Kỹ thuật chăn nuôi hươu sao

Nhung hươu là sừng non của con hươu, chứa nhiều mạch máu là thực phẩm rất bổ dưỡng dành cho mọi người đặc biệt là người mới ốm dậy, trẻ em và người già. Không những vậy, nhung hươu còn hổ trợ điều trị một số bệnh như: tăng cường sinh lý, thiếu máu,suy dinh dưỡng, chống lão hóa…

1. Các hình thức chăn nuôi hươu sao

  • Nuôi nhốt: Là nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng, có đặc điểm dễ chăm sóc nuôi dưỡng, nhưng không thoả mãn tập tính, sinh lý vật nuôi. Vì thế chúng ta nuôi nhốt nhưng phải có sân chơi.

  • Nuôi bán tự nhiên: Là hình thức nuôi vừa có chuồng nuôi vừa có đồng cỏ chăn thả, hình thức này môi trường sinh thái của con vật được mở rộng hơn, phù hợp mọi hoạt động sống hoang dã của nó, hình thức này cũng rất phù hợp cho điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.

  • Nuôi tự nhiên: Không có chuồng trại mà chỉ khoanh vùng nuôi với diện tích lớn. Hình thức này khó quản lý chăm sóc nuôi dưỡng.

2. Chuẩn bị chuồng trại

  • Việc xây dựng chuồng trại phải đạt được các mục đích sau đây:

– Phù hợp với các đặc tính sinh lý của hươu.

– Có độ bền vững, chắc chắn không cho hươu thoát ra ngoài và đi mất.

– Phải tiết kiệm nguyên vật liệu, vật liệu làm chuồng không ảnh hưởng tới sức khoẻ của hươu.

  • Vị trí xây chuồng:

– Phải cách nhà một khoảng hợp lý tránh ô nhiễm và tiếng động, mùi vị ô nhiễm, phải là nơi cao ráo nhưng phải là vị trí mà mùa đông thì ấm áp, mùa hè thoáng mát.

  • Hướng chuồng:

– Tốt nhất là xây dựng chuồng hướng nam hoặc đông nam để điều hoà được không khí của chuồng nuôi.

  • Nền chuồng:

– Phải có độ dốc từ 1 – 2o và phải cao hơn vùng đất xung quanh 10 –15cm.  Nền chồng có thể làm bằng xi măng láng nhám hoặc bằng đất nện chặt đều được.

  • Diện tích chuồng:

– Hươu đực phải đạt mỗi con trên 6m2 trở lên. Hươu cái có thể lớn hơn một chút để có thể giao phối ngay trong chuồng. Nhưng hiện nay thường làm chuồng hai ngăn để tiện vệ sinh và phối giống. Chuồng hai ngăn này thường rộng khoảng là 12m2 trở lên.

  • Xử lý và chế biến thức ăn trước khi cho hươu ăn.

– Thức ăn cho hươu: Thức ăn xanh phải non, ngon, sạch, không để thức ăn quá ướt nước, nhất là nước bẩn vì vậy trước khi cho ăn thì phải được rửa sạch để ráo nước, thì mới cho hươu ăn. Một số cây thức ăn như lá cây mía, cây cỏ voi trước khi cho ăn thì cần cắt ngắn chừng 10-15cm, các loại củ quả dùng làm thức ăn cho hươu thì đem thái lát cắt mỏng làm nhỏ, thức ăn có chứa độc tố thì cần xử lý loại bỏ độc tố rồi mới cho hươu ăn

– Không cho hươu ăn các thức ăn ôi thối kém phẩm chất.

– Cần trồng một số cây hươu thích ăn để chủ động nguồn thức ăn cho hươu.

– Cho hươu ăn uống sạch sẽ: Hươu là động vật nhai lại nhưng trong ăn uống hươu rất sạch sẽ, chính vì thế hươu ít mắc bệnh tật, thức ăn xanh được kẹp thành một dãy phía ngoài chuồng để hươu có thể thò cổ ra ăn, máng ăn được bố trí dốc vào phía trong chuồng có độ cao khoảng 30 – 40cm, rộng máng là 60cm, dài là 1,2 m vừa để bỏ cỏ hoặc cành lá cho hươu rút ăn từ từ.

– Để đảm bảo vệ sinh ăn uống cho hươu: chuồng rộng có sân chơi thì không nên xây máng gần chồng vì thế công tác vệ sinh không bảo đảm, hươu sẽ dễ bị một số bệnh đường tiêu hoá. Vì vậy nên dùng máng ăn, máng uống di động sẽ giữ được vệ sinh sạch sẽ hơn. Sau khi hươu ăn xong thì nên chùi rửa máng, để khô ráo sạch sẽ để lần sau cho ăn tiếp.

3. Kỹ thuật cho hươu ăn

  • Cho ăn đúng cách: Hươu chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ban đêm hươu ăn tới 60% tổng số thức ăn của khẩu phần, vì vậy mỗi lần cho ăn trong ngày không nhiều, ban ngày hươu ăn ít mà dành thời gian nhai lại thức ăn qua đêm.

Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng mà người chăn nuôi cần nắm biết. Vì vậy lịch phân bố cho hươu ăn như sau:

– Bữa thứ nhất: 6-7 giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

– Bữa thứ hai: 9-10giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

– Bữa thứ ba: 13-14 giờ chiều cho ăn 10% thức ăn xanh cộng với thức ăn tinh trong ngày.

– Bữa thứ tư: 17 – 18giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

– Bữa thứ năm: 22 giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

  • Thức ăn tinh không được cho hươu ăn vào buổi sáng vì ăn như vậy sẽ làm cho hươu ăn ít thức ăn xanh

4.4. Vận động – Tắm nắng – Tắm chải

  • Vận động

– Tuỳ thuộc vào hình thức nuôi khác nhau nên cho hươu vận động khác nhau. Hươu là động vật còn mang tính hoang dã nên rất thích vận động, chạy, nhảy rất hiếu động nên khi bị bó hẹp trong nuôi nhốt thì rất khó chịu. Chúng ta nên tạo diện tích sân chơi cho hươu bằng cách khoanh vùng rộng bằng rào chắn cao 2 – 2.5m thì khả năng vận động và tắm nắng của hươu được tốt hơn và thích nghi với điều kiện sinh lý của nó hơn, ít gây ra các hiện tượng ức chế (strees), con vật thoải mái hơn, góp phần tiêu hoá, trao đổi chất được tốt hơn.

– Nếu không có điều kiện thì cần phải thiết kế mái che có lắp tấm kính có độ rộng 40x50cm cho nắng rọi vào 1giờ/ngày. Có thể thiết kế chuồng cho nắng xuyên vào chuồng 7-8 giờ/ngày.

  • Tắm chải

– Thứ tự tắm chải từ đầu đến mông, từ trên xuống dưới, mỗi lần chỉ cần 5- 10 phút. Trước khi tắm chải phải tập làm quen với con vật để tạo cho nó có phản xạ có điều kiện.

– Trong quá trình tắm chải chú ý phát hiện một số ký sinh trùng như ve, ghẻ, lỡ, loét…Nếu có hãy dùng các biện pháp sau:

* Bắt diệt liên tục bằng cơ học.
* Dùng Ivermactin điều trị nội ngoại ký sinh trùng để tiêm 1ml/7kg trọng lượng.
* Dùng các thuốc sát trùng ngoài da và khử trùng chuồng trại.

– Định kỳ dọn vệ sinh chuồng trại.

4.5. Chăm sóc nuôi dưỡng hươu đực

Nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý hươu đực trong giai đoạn làm đực phối giống.

  •  Nuôi dưỡng: Hươu đực phối giống cần ăn đúng khẩu phần thức ăn là:

– Thức ăn xanh: 20-22kg.
– Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg.
– Thức ăn củ quả: 2.5 –3kg.
– Thức ăn giàu đạm: 0.5 –0.6kg.
– Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 30-35g.

Trong thời gian làm đực phối giống hươu đực cần đủ chất dinh dưỡng để tăng cường việc sản xuất tinh trùng, đảm bảo chất lượng tinh dịch cho phối giống. Hoạt động giao phối cần nhiều sức, nên trong thời kỳ này cần cho ăn thêm các thức ăn có nguồn gốc giàu đạm, cho ăn các loại thức ăn khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, và các loại Premix Vitamin A, D, E, B, tổng hợp.

Nên cho ăn xen kẻ các loại thức ăn ủ mầm như thóc, ngô mầm… rất cần thiết cho sản xuất tinh trùng.

  • Chăm sóc và quản lý đực phối giống:

– Mỗi tháng nên tắm chải cho hươu đực 2- 3 lần, dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho vận động tắm nắng thường xuyên, về mùa phối giống thường tập trung vào mùa nắng nóng nên cho hươu nghỉ ngơi trong bóng mát, để cho hươu được yên tĩnh, không nên gây các ảnh hưởng gây strees trong mùa phối giống, nếu không hiệu quả phối giống sẽ đạt thấp

– Một đực giống nên ghép đôi từ 3- 4 con cái/ năm.

– Thời gian phối giống cho hươu thường từ tháng 4-10 dương lịch hàng năm.

– Cách giữa các lần phối giống là 10 –15 ngày.

– Tuổi phối giống lần đầu là 24 tháng tuổi, tốt nhất 3 – 9 năm tuổi.

– Đặc tính hung hăng trong mùa phối giống điều này chứng tỏ chúng còn mang tính hoang dã đấu tranh để đựơc phối giống, bộ lông vào mùa phối giống có màu nâu đen sao không nổi rõ, dưới bộ phận sinh dục, lúc nào cũng ướt sũng.

– Tiêu chuẩn cho một đực phối giống là: Trọng lượng đạt 55kg trở lên, hai hòn cà to đều, bộ phận sinh dục hoàn thiện, khoẻ mạnh không bệnh tật, gốc sừng to mập, khoảng cách giữa hai gốc sừng rộng, năng suất nhung đạt từ 0.8kg trở lên, tính hăng trong mùa phối tốt và ít hung dữ, dễ phối, hiệu quả phối đậu cao. Chuồng phối có diện tích là 8m² lên.

  • Nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý hươu đực trong giai đoạn cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung.

– Nuôi dưỡng: Hươu đực cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung. Cần ăn đúng khẩu phần thức ăn là:

* Thức ăn xanh: 18-22kg/ngày
* Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg/ngày
* Thức ăn củ quả: 2 –2.5kg/ngày.
* Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 30-35g.
* Nước uống:12-14 lít nước.

– Cho hươu được ăn khẩu phần này 1-2 tháng trước khi bắt đầu đổ đế, để nâng cao chất lượng cũng như trọng lượng nhung thì trong giai đoạn này cần cho hươu ăn nhiều lá cỏ hỗn hợp, nhất là các loại cây có mủ, thức ăn tinh cần phối trộn nhiều thành phần như khô dầu, cám ngô, cám gạo để cân đối chất dinh dưỡng trong khẩu phần.

– Trong thời gian này hươu đực cần đủ chất dinh dưỡng để tăng cường việc sản xuất, tổng hợp nhung, đảm bảo chất lượng nhung thì cần cho ăn đủ cho ăn các loại thức ăn khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, và các loại Premix Vitamin A, D, E, B, tổng hợp, muối ăn…

– Giai đoạn ra nhung (giai đoạn thúc nhung) kéo dài khoảng 55 –60 ngày.Lúc này khẩu phần cho hươu thay đổi:

* Thức ăn xanh: 20-25kg.
* Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg.
*Thức ăn củ quả: 2.5 –3kg.
* Thức ăn giàu đạm: 0.5 –0.6kg.
* Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 35 – 40g.
* Nước uống:12-14 lít nước.

– Chăm sóc và quản lý hươu đực cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung: Dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho vận động tắm nắng thường xuyên, để cho hươu được yên tĩnh, không nên gây các ảnh hưởng gây strees làm cho hươu húc vào thành chuồng gây dập nát nhung, ảnh hưởng xấu đến tốc độ phát triển của cặp nhung.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi chó cảnh

Nuôi thú cưng là trào lưu làm giàu mới nổi, khi mà xu hướng chơi thú cưng ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt là nuôi chó, mèo cảnh.

Tuy nhiên, để đạt được thành công đòi hỏi người kinh doanh cần có kỹ thuật chăm sóc, thuần dưỡng đảm bảo chó cảnh khỏe mạnh khi sang tay cho chủ mới. Dưới đây là một số kỹ thuật chăm sóc chó cảnh quan trọng nhất cần có khi nhắc đến kinh nghiệm kinh doanh thú cưng.

1. Chế độ ăn dành cho chó cảnh

Đầu tiên bạn cần hiểu rõ những đặc điểm riêng biệt , những giai đoạn phát triển của mỗi loài từ đó tìm ra những phương pháp chăm sóc khác nhau.

 

Tuy nhiên vẫn có những nguyên tắc chung dành cho các loài chó cảnh. Nguyên tắc này được thực hiện như sau:

  • Bữa ăn: Chó con 2- 4 tháng tuổi cần cho ăn 3 bữa, từ 4-10 tháng tuổi 2 bữa, trên 10 tháng tuổi thì 1 bữa 1 ngày.
  • Giờ ăn: Vì còn nhỏ nên cần cố định giờ ăn chính xác hàng ngày.
  • Thức ăn: Dinh dưỡng cho thú cưng cần phải đảm bảo đủ cơm, thịt, xương, rau, trứng, gan, cà chua, khoai tây. ( Riêng chó dưới 7 tháng tuổi cần chú ý tránh xương ống gà vì rất dễ bị hóc và cả hỏng đường ruột nữa, còn khi đã trưởng thành, đặc biệt là với những giống chó to khác như béc giê, Rottweiler thì ngược lại việc ăn xương ống gà và cá lại cực kỳ tốt cho hệ tiêu hóa).
  • Lưu ý: có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho chó cảnh nhưng vẫn cần bổ sung thức ăn mặn cho chúng.

Thức ăn công nghiệp khô nhập khẩu dành cho chó

Một số lưu ý

  • Không nên cho ăn quá nhiều chất bột vì nhiều tinh bột sẽ khiến chó bị béo phì, vì vậy cần tính toán lượng tinh bột vừa đủ.
  • Khi trưởng thành, có thể cho chó ăn thức ăn sống như gan, thịt bò sống không những giúp chó khỏe mạnh, lớn nhanh mà còn tăng sức đề kháng kháng cự lại bệnh tật nữa.
  • Với những giống chó to thì lượng thức ăn chúng cần hàng ngày cực nhiều, nên tận dụng thức ăn thừa từ các hàng cơm, phở, nên mua những thực phẩm rẻ để tiết kiệm chi phí. Thức ăn thừa, rẻ chứ không phải là thức ăn ôi thiu, thức ăn bẩn dễ khiến chó bị bệnh.

2. Cách cho cho ăn đúng kỹ thuật

Chó cảnh dù là động vật nhưng cũng là một sinh vật sống phải được chăm sóc đúng cách mới phát triển khỏe mạnh, không bệnh tật được. Ăn no và đầy đủ dinh dưỡng thôi không vẫn chưa đủ. Phải ăn đúng kỹ thuật, phù hợp với từng đặc điểm riêng từng loài.

  • Khẩu phần ăn cho thú cưng hàng ngày ngoài thức ăn, phải có rau thái nhỏ trộn vào cơm nóng để vào bát nhôm.
  • Trước khi cho chó ăn bát phải rửa sạch, khô ráo.
  • Lưu ý là cơm cho chó phải là cơm nóng, nếu là cơm thừa, cơm nguội cần hâm ấm để đảm bảo hệ tiêu hóa chó không bị ảnh hưởng.

3. Tiêm phòng bệnh và chăm sóc

Cần tiêm phòng bệnh cho chó để đảm bảo sức khỏe của vật nuôi hơn nữa cũng chính là bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh chúng.

Chó con mới sinh sức đề kháng cực yếu, cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ 5 bệnh cơ bản như Care virus, Parvo virus, Viêm gan truyền nhiễm, Ho cũi chó và Phó cúm để tránh chó bị nhiễm bệnh và nguy cơ lây lan ra cả đàn.

Cần tắm rửa và chăm sóc lông chó thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh bệnh cho chó.

Một số lưu ý để tiêm phòng cho chó đúng cách:

  • Chó con 3 tuần tuổi nên tiêm ngay mũi vaccine đầu tiên, vì đây là thời điểm chó con tập ăn nên nguy cơ nhiễm bệnh cao đúng lúc kháng thể từ chó mẹ truyền sang lại giảm đi nên chó rất dễ bị bệnh.
  • Vaccine có thể dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng bán thuốc thú y hoặc viện thú y.
  • Định kỳ cứ 6 tháng tới 1 năm chó cần được tiêm phòng đầy đủ.

4. Vệ sinh chuồng và nơi xích chó

Không gian cho chó vui chơi cần rộng rãi và thông thoáng

Vệ sinh chuồng và nơi xích hằng ngày giúp chó yêu phát triển khỏe mạnh nhất, nếu không may bị bệnh sẽ giúp khống chế lây lan, giúp thú cưng hồi phục nhanh hơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường an toàn nhất.

Chuồng nhốt chó phải rộng rãi, thông thoáng có ánh sáng chiếu để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh. Nếu chuồng chật hẹp, ẩm thấp lại không được vệ sinh thường xuyên thì đây chính là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh phát triển. Chuồng sạch sẽ, lại được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp với từng giai đoạn thì chắc chắn chú chó cưng của bạn sẽ phát triển toàn diện nhất, mọi bệnh tật đều phải tránh xa.

Tủ đựng thuốc dành cho chó

Nếu thú cưng bị ghẻ hay rận, ve cũng có thể mua sữa tắm dành riêng cho chó bị ghẻ để điều trị, hoặc cẩn thận hơn vẫn là mang tới bệnh viện thú y để được chữa trị kịp thời. Trong thời gian này, chuồng và nơi xích chó nhất thiết phải được vệ sinh bằng thuốc sát trùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ thú y.

Khi chó con đủ 2 tháng tuổi  phải tẩy giun sán, sau đó cứ định kỳ 6 tháng tẩy 1 lần. Tuy nhiên, thực tế người nuôi chó chỉ thường tẩy giun khi thấy chúng xuất hiện trong phân vì thuốc giun cực hại cho hệ tiêu hóa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi tằm trên nền xi măng

Gia đình anh Thanh từng phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cây mì, cây bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh Thanh quyết định đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Qua tìm hiểu, anh đã gặp gỡ được người có cùng sở thích nuôi tằm và được chỉ dẫn khá tường tận cách nuôi tằm theo phương pháp nuôi mới trên nền xi măng, cũng như việc sử dụng giống dâu mới F7 với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống dâu truyền thống như: lá dày, kháng bệnh tốt, giúp tằm ăn no lâu, đặc biệt có thể tiết kiệm được thời gian và công hái. Sau 4 tháng trồng dâu để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cung cấp cho tằm, anh Thanh bắt tay vào mô hình chuyển đổi mới.

Nuôi tằm trên nền xi măng

Nuôi tằm trên nền xi măng, trước hết phải xây những nhà tằm riêng biệt, cách ly với nơi sinh hoạt của gia đình. Mô hình nuôi tằm mới này vừa tiết kiệm thời gian, lại giảm được chi phí mua nong. Nhất là giảm công cho ăn và dọn phân mà vẫn không ảnh hưởng đến con tằm, cái kén. Trước kia, khi nuôi trên nong phải cho tằm ăn liên tục, thì nay nuôi trên nền xi măng giảm tới 60% thời gian chăm sóc. Thay vì dọn phân hàng ngày, giờ đây 5 ngày mới dọn 1 lần. Không những vậy, nuôi tằm trên nền xi măng diện tích rộng hơn nên tằm ăn được nhiều hơn và kén sẽ nặng hơn. Thay vì một nong tằm thường chỉ cho 40 kg kén, thì nuôi trên nền xi măng cho khoảng từ 50 đến 55 kg kén. Mỗi lứa anh Thanh nuôi 3 hộp tằm, sau khoảng 10 – 12 ngày tằm chuẩn bị “chín”, người nuôi căng lưới trên nền nhà, tằm tự bò lên lưới để vào né. Tằm lên né, nền nhà được dọn dẹp sạch sẽ, cho nghỉ khoảng 7-10 ngày rồi tiếp tục nuôi lứa tằm mới. Bình quân 1 tháng, anh Thanh nuôi 2 lứa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 15 triệu đồng/tháng. Mô hình mới này đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Thanh.

Nuôi tằm trên nền xi măng

Tuy nhiên, theo anh Thanh nuôi tằm trên nền xi măng phải đặc biệt chú ý tới việc giữ vệ sinh, phòng chống sinh vật hại như ruồi, kiến, chuột. Nhà tằm trước khi nuôi phải được sát trùng đúng kỹ thuật, đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp. Hiện đã có nhiều hộ đến học hỏi kinh nghiệm và xin anh Thanh cây giống dâu mang về trồng để chuyển sang mô hình nuôi tằm mới này.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi dúi

Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường.

Sau 3 năm nghiên cứu về con Dúi và đã thành công trong việc thuần hoá và gây nuôi sinh sản vì vậy Nhóm nghiên cứu (Trung tâm BDKT và ĐTN cho nông dân Vĩnh Phúc) và GS. Nguyễn Lân Hùng giới thiệu với bà con nông dân một số kinh nghiệm về nuôi Dúi, với mục đích giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận để nuôi loại vật nuôi này.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Nuôi Dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã đưa vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm trong nuôi Dúi.

Thức ăn

Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…

Khi nuôi thức ăn: cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá, cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… ) nó chỉ ăn phần thân cứng không ăn lá (đây là hai loại thức ăn hàng ngày bắt buộc phải có khi nuôi Dúi) và nó ăn một số loại thức ăn khác như: củ khoai lang, củ sắn, nghô (đây là phần thức ăn bổ sung cho Dúi trong quá trình mang thai và nuôi con, và trong quá trình nuôi thương phẩm).

Làm chuồng nuôi sinh sản

Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 – 1 m xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Đây là chuồng thiết kế cho nuôi sinh sản, mỗi ô chuồng dùng cho một con.

Kỹ thuật nuôi dúi

Làm chuồng nuôi thương phẩm

Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm trở lên (dúi leo trèo kém), bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng đặt khoảng các ống cống nhỏ hoặc nhiều các gốc cây, số lượng này phụ thuộc vào mật độ đàn nuôi thương phẩm chú ý mật độ càng nhiều thì cần nhiều các ống và các loại gốc cây để chúng chú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau…

Chú ý: Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản tuy nhiên người nuôi Dúi cần phải nhận biết được khi nào con Dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể nó cũng ăn con. Khi sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản thì người nuôi phải chấp nhận hao hụt đàn bố mẹ do trong quá trình nuôi chúng sẽ cắn nhau có thể sẽ bị chết.

Khi thiết kế chuồng nuôi cần chú ý trong chuồng phải được mát về mùa hè, nếu mái che lợp lá, đảm bảo thông thoáng nhưng ít ánh sáng rọi vào chuồng. Bố trí làm chuồng ở khu yên tĩnh.

Kỹ thuật nuôi dúi

Sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh.

Dúi cái mang thai 45 ngày. Lúc mới ra đời dúi con không có lông và chưa mở mắt. Khoảng 15 ngày sau khi sinh dúi con mở mắt và vài tuần sau sẽ mọc lông. Sau 01 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía… tuy nhiên nên sử dụng loại tre bánh tẻ vì răng nó chưa khoẻ, lúc này nó tự sống độc lập. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với Dúi đực.

Một số chú ý khi chăm sóc Dúi sinh sản:

Kiểm tra Dúi cái động dục: xách đuôi con Dúi cái lên kiểm tra nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt bộ phận sinh duc là con cái có biểu hiện động dục.

Tiến hành ghép đôi: chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc to hơn một ít) thả vào chuồng con cái và quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì để nguyên như vậy, nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác. Chú ý sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái nếu thấy con cái co biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì con cái đã được đực. Nếu chưa quan sát quen thì tốt nhất để con đực và con cài ở với nhau trong vòng một tuần hoặc thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau thì tách ra.

Chú ý: Khi ghép đôi con đực với con cái mà đã hợp nhau thì đánh dấu lại và lần giao phối sau nên sử dụng lại con đực. Mỗi con đực có thể quản lý được tối đa là 5 con cái tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi và chu kỳ sinh sản của các con cái. Vì vậy khi bắt đầu nuôi nên sử dụng một đực một cái, sau khi đã có kinh nghiệm thì tăng dần số con cái lên.

Chăm sóc Dúi mang thai và sinh con: sau khi con cái được đực thì chú ý chế độ cho ăn: phải đủ tre, mía, và bổ sung thêm ngô hoặc khoai lang hoặc củ sắn.

Nuôi thương phẩm

Cần chú ý phải cho ăn đủ thức ăn để chánh khi đói chúng cắn nhau. Ngoài ra cần bố trí các vật chú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau.

Chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên dúi khi nuôi. Tuy nhiên nếu cho ăn không đủ tre, mía, thì Dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để Dúi cắn nhau không phát hiện nó cũng rất dễ bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học

Để góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020 và làm phong phú, đa dạng thêm giống gà nuôi trong tỉnh, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái”.

Mô hình có quy mô 400 con được thực hiện tại hộ ông Mai Xuân Vinh ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình với hình thức hỗ trợ 100% con giống và 50% vật tư (thức ăn, vắc-xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm xử lý mùi hôi…).

Sau 3 tháng thực hiện mô hình, hộ thực hiện đã áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật được tập huấn về chăn nuôi gà thịt Minh Dư trên đệm lót sinh thái. Gà thịt giống Minh Dư được mua tại Công ty TTHH giống gia cầm Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước,tỉnh Bình Định. Gà giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, bụng gọn, không khèo chân, không vẹo mỏ đủ tiêu chuẩn làm giống. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng đúng định kỳ, thay trấu đệm lót đảm bảo đúng kỹ thuật. Thời gian từ tuần đầu đến hết tuần 4, chiếu sáng 100% để đảm bảo duy trì nhiệt độ phù hợp sao cho đàn gà lúc nào cũng tản đều trong quây úm. Từ tuần thứ 5 trở đi chỉ chiếu sáng về đêm còn ban ngày tùy thuộc vào thời tiết. Về thức ăn, từ tuần 1 đến hết tuần 4 cho ăn thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm là 21%, từ tuần thứ 5 cho ăn thức ăn có độ đạm là 19%, từ tuần thứ 7 thả gà ra vườn, từ tuần thứ 10 trở đi cho ăn thức ăn phối trộn giữ thức ăn hỗn hợp và cám ngô, gạo… Cho gà uống đủ nước sạch, thuốc úm và bố trí các máng ăn máng uống phù hợp theo lứa tuổi.

Đàn gà giống Minh Dư lúc 04 tuần tuổi

Công tác thú y được tuân thủ nghiêm ngặt. Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng, kịp thời thay đệm lót khi bị bẩn ướt, xử lý chế phẩm khử mùi hôi đúng thời điểm, tiêm phòng và xử lý các loại vắc-xin đúng và đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cho thấy đàn gà tăng trọng nhanh, tỉ lệ nuôi sống ở 90 ngày tuổi đạt 99,75%, tiêu tốn thức ăn: 2,65 kg/1kg tăng trọng. Trọng lượng bình quân gà lúc 90 ngày tuổi đạt 2,0 kg/con đảm bảo chỉ tiêu của mô hình. Khi dùng chế phẩm vi sinh Balasa No1 xử lý trên đệm lót, giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, giảm tỉ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh CRD, lông gà tơi xốp, mượt, sạch đẹp hơn, bán có giá cao hơn trước đây. Mô hình đã được hộ tham gia mô hình và các hộ dân vùng lân thăm quan học tập cận đánh giá cao và có khả năng nhân ra diện rộng.

Từ thực tế triển khai mô hình tại xã Phú thịnh cho thấy, nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái giảm đáng kể các chi phí đầu tư, kể cả công chăm sóc so với hình thức nuôi truyền thống trước đây. Lợi nhuận thu được từ 400 con gà sau hơn 3 tháng nuôi là trên 10 triệu đồng.

Đàn gà giống Minh Dư 10 tuần tuổi

Ông Mai Xuân Vinh hộ tham gia mô hình cho biết thêm, quá trình triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái đã giảm 25% chi phí điện úm gà con, 40% công lao động và 30% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hàng ngày với lượng trấu phải thay thường xuyên như trước đây đã giảm đáng kể. Mô hình đã giúp giảm đáng kể mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Từ đó, góp phần định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dung.

Mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã Phú Thịnh sẽ là cơ sở để các hộ chăn nuôi trong vùng đến thăm quan học tập làm theo.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi lợn trên đệm lót – cách để bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn đang là nỗi bức xúc đối với các cơ quan chức năng và cả người chăn nuôi. Để xử lý vấn đề này, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót lên men tại huyện Đức Linh. Mô hình này bước đầu được người dân quan tâm thực hiện vì hiệu quả thiết thực của nó.

Ông Trương Văn Hòa, xã Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận, hộ đầu tiên thực hiện mô hình cho biết trước đây, với đàn lợn khoảng 100 con, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải. Nhiều biện pháp xử lý đã được thực hiện nhưng hiệu quả không như mong muốn. Từ khi sử dụng nền chuồng lợn là đệm lót lên men, mùi hôi không còn, tiết kiệm được nước do không phải rửa chuồng và giảm đáng kể công quét dọn phân lợn. Đệm lót từ 1-2 ngày mới đảo một lần để vi sinh vật phân hủy phân và nước tiểu gia súc…

Với cách làm này, chi phí cho mỗi con lợn nuôi thịt giảm khoảng 400.000 đồng. Lứa lợn đầu tiên khi áp dụng mô hình khiến gia đình rất phấn khởi vì xử lý được vấn đề quan trọng nhất là chất thải và công quét dọn.

Chăn nuôi lợn

Làm đệm lót rất đơn giản, nguyên liệu là bột bắp, mùn cưa, trấu… thay cho ximăng. Người nuôi chỉ cần tưới nước cho nền ướt, tưới dịch men và rắc phấn cám trộn với men vi sinh, sau đó trộn cho đều, dùng nilon đậy lại; sau 2-3 ngày, lấy tấm nylon ra và xới lên, để 1 giờ sau thì thả lợn vào nuôi.

Với diện tích chuồng nuôi khoảng 20m2, chi phí làm đệm lót khoảng 3 triệu đồng.

Đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 4 năm cho nhiều lứa lợn. Sau giai đoạn nuôi, đệm lót trở thành phân bón cho cây trồng.

Cách làm này còn giúp giữ ấm cho vật nuôi do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết chăn nuôi lợn trên đệm lót là giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho chăn nuôi do tận dụng được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu, thân cây bắp…

Đây là lần đầu tiên ngành chăn nuôi Bình Thuận áp dụng một phương pháp mới. Cách làm này đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại cao, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, trung tâm sẽ hỗ trợ để nhân rộng mô hình này cho đông đảo người chăn nuôi trong tỉnh thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi trùn quế làm giàu

Tình cờ anh Hồ Văn Tây, 39 tuổi, một chủ trang trại ở Diên Xuân (Diên Khánh, Khánh Hòa) học được nghề nuôi trùn quế từ một người bạn Việt kiều ở Úc. Và nghề nuôi trùn quế đã giúp anh làm giàu sau bao lần thất bại trong kinh doanh.

nuôi trùn quế làm giàu

Anh Tây đưa tôi đi xem trang trại nuôi trùn quế của anh trên một ngọn đồi nhỏ, bạt ngàn mía và cỏ voi thuộc thôn Xuân Nam, xã Diên Xuân. Hàng dãy nhà lá nối tiếp nhau chạy dài như một nhà máy lớn. Bên trong từng căn nhà, các ô nuôi trùn xếp bằng gạch, nối tiếp nhau dày đặc một màu đen toàn phân và phân. Một công nhân đang tưới giữ ẩm cho các ô nuôi trùn. Anh Tây chỉ vào một ô nuôi, hồ hởi: “Nuôi trùn rất thú vị, phân bò đưa vào đây chỉ trong 10 – 15 ngày, con trùn đã biến phân sống thành phân vi sinh, bón rất tốt cho cây trồng. Con trùn quả là một nhà máy chế biến tuyệt vời…”.

Được biết, phân trùn là chất dinh dưỡng tuyệt vời đối với cây trồng. Phân chuồng sau khi qua “công đoạn” xử lý của trùn đã trở thành thức ăn bổ dưỡng, rất dễ hấp thụ đối với cây trồng. Chính vì vậy, trang trại của anh bán rất chạy loại phân này. Hiện nay, nguồn thu nhập chính từ trang trại là bán phân trùn. Mỗi tháng trang trại có thể sản xuất từ 15 – 20 tấn phân trùn. Với giá bán hiện tại 2.000 đ /kg, anh Tây thu về một nguồn lợi không nhỏ. Anh Tây cho biết, thị trường tiêu thụ phân trùn rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay trang trại không đủ sức cung cấp cho thị trường. Phân trùn có thể bón cho rất nhiều loại cây trồng: từ cây lương thực (lúa, màu), cây ăn quả (thanh long, cam, bưởi…), cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, cao su…), đến cả cây cảnh; đây cũng là loại phân cao cấp không sợ bị lạm dụng. Dân trồng laghim ở Đà lạt (Lâm Đồng) rất thích tìm mua loại phân này. Để phát triển thị trường, anh Tây mua thiết bị chế biến phân, in bao bì (25 kg) và lập nhà kho để chứa phân.

Nuôi trùn quế rất đơn giản, sau khi đem phân bò về, lượm rác, sỏi đá, tạp chất; dùng thuốc xử lý vi khuẩn, mầm bệnh; đưa vào ô nuôi, tưới giữ ẩm và chờ ngày “ra” thành phẩm. Sản phẩm bao gồm: trùn quế (sinh khối) và phân vi sinh. Cả 2 đều có thể bán. Giá trùn quế sinh khối hiện tại 9.000 đ /kg, là thức ăn cao cấp của các loài tôm, cá, ba ba, heo, gà… Tuy nhiên, hiện nay việc bán sinh khối gặp khó khăn về đầu ra nên trang trại chủ yếu bán phân vi sinh và sinh khối cho các hộ có nhu cầu. Để có thức ăn cho trùn, mỗi tháng anh Tây mua khoảng 20 m3 phân chuồng, chủ yếu là phân bò ở các nơi về với giá từ 40 – 50 ngàn đồng /m3. Anh cho biết, tiền lãi nuôi trùn quế từ đầu năm đến nay đã lên tới 150 triệu đồng. Có thể nói, trùn quế là đối tượng nuôi kinh tế xếp đầu bảng, vượt xa các đối tượng nuôi khác trong nông nghiệp. Đến nay, anh Tây đã xây dựng được 10 trại nuôi, mỗi trại có diện tích 100 m2. Lượng sinh khối lên tới vài chục tấn. Để duy trì sản xuất, anh thuê 12 người giúp việc để nuôi trùn, trồng cỏ voi (1 ha) và chăm sóc đàn bò (70 con), thu nhập mỗi lao động từ 1 – 1,2 triệu đồng /tháng.

Được biết, ở nước ngoài, nghề nuôi trùn quế rất phát triển và con trùn được chế biến thành nhiều sản phẩm cao cấp như: trà trùn, biscuis trùn và phân trùn cũng là phân vi sinh cao cấp. Anh Tây cho biết, tổng vốn đầu tư vào trại trùn quế đến nay đã lên đến 500 triệu đồng nhưng anh rất tin tưởng vào tương lai của nghề này. Hiện tại, nhiều đơn vị trong đó có Công ty Cao su Việt Lào (Gia Lai) đang đặt vấn đề mua phân vi sinh của anh với số lượng lớn nhưng do khả năng còn yếu nên anh chưa dám nhận đơn đặt hàng vì sợ đáp ứng không đủ. Anh dự định sẽ mở rộng trại trùn lên 5.000 m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi vịt siêu thịt cho lãi cao

Vịt siêu thịt lớn rất nhanh, nhanh hơn vịt ta nhiều lần. Từ vịt mới nở, chỉ cần nuôi 2 tháng rưỡi là đã nặng tới 3 cân. Nếu trong một gia đình chỉ cần một lao động chăn khoảng 30 con vịt siêu thịt thì sau 3 tháng đã có ngót ngét một tạ thịt vịt. Chỉ 75 ngày tuổi, vịt nặng khoảng 2,8 – 3,2kg.

Vịt siêu thịt có thể đẻ được 200 trứng/năm, nhiều hơn vịt ta khoảng 80 trứng. Vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng đều tốt. ở đồng bằng, người ta thường nuôi theo phương thức tập trung thâm canh, nhưng ở miền núi, nên tổ chức nuôi chăn thả. Nuôi chăn thả năng suất 80 ngày vịt nặng khoảng 3kg.

                                                            Mô hình nuôi vịt

Muốn nuôi vịt hiệu quả nên tổ chức nuôi theo 2 giai đoạn: Giai đoạn gột vịt con và giai đoạn thả chạy đồng.

  • Giai đoạn gột vịt: từ lúc một ngày tuổi tới lúc 20 ngày tuổi. Giai đoạn này cần chuẩn bị thức ăn cho chu đáo và chúng ở trong chuồng là chính. Thức ăn của chúng là cơm, bún, ngô mảnh nấu trộn với tôm, tép, cua, cá hoặc giun đất. Lúc đầu cho chúng ăn từ 5 – 6 bữa/ngày. Từ ngày thứ 11, cho ăn thưa hơn, khoảng 3 – 4 bữa/ngày.

Chú ý: phải cho chúng ăn đủ lượng và đủ chất, đặc biệt là chất đạm, thiếu đạm vịt chậm lớn. Lúc đầu cho vịt ăn những thức ăn mềm. Dần dần, có thể cho chúng tập ăn cơm, ăn gạo ngâm rồi ăn thóc ngâm. Lúc 7 – 8 ngày tuổi, cho vịt làm quen dần với nước để tập bơi. Chỉ vào hôm sau có thể bơi tốt.

  •  Sau 20 ngày cho vịt ra khỏi chuồng để đi kiếm ăn trên đồng. Nên tính toán để làm sao sau khi gặt xong là có thể lùa vịt ra đồng mót lúa. Nếu vịt chưa no, ta có thể cho ăn thêm thóc và các thức ăn giàu đạm. Dọc các sông, ngòi và các bãi sình là chỗ chăn thích hợp. Tôm, tép, ốc, giun, dế và các loại côn trùng là thức ăn hấp dẫn của vịt. Nếu muốn nuôi để lấy trứng thì lâu hơn nuôi lấy thịt. Khoảng tuần thứ 26 thì vịt bắt đầu đẻ tới tuần thứ 66 thì nghỉ.

Nuôi vịt đẻ cần lưu ý, không nên để quá béo, cũng không nên để vịt còi cọc. Lúc vịt bắt đầu đẻ ta phải duy trì được thời gian chiếu sáng là 17 giờ/ngày. Phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện này thì vịt mới đẻ tốt.

Vịt con cần giữ chân khô khi vào tới ổ. Có thể cho chúng đi qua mùn cưa, qua trấu hoặc cát khô. Chân vịt khô phòng nhiễm bệnh cho vịt con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phụ gia chứa zeolit, hiệu quả cao trong chăn nuôi

Các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công quy trình chế tạo các chất tạo phức có tên thương mại là BK-DO015 và BK-DO017 từ cao lanh.

Đây là những loại hợp chất đáp ứng tốt cho việc kết tinh tạo ra các hỗn hợp zeolit X, Y trong dung dịch. Trộn hai thành phần zeolit X, Y và đất sét (được khai thác tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vào hợp phần thức ăn chăn nuôi và phân bón sẽ tạo thành các sản phẩm BK-ZCR2, BK-ZAF2a, BK-ZAF3 sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt và trồng các cây lúa, lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thử nghiệm trong chăn nuôi lợn thịt quy mô trang trại ở huyện Lạng Giang và trồng lúa, lạc tại huyện Hiệp Hòa từ năm 2007 đến nay cho thấy lạc vụ xuân thu lãi tăng thêm trên 2,6 triệu đồng/ha, lạc vụ đông thu lãi trên 1,3 triệu đồng/ha, năng suất thực thu tăng từ 4 – 6%; lúa xuân thu lãi tăng thêm trên 4,7 triệu đồng/ha, lúa mùa tăng thêm trên 1,4 triệu đồng/ha, năng suất tăng khoảng 2,6% so với khi chưa sử dụng sản phẩm công nghệ trên.

                          Phụ gia chứa zeolit, hiệu quả cao trong chăn nuôi

Đối với lợn thịt, sử dụng BK-ZCR2 như một chất phụ gia trong thức ăn đã làm tăng thêm lợi nhuận từ trên 100.000 đồng đến hơn 330.000 đồng/đầu lợn, tiết kiệm được khoảng 4% tổng lượng thức ăn và điều quan trọng nhất là chất lượng thịt lợn tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn.

Thời gian tới tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong chăn nuôi, trồng trọt bằng việc quy hoạch vùng nguyên liệu khoáng sét tại chỗ và xây dựng các dây chuyền sản xuất zeolit và các chất phụ gia chứa zeolit đạt công suất khoảng 3.000 tấn/năm./.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam