Khai thác gắn với bảo vệ rong mơ

Tỉnh Khánh Hòa đã và đang nhân rộng mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ – nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng bảo vệ hệ sinh thái vùng ven biển, nhưng đang bị suy giảm do khai thác quá mức.

Ngư dân chuẩn bị đưa rong mơ từ tàu lên bờ

Từ tháng 6/2017, Tổ hợp tác “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rong mơ” phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang đi vào hoạt động. Mô hình này có 21 thành viên là ngư dân hành nghề khai thác rong mơ ở vịnh Nha Trang tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang cho biết, trước đây, ngư dân thường khai thác rong mơ trước thời vụ, không đúng kỹ thuật, giá rong mơ cũng không ổn định. Tổ hợp tác thành lập đã hỗ trợ ngư dân kỹ thuật về khai thác, biện pháp bảo vệ rong mơ, đồng thời liên kết với nhau để bán sản phẩm từ rong mơ cho doanh nghiệp nên giá ổn định.

Mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ dựa vào cộng đồng đang được nhiều địa phương, đoàn thể ở Khánh Hòa nhân rộng. Điển hình như Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang thành lập “Tổ sinh kế rong mơ” với 40 thành viên làm nghề khai thác rong mơ. Tham gia mô hình này, các thành viên được tập huấn kỹ thuật khai thác rong mơ để nâng cao sản lượng, chất lượng rong mơ, nhưng vẫn bảo vệ được nguồn lợi lâu dài.

Ngư dân phơi rong mơ

Theo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, vùng ven biển Khánh Hòa có 21 loài rong mơ phổ biến. Các thảm rong mơ có diện tích trên 1.160 ha với trữ lượng khoảng 7.300 tấn khô/năm, tập trung ở 3 vịnh biển: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu.

Các thảm rong mơ có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái vùng ven biển Khánh Hòa, đồng thời làm bãi đẻ, nơi trú ngụ cho sinh vật biển. Những năm gần đây, rong mơ cho giá trị kinh tế cao do phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, y học… nên loài này bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm.

Đơn cử như vụ khai thác rong mơ diễn ra từ tháng 5-8 hàng năm, nhưng ngư dân thường khai thác ngay từ tháng 2, khi rong mơ đang còn non nên khó tái sinh. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản cùng nhiều tác động khác ở vùng ven biển cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của rong mơ.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ như thời gian thu hoạch cho từng vùng, khai thác phải để lại gốc và thân 10cm để rong tái sinh trưởng, chừa lại 20% trữ lượng của bãi rong để làm nơi cư trú và sinh sản cho các loài động vật biển…

Nguồn: Baomoi được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá.

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá
Năm nay, rau câu chỉ được mùa, được giá đã giúp nhiều gia đình ở một số xã của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tăng thu nhập.

Được mùa rau câu chỉ

Phơi rau câu chỉ ở Cam Hải Tây.

Hiện nay, tuy là thời điểm cuối vụ thu hoạch rau câu chỉ nhưng đi dọc bờ đầm Thủy Triều, không khó bắt gặp cảnh người dân đang khai thác rau câu. 11 giờ trưa, trời nắng gắt, nhiều hộ vẫn miệt mài phơi rau câu. Ông Hoàng Tuấn Phương (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) phấn khởi nói: “Trước đây, tôi làm phụ hồ cho các công trình nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy tháng nay, thấy nhiều người khai thác rau câu chỉ mang lại thu nhập khá nên tôi chuyển sang nghề này. Rau câu chỉ xuất hiện tự nhiên ở đầm Thủy Triều. Tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng làm bè, mua vợt… để vớt. Mỗi ngày, vợ chồng tôi khai thác được 10 tạ rau câu tươi, phơi khô còn được 2 tạ. Với giá bán 4.800 đồng/kg, trừ chi phí, tôi kiếm được gần 1 triệu đồng. Điều đáng mừng là thu hoạch tới đâu, người ta mua hết tới đó”.

Có thâm niên hơn 20 năm khai thác rau câu, vợ chồng ông Trần Văn Khương (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa) xem nghề này là nghề chính để mưu sinh. Ông Khương cho biết: “Vợ chồng tôi khai thác ngày nhiều nhất được 4 tạ rau câu khô, ngày ít khoảng 1,8 tạ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Rau câu chỉ dễ nuôi nên sau mỗi mùa thu hoạch tôm (khoảng tháng 10 âm lịch), tôi bắt đầu thả xen canh rau câu trong đìa, vài tháng có thể thu hoạch. Với diện tích 5ha, tôi đã thu 9 tấn rau câu khô”.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có hơn 30 hộ khai thác rau câu chỉ ở đầm. Trong đó, tập trung ở thôn Bắc Vĩnh và Tân Hải. Đa số những người làm nghề này thường đánh bắt cá trên đầm hoặc không có việc làm ổn định. Năm nay, mưa nhiều nên rau câu phát triển nhiều hơn năm ngoái. Với giá bán 4.800 – 5.000 đồng/kg khô (cao hơn 1.500 đồng/kg so với năm trước), một người khai thác rau câu chỉ có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nghề này chỉ khai thác được 5 – 6 tháng, trong đó tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch…

Rau câu chỉ khô

Được biết, các hộ khai thác rau câu chỉ tập trung chủ yếu ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Thành Bắc và ven đầm Thủy Triều. Rau câu chỉ có sợi mảnh như sợi chỉ, vớt lên phải phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới bán. Mặt hàng này tiêu thụ ở Bình Định, Hải Phòng và một số tỉnh khác. Bà Nguyễn Thị Nga – người chuyên thu mua rau câu hơn 10 năm ở xã Cam Hòa cho biết, rau câu chỉ dùng làm thạch rau câu, nước giải khát… Thời gian qua, nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, bà thu mua hơn 5 – 6 tấn rau câu khô/ngày. Số lượng người đi khai thác rau câu chỉ cũng nhiều hơn gấp đôi so với năm trước. Mặt khác, năm nay, do các tỉnh khác mất mùa rau câu chỉ nên giá bán cao hơn so với năm ngoái.

Theo khuyến cáo của lãnh đạo Trạm Khuyến công – nông – lâm – ngư huyện Cam Lâm, người dân không nên khai thác rau câu chỉ quá mức, chỉ nên khai thác đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nên nuôi xen canh rau câu chỉ trong các đìa để đảm bảo ổn định môi trường sinh thái vùng nuôi.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nghề ‘chăm con mọn’ ở đầm Nha Phu thu bạc triệu

Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…

Tỉ mỉ, kỳ công

Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.

Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng

Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.

Thu hoạch trai

Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.

Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.

Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc

Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.

Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.

Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.

Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa : Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên nhiều diện tích đìa được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chuyển đổi sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, do chuyển đổi tự phát, mạnh ai nấy đầu tư nên việc nuôi ốc hương đang dần mất kiểm soát.

Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Ông Nguyễn Đức Thành (phường Ninh Hải) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương giống trên 8 đìa. Tổng số tiền đầu tư cho ao nuôi, con giống, mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch hơn 1,5 tỷ đồng. Chi phí nuôi ốc hương rất cao, nếu tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, giá cả bấp bênh thì người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tuy có nhiều đìa nhưng tôi vẫn thận trọng, không dám mạo hiểm đầu tư hết cho con ốc”.

Thận trọng khi nuôi ốc hương

Người dân phường Ninh Hải chuẩn bị ao nuôi ốc hương

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm 2016, trên địa bàn thị xã có gần 290ha nuôi ốc hương. Đến năm 2017, nông dân trên địa bàn thị xã đã thả nuôi khoảng 350ha ốc hương, diện tích thả nuôi dự kiến còn tiếp tục tăng. Trong đó, có hàng chục héc-ta được chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương; các địa phương có sự chuyển đổi mạnh như: Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Phú, Ninh Ích…
Ông Nguyễn Khiêm, người dân TP. Nha Trang đến thuê đìa tại xã Ninh Ích để nuôi ốc hương cho biết: “Năm trước, tôi thuê 1ha đìa, thả nuôi gần 2 triệu con giống. Sau gần 5 tháng, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán gần 200.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 700 triệu đồng”. Theo ông Khiêm, gần đây, nhiều người dân đã cải tạo các đìa nuôi tôm để thả nuôi ốc hương nên diện tích ngày một tăng, khiến nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm. Hiện nay, hầu hết người nuôi ốc hương phải đặt cọc với các chủ trại sản xuất ốc giống trước cả tháng mà vẫn chưa có giống. Vụ năm nay, ông tính thả nuôi 3 triệu con giống, nhưng do nhiều trại nuôi con giống bị chết hàng loạt nên nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay: “Sau nhiều vụ tôm thất bát, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong xã ồ ạt chuyển sang nuôi ốc hương. Đến nay, diện tích chuyển đổi sang nuôi ốc hương đã lên đến 20ha. Nuôi ốc hương chi phí đầu tư khá lớn, nên chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế mới có thể đầu tư nuôi. Vì thế, nhiều diện tích đìa tại địa phương do người ở nơi khác đến thuê nuôi”. Điều khiến ông Khánh lo lắng, đối với những diện tích được chuyển đổi từ tôm sang ốc, người dân chỉ có lãi được 1 – 2 vụ đầu, còn những vụ sau đều khó nuôi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, địa phương khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nuôi ốc hương.

Tại xã Ninh Phú, người nuôi ốc hương cũng đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích chuyển từ tôm sang thả ốc hương bị dịch chết. Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phú cho hay: “Trên địa bàn hiện có khoảng 20ha nuôi ốc hương, trong đó phần lớn diện tích được chuyển từ tôm sang ốc trong vòng 2 năm trở lại đây. Thời gian qua, trên địa bàn có 10ha ốc hương mới thả chưa đến 30 ngày đã bị dịch chết. Nguyên nhân có thể do môi trường nước, chất lượng con giống không đảm bảo”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trong quá trình nuôi, nông dân thấy đối tượng nào hiệu quả thì chuyển sang nuôi theo kiểu tự phát. Năm trước, các hộ nuôi tôm thua lỗ, trong khi các hộ nuôi ốc hương trúng, nên năm nay người dân bỏ tôm chuyển sang ốc. Điều khiến chúng tôi lo lắng là thời gian qua, ốc giống của các trại giống có biểu hiện chết hàng loạt; ở một vài vùng nuôi ốc mới thả vài ngày đã bị chết”.

Theo ông Cửu, không phải khu vực nào cũng nuôi được ốc hương, bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, kỹ thuật của người nuôi. Trong khi đó, giá ốc hương lên xuống thất thường do đầu ra không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc… Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc hương cho người dân, địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi ốc hương, cần phải thận trọng với đối tượng nuôi này do chi phí đầu tư rất lớn.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Săn cua biển giống

Cua biển khai thác tự nhiên được nhiều hộ chọn để thả nuôi nên giá khá cao. Điều này đã kích thích hàng chục hộ dân sống ven các cánh rừng ngập mặn đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xuyên đêm săn cua biển giống.

Theo chân ông Nguyễn Văn Phai (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích) đi săn cua biển giống, chúng tôi được ông cho biết: “Nghề săn cua biển giống gần như hoạt động quanh năm, chỉ trừ thời điểm mưa bão. Cua giống xuất hiện dày nhất vào khoảng tháng Chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Các tháng khác, tùy theo điều kiện thời tiết mà cua giống có ít hay nhiều”. Nghề săn cua biển gắn liền với những cánh rừng ngập mặn ven đầm. Tuy nhiên, sau “cơn lốc” đìa tôm, rừng ngập mặn mất dần, nghề săn cua biển cũng biến mất. Mấy năm gần đây, khi rừng ngập mặn được phục hồi một phần, các loài thủy sản về trú ngụ, sinh sản, nghề săn cua biển dần phục hồi. Ban đầu chỉ có 5 – 7 người, hiện nay mỗi đêm có đến 30 – 40 người dân các địa phương: Ninh Ích, Ninh Hà, Ninh Lộc đi bắt cua biển giống.

Gặp chúng tôi trên bãi triều ngập nước, ông Nguyễn Văn Tuấn, một người săn cua chia sẻ: “Dụng cụ của người đi săn cua chỉ có chiếc xuồng nhỏ, bình ắc quy, đèn pha, vợt… Việc bắt cua giống diễn ra khi thủy triều rút hoặc vừa chớm lên, độ sâu mực nước chừng 0,3 – 0,4m, còn sâu hơn rất khó phát hiện bởi cua nằm lẫn trong đám rong, bùn đất. Chúng tôi thường bơi xuồng ra đầm lúc chập tối đến 1 – 2 giờ sáng mới quay về”.

Sau 6 giờ lướt ghe trên bãi triều ven rừng ngập mặn, căng mắt theo ánh đèn soi đến tận đáy đầm, ông Phai bắt được 120 con cua giống. “Tùy theo ngày và con nước mà lượng cua bắt được khác nhau, ít thì mỗi người bắt được từ 70 đến 100 con/đêm, may mắn gặp hôm cua nhiều thì bắt được 200 – 300 con/đêm. Cách đây vài ngày, tôi bắt được gần 300 con. Nhiều đêm tôi còn bắt được cua thịt kích cỡ chừng 0,3 – 0,4kg/con”, ông Phai cho hay.

Nghề săn cua biển giống

Cua giống bắt được, người dân bán cho các chủ đìa nuôi, trung bình 1 con giá 4.000 đồng. Với mức giá này, nhiều người dân ven đầm Nha Phu có một khoản thu hấp dẫn, thậm chí có người kiếm tiền triệu mỗi đêm.

Lý giải về nguyên nhân cua giống được bán với giá cao như hiện nay, ông Trần Văn Thừa (phường Ninh Hà), một người săn cua giống cho hay: “Khoảng 5 năm trở lại đây, khi cua biển ngày càng được giá, phong trào nuôi cua biển, nhất là nuôi cua biển kết hợp nuôi tôm được nhiều hộ dân triển khai. Điều này dẫn đến nhu cầu mua cua giống ngày càng cao. Nhiều hộ nuôi không mua cua giống từ các cơ sở sản xuất giống (giá 600 đồng/con) mà đặt mua cua giống từ chúng tôi. Nguyên nhân chủ yếu là cua giống tự nhiên, săn trên đầm Nha Phu có kích cỡ lớn hơn, thích nghi tốt, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thấp”.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, nghề săn cua biển giống mang lại thu nhập khá cao cho một số hộ dân địa phương. Nghề này gắn liền với sự phục hồi của những cánh rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu. Những năm gần đây, người dân thấy được lợi ích từ rừng ngập mặn nên đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhờ đó, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã đã phát triển lên hơn 50ha.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, hiện nay, nghề nuôi cua biển trên địa bàn thị xã đang phát triển nhanh, diện tích hiện có hơn 145ha. Nguồn giống chủ yếu là cua giống khai thác từ đầm Nha Phu, một phần được người nuôi mua từ các trung tâm sản xuất giống cua. Nghề săn cua giống đã giúp các hộ nuôi cua trên địa bàn chủ động được phần lớn nguồn giống thả nuôi.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: Nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, chống dịch bệnh lây lan luôn được ngành thủy sản quan tâm, khuyến cáo. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa thời gia gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản người dân thải ra môi trường thủy sản chết, không xử lý đúng quy định khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Khánh Hòa nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Thời gian gần đây tại xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) xảy ra tình trạng ốc hương nuôi chết hàng loạt; khi đó không khó để bắt gặp những bao tải chứa ốc vứt bên vệ đường, cạnh mương nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỏi chuyện các hộ nuôi ốc gần đó mới biết, khi xảy ra hiện tượng ốc chết, người nuôi chỉ lo tìm cách cứu chữa cho ốc mà không quan tâm đến việc xử lý ốc chết, họ cứ tìm chỗ nào trống là vứt ốc, không đưa đi xử lý đúng quy định.

Hay tại vùng nuôi cá bớp ở Hòn Lăng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng cá bớp chết liên tục. Hỏi người dân về cách xử lý cá chết, ông P.T.T. – người nuôi cá tại đây cho biết: “Trong vòng 1 tháng qua, cá bớp của gia đình tôi chết hơn 1.500 con. Khi phát hiện cá chết, tôi vớt lên và vứt luôn xuống biển ngay cạnh bè chứ không biết xử lý cách gì”. Theo ông T., cả vùng nuôi này bè nào cũng vậy. Bởi cá chết cả tấn, có mang vào bờ cũng không biết chôn ở đâu. Còn ngoài biển rộng lớn, việc vứt vài ba tấn cá chắc cũng không ảnh hưởng gì. Bởi vậy, có hộ khi cá chết trắng lồng thì xả tất cả ra biển, kéo lồng lên rồi về bờ.

Được biết những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều lớp tập huấn, thông tin về Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho người dân. Các yêu cầu về khu cách ly và hố xử lý động vật thủy sản; quy trình xử lý, vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý; tiêu hủy bằng hóa chất cũng đã được hướng dẫn đến người dân ở các vùng nuôi. Qua đó, nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, có các biện pháp kỹ thuật tiêu hủy động vật thủy sản khi mắc bệnh, chết nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vùng nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng của người dân còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Duy Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, một trong những khó khăn lớn trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là ý thức cộng đồng của người nuôi. Một khi có dịch bệnh xảy ra, người dân không thu gom xử lý, xả ra môi trường sẽ rất dễ lây lan ra toàn vùng nuôi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, người dân cần có ý thức cộng đồng, từ khâu cải tạo ao đìa, thả giống, xử lý dịch bệnh… Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang vận động người dân thành lập các tổ cộng đồng vùng nuôi, cùng thả giống, cùng tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến khá phức tạp; các đối tượng nuôi như: cá bớp, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… chết ở nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số vùng nuôi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do nguồn nước bị ô nhiễm. Chi cục đã tích cực khuyến cáo đến người nuôi các biện pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Chỉ tính riêng đối tượng tôm nước lợ, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, chi cục đã dập 41 ổ dịch trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguồn: bao Khanhhoa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa : Ốc móng tay được sản xuất giống nhân tạo thành công

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III chủ trì thực hiện.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao.
Kết quả này đã bổ sung thêm một loài thủy sản có thể nuôi trồng cho người dân Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao do thịt thơm ngon, giá bán hiện nay khoảng 450.000 đồng/kg. Loài này sử dụng thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.
Với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, đề tài được thực hiện từ tháng 7/2015 và kéo dài 2 năm, bao gồm các nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo móng tay dày; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống móng tay dày cho ngư dân và thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.
Nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 50.000 con giống cỡ 2 – 3mm và 5.000 con giống cỡ 10 – 15mm; đưa vào nuôi thương phẩm đạt 20kg/mô hình, sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để đi vào sản xuất.
Ốc móng tay là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cần nhân rộng mô hình nuôi cua trong ao tôm suy thoái

Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh tôm nuôi liên tiếp xảy ra khiến cho không ít hộ nuôi tôm ở các xã ven biển Hoài Nhơn bị thua lỗ. Vừa qua, thành công của mô hình nuôi cua xanh thương phẩm tại thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam đã đem lại triển vọng khôi phục môi trường nuôi trồng thủy sản, tạo sự yên tâm cho người dân làm nghề nuôi thủy sản.

Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm của ông Vũ ở thôn Cửu Lợi Tây

Ông Trần Tuấn Vũ, ở thôn Cửu Lợi Tây vốn có thâm niên hàng chục năm trong nghề nuôi tôm nhưng trong những năm gần đây bị thua lỗ nặng do dịch bệnh tôm xảy ra liên tiếp, kéo theo đó hồ nuôi cũng bị ô nhiễm nặng nên không thể tiếp tục nuôi. May mắn là đầu tháng 3.2017, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn chọn triển khai mô hình nuôi cua thương phẩm trong ao nuôi tôm suy thoái.

Sau 5 tháng thực hiện trên diện tích 5.000 m2 ao nuôi, mô hình đã đạt được các chỉ tiêu như kế hoạch đề ra. Tỉ lệ cua sống đạt trên 40%, trọng lượng trung bình từ 3 – 4 con/kg, năng suất trên 2,1 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 150 ngàn đồng/kg, doanh thu được 162 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 44 triệu đồng.

Cũng theo ông Vũ, hiện thị trường đầu ra khá thuận lợi, bởi cua xanh thương phẩm có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc nuôi cua khá suôn sẻ nhờ nguồn giống có chất lượng tốt, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào như các loài cá tạp, đầu mực, rong tảo. Đặc điểm sinh trưởng của loài cua rất có lợi cho việc làm sạch môi trường ao nuôi. Nếu nuôi cua xanh xen kẽ với cá rô phi, các đối mục sẽ cho lợi nhuận kép, giảm được thời gian và tận dụng được thức ăn thừa của cua giúp cá tăng trọng lượng nhanh hơn.

Theo thống kê, toàn huyện Hoài Nhơn hiện có 210 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, riêng xã Tam Quan Nam có gần 50 ha, chủ yếu nuôi tôm; song những năm qua đã có trên 25 ha tôm nuôi bị dịch bệnh do môi trường ô nhiễm, nên việc triển khai mô hình nuôi cua xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm suy thoái là rất hợp lý và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ông Huỳnh Xuân Vấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm bị suy thoái đã cho kết quả rất khả quan; nếu được nhân rộng thì đây là một hướng nuôi mới đầy triển vọng giúp bà con gỡ lại vốn sau những vụ tôm thất bại”.

Qua mô hình nuôi thí điểm hiệu quả thấy rõ, bà con nông dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ, tuy nhiên để tiếp tục nhân rộng mô hình ở các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, ông Huỳnh Xuân Vấn kiến nghị: “Trong điều kiện bà con chưa chủ động được nguồn giống, thời gian tới chúng tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại một số hồ nuôi cần thiết khác trên địa bàn. Đồng thời để việc nuôi cua xanh thương phẩm phát triển bền vững, các ngành chức năng cần định hướng vùng nuôi, hạn chế người dân thả nuôi đại trà sẽ dẫn đến cung vượt cầu, cua bán mất giá”.

Nguồn: tepbac được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

SHIV – Virus mới phát hiện gây tỉ lệ chết cao trên tôm thẻ chân trắng

Một loại virut mới phát hiện được gây ra bệnh nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao trên tôm chân trắng Litopenaeus vannamei ở Chiết Giang, Trung Quốc, đã được xác minh và tạm thời xác định là Shrimp hemocyte iridescent virus (SHIV). Thuộc họ Iridoviridae.

Để làm rõ tác nhân này, một nhóm các nhà khoa học người Trung Quốc đã tiến hành chẩn đoán và định danh tác nhân gây bệnh trên.

Triệu chứng tôm nhiễm bệnh

-Dấu hiệu bệnh lý tôm nhiễm virus SHIV

Tôm thẻ chân trắng L. vannamei thử nghiệm lây nhiễm virus SHIV từ mẫu 20141215 có các triệu chứng bao gồm: dạ dày và ruột rỗng, sự mất màu nhẹ trên bề mặt của gan tụy và vỏ tôm bị mềm. Một phần ba số tôm có thân hình hơi đỏ (a, b). Tôm mất khả năng bơi lội và chìm xuống đáy ao. Các triệu chứng điển hình và chết cũng đã được quan sát thấy ở tôm càng xanh nhiễm bệnh từ giai đoạn ấu trùng đến tôm trưởng thành trong phòng thí nghiệm.

Các triệu chứng lâm sàng của tôm L. vannamei đã gây nhiễm thực nghiệm với SHIV (phía bên phải) so với nhóm đối chứng (bên trái). (a) Biểu hiện bệnh bên ngoài của tôm. (b) Phần gan tụy.

-Bệnh tích vi thể

Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy một lượng lớn virion trong ống gan tụy của tôm (a và b) và cơ thịt (c và d). Một số  lượng lớn virion trong tế bào chất của bạch cầu (a-d). MI: ty thể; N: hạt nhân; và M: cơ; Ngôi sao đen: mô gan tụy; và ngôi sao trắng: ống gan tụy.

Tổn thương mô (a) – (d) mô gan tụy trong mẫu dương tính SHIV; (e) – (h) mô gan tụy trong mẫu âm tính SHIV. Các màu xanh đã được quan sát thấy trong tế bào chất của các tế bào máu.

 

Các đặc điểm mô bệnh học của tôm L. vannamei cố định bằng dung dịch Davidson (a, c, e và d). Các mũi tên màu đen hiển thị các vết bẩn cơ bản, các mũi tên màu trắng cho thấy các hạt nhân teo nhỏ (nhuộm của mô gan tụy); (b) tổn thương mang.

Phân tích cây di truyền

Cây phát sinh loài dựa trên trình tự axit amin của SHIV trên tôm với các trình tự MCP và ATPase từ các thành viên khác của họ Iridoviridae

Những kết quả phân tích trên của nhóm các nhà khoa học người Trung Quốc cho thấy tác nhân virus gây hại trên là một thành viên mới của họ Iridoviridae. Môt mối đe dọa mới trên tôm thẻ chân trắng L.vannamei ở Trung Quốc cũng như toàn thế giới.

Nguồn: Nature được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Ồ ạt nuôi trồng thủy sản ven bờ

Tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tự phát, ngoài khu vực quy hoạch đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường trên vịnh Cam Ranh.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh

Dày đặc ô lồng vùng nước ven bờ

Lâu nay, người dân TP. Cam Ranh và nhiều địa phương lân cận thường đến vịnh Cam Ranh để đầu tư NTTS. Ông Mai Tiều – người dân ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), đầu tư nuôi cá trên vùng biển vịnh Cam Ranh cho biết: “Tôi từ Cam Đức vào phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) để đầu tư nuôi cá bớp được mấy năm nay. Những năm trước, việc nuôi trồng khá thuận lợi, hiệu quả mang lại cao nên lồng bè giăng kín một góc vịnh Cam Ranh. Mấy năm gần đây, tuy điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường vùng nuôi không đảm bảo nhưng số bè nuôi không có dấu hiệu giảm”.

Ông Hoàng Đình Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết: “Thời gian gần đây, số lồng bè NTTS, nhất là nuôi tôm hùm xanh trên vùng biển Cam Phúc Nam tăng đột biến. Hiện nay, toàn phường có 364 bè NTTS, với 4.416 lồng; trong đó số bè nuôi của người dân vãng lai là 59 bè. Nguyên nhân là do tôm hùm xanh đang cho hiệu quả và giống rất rẻ nên người dân đổ xô nuôi”. Cũng theo ông Minh, theo quy hoạch, vùng nước Cam Phúc Nam không còn phát triển NTTS, các chủ bè phải di dời về vùng biển xã Cam Bình. Tuy nhiên, người dân ít lưu tâm mà vẫn vô tư thả nuôi, không chịu di dời nên rất khó quản lý.

Đứng ở ven biển phường Cam Linh, phóng tầm mắt ra vài trăm mét là có thể thấy hàng nghìn ô lồng nuôi tôm hùm san sát, các ghe thuyền phục vụ NTTS phải khó khăn lắm mới có thể luồn lách ra bè. Trên bờ, nhiều lồng nuôi tôm hùm xanh vẫn tiếp tục được làm mới chất đầy đường. Theo ngư dân phường Cam Linh, đầu tư nuôi tôm hùm xanh chi phí ít hơn nhiều so với tôm hùm bông. Tôm hùm xanh giống rẻ, ít dịch bệnh, giá bán khá cao.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, cách đây 2 năm, trên địa bàn phường chỉ khoảng 1.500 lồng NTTS, nhưng hiện nay đã lên đến trên dưới 6.500 lồng. Theo quy hoạch, vùng nước khu vực Cam Linh không được NTTS lồng bè. Chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn ồ ạt NTTS tại khu vực này.

Không riêng gì ở Cam Linh mà nhiều địa phương khác ven vịnh Cam Ranh cũng có chung tình trạng trên.

Những hệ lụy

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, thành phố hiện có hơn 33.100 lồng NTTS, trong đó có hơn 80% là lồng nuôi tôm hùm xanh, tăng gần 4.000 lồng so với thời điểm đầu năm 2017, gấp nhiều lần so với quy hoạch phát triển NTTS trên vịnh Cam Ranh. Theo số liệu tổng hợp giám sát dịch bệnh của Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Ranh, từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi tại Cam Ranh diễn biến khá phức tạp. Vào thời điểm tháng 3, tỷ lệ tôm hùm chết (chủ yếu có độ tuổi từ 3 đến 5 tháng) ở một số vùng nuôi lên đến 30%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khu vực nuôi lồng bè gần bờ, mật độ nuôi dày, chưa có các quy định hay quy chế vệ sinh chung cho vùng nuôi nên gây ô nhiễm vùng nuôi, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đối với NTTS trên vịnh Cam Ranh là yếu tố môi trường. Thực tế, nhu cầu NTTS của người dân rất lớn, trong khi quy hoạch vùng nuôi tại Cam Bình diện tích chỉ 187ha, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, các hộ NTTS cho rằng khu vực quy hoạch xa, nước sâu, sóng gió lớn, trong khi kết cấu lồng bè chưa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, do chưa có chế tài cụ thể, một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nên tình trạng NTTS tự phát vẫn diễn ra.

Được biết, hiện nay, TP. Cam Ranh đã triển khai cắm mốc, vận động người dân di dời lồng bè đến vùng quy hoạch ở xã Cam Bình nhưng các hộ NTTS chưa thực hiện. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP. Cam Ranh đã đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 thêm 200ha đến 300ha mặt nước ven bờ phục vụ NTTS.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2035 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh, đến năm 2020, nuôi thủy sản biển trên vịnh Cam Ranh sẽ tập trung vào các đối tượng chính gồm: tôm hùm 28.000 lồng, cá biển 2.000 lồng. Đối với các vùng nuôi ven bờ sẽ di dời toàn bộ diện tích nuôi lồng bè hiện có ở phía tây vịnh Cam Ranh ra khu vực Cam Lập, Cam Bình; khuyến khích các hộ nuôi chuyển sang nuôi lồng bè công nghiệp khu vực phía đông xã Cam Lập…

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam