Nuôi tôm thời công nghệ số

Vượt qua những sóng gió thị trường song hành cùng dịch bệnh tôm đe dọa, người nuôi tôm ở ĐBSCL dần tìm ra cách xoay xở “tiến – thoái” hiệu quả.

Trong các biện pháp, dấu ấn ứng dụng công nghệ số hóa thành điểm sáng ảo diệu mở ra con đường ngắn nhất đi tới thành công.

Giải pháp công nghệ mới

Rynan Mekong – Smart Agriculture Network mở App Store cài đặt Smart phone, đăng nhập, ứng dụng. Dân nuôi tôm hay làm ruộng vườn có thể cập nhật qua màn hình điện thoại thông minh trong lòng bàn tay. Các Icon hiển thị về quan trắc nước, quản lý thiết bị, quản lý nước canh tác, giám sát sâu rầy, bảng màu lá lúa, thương mại điện tử, giá cả thị trường…

Tôi thử chạm vào Icon mạng lưới quan trắc xem chi tiết tại một trạm quan trắc. Tại điểm Vàm Trà Vinh, vào lúc giờ – ngày – tháng – năm: Độ mặn bao nhiêu g/L, pH, mực nước, độ kiềm hay thời tiết trong ngày đều hiện rõ các chỉ số.

Một ngày cuối năm 2019, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers (Trà Vinh) – một Việt kiều Canada nổi tiếng sở hữu 200 bằng sáng chế, về trường Đại học Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học “Quản lý đất và Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) – Mylan Group chuyển giao phao quan trắc ở tỉnh Trà Vinh.

 

Ông trình bày Ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác nông nghiệp như mối quan tâm nhiệt thành mà ông bày tỏ khi trở về quê hương mình. Quan sát về hệ thống canh tác nông nghiệp, TS Mỹ hướng góc nhìn mới, thông qua giải pháp công nghệ ứng dụng để không chỉ giúp nông dân Trà Vinh quê ông, nông dân nội vùng ĐBSCL mà ước muốn mở rộng phạm vi địa lý rộng lớn với nhiều lĩnh vực đa ngành.

Gặp tôi, ông cười tươi kể lại ứng dụng Rynan Technologies chứng minh thành công nhất là được ngày càng nhiều nông dân dễ dàng cập nhật, ứng dụng.

Sau khi công ty của ông trao tặng, lắp đặt 2 phao quan trắc đầu tiên đặt trên sông thử nghiệm ở Trà Vinh đã góp phần giúp chính quyền địa phương và người dân nuôi tôm hay canh tác lúa, bảo vệ vườn cây trong mùa hạn – mặn gay gắt. Số lượng phao quan trắc đặt hàng và chuyển giao về các địa phương vùng ven biển.

Riêng tỉnh Trà Vinh – nơi “đại bản doanh” của Tập đoàn Mylan Group của TS Mỹ, được bố trí lắp đặt mạng lưới phao quan trắc tăng lên gần 20 phao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhớ ngày đầu “trình làng” Rynan Technologies – giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0” sáng tạo của TS Nguyễn Thanh Mỹ được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong các sản phẩm công nghệ rất cao.

Rynan Technologies tạo ra từ ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được khi nào độ mặn giảm đúng theo chỉ số yêu cầu để bơm nước vào ao nuôi tôm hay độ mặn giảm hơn dưới mức cho phép để bơm lấy nước ngọt bơm tưới cho cây trồng.

Những điểm sáng

Trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong tự lực đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay quản lý tôm giống, nước cấp – ao nuôi – ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Nhờ đó kết quả thu hoạch các vụ tôm gần đây đạt cao hơn, đồng thời tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh giảm đến mức thấp nhất.

Ba năm nay, người dân Sóc Trăng trúng mùa tôm liên tiếp nhờ ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Một trong những điểm tạo dấu ấn chính là an toàn sinh học áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Nghề nuôi tôm hiện còn mang tính rủi ro rất cao trước những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp. Khó khăn nhất là nuôi tôm vụ 2 thường gặp thời tiết bất lợi do mùa mưa.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng cách sử dụng vi sinh để làm sạch đáy ao. Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi.

