn rau mùi

Những biến chuyển lâm sàng và bệnh lý đã chứng tỏ rằng bệnh nhạy cảm với ánh sáng cấp tính ở đà điểu là do ăn phải rau mùi (Petroselinum sativum). Đối với đà điểu nhỡ, các vết tổn thương thường ở xung quanh mắt, mặt và tai. Còn đối với đà điểu trưởng thành thì nơi dễ bị ảnh hưởng nhất lại là da ở cẳng chân. Những tổn thương thành tật là những vết sẹo để lại trên da và màu da ở những chỗ bị tổn thương trên mặt, cẳng chân sẽ chuyển từ màu ghi bình thường sang màu hồng.

8. Rối loạn thần kinh do ăn thức ăn lạ

Cho đà điểu ăn các loại thức ăn dùng cho trâu bò nào đó có thể dẫn đến tác hại. Gần đây, dự án do tổ chức nông nghiệp và lương thực liên hiệp quốc tài trợ ở Madagascar đã công nhận rằng cho đà điểu ăn cỏ gai trắng sẽ gây ra những rối loạn thần kinh mặc dù nguyên nhân của chứng bệnh này vẫn chưa rõ ràng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ấp trứng đà điểu

Ở ngoài tự nhiên đà điểu đẻ trứng vào cát sau đó đà điểu trống sẽ thực hiện ấp và bảo vệ những quả trứng đó. Chúng sử dụng thân nhiệt của mình để điều hòa thân nhiệt của các quả trứng. Sau khoảng 40 ngày ấp liên tục thì những quả trứng này bắt đầu nở thành những chú đà điểu con xinh xắn. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhốt ở các trang trại để đảm bảo tỉ lệ nở trứng cao chúng ta thường sử dụng lò ấp để ấp những quả trứng đà điểu này.

1. Chuẩn bị trứng trước khi ấp

* Chuẩn bị trứng ấp

Sau khi đà điểu mẹ đẻ trứng cần nhặt trứng ngay tránh trứng bị nhiễm khuẩn hoặc bị đà điểu bố mẹ giẫm nát.

Trứng sau khi đẻ ra bị lạnh so với nằm trong cơ thể mẹ vì vậy quá trình phát triển của phôi sẽ ngừng lại.

Để bảo quản trứng ấp có hiệu quả cao cần giữ trứng ở nhiệt độ khoảng 65oF, nhiệt độ bảo quản sẽ tạo điều kiện cho phôi phát triển, nhiệt độ không thích hợp có thể gây chế phôi hoặc phôi phát triển chậm

Trong khi bảo quản trứng sẽ bị bay hơi vì vậy để giảm quá trình bay hơi của trứng cần phải giữ độ ẩm môi trường thích hợp khoảng 55-60%

Trước khi mang trứng đà điểu đi bảo quản cần phải soi trứng và đánh dấu phần có bóng khí lại. Xếp trứng có phần bóng khí hướng lên trên, tốt nhất là nghiêng 45º so với chiều thẳng đứng, đảo trứng 1-2 lần/ngày để giúp lòng đỏ chuyển dần về phía buồng khí. Nên để trứng ở nơi thoáng mát, không bị hấp thụ nhiệt, tránh không để trứng ở nơi ô nhiễm hoặc nhà kho ẩm mốc.

2. chọn trứng để ấp

* Chọn trứng theo ngoại hình: Khi chọn trứng đà điểu mang ấp không nên chọn những quả có hình dáng khác thường như quá to, quá nhỏ, méo mó, quá mỏng, quá dầy, xù xì, rạn dập, quá dài hoặc quá tròn vì những quả trứng này có tỉ lệ ấp nở thấp, con non yếu hoặc dị tật, đặc biệt cũng không thể chọn đà điểu con từ những quả trứng này làm giống được.

* Chọn trứng qua đèn soi: Sau khi loại bỏ những quả có hình dáng đặc biệt cần kiểm tra bằng đèn soi để loại bớt những quả không đủ tiêu chuẩn như không có phôi, rạn nứt, buồng khí không đúng vị trí, đồng thời dùng bút khoanh đánh dấu nơi có buồng khí để khi ấp cho hướng lên trên.

* Xử lý trứng ấp: Trứng đà điểu sau khi kiểm tra phải được xông bằng hỗn hợp thuốc tím và phóc môn để khử trùng, diệt khuẩn.

3. Chuẩn bị máy ấp

Nếu ấp trứng trong máy ấp trứng đa kỳ thì sau khi cho trứng mới vào phải xông máy ấp bằng dung dịch thuốc tím và phóc môn để diệt khuẩn, tẩy trùng Nếu ấp trong máy đơn kỳ thì phải vệ sinh, diệt khuẩn, tẩy trùng máy sau mỗi lứa ấp

4. Chế độ ấp trứng

Cũng như quy trình ấp trứng gà, trứng vịt, quy trình ấp trứng đà điểu cũng có 4 yếu tố cơ bản.

* Nhiệt độ: Phôi bên trong của trứng đà điểu chỉ phát triển khi nhiệt độ môi trường cao, nhiệt độ ấp trứng lớn hơn 35,5oC, nếu ấp bằng máy ấp đơn kỳ thì có 3 giai đoạn như sau.
– Giai đoạn 1: Từ 1-10 ngày ấp, nhiệt độ 36,7-37oC
– Giai đoạn 2: Từ 11-34 ngày ấp, nhiệt độ 36,3-36,5oC
– Giai đoạn 3: Từ 40-43 ngày ấp, nhiệt độ 35,5-36oC

Nếu sử dụng máy ấp đa kỳ thì quá trình ấp trứng chia làm 2 giai đoạn chính như sau
– Giai đoạn 1: Từ 1-38 ngày, nhiệt độ 36,3-36,5oC
– Giai đoạn 2: Từ 39-42 ngày, nhiệt độ 35,5-36oC

* Độ ẩm
Trên vỏ trứng đà điểu có lỗ khí rộng, nhưng số lỗ khí/Cm2 ít, mặt khác khi ấp trứng cần phải giảm trọng lượng của trứng xuống vì vậy cần tạo ra môi trường có độ ẩm thấp, vì vậy cần khống chế độ ẩm trong lò ấp
– Giai đoạn ấp, độ ẩm 20-25%
– Giai đoạn nở 40-45%

* Đảo trứng: Trong khi ấp cần thiết phải đảo trứng, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình ấp trứng, lúc này phôi nằm trên đỉnh lòng đỏ, nếu không đảo trứng thì phôi chuyển ngược lên và dính vào vỏ, trứng cần được xoay định kỳ 90o một góc xoay

5. Kiểm tra trứng

Đợt 1: Trứng ấp được 10 – 11 ngày soi loại bỏ trứng không phôi, trứng chết phôi kỳ 1, trứng thối.

