Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Trong nuôi tôm, độ kiềm là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi. Kiểm tra độ kiềm hàng tuần là cần thiết trong quản lý ao nuôi tôm. Bài viết cung cấp kinh nghiệm đo độ kiềm trong ao nuôi tôm cá.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Độ kiềm trong nước là gì?

Độ kiềm là thước đo khả năng trung hòa acid của nước. Trong nuôi trồng thủy sản độ kiềm chỉ hàm lượng các ion HCO3-, CO32-, OH- trong nước, đơn vị là mg CaCO3/L .

Tầm quan trọng độ kiềm trong nước

Độ kiềm trong nước ít có tác động trực tiếp đến đời sống của các loài thủy sản nhưng lại tác động lên các yếu tố có liên quan như sự phát triển của thủy thực vật (tảo), ảnh hưởng tới pH, ảnh hưởng đến mức độ độc hại của khí độc và kim loại nặng trong nước. Năng suất sơ cấp (tảo) của ao nuôi tỉ lệ thuận với độ kiềm, vì vậy ao nuôi có độ kiềm cao dễ gây tảo hơn.

Nhiều người nuôi tôm mặc định là khi trời mưa phải bón vôi nhưng chưa thật sự hiểu được ý nghĩa thật sự của nó. Nước mưa mang theo lượng lớn acid chúng làm trung hòa lượng bicarbonate làm độ kiềm giảm kéo theo pH giảm đột ngột. Kiềm và pH giảm cùng lúc ảnh hưởng xấu đến tôm nếu không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời tôm nuôi sẽ gặp sự cố ngay.

Lưu ý khi đo độ kiềm

Vì độ kiềm đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm do đó người nuôi tôm thường phải đo độ kiềm ít nhất 1 lần trong ngày. Để đo độ kiềm người ta thường sử dụng 3 cách:

– Phương pháp chuẩn độ: Dùng khi cần độ chính xác cao và trong phòng thí nghiệm.

– Sử dụng máy đo: Máy đo hiện tại vẫn chưa tiện dụng nên vẫn cần những thao tác phức tạp và chi phí khá cao.

– Sử dụng bộ test kít: Đây là phương pháp được nhiều sự lựa chọn bởi thao tác thực hiện đơn giản, giá rẻ có thể áp dụng nhanh trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Một số lưu ý giúp bạn đo độ kiềm ao nuôi chính xác hơn:

– Lựa chọn loại Test kít uy tín dựa trên độ chính xác và độ đơn giản thao tác: Bộ Test kH được sử dụng nhiều hiện nay là bộ test kH của Sera (Đức) với ưu điểm kiểm tra nhanh, thao tác dễ dàng và độ tin cậy cao (Bạn có thể tham khảo tại đây).

– Đọc kỹ hướng dẫn thao tác kèm theo bộ Test và thao tác đúng quy trình đó để có kết quả tốt nhất.

– Luôn bảo quản thuốc thử nơi khô ráo thoáng mát và theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất. Nghi ngờ thuốc thử hỏng phải dùng mẫu mới kiểm tra đối chiếu.

– Khui nắp: Nếu nắp đậy lọ thuốc thử có đầu kim thì dùng đầu kim này để chích vào nắp nhỏ giọt. Nếu không thì dùng dao cắt lỗ nhỏ sao cho thuốc thử không tự chảy ra khi úp ngược lọ mẫu.

– Ống nghiệm luôn phải được vệ sinh bằng nước sạch trước và sau khi sử dụng.

– Lắc kỹ thuốc thử trước khi kiểm tra.

– Tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu như: mẫu mang tính đại diện vị trí lấy mẫu phải lấy ở tầng giữa cách mặt nước 50cm, dụng cụ thu mẫu, bảo quản và vẫn chuyển mẫu phải đảm bảo sạch.

– Không thu mẫu ngay sau khi xử lý hóa chất xuống ao.

– Mẫu nước đưa lên phải được đo ngay khi có thể hoặc mẫu phải được chuyển ngay đến phòng thí nghiệm. Việc đo các thông số của mẫu nước sẽ ít sai số hơn khi thực hiện đo nhanh trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu nước.

Độ kiềm phù hợp trong ao nuôi trồng thủy sản 75mg/l – 200mg/l với tôm thẻ chân trắng độ kiềm thích hợp là 120 – 150 mg CaCO3/l, với tôm sú độ kiềm thích hợp là 80 – 120 mg CaCO3/L.

Độ kiềm trong ao nuôi tôm thấp thường do: độ mặn thấp, ao bị phèn, thực vật phù du (tảo) phát triển mạnh, 2 mảnh vỏ ốc quá nhiều. Để tăng kiềm tốt nhất kết hợp loại bỏ các tác nhân này kết hợp bón vôi CaCO3 hoặc sử dụng Sodium bicarbonate (soda), liều soda 1,68mg/l để phục hồi 1mg/L kiềm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Đại lý thức ăn cũng “lao đao” sau bão

Sau cơn bão số 12, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, kéo theo các đại lý thức ăn thủy sản cũng lâm vào cảnh khó khăn do không thu hồi được số tiền bán thức ăn nuôi thủy sản.

Nhiều hộ nợ tiền thức ăn nuôi thủy sản

Mua nợ gối đầu

Ông Nguyễn Đình Huân – chủ đại lý thức ăn thủy sản Đình Huân ở tổ dân phố Hội Phước (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đang lo lắng khi những ngày qua, nhân viên kinh doanh của Công ty Tongwei Việt Nam liên tục nhắc nợ khoản tiền thuốc thú y, thức ăn thủy sản mà đại lý còn thiếu. “Những năm qua, người nuôi tôm ở phường Ninh Hà đều khá uy tín. Trong vụ, họ đều lấy chịu thức ăn từ đại lý chúng tôi, đến cuối vụ xuất bán tôm xong là thanh toán toàn bộ số tiền nợ. Tuy nhiên, vụ tôm cuối năm 2017, toàn bộ tôm bị cuốn phăng theo bão, người nuôi không còn gì để trả nợ tiền mua thức ăn. Trong khi đó, công ty không cho nợ nên gia đình tôi đang phải lo tiền trả cho công ty”. Lật cuốn sổ ghi nợ cho chúng tôi xem, trong số người nuôi mua nợ thức ăn cho tôm từ đại lý của gia đình ông, người ít thì 20 – 30 triệu đồng, người nhiều 50 – 60 triệu đồng, tính ra số nợ lên đến cả tỷ đồng. Ngoài đại lý Đình Huân, 3 đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản tại phường Ninh Hà và các địa phương khác ở thị xã Ninh Hòa đều rơi vào cảnh tương tự, có đại lý số nợ lên đến 2 – 3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Âu – người nuôi tôm ở khu vực Hà Liên cho biết: “Vụ nuôi cuối năm, gia đình tôi thả nuôi 20 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau 50 ngày nuôi, tôm đã đạt kích cỡ 150 con/kg, chưa kịp xuất bán thì bão ập vào, gia đình tôi mất trắng toàn bộ. Hiện nay, tôi đang nợ 60 bao thức ăn từ đại lý với số tiền 18 triệu đồng”. Qua câu chuyện với chủ đại lý thức ăn, ông Âu đề nghị khoanh lại số nợ này, đồng thời mong muốn đại lý tiếp tục bán chịu cho ông chờ vụ nuôi tới sẽ trả.

Các nậu vựa chuyên bán thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè cũng rơi vào cảnh tương tự. Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi lồng bè lớn ở thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), được biết, các chủ nậu vựa không để nông dân nợ lâu tiền thức ăn mà chỉ gối đầu trong 1 tháng. Tuy nhiên, các hộ nuôi lồng bè thường nuôi với số lượng lớn, chi phí thức ăn nhiều nên số nợ trong 1 tháng của hộ nuôi ít cũng đến 60 – 70 triệu đồng, hộ nhiều 400 – 500 triệu đồng. Một chủ vựa kinh doanh thức ăn ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau cơn bão số 12, số tiền các hộ nuôi tôm lồng bè nợ gia đình tôi hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi muốn thu hồi nợ, người nuôi cũng không có để trả nên đành phải khoanh lại số nợ này, đợi người nuôi phục hồi sản xuất, năm sau thu hồi”.

Mong sự chia sẻ

Được biết, để có vốn kinh doanh, hầu hết các nậu vựa đều vay ngân hàng, trong khi thức ăn đã bung ra, nợ chưa thu hồi được nên rất khó khăn. Các chủ nậu vựa kiến nghị ngân hàng xem xét khoanh nợ, miễn, giảm lãi cho các đại lý kinh doanh thức ăn bị ảnh hưởng do bão.

Theo ông Nguyễn Thược – hộ nuôi tôm hùm lồng ở thị trấn Vạn Giã, sau bão, toàn bộ số tôm của gia đình ông mất sạch, ông đang nợ 60 triệu đồng tiền thức ăn từ nậu vựa. Trước mắt, gia đình ông đang xoay xở để làm lại lồng bè, mua giống để thả nuôi tôm lại, từ đó mới có thể có tiền trả nợ. Gia đình ông Trương Thái Hùng – hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh cũng đang nợ 3 tháng tiền mua thức ăn, với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông cho biết, qua trao đổi, các chủ nậu vựa chuyên cung cấp thức ăn thủy sản cho bè nuôi của gia đình đồng ý khoanh lại số nợ nhưng người nuôi phải chịu lãi suất ngân hàng. Riêng đối với số thức ăn mua mới, phải có tiền mua thì họ mới bán.

Qua trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, các địa phương đều xác nhận thực trạng những hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa, lồng bè đang nợ tiền mua thức ăn từ các đại lý, nậu vựa. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong lên đến 16.530 ô lồng, đầm Nha Phu 2.310 ô lồng; thị xã Ninh Hòa 1.025ha ao đìa, huyện Vạn Ninh 640ha ao đìa thì số nợ tiền thức ăn là rất lớn.

Hiện nay, người dân mong muốn bên cạnh việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, các ngân hàng cần xem xét cho người dân vay mới để tái đầu tư; các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão sớm được ban hành, triển khai. Từ đó mới có thể khắc phục được hậu quả, trả các khoản vay, khoản nợ do bão gây ra.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chế tạo thành công vaccine chống lại Betanodavirus

Các nhà nghiên cứu Italia đã nghiên cứu thành công vaccine chống lại Betanodavirus – tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá.

Betanodavirus gây hoại tử thần kinh trên cá.

Chế tạo thành công vaccine chống lại Betanodavirus

 Betanodavirus hoặc virus hoại tử thần kinh (NNV) là một loại virus được phân loại trong họ Nodaviridae. Betanodavirus gây bệnh trên cá có tên gọi là hoại tử thần kinh do virus (VNN) hoặc bệnh não võng mạc do virus võng mạc (VER). Đây là tác nhân gây bệnh hết sức nguy hiểm trên các loài cá biển, hằng năm vẫn gây thiệt hại rất lớn cho các quốc giá trên thế giới.

Nghiên cứu này của các nhà khoa học Italia vận dụng kiến thức sẵn có về phòng chống miễn dịch của cá chẽm châu Âu đối với các chế phẩm kháng nguyên có nguồn gốc từ virus gây hoại tử thần kinh và virus retinopathy (betanodavirus), đại diện cho một mối đe dọa lớn đối với sức khoẻ của loài cá này.

Virus nodavirus có mặt rộng rãi và phân thành nhiều dòng gây nhiễm cho các động vật không xương sống (trong côn trùng, alphanodavirus) và các loài cá, do đó chúng có thể gây ra vấn đề lớn đối với các loài cá nuôi. Nhiều nỗ lực đã được nghiên cứu nhằm hướng tới việc tìm ra các vaccine mới để tạo ra sự bảo vệ trên cá biển, đặc biệt là ở giai đoạn cá nhỏ.

Và những nỗ lực này bao gồm việc sử dụng các chủng betanodavirus bất hoạt làm kháng nguyên, các chất tiêm chủng được bổ sung các chất bổ trợ hoặc các thuốc ức chế miễn dịch.

Kết quả

Kết quả cho thấy các chế phẩm bất hoạt của betanodavirus được tiêm trong màng bụng của cá chẽm có thể gây ra sự nhận biết mầm bệnh đặc hiệu và bảo vệ miễn dịch. Ngoài ra, những nỗ lực thực hiện việc cấp vaccine bằng cách ngâm và cho ăn đang được đánh giá cao và cho thấy những kết quả khả quan và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để cải thiện.

Kết luận

Việc tạo ra vaccine chống lại betanodavirus bằng cách bất hoạt là một bước tiến quan trọng nhằm phát triển nghề nuôi cá biển.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội…

Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản.

Tâm bão quét qua huyện Vạn Ninh – vùng nuôi trồng trọng điểm gây sóng lớn, gió giật mạnh đã đánh chìm toàn bộ lồng bè truyền thống bằng gỗ, cá tôm trôi theo bọt nước, người nuôi “khóc ròng” vì bao nhiêu vốn liếng đều mất sạch.

Gượng dậy sau bão

Gia đình chị Cao Thị Yến Châu ở tổ 8, thị trấn Vạn Giã là một trong những trường hợp bị thiệt hại nặng. Cơn bão vừa qua đã làm gia đình chị mất trắng hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3 – 0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4 – 5 kg/con, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ thế, gia đình chị hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng do vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài để đầu tư SX.

Các lồng bè nuôi truyền thống bằng gỗ bị bão số 12 đánh tan nát

Theo chị Châu, việc khôi phục SX gặp rất nhiều khó khăn do không còn vốn liếng. Sau bão gia đình chị có mót lại một số cây gỗ, phi nhựa và lồng bè rách nát nhưng chẳng tận dụng được bao nhiêu. Do đó để tái SX, chị mong nhà nước sớm hỗ trợ để làm lại từ đầu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cũng than vãn vì bão đã khiến gia đình ông trở nên trắng tay. Gần 30 lồng bè nuôi tôm hùm và cá bớp đã bị bão cướp sạch, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngay cả chiếc bè còn sót lại của gia đình ông cũng tan nát nên muốn nuôi lại phải mất thời gian dài làm bè gần như toàn bộ và cần số tiền rất lớn, hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với người nuôi trồng thủy sản khi các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phi nhựa, lưới đều tăng mạnh từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng/công lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi hiện nay cũng khan hiếm.

Ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh xác nhận, đúng là nhu cầu vật tư làm lồng sau bão đều tăng khiến người nuôi gặp khó khăn, trong khi vốn liếng người dân đã mất sạch. Vì vậy, theo ông Thênh nếu nhà nước không sớm hỗ trợ cho bà con, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn tái SX thì khó mà khôi phục lại như từ đầu.

Nên có mô hình thích ứng BĐKH

Qua thiệt hại nuôi trồng thủy sản vừa qua tại Khánh Hòa mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão. Mặc dù các lồng bè nuôi ven biển đã được người nuôi gia cố, chằng chéo nhưng hầu như bị phá hủy. Bởi lẽ vật liệu làm lồng của người dân chủ yếu bằng gỗ, khung sắt, thùng nhựa nên dễ bị sóng gió mạnh đánh vỡ là điều hiển nhiên.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội. Sở NN-PTNT đề xuất xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng nhựa HDPE tại các vùng nuôi chính như huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh, để bà con nắm bắt và tham quan học tập.

Các lồng nuôi bằng nhựa HDPE chịu được bão cấp 12

Trao đổi NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện các nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE. Bởi hệ thống lồng này có khả năng đánh chìm khi có gió bão và chịu được bão cấp 12, lưới và dây giềng có tuổi thọ từ 7 – 10 năm, bảo hành 20 năm.

Theo đó, về lồng nuôi, có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10m, sâu lưới 5 – 6m, thể tích 500m3; lồng tròn đường kính 12m, sâu lưới 6 – 7m, thể tích 800m3; lồng tròn, đường kính 16m, sâu lưới 7 – 8m, thể tích 1.500m3; Lồng tròn, đường kính 20m, sâu lưới 8 – 10m, thể tích 3.000m3; lồng vuông kích thước: 5x5m, sâu lưới 5m, thể tích 125m3; lồng vuông kích thước 5x5m, sâu lưới 3m… với giá dao động từ 40 – 50 triệu cho đến 350 triệu/lồng.

Toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ neo lồng đặc biệt tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập. Còn hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều.

Về giá đỡ khung lồng được làm 100% bằng nhựa HDPE được SX tại Việt Nam, có độ bền, độ mềm dẻo và độ vững chắc của khung lồng. Túi lưới được dệt không gút, bền, không bị lão hóa và có khả năng chống sinh vật bám được gia cường bởi các dây giềng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới luôn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mỗi nước.

Sự minh bạch thiết yếu

Băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải tỏa khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang – Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Công ty CP Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử. Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi TTCT theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử. Kết quả của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thanh Hương triển khai mô hình nuôi TTCT theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vẫn nhiều khó khăn

Phương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho người nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Thực tế, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.

Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối của chị Trần Thị Hồng Vân (34 tuổi, ngụ xã Phước Quảng, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã giúp nhiều nông dân thoát khỏi cảnh nợ nần do nuôi tôm.

Mô hình nuôi ghép tôm cua, cá kình, cá đối mang lại hiệu quả cao, ít xảy ra dịch bệnh

Là người gây dựng cơ nghiệp từ nghề nuôi trồng thủy sản, những sáng kiến của chị Trần Thị Hồng Vân đã giúp nông dân thoát cảnh nợ nần, có thêm sinh kế mới. Vân được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của 2017.

Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối của chị Trần Thị Hồng Vân (34 tuổi, ngụ xã Phước Quảng, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) là giải pháp giúp hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản tại H.Quảng Điền thoát cảnh nợ nần, thua lỗ.

Trần Thị Hồng Vân đã dành nhiều tháng khảo sát trên các ao nuôi, tìm đọc tài liệu về nuôi trồng thủy sản để giải mã hiện tượng tôm sú dịch bệnh. Ngoài nguồn nước, Vân cho rằng người dân chỉ nuôi tôm sú, lượng thức ăn tồn dư quá nhiều cũng làm tăng ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh. Bằng kiến thức đã tìm hiểu và tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chị Vân tìm cách vận động người dân chuyển đổi giống nuôi trồng, đặc biệt là đưa cá đối vào nuôi xen ghép cùng các loại thủy sản khác.

“Người dân bao năm chỉ nuôi tôm sú, tâm lý bảo thủ nên chuyển đổi sang nuôi con khác thì không mặn mà, bỡ ngỡ, mình phải đến từng nhà kiên trì vận động làm thử”, chị kể lại.

Chị Vân đã thử nghiệm nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối trên diện tích 8 ha, được chính quyền địa phương ủng hộ, hỗ trợ miễn phí giống cá đối. Qua một vài đợt nuôi thử nghiệm, các ao nuôi đều cho năng suất cao, đặc biệt là không xảy ra dịch bệnh.

“Khi thả vào ao nuôi xen ghép, con cá đối có vai trò như đối tượng xử lý môi trường khi ăn thức ăn dư thừa và các mùn bã hữu cơ, phân của các loài khác khiến môi trường nước được cải thiện, loại bỏ tác nhân ô nhiễm do thức ăn dư thừa. Chi phí cho mô hình xen ghép này thấp hơn so với chỉ chuyên nuôi tôm sú. Người nuôi có thu nhập tăng thêm từ con cá đối với mức giá bán 80.000 – 120.000 đồng/kg”, chị Vân chia sẻ.

Thành công đó nhanh chóng được người dân nhân rộng. Sau 3 năm, diện tích ao nuôi chuyển đổi, xen ghép đã lên tới 643 ha, chiếm 99% tổng diện tích ao nuôi tại địa phương. Mô hình này cũng được chọn để nhân rộng trong toàn H.Quảng Điền, vực nghề nuôi thủy sản phát triển, kinh tế nhiều hộ gia đình đã phục hồi trở lại sau một thời gian dài rơi vào cảnh nợ nần do thất bại từ việc nuôi tôm.

Nguồn: Báo Thanh Niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi giữ cá qua mùa đông

Tầm quan trọng

Đối với người nuôi cá, cá giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất, nhất là tại các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và mùa đông kéo dài. Mùa đông đến, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí một số tỉnh vùng núi phía Bắc nhiệt độ xuống 0°C gây khó khăn cho việc lưu giữ cá giống cho vụ nuôi năm sau.

Nhiệt độ thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thành thục và sinh sản của cá bố mẹ. Vì vậy, miền Bắc thường sản xuất giống muộn, ảnh hưởng không nhỏ đến thời vụ nuôi. Do vậy, việc lưu giữ được cá giống cho vụ sau là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, sử dụng cá giống lưu qua đông sẽ tăng được thời gian nuôi cá, thu hoạch sớm hơn và cá bán được giá tốt hơn.

Những kỹ thuật cần lưu ý 

Chuẩn bị ao nuôi

Đối với ao cá giống và cá thương phẩm thì cần tránh dùng những ao bị ảnh hưởng trực tiếp hướng gió đông bắc.

Ao có bờ chắc chắn, không rò rỉ. Độ sâu mực nước 1,5 – 2 m, nguồn nước cấp vào ao phải sạch, không bị ô nhiễm.

Cải tạo ao: Trước mùa đông thường thu hoạch hết cá giống, cá thịt phân loại để lưu giữ và nuôi qua đông. Sau khi thu hoạch cần tát cạn nước ao, vét bớt bùn đáy, chỉ để lại một lớp bùn sâu 15 – 20 cm. Tu sửa bờ ao, cống. Xử lý ao bằng vôi bột, liều lượng 8 – 10 kg /100 m² ao. Sau đó, cấp nước vào ao từ 1,8 – 2,2 m.

Thả cá: Sau khi cải tạo ao xong, gây màu tạo nguồn thức ăn là động thực vật phù du đối với ao nuôi cá giống. Trước khi thả cá giống cần phân loại, đong đếm để tiện cho việc chăm sóc và quản lý sau này.

Với cá nuôi thương phẩm cũng phân loại kích cỡ, số lượng để tiện chăm sóc. Thả cá vào những ngày thời tiết nắng ấm.

Chăm sóc quản lý

Thời điểm trước khi đưa cá vào lưu giữ cần tăng cường dinh dưỡng cho cá để cá béo khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và có khả năng chịu đựng được thời tiết lạnh giá. Cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đối với cá giống và cá thương phẩm trong thời gian lưu giữ, vẫn cho cá ăn vào lúc thời tiết ấm, 9 – 10h sáng hoặc 14h chiều.

Tăng cường kiểm tra, bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá béo khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật 

Lượng thức ăn bằng 1 – 1,5% trọng lượng cá trong ao. Thức ăn cần đảm bảo có hàm lượng đạm 18 – 22%. Có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối chế với thành phần: bột cá 10% + bột đậu tương 20% + bột cám gạo 70%. Đối với cá trắm cỏ cho ăn thêm thức ăn xanh với lượng 20 – 25 kg/100 kg cá/ngày.

Khi cho ăn cần đảm bảo nghiêm túc yêu cầu 4 định: định chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm. Bổ sung thuốc, chất dinh dưỡng vào thức ăn để phòng các bệnh và tăng khả năng chống rét cho cá như tỏi, Vitamin C.

Khi nhiệt độ nước thấp, cá dễ bị mắc bệnh nấm thủy mi. Vì vậy, khi nuôi cá trong ao nên hạn chế đánh bắt, giữ mực nước ổn định 1,5 – 2 m.

Chú ý: Không dùng phân hữu cơ bón trực tiếp xuống ao để tránh các mầm bệnh phát triển gây bệnh cho cá nuôi. Định kỳ, hàng tháng xử lý môi trường ao nuôi khoảng 2 lần, bằng vôi bột hòa nước té đều khắp ao với lượng 2 – 3 kg/100 m³ nước. Hằng ngày kiểm tra hoạt động của cá, khả năng sử dụng thức ăn, môi trường ao nuôi và tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Kỹ thuật chống rét

Đối với cá giống: Khi thời tiết lạnh giá kéo dài nhiệt độ nước xuống dưới 8 -14ºC nên dừng cho cá ăn, chủ động nâng cao mực nước từ 1,5 – 2 m. Có thể thả bèo tây, rau muống phủ kín 1/3 (hoặc 2/3) diện tích mặt ao. Dùng rơm, rạ cuộn thành từng bó cho xuống các góc ao để cá trú rét. Với ao nhỏ có thể dùng nylon phủ trên ao, tạo thành ngôi nhà chống rét cho cá giống.

Vào thời điểm nhiệt độ trên 18ºC, tập trung cho cá ăn thức ăn tinh giàu đạm để tăng cường khả năng chịu rét cho cá. Trong suốt thời gian trú đông không được dùng lưới kéo cá để kiểm tra, đánh bắt tránh cá bị xây xát dẫn đến nhiễm bệnh và chết. Sau khi hết rét, cần cho cá ăn tích cực đảm bảo đủ chất lượng, số lượng để cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Đối với cá thịt: Sau khi tiến hành thu hoạch, cần tuyển chọn lại cá (cá chim trắng, rô phi, trắm cỏ…) chưa đủ cỡ thu hoạch để tiến hành chống rét và nuôi lớn tiếp để bán vào thời điểm sau tết âm lịch hoặc đầu năm.

Cần chọn ao có diện tích khoảng 300 – 1.000 m², độ sâu 1,2 – 1,5 m, kín gió. Sau khi thả cá vào, tiếp tục cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh vào những ngày ấm để cá tăng khả năng chịu rét. Dùng sọt đựng rơm thả xuống đáy ao để cá chui vào trú đông. Trên mặt ao thả bèo kín 1/2 ao về phía bắc, nếu có điều kiện có thể dùng nilon phủ kín mặt ao.

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, thức ăn có độ đạm cao để giúp cá chống rét tốt hơn.

Phòng và trị một số loại bệnh

Bệnh ngoại kí sinh: Cá bị bệnh, màu sắc cá trở nên nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài thời tiết lạnh.

Phòng, trị bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm, dùng formol tạt đều khắp ao với nồng độ 20 – 25 ml/m³.

Bệnh đốm đỏ: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to chứa dịch và đỏ bầm, cá bơi lội lờ đờ chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

Phòng bệnh: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với lượng 3 kg/1.000 m³ (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100 kg cá bệnh và Vitamin C, liều lượng 3g/100 kg cá bệnh, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Bệnh nấm thủy mi: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu của sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều xuất hiện những đám bông màu trắng, gây cho cá ngứa ngáy, cá thường tập trung ở những nơi có nước chảy.

Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, không để cá suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dày hoặc làm cá xây xát.

Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt đều xuống ao liều 3 – 5 g/m³ nước, hoặc dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút.

Chú ý: Đối với một số vật nuôi khác như lươn, ếch cũng cần phải có biện pháp chống rét: Che kín bể nuôi bằng bạt nilon, lá dừa… Mặt ao, bể nuôi thả bèo tây chiếm 2/3 diện tích về phía hướng gió. Dùng lá dừa khô tạo thành những ụ ở những chỗ ếch thường nằm để ếch vào tránh rét. Lươn, ếch phải được chăm sóc kỹ, cho ăn bình thường, bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn giúp ếch tăng sức đề kháng. Vào những ngày nắng ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho vật nuôi ăn đầy đủ. Lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm để lươn, ếch khỏe mạnh, có khả năng chống rét.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu đàn cá song vua bố mẹ

Cùng với sự bứt phá mạnh mẽ của ngành thủy sản, nhiều giống hải sản có nguồn gốc từ tự nhiên đã và đang được nghiên cứu, từng bước chủ động nguồn giống bằng biện pháp sinh sản nhân tạo cũng như hoàn thiện về quy trình nuôi…

Trại lưu giữ giống cá biển bố mẹ của Trung tâm QG GHSMB

Trong đó, điển hình là loài cá song lai do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 nghiên cứu chọn tạo.

Triển vọng cá song

Nghề nuôi hải sản lồng bè ở các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng trước đây đa số khởi phát từ nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như hàu, ngao hoa, tu hài… Tuy nhiên, do những tác động suy thoái môi trường nước nên nghề nuôi lồng bè nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ngày một thu hẹp, hiện chỉ còn phát triển được ở một số vịnh xa.

Tại Hải Phòng, khoảng 5-7 năm trở lại đây, các lồng bè chủ yếu đã chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cá song vẫn là đối tượng nuôi truyền thống và đã vươn lên là đối tượng nuôi chủ lực, thường xuyên chiếm từ 50-60% trong cơ cấu nuôi của người dân nhờ nhiều ưu thế về khả năng sinh trưởng và có giá trị cao.

Ở vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), có rất nhiều giống cá song đang được chọn nuôi như cá song chấm nâu, cá song hổ, cá song chuột, cá song da báo, cá song chanh… Nếu như trước đây, cá song chấm nâu, song chuột, song hổ… từng là đối tượng nuôi chủ yếu thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, cá song lai đang ngày càng khẳng định vị thế số một so với tất cả các đối tượng nuôi khác. Cá song nói chung có nhiều ưu điểm có thể nuôi được mật độ rất dày (tới 500 con thương phẩm/lồng), dễ tính, không đòi hỏi môi trường nước phải quá khắt khe. Tuy nhiên, để vừa có chất lượng tốt, lại sinh trưởng nhanh thì chỉ có cá song lai.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn, Phòng Nghiên cứu SX giống và Nuôi cá biển thuộc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc (Trung tâm QG GHSMB) cho biết, hiện Trung tâm đã gây dựng được đàn cá bố mẹ và chủ động được quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cũng như nuôi đối với rất nhiều loài cá song.

Trong đó, một số giống cá song rất có giá trị như cá song hổ, cá song chấm nâu, đặc biệt là cá song chuột có giá bán trên thị trường rất cao, có thời điểm lên tới 900.000 – 1.200.000 đ/kg. Song chuột có chất lượng thịt thơm ngon đặc biệt, lại sở hữu một số axit amin quý mà con người không thể tổng hợp được nên các thị trường như Hồng Kông, Trung Quốc và một số thị trường cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM hết sức ưa chuộng. Tuy nhiên, song chuột nói riêng cũng như các loài cá song giống thuần truyền thống như song hổ, song chấm có nhược điểm là sinh trưởng quá chậm, bình quân chỉ khoảng 700-800 g/năm, trong khi hệ số tiêu tốn thức ăn lại khá lớn (từ 6-7kg/kg tăng trọng).


Tắm xử lí nấm bệnh, ký sinh trùng cho đàn cá sống mẹ.

Làm thế nào để vừa có được giống cá song chất lượng cao như song chuột, lại có thể nhanh lớn là bài toán mà các nhà chọn tạo giống hải sản đã đặt ra hàng chục năm về trước. Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn cho biết, mặc dù không có đề tài lai tạo giống cá song lai được phê duyệt, tuy nhiên suốt từ năm 2008 đến nay, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc đã âm thầm thực hiện, và đến nay đã thành công ngoài mong đợi. Theo đó, cá song lai ra đời là sự kết hợp rất bất ngờ giữa con mẹ là loài cá song hổ truyền thống và bố là loài cá song vua – một loài cá được mệnh danh là “vua của các loài cá song”.

Cá song vua giống

Ngoài tự nhiên, cá song vua đã từng được ghi nhận với trọng lượng lên tới 500-600 kg, ngư dân Việt Nam cũng đã đánh bắt được những con cá song vua nặng từ 50-60kg tới hàng tạ. Trong chiến lược nghiên cứu loài cá song khổng lồ này, từ năm 2000 – 2003, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã cho NK một số cá thể giống cá song vua từ Đài Loan và chuyển đổi thành công sang giới tính đực.

Bên cạnh cá song lai, Trung tâm QG GHSMB cũng có thể SX được giống cá song vua (thuần chủng). Cá song vua lớn rất nhanh, mỗi năm có thể tăng trọng hàng chục kilogam, cá nuôi từ có chất lượng rất tốt, được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cá chỉ có thể thu hoạch thương phẩm từ kích cỡ 25 kg/con trở lên, tương đương thời gian nuôi 2,5 đến 3 năm, trong khi chi phí SX khá lớn nên đòi hỏi người nuôi phải trường vốn. Vì vậy, cá song vua hiện được nuôi rất ít, chỉ thả xen lác đác ở một số bè.

Những năm sau đó, một số cá thể cá song vua khác do ngư dân các tỉnh của nước ta đánh bắt được cũng đã được sưu tập về nuôi dưỡng ở trại giống cá bố mẹ tại vịnh Lan Hạ (thuộc Trung tâm QG GHSMB, đảo Cát Bà). Đến nay, trại giống ở Cát Bà của Trung tâm QG GHSMB là nơi duy nhất ở Việt Nam đã sở hữu được đàn cá song vua bố mẹ với tổng số khoảng 100 con, trong đó có khoảng 20 con cá song vua đực, con lớn nhất ước nặng tới 120kg.

Vua cá song “sang chảnh”

Những con cá song vua đực ở đây to lớn sồ sồ tới hàng tạ, con bé cũng 50-60kg, mỗi con phải nuôi riêng ở mỗi ô lồng với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Chúng chỉ tha thẩn trong lồng, tới đúng giờ ăn mới nổi lên. Do được chăm bẵm từ bé nên chúng rất “sang chảnh”, thức ăn phải là cá nục cỡ lớn 300 – 500 g/con, và phải là cá nục tươi, hễ gặp thức ăn hơi ươn một chút thôi chúng đã đánh được hơi, ngậm vào rồi nhè ra ngay.

Môi trường nước xung quanh ô lồng cũng phải thật yên tĩnh, người lạ phải hết sức hạn chế ghé thăm nơi ở của nó để tránh làm kinh động. Cá song vua đực đã từng được thử nghiệm cho lai tạo với cá song cái thuộc nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có sự kết hợp giữa song vua đực và song hổ cái mới cho ra thế hệ cá song lai F1 có khả năng thành công cao, đặc tính sinh trưởng và chất lượng tốt hơn cả.

Về kỹ thuật lai, kỹ sư Phạm Văn Thìn, Trưởng phòng Bảo tồn, lưu giữ giống gốc và nguồn gen hải sản (Trung tâm QG GHSMB), người đã gắn bó với đàn cá song vua từ gần chục năm nay cho biết: Thông thường, cá song vua đực có từ 7 năm tuổi trở đi mới có thể lấy tinh để SX cá song lai F1. Cá song vua đực có kích cỡ lớn hàng tạ, trong khi cá song hổ cái chỉ khoảng 7-8 kg, lại khác nhau về đặc tính sinh sản nên muốn lai tạo, phải áp dụng biện pháp can thiệp bằng kích dục tố.

Mùa sinh sản của cá song thường từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Đến kỳ sinh sản, những con cá song vua bố được cáng lên bởi cáng chuyên dụng với 2 người lực lưỡng mới xuể, sau đó chúng sẽ được vuốt tinh trùng. Mỗi lần vuốt tinh, mỗi con có thể cho ra tới 300-350 ml tinh trùng. Con cá song mẹ là song vua dù chỉ nặng 7-8kg nhưng cũng có khả năng vuốt được tới hàng kilogam trứng.

cá song vua, nơi lưu trữ giống cá, giống cá song vua, cá giống
Một con cá song vua đực được đưa lên cáng chuẩn bị đi vuốt tinh. Ảnh: Quỳnh Trang

Trứng và tinh trùng sẽ được trộn lẫn với nhau, sau đó đưa ra bể ươm với nhiệt độ phải đảm bảo từ 28-30 độ C, trong vòng 20-24h sau khi thụ tinh, trứng sẽ nở ra cá bột. Cá bột nuôi thêm khoảng 2 tháng sẽ trở thành cá song lai giống F1, có thể đưa ra ô lồng để nuôi thương phẩm.

Cá song lai F1 ra đời có sự hội tụ những đặc tính ưu việt của cả bố và mẹ của chúng: Vừa lớn nhanh, vừa có chất lượng thịt thơm ngon nên giá cũng khá cao. Song lai trung bình nuôi 2 năm có thể xuất bán với trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg/con, giá dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg, lại ít hao hụt và bị bệnh trong quá trình nuôi nên hệ số lợi nhuận có thể lên tới 40%. Với những ưu thế đó mà chỉ sau 3-4 năm có mặt, cá song lai được mở rộng rất nhanh ở hầu hết các vùng nuôi hải sản lồng bè khắp các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…

Tại vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), cá song lai chỉ mới bung ra mạnh nhất trong 2 năm gần đây nhưng hiện đã chiếm cơ cấu tới 40-50% trong tổng đàn nuôi và ngày càng tăng mạnh.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lồng bè nuôi thủy sản: Cần nghiên cứu cải tiến

Những tổn thất của cơn bão 12 vừa qua đặt ra câu hỏi cho ngành chức năng và người nuôi phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào làm lồng bè sao cho đủ khả năng chống chọi với sóng biển, mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại.


Một hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang làm lại bè nuôi bằng gỗ

Thiệt hại lớn

Gia đình ông Nguyễn Văn Búp (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm hơn 20 năm nay. Thế nhưng, 2 bè với 50 lồng nuôi hơn 8.000 con tôm hùm bông đang chuẩn bị xuất bán bị bão đánh tan tành, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Để khôi phục lại lồng nuôi, hơn 10 ngày qua, ông đã đi khắp nơi để mua gỗ và lưới về kết lồng bè nhưng không tìm đủ vật liệu. Ông Búp chia sẻ: “Bè nuôi truyền thống chủ yếu làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa để nổi trên mặt biển; còn túi lồng nuôi thì làm bằng lưới quấn quanh khung sắt bọc nhựa. Trước đây, giá thành cho một ô lồng rộng 4m2 khoảng 8 triệu đồng, nhưng hiện nay nhu cầu làm lại lồng bè sau bão tăng cao nên giá lên hơn 12 triệu đồng/4m2 chưa kể công thợ. Tuổi thọ trung bình của mỗi lồng bè truyền thống khoảng 4 năm, sóng biển cấp 3 là bị đánh vỡ. Biết làm lồng bè truyền thống rủi ro cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì không biết dùng vật liệu, công nghệ nào để đảm bảo độ an toàn. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra loại vật liệu mới, có độ an toàn cao để áp dụng đại trà cho người dân”.

Hơn 15 năm nay, gia đình ông Lê Văn Hải (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh cũng chỉ làm lồng bè nuôi truyền thống. Chính vì vậy, đợt bão vừa qua, toàn bộ bè nuôi với 30 ô lồng hơn 5.000 con cá bớp bị sóng biển đánh vỡ, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ông Hải cho biết: “Thiên tai thì biết trách ai. Bây giờ muốn làm lại lồng bè để thả nuôi cũng lo. Giá như có vật liệu, công nghệ làm lồng bè nuôi vững chắc, an toàn, chống chịu được mưa bão, sóng biển thì chúng tôi an tâm”.

Ông Trần Kim Bảo – Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, 100% lồng bè trên địa bàn huyện đều làm bằng gỗ nên không đảm bảo an toàn, kéo theo hệ lụy phá rừng. Trước nhu cầu gỗ làm lại lồng bè đang rất lớn, thời gian qua, ở địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân vào rừng đốn gỗ. Do vậy, về mặt lâu dài, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, học tập cách làm lồng bè ở các địa phương khác để áp dụng, thay thế cách làm lồng bè truyền thống cho người dân. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi mới để đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản.

Sẽ nghiên cứu, học tập cách làm mới

Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 54.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển. Trung bình, mỗi lồng bè thủy sản luôn có từ 2 đến 5 lao động (tùy quy mô, diện tích bè nuôi) chăm sóc, trông coi. Lồng bè truyền thống làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa, chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kích thước, khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. “Cơn bão vừa qua, toàn tỉnh có hơn 35.000 lồng bè nuôi bị thiệt hại hoàn toàn. Qua đây cho thấy, sự lạc hậu trong cách làm lồng bè nuôi thủy sản truyền thống. Trước khi bão vào, mặc dù người nuôi thủy sản đã gia cố kỹ càng, thậm chí đã kéo lồng bè vào khu vực kín gió, những khi bão đi qua thì không còn lồng bè nào trụ vững. Đã đến lúc các ngành chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần nghiên cứu, học tập, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào làm lồng bè đảm bảo an toàn, tránh rủi ro thiên tai, hạn chế thiệt hại cho người dân”, ông Én chia sẻ.

Thực tế, nhiều ngư dân ở các tỉnh thường xuyên có bão như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… đã và đang áp dụng nhiều cách làm bè nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, đảm bảo an toàn trước sóng biển, mưa bão. Chẳng hạn như ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vật liệu nhựa HDPE làm bè nuôi vừa kín nước, tuổi thọ cao, vừa không bị ăn mòn, có độ uốn dẻo cao, tránh bị gãy khi va đập. Loại vật liệu này có giá thành vừa phải, dễ mua, trung bình 4m2 khung lồng nuôi khoảng 15 triệu đồng. Hay như ngư dân tỉnh Nghệ An, Bạc Liêu sử dụng vật liệu composite để làm bè nuôi thủy sản. Tuy giá thành của loại vật liệu này khá cao nhưng đảm bảo độ an toàn, dễ di chuyển…

Tại buổi làm việc với Khánh Hòa vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gợi ý, các ngành chức năng tỉnh và người dân nên rút ra bài học kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản trong điều kiện mưa bão. Chẳng hạn, nhiều hộ nuôi ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên làm bè bằng phao hơi, khi bão vào họ cột túi lồng nuôi không cho thủy sản thoát ra ngoài rồi xả khí phao hơi cho lồng chìm xuống khoảng 5m so với mặt nước biển. Khi bão đi qua, họ sẽ bơm khí vào phao để bè nổi lên lại. Đây là một kinh nghiệm hay mà người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè nên biết.

Ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu, học tập công nghệ mới của Na Uy, cách làm lồng bè bằng vật liệu composite của ngư dân tỉnh Nghệ An, làm bằng vật liệu nhựa HDPE của người dân tỉnh Quảng Ninh để chuyển giao cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm chiếm vùng nuôi; tăng cường quản lý, giám sát, khuyến cáo người dân không được thả nuôi ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Nguồn: Khanhhoa.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Huế thiệt hại 81 tấn cá, tổn thất hơn 8 tỷ đồng

Ngày 28/11, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế cho biết, đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá của 500 hộ dân ở khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc) bị chết hàng loạt.

Theo đó, trong nhiều ngày qua, cá nuôi lồng của các hộ dân trong khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình của Phú Lộc (TT- Huế) đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bị chết hàng loạt.

Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, xã Vinh Hiền là địa phương chịu thiệt nặng nhất với số lượng trên 81 tấn ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ, tổn thất khoảng hơn 8 tỷ đồng. Còn xã Lộc Bình cũng bị chết gần 30 tấn cá nuôi của 152 hộ nuôi.

Được biết, cá nuôi chết lần này ở 2 xã nói trên là các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vẩu, cá mú… trong lượng khoảng 1kg và có thời gian nuôi 8- 9 tháng.

Theo những người nuôi nơi đây thì, sau khi cá chết người nuôi đã tiến hành vớt cá chết bán tháo cho thương lái với giá rất thấp từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg đối với cá chưa chết hẳn, 100 đến 200 nghìn đồng/kg với cá thu hoạch gấp. Trong khi đó, giá bán trên thị trường lúc bình thường khoảng 240 nghìn đồng/kg.

Cá chết hàng loạt gây tổn thất lớn cho ngư dân Huế

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thì “ Do mưa lũ kéo dài, nước lợ vùng đầm Cầu Hai ngọt hóa suốt tháng qua, lại đậm đặc phù sa, khiến cá nuôi chết hàng loạt. Đây là đợt nuôi trái vụ, nuôi vượt lũ để bán Tết”.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc đầm phá bị ngọt hóa nên cá vùng này có thể tiếp tục bị chết, cho nên ngư dân cần khẩn trương thu hoạch, tiêu thụ để bảo đảm thu hồi một phần vốn đầu tư.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.