Bột vỏ chanh làm tăng khả năng sinh trưởng và miễn dịch của cá

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn có thể kích thích tăng trưởng và hoạt động miễn dịch của cá

.

Tác dụng bột vỏ chanh với động vật thủy sản.

Chanh (Citrus limon) là loài thực vật có múi quan trọng thứ ba trên thế giới, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất chính ở châu Âu. Nhiều tác dụng có lợi của chanh đã được biết, điều này giải thích việc sử dụng chúng một cách rộng rãi trong y học cổ truyền.

Bột vỏ chanh

Bài báo cáo này mô tả ảnh hưởng của vỏ chanh (sản phẩm phụ của ngành công nghiệp tinh dầu chanh) đối với khả năng tăng trưởng, miễn dịch và chống oxy hoá của cá tráp (Sparus aurata L.) trong thời gian 30 ngày.

Thí nghiệm

Cá được phân chia ngẫu nhiên thành ba bể (mỗi bể 12 cá thể), tương ứng với ba nhóm: đối chứng (chế độ ăn không bổ sung bột vỏ chanh – DLP), chế độ ăn uống bổ sung 1,5% DLP và chế độ ăn uống bổ sung 3% DLP. Cá được cho ăn với lượng thức ăn 1,5% trọng lượng cơ thể/ngày trong 30 ngày.

Kết quả

Cá nuôi có chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn (1,5% và 3%) trong 15 ngày cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn và cả hệ thống miễn dịch (Serum immunoglobulin M) và hoạt động của tế bào (peroxidase và khả năng thực bào) tăng lên đáng kể.

Hoạt tính của các enzyme chống oxy hóa cũng có biểu hiện tăng lên và các gen chống stress trong gan đã được cải thiện theo chế độ ăn. Tuy nhiên sau 30 ngày thí nghiệm, khác biệt lại không có ý nghĩa. Điều này chứng tỏ đáp ứng miễn dịch của chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh đạt được trong thời gian ngắn (15 ngày).

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể kết luận bột vỏ chanh (DHP) có thể được đưa vào chế độ ăn của cá có để tạo ra các hiệu ứng miễn dịch trong một thời gian ngắn một cách rất hiệu quả.

Nguồn: tạp chí Sciencedirect được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm thẻ từ giấm táo và propionic acid

Dung dịch giấm táo (ACV) và propionic acid có tác dụng điều chỉnh và tăng cường sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Đây được kỳ vọng như là một biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm.

Biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm thẻ từ giấm táo và propionic acid

Giấm táo là gì?

Giấm táo (dấm táo) hay Apple cider vinegar là một loại giấm làm từ rượu táo. Giấm làm từ táo có có màu nâu nhạt, đậm dần đến lưng chừng màu hổ phách. Là một loại giấm sống chưa được tiệt trùng. Khi chưa lọc, giấm táo có chứa những phân tử dấm mẹ nhìn giống như có một lớp màng mỏng phía trên mặt hoặc có những trầm tích màu nâu đục lắng tụ dưới đáy chai, đó là những phân tử giấm mẹ dạng loãng.

– Khởi đầu giấm được làm bằng những trái táo băm nhỏ hay nước ép táo, pha trộn với đường. Vi khuẩn và nấm men được thêm vào chất lỏng để tạo nên quá trình lên men rượu.

– Trong quá trình lên men kế tiếp, rượu được chuyển thành giấm bởi vi khuẩn tạo nên axit axetic (Acetobacter). Axit axetic và axit malic là tác nhân hình thành vị chua của giấm.

Nghiên cứu ảnh hưởng của ACV và propionic acid lên tôm thẻ chân trắng

Thí nghiệm này được tiến hành để nghiên cứu ảnh hưởng của mức độ khác nhau của ACV và Propionic axit (PA) trên biểu hiện của gen miễn dịch liên quan và hiệu suất tăng trưởng ở tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei).

375 con tôm với trọng lượng ban đầu trung bình là 10,2 ± 0,04 g đã được thu thập và làm quen với môi trường nước trong hai tuần. 5 chế độ ăn thử nghiệm bao gồm chế độ ăn đối chứng, chế độ ăn uống 0,5% PA và chế độ ăn 1%, 2% và 4% ACV được sử dụng để nuôi tôm. Tôm được cho ăn 4 lần một ngày với 2,5% trọng lượng cơ thể.

Kết quả:

Biểu hiện của prophenoloxidase (proPo), lysozyme (Lys), penaeidin-3a (Pen-3a) và gen Crustin (Cru) đã được xác định từ gan tụy, sử dụng real-time PCR sau 15, 30 và 60 ngày. Việc biểu hiện gen Lys và proPo được tăng lên đáng kể trong tôm nuôi bằng khẩu phần ACV và PA so với nhóm đối chứng sau 30 và 60 ngày điều trị.

Sau 15 ngày, biểu hiện gen Pen-3a cao hơn đáng kể ở nhóm PA so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, tôm ăn với chế độ ăn 1% & 4% ACV và PA cho thấy Pen-3a tăng lên đáng kể sau 30 ngày.

Ngược lại, sự biểu hiện của Cru đã giảm đáng kể khi đáp ứng với chế độ ăn uống của ACV, nhưng sự biểu hiện của Cru trong tôm được xử lý với khẩu phần PA cao hơn nhóm đối chứng sau 30 và 60 ngày.

Kết luận:

Các kết quả cung cấp bằng chứng cho thấy ACV có thể được sử dụng như một biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm để điều chỉnh và tăng cường sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch.
Nguồn: NCBI được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam 

Dân bất an vì cá bỗng dưng chết nổi đầy sông ở Nghệ An

Nhiều loại cá chủ yếu sống ở tầng đáy bỗng dưng chết nổi lên đầy sông Hoàng Mai khiến người dân bất an.

Lượng cá chết được người dân vớt lên bờ, đây hầu hết là những loài cá sống ở tầng đáy có giá trị kinh tế cao.

Ngày 26/9, một cán bộ thị xã Hoàng Mai, Nghệ An xác nhận sự việc trên. Đồng thời cho biết, hiện thị xã cũng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sống Hoàng Mai.

Theo đó, nhiều người dân sống gần vùng hạ lưu sông Hoàng Mai bất ngờ khi thấy hàng loạt các loại cá như Hành, Nữ, Bống…bỗng dưng chết nổi đầy trên sông Hoàng Mai.

Bên cạnh đó các hộ dân làm nghề đóng đáy bắt cá trên sông Hoàng Mai cũng giật mình khi sáng sớm thu đáy về thấy phía trong nhiều loại cá đã chết từ lúc nào không rõ.

Cá chết dạt vào bờ rất nhiều, người dân dùng thuyền ra vớt được hàng chục kg. Phía trong những chiếc đáy cũng đầy cá đã chết dạt vào. Cá chết chủ yếu là loài cá sống ở tầng đáy, có giá trị kinh tế cao. Từ trước đến nay người dân chưa bao giờ thấy hiện tượng này xảy ra. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã lập tức thông tin đến cơ quan chức năng để kiểm tra làm rõ nguyên nhân.

 Người dân vớt cá chết lên bờ

Hiện tượng cá chết bất thường khiến nhiều người dân sống ven dòng sông tỏ ra bất an. Đặc biệt là những hộ nuôi tôm lấy nguồn nước từ sông. Một số người nhận định, nhiều khả năng, cá chết do bị sốc nước. Bởi sau bão, nước triều cường dâng cao, nước mặn xâm thực đột ngột vào sông Hoàng Mai dẫn đến cá bị sốc nước nên chết hàng loạt.
Hiện nguyên nhân sự việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi tu hài bằng lồng treo

Lựa chọn địa điểm

Địa điểm được lựa chọn phải có độ sâu nhất định, độ sâu thấp nhất khi nước triều xuống trung bình khoảng 3m. Độ mặn quanh năm của nước từ 28‰ trở lên. Độ trong của nước trên 2,5 m. Nước lưu thông tốt, thành phần thực vật phù du phong phú, nước không bị ngọt hoá, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải

Gia công lồng và giàn treo

Lồng nuôi

– Cắt lưới bao thành sao cho đủ để lót hết toàn bộ phía trong thành lồng.
– Cắt lưới lót đáy sao cho đủ lót hết đáy và gập vuông góc lên thành lồng với chiều cao 12 cm.
– Dùng kim và chỉ nilon khâu cả 2 lớp áp sát và cố định vào thành lồng.
– Làm quang treo lồng bằng loại dây lớn.
– Cắt lưới 2a = 20mm làm nắp lồng (nếu lồng có sẵn nắp nhựa thì không cần làm nắp lưới).

Giàn treo cố định

Nếu không có bè thì làm giàn treo cố định. Vật liệu và cách làm giàn treo cố định làm giống như giàn treo trong phần ương giống. Giàn có thể làm nhiều hàng song song với nhau và vuông góc với dòng nước chảy.

Đặc biệt lưu ý là giàn phải ở nơi có độ sâu trên 5 m so với mép sóng hoặc dưới mức nước ròng nhất  0,5 m.

Tu hài

Kỹ thuật thả giống

Cỡ giống thả có dài vỏ 20-25 mm. Mật độ: từ 30-50 con/lồng, tương đương 200-300 con/m2.

Trình tự thả giống:
– Cho cát vào lồng dày 7-8 cm.
– Treo lồng dưới nước sao cho mặt lồng vẫn không chìm dưới mặt nước.
– Lấy ngón tay chọc xuống cát làm thành các lỗ phân đều trên mặt cát và thả vào mỗi lỗ 1 con. Không được thả những con giống đã bị vỡ vỏ.
– Buộc nắp lồng và từ từ thả lồng xuống độ sâu quy định:
+ Với bè: Thả sâu 2,5 -3,5 m.
+ Với giàn cố định: đáy lồng cách mặt bãi từ 0,3-0,5 m.

Quản lý, chăm sóc

– Mỗi tháng kéo lồng lên 2 lần vào ngày thuỷ triều ròng nhất và dùng bàn chải đánh rửa sạch mặt ngoài lồng. Loại bỏ hết những vật lạ ở trong lồng ra ngoài.
– Lấy tay bới cát xuống đến độ sâu 1/2 độ dầy của lớp cát, nếu phát hiện chỗ có cát màu đen, dấu hiệu ở đó có thể có một số tu hài bị chết, phải loại bỏ tu hài chết và thay cát mới.
– Kiểm tra dây treo lồng và nắp lồng, nếu bị cua hoặc cá làm rách lưới hoặc có nguy cơ đứt dây thì phải thay ngay. Bên ngoài lồng nếu có nhiều hà, sun bám, dùng dao xây cạy, đẽo bỏ hết.
– Kiểm tra giàn, nếu cọc và giằng ngang bị hà và sun bám làm hư hỏng, phải thay ngay.
– Nuôi treo trên bè, khi có mưa phải thả lồng xuống độ sâu tối đa có thể. Sau mưa chờ cho độ mặn trở lại bình thường hãy kéo lồng lên ở mức quy định.
– Sau mưa 1 ngày, cần kiểm tra nếu có sự cố phải xử lý ngay.
– Kiểm tra sinh trưởng mỗi tháng 1 lần, làm như chỉ dẫn ở phần ương giống.
– Từ tháng thứ 2 trở đi, tăng dần cát vào lồng đến 10 hoặc 15 cm. Nếu lồng có chiều cao 30 cm thì độ dầy của cát có thể tới 20 cm.

Nuôi tu hài bằng lồng treo

Thu hoạch

Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ và thả vào một giai đặt dưới nước trước khi vận chuyển đến thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

An toàn sinh học trong nuôi tôm

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, trong đó đáng chú ý là các bệnh do virus. Do đó việc đảm bảo An toàn sinh học trong nuôi tôm là thực sự cần thiệt nhằm giảm thiểu tác hại dịch bệnh.

Vai trò An toàn sinh học trong nuôi tôm

Dịch bệnh bùng phát là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho phát triển NTTS bền vững. Trong nhiều thập kỉ, các mầm bệnh trên tôm đã và đang gây thiệt hại lớn cho các trại nuôi. Các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, nhằm kiểm soát dịch bệnh trên tôm. An toàn sinh học trong nuôi tôm là một khái niệm mới, thường đề cập đến các biện pháp quản lý bảo vệ đàn khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, đồng thời giảm thiểu sự lây lan và các tác động bất lợi đối với đối tượng nuôi.

Trong nuôi tôm, ATSH liên quan đến các biện pháp để giảm tác động và khả năng lây của mầm bệnh. Hiện nay, người nuôi vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp ATSH, do nhiều nguyên nhân bao gồm: thiếu kinh nghiệm, tốn chi phí, và chưa thấy được lợi ích thực tiễn của việc áp dụng ATSH trong mô hình nuôi.

Đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi tôm

Việc thực hiện các quy trình ATSH đòi hỏi mức độ nhận thức và kỷ luật cao, và sự cam kết mạnh mẽ, cùng với tính bền vững của ban quản lý và cả người thực hiện.

Áp dụng ATSH để quản lý các tác nhân gây bệnh chủ yếu phải phòng ngừa bao gồm: thu mẫu động vật và xét nghiệm nghiêm ngặt; các quy trình xử lý cho động vật và nhân viên, các quy trình làm sạch, khử trùng, và các biện pháp khác được áp dụng để loại bỏ tối đa các tác nhân gây bệnh. Đối với EMS, cần hạn chế sự tích tụ của thức ăn dư thừa cũng như các chất hữu cơ – đây là nguyên nhân cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh Vibrio parahaemolyticus.

Trong ngành công nghiệp tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm: các vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch, các rào cản vật lý, xử lý nước, sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free – SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant – SPR) (Lightner 2003; Horowitz và Horowitz 2003).

Việc áp dụng ATSH trong nuôi tôm phải đảm bảo lợi ích kinh tế, bao gồm các yếu tố sau: thiết kế mô hình nuôi, thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh, nguồn tôm bố mẹ và chất lượng con giống. Nguồn tôm bố mẹ phải được chọn lọc sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng tốt. Mô hình nuôi hạn chế tối đa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm: xác định mùa vụ thả nuôi, hạn chế tối đa việc thay nước, quản lý cho ăn hiệu quả, bổ sung cho tôm ăn các chất kích thích miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng của vật nuôi.

Vị trí trại nuôi và thiết kế mô hình nuôi đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của vụ nuôi. Điều này ít được trại nuôi quan tâm trong việc thiết kế ban đầu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh.

Hạn chế thay nước và trao đổi nước là một trong những mô hình nuôi được phát triển trong những năm gần đây. Hạn chế thay nước qua đó ngăn ngừa khả năng xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đồng thời tránh được sự biến động của các yếu tố môi trường thường là nguyên nhân gây stress cho vật nuôi. Ở nhiều nước đã áp dụng rất thành công mô hình này trong đó tiêu biểu là mô hình nuôi khép kín theo công nghệ biofloc.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi tu hài thương phẩm theo hình thức nuôi đáy

Hiện nay, Tu hài đang là một đặc sản được ưa thích của du khách khi đến Hải Phòng và Quảng Ninh, cũng từ khi đó giá tu hài tăng lên thì việc nuôi tu hài mới được chú ý tới. Trước đây nguồn tu hài thực phẩm cung cấp cho tiêu thụ chủ yếu là khai thác tự nhiên. Khi nguồn lợi tự nhiên không còn dồi dào nữa thì con người mới quan tâm đến nuôi chúng và con giống để nuôi lớn lại là một vấn đề khó khăn đầu tiên. Một thực tế cho thấy, thu gom con giống Tu hài trong tự nhiên rất khó thực hiện do loài này sống chủ yếu ở vùng biển tương đối sâu và hình thái giai đoạn con non dễ nhầm lẫn với một số loài nhuyễn thể khác như phi phi (Sanguinolaria diphos) và móng tay (Solen gouldii) phân bố rất nhiều ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long).

Tu hài

Lựa chọn địa điểm nuôi

Chọn địa điểm nuôi có các điều kiện môi trường thích hợp với sinh thái của Tu hài: độ mặn 29 – 30‰, đáy cát có pha lẫn các mảnh vụn vỏ của động vật thân mềm như vỏ hầu, sò, điệp; độ trong cao từ 2,5 – 3m, nước lưu thông tốt, không tù đọng. Không bị ảnh hưởng của nguồn nước ngọt vào mùa mưa lũ, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Địa điểmnuôi Tu hài thích hợp nhất cũng cần chú trọng tới nguồn thức ăn tự nhiên, nơi có thành phần thực vật phù du phong phú và đa dạng.

Chuẩn bị bãi nuôi

Cải tạo bãi:

Vào ngày thuỷ triều thấp nhất, dọn sạch rong tạp trên mặt bãi, nhặt các viên đá, sỏi lớn ra khỏi bãi nuôi, san phẳng những nơi lồi lõm. Tạo mặt phẳng, giảm độ nghiêng của bãi. Cuốc xới mặt bãi tạo độ tơi xốp nhất định.

Rào bãi:

Dùng cọc gỗ phi 4 – 5cm, dài 1,5m đóng xung quanh bãi nuôi. Khoảng cách cọc từ 1 – 2m. Dùng tre và dây thép buộc giằng các đầu cọc theo chiều ngang. Lưới ni-lon 2a = 2cm chôn xuống bãi 0,3m, phần trên cao 50 – 70cm. Bãi trước rào theo hình chữ nhật, chiều dài theo hướng từ trong bờ ra bãi sâu.

Cấy giống:

Dùng que tre/gỗ đâm xuống mặt bãi 5cm tạo thành lỗ và cấy vào đó 1 con giống, mật độ 25 con/m2 tương ứng khoảng cách 20cm giữa các cá thể.

Tu hài giống

Quản lý và chăm sóc

– Quản lý và chăm sóc bãi nuôi là việc làm thường xuyên, cần có người trông nom

Thường xuyên kiểm tra cọc và lưới vây, có biện pháp xử lý kịp thời khi thấy hiện tượng cọc lưới bị nghiêng đổ.

– Định kỳ (1tháng/1lần) kiểm tra tốc độ tăng trưởng đo chiều dài và cân trọng lượng của tu hài nuôi.

Thu hoạch

Tu hài đạt kích thước thương phẩm sau khi nuôi được 18 tháng trở đi, tiến hành thu hoạch khi nước triều rút cạn, dùng cào đánh mặt bãi, nhặt lấy tu hài. Để tu hài đạt độ béo nhất định, hàm lượng đạm trong thịt cao nên thu hoạch vào thời gian tuyến sinh dục phát triển, thường từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Tu hài được rửa sạch bằng nước biển trước khi đem chế biến hoặc tiêu thụ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một vài lưu ý đến bà con nuôi tôm khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới

Khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới, thì kèm theo đó là có một đợt không khí lạnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Bắc có khi nhiệt độ không khí xuống rất thấp dẫn đến nhiệt độ nước ao nuôi tôm cũng hạ theo. Vì thế trong thời gian này tôm nuôi rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng gây thiệt hại cho bà con nuôi tôm rất lớn.

Để giảm thiệt hại trong những lúc thời tiết xấu như thế này, bà con cần thực hiện một số lưu ý sau:

Tôm bị đốm trắng

Kiểm tra mực nước ao

Không nên để mực nước ao quá cạn (thấp hơn 1m), vì trong điều kiện thời tiết ấm thì mực nước thấp tôm có thể phát triển tốt được, nhưng khi áp thấp nhiệt đới thì thời tiết chuyển lạnh, nếu mực nước ao nuôi thấp thì nhiệt độ nước tầng đáy sẽ hạ theo rất nhanh, làm cho tôm nuôi dễ phát bệnh, vì thế cần giữ mực nước ao tối thiểu là 1,2m trở lên.

Lưu ý: cũng không nên nâng mực nước ao quá sâu, vì khi áp thấp nhiệt đới thì thời tiết âm u kết hợp theo mưa, do đó hàm lượng oxy hòa tan từ không khí xuống ao nuôi tôm rất thấp, nếu oxy xuống mức quá thấp có thể làm cho tôm chết, tùy theo mật độ tôm nuôi mà bà con có thể nâng lên ở mức hợp lý, nhưng khuyến cáo bà con không nên nâng nước ao nuôi tôm quá 1,6m.

Kiểm tra các yếu tố môi trường

Khi thời tiết có áp thấp nhiệt đới thường kèm theo mưa, kéo theo các yếu tố môi trường sẽ thay đổi, đặc biệt là pH có xu hướng giảm. Vì thế bà con cần sử dụng vôi để giữ ổn định pH.

Quản lý cho ăn

Khi điều kiện thời tiết bất lợi, thì chắc chắn tôm sẽ giảm ăn, vì vậy trong giai đoạn thời tiết áp thấp nhiệt đới thì bà con nên giảm lượng thức ăn cho tôm, nhằm tránh hiện tượng thừa thức ăn, gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi tôm, làm phát sinh nhiều khí độc ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi.

Cho tôm ăn

Tăng sức đề kháng của tôm

Tôm là động vật bậc thấp biến nhiệt, do đó thời tiết (cụ thể là nhiệt độ nước) thay đổi thì nhiệt độ cơ thể tôm sẽ thay đổi theo, vì thế nếu tôm đang yếu kết hợp với thời tiết bất lợi thì đó là lúc tôm dễ bị phát bệnh nhất, do đó trong giai đoạn này bà con nên tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn vào khẩu phần thức ăn của tôm các nhóm Vitamin, đặc biệt là Vitamin C rất cần trong giai đọan này.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật sản xuất giống tu hài

Tu hài là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao. Quy trình sản xuất giống tu hài đơn giản, dễ thực hiện. Chi tiết được thể hiện qua video sau đây

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất thành công giống cá khế vằn: Góp phần đa dạng đối tượng nuôi

Đạt giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn (còn gọi cá bè đưng hoặc cá bè vàng) của kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã góp phần làm đa đạng đối tượng thủy sản nuôi cho người dân.
Theo kỹ sư Lê Thị Như Phượng (Doanh nghiệp tư nhân Phương Hải, TP. Nha Trang), Khánh Hòa là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão lụt nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc sản xuất giống. Hiện nay, người dân các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng nuôi lồng bè chủ yếu các loài như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… Các loài cá này đã chủ động được nguồn giống, nhưng gần đây xảy ra nhiều dịch bệnh, làm cho một số hộ nuôi thua lỗ, muốn chuyển sang đối tượng nuôi khác để thay đổi môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ.
Nắm bắt được tình hình trên, cùng với sự gợi ý của một vài hộ nuôi thủy sản ở huyện Vạn Ninh, năm 2015, kỹ sư Phượng hình thành nên ý tưởng sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng. Đây là loại cá thịt trắng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, được thị trường nội địa ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá bè đưng chỉ phân bố ở huyện Vạn Ninh và đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Loại cá này đã được người dân ở 2 địa phương trên nuôi thương phẩm bằng nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Nhưng nguồn giống này ngày càng khan hiếm, trong khi đó, trên cả nước chưa có cơ sở, viện nghiên cứu nào nghiên cứu sản xuất loại giống cá này để cung ứng nguồn giống ổn định cho người dân.

Kỹ sư Phượng bên cạnh cá bè đưng trưởng thành thành thục

Do sự khan hiếm nguồn cá giống, kỹ sư Phượng phải “nằm vùng” ở huyện Vạn Ninh thời gian dài để tìm mua nguồn cá bố mẹ. Sau khi tìm được 170 cặp bố mẹ, chị tiến hành nuôi, vừa tự nghiên cứu sản xuất các loại thức ăn phù hợp cho cá. Qua 1 năm, khi các cặp cá giống phát triển thành thục được cho sinh sản nhân tạo bằng cách thử nghiệm tiêm kích dục tố với các liều lượng khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, các cặp cá bố mẹ đã sinh sản hơn 15 triệu cá bột. “Từ cá bột, chúng tôi ươm nuôi sản xuất được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4 – 6cm/con và đã xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Huế… Qua nuôi thử nghiệm cho thấy, loại cá này dễ nuôi vì ăn tạp, có khả năng sống trong vùng nước lợ, nguồn thức ăn dễ tìm. Đặc biệt, cá sống thành bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, dễ quản lý môi trường nuôi hơn so với các loài sống ở tầng đáy hoặc sống ẩn nấp như: cá mú, cá chình. Hiện nay, cơ sở chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất cá giống để đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”, kỹ sư Phượng cho hay.
Ông Trịnh Văn Tèo, hộ nuôi thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, năm ngoái, biết được kỹ sư Phượng sản xuất thành công giống nhân tạo cá bè đưng, xác định đây là loại có giá trị kinh tế cao nên gia đình ông đặt mua hơn 1.000 con giống để thả nuôi thử nghiệm, song song với nuôi tôm hùm. “Hiện nay, đàn cá phát triển khá tốt. Với giá thương phẩm trên thị trường dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, trừ hao hụt, khi xuất bán với cân nặng khoảng 1,2 – 1,5 kg/con, tôi dự kiến sẽ thu lời được gần gấp đôi vốn bỏ ra”, ông Tèo nói.
Được biết, ngoài sản xuất giống nhân tạo cá bè đưng, từ năm 1999 đến nay, kỹ sư Phượng còn tự mày mò nghiên cứu sản xuất thành công giống nhân tạo cá chẽm mõm nhọn, cá mú, cá bớp, cá gáy biển, cá bè vẩu.
Có thể nói, việc sản xuất thành công loại cá này góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển, đa dạng hóa đối tượng nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Nữ kỹ sư bên bè cá bè đưng

* Cá bè đưng thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mặt tạo thành hình rất cong. Vây lưng thứ 2 có 1 tia cứng và 19 – 20 tia mềm. Vây ngực hình lưỡi liềm. Cá có màu vàng với nhiều sọc đen trên thân. Thức ăn của cá là các loại cá, giáp xác và động vật thân mềm. Môi trường sống của cá ở tầng nổi trên cát và đá, thường gặp nhất ở vùng biển ven bờ với độ mặn thấp. Cá bè đưng thường đẻ trứng vào ban đêm tại những thời điểm khác nhau trong năm, tập trung vào những tháng có khí hậu ấm.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những Việc Cần Làm Khi Nuôi Tôm Vào Mùa Mưa

Các yếu tố ở môi trường ao nuôi dễ thay đổi đột ngột mỗi khi vào mùa mưa khiến tôm dễ bị sốc và phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi cần xử lý và có biện pháp chăm sóc phù hợp cho tôm ở thời điểm này.

Quản Lý Thức Ăn

Người nuôi cần chú ý khi trời mưa cần phải giảm lượng thức ăn cho tôm.

Nên tránh lượng thức ăn dư thừa trong ao bởi thức ăn thừa sẽ khiến pH nước ao giao động mạnh và thường gây ra hiện tượng tôm đóng rong, lục tảo phát triển mạnh.

Mật Độ Thả Thích Hợp

Trong mùa  mưa việc nuôi thả tôm cần tránh mật độ dày, nên thả với mật độ vừa phải (<25 con/ m2), vì:

  • Mùa mưa hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp.
  • Các yếu tố môi trường dễ biến động ( độ pH, độ kiềm, độ mặn…)

 Ao Nuôi

– Người nuôi tôm có thể nuôi thay đổi ao sau từng vụ.

– Cần cung cấp nước đầy đủ khi cần thiết.

– Việc xử lý và lắng nước cần thực hiện theo đúng quy trình.

Tăng Cường Hệ Thống Quạt Nước, Oxy Đáy Ao

–  Các chuyên gia thủy sản cho rằng cứ 1 cánh quạt cung cấp đầy đủ oxy cho 2.800 con tôm từ lúc mới thả đến khi thu hoạch.

– Người nuôi cần lắp cánh quạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật:

+ Để mùn bã hữu cơ được gom vào giữa thì khi vận hành quạt nước phải được xoáy vào giữa ao.

+ Vận tốc của guồng quạt phải đạt từ 80-85 vòng/ phút.

+ Cách thử: Có thể đổ xuống ao từ 5-10 kg saponin, sau đó cho quạt chạy, nếu bọt nước tập trung ở giữa ao là lắp quạt đúng.

– Tăng cường hệ thống oxy đáy ao nếu có thể.

– Người nuôi cần làm hệ thống lưới đáy ao giúp hạn chế phù sa và tăng thêm diện tích cho tôm ở.

Tăng Cường Bón Vôi Trong Ao Nuôi

Trong ao nuôi pH luôn phải đạt từ 7,5-8,5, sau khi mưa một lượng a-xít trong nước mưa sẽ làm pH giảm xuống và có thể gây sốc cho tôm, do đó:

– Để giúp tôm không bị sốc sau khi mưa cần bón vôi bổ sung cho ao nuôi (tùy theo độ pH để bón).

– Để tránh hiện tượng phân tầng nước, người nuôi cần chú ý kết hợp quạt nước.

– Trước khi có dấu hiệu của những cơn mưa cần rải vôi dọc bờ ao.

 Giải Quyết Nước Đục Trong Ao

– Nước trong ao đục chủ yếu do hạt sét gây nên. Tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp cho tôm nhưng gây ra một số ảnh hưởng sau:

+ Làm tảo không quang hợp được dẫn đến thiếu oxy trong ao, hàm lượng CO2 quá cao làm tôm ngạt thở.

+ Tôm hay bị sưng hoặc vàng mang do phù sa bám vào.

– Để khắc phục hiện tượng nước đục sau khi mưa, có thể sử dụng 1 trong những cách sau đây để giải quyết cho ao 5.000m3 nước:

+ Dùng 125kg rơm khô thả dọc bờ ao và kết hợp 10 kg BLUEMIX. Rơm được bó thành từng bó khoảng 3-5 kg thả xuống ao, khi thấy nước tiết ra có màu đỏ thì vớt lên và lặp lại 2-3 lần.

+ Dùng 150 kg thạch cao, nếu sau 2 lần đánh mà nước vẫn chưa trong thì nên tăng nồng độ ở lần thứ 3. Chú ý trước khi sử dụng thạch cao phải nâng độ kiềm của ao lên 100 ppm rồi mới sử dụng.

Sau khi sử dụng 1 trong 2 phương pháp trên mà không có hiệu quả thì chúng ta sử dụng phương pháp sau:

+ Dùng sun-phát nhôm Al2(SO4)3.14 H2O với liều lượng 50 kg. Khi sử dụng phương pháp này chú ý phải tăng pH và độ kiềm của ao .Đây là biện pháp cuối cùng, chỉ sử dụng khi không còn làm được cách khác vì rất nguy hiểm.

Khi nước đã giảm đục cần phải gây màu nước bằng cách dùng BLUEMIX với liều lượng 2-3 kg/1.000m3 nước.

 Thường Xuyên Kiểm Tra Hoạt Động Của Tôm Và Môi Trường Nước Sau Mưa

– Người nuôi cần kiểm tôm nuôi (các đặc điểm hình dáng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, kiểm tra đường ruột của tôm, thức ăn trong nhá…)

– Kiểm tra các yếu tố môi trường ao như:  pH, độ kiềm, độ đục, độ mặn.