Thay thế dầu cá bằng nguyên liệu thực vật

Nguồn cung bột cá, dầu cá hạn chế khiến ngành thủy sản nuôi bị chững lại nhưng thúc đẩy ngành khoa học thủy sản tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Bằng công nghệ hiện đại, hãng dinh dưỡng Alltech đã tìm nguyên liệu thức ăn tối ưu 100% nguồn gốc thực vật để thay thế dầu cá.

Alltech – hãng sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ lên men và sản xuất nấm men, tảo, lên men giá thể rắn đã tìm ra được nguồn nguyên liệu thức ăn 100% nguồn gốc thực vật để nuôi thủy sản mà không cần phải bổ sung bất cứ thành phần sản phẩm phụ từ động vật hoặc chất béo động vật trên cạn hay dưới nước. Bằng công nghệ đùn, Alltech đã tạo ra nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cao và premix (canxi bổ sung khoáng và vitamin) như Aquate, ForPlus và tảo DHA.

Tăng lợi nhuận từ nguồn dinh dưỡng tối ưu

Công nghệ đùn chính là bước quan trọng nhất mang lại thành công cho quy trình sản xuất thức ăn 100% nguồn gốc thực vật; đặc biệt có ý nghĩa khi mô hình nuôi thủy sản tái tuần hoàn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lợi ích của công nghệ đùn là cải thiện tính ổn định của nguồn nước được cung cấp; quá trình tinh bột hồ hóa cao hơn; cải thiện hấp thu dinh dưỡng; tăng năng lượng; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; có khả năng tạo ra thức ăn chìm, nổi hoặc chìm chậm.

Aquate

Công nghệ Aquate được sử dụng thành công trong ngành nuôi trồng thủy sản từ thập kỷ trước và ngày nay nó vẫn duy trì được lớp cân bằng bảo vệ giữa đối tượng nuôi, dinh dưỡng và môi trường. Công nghệ Aquate có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi và tạo ra màng chắn bảo vệ dạ dày và ruột của vật nuôi. Aquate củng cố chức năng của hệ tiêu hóa; từ đó, mang lại sự phát triển trong chăn nuôi và cuối cùng là nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.

Phương pháp dị dưỡng

Cơ sở sản xuất tảo của Alltech tại Winchester, Kentucky là một trong những cơ sở sản xuất vi tảo dị dưỡng lớn nhất thế giới. Bản chất của phương pháp này là giảm nhiễm bẩn, đồng thời cho phép nhà sản xuất giám sát tốt hơn các quy trình chế biến và tối đa hóa hàm lượng dinh dưỡng. Kết quả cuối cùng là tạo ra nguồn DHA giàu dinh dưỡng, tinh khiết và ổn định. Loại vi tảo giàu DHA này là nguồn thức ăn thiên nhiên dành cho cá hồi non và thay thế được dầu cá trong chế độ ăn hiện nay. Nhờ sản xuất theo công nghệ dị dưỡng, năng suất của tảo đã được tăng lên đáng kể, cùng đó, giúp nhà sản xuất nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm và môi trường.

ForPlus

Đây là một sản phẩm chất lượng cao có khả năng thay thế dầu cá do chứa hàm lượng DHA rất cao, an toàn và bền vững. Sản phẩm đã được dùng thử nghiệm trên cá hồi Atlantic từ giai đoạn cá bột đến khi phát triển thành cá giống và giai đoạn tăng trưởng trên 1,2 kg theo chế độ ăn 15% vi tảo. Đáng chú ý là chế độ ăn 15% vi tảo không chứa dầu cá. Vi tảo được chứng minh là tạo cảm giác ngon miệng hơn cho vật nuôi, tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt giàu đạm và axít béo không bão hòa. Loại tảo này cũng tác động tích cực lên hàm lượng axít béo ở gan và fillet cá hồi bằng cách kích thích sự phát triển các cơ của vật nuôi.

>> Alex Tsappis, Chuyên gia dinh dưỡng, Alltech cho biết: Các loài thủy sản nuôi chỉ cần một chế độ dưỡng chất cân bằng để tăng trưởng và khỏe mạnh. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra được cách thức cung cấp dinh dưỡng cho các loại thủy sản với chi phí hiệu quả và bền vững nhất.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngăn chặn dịch bệnh từ thức ăn và nguồn dinh dưỡng tối ưu cho nuôi trồng thủy sản

Ngành thủy sản phát triển và thay đổi nhanh chóng với sự gia tăng các hệ thống nuôi nước ngọt, nước mặn bằng thức ăn ép đùn. Trong khi, bột cá trở thành vấn đề nóng của ngành thức ăn thủy sản bởi thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn protein bền vững có khả năng thay thế.

Phần 1: Chặn dịch bệnh từ nguồn thức ăn

Nguồn protein động vật dồi dào nhất và có thể trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản chính là những nguồn protein trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm; gồm sản phẩm phụ từ gia cầm, bột gia cầm, bột lông vũ, bột huyết, bột xương heo và sản phẩm phụ từ động vật nhai lại. Đây thực sự là nguồn protein vô tận. Ngoài những sản phẩm này, còn có nhiều loại bột protein thực vật có nguồn gốc từ các loại hạt có dầu, hạt ngũ cốc và các loại protein đậm đặc từ đậu Hà Lan, khoai tây, đậu lupin.

Có lẽ, nguồn protein tiềm năng và đáng chú ý nhất chính là nguồn protein vi sinh vật từ nguồn chất thải và chất nền trong ngành nông nghiệp chi phí thấp, gồm protein đơn bào (SCP), nấm men đơn bào, tảo đơn bào. Một nguồn protein là bột protein từ các loại động vật không xương sống (như côn trùng, giun nhiều tơ) cũng đang ngày càng được quan tâm. Thế nhưng chỉ trừ khi chúng ta sản xuất được hàng nghìn tấn sản phẩm này, thì chúng mới được coi là nguồn protein không giới hạn.

Tuy nhiên, dù là nguồn thức ăn nào, chúng đều có thể trở thành hiểm họa gây ra dịch bệnh nếu chất lượng không đảm bảo. Thời gian qua, dịch bệnh AHPND và EMS đã tàn phá các trang trại nuôi tôm. Nguồn thức ăn từ vật sống chưa qua tiệt trùng trong suốt chu kỳ nuôi tôm bố mẹ, tôm giống (gồm cả việc sử dụng các loại giun nhiều tơ sống, Artemia và sinh khối) và một lượng ít các loại thức ăn từ bột đầu tôm trong pha nuôi tăng trưởng đều tiềm ẩn hiểm họa dịch bệnh.

Thật tiếc chưa có nhiều quốc gia quản lý an toàn thức ăn chăn nuôi thủy sản bằng luật pháp, ví dụ như hệ thống quản lý sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi tổng hợp. Do đó, việc làm thế nào để đảm bảo người nông dân tiếp cận được nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng, đáp ứng mọi tiêu chí dinh dưỡng của các vật nuôi trong khâu tăng trưởng và khỏe mạnh vẫn còn là vấn đề nan giải.

Để đảm bảo nguồn thức ăn không còn là mầm mống của dịch bệnh cho các trại thủy sản, chúng ta cần vạch ra những bước đi cụ thể cho chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi. Để làm được việc này, có hai hướng khả thi. Trước tiên, những nguồn nguyên liệu thức ăn từ động vật hay thực phẩm sống khi bán ra thị trường buộc phải đảm bảo sạch bệnh hoặc được khử trùng trước khi vận chuyển. Thứ hai, nguồn thức ăn đó cũng phải được khử trùng trong suốt giai đoạn chế biến dù là chế biến bằng công nghệ ép đùn hay xạ chiếu tia gamma. Ngoài ra, việc cho vật nuôi ăn lại nguồn thức ăn chế biến từ chính nó (ví dụ dùng bột đầu tôm để nuôi tôm) nên bị cấm bằng cơ chế luật pháp cứng rắn; mục đích ngăn chặn sự xuất hiện dịch bệnh từ các nguồn thức ăn chế biến bằng vật nuôi nhiễm bệnh.

Phần 2: Nguồn dinh dưỡng tối ưu

Những vướng mắc lớn nhất trong ngành sản xuất thức ăn thủy sản, cụ thể là ngành thức ăn nuôi tôm hiện nay lại nằm ở các trại nuôi và khâu quản lý. Theo tôi, ngành công nghiệp nuôi tôm phải học hỏi và đi theo ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khía cạnh an toàn sinh học và dứt khoát từ bỏ hệ thống nuôi mở trong ao để phát triển và xây dựng hệ thống nuôi khép kín theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học đầy đủ.

Ngoài ra, một nguồn thức ăn nuôi tôm được đánh giá là thành công hay không lại phụ thuộc vào khâu quản lý thức ăn ở trang trại đó, đây chính là nhiệm vụ của người nông dân (những người trực tiếp tham gia sản xuất). Các “vệ tinh” xung quanh là các công ty sản xuất thức ăn và chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người nông dân hoạt động. Hầu hết trại nuôi tôm tại châu Á đều do nông dân làm chủ và hoạt động theo quy mô nhỏ với nguồn lực tài chính và cơ hội tiếp cận kênh thông tin khoa học kỹ thuật chính thống còn rất hạn chế. Ngành tôm nuôi cũng sẽ nối gót ngành cá vây nuôi từ việc tăng cường sử dụng các loại thức ăn ép đùn nhằm cải thiện dinh dưỡng và tăng trưởng cho tôm cho đến gia tăng nguồn thức ăn an toàn sinh học. Cuối cùng là giảm chi phí thức ăn trên mỗi đơn vị sản phẩm, chú trọng sản xuất các loại phụ gia thức ăn nhạy cảm nhiệt, enzymes, vitamin, chất tạo màu và probiotics.

Khi bạn quản lý thức ăn tốt, thì cũng góp phần mang lại thành công cho cả trang trại. Cần phải nhớ rằng, ngành nuôi trồng thủy sản đang được coi là chìa khóa giải bài toán an ninh lương thực, nhất là khi dân số toàn cầu bùng nổ. Cá và các loại thủy sản có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho con người. Đây là một trong 3 nguồn protein chủ lực cho con người sau ngũ cốc và sữa, chiếm 6,5% tổng nguồn cung protein toàn cầu hoặc 16,4% tổng nguồn cung protein động vật. Tuy nhiên, nguồn thủy sản tự nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới khi dân số gia tăng suốt 2 thập kỷ qua và do đó nuôi trồng thủy sản trở thành tia hy vọng về một nguồn cung protein bền vững. Mặt khác, thủy sản là nguồn dinh dưỡng có giá phù hợp với người tiêu dùng, thậm chí ở những quốc gia châu Phi nơi có thu nhập thấp và ở châu Á. Riêng khu vực châu Á, cá và sản phẩm thủy sản là nguồn protein chủ lực sau ngũ cốc và các loại rau, chiếm 7,5% nguồn cung protein toàn khu vực và 21,9% nguồn cung protein động vật nói riêng.

Từng nghiên cứu sâu về dinh dưỡng thủy sản, tôi luôn mong chờ mọi cá nhân và tập thể trong ngành nuôi trồng thủy sản nhận thức được giá trị thực của từng sản phẩm mà họ đang sản xuất. Đó không chỉ là những sản phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất quan trọng hàng đầu như DHA hay EPA, mà tất cả các dưỡng chất khác như các loại protein chất lượng cao, tốt cho tiêu hóa; từ đó đưa thủy sản thực sự trở thành một “siêu thực phẩm” – sự lựa chọn dinh dưỡng tối ưu cho con người.

Nguồn: Tiến sĩ Albert C.J.Tacon được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

Đối với những đối tượng nuôi trong ao , đầm, hồ ( ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm )

– Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
– Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
– Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm 1 kg Vita – C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita – C/1kg thức ăn
– Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm bà con cần chú ý theo dõi và bổ xung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên, Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá lúa

– Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
– Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
– Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
– Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.( chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất )
– Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

– Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng
– Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
– Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
– Đối với người nuôi trồng thủy sản.Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
– Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.
– Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
– Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra
– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất
– Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng bệnh cho cá nuôi mùa mưa lũ

Các dạng bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi (đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh trùng) thường phát sinh nhiều trong mùa mưa, lũ. Lý do là trong mùa mưa, nhiệt độ môi trường nước thường xuống thấp- nhất là vào những lúc thời tiết âm u, mưa lũ kéo dài và hàm lượng chất hữu cơ thường tập trung cao trong nước do sự rửa trôi của vật chất hữu cơ xuống các ao, hầm, sông, kênh, rạch. Đây là yếu tố tạo điều kiện cho các ký sinh trùng như: Trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa, sán lá … phát sinh và phát triển trong môi trường nước.


Để phòng trị các dạng bệnh ngoại ký sinh trùng trên cá, ngư dân thường sử dụng các loại hoá chất như: Formol, thuốc tím, phèn xanh (sulphat đồng), vôi, muối..
Nhưng hiện nay, trước xu hướng hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước do các hoá chất độc hại cùng với phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh”, rất mong bà con nông dân thực sự quan tâm đến công tác phòng bệnh và chỉ sử dụng các loại hoá chất không làm ô nhiễm môi trường nước (vì hoá chất Formol, thuốc tím, phèn xanh độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, cần hạn chế sử dụng- đặc biệt là hạn chế trong mô hình nuôi cá bè và cá đăng quần, và việc sử dụng các loại hoá chất trên thường gây sốc cho cá trong quá trình sử dụng).


Hai loại hoá chất nên dùng để phòng bệnh cho cá nuôi (thường gặp nhất là các bệnh ngoại ký sinh trùng) trong mùa mưa lũ, đó là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3)
+ Vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 gốc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc) với liều lượng:
– Nuôi bè và đăng quần: Vôi: 2-5 kg/túi, muối 10-20kg/túi.
– Nuôi ao hầm: Vôi: 1-2kg/túi, muội-10kg/túi
+ Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tuỳ theo qui mô, diện tích nuôi và thể tích nước của đàn cá nuôi. Định kỳ 10-15 ngày thực hiện một lần. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (trong mô hình nuôi ao hầm thì mỗi ngày thay 10-15% thể tích nước ao). Đồng thời đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thuỷ sản hỗ trợ trong việc chuẩn đoán bệnh cá.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực đập giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5-10kg để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa, lũ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tập thể hình, ép cân cho cá lăng đen để tạo chất lượng độc đáo

Nuôi cá lăng đen vốn không xa lạ với người dân ở các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, tuyệt chiêu giảm cân cho cá để chất lượng cá ngon hơn, săn hơn, bán đắt hơn thì quả là mới mẻ. Người đang sở hữu tuyệt chiêu đó là anh Cao Xuân Kiền ở bến phà Phú Hậu, xóm 9, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Tập thể hình cho cá

Các mô hình nuôi cá với số lồng bè khủng cho sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm tôi đã gặp không ít. Nhưng nuôi cá lớn không phải để bán ngay mà phải tập luyện cho con cá làm sao giảm hết mỡ như các vận động viên thể hình 6 múi rồi mới đem đi bán thì quả thật tôi mới gặp lần đầu.

Tôi theo anh Kiền từ TP Phủ Lý đến bến phà Phú Hậu, huyện Lý Nhân để tìm hiểu về những con cá đang được luyện tập giảm cân mỗi ngày. Anh Kiền cho biết, ngày xưa từng đi dọc con sông Kinh Thầy (Hải Dương) nhìn nhiều người nuôi cá trên những cái bè nổi đã khiến anh rất thích thú. Gắn bó với công việc nhà nước gần chục năm cũng không làm giảm được niềm đam mê sông nước, nên anh Kiền bỏ ngang công việc để về bến phà Phú Hậu lập nghiệp nuôi cá.

Khu vực nuôi cá của anh Kiền ở bến phà Phú Hậu 

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2013, với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng, anh tập trung nuôi cá lăng đen với quy mô chỉ  6 lồng. Sau khi nuôi được 2 năm, anh mới nảy ra ý tưởng thử nghiệm các bước để ép cân cho cá.

Chuyện là, trong một lần ngồi taxi, anh Kiền được tài xế mách nước muốn có món cá ngon, trước tiên bỏ cá vào chậu nước pha muối khoảng 15 phút; cá xót, vận động nhiều nên thịt săn chắc, ăn rất ngon.

Về nhà anh làm thử ngay, thấy con cá gặp muối bơi nhanh quanh chậu, sau đó đem nấu lên ăn quả thật thịt cá ngon hẳn hơn mọi hôm. Đêm đó, anh có suy nghĩ khác về cách tìm đầu ra cho toàn bộ số cá mình đang nuôi ở bè. Lúc đầu, anh áp dụng thử 10 con, sau thấy hiệu quả, từ đó mạnh dạn nghĩ đến chuyện ép cân cho cá.

Một con cá lăng đen giống, anh Kiền nuôi khoảng 2 năm đạt từ 3-4 kg, có con đột biến thì được 5kg, với nguồn thức ăn hàng ngày chủ yếu là cá rô phi.

Cá sau khi được ép cân trong 30-40 ngày thì giảm khoảng 8 lạng, lúc đó ruột cá rất sạch, thịt săn, bụng không còn mỡ. Những con cá khi mang đi ép cân hoàn toàn không ăn gì trong những ngày này, thế nhưng đến lúc bán cá vẫn khỏe.

Ngày trước, trong quá trình ép cân vì chưa có kinh nghiệm nên thỉnh thoảng có con bị chết. Thế nhưng, sau 2 năm trau dồi kinh nghiệm, đến nay anh ép cân cho cá không còn nào bị chết nữa.

Để ép cân cho một con cá lăng đen, anh Kiền phải nghiêm khắc luyện tập cho chúng từ 20-40 ngày, gồm 2 giai đoạn.

Đầu tiên bắt cá dưới lồng nuôi lên cho riêng vào một cái lồng ép nhỏ ở bè, lúc này bắt đầu cho cá nhịn trong 5-10 ngày để cá quen với việc nhịn ăn. Vài ngày sau rắc 1kg muối trắng vào bể khoảng 2 khối nước, sau đó dội nước trực tiếp vào cá để chúng vận động thải hết thức ăn từ trong ruột ra và sát trùng để cá không bị lở loét.

Bên cạnh đó, hàng ngày những con cá này đều được đánh dẻo theo đúng số lần và thời gian quy định. Cách đánh dẻo cho cá rất đơn giản, mỗi ngày kéo cá lên lửng 2 lần để cá vận động nhiều hơn. Trước khi đánh dẻo phải cho cá nghỉ ăn 2 ngày để cá vận động nhiều không bị chết, nếu cá ăn no mà kéo dẻo liền thì cá chết ngay.

Anh Kiền đang đánh dẻo cho cá 

Biểu diễn cho tôi xem, anh bước ngay đến bên cái lồng ép, đôi tay anh cầm lưới thật chặt từ từ kéo lên, những con cá đang bình yên dưới nước bất chợt vùng vẫy quẫy mạnh đuôi khi được kéo lên, nước văng tung tóe cả một vùng.

Sau gần nửa tháng huấn luyện, anh tiếp tục vận chuyển những con cá này về bể đặt ở nhà rồi tiếp tục cho cá nhịn ăn trên 10 ngày xong mới đem bán. Cá thả tại bể được dùng bằng nước máy đã khử clo, mỗi ngày anh đều thay nước trong bể 1 hoặc 2 lần.

Cách đây 2 năm, khi nuôi đại trà thì giá bán cá phải theo thị trường. Bây giờ cá lăng đen sau khi được ép cân anh bán với giá 100-120 ngàn/kg, trong khi giá cá bình thường ở chợ chỉ khoảng 80-90 ngàn/kg. Năm ngoái, giá cá lăng xuống thấp nhưng anh vẫn đảm bảo được lợi nhuận, khi giá xuống sâu thì anh vẫn hòa chứ không lỗ nặng như một số hộ nuôi khác. Nhiều người khi thử ăn đều mua cá của anh dù giá cao hơn ở chợ nhưng người dân vẫn chấp nhận mua.

Nơi anh Kiền chuyên ép cân cho cá 

Bây giờ quy mô nuôi đã được anh Kiền phát triển đến 14 lồng, các lồng anh đang nuôi gồm: cá lăng đen, lăng vàng, trắm cỏ. Số cá trắm cỏ khoảng vài tấn đang chuẩn bị thu hoạch sau nửa năm nuôi. Hiện, trung bình mỗi năm anh bán được 40-50 tấn cá lăng đen, ngoài ra anh cũng đang nuôi thử vài chục con cá lăng vàng vì giống này khó nuôi nên không dám đầu tư mạnh.

Thu hút nhiều người tham gia

Anh Kiền tâm sự, mới vào nghề nuôi cá ai cũng gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm nuôi và chọn cá giống chưa chuẩn nên không mang lại lợi nhuận cao. Đợt mới nuôi anh cũng bị dịch bệnh làm thiệt hại nhiều về giống cá như: cá chép, lăng đen.

Do vậy, để giảm thiệt hại cho người nuôi nơi đây khi giá cả lên xuống bấp bênh, anh Kiền đã vận động những hộ nuôi xung quanh thành lập HTX Chăn nuôi thủy sản Phú Phúc với 12 thành viên được nuôi theo mô hình của anh, quy mô HTX hiện tại đạt khoảng 50 lồng. Theo anh Kiền, khi xây dựng HTX sẽ tạo thành 1 chuỗi cho nhiều người tham gia giảm thiểu rủi ro và đảm bảo được nguồn cung cho thị trường.

Để thuyết phục nhiều người làm giống mình và quảng bá thương hiệu cá ép cân cho bản thân, anh mời nhiều người đến ăn thử cá ép cân và một con cá bình thường thì mọi người đều thấy thịt con cá sau khi ép cân ăn dai và ngon hơn nhiều. Từ đó, tiếng lành đồn xa, dân sành ăn ai cũng biết đến chất lượng những con cá mà anh đem bán.

Những con cá đã được ép cân chuẩn bị mang đi bán 

Hiện, anh đang tập trung phát triển mạnh thương hiệu cá ép cân cho bản thân mình. Cách đây 3 tháng, anh đã mở hẳn một trang website chuyên bán cá sạch trên mạng, đồng thời bán tại nhà thêm nhiều loại cá như: cá lăng đen, chép giòn, cá quả, trắm đen. Bây giờ, anh đang có rất nhiều đơn đặt hàng tại nhiều tỉnh trong cả nước như: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Cá khách đặt do tự tay anh làm sạch rồi ướp đá gửi thùng xốp, hoặc ai muốn gửi cá tươi thì anh cho cá vào túi bóng bơm oxy và cho đá lạnh vào trong, rồi bỏ thùng xốp gửi đi.

Anh Kiền cho hay: “Quan trọng nhất là phải tạo chất lượng cá mình bán ra luôn đảm bảo ngon. Một con cá nặng 4kg, nếu không ép cân thì bán được 320 ngàn đồng (giá 80 ngàn đồng/kg). Nếu ép cân, con cá đó chỉ còn 3,2 kg nhưng bán giá 120 đồng/kg. Như vậy, nếu so sánh thì cá ép cân vẫn lời được khoảng 50 ngàn đồng. Khi mình bán lên đến số lượng hàng chục tấn thì lợi nhuận mang về cao hơn nhiều so với bán cá đại trà. Có lúc giá cá lăng lên cao đỉnh điểm, giá cá ở chợ 120 ngàn/kg, còn cá tôi ép cân thì bán được đến 180 ngàn/kg”.

Sau câu chuyện, tôi được anh Kiền mời một bữa cơm thịnh soạn với món cá lăng hấp và nấu chua. Đêm đó, tôi còn được mời ngủ lại trên bè để tận hưởng hương vị cuộc sống vùng sông nước đầy thú vị…

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng

Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Nam Định, nhằm đánh giá tác động cũng như tìm ra giải pháp thích hợp để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tổng quan về mô hình

Cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài ăn tạp, chúng có thể ăn cả thực vật, động vật thủy sinh, động vật đáy, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi và thậm chí cả chất thải của đối tượng nuôi khác. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng và phát triển nhanh không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước có nghề nuôi tôm trên thế giới. Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng sẽ giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh như AHPND/EMS (acute hepatopancreatic necrosis disease/Early Mortality Syndrome) (SalgueroGonzález et al., 2016).

Mô hình được thực hiện tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vùng: như hiện tượng xâm thực mặn, ngọt hóa một số thời điểm, một số vùng. Vì vậy, sự phù hợp của mô hình được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản ở vùng duyên hải.

Quy trình kỹ thuật

Chuẩn bị ao nuôi: Tiến hành tát cạn ao, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao, phơi đáy 10 – 15 ngày, cày xới đáy ao để loại bỏ khí độc NH3, H2S. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, nhằm diệt tạp, nâng cao pH, tăng khả năng đệm của nước ao nuôi, phơi đáy ao 3 ngày. Ao có diện tích 2.000 – 2.500 m2 là phù hợp.

Chọn giống: Chọn tôm và cá giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, cá không bị xây xước, dị tật dị hình… Tôm thẻ chân trắng cỡ 2 – 3 cm/con, cá điêu hồng trọng lượng 5 ± 0,35 g.

Mật độ nuôi: Thả tôm chân trắng với mật độ 100 con/m2. Tôm giống trước khi thả ra ao nuôi được thuần hóa về nước ngọt trên các bể ương 7 – 10 ngày. Cá điêu hồng với mât độ 2 con/m2.

Môi trường: Ở thời điểm thả tôm giống, nước ao có nhiệt độ dao động 22 – 25oC, với ao nước ngọt có độ mặn 0 – 0,5‰, ao nước lợ có độ mặn 5 – 10‰. Ôxy hòa tan được cung cấp bổ sung bằng cách bật quạt nước, mỗi ao nuôi được lắp đặt 2 hệ thống quạt 6 cánh ngay từ tháng nuôi thứ 2. Hàng ngày quạt nước thường được bật ngay từ 21 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau, trong những ngày thời tiết thay đổi quạt còn được bật ngay cả ban ngày vừa để cung cấp ôxy hòa tan vừa thoát khí độc ra khỏi ao nuôi.

Thức ăn: Thức ăn được dùng cho cá điêu hồng là thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm 30 – 35%. Một điểm khác biệt ở đây là tôm thẻ chân trắng trong mô hình được cho ăn thức ăn vịt đẻ hàm lượng đạm 18 – 19% (thức ăn có hàm lượng đạm ít hơn so với các mô hình thông thường).

Cho ăn: Hàng ngày cho ăn 2 lần vào 8 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều.

Chăm sóc: Sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa các chủng loại vi khuẩn có lợi như Bacillus sp., Notrosomonas sp., Nitrobacter sp. Bổ sung 1 lần/tháng trong 2 tháng nuôi đầu và 1 lần/2 tuần trong tháng nuôi cuối. Ngoài ra, cũng cần định kỳ bổ sung mật  rỉ đường. Do nhu cầu độ kiềm cao của tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong nước ngọt nhằm tránh hiện tượng mềm vỏ nên sử dụng Dolomite được bón định kỳ 2 lần/tháng.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan được đo 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, các yếu tố khác như độ mặn, N-NO2, NH2, được đo 1 lần/tuần. Tốc độ sinh trưởng của cá, tôm được kiểm tra định kỳ 1 lần/2 tuần để kịp điều chỉnh lượng thức ăn. Thời tiết nắng nóng chú ý bật quạt nước đều và nâng mức nước lên vào những ngày lạnh.

Thu hoạch và kết quả

Nuôi cá trong vòng 6 tháng đạt cỡ > 800 g/con, nuôi tôm chung với cá trong vòng 3 tháng (một vụ cá kết hợp 2 vụ tôm) đạt cỡ 40 – 60 con/kg, trong khi đó nuôi hoàn toàn tôm thẻ chân trắng cùng thời gian, cho kết quả đạt 60 – 80 con/kg.  Mặc dù, ở mô hình nuôi tôm kết hợp cá diêu hồng này đã sử dụng thức ăn thấp đạm (sử dụng thức ăn nuôi vịt đẻ), cho thấy đây là ảnh hưởng tích cực của việc kết hợp giữa cá điêu hồng với tôm thẻ chân trắng, đã tạo môi trường sinh thái thích hợp cho tôm phát triển, hơn nữa, thức ăn có hàm lượng đạm thấp nhằm mục đích sử dụng triệt để nguồn dinh dưỡng trong ao nuôi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Trong quá trình nuôi, tôm nuôi không bị dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, giảm chi phí thuốc và hóa chất của mô hình lên tới 30% và mang lại hiệu quả kinh tế tăng đến hơn 2,8 lần. Với mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế 124 – 126 triệu đồng/1.000 m2ao nuôi.

Tuy nhiên, trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng cũng xuất hiện một số hạn chế cần khắc phục như: Tôm hay bị bệnh mềm vỏ do nước ngọt thường có độ kiềm thấp nên cần tăng cường bổ sung Dolomit cho ao nuôi; chất lượng cá điêu hồng giống thường bị hạn chế về màu sắc và gặp khó khăn trong việc tìm con giống sớm do ảnh hưởng của không khí lạnh khu vực phía Bắc; các hộ nuôi thường thu cá thương phẩm đồng loạt do ảnh hưởng của mùa vụ khi thu hoạch nên phần nào đã bị tác động của thị trường tiêu thụ (cung vượt cầu). Từ đó khiến giá bán không ổn định, thu nhập của người nuôi bấp bênh.

Nguồn: Tạp chí thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tại sao nhiều cá hồi nuôi bị mất thị lực vào mùa hè?

Cá hồi nuôi thường bị mất thị lực vào mùa hè vì đục thủy tinh thể làm đôi mắt không trong suốt. Điều này xảy ra khi nhiệt độ tăng, các nhà khoa học tại NIFES đã tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa sự tăng lên của nhiệt độ và chứng mù ở cá hồi.

Đục thủy tinh thể là một rối loạn mắt có thể ảnh hưởng đến cả người và cá. Mắt cá nên mờ  dần cho đến khi nó không còn trong suốt. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với cá hồi nuôi.

Nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu dinh dưỡng và nghiên cứu hải sản quốc gia (NIFES) cho biết: “Trường hợp xấu nhất là tầm nhìn của cá bị suy yếu đến nỗi không thể nhìn thấy thức ăn, ngừng ăn uống và ngừng phát triển.”

Thủy tinh thể của mắt là một quả cầu nhỏ trong suốt, không khác gì lòng trắng quả trứng, nó cũng bao gồm các protein trong suốt. Khi các protein bị phá hủy chúng chuyển sang màu trắng, và mất đi sự trong suốt của nó.

Cá hồi không thích nước ấm

Nguy cơ mù của cá Hồi sẽ cao hơn vào mùa hè, do nhiệt độ đại dương cao hơn.

“Vì cá hồi lạnh, nhiệt độ cơ thể cũng giống như nhiệt độ của nước. Nhiệt độ tối ưu cho cá hồi Đại Tây Dương là khoảng 13oC. Nếu nó nóng hơn, cá hồi sẽ không hoạt động tốt và có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn ”, nhà khoa học NIFES nói.

Trong tự nhiên, cá hồi hoang dã có thể di chuyển đến những vùng nước sâu hơn và lạnh hơn khi nhiệt độ tăng, nhưng điều đó không làm được với cá hồi nuôi trong lồng bè ở ngoài biển.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến thủy tinh thể

Trong một nghiên cứu gần đây đã được công bố, các nhà khoa học thấy rằng có một số thay đổi xảy ra trong mắt cá khi nhiệt độ nước tăng. Một thay đổi quan trọng là thủy tinh thể hết các chất chống oxy hoá. Các chất chống oxy hoá bảo vệ mắt khỏi hư hỏng, và khi không có đủ thì các protein sẽ bị phá hủy hình thành các đốm trắng trong mắt. Đây gọi là stress oxy hóa.

Tương tự như bị đục thủy tinh thể do tiểu đường

Đồng thời, thủy tinh thể thay đổi theo cách tương tự như những thay đổi nhìn thấy ở những người mắc đục thủy tinh thể do bệnh tiểu đường. Mức đường trong máu của cá hồi sống trong nước ấm tăng lên, và điều này có ảnh hưởng đến thủy tinh thể.

“Khi lượng đường trong máu tăng lên, lượng đường trong lens bị quá tải, và chúng ta thấy sự tích tụ của đường điều này gây ra vấn đề với sự cân bằng nước trong thấu kính.

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự cân bằng nước

Mắt phải chứa đúng lượng nước để được trong suốt. Nếu nó sưng lên hoặc khô ra, điều này có thể làm hỏng tế bào và dẫn đến sự hình thành đục thủy tinh thể. Các nhà khoa học gọi đó là áp suất thẩm thấu.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng thủy tinh thể của cá hồi sống trong nước ấm có khả năng điều chỉnh sự cân bằng thấp hơn bởi vì chúng có ít osmolytes (chức năng của chúng là vận chuyển nước ra khỏi tế bào).

Histidine bảo vệ chống lại bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là vấn đề lớn trong nuôi trồng thủy sản trong 20 năm qua. Trước đó, các sản phẩm phụ từ động vật như bột máu đã được sử dụng trong thức ăn cho cá, nhưng nó  đã ngưng vào những năm 1990 do nguy cơ lây bệnh bò điên. Nếu thức ăn cá không có máu, và với ít bột cá thì cá hồi nuôi bị mất đi một nguồn quan trọng của histidine.

Histidine là một axit amin thiết yếu, có chức năng hình thành protein. Ngoài ra, axit amin này có thể hoạt động như một chất chống oxy hoá và osmolyte. Điều này có nghĩa là histidine có thể bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng oxy hoá và giúp duy trì cân bằng nước trong thủy tinh thể, đó là lý do tại sao histidine có thể bảo vệ chống lại sự phát triển đục thủy tinh thể.

Bảo vệ cá hồi chống lại những thay đổi môi trường

Cá hồi phải nhận được đầy đủ acid amin là histidine cần để đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng thông qua thức ăn. Tuy nhiên, không phải tất cả các nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chứa đủ histidine. Các nhà khoa học tại NIFES trước đây đã phát hiện ra rằng cá hồi Đại Tây Dương cần khoảng hai lần nhiều histidine để giảm thiểu đục thủy tinh thể.. Tuy nhiên, điều này không phải là yếu tố đủ để loại bỏ đục thủy tinh thể.

Nguồn: NIFES được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tại sao thịt cá lại có nhiều màu sắc khác nhau?

Từ màu đỏ đến màu trắng, từ màu cam cho đến màu xanh, thịt cá có thể rơi vào bất kỳ chổ nào trên thang đo màu sắc. Đằng sau sự khác nhau về màu sắc của từng loại thịt cá là gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

Nếu bạn là người đam mê ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là các món ăn từ cá sống như sushi hay sashimi thì chắc hẳn bạn sẽ nhận ra sự phong phú về màu sắc của từng loại thịt cá khác nhau xuất hiện trong các món ăn này. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho màu sắc thịt cá khác nhau có thể từ gen cho đến các sắc tố mật. Ngoài ra, môi trường sống của cá, sự vận động và đặc điểm thức ăn của cá cũng góp phần làm cho thịt cá có nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc khác nhau của thịt cá. Theo thứ tự từ trái qua phải là thịt cá ngừ vây vàng, cá hồi chinook, cá tuyết lingcod và cá bơn Thái Bình Dương .

Thịt đỏ của cá ngừ vây vàng

Cá ngừ vây vàng được xem là Michael Phelps trong thế giới loài cá bởi khả năng vận động và bơi lội cừ khôi của chúng. Chính sự vận động và bơi lội tuyệt vời của cá ngừ vây vàng làm cho thịt của chúng có màu đỏ tươi.

Thịt màu đỏ tươi của cá ngừ vây vàng

Bruce Collette, nhà động vật học thuộc Trung tâm Dịch vụ Biển Quốc gia cho biết cá ngừ vây vàng cần rất nhiều oxy để phục vụ cho khả năng bơi lội và vận động với cường độ cao của nó. Một protein gọi là myoglobin chứa oxy và hoạt động như sắc tố, chuyển màu thịt của đa số các loài cá ngừ, và các loài cá sống đại dương khác như cá mập mako và cá kiếm, thành màu đỏ hơi hồng.

“Điều đó cũng đúng đối với các động vật trên cạn: Nếu chúng hoạt động nhiều, chúng có nhiều myoglobin hơn và thịt chúng có màu đậm hơn”, Collette nói. Michaeleen Doucleff cho rằng, hoạt động của cơ quá nhiều cũng làm cho thịt cá cứng hơn và gây khó khăn trong việc vận động. Điều này giải thích vì sao phần bụng của cá ngừ vây vàng rất mềm, giúp chúng cử động cơ thể dễ dàng hơn.

Màu thịt cá ngừ càng đỏ thì càng tươi ngon, tuy nhiên cần lưu ý là một số người buôn bán thủy sản bất lương dùng khí CO để gia tăng màu đỏ của thịt cá ngừ. Phương pháp này giúp cho màu thịt cá ngừ từ hơi nâu của cá không được tươi trở thành màu đỏ tươi ngon. Việc này là bất hợp pháp ở một số quốc gia như Singapore, nhưng ở Mỹ thì không. Vì thế hãy cảnh giác với những miếng cá ngừ có màu đỏ anh đào giống như thật – thịt nó có thể không tươi như quảng cáo.

Thịt trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Trong khi màu thịt đỏ sẫm có liên quan đến những loài cá thương xuyên vận động và bơi quãng đường xa, màu thịt quá trắng, gần như không màu của một số loài cá là dấu hiệu của những loài cá ít vận động.

Thịt màu trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Cá bơn Thái Bình Dương có cơ thịt dày và trắng nhìn rất ngon do xuất phát từ thói quen vận động của chúng. Loài cá này thường dành hết thời gian hàng ngày bơi một cách chậm chạp hoặc nằm nghỉ dưới đáy biển – ngược lại hoàn toàn với cá ngừ.

Khi thịt cá bơn còn tươi sống, nó không thực sự trắng mà hơi bóng và gần như trong suốt. Nhưng sau khi nấu làm cho protein trong thịt đông lại, tạo ra màu thịt trắng như tuyết và cơ thịt chắc mà chúng ta thường gọi là “cá thịt trắng”. Một quá trình tương tự cũng xảy ra ở tất cả các động vật trên cạn lẫn dưới nước. Điều này giải thích tại sao thịt cá ngừ biến thành màu xám khi nấu nướng, trong khi thịt cá hồi biến thành màu hồng nhạt, và thịt bò biến thành màu nâu.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thịt cá hồi chinook có màu cam hơi hồng, đó là do sự kết hợp của gen và thức ăn của chúng. Milton Love, nhà sinh vật học tại Đại học California, cho biết khi cá hồi ăn tôm krill, loại thức ăn chính của nó, các sắc tố gọi là carotenoid trong loài giáp xác này làm cho thịt cá hồi có màu cam.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thế nhưng, tại sao điều này không xảy ra đối với tất cả các loài cá ăn tôm krill khác? Milton Love giải thích rằng cá hồi có chứa “gen màu” cho phép carotenoid biểu hiện trong cơ thịt của nó.

Tuy nhiên, trong số các loài cá hồi như Chinook, cá hồi king, cá hồi salmon một số cá thể thiếu “gen màu”, kết quả là đôi khi thịt của những loài cá hồi này có màu hơi xám. Những con cá hồi thịt màu xám này gọi là “vua ngà” (ivory kings) có giá bán cao hơn trên thị trường, tuy nhiên rất khó bán do người tiêu dùng thích cá hồi thịt đỏ hơn.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Mặc dù thịt thường có tông màu trắng giống cá bơn hay cá tuyết khác, thịt cá lingcod, loài cá sống đáy ở Bờ Tây trông có vẻ như nó được nhuộm qua đêm trong khay thuốc nhuộm màu xanh.

Milton Love viết trong sách của ông rằng màu của sắc tố mật được gọi là biliverdin dường như chịu trách nhiệm trong việc chuyển hóa huyết thanh của những con cá này thành màu xanh gây kinh ngạc – nhưng làm thế nào sắc tố này đi vào cơ thịt cá, hoặc tại sao chỉ một số cá lingcod chuyển màu vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà sinh học.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Lingcod – thành viên của họ cá xanh (greenling family), không phải là loài cá phân bố ở khu vực Bờ Tây duy nhất có màu thịt xanh. Các loài cá cùng họ khác như rock greenling và kelp greenling, thỉnh thoảng thịt của chúng có màu xanh ngọc lam.

Tom Worthington, đồng sở hữu của chợ cá Monterey ở San Francisco cho rằng thịt cá màu xanh ngọc lam có mùi vị tương tự như cá màu thịt trắng. Trong khi nấu nướng, màu xanh sẽ biến mất hoàn toàn. Những người có đủ may mắn bắt gặp một miếng philê thịt xanh có thể bị thu hút bởi sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ của nó. Worthington nói philê cá lingcod thịt xanh bán chạy hơn cá philê thịt trắng cùng loài.

Tóm lại, màu sắc của thịt cá phụ thuộc vào nhiều đặc điểm như sự vận động, loại thức ăn, sắc tố mật và cả gen di truyền.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ép cân và những lưu ý khi ép cân cho cá

Phương pháp ép cân hay còn gọi “tập thể dục cho cá” có lợi ích cho chất lượng cá ngon hơn, các mô mỡ giảm dần hệ cơ vận động săn chắc, bán giá cao hơn do cá được ép cân dáng vẻ thon tròn và da láng bóng.

 

Phương pháp cho cá tập thể dục

Anh Cao Xuân Kiền ở bến phà Phú Hậu, xóm 9, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam dùng phương pháp ép cân cho cá lăng đen. Cá sau khi được ép cân trong 30-40 ngày thì giảm khoảng 800g/con, lúc đó ruột cá rất sạch, thịt săn, bụng không còn mỡ. Những con cá khi mang đi ép cân hoàn toàn không ăn gì trong những ngày này, thế nhưng đến lúc bán cá vẫn khỏe.

Một con cá lăng đen giống, anh Kiền nuôi khoảng 2 năm đạt từ 3-4 kg, có con đột biến thì được 5kg. Nguyên tắc ép cân của anh Kiền: giảm ăn, ngưng ăn và tăng cường vận động

Kỹ thuật ép cân cho cá

Để ép cân cho một con cá lăng đen, anh Kiền phải nghiêm khắc luyện tập cho chúng từ 20-40 ngày, gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1:

Giảm ăn: Trước khi thực hiện ép cân từ 3-5 ngày giảm ăn theo tỷ lệ phần trăm khối lượng vì dụ ngày đầu tiên giảm nửa bao, ngày 2 giảm 1 bao cứ thế tăng dần tập cho cá thói quen nhịn ăn, bởi nếu đột ngột cá sẽ sốc và chết.