Đợt 2: Soi vào ngày 22 – 23 (chỉ để kiểm tra).

Đợt 3: Soi trứng ra nở 38 – 39 ngày, loại trứng chết phôi và trứng thối. Có thể chuyển trứng đà điểu sang máy nở làm nhiều đợt, khi soi thấy buồng khí đã đạt 1/3 và thấy mỏ và chân đạp mạnh ở phía buồng khí là những trứng sắp nở cần chuyển sang. Những trứng còn lại để tiếp tục trong máy ấp sau 1/2 ngày lại soi tiếp và chuyển những trứng tương tự sang máy nở.

Xác định phôi của từng quả trứng và ghi lại tất cả thông tin về từng con trống và mái sinh sản. Từ kết quả theo dõi soi trứng có thể giúp ta trong việc xác định lựa chọn được những đàn sinh sản có chất lượng.

Xác định vị trí buồng khí và theo dõi kích thước tảng trong quá trình ấp là một yếu tố quan trọng nhằm giúp ta hiểu rõ về quá trình giảm khối lượng trong công tác ấp trứng.

Theo dõi khối lượng trứng hàng ngày và ghi chép lại tỷ lệ giảm khối lượng của từng quả trứng ấp sẽ giúp cho tổng kết đánh giá nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình ấp. Soi trứng còn cho ta biết được thời điểm nở và những thay đổi về vị trí thường xảy ra trong quá trình nở.

6. Khi trứng nở thành đà điểu con

Quá trình nở của đà điểu con thường bắt đầu từ tiếng kêu bên trong quả trứng khi vỏ trứng chưa được mổ. Công đoạn nở thường kéo dài đồng thời cũng có nhiều tiếng kêu và nhiều lần nghỉ, có mẻ trứng có thể nở trong thời gian 4-6 ngày, hiện tượng này thường do thời gian bảo quản, nhiệt độ thấp và kích thước trứng to.

Khi quả trứng đã được mổ một lỗ nhỏ ta không nên can thiệp giúp đà điểu con thoát ra ngoài vì điều này trái với tự nhiên làm cho đà điểu con thiếu động lực phá vỡ vỏ trứng dẫn đến hiện tượng đà điểu con sau này yếu hơn bình thường và có thể mắc một số bệnh do nhiễm khuẩn.

Sau khi đà điểu con mổ vỏ trứng ra ngoài cần tập trung lại cho vào phòng úm, ở đây cần tăng nhiệt độ trong phòng đến nhiệt độ cần thiết bằng cách thắp các bóng đèn sợi đốt, thắp các bòng đèn này giúp cho lông của đà điểu con nhanh khô, đà điểu con không bị rét, giúp cho hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa phát triển tốt.

Sau khi đà điểu con nở được 1 ngày cần thực hiện tiêm chủng kháng các bệnh dịch theo đúng quy trình tiêm vắc xin.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi đà điểu sinh sản nhân tạo

Để phát triển nghề nuôi Đà điểu thì cần chú trọng đến chất lượng trứng và con giống. Vì vậy việc chăn nuôi, chăm sóc đà điểu sinh sản là rất quan trọng, nó liên quan trực tiếp tới chế độ ăn, cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đà điểu bố mẹ.

Quá trình nuôi đà điểu sinh sản có thể được chia thành các bước chính như sau

1. Giai đoạn nuôi dò và hậu bị

Sau khi đà điểu được nuôi gột khoảng 3 tháng thì chuyển sang chuồng mới để chuẩn bị quá trình tiếp theo là nuôi sinh sản. Khi chuyển từ chuồng nuôi gột sang chuồng mới cần chú ý cho đà điểu làm quen với đường chạy mới, chú ý chuồng nuôi, sân chạy mới phải bằng phẳng, ít chướng ngại vật, chuồng nuôi phải đủ kích thước để đà điểu có thể tự do vận động thoải mái

Thực hiện tẩy giun cho đà điểu 2 lần/ năm để đảm bảo đà điểu khỏe mạnh không có kí sinh trùng, đảm bảo tốc độ phát triển của đà điểu. Thực hiện đánh dấu từng con để đảm bảo quá trình quản lý, trông nom và chăm sóc riêng biệt từng con, theo dõi quá trình phát triển của từng cá thể trong đàn, quan tâm đặc biệt những con có biểu hiện khác thường.

Trong giai đoạn nuôi dò chế độ dinh dưỡng của đà điểu vẫn không thay đổi, nhưng cho đà điểu vận động nhiều hơn, đảm bảo sức đề kháng cho đà điểu chống lại mọi tác động xấu của môi trường

2. Quá trình sinh sản của đà điểu

Đà điểu thành thục khoảng từ 20-25 tháng tuổi, đà điểu cái phát dục sớm hơn đà điểu đực khoảng nửa năm, do vậy nếu ghép đàn đà điểu cái và đà điểu đực cùng lứa tuổi thì lứa trứng đầu thường không có phôi, do vậy không thể ấp nở thành đà điểu con được.

Để lứa đầu tiên của đà điểu cái có thể ấp nở được thì cần ghép đà điểu cái với đà điểu được già hơn khoảng 6 tháng tuổi trở lên, còn các lứa tiếp theo thì có thể ghép đàn đà điểu cái và đà điểu đực cùng lứa tuổi.

Trong lần đẻ trứng đầu tiên, đà điểu cái đẻ trứng thứ nhất, sau đó khoảng 16-18 ngày tiếp theo sẽ đẻ trứng thứ hai, tiếp tục khoảng 2-5 ngày tiếp theo lại đẻ trứng, do vậy trong giai đoạn này bà con cần chú ý để thu nhặt trứng cho vào lò ấp kịp thời, tránh trứng đà điểu dính nước làm giảm tỷ lệ ấp nở đà điểu con.

Đối với chuồng nuôi đà điểu sinh sản phải có mái che, kích thước chuồng nuôi khoảng 3-5m, bên trong chuồng nuôi có rải cát để đà điểu đẻ, tránh hiện tượng đà điểu đẻ xuống nền gạch, nền đất có nước, hoặc nền bê tông. Sân chơi của đà điểu rộng khoảng 8m chiều dài khoảng 80-100m để đà điểu có thể tự do đi lại, tự do chạy, đặc biệt khi đà điểu chạy tới tốc độ cao nhất thì không phải dừng lại đột ngột vì có chướng ngại vật phía trước. Mỗi chuồng nuôi có thể ghép 1 đà điểu trống với 2 đà điểu mái, hoặc có thể ghép 2 đà điểu trống với 3 đà điểu mái, nếu nuôi tập trung có thể ghép 5 đà điểu trống với 13 đà điểu mái.

* Phân biệt đà điểu trống và đà điểu mái

Phân biệt đà điểu đực và đà điểu cái qua màu lông: Đà điểu lúc nhỏ thì rất giống nhau, tuy vậy đến khi trưởng thành (sau 7 tháng tuổi) thì màu lông của đà điểu đực và đà điểu cái lại rất khác nhau. Cụ thể đà điểu trống có màu lông đen, phần đầu cánh là lông trắng hoặc có màu bạc đá, còn đà điểu mái có màu nhạt hơn. Con trống thường to lớn hơn con mái, đồng thời đà điểu trống thường múa theo bản năng để mời gọi bạn tình. Khi múa đà điểu trống thường xòe cánh, rụt cổ đi vòng quanh đà điểu mái, đồng thơi hàm trên và hàm dưới gõ vào nhau tạo ra bản tình ca mời gọi. Nếu quan sát lâu thì đà điểu trống nghịch hơn đà điểu mái.

Phân biệt đà điểu đực và đà điểu cái nhờ quan sát chúng đi vệ sinh: Dù đà điểu to, đà điểu nhỏ hay đà điểu trưởng thành thì khi đi vệ sinh nhìn chúng rất khác nhau. Đà điểu trống khi đi vệ sinh thì bộ phận sinh dục sẽ lồi ra ngoài. Vậy nên ta quan sát sẽ thấy phần như hạt đậu thò ra ngoài. Đà điểu mái thì khi quan sát thấy lỗ hậu môn phẳng đều.

Phân biệt đà điểu đực và đà điểu cái bằng cách khám lỗ huyệt: Khám lỗ huyệt là một phương pháp khám giới tính của gia cầm, việc này thường được thực hiện bởi các chuyên gia. cũng từ sự khác biệt giữa con trống và con mái nên khi cho ngón tay vào lỗ huyệt của con đà điểu con thì sẽ thấy gợn gợn ở đà điểu trống, và nhẵn bóng ở đà điểu cái

* Tiêu chuẩn chọn đà điểu đực làm giống 

Chọn đà điểu đực làm giống cần chọn những con có dáng đứng ngay thẳng, cổ không cong, màu lông đen tuyền, dáng vẻ oai vệ, thân hình cân đối, đặc biệt là những con đà điểu trống có màu mỏ và màu chân đỏ sẫm, hoạt bát, nhanh nhẹn, hay hiếu động. Tránh không chọn đà điểu trống quá hung dữ vì khó kiểm soát, hay đá người và làm tổn thương con mái. Chọn con trống có bộ phận sinh dục dài khoảng 25 Cm, cong về bên trái.

* Ghép đàn và phối giống

Đà điểu mái phát dục khoảng 20-25 tháng tuổi vì vậy trong giai đoạn từ 18 tới 20 tháng tuổi ta nên ghép đàn con đực và con cái với nhau để chúng có thời gian làm quen với nhau. Nên ghép con mái với con trống già hơn khoảng 6 tháng tuổi vì đà điểu mái phát dục sớm hơn.

Khi phối giống con đực đi vòng quanh con cái, hai cánh xòe ra giống như đang múa, cổ hơi cúi xuống, nếu con cái đồng ý cho con đực phối thì nó nằm xuống sát đất, con đực trèo lên người con cái, một chân để lên lưng con cái, hai đuôi úp dính vào nhau, sau khi xuất tinh trùng vào người con cái, con đực bỏ đi còn con cái nằm đấy khoảng 4-6 phút rồi mới đứng lên bỏ đi.

Thông thường đà điểu phối giống vào khoảng 6h-9h sáng và 14h tới 16h chiều, rất ít khi phối giống vào buổi trưa và buổi tối. Với những con đà điểu đực khỏe mạnh có thể phối khoảng 11-13 lần trong một ngày.

* Chế độ dinh dưỡng cho đà điểu sinh sản

Chế độ dinh dưỡng cho đà điểu bố, mẹ rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới số lượng trứng ấp nở, sức khỏe của đà điểu con vì vậy nuôi đà điểu sinh sản cần phải chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đà điểu trong mùa đẻ trứng, có thể phân loại đà điểu theo năng suất trứng, với đà điểu có năng suất trứng lớn thì cho ăn khẩu phần cao hơn.Thành phần rau xanh cũng phải cung cấp đủ cho đà điểu, thông thường đà điểu ăn cỏ, cỏ voi và các loại rau mềm

* Chế độ nước uống cho đà điểu sinh sản

Đà điểu sinh sản cần nhiều nước uống hơn bình thường, đặc biệt là đà điểu không uống được nước nóng vì vậy bể đựng nước nên đặt dưới các tán cây hoặc trong nhà có mái che để nguồn nước luôn mát. Chú ý phải cọ sạch bể chứa nước một lần một ngày, thay nước đều đặc và phải đủ nước cho đà điểu uống.

* Mùa vụ sinh sản và quy luật đẻ trứng của đà điểu

Đà điểu thường đẻ từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau, thời gian nghỉ đẻ và thay lông khoảng 4 tháng. Đà điểu thường đẻ từ khoảng 14h-19h, vì vậy trong khoảng thời gian này phải bố trí người nhặt trứng, tránh đà điểu bố mẹ dẫm vỡ trứng, hoặc tránh trứng bị dính nước làm hỏng trứng hoặc ảnh hưởng tới tỉ lệ ấp nở. Nếu quá 19h mà đà điểu vẫn chưa đẻ thì ngày đó chúng không đẻ trứng.

Đà điểu cái thường đẻ thành từng đợt, chúng đẻ liên tiếp 8-10 quả rồi lại nghỉ khoảng 10 ngày rồi mới đẻ tiếp. Đôi khi đà điểu cái gián đoạn quá trình đẻ trứng đến 1-2 tháng

* Nhặt trứng đà điểu

Đà điểu thường đẻ trứng vào buổi chiều khoảng từ 14h-19h vì vậy ta cần phải thu nhặt trứng sau khi chúng đẻ xong, tránh trường hợp chúng làm hỏng trứng. Công việc này khá vất vả và mất thời gian vì đà điểu có thể đẻ ở bất cứ nơi nào mà chúng thấy thích. Để đà điểu cái có thể đẻ tập trung ở một chỗ ta có thể rải cát vào một chỗ để đà điểu có thể làm tổ ở đó, hơn nữa ta có thể dựng mái che, che nắng để đà điểu an tâm đẻ vào nơi đó.

Khi thu nhặt trứng cần thiết phải có hai người trở lên vì người nhặt trứng có thể sẽ bị đà điểu đực tấn công vì chúng muốn bảo vệ trứng trong ổ. Hai người phối hợp nhau nhặt trứng, một người cầm gậy hoặc que dài, có thể là một đoạn cành cây gồm có nhiều cành nhỏ vì đà điểu thường sợ những đối thủ to lớn hơn mình, hơn nữa khi bị đà điểu tấn công có thể cản chúng lại bằng cành cây này. Tại vị trí nhặt trứng nên làm hàng rào có khe hở ở dưới khi bị đà điểu tấn công ta có thể nhanh chóng thoát ra ngoài bằng

* Vòng đời sinh sản của đà điểu Vòng đời sinh sản của đà điểu phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng, điều kiện khí hậu và cách xây dựng chuồng trại. Thông thường một con đà điểu mái thường đẻ trứng trong khoảng 35-40 năm, số lượng và chất lượng tốt nhất của trứng vào giai đoạn đà điểu được 5 tuổi và kéo dài khoảng 12 năm, trong mỗi mùa chúng đẻ khoảng 40 quả trứng. Tính trung bình trong một đời đà điểu mái đẻ được tổng khối lượng trứng là 2.400 Kg trứng

Vòng đời sinh sản của đà điểu Vòng đời sinh sản của đà điểu phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng, điều kiện khí hậu và cách xây dựng chuồng trại. Thông thường một con đà điểu mái thường đẻ trứng trong khoảng 35-40 năm, số lượng và chất lượng tốt nhất của trứng vào giai đoạn đà điểu được 5 tuổi và kéo dài khoảng 12 năm, trong mỗi mùa chúng đẻ khoảng 40 quả trứng. Tính trung bình trong một đời đà điểu mái đẻ được tổng khối lượng trứng là 2.400 Kg trứng

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp

Chim bồ câu Pháp là một đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và kỹ thuật nuôi đơn giản.

Image associée

Giống bồ câu Pháp có ký hiệu là VN1, là giống chuyên thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ 8-9 lứa, khối lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

1. Chọn giống chim bồ câu

Chim bồ câu được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu: khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi: con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.

Chim bồ câu đực (bên trái) và bồ câu cái (bên phải)

2. Chuồng nuôi và thiết bị nuôi chim

Chuồng nuôi cá thể (dùng nuôi chim sinh sản từ 6 tháng tuổi trở đi)

Mỗi cặp chim sinh sản cần một ô chuồng riêng. Ô chuồng là một đơn vị sản xuất, trên đó được đặt các ổ đẻ, máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung và 1 đôi trống mái sinh sản.

Mỗi cặp chim bố mẹ được bố trí vào một chuồng riêng biệt

Kích thước của một ô chuồng: Chiều cao: 40 cm; Chiều sâu: 60 cm; Chiều rộng: 50 cm.

Chuồng nuôi quần thể (nuôi chim hậu bị sinh sản từ 2-6 tháng tuổi)

Kích thước của 1 gian: Chiều dài: 6m; Chiều rộng: 3,5m; Chiều cao: 5,5m (cả mái). Máng ăn, máng uống, ổ đẻ, máng đựng thức ăn bổ sung được thiết kế riêng cho kiểu chuồng này.

Chuồng nuôi dưỡng chim thịt (nuôi vỗ béo chim thương phẩm từ 21-30 ngày tuổi) mật độ dày hơn 45-50 con/m2, không có ổ đẻ, không có máng ăn (chúng ta phải nhồi trực tiếp cho chim ăn), ánh sáng tối thiểu.

Chim bồ câu ra ràng

Ổ đẻ: khô ráo, sạch sẽ, tiện cho việc vệ sinh thay rửa thường xuyên. Kích thước của ổ: Đường kính: 20-25cm; chiều cao: 7-8cm;

Máng ăn: Kích thước máng ăn cho một đôi chim bố mẹ: Chiều dài: 15cm; Chiều rộng: 5cm; Chiều sâu: 5cm x 10 cm

Máng uống: Có thể vỏ dùng đồ hộp, cốc nhựa…với kích thước dùng cho một đôi chim bố mẹ: Đường kính: 5-6 cm; chiều cao: 8 -10 cm;

Mật độ nuôi chim: Nếu nuôi nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ (giai đoạn về sau này được gọi là chim dò). Nuôi chim dò với mật độ gấp đôi nuôi chim sinh sản (10-14 con/m2).

Chế độ chiếu sáng: Chuồng trại phải thiết kế thoáng đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Tuy nhiên ở miền Bắc ban ngày mùa đông ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40w chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4-5w/m2 nền chuồng với thời gian 3-4h ngày.

3. Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn: Các loại thức ăn thường sử dụng nuôi chim. Thông thường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: đỗ, ngô, thóc, gạo… và một lượng cần thiết thức ăn đã gia công chứa nhiều chất khoáng và vitamin.

* Đỗ bao gồm: đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương,…Riêng đỗ tương hàm lượng chất béo nhiều nên cho ăn ít hơn và phải được rang trước khi cho chim ăn.

* Thức ăn cơ sở: thóc, ngô, gạo, cao lương,..trong đó ngô là thành phần chính của khẩu phần.

Yêu cầu của thức ăn phải đảm bảo sạch, chất lượng tốt, không mốc, mọt. Chim bồ câu cần một lượng nhất định các hạt sỏi, giúp cho chim trong quá trình tiêu hoá của dạ dày (mề). Kích cỡ của các hạt: dài 0,5-0,8mm, đường kính 0,3-0,4mm. Vì vậy nên đá sỏi vào máng dành riêng đựng thức ăn bổ sung cho chim ăn (trộn cùng với muối ăn và khoáng Premix).

Cách phối trộn thức ăn: Thức ăn bổ sung (chứa vào máng ăn riêng): Khoáng Premix: 85%; NaCl: 5%; Sỏi: 10%. Thông thường lượng hạt đậu đỗ từ 25-30%; ngô và thóc gạo: 75-75%.

Cách cho ăn: Thời gian: 2 lần trong ngày buổi sáng lúc 8-9h, buổi chiều lúc 14-15 h, nên cho ăn vào một thời gian cố định trong ngày.

Định lượng: Tuỳ theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông thường lượng thức ăn= 1/10 trọng lượng cơ thể:

  • Chim dò (2-5 tháng tuổi): 40-50g thức ăn/con/ngày
  • Chim sinh sản: (6 tháng tuổi trở đi)
    * Khi nuôi con: 125-130g thức ăn/đôi/ngày
    * Không nuôi con: 90-100g thức ăn/đôi/ngày
  •  Lượng thức ăn/đôi sinh sản/năm: 45-50kg

Nước uống: Nhu cầu nước uống của chim bồ câu không lớn, nhưng cần có đủ nước để chim uống tự do. Nước phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày. Có thể bổ sung vào trong nước Vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml/ngày.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng chim bồ câu

Khi ghép đôi xong, quen với chuồng và ổ, chim sẽ đẻ. Trước khi chim đẻ, chuẩn bị ổ (chỉ dùng 1 ổ). Dùng rơm khô, sạch sẽ và dài để lót ổ. Ở những lứa đầu tiên chim thường có hiện tượng làm vãi rơm gây vỡ trứng, do đó nên bện 1 vòng rơm lót vừa khít đường kính của ổ. Nơi ấp trứng phải yên tĩnh, đặc biệt với chim ấp lần đầu nên giảm bớt tầm nhìn, âm thanh, ánh sáng để chim chuyên tâm ấp trứng.

Khi chim ấp được 18 -20 ngày sẽ nở, nếu quả trứng nào mổ vỏ lâu mà chim không đạp vỏ trứng chui ra thì người nuôi cần trợ giúp bằng cách bóc vỏ trứng để chim non không chết ngạt trong trứng.

Trong thời kỳ nuôi con (từ khi nở đến 28 ngày tuổi), cần thay lót ổ thường xuyên (2-3 ngày/lần), để tránh sự tích tụ phân trong ổ vì đó là nơi lý tưởng cho ký sinh trùng, vi khuẩn và virus.

Khi chim non được 7-10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào. Sau khi tách mẹ, ổ đẻ tương ứng được bỏ ra rửa sạch, phơi khô để bố trí lứa đẻ tiếp theo.

Chăm sóc chim dò:

Sau khi được 28-30 ngày tuổi chúng ta tiến hành tách chim non khỏi mẹ. Chim dò được nuôi thả ở chuồng quần thể với lứa tuổi tương đương nhau.

Sau khi rời ổ, chim non chuyển sang một giai đoạn mới phải tự đi lại, tự ăn. Giai đoạn này chim còn yếu, khả năng đề kháng và khả năng tiêu hoá kém dễ sinh bệnh. Do đó cần chú ý công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Giai đoạn này nên bổ sung Vitamin A, B, D, các chất kháng sinh…vào nước uống để chống mềm xương, trợ giúp tiêu hoá và chống các bệnh khác.

Trong giai đoạn đầu có một số con chưa quen cuộc sống tự lập không biết ăn, uống do đó người nuôi phải kiên nhẫn tập cho chim non.

Nuôi vỗ béo chim lấy thịt:

Tiến hành tách mẹ lúc 20-21 ngày tuổi (khối lượng cơ thể đạt 350-400g/con) dùng nhồi vỗ béo:

  • Mật độ: 45-50 com/m² lồng, không để không gian cho chim hoạt động nhiều, đảm bảo ngoài giờ ăn,uống thì thời gian ngủ là chính.
  • Thức ăn dùng để nhồi: Ngô: 80%, đậu xanh 20%.
  • Cách nhồi: Thức ăn được nghiền nhỏ, viên thành viên nhỏ ngâm cho mềm rồi sấy khô đảm bảo tỷ lệ thức ăn/nước: 1:1
  • Định lượng: 50-80 g/con;
  • Thời gian: 2-3 lần/ngày;
  • Phương pháp : Nhân công dùng tay nhét thức ăn vào miệng chim

Nhồi thức ăn vào miệng chim

  • Khoáng vẫn được bổ sung tự do, các loại vitamin, thuốc bổ khác được bổ sung trong nước uống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học

Để góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020 và làm phong phú, đa dạng thêm giống gà nuôi trong tỉnh, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái”.

Mô hình có quy mô 400 con được thực hiện tại hộ ông Mai Xuân Vinh ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình với hình thức hỗ trợ 100% con giống và 50% vật tư (thức ăn, vắc-xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm xử lý mùi hôi…).

Sau 3 tháng thực hiện mô hình, hộ thực hiện đã áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật được tập huấn về chăn nuôi gà thịt Minh Dư trên đệm lót sinh thái. Gà thịt giống Minh Dư được mua tại Công ty TTHH giống gia cầm Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước,tỉnh Bình Định. Gà giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, bụng gọn, không khèo chân, không vẹo mỏ đủ tiêu chuẩn làm giống. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng đúng định kỳ, thay trấu đệm lót đảm bảo đúng kỹ thuật. Thời gian từ tuần đầu đến hết tuần 4, chiếu sáng 100% để đảm bảo duy trì nhiệt độ phù hợp sao cho đàn gà lúc nào cũng tản đều trong quây úm. Từ tuần thứ 5 trở đi chỉ chiếu sáng về đêm còn ban ngày tùy thuộc vào thời tiết. Về thức ăn, từ tuần 1 đến hết tuần 4 cho ăn thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm là 21%, từ tuần thứ 5 cho ăn thức ăn có độ đạm là 19%, từ tuần thứ 7 thả gà ra vườn, từ tuần thứ 10 trở đi cho ăn thức ăn phối trộn giữ thức ăn hỗn hợp và cám ngô, gạo… Cho gà uống đủ nước sạch, thuốc úm và bố trí các máng ăn máng uống phù hợp theo lứa tuổi.

Đàn gà giống Minh Dư lúc 04 tuần tuổi

Công tác thú y được tuân thủ nghiêm ngặt. Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng, kịp thời thay đệm lót khi bị bẩn ướt, xử lý chế phẩm khử mùi hôi đúng thời điểm, tiêm phòng và xử lý các loại vắc-xin đúng và đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cho thấy đàn gà tăng trọng nhanh, tỉ lệ nuôi sống ở 90 ngày tuổi đạt 99,75%, tiêu tốn thức ăn: 2,65 kg/1kg tăng trọng. Trọng lượng bình quân gà lúc 90 ngày tuổi đạt 2,0 kg/con đảm bảo chỉ tiêu của mô hình. Khi dùng chế phẩm vi sinh Balasa No1 xử lý trên đệm lót, giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, giảm tỉ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh CRD, lông gà tơi xốp, mượt, sạch đẹp hơn, bán có giá cao hơn trước đây. Mô hình đã được hộ tham gia mô hình và các hộ dân vùng lân thăm quan học tập cận đánh giá cao và có khả năng nhân ra diện rộng.

Từ thực tế triển khai mô hình tại xã Phú thịnh cho thấy, nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái giảm đáng kể các chi phí đầu tư, kể cả công chăm sóc so với hình thức nuôi truyền thống trước đây. Lợi nhuận thu được từ 400 con gà sau hơn 3 tháng nuôi là trên 10 triệu đồng.

Đàn gà giống Minh Dư 10 tuần tuổi

Ông Mai Xuân Vinh hộ tham gia mô hình cho biết thêm, quá trình triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái đã giảm 25% chi phí điện úm gà con, 40% công lao động và 30% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hàng ngày với lượng trấu phải thay thường xuyên như trước đây đã giảm đáng kể. Mô hình đã giúp giảm đáng kể mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Từ đó, góp phần định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dung.

Mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã Phú Thịnh sẽ là cơ sở để các hộ chăn nuôi trong vùng đến thăm quan học tập làm theo.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi vịt siêu thịt cho lãi cao

Vịt siêu thịt lớn rất nhanh, nhanh hơn vịt ta nhiều lần. Từ vịt mới nở, chỉ cần nuôi 2 tháng rưỡi là đã nặng tới 3 cân. Nếu trong một gia đình chỉ cần một lao động chăn khoảng 30 con vịt siêu thịt thì sau 3 tháng đã có ngót ngét một tạ thịt vịt. Chỉ 75 ngày tuổi, vịt nặng khoảng 2,8 – 3,2kg.

Vịt siêu thịt có thể đẻ được 200 trứng/năm, nhiều hơn vịt ta khoảng 80 trứng. Vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng đều tốt. ở đồng bằng, người ta thường nuôi theo phương thức tập trung thâm canh, nhưng ở miền núi, nên tổ chức nuôi chăn thả. Nuôi chăn thả năng suất 80 ngày vịt nặng khoảng 3kg.

                                                            Mô hình nuôi vịt

Muốn nuôi vịt hiệu quả nên tổ chức nuôi theo 2 giai đoạn: Giai đoạn gột vịt con và giai đoạn thả chạy đồng.

  • Giai đoạn gột vịt: từ lúc một ngày tuổi tới lúc 20 ngày tuổi. Giai đoạn này cần chuẩn bị thức ăn cho chu đáo và chúng ở trong chuồng là chính. Thức ăn của chúng là cơm, bún, ngô mảnh nấu trộn với tôm, tép, cua, cá hoặc giun đất. Lúc đầu cho chúng ăn từ 5 – 6 bữa/ngày. Từ ngày thứ 11, cho ăn thưa hơn, khoảng 3 – 4 bữa/ngày.

Chú ý: phải cho chúng ăn đủ lượng và đủ chất, đặc biệt là chất đạm, thiếu đạm vịt chậm lớn. Lúc đầu cho vịt ăn những thức ăn mềm. Dần dần, có thể cho chúng tập ăn cơm, ăn gạo ngâm rồi ăn thóc ngâm. Lúc 7 – 8 ngày tuổi, cho vịt làm quen dần với nước để tập bơi. Chỉ vào hôm sau có thể bơi tốt.

  •  Sau 20 ngày cho vịt ra khỏi chuồng để đi kiếm ăn trên đồng. Nên tính toán để làm sao sau khi gặt xong là có thể lùa vịt ra đồng mót lúa. Nếu vịt chưa no, ta có thể cho ăn thêm thóc và các thức ăn giàu đạm. Dọc các sông, ngòi và các bãi sình là chỗ chăn thích hợp. Tôm, tép, ốc, giun, dế và các loại côn trùng là thức ăn hấp dẫn của vịt. Nếu muốn nuôi để lấy trứng thì lâu hơn nuôi lấy thịt. Khoảng tuần thứ 26 thì vịt bắt đầu đẻ tới tuần thứ 66 thì nghỉ.

Nuôi vịt đẻ cần lưu ý, không nên để quá béo, cũng không nên để vịt còi cọc. Lúc vịt bắt đầu đẻ ta phải duy trì được thời gian chiếu sáng là 17 giờ/ngày. Phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện này thì vịt mới đẻ tốt.

Vịt con cần giữ chân khô khi vào tới ổ. Có thể cho chúng đi qua mùn cưa, qua trấu hoặc cát khô. Chân vịt khô phòng nhiễm bệnh cho vịt con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng cntt trong nuôi đà điểu

Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là những mô hình thương mại điện tử quy mô, những website thiết kế phức tạp. CNTT trong nhiều trường hợp chỉ là việc sử dụng một vài máy tính với những phần mềm đơn giản nhất, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT cũng không chỉ dừng lại trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong những toà nhà cao tầng ở trung tâm thành phố mà được áp dụng ngay cả trong trang trại chăn nuôi đà điểu.
                                     Ứng dụng CNTT trong nuôi đà điểu

Khoảng 700 con đà điểu giống được nuôi dưới chân núi Bà Nà. Công việc khó khăn là phải quản lí chặt chẽ loài gia cầm hay chạy và chạy rất nhanh này theo phả hệ, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lai tạo đà điểu đồng huyết thống gây thoái hoá giống. Tuy nhiên, khó khăn đó đã giảm đi nhiều khi việc quản lí bằng tay trên sổ sách được thay thế bằng cách quản lí trên máy tính… 2 chiếc máy tính, máy in và phần mềm Excel thông dụng đã giúp cho ông chủ và các công nhân tại trang trại của doanh nghiệp Minh Hưng ở thành phố Đà Nẵng bớt được nhiều phần việc so với cách làm thủ công.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc công ty cho biết: “Làm thủ công hết 6 người, riêng hệ thống kế toán thôi. Nhưng từ khi áp dụng CNTT vào thì tôi chỉ cần 2 người, mà sự nhầm lẫn lại giảm. Trước muốn tìm số liệu về một con đà điểu rất lâu, mà vẫn bị lộn. Nhưng giờ tra trên máy biết ngay nó ở khu nào, mã số gì, ở đâu, bố mẹ nó tên gì, sinh ngày nào, bấm máy lên là biết ngay”.

Ấp trứng, chăm sóc, quản lí đà điểu con cho đến khi trưởng thành… Sử dụng CNTT để quản lí cả quy trình liên hoàn đó cũng được ông chủ trang trại tính đến. Với đà điểu trưởng thành, việc quản lí càng được đặt ra chặt chẽ hơn, vì chúng thường có những biểu hiện bất thường. Và thế là những chiếc camera được lắp đặt để nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi.

Ông Đức bổ sung: “Chúng tôi gắn camera để quản lí từng khu cả ngày lẫn đêm. Trung tâm quản lí sẽ theo dõi và gọi bộ đàm cho cán bộ kĩ thuật bên ngoài để xử lí theo từng ô chuồng. Ví dụ nếu thấy ở ô nào có con đà điểu biếng ăn hay có biểu hiện lạ, người ở trung tâm sẽ kiểm tra và báo cho kĩ thuật bên ngoài”.

Ban đầu, công ty Minh Hưng ứng dụng CNTT với 2 chiếc máy tính để bàn và phần mềm Excel đơn giản. Nhưng khi đàn đà điểu ngày càng gia tăng về số lượng, thì doanh nghiệp cũng nhận thấy phải quản lí phả hệ đà điểu một cách chuyên nghiệp hơn. Đơn hàng đã được đặt, và đàn đà điểu này sắp được quản lí bởi phần mềm chuyên nghiệp do một công ty phần mềm chuyên nghiệp viết.

Ông Harrison Li, Giám đốc thương hiệu các sản phẩm dành cho DN nhỏ, Tập đoàn Intel phân tích lợi ích từ việc ứng dụng CNTT: “Giả dụ tôi là một doanh nghiệp nhỏ, thì việc sử dụng một chiếc máy tính và những phần mềm thông dụng cũng là ứng dụng công nghệ thông tin. Ở mức độ đó, có thể tận dụng chiếc máy tính để quản lí sổ sách chứng từ, bảng biểu tài chính, kế toán. Nhưng nếu điều kiện tài chính cho phép, hay khi việc kinh doanh phát triển, thì nên ứng dụng CNTT sâu rộng hơn để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví như với một phần mềm quản lí dữ liệu khách hàng chuyên nghiệp, bạn có thể biết ai là khách mua hàng nhiều nhất, ai là khách hàng lâu năm nhất, rồi nhận ra cả những khách hàng đã không còn mua hàng của mình trong một thời gian dài, từ đó có thể đưa ra những giải pháp một cách dễ dàng. Như với khách hàng tốt nhất thì phải có chế độ đãi ngộ, còn với người đã lâu không mua hàng thì phải tìm đến họ giải thích về những mặt hàng mới, chính sách giá mới, từ đó kéo họ mua hàng trở lại. Như vậy ứng dụng công nghệ thông tin cũng có thể theo nhiều cấp độ, tuỳ theo điều kiện tài chính và quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng ở cấp độ nào, doanh nghiệp cũng có lợi ích từ việc ứng dụng CNTT”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi đà điểu hướng phát triển kinh tế triển vọng

Gọi là vật nuôi “đặc biệt” bởi trước ông Lượng ở Hòa Bình chưa có ai chăn nuôi đà điểu. Nhớ lại ngày đầu bắt tay nuôi đà điểu, ông Lượng chia sẻ: “Vận động mãi vợ con mới nhất trí đầu tư mua đà điểu giống song ngày mang về, hàng xóm đến xem rất đông. Nhiều người lắc đầu vì “chỉ thấy nó ở trên ti vi”. Tôi càng thêm quyết tâm phải nuôi bằng được đà điểu”.

Trước đó, với bản tính cần cù, chịu khó, nhưng ông Lượng vẫn luôn trăn trở một điều, đó là dù đã gắn bó cùng nhiều nghề mà kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tình cờ một lần đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam, thấy giới thiệu mô hình nuôi đà điểu thành công ở một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, ông Lượng đã nhanh chóng bị lôi cuốn.

Sau khi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đặc tính sinh học, đặc điểm sinh trưởng và kinh nghiệm nuôi đà điểu trong sách, báo, đầu năm 2010, ông Lượng khăn gói tìm đến trại đà điểu Thiên Lan (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để tìm hiểu và quyết định đầu tư mua con giống với giá 5 triệu đồng/đôi.

Sau khi đưa con giống về nhà nuôi, ông Lượng cũng thường xuyên trở lại trang trại để tiếp tục học hỏi về cách chăm sóc, kỹ thuật phòng, trị bệnh… cho đà điểu.

Cũng theo ông Lượng, từ những kết quả khả quan bước đầu, thời gian tới gia đình ông sẽ tiếp tục xuất bán đà điểu để quay vòng vốn, đầu tư mở rộng đàn.

Nhờ chịu khó chăm sóc đúng quy trình do các kỹ thuật viên của trại đà điểu Thiên Lan hướng dẫn nên đà điểu của gia đình ông Lượng sinh trưởng khá tốt và không bị bệnh tật. Nhận thấy triển vọng của loại vật nuôi mới, cuối năm 2010, ông Lượng lại đầu tư mua thêm 1 cặp đà điểu giống. Đến nay, đàn đà điểu của gia đình ông Lượng đã phát triển lên tới 10 con lớn, nhỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi đà điểu được ông Lượng thiết kế khá đơn giản. Ngoài một lán dựng bằng gỗ bạch đàn và tre, nứa có lợp ngói proxi-măng là khu vực chăn thả tương đối rộng rãi được rào chắc chắn bằng hệ thống cọc tre cao khoảng 1,5 – 2 m kết hợp với lưới các loại vì khi phát triển đến khoảng 30 kg là chủ yếu đà điểu chỉ chạy nhảy ngoài trời.

Theo kinh nghiệm của ông Lượng, do là loại động vật hoang dã mới được thuần chủng nên thời gian đầu, đà điểu con khá nhát. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không phải mua cám công nghiệp đắt tiền.

Hơn nữa, công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông Lượng chỉ dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn đà điểu. Mặt khác, đà điểu là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, có khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch. Nếu chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tốt về dinh dưỡng thì đà điểu sau khi nuôi từ 12 – 14 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình đạt trên 1 tạ đối với con đực và khoảng 90 – 95 kg đối với con cái.

Tìm hiểu được biết, hiện nay nhu cầu thịt đà điểu của thị trường là khá lớn và ổn định. Tại Hòa Bình, thịt đà điểu đang được thu mua với giá tương đối cao để chế biến các món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn. Riêng năm 2014, với việc xuất bán 2 con đà điểu thương phẩm, gia đình ông Lượng đã thu về gần 50 triệu đồng.

                                    Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vịt mốc, giống thủy cầm quý hiếm

Vịt mốc có nguồn gốc xuất xứ từ Bình Định, đây là loài gia cầm đặc hữu được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục gia cầm quý hiếm cần được nuôi bảo tồn.

Những năm trước đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (Viện Chăn nuôi Quốc gia) đã thực hiện nhiệm vụ nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng giống vịt mốc vẫn bị các loại vịt khác “cạnh tranh” khốc liệt…

Hàng chục năm bảo tồn

Về thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), hỏi ông “Anh vịt mốc” không ai là không biết. Bởi, ông là người gắn cả cuộc đời của mình vào nghề nuôi vịt và là một trong những người đầu tiên ở Bình Định đồng hành cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung trong công tác nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Ông là Lê Kim Anh (60 tuổi) ở thôn Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì).

Theo cho biết của ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001, Trung tâm nhận nhiệm vụ nuôi bảo tồn loài vịt mốc, giống gia cầm đặc hữu của Bình Định ngay trên đất Bình Định. Phương thức thực hiện là Trung tâm hợp đồng với những trang trại chăn nuôi gia cầm nhỏ để nuôi bảo tồn giống vịt mốc. Ông Lê Kim Anh là một trong những người tham gia đầy nhiệt huyết.

Ông Anh cho biết, đến nay, ông đã có hơn 40 năm trong nghề nuôi vịt đẻ. Từ năm 1981 ông đã nuôi đàn vịt 200 con giống vịt mốc thuần chủng Bình Định. Đến năm 2001, ông tăng đàn lên 2.000 con và bắt đầu tham gia công tác nuôi bảo tồn giống vịt này.
Ông Anh ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (đóng ở TP Quy Nhơn, Bình Định) nuôi bảo tồn 100 con vịt mốc sinh sản, những con vịt trong đàn của ông đều được mang số. Ngoài ra, ông Anh còn phải liên tục nuôi thêm 150 vịt mái con, đến khi chúng trưởng thành, chọn ra 100 con cho mang số để nuôi bảo tồn thay thế khi 100 nuôi trước đó bán xả xác. 

    giống vịt mốc được nuôi

“Trong thời gian tham gia nuôi bảo tồn giống vịt mốc, tui tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi nhật ký mỗi ngày gồm có bao nhiêu con đẻ, thức ăn các loại tiêu tốn bao nhiêu. Đối với vịt con hậu bị từ 1 ngày tuổi đến 7 ngày tuổi tăng trưởng được bao nhiêu lạng, đến 14 ngày tuổi tăng thêm được bao nhiêu lạng, đúng 21 ngày cân lại để xem chúng tăng trọng được bao nhiêu để báo cáo với đơn vị hợp đồng. Định kỳ, tui phải lựa chọn kỹ càng ra 1.000 quả trứng, đóng thùng, gửi theo đường tàu hỏa ra Viện Chăn nuôi để làm thí nghiệm. Mặc dù tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng vì “mê” giống vịt này lắm nên tui vẫn vui vẻ làm”, ông Anh nhớ lại.

Theo ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001 đến năm 2013, dự án Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia, do PGS.TS Hoàng Văn Tiệu làm chủ nhiệm đã chọn hộ chăn nuôi gia cầm của ông Lê Kim Anh làm nơi bảo tồn giống vịt mốc. Ngoài ra, công tác bảo tồn giống vịt này còn được thực hiện tại huyện Phù Cát.

Nhiều ưu điểm vẫn khó phát triển

Theo đánh giá của ông Dương Trí Tuấn, vịt mốc là giống bản địa có nhiều ưu điểm, dễ thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, do nó không chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”, mà phải được chăn dắt, chăm sóc kỹ lưỡng, nên vịt mốc đang bị giống vịt Triết Giang nhập về từ Trung Quốc, còn gọi là vịt siêu trứng “lấn sân” dữ dội.

Ông Lê Kim Anh, người trực tiếp nuôi bảo tồn giống vịt mốc, phân tích: So với vịt siêu trứng, vịt mốc đẻ ít hơn. Nếu 1 năm 365 ngày vịt mốc đẻ được từ 250 – 270 trứng với điều kiện nước đầy đủ và chăm sóc tốt, thì vịt siêu trứng đẻ được từ 290 – 320 trứng. Vịt siêu trứng đẻ liên tục 10 tháng/năm, 2 tháng còn lại nếu ai không muốn “xả xác” để chúng đẻ tiếp vẫn đạt từ 40 – 60%, còn vịt mốc khi đã “xả xác” là bỏ luôn, vì chúng làm lông rất chậm không đẻ thêm được. Vịt siêu trứng có thể nuôi khô, chỉ cần ít nước cho chúng tắm là nuôi tốt, còn muốn vịt mốc phát triển tốt thì điều kiện nuôi phải “giàu” nước, nước càng nhiều càng tốt; nước phải chảy, trong, sạch sẽ, nếu sống trong nước đục chúng sẽ “trụ” không được.

Bù lại, trong điều kiện mưa lạnh kéo dài, vịt mốc chịu đựng rất tốt nhờ bộ lông dày, đầu tháng 9 âm lịch hàng năm là chúng làm lông và bắt đầu đẻ, thì vịt siêu trứng sẽ “co ro” vì bộ lông của chúng rất thưa không chịu nổi giá rét. Nếu như trọng lượng trung bình của vịt siêu trứng chỉ từ 9 lạng đến 1,2kg/con thì vịt mốc nặng từ 1,2 – 1,5kg/con; do đó, khi bán xác, vịt mốc luôn có giá cao hơn vịt siêu trứng 1 nửa tiền. Nuôi vịt siêu trứng chỉ 1 năm là phải thay đàn, còn nuôi vịt mốc phải đến 3 năm mới thay đàn.

“Khi bán xác, nếu vịt mốc được 100.000đ/con thì vịt siêu trứng chỉ 50.000đ/con, vì vịt siêu trứng ít thịt, thịt lại dở hơn vịt mốc đến người tiêu dùng không ưng mua. Đặc biệt hơn hết là trứng vịt mốc to hơn nhiều so với trứng vịt siêu trứng; do đó, trứng vịt mốc trên thị trường luôn cao hơn trứng vị siêu trứng 300đ/trứng”, ông Anh chia sẻ.

Bây giờ, người nuôi gia cầm thích “mì ăn liền” nên chọn nuôi vịt siêu trứng, bởi giống vịt này chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”. Theo tôi, vịt mốc đẻ có ít hơn, nhưng giá trứng luôn cao và được thị trường ưa mua hơn, bù qua chế lại hiệu quả như nhau. Thêm vào đó, thời gian sinh sản của vịt mốc kéo dài đến 3 năm, trong khi vịt siêu trứng đẻ 1 năm là phải thay đàn, và đến khi bán xác giá vịt mốc cũng cao hơn một nửa. Tính toán chi li thì nuôi vịt mốc ổn định hơn”, ông Lê Kim Anh bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam