Ương cá bống tượng giống trong vuông nuôi tôm nước lợ

Những năm gần đây, người dân một số địa phương trong tỉnh phát triển nuôi đối tượng này trong ao, ruộng lúa… đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, nghề nuôi cá bống tượng còn gặp khó khăn về con giống do nhu cầu ngày càng cao.

Cá bống nuôi trong các ao, ruộng lúa mang lại hiệu quả cao

Từ những kinh nghiệm và thực tế đã áp dụng cho các xã Tân Thành, An Xuyên, TP Cà Mau, tôi xin trao đổi với bà con nông dân về kỹ thuật “Ương cá bống tượng giống trong vuông nuôi tôm mùa nước lợ (mùa mưa)” như sau:

Tận dụng các ao nuôi cá thương phẩm có sẵn, khi cá đạt kích cỡ và thành thục thì tiến hành làm các giá thể đặt trong ao tạo chỗ để cá đẻ. Trứng cá bống tượng khi đẻ ra dính trên các giá thể có trong ao như gốc cây, cọc, thành cống… Vì thế, cần chuẩn bị giá thể để thu trứng được dễ dàng. Giá thể thường dùng là gạch, ngói được đặt cách đáy ao 20 cm và nghiêng một góc 45º để làm tổ cho cá.

Sau khi cá nở khoảng 45-60 ngày tuổi, cá lớn khoảng 3-4 cm thì tiến hành thu cá giống bằng cách đặt giá thể (bằng cành, nhánh cây khô bó lại) đặt xung quanh ao, cách mặt nước 30-50 cm cho cá bống tượng con tập trung vào.

Khi bắt, nâng các bó chà lên và dùng vợt vớt cá rồi chuyển ra vuông, tận dụng nguồn tôm, ruốc tạp trong vuông làm thức ăn để ương cá con. Nuôi cho đến khi cá đạt kích cỡ 50-100 g/con (khoảng 4-5 tháng) thì tiến hành đặt lú bắt và chuyển vào ao nuôi cá thương phẩm.

Một số bệnh thường gặp ở cá Bống Tượng

Cá Bống Tượng là một đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Để được bán được giá, người nuôi cần chú ý tới phòng bệnh cho cá, bởi nếu cá bị bệnh sẽ để lại sẹo trên người làm giảm giá trị thương mại.

1. Bệnh ký sinh trùng

– Nguyên nhân và triệu chứng:

Bệnh do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

Trùng quả dưa gây bệnh cho cá bống tượng 

– Phòng trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Cách trị: dùng formol tạt xuống ao với nồng độ 20-25ml/m3.

2. Bệnh nấm thuỷ mi

– Triệu chứng: khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

– Cách phòng: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Trị bệnh Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 3-5g/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.

3. Bệnh đốm đỏ

– Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas punotata hay Aeromonas hydrophila.

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp. Xuất hiện các đốm đỏ trên thân. Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi. Hậu môn sưng đỏ

– Cách phòng: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.

– Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100kg và Vitamine C 3g/100kg, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục từ 5-7 ngày.

4. Bệnh lở loét (Hội chứng lở loét)

– Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn , nhiệt độ thay đổi.

– Triệu chứng: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

– Phòng và trị bệnh: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Trị bệnh: Dùng thuốc tím 3g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3kg/m3 tạt xuống ao. Đồng thời trộn kháng sinh cho ăn liên tục từ 5-7 ngày với liều Oxytetracyline 2g/kg thức ăn, bổ sung vitamin C 3g/kg thức ăn.

5. Bệnh mất nhớt

– Nguyên nhân và triệu chứng bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát, bị sốc do đánh bắt vận chuyển hoặc do môi trường thay đổi đột ngột. Khi bị bệnh khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ là cơ hội để nấm và ngoại ký sinh phát triển. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

– Phòng bệnh: Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 1-2kg/100m3 vào ao nuôi.

– Trị bệnh: dùng formol 25 ml/m3 nước, để diệt nấm và ngoại ký sinh, sau 24 giờ thay thay 50% lượng nước trong ao nuôi rồi dùng lặp lại thuốc với liều trên một lần nữa.

Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp:

Làm sạch môi tr­ường n­ước và ao nuôi:
– Nguồn nư­ớc lấy vào ao phải sạch.
– Ao quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp.
– Tr­ước khi thả cá tháo cạn n­ước, phơi đáy ao và tẩy bằng vôi bột với lượng 10 – 15 kg cho 100 m2.
– Vớt hết thức ăn thừa (nhất là cỏ, lá) trư­ớc khi cho cá ăn lần mới.

Tăng sức đề kháng cho cá:
– Chọn cá giống khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình.
– Không thả cá quá nhỏ, không nên nuôi cá với mật độ quá dày.
– Tránh làm cá bị sốc: cá giống mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nư­ớc ao, bằng cách té nư­ớc ao vào thùng, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nư­ớc ao cân bằng nhau, rồi thả cá ra ao.

Ngăn ngừa bệnh:
– Tr­ước khi thả cá nên tắm cho cá giống bằng n­ước muối nồng độ 2 – 3% trong 10 -15 phút.
– Không dùng phân chuồng tư­ơi để bón cho ao; phân chuồng cần ủ với vôi (4 – 5 kg vôi/100kg phân chuông) trong 20 ngày tr­ước khi sử dụng.
– Có thể bón vôi bột vào n­ước ao định kỳ mỗi tháng 2 lần (Bón 1 – 2 kg vôi cho 100m3 n­ước ao).

Chú ý: Cần kiểm tra độ chua của n­ước ao bằng giấy quỳ tím (giấy pH).
– Dùng thuốc phòng bệnh cho cá vào tr­ước mùa xuất hiện bệnh.

Nguồn: Chi cục Thủy sản Cần Thơ được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm chọn cá bống tượng giống

Trước đây người nuôi cá bống tượng thường mua cá giống ở chợ, nguồn cá này được bắt bằng hình thức cào hoặc đặt lợp, vì thế chất lượng không được đảm bảo và số lượng cũng ít, người nuôi cá bống tượng ít khi chọn được nguồn cá giống như ý muốn.

Hiện nay, ngành thủy sản đã sản xuất được cá bống tượng giống bằng phương pháp nhân tạo.

Xin giới thiệu cách chọn cá bống tượng giống, nhằm giúp bà con nông dân trong nghề nuôi cá bống tượng trong ao hoặc trong lồng bè.

Kinh nghiệm chọn đúng giống

Nếu trông bên ngoài, cá bống tượng giống với loài cá bống khác, nhất là trong thời kỳ còn nhỏ. Nhưng chúng có đặc điểm không thể lầm lẫn được trong họ nhà bống là dưới đuôi có hình chữ V màu đen.

Những con cá bống tượng có chất lượng tốt

Kinh nghiệm nhìn bề ngoài

Cần chọn những con cá có kích cỡ đều nhau. Nếu trong đàn cá có kích cỡ khác nhau, chứng tỏ không phải chúng cùng sinh ra một nguồn hoặc chế độ dinh dưỡng không đều. Nếu thả những con cá có kích thước khác nhau thì rất khó cho vấn đề chăm sóc và rất bất lợi cho cạnh tranh thức ăn trong đàn.

Trọng lượng trung bình trong đàn cá từ 50-100g/con là thích hợp nhất (không nên quá 5% số lượng cá lớn hơn hoặc nhỏ hơn trọng lượng trung bình đó).

Cá giống khi lật ngửa ra thấy vảy bụng và lưng phải đều, các tia vi còn nguyên, cá nhiều nhớt, màu lưng của cá hơi xám, da bóng, mang phùng ra thật to và các tia vi xòe ra hết cỡ, đó là con giống tốt.

Kinh nghiệm theo dõi lúc bơi

Nếu thả cá vào chậu nước sạch, chúng bơi rất nhanh, theo dõi các tia vi hoạt động đều, đó là cá giống khỏe.

Cần chú ý những con cá khi bơi lờ đờ, thỉnh thoảng chúng ngưng hoạt động tia vây hoặc nằm ngửa, có thể là cá bị cào điện hoặc bị bệnh, cần phải loại bỏ vì khi thả chúng xuống ao chúng cũng sẽ chết và lây bệnh cho cả đàn.

Ngoài ra cũng cần chú ý nhưng con cá khi thả vào chậu, chúng nhào lộn dữ dội, đây có thể là những con cá bị sán lá ký sinh.

Kinh nghiệm theo dõi những vết bệnh

Có thể lấy ngẫu nhiên 100 con trong đàn, rồi thả vào keo thủy tinh chứa nước sạch. Nhìn thật kỹ xem có nhiều con bụng dưới bị sưng đỏ không, có thể là chúng đang bị nhiễm bệnh ghẻ do vi khuẩn Aeromonasssp. Hoặc là do trùng mỏ neo (Lemea) hoặc dưới đuôi có thấy một chùm trắng giống bông gòn, có thể là do nấm thủy mi tấn công.

Trùng mỏ neo hoặc nấm thủy mi có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trung bình trong đàn không được quá 2% số con bệnh thì mới có thể chấp nhận được.

Trên đây là những yếu tố cần thiết cho cách chọn cá bống tượng giống. Cách chọn này có thể áp dụng khi phải mua giống trôi nổi cũng như nguồn cá giống trong trại. Nhưng cũng cần nhớ là uy tín nơi bán cá giống quan trọng. Bà con nông dân nên chọn những cơ sở bán cá giống có uy tín từ trước tới nay để mua cá giống.

Theo 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá bống tượng giá bán cao

Cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata) có kích thước lớn nhất trong họ cá bống nước ngọt. Nhờ có chất lượng thịt thơm ngon và giá bán cao, cá bống tượng được xem là loài nuôi kinh tế ở Nam bộ.

Hình dáng

Cá có thân hình thoi tròn, đầu to hơn thân, miệng rộng và răng sắc nhọn. Thân cá nhiều nhớt, có nhiều màu đen và vằn nâu, màu lưng hơi xám. Vảy bụng và lưng đều, mang phồng to, các vây xòe ra hết cỡ. Cá dễ phân biệt với cá bống khác do dưới đuôi có hình chữ V màu đen.

Cá bống tượng

Tập tính sống

Cá sống ở sông rạch, ao, ruộng hoặc hồ chứa, thường đi theo cặp, có thể sống được ở pH = 5, độ mặn 0 – 15‰. Cá có thể chịu đựng được nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp (1 mg/lít). Cá thường sống ở tầng đáy, mé bờ gần mặt nước nơi có cỏ cây thủy sinh, ban ngày cá vùi mình xuống bùn hoặc ẩn trong hang hốc, bộng, ban đêm mới đi kiếm ăn. Cá có thể sống nhiều ngày không ăn, trong điều kiện chật hẹp (lu, chậu, bể nhỏ) hoặc nơi ít nước.

Sinh trưởng sinh sản

Bống tượng là loài cá dữ thích ăn mồi sống như cá, tôm, tép, cua, trùn, ấu trùng, côn trùng, thủy sinh… tươi sống và không thích ăn vật ươn thối, hoặc có thể ăn thêm thức ăn khác như cám công nghiệp và chế biến. Cá ăn mạnh về đêm và những ngày nước lớn. Cá là loài đẻ trứng dính, thành thục sau một năm tuổi, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 – 11, tập trung tháng 5 – 8, sức sinh sản trung bình 170.000 trứng/kg cá cái. Cá sinh sản nơi nước chảy có cây cỏ thủy sinh hay các gốc thân cây chìm ở ven bờ.

Cá nở sau 4 ngày, cá bột mới nở ăn thức ăn gồm động vật phù du cỡ nhỏ và các hạt mịn như bột, trứng, sữa, đậu nành. Từ ngày 20 trở đi, ăn trùn chỉ, sau một tháng ăn tôm, cá nhỏ. Cá lớn chậm ở giai đoạn dưới 100 g, sau đó lớn nhanh hơn. Cá đạt cỡ 3 – 4 cm sau 2 – 3 tháng ương nuôi. Cỡ cá (3 – 4 cm) phải nuôi 3 – 4 tháng mới đạt cỡ giống 100 g/con. Để nuôi lên cá thương phẩm cỡ 400 g/con trở lên phải nuôi cá giống (cỡ 100 g/con) trong ao hoặc lồng bè 5 – 8 tháng.

Hiện trạng nuôi

Cá bống tượng thương phẩm (cỡ 300 g trở lên) có thịt dày, vị ngọt, thơm, ngon, được tiêu thụ trong các nhà hàng khách sạn và phục vụ xuất khẩu. Trước đây người dân đã nuôi cá bằng nguồn giống tự nhiên như nuôi trong ao đầm ở Đồng Nai, Cà Mau và nuôi bè tại An Giang mang lại sản lượng khá. Hiện nay, hầu hết các trạm trại và cơ sở sản xuất giống đã sinh sản nhân tạo được loài cá này đáp được nhu cầu giống cho thị trường. Tuy nhiên, do thời gian ương giống dài (5 – 7 tháng) và việc đáp ứng nhu cầu thức ăn tươi sống của cá còn hạn chế nên tỷ lệ sống của cá ương nuôi lên giống (cỡ 100 g/con) vẫn còn thấp.

Hiện nay cá bống tượng vẫn được nuôi ao đất, bể hoặc lồng bè

Trong các phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp thì phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tươi sống (cá bạc đầu, rô phi…) được xem là hiệu quả kinh tế, vừa giảm chi phí, ô nhiễm nước vừa nâng cao được tỷ lệ sống cá, giúp cá phát triển tốt.

Cá bống tượng tuy giá bán cao nhưng đầu tư lớn, thời gian nuôi dài, tiêu thụ trong nước chậm và việc xuất khẩu không chủ động. Do vậy khi nuôi cá người dân phải tuân theo quy hoạch, nếu tự ý mở rộng diện tích nuôi lớn, nguồn cung vượt cầu, giá bán hạ sẽ khiến người nuôi dễ bị lỗ.

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trị, bệnh do vi khuẩn ở cá nuôi lồng bè

Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn trong ao phát triển mạnh gây bệnh cho cá. Bài viết cung cấp một số bệnh phổ biến trên cá do vi khuẩn, dấu hiệu nhận biết và biện pháp chữa trị.

1. Những bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi

1.1.Bệnh viêm ruột (đốm đỏ) ở cá

* Dấu hiệu bệnh lý:

  • Cá kém ăn hoặc bỏ ăn;
  • Cá bệnh bơi lờ đờ trên tầng mặt;
  • Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp;
  • Xuất hiện các đốm đỏ trên thân;
  • Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ;
  • Khi cá bệnh nặng có biểu hiện hoại tử da và cơ;
  • Mổ cá kiểm tra thấy nhiều dịch màu hồng trong bụng cá. Các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hóa).

* Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas spp di động gây ra.

2.2.Bệnh thối mang

*Dấu hiệu bệnh lý:

  • Các tia mang thối nát, có dính bùn, lớp biểu bì phía trong mang xung huyết nên còn được gọi là bệnh mang đóng bùn.
  • Các tế bào tổ chức mang bị thối nát, ăn mòn và xuất huyết.
  • Bệnh này thường kết hợp với bệnh nhiễm trùng máu, xuất huyết (đốm đỏ).
  • Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu khi nhiệt độ nước 28- 35ºC.

* Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn dạng sợi Myxoccocus piscicolas.

2. Biện pháp phòng, trị bệnh do vi khuẩn

Việc trị bệnh do vi khuẩn cho cá rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng.

* Biện pháp phòng bệnh:

  • Đảm bảo môi trường nước tốt cho đời sống của cá, không để cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu.
  • Định kỳ treo túi vôi vừa có tác dụng khử trùng vừa giúp kiềm hoá môi trường nước.
  • Mùa xuất hiện bệnh: 2 tuần treo một lần.
  • Mùa khác: một tháng treo 1 lần.
  • Lượng vôi: trung bình 2 kg vôi nung/10m3 lồng
  • Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung ở chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước chảy.
  • Trước và trong mùa xuất hiện bệnh cho cá ăn: Cung cấp thêm lượng vitamin C, lượng dùng thường xuyên từ 20-30mg Vitamin C/1 kg cá/ngày.

* Biện pháp trị bệnh:

  • Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp xử lý kịp thời. Việc chữa trị chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và trị bệnh các biện pháp hợp lý.
  • Khi phát hiện cá có các dấu hiệu của 2 loại bệnh trên cần áp dụng các biện pháp trị bệnh như sau:
  • Tăng sức để kháng cho cá nuôi: trộn vitamin C vào thức ăn rồi cho cá ăn. Đồng thời treo túi vôi ở đầu dòng nước chảy vào lồng.
  • Cho cá ăn thuốc kháng sinh: trộn kháng sinh vào thức ăn đúng liều lượng hướng dẫn. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.
    – Oxytetracyclin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Steptomycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Kanamycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Sulphamid: 1,5-2g/100kg cá/ngày
    – Erythromycin: 2-5g/100kg cá/ngày
  • Kết hợp với việc đánh diệt khuẩn cho ao nuôi.

Nguồn: TTKNQN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng chất nhầy để phát hiện TiLV trên cá rô phi

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thái Lan đã xác định được con đường lây truyền của mần bệnh Tilapia Lake Virus(TiLV) và sử dụng chất nhầy để phát hiện mần bệnh mà không gây chết cho cá.

Cá rô phi nuôi

Tilapia Lake Virus (TiLV) là một loại virus gây bệnh trên cá rô phi đang nổi lên gần đây ở nhiều quốc gia trong đó có Israel, Ecuador, Colombia, Ai Cập và Thái Lan.

Tuy nhiên, ít có thông tin và hiểu biết đến về con đường lây truyền của virus trong quần thể cá. Trong nghiên cứu này, TiLV đã được phát hiện trong các mẫu gan và chất nhầy từ cá rô phi đã chết bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase định lượng ngược và cách ly virus trong nuôi cấy tế bào.

So sánh phát hiện virus trong gan và chất nhầy của các mẫu cá bệnh cho thấy chất nhầy có thể được áp dụng để chẩn đoán TiLV và virus này trong chất nhầy vẫn còn có khả năng gây bệnh và là nguyên nhân của hiệu ứng bệnh biến trong tế bào.

Cá khỏe mạnh sống chung với cá có chứa TiLV làm cho tỷ lệ tử vong tích lũy của cá lên tới 55,71% cho thấy tiếp xúc trực tiếp với cá bệnh là nguyên nhân lây bệnh.

Đáng chú ý là các gen RNA TiLV đã được xác định trong chất nhầy của cá khỏe mạnh khi tiếp xúc với cá bệnh sớm nhất là 1 ngày nhiễm bệnh và virus được phân lập từ các mẫu chất nhầy thu được ở 5 ngày nhiễm bệnh.

Tỉ lệ tử vong tích lũy của cá sống chung được ghi lại hằng ngày.

Sự hiện diện của TiLV đã kéo dài đến 12-14 ngày bị nhiễm bệnh trong chất nhầy, gan và ruột của cá sống chung.

Sự phát hiện TiLV trong chất nhầy của các mẫu cá bệnh và cá khỏe sống chung cho thấy lây truyền qua tiếp xúc (truyền ngang) là con đường lây lan chính của TiLV trên cá.

Quan trọng hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng chất nhầy có thể được sử dụng để lấy mẫu để phát hiện TiLV mà không gây chết cho cá.

Nguồn: Sciencedirect được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá nheo Mỹ trên 0.5ha cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã nuôi thử nghiệm 7650 con cá nheo Mỹ với giá cả như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng…

Ông Đỗ Văn Nên cho biết, năm 2016, gia đình tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế cho thấy, sau 14 tháng , cá nheo Mỹ cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ở Việt Nam có nhiều loài thuộc bộ Cá da trơn như cá trê, cá nheo, cá bông lau, cá ba sa, cá tra v.v. Đại đa số chúng sinh sống tự nhiên trong các ao, đầm, sông, hồ. Chỉ đến gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ loại cá này dưới dạng thực phẩm tăng lên một cách đột biến, một số loài cá thuộc bộ này bắt đầu được các chủ trại nuôi cá ở Việt Nam chăn nuôi.

Cá nheo Mỹ (danh pháp hai phần: Ictalurus punctatus) là một loài cá thuộc chi Ictalurus. Nó là cá chính thức của Missouri, Iowa, Nebraska, Kansas, và Tennessee, và tên trong tiếng Anh không chính thức là “channel cat”. Tại Hoa Kỳ chúng là đối tượng là đánh bắt loài cá da trơn với khoảng 8 triệu người đi câu nhắm vào nó mỗi năm.

Theo báo Bắc Ninh, để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, từ tháng 7 năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình: “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện: Gia Bình và Lương Tài. Sau hơn 1 năm triển khai, có thể khẳng định nuôi cá nheo Mỹ là hướng đi mới giúp cho người nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế…

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 5.350 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba…

Tháng 7/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện Gia Bình và Lương Tài. Mô hình được triển khai với quy mô 9.000 m2, thả 15.300 con giống tại 2 hộ thuộc xã Bình Dương (Gia Bình) và Trung Kênh (Lương Tài). Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các xã khảo sát chọn hộ tham gia; kiểm tra công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo mức hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh (Lương Tài), một trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết: “Với diện tích 4.500 m2 mặt nước, gia đình từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim, rô phi…nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2016, gia đình Ông Nên tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế sản xuất cho thấy, cá Nheo Mỹ dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Sau 14 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với nuôi các giống cá truyền thống”.

Cá nheo là loài cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường, chúng ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, , giun…, nếu dùng thức ăn công nghiệp thì lượng đạm trên 35% và canxi là 0.45 % mới đảm bảo cho cá phát triển bình thường.

Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Cùng với mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá trắm đen, kết quả khả quan của mô hình nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân…”.

Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm cần khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo Mỹ, cá lăng để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Theo ông Vũ Thái Ninh, cá nheo Mỹ cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao, nguồn thực phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá nheo Mỹ cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Nguồn: Báo thương hiệu và pháp luật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá tra giống tăng giá mạnh nông dân hối hả cho vụ mới

Hiện giá cá tra giống loại 30 – 40 con/kg, được thu mua khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này người nuôi có lãi trên 10.000 đồng/kg.

Cá tra đang tăng mạnh, nông dân hối hả cho mùa vụ mới

Hiện giá cá tra thương phẩm tăng mạnh với mức giá cá tra thương phẩm 28.000 – 30.000 đồng/kg, người nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp vô cùng phấn khởi chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.500 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, bình quân năng suất đạt 350 tấn/ha.

Diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Giá cá tra đang ở mức 28 – 30 nghìn đồng/kg, tăng 5 – 7 nghìn đồng/kg so với vài tháng trước, người nuôi có thể thu lợi nhuận từ 3 – 5 nghìn đồng/kg.

Tân Hồng là địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với tổng diện tích hơn 580ha, trong đó, cá tra thương phẩm hơn 179 ha và cá tra giống hơn 236 ha… Trong 9 tháng đầu năm huyện đã thả nuôi và thu hoạch 38.029/36.000 ha, đạt 106% kế hoạch, gồm: cá tra 35.923 tấn, các loại khác 999 tấn.

Ông Phan Thanh Xuân – Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết, để phát triển ngành cá tra cần làm tốt công tác sản xuất đến tiêu thụ phải đạt chuẩn có chứng nhận mới là hướng đi bền vững. Huyện đã hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi không sử dung kháng sinh, ao nuôi sạch có xử lý môi trường và phải ghi sổ tay để quản lý. Nhiều hộ đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo người nuôi có lãi.

Cá tra tăng giá mạnh nông dân phấn khởi

Thị trường cá tra giống cũng nhộn nhịp hẳn lên. Toàn huyện Hồng Ngự có 53 cơ sở sản xuất cá tra bột (giảm trên 20 cơ sở so với năm 2015), trong đó có 31 cơ sở nuôi cá bố mẹ được chuyển giao công nghệ chất lượng di truyền cao. Hàng năm cung ứng ra thị trường gần 500 triệu con giống và 10 tỷ con cá tra bột phục vụ cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trong, ngoài tỉnh

Nguồn: Nongnghiep.vnd được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thoát nghèo nhờ cá rô phi: Hiệu quả bất ngờ!

Từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN- PTNT), dự án nuôi cá rô phi được xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) triển khai từ tháng 7- 11/2017 cho hiệu quả cao. Từ đó giúp các hộ tham gia dự án thoát nghèo, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.

Mô hình nuôi cá rô phi của gia đình ông Hoàng Văn Phiệt

Gần đây, người dân xã Hồng Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả kết hợp tận dụng triệt để mặt nước ao hồ và bãi bồi ven sông để nuôi các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình nuôi cá rô phi tại xã Hồng Tiến, ông Cao Hải Đường, Phó Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hồng Tiến phấn khởi: “Mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ loại cá này”.

Tại xã Hồng Tiến, đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là mô hình nuôi cá rô phi phải kể đến gia đình ông Hoàng Văn Phiệt (thôn Nam Tiến). Từ một nông dân nghèo, nay ông đã trở thành triệu phú.

Nhận thấy mô hình nuôi trồng thủy sản thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Phiệt đã quyết định chuyển đổi gần 10.000m2 ruộng từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả và diện tích vùng đất bãi ven sông gia đình ông đã quy hoạch, đào ao nuôi cá.

Thời gian đầu, gia đình ông nuôi các loại cá truyền thống như cá trôi, trắm, chép, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình là bao. “Cá truyền thống sức đề kháng kém, thường xuyên dịch bệnh nên không đem lại hiệu quả kinh tế cho lắm”, ông Phiệt bộc bạch. Được sự giúp đỡ của HTX Thủy sản Hồng Tiến, từ con giống, vôi bột khử trùng cho đến tham gia các lớp tập huấn, ông đã chuyển sang mô hình nuôi cá rô phi, một loại cá có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Ông Phiệt cho biết: “Được HTX Thủy sản Hồng Tiến hỗ trợ 2.900 con cá rô phi giống, tôi đã thả tất thảy và thả xen kẽ thêm một ít cá truyền thống. Hàng tháng cũng có cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thức ăn, nguồn nước, môi trường… xem có đảm bảo vệ sinh môi trường không”.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá rô phi lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh. Đến thời kỳ thu hoạch, con to có trọng lượng khoảng 1,5kg; con nhỏ nhất cũng dao động từ 8 – 9 lạng. Theo ông Phiệt, với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, ông thu hoạch được hơn 3 tấn cá. Với giá bán 35 – 37 nghìn đồng/cân, ông Phiệt “đút túi” hàng chục triệu đồng.

Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Phạm Thị Là (thôn Nam Tiến) đã được HTX Thủy sản xã Hồng Tiến hỗ trợ cá giống, vôi bột khử trùng và mời tham gia học các lớp tập huấn. Sau khi có kiến thức cơ bản, bà quyết định chỉ nuôi cá rô phi đơn tính. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình bà đã thu hoạch được gần 3 tấn cá rô phi, sau khi trừ tất cả chi phí, bà Là lãi khoảng 30 triệu đồng.

Theo bà Là, so với các loài cá truyền thống khác, các rô phi có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”. Ngoài ra, cho năng suất cao, thu nhập ổn định, thịt cá rô phi thơm và chắc… “Nuôi cá rô phi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản, năng suất lại cao, thu nhập ổn định. Nhờ mô hình cá rô phi mà gia đình tôi mới thoát khỏi diện hộ nghèo”, bà Là khẳng định.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.