Lựa chọn và nuôi tách riêng những con cá có cùng độ tuổi, cùng kích cỡ ở dưới lồng nuôi cho riêng vào một cái lồng ép nhỏ ở bè, lúc cá được chuyển sang ô lồng mới cá sẽ được nhịn ăn hoàn toàn.

Vài ngày sau rắc 1kg muối trắng vào bể khoảng 2 khối nước, sau đó dội nước trực tiếp vào cá để chúng vận động thải hết thức ăn từ trong ruột ra và sát trùng để cá không bị lở loét.

Hàng ngày những con cá này đều được “đánh dẻo” theo đúng số lần và thời gian quy định. Cách đánh dẻo cho cá: mỗi ngày kéo lưới ở lồng nuôi cá lên lửng 2 lần để cá vận động nhiều hơn. Trước khi đánh dẻo phải cho cá nghỉ ăn 2 ngày để cá vận động nhiều không bị chết, nếu cá ăn no mà kéo dẻo liền thì cá chết ngay.

Giai đoạn 2:

Sau gần nửa tháng huấn luyện, anh tiếp tục vận chuyển những con cá này về bể đặt ở nhà rồi tiếp tục cho cá nhịn ăn trên 10 ngày xong mới đem bán. Cá thả tại bể được dùng bằng nước máy đã khử clo, mỗi ngày anh đều thay nước trong bể 1 hoặc 2 lần.

Hằng ngày tiếp tục tập thể dục cho cá bằng cách sục nước lùa cá bơi quanh bể, đồng thời cho 1 lượng muối nhỏ (2m3 nước dùng 1kg muối) để khoảng 15 phút rồi thay nước.

Cá sau khi bị ép cân sẽ hao hụt trọng lượng. Tuy nhiên, khi ép thành công, giá bán sẽ tăng gấp đôi nên lợi nhuận vẫn rất cao.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá tai tượng – loài cá phát tài

Cá tai tượng – một loài cá xương nước ngọt thuộc họ Osphronemidae, sống ở vùng nước lặng, nơi có nhiều cây thuỷ sinh. Đây là loài cá đặc trưng cho vùng nhiệt đới, phân bố ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào.

Tại Việt Nam cá tai tượng phân bố tự nhiên ở sông Đồng Nai. Đây là loài cá có khả năng thích nghi đặc biệt với điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Cá tai tượng

1. Môi trường sống của cá tai tượng

Cá tai tượng sống ở ao hồ, đầm nước ngọt cá có cơ quan hô hấp nên cá sống được ở nước tù, thiếu oxy.

Cá cũng sống được ở nước lợ, ngưỡng nhiệt độ 16 – 42 °C, sinh trưởng tốt ở 25 – 30 °C  ở nhiệt độ thấp hơn cá thường hay bị bệnh. Độ PH thích hợp là 5. Chúng có thể sống được trong môi trường nước ao dơ bẩn, thiếu oxy nhờ cơ quan hô hấp phụ nằm ở cung mang thứ nhất

Cá tai tượng được nuôi trong hồ kiếng

So với cá sặc rằn và cá rô phi thì khả năng chịu lạnh của cá tai tượng kém hơn, nhưng khả năng chịu nóng lại cao hơn.

2. Đặc tính sinh sản

Nên có sẵn một hồ kiếng khá rộng cho một cặp cá Tai Tượng Phi Châu vào đẻ. Trong hồ ta nên đặt sẵn một cục gạch thẻ theo thế đứng để làm ổ cho cá đẻ lên đó.

Cặp cá mái Tai Tượng thả vào hồ chúng có thể bơi lội nhởn nhơ bình thường. Nhưng một lúc nào đó ta thấy hai con trượt đuổi nhau, cắn mổ nhau, húc đầu vào nhau, cá trống tìm cách khống chế cá mái bắt cá mái phải phục tùng… đó là dấu hiệu báo cho ta biết cá sắp đẻ trứng.

Khi đẻ, trứng nằm theo từng hàng trên viên gạch, không đẻ một lần liên tục mà chia ra nhiều lần. Mỗi lần cá mái thở là nó lại đẻ tiếp một đợt trứng. Có cái khéo léo là các trứng không nằm đè lên nhau. Khi cá mái đẻ xong, cá trống liền tới thụ tinh cho ổ trứng, nó rưới lên trứng một chất nhão đó là tinh trùng…

Và cũng như thói quen của cá Dĩa, trống mái Tai Tượng cũng lẩn quẩn quanh ổ trứng vừa canh trứng vừa dùng vi quạt trứng như một hình thức ấp trứng để nước dao động quanh trứng, cung cấp dưỡng khí cho trứng…

Khoảng một ngày sau đó trứng nở. Cá con vẫn bám chặt vào ổ như vậy suốt ba bốn ngày. Và trong thời gian này, cá cha mẹ vẫn siêng năng ở bên cạnh để canh giữ

Nuôi dưỡng cá con: Mới ra đời, cá con chưa biết ăn, chúng sống được nhờ thức ăn dự trữ trong thân chúng. Sau bốn ngày tuổi, cá con mới rời ra khỏi ổ trứng và lúc này mới biết bơi. Cá con Tai Tượng Phi Châu mới nở rất lớn và ăn các loại thức ăn nhỏ như lòng đỏ trứng gà…… Sau khoảng một tuần cá có thể ăn trùn chỉ,cám..

3. Tập tính của cá Tai Tượng

Cá tai tượng có thể ăn bất cứ gì mà người nuôi cho vào cho chúng ăn. Cá rất tham ăn vì thế các bạn lưu ý cho cá ăn vừa phải tránh cá bị sình bụng do ăn quá nhiều

Cá tai tượng rất tham ăn

Cá Tai Tượng có thể ăn các loại cá con vì thế tránh nuôi cá tai tượng chung với các loại cá nhỏ khác trong cùng một hồ nuôi. Cá khá dữ và hay đánh cũng như ăn thịt các loại cá cảnh khác trong cùng một bể chỉ nuôi cá với các loại cá có tập tính tương đương như Hồng két, đầu bò hoặc nuôi riêng lẻ.

4. Thị trường mua bán, giá bán cá tai tượng

– Giá trung bình (VND/con):20000
– Giá bán min – max (VND/con):10.000 – 4.000.000

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.