Trên thực tế từ những năm qua công nghệ nuôi tôm 4.0 của Tập đoàn Việt Úc đang trở thành điểm sáng. Hội đủ các điều kiện về tiềm lực vốn và chủ động hai yếu tố “sạch” tiên quyết – Là nhà sản xuất tôm giống sạch hàng đầu cùng với giải pháp kiểm soát nguồn nước tốt nhất. Việt Úc tâm huyết ứng dụng CNC vào sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị nuôi tôm, với tham vọng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu phức hợp nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.

Tại thủ phủ tôm Bạc Liêu, Việt Úc là công ty đầu tiên đầu tư khu nuôi tôm trong nhà màng (nhà kính) với quy mô lớn khoảng 315ha. Mỗi nhà màng rộng 1ha, bao trùm bởi khung nhà kính không gian nhịp lớn và chứa trong đó 10 ao nuôi tôm. Chính giải pháp kỹ thuật nhà màng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát môi trường ổn định và an toàn về mặt sinh học. Tôm nuôi không bị sốc nhiệt đồng thời ngăn ngừa các dịch bệnh.

Bên cạnh đó một hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước bảo đảm nguồn cấp nước sạch vừa đủ nuôi tôm không hao phí. Hơn nữa Việt Úc còn đầu tư hệ thống tự động cho tôm ăn với các cảm biến, máy tính theo dõi biết mỗi khi tôm đói sẽ tự động đưa lượng thức ăn hợp lý, ưu điểm không tốn phí thức ăn thừa.

Việt Úc tự tin đầu tư khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bắt đầu từ nền tảng căn bản con tôm bố mẹ tạo ra tôm giống sạch. Mỗi nhà màng giá trị đầu tư 7 tỷ đồng kỳ vọng thành công nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ 80 – 100%. Theo mô hình này có thể thả nuôi tôm mật độ khá dày, chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch và một năm nuôi được 3 vụ, với năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Tập đoàn Việt Úc đang dự trù kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm CNC tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ninh, với mục tiêu hướng tới hình thành một vùng nuôi tôm rộng lớn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo ra sản phẩm tôm tốt nhất của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Những điểm nhấn ngành nông nghiệp 10 tháng đầu năm

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng thị trường và duy trì đà tăng trưởng về kim ngạch XK nông lâm thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi bước đầu được kiểm soát; sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản…

 

Sẵn sàng đón Đoàn thanh tra EC

Theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ có chuyến làm việc tại Việt Nam để đánh giá nhằm đưa ra quyết định tiếp theo về “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng công tác chuẩn bị nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam.

 

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã xây dựng kế hoạch chi tiết đón đoàn thanh tra của EC đối với các Bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn các địa phương, DN triển khai. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu, hồ sơ để phục vụ Đoàn thanh tra EC…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng: Với sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và kết quả thực hiện thời gian qua, Việt Nam có thể kỳ vọng phía EC sẽ xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản từ khai thác của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến thời điểm này, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều công tác nhằm đáp ứng các yêu cầu của EC về chống khai thác IUU.

Cụ thể, đã chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Hiện nay, có 7 đơn vị (VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Blue Tracker) cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Số lượng tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cụ thể đến nay như sau: Nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên: 2.019/2.618 tàu cá (chiếm 77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét: 4.996/28.923 tàu cá (chiếm 17,3%)

Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai quy định về quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Theo đó, đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam; ban hành Quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam…

Về tổ chức thực thi pháp luật, từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tổng cục Thủy sản đã lập và công bố công khai danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 

Theo đó từ ngày 1/01/2019 đến tháng 10/9/2019, đã công bố công khai 118 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản (đang xác minh 69 tàu)…

Hiện 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Bộ NN-PTNT đã công bố 4 đợt cho 60 cảng cá thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác; công bố danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các DN trong quá trình XK…

 

Tích cực khôi phục, tái đàn lợn có điều kiện

Theo Bộ NN-PTNT, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do thời tiết thay đổi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện nghiêm một số giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh.

10 tháng đầu năm 2019, ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là khó khăn, thách thức lớn của toàn ngành nông nghiệp. Với các giải pháp triển khai phòng chống đồng bộ, quyết liệt của toàn ngành nông nghiệp, từ tháng 6/2019, tình hình DTLCP đã có chiều hướng đi xuống.

DTLCP đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019 (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra trại giống lợn phục vụ tái đàn tại tỉnh Hưng Yên).

 

Cụ thể đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm). Đến thời điểm này, đã có hơn 45% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 22 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và chỉ còn 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Riêng tỉnh Hưng Yên (bùng phát dịch đầu tiên cả nước) hiện đã hết dịch.

Thời gian qua, với định hướng đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), đại đa số người chăn nuôi đã quan tâm, áp dụng có hiệu quả các biện pháp ATSH và vệ sinh phòng bệnh, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh các biện pháp ATSH, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế hoặc không bị nhiễm bệnh DTLCP.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh cho nguồn lợn giống đã được triển khai chặt chẽ. Cụ thể, đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm việc cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương trong tình hình DTLCP đang giảm.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập tại các địa phương do việc sắp xếp lại hệ thống thú y, nhất là việc sáp nhập Trạm Thú y với các ngành khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thuộc UBND cấp huyện.

Theo đó, nhiều địa phương không bố trí nhân viên thú y xã. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số người làm công tác thú y cấp xã đến cấp tỉnh đã bị cắt giảm, nghỉ việc đến thời điểm này đã lên tới 5.342 người.

Việc sáp nhập hệ thống thú y cũng khiến công tác đào tạo, tập huấn cho các cán thú y tuyến cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nơi đã không còn thực hiện được do không còn hệ thống thú y các cấp.

Ở một số địa phương, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và triển khai quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; chưa tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

10 tháng đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản XK.

Ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường Trung Quốc, tuy nhiên 10 tháng đầu năm 2019, XK nông lâm thủy sản vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng.

Theo đó, đã gia tăng số DN được phép XK thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út, với tổng số 13 DN tiếp tục được XK cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, mở rộng XK nông sản sang một số thị trường mới, đặc biệt là việc đàm phán, mở cửa cho măng cụt, sữa được XK sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2019 theo kế hoạch đề ra… Nhờ đó, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,2 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

 

Đối với thủy sản, bên cạnh việc duy trì ở những thị trường XK chủ lực, khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…, đến nay, riêng thị trường Trung Quốc đã chấp thuận NK từ Việt Nam 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi cá ở hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam

Sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, hồ Séo Mý Tỷ giống như một dải lụa trắng vắt ngang những ngọn núi, quanh năm mây phủ.

 

  Một góc lồng nuôi cá nước lạnh ở hồ nhân tạo Séo Mý Tỷ.

 

Hồ nước nằm ở độ cao lên đến trên 1.600m so với mực nước biển, cộng với khí hậu mát mẻ đã khiến hồ Séo Mý Tỷ có điều kiện tuyệt vời nhất ở Sa Pa để nuôi cá nước lạnh.

 

Từ ý tưởng của kỹ sư điện

Séo Mý Tỷ là một thôn nhỏ của xã Tả Van, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) chừng hơn 20km. Sau khi ngăn đập, xây dựng thủy điện ở đây, Séo Mý Tỷ được sở hữu một hồ nước nhân tạo có diện tích tới hơn 57ha và được coi là hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam.

Chỉ hơn với quãng đường ấy mà từ Sa Pa để tới Séo Mý Tỷ phải mất hơn 2h đồng hồ bởi đường sá đi lại rất khó khăn. Gọi là đường cho oách chứ thực chất chỉ là lối mòn được xe xúc san gạt rộng hơn, ô tô có thể đi được. Trước đây, lên Séo Mý Tỷ trời mưa bà con chỉ có cách đi ngựa hoặc cuốc bộ bởi đường đất lẫn đá sỏi rất khó đi.

Ở Séo Mý Tỷ, thời điểm này nhiệt độ ban ngày chỉ khoảng 17-18 độ C, còn ban đêm có thể lạnh sâu hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Quyết – Giám đốc Cty cổ phần cá hồi, cá tầm Sa Pa – người gốc Thái Bình, sau nhiều năm làm cán bộ ngành điện và gắn bó với Séo Mý Tỷ nhận thấy rằng thời tiết, khí hậu nơi này cũng như môi trường nước của hồ nhân tạo rất phù hợp với việc nuôi cá tầm và cá hồi. Ý tưởng là vậy nhưng để triển khai gặp rất nhiều khó khăn, khi mà ở Lào Cai việc nuôi cá nước lạnh với quy mô lớn ở hồ chưa có nơi nào làm.

Sau những ngày trăn trở, ông Quyết tới nhiều nơi như Sơn La, Yên Bái… để học cách nuôi, rồi tìm chuyên gia, nuôi thử nghiệm… bởi với vốn kiến thức của một kỹ sư ngành điện thì không thể làm được. Một khó khăn khác đó là nguồn vốn, ông Quyết nhẩm tính với mô hình hơn 5.000m2 diện tích mặt hồ cần tới cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, rất may với uy tín của mình ông Quyết vận động được nhiều anh em cán bộ, công nhân trong ngành góp sức, ủng hộ. Chỉ vài chục triệu đồng mỗi người đóng góp vào, số vốn đã đủ để biến từ ý tưởng thành hiện thực.

 

Con cá tầm nặng hơn 5kg ở nuôi ở hồ Séo Mý Tỷ.

 

Cho đến nay, hàng vạn con cá hồi, cá tầm nhờ được chăm sóc đúng cách nên chúng tăng trưởng rất tốt.

 

Thích làm công nhân

Có được thành quả trên, không thể không nói đến những người công nhân ngày đêm chăm bẵm cho lũ cá, thậm chí phải luân phiên trực đêm. Cửa sổ của khu nhà công nhân ở nhìn thẳng ra những lồng cá trên hồ.

Anh Giàng Thành Công sinh ra và lớn lên ở Séo Mý Tỷ, nhà không quá xa nhưng phiên trực và giờ giấc làm việc ở đây Công đều tuân thủ hết sức nghiêm túc.

Ở nhà anh Công hiện trồng 500 gốc mận máu chó, gần 100 con dê, chưa kể nương thảo quả. Số lượng cây trồng vật nuôi trên đủ cho gia đình nhà anh Công có cuộc sống khấm khá ở Séo Mý Tỷ nhưng anh Công vẫn thích cuộc sống của người công nhân với thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Một nhẽ khác, ông của anh Công trước là cán bộ của xã Tả Van nên từ nhỏ anh Công cũng được chỉ bảo nhiều.

Môi trường sinh hoạt mang tính chất tập thể, cách làm việc chuyên nghiệp của công ty giúp anh Công trưởng thành hơn. Hơn nữa, anh Công còn được học hỏi kinh nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm, nhất là với quy mô lớn, với khoa học công nghệ chứ không chỉ là kinh nghiệm nuôi nhỏ lẻ theo cách truyền thống. Nhất là ở Séo Mý Tỷ không phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận khi mà tập tục sống của bà con ở đây chưa xóa hết các hủ tục như cúng đuổi ma, mời thầy làm phép… dù chỉ là tai nạn xe máy.

“Có khi người ta còn phải bỏ tiền ra để đi học hoặc làm thuê không công ý chứ”, anh Công nói.

Cũng như những người đồng nghiệp ở đây, mỗi ngày nhìn đàn cá lớn lên anh công đều thấy phấn chấn bởi mỗi con cá đều có công sức của tất cả những người công nhân chăm chút. Chưa kể, chỉ nói riêng về thức ăn nuôi cá hồi, cá tầm, công ty còn được bạn hàng cung cấp thức ăn đến đo đạc, lấy mẫu nước hồ, để sản xuất lại cám có định lượng dinh dưỡng phù hợp.

 

Khác biệt về chất lượng

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết, giống cá tầm Seberia được thả ở hồ này cho thịt thơm ngon, có nhiều lồng chuẩn bị xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng trung bình khoảng 4,5-5kg. Cá này được thị trường rất chuộng, hiện có giá khoảng 160 nghìn đồng/kg. Còn một loại cá tầm khác là cá tầm Nga, loại cá này sẽ nuôi tới 5-6 năm nữa, để lấy trứng.

“Những hạt trứng cá tầm Nga đen láy này mang lại giá trị rất lớn, hiện có tới 2 triệu đồng mỗi lạng” – ông Quyết nói.

Ông Nguyễn Văn Quyết (phải) cùng công nhân chăm đàn cá.

 

Còn giống cá hồi Na Uy thả ở hồ cũng khẳng định được chất lượng từ lâu, nhất là việc nuôi ở môi trường khí hậu tương đồng Sa Pa cho thịt ngon, ngọt, màu sắc đẹp.

Ông Quyết bảo, chất lượng cá tầm, cá hồi thịt rất thơm ngon còn do môi trường hồ có nhiều vi sinh vật như tôm tép, cá con. Các vi sinh vật này bổ sung nhiều vitamin cho cá, khiến thịt cá tầm thì vàng hơn, thịt hồi đỏ hơn so với nuôi trên bể.

Chất lượng cá giống đầu vào tốt nhưng để cá lớn đều, tăng cân tốt đòi hỏi người công nhân theo dõi chặt chẽ những điều kiện môi trường nước, nhiệt độ và đặc biệt tuân thủ quy trình chăm nuôi.

Ông Trần Văn Sâm, người Yên Bái, bảo ở miết trên này rồi cũng quen, công việc khiến mình không thể bỏ dở. Cá cho ăn theo giờ, cả đêm hôm gió lạnh cũng phải dậy bật đèn, chèo thuyền ra vãi thức ăn cho cá.

“Ở đây quen bà con có cỗ lễ cũng đều mời nên bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà. Cỗ lễ cũng phải uống với bà con chén rượu nhưng giờ làm anh em công nhân tuyệt đối không đụng đến. Bởi ra ngoài đêm hôm gió máy, lại đi lại trên trên cầu phao nhỡ ngã xuống hồ sẽ nguy hiểm cả tính mạng” – ông Sâm nói.

Cùng ông Sâm còn có anh Trần Văn Thành, nhà ở thành phố Lào Cai nhưng 3 tháng, anh mới về nhà một lần. Cả anh Nguyễn Văn Luân gần 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Thế nên, công ty treo thưởng rất lớn cho những anh… thoát ế.

Bữa cơm chiều muộn ở Séo Mý Tỷ, anh em công nhân đùa rằng yêu cá hơn yêu bạn gái. Thực ra, cũng dễ lý giải điều này bởi họ là những người công nhân nhưng cũng vừa là người làm chủ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nam Trung Bộ khẩn trương bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản

Trong khi cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản…

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Pa-La-Oan (Philippines) có 1 vùng áp thấp đang hoạt động. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,0 – 11,0 độ vĩ Bắc; 120,0 – 121,0 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippines) khoảng 100km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km/h, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh về hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chủ nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang giằng chống, gia cố lồng bè đối phó với bão.

 

Trước dự báo trên, ngành chức năng ở “thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã giằng chống kỹ lưỡng lồng bè của mình để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

“Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh khi có thông báo của ngành chức năng, tất cả những người đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức di dời vào đất liền, nếu ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị ngành chức năng cưỡng chế đưa vào bờ, để tránh thiệt hại về người”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Lồng bè nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được giằng chống, gia cố chắc chắn.

 

Ở Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng Mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi niên vụ 2019 – 2020 với 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi.

Trước dự báo cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện đã giằng chống, gia cố tất cả các lồng bè để đối phó với bão. Đồng thời ngành chức năng tỉnh này cũng đã khuyến cáo chủ các hộ nuôi phải di dời vào bờ an toàn khi có bão đến.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Từng ao nuôi Cá Tra được mã hóa như thế nào?

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.

 

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.

 

Điều kiện cần

Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.

Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi.

 

Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

 

Cung cách làm ăn mới

Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu hiện diện trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.

Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.

Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.

Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.

Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.

Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

Thu hoạch cá tra

 

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao – điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.

Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi ốc hương thu tiền tỷ trên xứ gió Lào, cát trắng

Sau mấy năm nuôi tôm thất bát, anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chuyển qua nuôi ốc hương sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở khắp nơi, anh Nghĩa đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đấu thầu 8 nghìn m2 đất của địa phương ở vùng ven biển để đầu tư nuôi tôm.

Nuôi tôm trên cát như “đánh bạc với trời”, vụ được, vụ mất. Vòng quay vay nợ, trả nợ làm cho vợ chồng anh Nghĩa tái mặt mà cũng chắng tích cóp được mấy đồng vốn. Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương.

Trang trại nuôi ốc hương của anh Nghĩa.

 

“Cũng là cái duyên”- anh Nghĩa mở đầu câu chuyện. Chuyện là khi đang bí về việc nên theo đuổi nghề tôm như đánh bạc hay không thì anh Nghĩa kết bạn được với thanh niên trẻ Nguyễn Bình Dương.

Dương là người đã từng có kinh nghiệm nuôi ốc hương cho các ông chủ ở các tỉnh phía Nam. Thấy vùng đất có tiềm năng nên Dương động viên anh Nghĩa chuyển nghề.

“Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Tuy nhiên, vào tháng thứ 9 là thu hoạch được. Việc thu hoạch được lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán. Loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán”- anh Nghĩa cho biết.

Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm được Dương truyền lại, anh Nghĩa đã chịu khó tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Bình cũng đã tích cực hỗ trợ mô hình.

Nhờ đó, anh đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước…

Giống nuôi được lấy từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Từ lúc thả cho đến ốc hương trong vòng 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ.

Sau nuôi được 3 tháng ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. “Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay”- anh Nghĩa cho hay.

Kiểm tra sinh trưởng của ốc.

 

Buổi sáng, khi chúng tôi đến trang trại, đã thấy anh Nghĩa xuất bán cho bạn hàng hơn 2 tạ ốc hương. “Giá mỗi kg là 350 ngàn đồng. Đó là giá trung bình thấp. Khi giá lên, có thể bán được từ 450-500 ngàn đồng/kg”- anh Nghĩa bộc bạch.

Hiện anh Nghĩa có 4 hồ nuôi. Mỗi hồ có diện tích 1.500m2. Qua 2 vụ, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Năm trước, sản lượng đạt 15 tấn, từ ốc hương cho lãi 1,5 tỷ đồng. “Năm nay, sản lượng và giá cả có ổn hơn nên số lãi chắc cũng có nhích lên chút”- anh Nghĩa cho biết thêm.

Ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống khá lớn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, bạn hàng của anh Nghĩa mới chỉ trong nước, phục vụ cho nhu cầu của các nhà hàng hướng đến khách hàng cao cấp.

Hiện nay, trang trại của anh Nghĩa tạo việc làm quanh năm cho 10 lao động. Hầu như mọi lao động đều được ăn, nghỉ tại chỗ và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Đình Dương, cán bộ kỹ thuật chia sẻ: “Trước đây, tôi phải bôn ba vào các tỉnh phía Nam làm thuê để kiếm sống với nghề nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng từ khi được cộng tác với anh Nghĩa làm ở đây, tôi vừa làm ở gần nhà, giúp đỡ phần nào cho gia đình, vừa có đồng lương ổn định. Ngoài ra còn có tiền thưởng nên anh em ai cũng phấn khởi và có trách nhiệm, gắn bó với công việc”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Bình: “Đây là dự án nuôi ốc hương đầu tiên của tỉnh được trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn mở rộng cho những vùng ven biển có điều kiện tốt”.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi ốc hương, anh Nghĩa cho hay, thời tiết là vấn đề đáng quan tâm. Ốc hương thích nghi với tiết thu dịu mát. Nhưng ở Quảng Bình nắng mưa thất thường. Lúc thì quá nóng và kéo dài, khi thì quá lạnh đột ngột.

“Vậy nên cần điều tiết nước cho phù hợp. Điều này cần phải có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được”- anh Nghĩa nói.

Đưa chúng tôi xem hồ nuôi ốc hương thương phẩm rồi anh Nghĩa chỉ tay về phía vùng đất sát bên. Định hướng tới là anh sẽ mở rộng thêm 4 hồ nữa để tăng sản lượng và thu nhập.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyết bởi Farmtech Vietnam

Nuôi Tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.

 

Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.

 

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.

Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.

Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.

Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.

Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.

So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi Tôm sạch ở Sóc Trăng

Vùng ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng từ đầu tháng 10/2019 đến nay mưa ngớt dần, nhiều khả năng hạn sẽ tới sớm. Dự báo trồng trọt sẽ thiếu nước tưới, nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh.

 

Ao nuôi Tôm của trại Tân Nam (Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

 

Hiện một số địa phương ở Sóc Trăng phát hiện tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh nặng hơn là phân trắng khiến bà con chưa dám thả tôm giống vụ 2.

Vừa qua, một công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu lớn đã tổ chức hội thảo về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm. Tại đây, các nhà khoa học của công ty này cho biết, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên đang bùng phát và gây thiệt hại nặng. Vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Cũng theo các chuyên gia nuôi tôm của công ty trên, đối với 2 bệnh này hiện chưa có thuốc trị, giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất “4 sạch”.

Trước hết là sạch về con giống. Con giống trước khi xuất bán được kiểm tra 10 loại dịch bệnh, khi nào tất cả đều âm tính, mới cho xuất bán ra thị trường. Nếu kiểm tra không đạt sẽ hủy bỏ toàn bộ. Thực tế cho thấy, các trang trại lớn nuôi tôm khi nhận con giống của công ty về kiểm lại đều không phát hiện bệnh. Nhưng đối với con giống một số công ty khác khi kiểm dịch, thỉnh thoảng vẫn có dương tính với một số loại bệnh.

 

Nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm.

 

Vấn đề thứ hai là nước sạch. Để có nước sạch, quy trình xử lý rất quan trọng, bởi cần làm cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám, bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt.

Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm. Nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản, nuôi tôm, nếu không có giá thể chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết. Nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm…Do đó việc khử trùng toàn bộ một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Nuôi tôm trúng vụ.

 

Kinh nghiệm từ mô hình nuôi ao nổi cũng là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, vừa tiết kiệm được năng lượng, tăng oxy hòa tan. Tuy vậy có điều khi thu hoạch tốn công dọn dẹp hệ thống oxy rất nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm giống “4 sạch”, trại nuôi tôm Tân Nam ở Vĩnh Châu của Công ty Sao Ta thả nuôi vụ chính (vụ 1 năm 2019) mật độ 250 con/m2.

Kết thúc vụ 1 thu hoạch khá tốt, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90%, trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là xem như trúng vụ. Thành công của Tân Nam ở các vụ nuôi vừa qua, nuôi đạt theo tiêu chuẩn ASC và BAP là do sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng.

Trong vụ 2 Tân Nam đã thả nuôi dứt điểm với 200 ao, nhưng mật độ thả giảm xuống còn 200 con/m2. Đến nay những ao thả đầu tiên đến nay đã qua hơn 2 tháng. Nhờ thời tiết dứt mưa nên tình hình chung nuôi tôm khá thuận lợi.

Hơn nữa kinh nghiệm nuôi tôm của Tân Nam cho thấy việc sử dụng vi sinh tự nghiên cứu để chiếm chỗ đáy ao nuôi, hạn chế vi khuẩn có hại. Trong khi đa số người nuôi tôm rất sợ nắng nóng dễ phát sinh vi khuẩn vibrio para, nhưng với trại Tân Nam nắng là tốt.

Trước đây, mỗi ngày trại chỉ sản xuất 2.000 lít vi sinh, năm nay tăng lên đến 4.000 lít/ngày. Đây là một trong điểm tạo nên thành công của trại nuôi và là mơi có một không hai về tự chủ nguồn vi sinh có hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam