Tại sao gà đẻ nuôi nhốt trong lồng thường mệt mỏi, còi xương?

Qua quan sát nhiều trang trại chăn nuôi gà đẻ chuồng lồng (ảnh 1), người ta phát hiện thấy một tỷ lệ khá lớn gà đẻ nuôi nhốt trong lồng thường xuyên mệt mỏi, bỏ ăn và có bộ xương yếu ớt gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và lợi nhuận của trang trại.

Nếu không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục hiện tượng trên thì ngày qua ngày, trang trại sẽ phải âm thầm gánh chịu 1 khoản lỗ không hề nhỏ.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về đặc điểm nhận dạng, nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng mệt mỏi trên nhằm giúp các trang trại chăn nuôi gà đẻ chủ động hơn trong việc làm chủ tình hình khi trang trại xảy ra vấn đề tương tự.

                                           Gà đẻ nuôi trong chuồng lồng.

Đặc điểm nhận dạng gà đẻ mắc hội chứng mệt mỏi, còi xương.

Nếu trong trang trại của bạn thấy xuất hiện những con gà đẻ có các triệu chứng sau đây thì bạn nên tiếp tục quan tâm tới bài viết này:

– Gà xù lông, ủ rũ.

– Bỏ hoặc giảm ăn.

– Đứng không vững, gà thường chỉ nằm, đi lại khó khăn.

– Bộ xương nhỏ, mềm, giòn, dễ gãy.

– Những triệu chứng trên biểu hiện rõ nhất vào thời kỳ đẻ đỉnh cao của gà.

– Vỏ trứng mỏng.

– Tỷ lệ đẻ giảm; mổ khám thấy buồng trứng teo, không bình thường.

Với gà con thì người ta thường gọi là còi xương nhưng gà lớn thì thường gọi là mềm xương.

Vậy nguyên nhân của việc gà đẻ mệt mỏi, còi xương là gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc gà đẻ mệt mỏi, yếu ớt. Trong thực tế, mỗi trường hợp có thể do một hoặc tổ hợp một số nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp trong thực tế.

– Do thiếu hụt hoặc mất cân bằng tuần hoàn canxi, vitamin D3 hoặc phospho.

– Do chế độ dinh dưỡng của gà đẻ mất cân bằng hoặc thiếu chất.

– Do tác dụng của một số loại thuốc điều trị.

– Do độc tố nấm mốc.

– Do các chất giự trữ của cơ thể giảm sút trong đó có canxi → mệt mỏi.

– Cơ thể không được cung cấp đủ lượng canxi kịp thời do:

  • Lượng canxi huy động để sản xuất trứng tăng cao mà không kịp bổ sung trong khẩu phần ăn dẫn đến thiếu canxi cung cấp cho cơ thể → gà mệt mỏi, ủ rũ, mềm xương.
  • Sự cố trong quá trình trao đổi chất làm suy yếu việc hấp thụ canxi hoặc vôi hóa xương.

Việc quan trọng chúng ta cần làm là chẩn đoán xem có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng gà đẻ của trang trại mình mềm xương, mệt mỏi, bỏ ăn,…và xem xét nguyên nhân nào là chính, nguyên nhân nào là phụ. Có như vậy, chúng ta mới có thể điều trị đúng hướng, hiệu quả.

Các hướng khắc phục gà đẻ mệt mỏi, còi xương.

Đối với trường hợp vôi hóa xương bình thường, canxi và phốt pho cần được cung cấp một lượng đủ cho cơ thể gà đẻ duy trì và sản xuất với tỷ lệ bổ sung là 2: 1 (2Ca:1Ph). Nếu một trong hai tỷ lệ canxi hoặc phốt pho vượt quá định mức cũng có thể gây còi xương → không phải cứ bổ sung nhiều là tốt.

Vitamin D3 đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự hấp thu và chuyển hóa canxi. Do đó, ngoài việc đảm bảo rằng chế độ ăn của đàn gà đẻ có tỷ lệ canxi và phốt pho thích hợp, thì chúng còn cần được cung cấp đầy đủ vitamin D3.

Bổ sung khoáng cho xương là một quá trình liên tục, vì vậy việc điều chỉnh các thiếu sót trong chế độ ăn uống mất cân bằng có thể giảm bớt tình trạng thiếu khoáng cho đàn gà đẻ nếu chúng ta điều chỉnh sớm.

Nấm mốc hay độc tố nấm, được gọi là mycotoxin có thể gây ra hàng loạt các tác hại cho gia cầm trong đó có sự can thiệp đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng của gà đẻ. Còi xương gây ra thông qua sự hiện diện của mycotoxin trong chế độ ăn uống có thể được điều trị bằng cách thay thế các thức ăn bị ô nhiễm độc tố và bổ sung thêm vitamin D3 gấp ba hoặc gấp bốn lần mức bình thường.

Tỷ lệ vôi hóa khá cao là vấn đề đang gây đau đầu cho các trang trại chăn nuôi gà đẻ trong chuồng lồng. Điều đó cho thấy vai trò của việc cho gà đẻ vận động là quan trọng nếu không muốn gà bị vôi hóa nhiều nhưng nếu chăn nuôi theo kiểu nhốt lồng như hiện nay thì rất khó có biện pháp khắc phục tình trạng này.

Ngoài các biện pháp vừa nêu trên (Canxi, Phospho, vitamin D3, khoáng, mycotoxin, vận động giảm vôi hóa) thì người chăn nuôi còn cần để ý tới mật độ nhốt gà (bao nhiêu con/1 lồng?) sao cho mỗi con đều có thể dễ dàng thu nhận đủ lượng thức ăn cần thiết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bệnh nhiễm trùng huyết ở vịt

Bệnh Nhiễm trùng huyết ở vịt (RIEMERELLOSIS) hay còn gọi là bệnh BẠI HUYẾT, là tình trạng vi trùng xâm nhập vào máu gây rối loạn đông máu, rối loạn tuần hoàn, hô hấp, viêm màng não mủ đưa đến suy gan, suy thận và các nội tạng khác của cơ thể và cuối cùng vịt chết nhanh chóng.

Mầm bệnh: Do vi khuẩn Riemerella anatipestifer (RA) Gram âm, thuộc họ Flavobacteriaceae gây ra. Ở trong nền chuồng và môi trường nước, vi khuẩn có thể sống 13 – 27 ngày. Vi khuẩn Riemerella anatipestifer có khoảng 21 serotype khác nhau và không có khả năng bảo hộ chéo. Đôi khi trong cùng một đàn vịt có thể nhiễm 1 hay nhiều serotype vi khuẩn khác nhau, vì vậy việc dùng vaccine nhiều khi không hiệu quả. Do đó, khâu vệ sinh và sát trùng chuồng trại là rất quan trọng để phòng bệnh. Các thuốc sát trùng như BIO-GUARD, BIOXIDE, BIODINE, BIOSEPT rất hiệu quả để tiêu diệt mầm bệnh này.

Loài mắc bệnh: Ngoài vịt và ngỗng rất nhạy cảm với bệnh, các loài khác như: ngan, gà tây, chim cút, thiên nga,…cũng có thể bị bệnh này.

Lứa tuổi mắc bệnh: Mọi lứa tuổi của vịt đều có thể mắc bệnh. Nhưng ở vịt con 1 – 8 tuần tuổi là dễ bị bệnh nhất. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 5 ngày. Tỷ lệ chết khoảng 75%

                                                Vịt bị nhiễm trùng huyết

Đường lây bệnh:

Bệnh được lây từ vịt bệnh sang vịt khỏe theo 3 cách:

  • Vi khuẩn xâm nhập qua lớp biểu mô của cơ quan hô hấp
  • Mầm bệnh có trong chất tiết của dịch mũi làm vấy nhiễm vào thức ăn, nước uống lây qua đường tiêu hóa
  • Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua các vết trầy xước trên da, đặc biệt là trên bàn chân

Triệu chứng:

  • Thường có một số con vịt bị chết độ ngột, vịt có các triệu chứng sau:
  • Dấu hiệu tiêu hóa: Vịt tiêu chảy, phân xanh xám (dấu hiệu đầu tiên)
  • Dấu hiệu hô hấp: Sốt, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở
  • Dấu hiệu thần kinh: Sưng phù đầu và cổ, ngoẹo cổ, đầu cổ bị run. Viêm khớp, mất điều hòa, vịt đi lại khó khăn. Dễ bị kích động, hai chân duỗi ra như bơi
  • Viêm ống dẫn trứng ở vịt đẻ (bên trong chứa nhiều dịch màu vàng)

Bệnh tích:Gan và lách sưng, gan bị tổn thương, viêm màng ngoài tim, viêm túi khí, viêm màng não, viêm vòi trứng, viêm sưng khớp, đôi khi bị mòn sụn khớp.

Điều trị

Những kháng sinh có thể điều trị được bệnh nhiễm trùng huyết bao gồm: Penicillin, Amoxycillin, Cephalosporins, Trimethoprim+Sulfamide, Florfenicol, Tetracycline, Quinolone (Marbofloxacin, Enrofloxacin…), Lincomycin.

Qua điều trị thực tế cho thấy hiệu quả cao nhất là các loại thuốc tiêm như BIO-CEPTIOFUR hoặc BIO-TULACIN 100 hoặc BIO-MARBO 50, đồng thời pha BIO SOL ADE-C vào nước cho vịt uống để tăng sức đề kháng, vịt sẽ mau khỏi bệnh.

Phòng bệnh

  • Tiêm phòng lúc vịt con từ 1 – 3 ngày tuổi 1 mũi thuốc BIO-CEPTIOFUR
  • Vệ sinh môi trường chăn nuôi sạch sẽ và sát trùng định kỳ chuồng nuôi với một trong các loại thuốc như BIO GUARD, BIODINE, BIOXIDE, BIOSEPT
  • Pha thuốc BIO SOL ADE-C vào nước cho vịt uống liên tục để tăng sức đề kháng
  • Khi thời tiết thay đổi nên pha thuốc BIO-ENRO C hoặc BIO E.T.S vào nước cho vịt uống để phòng bệnh.
  • Nếu dùng vaccine thì nên sử dụng vaccine đa giá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà nòi lai theo mô hình sinh học

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Kiên Giang vừa phối hợp với các tổ kinh tế kỹ thuật và nông dân xây dựng mô hình nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học với tổng số 3.000 con.

Mô hình triển khai tại 2 huyện Châu Thành, An Biên và TX.Hà Tiên từ tháng 5/2014. 15 hộ nuôi thử nghiệm áp dụng phương thức nuôi trong chuồng bao lưới kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Nông dân tham gia được Trung tâm KNKN Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền giống, 30% tiền thức ăn.

Nuôi gà nòi lai theo mô hình sinh họcGà nòi lai nuôi theo hướng an toàn sinh học ở Kiên Giang.

Theo kỹ sư Lê Thị Lượt – Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm KNKN Kiên Giang – các hộ sử dụng thức ăn công nghiệp giai đoạn đầu (nuôi trong chuồng), sau chuyển ra thả vườn và cho ăn kết hợp với lúa. Quá trình nuôi, đến nay chưa xảy ra dịch bệnh do thực hiện đúng quy trình, tiêm phòng theo lịch hướng dẫn. Kết quả ở một số điểm nuôi ban đầu cho thấy, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 96%, khi xuất chuồng (2,5 – 3 tháng tuổi) đạt bình quần 1,4 – 1,5kg/con. Ứớc tính sau khi trừ chi phí, mỗi hộ nuôi lãi 3,2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thơm – ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên – cho biết, bước đầu cho thấy nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học dễ nuôi, thích ứng với môi trường. Đàn gà thả nuôi đợt đầu (200 con), gia đình đã thu về gần 6 triệu đồng tiền lãi. Nhận thấy nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học dễ nuôi, hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều nông dân tiếp tục nuôi đợt hai với số lượng gấp nhiều lần đợt nuôi đầu.

Theo kỹ sư Lê Thị Lượt, mô hình này sử dụng chế phẩm Balasa trong xử lý môi trường. Nuôi bình thường như mọi khi, nếu không sử dụng chế phẩm này, người nuôi phải thay đệm lót trong vòng từ 2 – 3 tuần vì chuồng sẽ bốc mùi hôi khó chịu. Khi sử dụng Balasa trong đệm lót, gần 3 tháng vẫn không cần phải thay đệm lót, nhưng không hề thấy mùi hôi. Sử dụng Balasa còn giảm được chi phí vì không cần phải thay đệm lót thường xuyên.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi

Dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nhân rộng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang triển khai từ tháng 4/2011 đến nay trên địa bàn các huyện Yên Thế và Tân Yên đã mang lại nhiều lợi ích.

279 hộ gia đình ở các xã Đồng Tâm, Phồn Xương, Tân Hiệp của huyện Yên Thế và các xã Liên Chung, Liên Sơn của huyện Tân Yên được lựa chọn tham gia mô hình chăn nuôi lợn, gà sử dụng công nghệ đệm lót sinh thái.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì dự án còn tổ chức tập huấn kỹ thuật làm đệm lót sinh thái, cấp chứng chỉ cho 30 cán bộ khuyến nông, thú y và các hộ nông dân; tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ đệm lót sinh thái cho 750 lượt người tham gia dự án.

Tại các xã Liên Chung và Liên Sơn Sơn của huyện Tân Yên, có 50 hộ dân đã tham gia mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng đệm lót sinh thái với quy mô 1.000m2 chuồng nuôi.

Qua theo dõi, phân tích cho thấy, lợn nuôi trên đệm lót sinh thái tăng trọng tốt hơn, ít bị mắc bệnh và ít bị tái phát bệnh hơn so với lợn nuôi trên nền chuồng láng xi măng.

Nguyên nhân là do chăn nuôi trên đệm lót sinh thái đã tạo một môi trường có tiểu khí hậu tốt, trong sạch, không ô nhiễm; sự tác động của các vi sinh vật có ích trong đệm lót lên men đã gây ra sự ức chế và tiêu diệt đối với các vi trùng gây bệnh trong chuồng nuôi.

Chăn nuôi lợnChăn nuôi lợn

So sánh cụ thể với đàn lợn đối chứng, đàn lợn nuôi trên nền đệm lót sinh thái đã giảm hơn 1/2 số con bị mắc bệnh tiêu chảy, hầu như không có con nào bị mắc bệnh hô hấp, khả năng tăng trọng cũng tốt hơn.

Trong khi đó, mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ bằng đệm lót sinh thái tại các xã Tân Hiệp, Đồng Tâm, Phồn Xương của huyện Yên Thế với quy mô 12.500m2 chuồng nuôi của 229 hộ tham gia cũng cho những kết quả khả quan.

Khi sử dụng nền độn lót lên men vi sinh vật, phân và chất thải được phân hủy thường xuyên, làm cho không khí chuồng nuôi sạch sẽ và khô ráo hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ nuôi sống của gà.

So với đối chứng, đàn gà chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái đã giảm khoảng 1/3 mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh khác.

Đánh giá về một số chỉ tiêu kỹ thuật và môi trường cũng cho thấy, hàm lượng khí thải NH3, H2S tại các chuồng nuôi gà, lợn bằng đệm lót sinh thái thấp hơn 2,67-3 lần so với chuồng nuôi không sử dụng nền đệm lót sinh thái, nhờ đó đã giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Ngoài những ưu điểm trên, chăn nuôi công nghệ đệm lót sinh thái còn giúp giảm khoảng 80% công lao động do trong suốt quá trình nuôi người chăn nuôi không phải dọn chuồng; giảm chi phí tiền điện, tiền mua thuốc thú y; không gây ô nhiễm môi trường chuồng nuôi cũng như môi trường xung quanh.

Chăn nuôi đệm lót sinh thái còn giúp giữ ấm cho vật nuôi vào mùa đông do vậy sẽ giảm chi phí tiền điện do phải sưởi ấm cho vật nuôi vào mùa đông; phân và nước tiểu của vật nuôi được xử lí ngay tại chuồng nuôi nên không phải xử lí phân mà sử dụng trực tiếp bón cho cây trồng.

Hiện tỉnh Bắc Giang có đàn lợn khoảng 1,2 triệu con và đàn gia cầm gần 16 triệu con.

Từ những kết quả đạt được của mô hình, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục ứng dụng rộng rãi công nghệ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản

Trước nhu cầu ngày càng cao về nguồn sữa bò của thị trường trong nước và quốc tế, từ tháng 1 – 20016, Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Nai đã bắt tay vào thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản” tại 2 điểm là: Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai và xã Lộc An, huyện Long Thành. Đến nay, đề tài đã cơ bản đạt được các mục tiêu đặt ra và báo cáo sơ kết trước Hội đồng khoa học tỉnh

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản

Cấy truyền phôi (CTP) được xem là biện pháp đặc biệt, áp dụng công nghệ cao trong việc sớm tạo ra những con giống tốt làm hạt nhân của đàn bò sữa. Công nghệ CTP giúp nâng cao khả năng chống bệnh cho bò, nhân nhanh các giống tốt, quý hiếm ra thực tế sản xuất trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng di truyền của những cá thể cái cao sản; nâng cao khả năng sinh sản, tăng năng suất sữa, thịt, làm ngắn thời gian tuyển chọn giống vì một con bò cho phôi có thể tạo ra nhiều bê chất lượng cao trong một năm, dành kinh phí đầu tư chuồng trại, thức ăn và nhân công. Thực tế, CTP bò đã được nghiên cứu, ứng dụng vào Việt Nam từ những năm 1980 tại Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Hơn nữa ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, việc nhập nhiều bò sữa ngoại làm bò nền rất khó thực hiện, một phần vì tốn kém, một phần vì bò ngoại rất khó thích nghi với khí hậu nước ta.

Vì vậy, việc lựa chọn những con bò cái có năng suất sữa, thịt cao sẵn có tại địa phương để làm bò cho phôi và sử dụng bò nền Lai Sind hoặc bò cái sữa lai Hà Lan F1, F2 năng suất thấp để làm bò nhận phôi bằng cách gây động dục đồng pha với bò cho phôi là rất cần thiết để tăng nhanh số lượng bò sữa, bò thịt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau quá trình thử nghiệm, cho thấy: Qui trình gây rụng trứng nhiều trên bò cho phôi có 2 công thức đạt kết quả cao và các loại hoocmon sử dụng dễ tìm trên thị trường, giá thành thấp. Để gây động dục đồng loạt và động dục đồng pha cho bò nhận phôi thì thực hiện quy trình 2 (tiêm PMSG + PG-F2α) là hiệu quả nhất. Kết quả ựanghiên cứu của đề tài cũng cho biết, thời gian thu phôi tốt nhất được chọn vào ngày thứ 7 sau khi phối giống. Ở thời điểm này, phôi ở giai đoạn phôi dâu, phôi nang khá bền vững. Nếu thu sau ngày thứ 8 thì có khả năng phôi đã phát triển tới giai đoạn phôi nang già, chui ra khỏi màng trong suốt, sẽ khó tìm phôi và khả năng phôi bị tổn thương cũng rất cao.

Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phương pháp thu phôi không phẫu thuật để tiến hành lấy phôi từ bò cho; dung dịch sau khi dội rửa được soi dưới kính hiển vi soi nổi để tìm phôi; sau đó nâng độ phóng đại lên để phân loại. Những phôi điển hình cho giai đoạn phát triển, không có khuyết điểm gì, hoặc phôi đúng với giai đoạn phát triển, màu sắc tế bào đẹp, có một vài tế bào tách rời được chọn để cấy cho bò nhận hoặc đông lạnh bảo quản phôi ở dung dịch Nitơ lỏng – 196oC.

Các sản phẩm đề tài đã thu được là: Phôi bò sữ cao sản từ thu phôi siêu bào noãn là 237 phôi; phôi bò sữa cao sản dông lạnh từ thu phôi siêu bào noãn là 107 phôi; bê con cấy hợp tử tươi cho bò Lai Sind hoặc bò lai F1 là 28 con; bê con từ cấy hợp tử đông lạnh là 25 con.

Hội đồng khoa học cũng đánh giá tính ứng dụng cao cũng như hiệu quả kinh tế mà đề tài sẽ mang lại khi nghiên cứu thành công, đồng thời đóng góp ý kiến cho nhóm tác giả đề tài đó là cần tiếp tục theo dõi bệnh của bò sau khi CTP và sức khoẻ của bê con sinh ra, nhanh chóng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật CTP cho các cán bộ kỹ thuật để kết quả nghiên cứu nhanh chóng được ứng dụng, thực hiện được các mục tiêu mà đề tài mong muốn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Châu âu có thể dùng ấu trùng ruồi làm thức ăn nuôi gà, lợn

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại để cung cấp nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, gia cầm.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khẳng định việc sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi không làm tăng rủi ro sinh học hoặc hóa học so với các hình thức chăn nuôi nào khác, New Atlas hôm 6/9 đưa tin. Côn trùng có thể trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi tốt giúp con người thoát khỏi tình trạng thiếu hụt protein toàn cầu.

EFSA sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ để thực hiện báo cáo về những rủi ro môi trường khi nuôi côn trùng trong trang trại. Kết quả cho thấy, nếu chất nền nuôi côn trùng không chứa protein có nguồn gốc từ chất thải người hoặc động vật nhai lại, khả năng côn trùng phát triển các protein bất thường gây bệnh như bệnh bò điên sẽ giảm.

EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi.EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về quá trình tiêu thụ côn trùng của con người và động vật. Sự tích tụ của các hóa chất như kim loại nặng hoặc asen là một trong những vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét dữ liệu và cân nhắc thực hiện dự án PROteINSECT do Quỹ EC tài trợ nhằm kiểm tra độ an toàn cũng như khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại làm thức ăn chăn nuôi.

Kể từ năm 2013, các thành viên của dự án PROteINSECT đã làm việc với các chuyên gia châu Âu, Trung Quốc, châu Phi để nghiên cứu đưa hai loài ấu trùng ruồi vào chế độ ăn của gà, lợn, cá. Họ nuôi ấu trùng bằng chất thải hữu cơ, sau đó phân tích chất lượng và mức độ an toàn của nguồn thức ăn mới.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thịt toàn cầu dự kiến tăng 72% từ năm 2000 đến năm 2030. Do đó, nguồn cung cấp protein trong thức ăn gia súc cần tăng lên nhanh chóng.

Việc nuôi côn trùng trong trang trại để cung cấp protein cho chăn nuôi sẽ giúp giải phóng đất để trồng cây, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của con người và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát hiện phương pháp mới giúp lợn miễn nhiễm với dịch bệnh

Có thể gây tranh cãi song một nghiên cứu mới đây cho thấy phương pháp chỉnh sửa gene có thể giúp lợn miễn nhiễm với nhiều virus dịch bệnh thường gặp, hạn chế những đợt dịch bệnh vốn gây thiệt hại tới 1,6 tỷ USD mỗi năm cho ngành chăn nuôi gia súc châu Âu. Nghiên cứu do Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh thực hiện và được đăng tải trên tạp chí PLOS Pathogens ngày 23/2.

Các nhà khoa học đã chỉnh sửa một đoạn nhỏ trong bộ ​gene của lợn và tiêm virus Hội chứng Rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) vào lợn đã được chỉnh sửa gene để theo dõi khả năng kháng virus của vật chủ. Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào được lấy từ lợn sau khi được chỉnh sửa gene có khả năng chống chọi được với 2 phân loại của virus PRRS.

Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.
Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.

Nếu bị nhiễm virus này, lợn con sẽ bị viêm phổi, trong khi lợn mẹ sẽ chết khi mang thai. Các tác giả nghiên cứu này nhấn mạnh tế bào từ con lợn sau khi được chỉnh sửa ​gene có thể chặn đứng sự xâm chiếm của virus gây bệnh.

Theo nhà khoa học Alan Archibald, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, qua đó giúp người chăn nuôi giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ông Archibald nhấn mạnh kết quả ban đầu của công trình này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới các giải pháp giúp ứng phó với bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trong ngành chăn nuôi gia súc.

Trong khi đó, Giáo sư Ian Jones thuộc Đại học Reading đánh giá đây là cách tiếp cận “thú vị” trong việc đối phó với những loại virus chưa có vaccine phòng chống. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vẫn còn hạn chế trong phương pháp mới này bởi để phòng chống dịch bệnh, tất cả loài vật nuôi đều phải trải qua quá trình chỉnh sửa gene vốn mất thời gian và khó được chấp thuận. Ngoài ra, cũng xuất hiện quan ngại về việc virus PRRSV có thể biến thể để xâm nhập vào vật nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà ai cập lai siêu trứng

Mô hình nuôi gà hướng trứng VCN-G15 trên nền đệm lót sinh học Trung tâm Khuyến nông Lâm Ðồng thực hiện đã được nhiều nông hộ đón nhận nhiệt tình và kết quả đã có cho thấy một hướng mở trong chăn nuôi.

Anh Xuân Minh Duy, cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm khuyến nông cung cấp thông tin, giống gà VCN-G15 được lai giữa gà mái Ai Cập và gà trống Ukraine, còn được gọi là gà Ai Cập lai 3 máu. Đặc biệt, giống gà này cho năng suất đẻ trứng cao, từ 260 – 265 trứng/con mái/72 tuần, đã được nhiều địa phương đưa vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Lâm Đồng chưa phổ biến gà Ai Cập lai hướng trứng và mục tiêu của mô hình nhằm thay đổi cơ cấu giống vật nuôi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Trung tâm đã chọn giống gà Ai Cập lai 3 máu đưa tới bà con, cùng các nông hộ tham gia mô hình thử nghiệm với mức hỗ trợ trung tâm 60%, bà con đối ứng 40%. mô hình nuôi gà Ai Cập lai lấy trứng

Thăm hộ gia đình ông Đinh Thế Quang, thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, một trong 4 nông hộ tham gia mô hình cho hay: Gia đình ông đã có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm nên chăn nuôi gà lai này cũng không gặp khó khăn nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ thú y theo dõi rất sát sao, đàn gà có vấn đề gì đều được hướng dẫn chạy chữa cụ thể nên tỷ lệ chết rất ít. Ông Quang cho hay, ông thả gà từ tháng 5/2016 và hiện tại đàn gà bắt đầu đẻ trứng. Trứng được thu mua với giá là 33 ngàn đồng/chục, cao hơn vài loại trứng của gà công nghiệp đã từng nuôi trước đây. Bên cạnh đó, gia đình làm nền chuồng gà bằng đệm lót sinh học, phân gà thấm vào lớp thảm và được phân hủy hết nên gần như không còn mùi. Ông Quang nói: “Loại gà lai Ai Cập này dễ nuôi, cho trứng tốt, nhiều bà con xung quanh tới nhà tôi tham quan và cũng có ý nuôi gà này”.

Với 4 nông hộ tham gia mô hình, mỗi hộ thả nuôi 300 gà lai Ai Cập cho thấy kết quả, bắt đầu đẻ trứng và trứng được thu mua cao ngang với giá trứng gà ta, cao hơn hẳn so với các loại trứng gà công nghiệp. Song song đó, việc sử dụng đệm lót cũng khiến môi trường chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ, vừa giảm bệnh cho gà, vừa giảm ô nhiễm không khí xung quanh. Sau thời gian chăn nuôi, lớp đệm lót này cũng trở thành loại phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Có thể nói bước đầu, gà Ai Cập lai 3 máu đã phù hợp với khí hậu Lâm Hà, tỷ lệ gà chết thấp, tỷ lệ cho trứng cao và có khả năng trở thành vật nuôi có hiệu quả với quy mô nông hộ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chăn nuôi gà ” mặt quỷ”

Gà “mặt quỷ” có xuất xứ từ đảo Java, Indonesia, được đánh giá là giống gà đắt nhất thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, loài này đang mở ra triển vọng về doanh thu và lợi nhuận cao trong chăn nuôi.

Xuất phát từ niềm đam mê “sưu tập” các loài gà quý, năm 2014, anh Phan Minh Hồng (P. Tân Bình, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã đưa giống gà này về Việt Nam với 14 con gồm 6 con trống và 8 con mái, giá nhập 20 triệu đồng/con.

gà ” mặt quỷ”

Gà “mặt quỷ” có đặc điểm là toàn bộ thân hình từ nội tạng tới lông cánh đều có màu đen. Theo các nhà khoa học, chất Fibromelanosis trong cơ thể gà đã thúc đẩy sự phát triển của tế bào sắc tố đen. Gen tạo ra chất này là gen đột biến. Loài gà này được coi là vật nuôi may mắn, còn thịt gà giàu dinh dưỡng, rất tốt cho phụ nữ trước và sau sinh.

Với kinh nghiệm chăm sóc các loại gà trước đó, anh Hồng đã nhanh chóng thuần dưỡng được loài gà này, tập dần cho chúng ăn uống theo cách nuôi truyền thống. Thức ăn chính cho gà là bắp và cám viên. Đến nay, trại của anh đã ấp nở thành công gần 100 con, đang phát triển ổn định. Anh Hồng cho biết, tỷ lệ ấp và sống sót trong thời gian đầu không cao, chỉ đạt 70 – 80%, tỷ lệ hao hụt tới 20 – 30%. Tuy nhiên, giá loại gà này rất cao, một con giống anh cung cấp đến 1,5 triệu đồng, còn một cặp gà trưởng thành giá 50 triệu đồng. Hiện tại, gà mặt quỷ ở trang trại của anh Hồng vẫn đang tiêu thụ tốt, hứa hẹn mang về nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chọn và phối giống ở chim cút

Với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt chương trình 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch. Bà con cần lưu ý khâu chọn và phối giống cho chim cút

Chim cút

                                                              Chim Cút

* Chọn giống: Chọn mua cút ở những cơ sở sản xuất giống bố mẹ.

Cút giống phải khỏe mạnh, không dịch bệnh, dị tật, nhanh nhẹn, háu ăn…

Tỷ lệ đẻ, ấp nở, nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, ổn định và đồng đều…

Tránh đồng huyết, dòng bố, dòng mẹ nuôi tách riêng để chọn lọc và ghép đôi giao phối…

Từ ngày 25 chọn lọc những con đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi riêng.

Cút trống, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn con cái, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, ngực nở, lông ngực vàng, 25 ngày tuổi nặng 70-90gr.

Cút mái, đầu thanh, cổ nhỏ, lông da bóng mượt, lông ngực có đốm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại…

Trọng lượng lớn hơn cút trống.

* Phối giống: Phải trên 3 tháng mới cho phối giống, phối giống sớm quá sẽ làm cho bầy cút mau tàn….

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam