Vài triệu đồng một kg cua lông Hong Kong

Cua lông được nhiều người săn lùng về Việt Nam bán với giá 1,6 triệu đồng một kg, còn tại nhà hàng giá lên tới vài triệu đồng.

Đặt mua cua lông cả tuần nay nhưng chị Hằng, ở quận 3 (TP HCM) chỉ mua được nửa kg. “Loại này tôi mua từ người bạn thường xuyên đi Hong Kong với giá 1,6 triệu đồng một kg. Vì là sản phẩm xách tay nên nếu đặt muộn sẽ không còn hàng”, chị Hằng nói.

Cua lông tuy trọng lượng nhỏ nhưng gạch và thịt chắc.

Là người chuyên xách tay hàng Hong Kong, chị Loan ở quận 5 cho biết, thường xuyên sang Hong Kong hàng chục lần mỗi năm, song xách tay loại này chỉ được hai lần vì hiếm và chỉ có vào mùa tháng 9 – 10. Vì là hàng tự nhiên nên nếu mua sai thời điểm thì cả chục triệu đồng một kg cũng không có hàng.

“Cua lông mỗi con có trọng lượng 100 – 300 gram, nhưng loại 300 gram hiếm nên bình quân tôi chỉ nhập loại 200 gram. Loại cua này có phần gạch béo, ngậy khác hẳn với cua Việt Nam, còn thịt thì ngọt đậm và chắc”, chị Loan nói.

Mới chỉ nhập bán loại cua này được 5 ngày, chủ cửa hàng hải sản ở Vườn Lài (Tân Phú) cho biết đã bán hết 100 kg và lượng khách đặt hàng khá đông. Sở dĩ chúng được gọi là cua lông vì chân có lông, trọng lượng nhỏ.

“Sắp tới cửa hàng sẽ về khoảng hơn 100 kg. Tuy nhiên hiện đơn đặt hàng đã chiếm tới 50%. Nhiều khách cho biết đã thưởng thức đặc sản này tại Hong Kong khi đi du lịch nên thấy cửa hàng bán là đặt liền vài kg”, chủ cửa hàng này nói và cho biết, ngoài hình dáng đặc biệt, gạch cua lông béo thơm lẫn ngọt thanh đậm. Ăn xong, hậu vị hấp dẫn kia vẫn còn lưu lại cỡ 5 – 7 phút, chỗ vòm họng.

Gạch của cua lông có độ béo, ngậy, thơm đậm khác hẳn với những loài cua khác.

Cua lông bán trên thị trường hiện nay đa phần là cua nhập từ Hong Kong, Thượng Hải, chia thành nhiều loại, tùy trọng lượng. Ngoài ra, giá cua đực, cua cái cũng chênh nhau ít nhiều vì chất lượng thịt của cua đực ngon hơn cua cái (cua đực thịt nhiều gạch ít, cua cái thịt ít gạch nhiều). Hiện dân buôn thường nhập cua sống về bán trực tiếp, một số nơi bán cua hấp sẵn.

Không chỉ các cửa hàng hải sản bán cua này, một số nhà hàng ở TP HCM và Hà Nội cũng chế biến thành món đặc sản. Tuy nhiên, giá của chúng tại các nhà hàng lên tới 3 – 4 triệu đồng một kg. Mỗi con cua có trọng lượng chỉ từ 100 – 250 gram sau khi chế biến có giá 600.000 – 900.000 đồng.

Tại Hong Kong vào mùa này, cua được bán ở mọi chợ, nhà hàng, thậm chí còn xuất hiện trên máy bán hàng tự động ở ga tàu ngầm.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tin vắn ngành thủy sản địa phương trong tuần 10 năm 2018

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch

Những tin chính bao gồm: Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu, Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch.

Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai những khâu cuối để chuẩn bị thả tôm vụ mới. Nhằm đảm bảo vụ mùa thành công, ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc với những đợt thanh, kiểm tra quy mô lớn.

Theo đó, ngay từ trước Tết, Sở NN&PTNT Bạc Liêu kết hợp với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, kiểm dịch 90 xe nhập tỉnh với gần 819 triệu tôm post; kiểm dịch 944 triệu con giống sản xuất trong tỉnh, không phát hiện tình trạng nhiễm bệnh. Qua đó, cấp 1.714 giấy kiểm dịch cho các lô tôm giống.

Cùng đó, ngành chức năng tỉnh cũng tiến hành kiểm tra 865 con tôm giống bố mẹ nhập khẩu, tất cả đạt yêu cầu; giám sát thời gian sinh của hơn 3.600 tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống; hủy 1.300 con tôm bố mẹ không đạt yêu cầu.

Mặt khác, thực hiện thu 28 mẫu tôm sú, 28 mẫu tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 2 mẫu nước ương tôm giống để gửi kiểm tra, phân tích để kiểm soát dư lượng; xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt, mẫu nước… Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y thủy sản để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lọt ra ngoài thị trường…

Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh vừa tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát chọn 30 cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng, đảm bảo các tiêu chí để tham gia chương trình cung cấp giống tôm pots nuôi phục vụ xuất khẩu.

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch
Chương trình này nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030” mà tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định ban hành.

Mục đích của Quy hoạch này nhằm phát triển nghề nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh. Dự án chú trọng phát triển theo chiều sâu gắn với quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai đối tượng chính nằm trong chương trình này là tôm thẻ chân trắng và hàu nước lợ. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thể chân trắng đến năm 2020 là khoảng 360 ha, đến năm 2030 là 682 ha (trong đó, 602 ha nuôi tôm công nghệ cao). Sản lượng giai đoạn 1 trên 16.000 tấn và giai đoạn 2 là 30.600 tấn; Với hàu nước lợ, giữ ổn định 21 ha (khoảng 343 bè nuôi), sản lượng trên 2.000 tấn.

Dự án được chia làm 7 tiểu vùng, mỗi tiểu vùng tối thiểu 50 ha; dự kiến tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng; trong đó, vốn thu hút đầu tư chiếm 99,6%.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh, hỗ trợ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống, cùng đó ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Nitơ trong ao nuôi.

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học mang lại vụ mùa thành công.

Lịch sử sử dụng chế phẩm sinh học

Trong vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng trung bình 16,8%/năm; tuy nhiên, cùng với việc nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã làm tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao. Để đối phó với dịch bệnh, kháng sinh và các biện pháp khử trùng trong canh tác NTTS được sử dụng một cách phổ biến. Điều này làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn đến giảm hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh đối với điều trị bệnh cho đối tượng thủy sản (Vaseeharan & Ramasamy, 2003). Đồng thời, những biện pháp trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (như Vibrio spp.) trong hệ thống nuôi.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng.

Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000).
Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao đã khiến nông dân trên khắp châu Á thả giống với mật độ ngày càng cao. Ở Việt Nam, mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu được áp dụng vào năm 1989. Ngay sau đó, nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh với mật độ 5 – 15 con/m2 sang nuôi tôm thâm canh với mật độ 70 – 150 con/m2 (Leung & Engle, 2006; Hai et al., 2015). Việc nuôi tôm ở mật độ cao hơn đã gây nhiều vấn đề xấu trong ngành NTTS, vốn dĩ việc áp dụng an toàn sinh học của ngành thủy sản đã khó hơn ngành chăn nuôi.

Sự gia tăng áp lực do dịch bệnh đã khuyến khích các nhà sản xuất tôm tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả hơn bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Ví dụ điển hình trên Hội chứng chết sớm (EMS), hay còn được gọi là bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND). EMS lần đầu tiên được báo cáo trên tôm he (Penaeid) ở miền Nam Trung Quốc năm 2010. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ngay cả thời điểm hiện tại, EMS vẫn đang tiếp tục tàn phá tôm nuôi. Bệnh rất nguy hiểm đối với ngành nuôi tôm do tôm ở giai đoạn Postlarvae dễ bị nhiễm bệnh trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả và tỷ lệ chết lên tới 100% trong hầu hết các ổ dịch. Tổn thất đối với ngành nuôi tôm châu Á lên đến 1 tỷ USD (theo GAA, 2013).

Có thể thấy, sử dụng các vi sinh vật có lợi thay thế kháng sinh để phòng bệnh trên tôm đã được thử nghiệm bởi nhiều nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ở tất cả vùng sản xuất tôm hàng đầu trên thế giới. Các vấn đề về bệnh đã xảy ra cho thấy, mặc dù công nghệ vi sinh được chứng minh là có hiệu quả trong một số môi trường thử nghiệm cụ thể và có kiểm soát, việc ứng dụng rộng rãi như thực hành NTTS tốt vẫn chưa cho kết quả khả quan do thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Xu hướng hiện tại

Các biện pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm. Giải pháp hàng đầu vẫn là kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất tôm giống, khẩu phần ăn, điều chỉnh tần suất cho ăn, và thời điểm thu hoạch hợp lý. Một trong những chiến lược hiện nay được sử dụng để chống lại dịch bệnh tôm là công nghệ nuôi nước xanh (De Schryver et al., 2014). Đặc điểm của hệ thống này là sự kết hợp hệ vi tảo với hệ vi sinh vật để có thể cạnh tranh các chất dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh và sản xuất các hợp chất ức chế khả năng sống của chúng (Natrah et al., 2014). Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào thì việc áp dụng quản lý tốt trang trại, thức ăn và nước ao nuôi vẫn giúp đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.
Nếu xem xét trên nhiều phương diện, các nghiên cứu đang tiến hành cho thấy, dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số phương pháp canh tác thông thường và xu hướng thả mật độ cao, từ đó làm giảm chất lượng nước.

Chất lượng nước nói chung đang ngày một kém đi, không chỉ bởi ảnh hưởng từ ngành NTTS. Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước. Một lý do đó là độ mặn tăng do sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nông dân vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng do độ mặn của nước biển tăng lên. Tại Bến Tre, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ sống gần sông áp dụng biện pháp nuôi luân canh tôm – lúa đã bị thiệt hại trung bình 15 – 30 triệu đồng trong năm 2015.

Biện pháp phổ biến hiện nay là khử trùng toàn bộ nước và đáy ao được cho là có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (như EMS/AHPND). Ví dụ, Chlorine được sử dụng rộng rãi để khử trùng các trại giống và ao nuôi; tuy nhiên, việc làm này cũng loại bỏ các động vật phù du, một nguồn thức ăn tự nhiên thứ cấp quan trọng cho tôm trước khi thả. Hệ thống “nước sạch” (do khử trùng bằng Chlorine) này cũng dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng tăng sinh khối nhanh (các vi khuẩn Vibrio spp.), chúng tái xâm chiếm trong môi trường nước (Attramadal et al., 2012). Chlorine và các biện pháp khử trùng khác làm giảm tổng số các vi khuẩn có khả năng cạnh tranh với dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Quá trình này cũng diệt quần thể tảo, do đó làm tăng nguồn thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh. Trên thực tế, những điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của bệnh phát sáng lan rộng vào đầu những năm 1990. Trong tất cả các trường hợp, sự gia tăng Vibrio cơ hội đã được chứng minh có sự xuất hiện trong ao nuôi sau khi khử trùng ao (Lavilla-Pitogo et al., 1998, Bratvold et al., 1999).

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao.

Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Từ bỏ đánh bắt tận diệt, chuyển sang nuôi Ghẹ lột cho thu nhập cao

Từ nhiều năm nay, anh Trần Sáu (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) không còn lặn lội mưa gió đi đánh bắt cá tôm trên Phá Tam Giang nữa mà đã chuyển sang nuôi ghẹ lột, mô hình này không chỉ mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi trồng để phát triển sản xuất bền vững.

Ghẹ lột

Trò chuyện với chúng tôi, anh Sáu cho biết “Trước khi chuyển sang nuôi ghẹ lột, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào việc đánh bắt tôm cá, kiểu khai thác của tôi bị chính quyền cấm vì gây ảnh hưởng đến các loại thủy sản. Sau khi UBND huyện Phú Vang có chủ trương sắp xếp lại nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trong đó có địa bàn xã Phú Diên tôi quyết định chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi ghẹ lột thưởng phẩm”.

Trải qua thời gian dài học hỏi, nghiên cứu cách nuôi ghẹ lột, anh Sáu bắt tay thực hiện. Từ chổ nuôi thử nghiệm vài lồng, đên nay mô hình của anh đã mở rộng lên thành 20 lồng. Vào mùa thu hoạch, số lồng nuôi này có thể xuất hơn 50 kg ghẹ lột thương phẩm/ngày, với giá dao động từ 180.000 đồng/kg. Bình quân thu hoach cho lãi gần 80 triệu đồng mùa.

Anh Sáu cho biết thêm, tháng 2/2017, phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang đã hỗ trợ 50 triệu để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là việc nguồn nước bị ngọt hóa đột ngột. Ghẹ sẽ chết sạch trong vòng 24 giờ vì không chịu được nước ngọt. Ngoài lo sợ đó ra thì điều kiện tự nhiên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rất thích hợp để nuôi ghẹ lột, không có đường lỗ nếu như nguồn nước đảm bảo.

“Những năm gần đây thị trường tiêu thụ ghẹ lột ngày càng mở rộng, con ghẹ lột có thịt chắc và ngọt nên người tiêu dùng rất thích. Mỗi lần xuất bán đều có 2-3 công ty về tận đầm thu mua, đầu ra khá ổn định. Từ khi nuôi con này kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt, tôi không còn đi bắt tôm cá kiểu như trước nữa.”, Anh Sáu phấn khởi.

Theo đánh giá của Ông Hoàng Trọng Đoài – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên “sự thành công của mô hình không chỉ mang lại kinh tế trực tiếp cho người nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, ổn định đời sống của người dân mà còn hướng tới việc phát triển đa dạng đối tượng nuôi nhằm ổn định, phát triển sản xuất bền vững. Xã cũng tạo điều kiện cho hộ nuôi tổ chức các khâu sản xuất phù hợp, khắc phục những nhược điểm tồn tại, tăng hiệu quả sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm”.

Nguồn: moitruong.net.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi Ghẹ xanh trên biển

Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng hải sản: tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương…

Năm 2014, phát triển một mô hình nuôi trồng hải sản mới: nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển.

Giá trị lớn

Ghẹ xanh (Portunus pelagicus), còn gọi là ghẹ hoa, có vỏ màu xanh và các chấm trắng trên lưng. Ghẹ xanh được khai thác quanh năm, có sản lượng khá nhiều ở Bình Định nói riêng và khắp vùng biển từ Bắc vào Nam nói chung. Với sản lượng khai thác tự nhiên như hiện nay, một số hộ ngư dân đã nuôi ghẹ xanh thương phẩm trong ao, hồ, đầm, vịnh, đìa; thả đăng, thả lồng nuôi trên biển… để xuất bán; ngoài ra còn nuôi ghẹ lột vỏ.

Ghẹ xanh có giá trị dinh dưỡng cao

Mùa vụ thả nuôi ghẹ xanh từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Thức ăn của ghẹ xanh là cá, mực nhuyễn thể… Nguồn ghẹ cỡ nhỏ dồi dào có trong tự nhiên lâu nay được ngư dân đánh bắt và bán cho thương lái, bán ở các chợ, với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng trọng lượng 1,3 – 1,5 kg, sau khi đưa vào nuôi thành ghẹ lột. Ghẹ lột là đặc sản ngon, bổ dưỡng và hiếm, có giá trị kinh tế nên giá đầu ra cao gấp 3 – 4 lần so với sản phẩm thô ban đầu.

Hướng đi hiệu quả mới

Trong khuôn khổ dự án nuôi trồng thủy sản thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải, giai đoạn 2011 – 2020, Tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải chủ trì đã thả nuôi hơn 2.500 con ghẹ xanh giống, trên diện tích hơn 300 m2 (nuôi bằng hình thức thả đăng) tại đảo Hòn Khô. Trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng, Tổ hợp tác Hội CCB xã gồm 7 thành viên tham gia nuôi ghẹ xanh bỏ vốn 10 triệu đồng/người, thời gian thực hiện mô hình là 3 năm. Nguồn ghẹ giống ngư dân đánh bắt trong tự nhiên được mua tại TP Quy Nhơn về thả nuôi. Giá ghẹ giống 28.000 – 35.000 đồng/kg (khoảng 40 – 50 con/kg). Nuôi thương phẩm 3 tháng thì xuất bán. Giá ghẹ xanh thương phẩm trên thị thường hiện nay 180.000 – 250.000 đồng/kg.

Nuôi ghẹ xanh trên biển là hướng đi mới cho ngư dân

Đây là mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm đầu tiên ở địa phương, bên cạnh nhiều mô hình nuôi hải sản (tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương thương phẩm, cá bóp…). Cùng đó, ngành nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản là những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác an sinh – xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển hướng đến sự phát triển mới với nhiều mô hình trong nuôi trồng hải sản ở Bình Định. Thị trường tiêu thụ ghẹ xanh đang khá mạnh, mở ra một hướng sản xuất mới cho người nuôi trồng.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hải, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh, cho biết: Dự án nuôi ghẹ xanh trên biển được triển khai nhằm tạo công ăn việc làm để hội viên CCB phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, đồng thời thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải. Từ đó, nhân rộng mô hình ra cho hội viên và ngư dân trong xã để tham gia nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lột thương phẩm

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải. Sản lượng khai thác không chỉ nhiều mà chất lượng thịt ghẹ cũng rất ngon cho nên thương hiệu ghẹ Phước Hải đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Ghẹ lột

Tuy nhiên, nguồn ghẹ thịt dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ hoặc bán cho lái buôn với giá 50.000 -100.000 đồng/kg. Trong khi đó, ghẹ lột là loại hàng thương phẩm có giá trị cao về kinh tế và dinh dưỡng, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Giá ghẹ lột có thể cao gấp 2-3 lần so với giá ghẹ thô ban đầu nên hiện nay nghề nuôi ghẹ lột thương phẩm trở thành nghề mang lại thu nhập cao.

1. Thiết kế bể nuôi ghẹ xanh lột

–   Nuôi trong bể xi măng 5×5= 25 m2, có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn để nhiệt độ trong bể nuôi không quá 300C

–    Các yếu tố thủy lý, thủy hóa: nhiệt độ nước dao động 25-300C, độ muối duy trì 30– 33 %o oxy hoà tan 6,2 – 6,5mg/l và pH khoảng 7,8-8

–    Bể nuôi phải được sục khí liên tục 24/24 giờ và thay nước 100%/ngày

2. Hướng dẫn cách chọn ghẹ xanh làm ghẹ giống

Ghẹ xanh nuôi lột chọn cỡ từ 15 – 20 con/kg, trọng lượng từ 50 – 70g/con. Chọn những con chắc thịt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đủ chân càng và mai yếm không bị dập nứt. Trường hợp những con hình thành lớp vỏ mới chuẩn bị lột xác, khỏe mạnh có đủ chân càng nuôi riêng.

Kỹ thuật xử lý để ghẹ lột đồng loạt      

Để ghẹ xanh lột vỏ đồng loạt có thể áp dụng biện pháp cắt mắt và trộn chất Chitosan 1% vào thức ăn cho ghẹ ăn.

Sau khi tuyển ghẹ nuôi lột, cho ghẹ vào bể có sục khí nuôi lưu từ 10-12 h để ghẹ hồi sức và ổn định. Bổ sung Vitamin C vào bể nuôi để tăng thêm sức đề kháng cho ghẹ.

Khi kiểm tra ghẹ đã khỏe mạnh, giảm nhiệt độ nước xuống còn 20-220C và thực hiện cắt mắt. Dùng kéo đã khử trùng để cắt mắt ghẹ.

– Cắt mắt: Đốt nóng kéo hoặc dùng cồn khử trùng kéo cắt. Một người cầm giữ ghẹ, một người cắt, vết cắt tính từ gốc mắt ra là 2-3 mm. Sau khi cắt mắt tiếp tục nuôi thêm 10-12 h trong bể để ghẹ ổn định. Khi trời mát cho ghẹ vào bể nuôi lột.

– Cho ăn thuốc: Cá tươi rửa sạch trộn với chất kích thích lột vỏ của giáp xác là chất Chitosan với nồng độ 1%, có thể dùng dầu mực bao thức ăn để tăng khả năng của thuốc. Ghẹ cắt mắt sử dụng chất Chitosan trong vòng 14 ngày ghẹ lột vỏ đồng loạt, tỷ lệ 70 – 80%.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc và quản lý ao nuôi ghẹ xanh lột

Thức ăn cho ghẹ lột là cá tạp tươi cắt thành miếng nhỏ, rửa sạch và rải đều khắp bể cho ghẹ ăn. Lượng thức ăn hàng ngày từ 10-20% trọng lượng thân và tùy thuộc vào sức ăn của ghẹ.

Ngày cho ghẹ ăn 2 lần vào buổi sáng (5-6h) và chiều (17-18h), cho ghẹ ăn lúc mới thay nước và tránh cho ăn lúc nhiệt độ cao. Những ngày đầu ghẹ ăn nhiều, sau ngày thứ 9, 10 trở đi sức ăn của ghẹ giảm và bắt đầu lột.

Kiểm tra: Sau từ 9 đến 14 ngày nuôi, một số ghẹ đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị lột. Người nuôi dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép dưới mai ghẹ sẽ nghe thấy tiếng gãy của mai. Tách riêng những con chuẩn bị lột sang bể nuôi mới, thay nước để kích thích ghẹ lột, thay 100% nước hàng ngày và giữ nhiệt độ nước ổn định từ 28 – 30ºC. Ghẹ sắp lột vỏ không cho ăn, 2 – 3 giờ kiểm tra 1 lần, chú ý thay nước sạch cho ghẹ lột nhanh.

Cách nhận biết ghẹ chuẩn bị lột: Màu sắc trên lưng ghẹ chuyển từ màu xanh sau khi cắt mắt sang màu xanh hơi đỏ và chuyển tiếp sang màu xanh nâu hơi đậm.

Công việc lọc ghẹ lột được thực hiện liên tục vì sau khi lột vỏ hoàn toàn phải tiến hành thu hoạch và bảo quản ngay vì chỉ 2 giờ sau khi lột vỏ ghẹ đã cứng lại

Thời gian ghẹ lột nhiều nhất từ 17 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

4. Cách thu hoạch ghẹ xanh lột Ghẹ vừa lột được rửa sạch bằng nước ngọt ở nhiệt độ 150C, đem ghẹ lên cắt yếm, cắt ruột và gói vào bao nilon, sau đó xếp từng con vào trong vỉ, bảo quản lạnh và chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lột

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải.

Ghẹ xanh

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải. Sản lượng khai thác không chỉ nhiều mà chất lượng thịt ghẹ cũng rất ngon cho nên thương hiệu ghẹ Phước Hải đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.Tuy nhiên, nguồn ghẹ thịt dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ hoặc bán cho lái buôn với giá 50.000 -100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ghẹ lột là loại hàng thương phẩm có giá trị cao về kinh tế và dinh dưỡng, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Giá ghẹ lột có thể cao gấp 2-3 lần so với giá ghẹ thô ban đầu nên hiện nay nghề nuôi ghẹ lột thương phẩm trở thành nghề mang lại thu nhập cao.

1. Thiết kế bể nuôi

Nuôi trong bể xi măng 5×5= 25 m2, có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn để nhiệt độ trong bể nuôi không quá 300C

Các yếu tố thủy lý, thủy hóa: nhiệt độ nước dao động 25-300C, độ muối duy trì 30 – 33 %o oxy hoà tan 6,2 – 6,5mg/l và pH khoảng 7,8-8

Bể nuôi phải được sục khí liên tục 24/24 giờ và thay nước 100%/ngày

 2. Chọn giống

Ghẹ xanh nuôi lột chọn cỡ từ 15 – 20 con/kg, trọng lượng từ 50 – 70g/con. Chọn những con chắc thịt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đủ chân càng và mai yếm không bị dập nứt. Trường hợp những con hình thành lớp vỏ mới chuẩn bị lột xác, khỏe mạnh có đủ chân càng nuôi riêng.

 Kỹ thuật xử lý để ghẹ lột đồng loạt

Để ghẹ xanh lột vỏ đồng loạt có thể áp dụng biện pháp cắt mắt và trộn chất Chitosan 1% vào thức ăn cho ghẹ ăn.

Sau khi tuyển ghẹ nuôi lột, cho ghẹ vào bể có sục khí nuôi lưu từ 10-12 h để ghẹ hồi sức và ổn định. Bổ sung Vitamin C vào bể nuôi để tăng thêm sức đề kháng cho ghẹ.

Khi kiểm tra ghẹ đã khỏe mạnh, giảm nhiệt độ nước xuống còn 20-220C và thực hiện cắt mắt. Dùng kéo đã khử trùng để cắt mắt ghẹ.

Cắt mắt: Đốt nóng kéo hoặc dùng cồn khử trùng kéo cắt. Một người cầm giữ ghẹ, một người cắt, vết cắt tính từ gốc mắt ra là 2-3 mm. Sau khi cắt mắt tiếp tục nuôi thêm 10-12 h trong bể để ghẹ ổn định. Khi trời mát cho ghẹ vào bể nuôi lột.

Cho ăn thuốc: Cá tươi rửa sạch trộn với chất kích thích lột vỏ của giáp xác là chất Chitosan với nồng độ 1%, có thể dùng dầu mực bao thức ăn để tăng khả năng của thuốc. Ghẹ cắt mắt sử dụng chất Chitosan trong vòng 14 ngày ghẹ lột vỏ đồng loạt, tỷ lệ 70 – 80%.

3. Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ghẹ lột là cá tạp tươi cắt thành miếng nhỏ, rửa sạch và rải đều khắp bể cho ghẹ ăn. Lượng thức ăn hàng ngày từ 10-20% trọng lượng thân và tùy thuộc vào sức ăn của ghẹ.

Ngày cho ghẹ ăn 2 lần vào buổi sáng (5-6h) và chiều (17-18h), cho ghẹ ăn lúc mới thay nước và tránh cho ăn lúc nhiệt độ cao. Những ngày đầu ghẹ ăn nhiều, sau ngày thứ 9, 10 trở đi sức ăn của ghẹ giảm và bắt đầu lột

Kiểm tra: Sau từ 9 đến 14 ngày nuôi, một số ghẹ đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị lột. Người nuôi dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép dưới mai ghẹ sẽ nghe thấy tiếng gãy của mai. Tách riêng những con chuẩn bị lột sang bể nuôi mới, thay nước để kích thích ghẹ lột, thay 100% nước hàng ngày và giữ nhiệt độ nước ổn định từ 28 – 300C.

Ghẹ sắp lột vỏ không cho ăn, 2 – 3 giờ kiểm tra 1 lần, chú ý thay nước sạch cho ghẹ lột nhanh.

Cách nhận biết ghẹ chuẩn bị lột: Màu sắc trên lưng ghẹ chuyển từ màu xanh sau khi cắt mắt sang màu xanh hơi đỏ và chuyển tiếp sang màu xanh nâu hơi đậm.

Công việc lọc ghẹ lột được thực hiện liên tục vì sau khi lột vỏ hoàn toàn phải tiến hành thu hoạch và bảo quản ngay vì chỉ 2 giờ sau khi lột vỏ ghẹ đã cứng lại

Thời gian ghẹ lột nhiều nhất từ 17 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

4. Thu hoạch

Ghẹ vừa lột được rửa sạch bằng nước ngọt ở nhiệt độ 150C, đem ghẹ lên cắt yếm, cắt ruột và gói vào bao nilon, sau đó xếp từng con vào trong vỉ, bảo quản lạnh và chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kiếm bộn tiền nhờ vào nuôi Ghẹ lột

Hơn chục năm qua, người dân xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang phát triển mô hình nuôi ghẹ lột cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Ghẹ lột có giá trị dinh dưỡng rất cao

Xã Bình An là một trong những nơi được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật nuôi ghẹ lột hơn chục năm trước ở tỉnh Kiên Giang. Hiện, nghề này đã và đang giúp người dân kiếm khá nhiều tiền. Thậm chí, nhiều hộ dân còn sáng tạo ra cách nuôi ghẹ trong lồng bè dưới biển, giúp giảm công thay nước và đảm bảo môi trường tự nhiên cho ghẹ mau lớn, lột.

Một trong những hộ dân ở Bình An thành công khi đưa con ghẹ từ nuôi trong bể xuống nuôi dưới biển là anh Mai Nguyên Bằng. Ngoài việc nuôi ghẹ lột để cung ứng sản phẩm ghẹ lột đông lạnh cho thị trường, anh Bằng còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu và chịu trách nhiệm thu gom sản phẩm trong xã.

Theo anh Bằng, trước năm 2000, dân xã Bình An chưa biết nhiều đến kỹ thuật nuôi ghẹ lột. Hầu hết ghẹ sau khi đánh bắt về được bán cho các chủ vựa, thương lái. Sau đó, có chuyên gia Nhật Bản đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghẹ lột, anh và nhiều hộ dân khác đã quyết tâm thực hiện mô hình.

Ban đầu với 10kg ghẹ tự nhiên, anh thử nuôi trong bể xi măng, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên thất bại. Không nản chí, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi, cuối cùng nảy sinh sáng kiến không nuôi ghẹ trong bể mà nuôi trong lồng bè ngay dưới biển. Và rồi anh thành công ngay từ lần đầu.

Anh Bằng cho biết: “Nuôi ghẹ lột dưới biển được nhiều cái lợi, từ việc không mất công thay nước cho ghẹ, đến việc vệ sinh bể, lo ngại môi trường nước ô nhiễm… Trong khi đó, nuôi trong lồng bè, ghẹ vừa có không gian rộng hơn lại vừa được ở trong môi trường tự nhiên nên phát triển rất tốt”.

Cũng theo anh, quan trọng nhất là khâu canh ghẹ lột để bắt ra ngay không quá 15 phút và lập tức cho vào ngâm đá để giữ chất lượng, bằng không ghẹ sẽ cứng vỏ và chất lượng thịt kém đi nhiều.

Bí quyết thành công của anh Bằng khi nuôi ghẹ lột là sau khi chọn con giống thì cắt bỏ mắt của ghẹ trước khi thả xuống bè. Sau đó, cho ghẹ ăn cá băm nhỏ từ 5 – 10 ngày để ghẹ mau lớn và lột. “Ghẹ được bắt lên sau khi lột, ngâm đá thì tiến hành sơ chế rồi cho ghẹ vào đông lạnh ở -35 độ C. Sau đó cho vào tủ đông để bảo quản trước khi xuất ra thị trường” – anh chia sẻ.

Ghẹ lột tiêu thụ mạnh nhất là loại từ 50-100gram/con. Ở trọng lượng này, ghẹ lột có giá 200.000 đồng/kg. Với uy tín hơn chục năm trong nghề, sản phẩm của anh Bằng rất được ưa chượng. Thị trường chính của anh là TP Hồ Chí Minh và ở nước ngoài.

Hiện, xã Bình An có trên 10 hộ nuôi ghẹ lột, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 400 – 500kg ghẹ lột thương phẩm. Theo những người nuôi, nghề này vẫn giúp người dân kiếm ra khá bộn tiền.

Một tín hiệu vui cho bà con nuôi ghẹ lột tại xã Bình An, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang hướng dẫn địa phương làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể. Khi thành công, sản phẩm ghẹ lột xã Bình An sẽ được quảng bá thương hiệu nhiều hơn đến người tiêu dùng. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp nghề này duy trì, phát triển ổn định hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lãi lớn

Kỹ thuật nuôi ghẹ xanh khâu giống rất quan trọng, quyết định sự thành bại. Loài này cũng là sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Ghẹ xanh có giá trị dinh dưỡng cao

Ghẹ xanh phân bố rộng ở miền đông châu Phi, Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ghẹ đực có vỏ màu lam sáng với các đốm trắng và các càng dài đặc trưng, trong khi ghẹ cái có màu nâu/lục xỉn màu hơn và mai thuôn tròn hơn. Mai của chúng có thể rộng tới 20 cm.

Phần lớn thời gian chúng ẩn nấp dưới cát hay bùn, cụ thể là trong thời gian ban ngày và mùa đông. Chúng đi kiếm ăn khi thủy triều lên. Thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các động vật hai mảnh vỏ, cá và ít hơn là các loại tảo lớn. Chúng bơi lội rất tốt, chủ yếu là do các cặp chân dẹp tựa như các mái chèo. Loài này cũng không thể sống một thời gian dài mà không có nước. Loài này được đánh giá cao do thịt của nó ngọt như thịt cua xanh Đại Tây Dương.

Thiết kế môi trường nuôi

Nước biển sử dụng để sản xuất giống phải trong sạch, độ mặn ổn định 30-34‰, các chỉ tiêu lý, hóa phù hợp với điều kiện sống của các loài thủy sinh vật. Nước ngọt phục vụ quá trình sản xuất giống cũng cần trong sạch, không ô nhiễm.

Chọn vị trí xây trại có cấu tạo địa chất ổn định, địa hình bằng phẳng; hệ thống cấp, thoát nước thuận lợi. Vị trí xây dựng trại phải thuận lợi về giao thông và có thể sử dụng điện lưới quốc gia. Nhà trại phải đảm bảo thoáng mát trong mùa hè, ấm vào mùa đông.

Số lượng và diện tích bể trong trại phụ thuộc vào công suất và quy mô sản xuất, tuy nhiên cần đảm bảo: Bể lắng và xử lý nước biển: thường dùng bể xi măng có thể tích 300-500m3/bể; Bể lọc là bể xi măng, thể tích 15-25m3/bể; Bể nuôi giữ ghẹ mẹ: bể xi măng hoặc bể composit.

Bể xi măng phải bảm đảm khi sục khí không tạo ra các “góc chết”, thể tích 3-5m3/bể. Bể composit có dạng hình bán cầu, thể tích 1-2m3/bể. Bể nuôi artemia sinh khối: bể xi măng hoặc composit, thể tích 1-1,5m3/bể. Đảm bảo đủ máy bơm, máy sục khí, kính hiển vi, tủ lạnh, que đun điện xô, chậu, vợt các loại…

Thả và ương nuôi ghẹ

Khi thả ghẹ bột xuống đìa cần phải kiểm tra độ muối và nhiệt độ ở trong đìa và nước trong thùng vận chuyển ghẹ. Cấp nước từ từ trong đìa vào thùng vận chuyển trong khoảng 20 đến 40 phút để ghẹ bột làm quen với môi trường sống, sau đó thả ghẹ vào đìa. Mật độ thả là 5-6 con/m2.

Trong 20 ngày đầu: Thức ăn ương ghẹ bột gồm các loại cá, ruốc, tôm nhỏ hấp chín và cà qua rổ nhựa, sau đó hòa đều với nước tạt khắp đìa.

Quản lý và chăm sóc ghẹ nuôi

Trong 3 tháng nuôi, cần phải chú ý quản lý và chăm sóc đìa nuôi ghẹ theo các yêu cầu: Giữ đìa nuôi có màu tảo lục hoặc tảo khuê (độ trong khoảng 25 – 30 cm); Trong 1 tháng đầu ương ghẹ bột, chú ý không được cấp nước trực tiếp vào đìa nuôi; Trong 2 tháng nuôi tiếp theo, chú ý chọn con nước sạch khi thay nước cho đìa nuôi

Thức ăn cho ghẹ ăn phải tươi và phải được rửa sạch trước khi cho ăn. Kiểm tra khối lượng ghẹ nuôi 15 ngày/ lần bằng cân đĩa nh

Có nhật ký để ghi chép và theo dõi ghẹ nuôi hàng ngày (ghi chép các chi phí, lượng thức ăn hàng ngày, tình trạng sức khỏe của ghẹ nuôi, các sự cố và biện pháp xử lý)

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.