Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Cá bớp (cá bóp, cá giò) được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Cá dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, giá trị cao nhưng lại hạn chế về nguồn giống. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất giống cá bớp để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống.

Cá bớp

Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Địa điểm: Lồng nuôi vỗ phải được đặt ở nơi ít sóng gió, dòng chảy nhẹ từ 0,2 – 0,5 m/s, độ mặn 25 – 32‰, độ trong > 2m. Kích thước lồng 3mx6mx3m hoặc 10x10x10m, kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10cm.
Tuyển chọn cá bố mẹ: Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 8 – 10 kg/con.  Nuôi vỗ với mật độ 5 – 6kg cá/1m3 lồng.
Nuôi vỗ cá bố mẹ: Chia làm 3 thời kỳ:
Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 – 9, thức ăn là cá tạp tươi, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng thân. Đối với cá đã nuôi vỗ từ năm trước nhưng không cho đẻ thì dùng LRHa (liều lượng 10 – 15mg/kg cá mẹ) tiêm để loại bỏ hết sản phẩm sinh dục cũ, thời gian tiêm từ ngày 5 – 15/7. Đối với cá mới tuyển chọn lần đầu không cần tiêm.
Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 – 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống từ 2 – 2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.

Sau thời gian nuôi vỗ, tiến hành chọn cá đã thành thục sinh dục (10 – 12 kg/con) để tiêm chất kích thích sinh sản: cá cái thành thục sinh dục có biểu hiện bụng căng tròn đều, lỗ sinh dục to và ửng hồng hay có thể dùng que thăm trứng có đường kính 1,2 mm. Khi trứng cá có màu vàng sậm, đường kính trứng đạt từ 0,7 mm trở lên và khi quan sát trứng bằng dung dịch sera nếu thấy nhân lệch hơn 50% trên tổng số trứng quan sát thì ta chọn cá để cho sinh sản. Đối với cá đực, cũng tiến hành lấy sẹ tương tự như lấy trứng, khi sẹ có màu trắng đục và có khả năng hòa tan nhanh trong môi trường nước.

Cá bớp được nuôi vỗ

 Kỹ thuật sinh sản cá bớp

Chuẩn bị bể đẻ: Bể đẻ tốt nhất là hình tròn, thể tích từ 50-150m3, chiều cao 2,5m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để nước trong bể chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp từ 6 – 10 vòi sục khí mạnh. Trước khi đưa cá vào bể đẻ phải cấp nước đầy.

Tiêm kích dục tố LHRH-a với liều lượng 20µg/kg cho cá cái. Không cần tiêm cho cá đực.

 Thu trứng, tách và ấp trứng

Thu trứng: Trứng vớt được phải chuyển ngay vào bể hoặc thùng đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.
Tách trứng: Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35 – 36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.
Ấp trứng: Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8 – 8,5; độ mặn 35 – 36‰; nhiệt độ nước 24 – 28 độ C. Mật độ ấp từ 400 – 500 trứng/l, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30 – 32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở độ mặn sẽ hạ xuống còn 31 – 32‰ (bằng với độ mặn bể ương và có thể chuyển ấu trùng mới nở sang bể ương đã chuẩn bị sẵn)

Ương ấu trùng

Có thể ương ấu trùng cá bớp trong bể xi măng, bể composite hay ao đất. Ao nuôi có diện tích 400 – 500 m2, sâu 1 – 1,2 m. Cần cải tạo kỹ và bón phân để gây màu và thức ăn tự nhiên trong ao nước khi thả ấu trùng ương. Nếu thức ăn tự nhiên kém thì phải bổ sung luân trùng. Mật độ ương trong ao là 1.500 – 2.000 con/m2. Sau 22 – 25 ngày ương, có thể cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo bổ sung.

Mật độ ấu trùng trong bể ở các giai đoạn khác nhau như sau:

Giai đoạn 1 – 10 ngày tuổi: 70 – 80 con/lít

Giai đoạn 11 – 20 ngày tuổi: 20 – 30 con/lít

Giai đoạn 21 – 30 ngày tuổi: dưới 10 con/lít.

Thức ăn cho ấu trùng ương cho bể bao gồm tảo (Chlorella, Isochrysis, Tetraselmis) với mật độ 40.000 – 60.000 tế bào/ml cho giai đoạn 3 – 8 ngày tuổi, luân trùng 7 – 10 cá thể/ml cho giai đoạn đầu đến 12 ngày tuổi và Artemia 2 – 5 cá thể/ml từ ngày 17 – 18.

Luyện cho cá ăn thức ăn hỗn hợp hay thức ăn công nghiệp từ ngày 11. Khi cá đạt 22 ngày tuổi (2 – 3 cm/con) thì cho ăn chủ yếu thức ăn hỗn hợp hay công nghiệp.

Cần duy trì nước ương với độ mặn 28 – 30‰, nhiệt độ 24 – 300C và tốt nhất không thay đổi quá 1oC trong 1 ngày đêm, pH 7,5 – 8,5. Luôn luôn giữ hàm lượng ôxy trong nước lớn hơn 6 mg/l. Hàng ngày tiến hành tháo rốn bể và xi phông đáy đưa xác cá chết và thức ăn thừa ra khỏi bể ương, vệ sinh trống lọc và vớt váng.

Ấu trùng mới nở dài 2,5 mm và chưa có sắc tố, một ngày tuổi dài 3 mm, trong suốt, dọc lưng có một mảnh màu xanh nhạt và điểm mắt màu đen, tích cực vận động trên mặt nước.

Ngày thứ 10 đã có sự thay đổi lớn so với ấu trùng một ngày tuổi. Miệng, đầu, mắt đã phát triển hoàn chỉnh, vây ngực hiện rõ, chưa có vây bụng, cơ thể có màu nâu nhạt và dài khoảng 5 – 10 mm.

Từ ngày tuổi 25, cá bắt đầu phân đàn nhanh, vì thế phải thường xuyên phân cỡ cá để tránh hiện tượng chúng ăn thịt lẫn nhau (Chú ý: Khi cá còn nhỏ dùng gáo múc cả cá và nước không dùng vợt để vớt, khi cá lớn 5 – 6 cm trở lên mới được dùng vợt để vớt).

Cá bớp giống

Sau 30 ngày tuổi cá đã giống với cá trưởng thành: Vây đuôi xòe rộng dạng nan quạt, xuất hiện hai dải sắc tố màu vàng nhạt hai bên thân chạy dọc cơ thể từ đầu đến cuối đuôi, cá dài 6 – 9 cm thì chuyển nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống giai đoạn ương 0 – 25 ngày tuổi khoảng 15 – 20% và 25 – 50 ngày tuổi là 40 – 50%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Sò mía, hay ngao hai cồi, là đối tượng nuôi mới ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Loại sò này mang lại giá trị kinh tế rất cao và cho thu nhập ổn định.

Nuôi sò đang mở ra một hướng đi làm ăn mới cho người dân bởi nuôi sò không phức tạp, chu kỳ ngắn và đầu tư ít.

Sò mía dễ sản xuất giống, có thể cho đẻ quanh năm để cung cấp giống liên tục cho người nuôi.

Sò mía

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Chuẩn bị công trình thiết bị

Bể ương là bể xi măng hình chữ nhật, dài 2m, rộng 1.2m, cao 1.5m. Bể đẻ hình trứng, khoảng 10m3. Bể ương cấp nước 1.2m, bể đẻ cấp nước 0.4m.

Bố trí sục khí 0.8m2/1 dây khí.

Nước trước khi cấp vào bể phải được xử lý và lọc.

Tuyển chọn sò bố mẹ và kích thích cho đẻ

Sò bố mẹ kích thước hơn 40mm, được nuôi trong bể xi măng, nuôi vỗ 2 – 5 ngày trước khi kích thích cho đẻ. Tiến hành sục khí và thay nước hàng ngày. Kiểm tra trứng của sò, nếu trứng rời, đều thì có thể cho đẻ được.

Thăm trứng của sò

Phơi sò dưới nắng râm 3 -5 giờ, sau đó kích thích bằng dòng nước mạnh và liên tục. Đến khi sò bắt đầu đẻ (mở miệng và thò chân ra ngoài) thì ngừng kích thích.

Phơi sò dưới nắng râm để kích thích đẻ

Sau khi sò đẻ khoảng 30 phút, dùng ống nhựa hút trứng và thu bằng lưới (mắt lưới 30µm) và cho vào bể ương. Khi thu trứng vừa hút nước vừa bơm thêm nước để tạo dòng chảy kích thích sò tiếp tục đẻ và pha loãng trứng và tinh trùng trong nước.

Sau khoảng 12 giờ trứng nở thành ấu trùng.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

Điều kiện môi trường bể ương: Nhiệt độ 27 – 28oC, pH 7.5 – 8.5, độ mặn 25ppt. Mật độ ương 2 – 5 con/ml.

Cho ăn ngày 2 lần lúc sáng sớm và chiều tối. Giai đoạn ấu trùng trôi nổi : cho ăn 5 – 10 lít tảo/lần/bể. Giai đoạn xuống đáy : bơm tảo đến khi nước đục. Quan sát đường ruột ấu trùng dưới kính hiển vi để tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

Các loại tảo cho sò ăn : Nanochloropsis sp., Isochrysis sp., Thalassiosira sp. Tảo được nuôi ngoài trời trong bể composite. Nhân tảo làm thức ăn cho sò bằng môi trường F2. (Đa lượng : đạm (N), lân (P).Vi lượng : sắt, silic (nếu là tảo silic), EDTA.)

Thường xuyên đo kích thước để theo dõi sinh trưởng của ấu trùng. Hằng ngày thay nước 30 -50%. Sục khí 24/24.

Thu hoạch và vận chuyển sò giống

Sò giống đạt kích thước 5- 7mm là có thể xuất bán. Đếm và phân cỡ sò giống khi thu, cho vào túi nilon 2 lít. Đóng oxi cho túi nilon, làm lạnh và cho vào thùng xốp để có thể vận chuyển sò đi xa.

Sò mía giống

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Tôm hùm là loài có FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành trọng lượng cơ thể) cao. Do đó, nuôi tôm hùm tốn rất nhiều chi phí cho thức ăn. Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa trong lồng nuôi có thể làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học với thức ăn giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Chuẩn bị lồng nuôi

Vệ sinh lồng, kiểm tra khung sắt, lưới bọc khung trong, ngoài, sau đó di chuyển đến vị trí nuôi, là nơi kín gió, nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nước lưu thông tốt, chất đáy là cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, vỏ động vật thân mềm. Sau đó đặt lồng trên nền đáy đã được dọn sạch, bằng phẳng.

Vùng nuôi có độ sâu: 7 m.

Độ mặn ổn định, dao động trong khoảng 30 – 350/00.

Lồng đặt cách đáy: 3 m.

Chọn giống:

Tôm hùm giống mới nở (tôm trắng)

Tôm trắng phải được kiểm tra kỹ, chọn mua ở nơi uy tín, nguồn giống khai thác tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường, con giống chính vụ, khoẻ mạnh, bơi búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác, phát triển cân đối, đều cỡ, vì đây là giai đoạn tôm rất nhạy cảm với môi trường, sức đề kháng yếu, nếu chọn giống loài xoài, các đại lý thu gom nhiều ngày, lưu dưỡng cho đủ lượng để xuất bán thì sau này ương nuôi sẽ rất khó, tôm phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.

Vận chuyển giống:

Buổi sáng sớm, dùng thùng xốp, kích cỡ 30 x 20 x 25 (cm), cho nước biển sạch vào 2/3 thùng, cho vào thùng 500 – 1.000 con, sục khí, vận chuyển đến vùng nuôi.

Xuống giống:

Khi tôm vận chuyển đến lồng nuôi, tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào thùng chứa tôm, sau 30 – 60 phút, tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tiến hành thả tôm ra lồng nuôi.

Mật độ ương nuôi:

Đối với tôm trắng: 90 con/m2. Sau 60 ngày, san thưa tôm với mật độ: 20 – 30 con/m2. Sau 90 ngày, san thưa tôm với mật độ: 15 – 20 con/m2.

Khi san thưa mật độ đồng thời phải phân đều theo cỡ tôm.

Quản lý, chăm sóc

Mỗi ngày cho tôm ăn 1 lần thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn (E.M trộn với trùn) vào buổi sáng. Lượng cho ăn 01 ngày: 15 – 20% trọng lượng đàn tôm (5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi). Thành phần thức ăn: cá tạp, giáp xác (tôm, cua): 100%.

Chế phẩm sinh học E.M

Trộn đều 25 – 50 ml E.M trùn với 1 kg thức ăn cắt nhỏ, để 15 – 20 phút cho thuốc thấm đều vào thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hàng ngày lặn xuống kiểm tra lồng, tình trạng hoạt động, sức khỏe tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để có hướng xử lý kịp thời.

Định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, thông thoáng.

nuôi tôm hùm, nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học, dùng chế phẩm sinh học nuôi tôm, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi

Thu hoạch

Sau 3 tháng ương nuôi, tôm trắng chuyển sang giai đoạn tôm bò cạp, (tôm hùm xanh đạt 50 – 60 g/con, tôm hùm bông đạt 100 – 150 g/con), tổ chức thu hoạch chuyển qua lồng nuôi thương phẩm.

Thực hiện quy trình, khi cho tôm ăn “Thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn” các phản ứng chủ yếu làm sạch môi trường, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm hùm nuôi xảy ra như sau: Phản ứng E.M trùn làm sạch môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Phản ứng phân hủy khí độc NH3 làm sạch môi trường. Như vậy, chế phẩm sinh học E.M trùn vừa làm sạch môi trường, biến chất độc thành chất không độc, có lợi, vừa giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh, quá trình nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm để kịp thời hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi, là rất cần thiết.

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Phòng bệnh tổng hợp

Để quản lý môi trường người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa các nguồn nước thải, nền đáy không bị ô nhiễm, không đặt lồng sát đáy. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng lưu lượng dòng chảy. Định kỳ treo các túi vôi quanh lồng nuôi, nhất là khi xuất hiện bệnh. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi. Về vấn đề kiểm soát tác nhân gây bệnh, người nuôi nên chú ý tránh các xây xát cơ học như vận chuyển, đánh bắt, chuyển lồng… và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Chọn tôm hùm giống chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu trữ tôm giống không quá 48 giờ từ khi khai thác ở biển đến lúc thả ương nuôi. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế lây lan.

Thức ăn tươi được bảo quản tốt, được sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho ăn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ các cá thể yếu, vỏ lột xác và điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp từng thời điểm. Bổ sung Vitamin C liều 5 – 10 g/kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Trị một số bệnh

Bệnh đỏ thân.

Bệnh đỏ thân ở tôm hùm

Nguyên nhân gây bệnh là do nước và đáy khu vực lồng bè bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh kém, gây nhiễm khuẩn Vibrio. Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng, chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Trị bệnh bằng cách tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline 0,5 – 2 g/m3 nước. Tắm trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Hoặc trộn Docyxyline vào thức ăn được bao dầu với lượng 3 – 7 g/kg thức ăn trong 5 – 7 ngày.

Bệnh đen mang.

Tôm hùm bị đen mang

Bệnh do nấm Fusarium gây ra khi lồng nuôi bẩn, môi trường nước bị ô nhiễm. Làm cho mang bị tổn thương chuyển thành màu đen và khi bệnh nặng toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành.

Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 10 – 20 ml/mtrong 5 – 10 phút, trong 2 – 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.

Bệnh trắng râu.

Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tôm con, làm cho tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tôm bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

Trị bệnh bằng việc tắm cho tôm bằng dung dịch Formalin nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Đồng thời, treo các túi vôi giữa các lồng nuôi.

Bệnh đóng rong.

Ðộ trong của nước cao làm khả năng xuyên sâu ánh sáng lớn khiến rong tảo phát triển mạnh.Tôm ít hoạt động, kém ăn chậm lớn, chu kỳ lột xác chậm.

Trị bệnh: bắt những con tôm bệnh tắm bằng formol với nồng độ 100 – 200ppm (1 -2 ml formol/10 lít nước), trong thời gian từ 5 – 10 phút.

bệnh sữa

Tôm hùm bị bệnh sữa

Bệnh sữa ở tôm hùm do vi khuẩn Rickettsia – like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.

Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1ml Oxytetracyline 20% + 9ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1ml thuốc đã pha/100g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2ml Oxytetracyline 20% + 8ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05ml thuốc đã pha/100g tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Ngoài ra, tôm hùm còn có thể mắc một số bệnh khác (bệnh to đầu, bệnh mềm vỏ, bệnh phồng mang, bệnh đóng hàu, sụn…). Bệnh chủ yếu phát sinh do môi trường ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện không cao, tôm chết rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi; nếu biết ngăn ngừa, kiểm soát và thực hiện tốt khâu phòng bệnh tổng hợp thì sẽ tránh được các bệnh này.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi Tôm hùm bông trong bể

Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giá thị trường hiện tại khoảng 1250000đ/kg. Ở nước ta tôm hùm được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Tôm hùm có nhiều hình thức nuôi, phổ biến là nuôi trong lồng và nuôi trong bể.

Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5kg/m2, tỉ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt như bệnh sữa, đỏ thân, hoại tử…

Tôm hùm bông

Kỹ thuật nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi đảm bảo chủ động được nguồn nước biển để nuôi tôm hùm bông phải có độ mặn ổn định quanh năm 30-35‰, nước không bị nhiễm bẩn chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại khác, các chỉ tiêu thủy hóa phù hợp điều kiện sống của tôm hùm bông (độ cứng < 5, pH 7 – 8; NH3  < 0,01 mg/lít; NO2  < 0,05 mg/lít; Fe2+ khoảng 0,1 mg/lít; nhiệt độ < 310C).

Vị trí xây dựng trại nuôi tôm hùm thuận lợi về giao thông, điện, gần vùng có nguồn tôm giống phong phú để dễ khai thác và vận chuyển về cơ sở nuôi. Xây trại nuôi tôm hùm nơi có cấu tạo địa chất ổn định, không bị lún, sạt lở, địa hình bằng phẳng để thuận tiện khi cấp và tiêu nước, bơm nước biển dễ dàng.

Hệ thống bể nuôi

Bể nuôi tôm hùm có diện tích đáy 100 m2. Bể nuôi có dạng hình tròn đường kính 5,7 m, sâu 1,6 m hoặc dạng hình vuông có mỗi cạnh 10 m; mặt đáy nghiêng 5% về phía lỗ thoát nước, ống thoát nước có kích thước 114 mm nằm giữa bể.

Trong hệ thống nuôi tôm hùm thiết kế bể lọc sinh học tuần hoàn và bể ly tâm. Bể lọc sinh học tuần hoàn có 4 ngăn dạng hình chữ nhật, kích thước ngăn thứ nhất: 1,5m x 5 m x 1,6 m; 3 ngăn còn lại có kích thước 1,5 m x 5 m x 0,8 m. Bể ly tâm có đường kính 2 m; cao 1,6 m.

Bể chứa nước đã lọc qua hệ thống lọc sinh học tuần hoàn có thể tích từ 4 đến 30 m3.Bơm trực tiếp nước biển có độ mặn 30 – 35‰ vào bể chứa nước ngoài trời. Xử lý diệt khuẩn mầm bệnh có thể có trong nước biển bằng Chlorine, nồng độ 30 – 40 ppm. Sục khí mạnh liên tục 48 – 72 giờ. Tắt sục khí và kiểm tra nồng độ Cl  dư thừa, dùng thiosunphat để trung hoà Cl  trong trường hợp dư Cl.

Bơm nước đã xử lý vào hệ thống bể nuôi tôm hùm (bể nuôi, bể chứa và bể lọc sinh học) ở trong nhà, mức nước cấp 1,4 m.

Vận hành 2 máy bơm nước được lắp đặt ở bể chứa nước đã qua bể lọc tuần hoàn. Do chênh lệch thế năng, nước tự chảy từ bể nuôi tôm hùm về bể ly tâm để tham gia chu kỳ tuần hoàn nước.

Nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn và thả tôm hùm giống

Chọn mua tôm giống nơi gần nhất với trại nuôi và thả tôm hùm giống có cùng ngày tuổi (cùng giai đoạn phát triển).

Vận chuyển tôm hùm giống từ nơi mua về cở sở nuôi bằng phương pháp vận chuyển hở có sục khí, sử dụng thùng xốp kích thước 0,4 m x 0,4 m x 0,6 m để vận chuyển, mật độ khoảng 500 con/thùng.

Mật độ tôm giống thả nuôi 10 con/m2.

Thức ăn và cách cho ăn

Hiện nay chưa có thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm nên phải dùng thức ăn tự nhiên để nuôi tôm. Để hạn chế chất thải trong bể nuôi, cần sơ chế như sau :

Cá tạp : rửa sạch cá bằng nước mặn rồi cắt cá theo chiều ngang thân, kích thước lát cắt 1 – 2 cm. Làm sạch cá đã cắt bằng nước ngọt nhiều lần; sau đó cấp đông để cho ăn trong nhiều ngày.

Tách vỏ ghẹ, cắt bỏ phần phần mang (cơ quan hô hấp) và phần bụng, cắt ghẹ làm 2 hoặc 4 phần; sau đó rửa sạch ghẹ bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông để cho tôm ăn trong nhiều ngày. Loại bỏ vỏ sò và xoang màng áo; sau đó rửa sạch thịt sò bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông cho tôm hùm ăn.

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm

Đối với tôm hùm còn ở giai đoạn con giống, thức ăn phải được sơ chế bằng cách chỉ lấy phần thịt của cá, ghẹ, sò đem cắt nhỏ; sau đó rửa sạch bằng nước ngọt rồi cấp đông cho tôm hùm giống ăn nhiều lần.

Cho tôm ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn trong 2 tháng đầu từ 20 đến 30% trọng lượng thân. Những tháng nuôi sau giảm còn 15 – 20% trọng lượng thân. Sau khi cho ăn 1 – 2 giờ thì kiểm tra lượng thức ăn thừa, nếu còn thì vớt ra hết.

Quản lý và chăm sóc

Hằng ngày đo các yếu tố môi trường (nhiệt độ nước, pH, O­2 hoà tan, NH3, NO2 và NO3, H2S).

Định kỳ 15 – 30 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 50 – 70% nước cũ và bổ sung nước mới; 60 – 90 ngày thay 100% nước cũ, vệ sinh đáy bể nuôi và bổ sung nước mới.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi qua việc quan sát tôm sử dụng thức ăn, để xử lý kịp thời.

Thời gian nuôi và thu hoạch

Giống như nuôi tôm hùm ngoài biển, thời gian nuôi tôm hùm trong bể 18 – 20 tháng, tôm đạt khối lượng 0,7 – 1,3 kg/con thì thu hoạch; có thể thu những con lớn trước nhỏ sau hoặc thu toàn bộ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ copefloc cho năng suất cao

Copefloc sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn viên công nghiệp.

Công nghệ Copefloc – công nghệ gây nuôi thức ăn tự nhiên

Để gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao, sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics).

Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ.

        Giun nhiều tơ và các loài động vật thân mềm sống đáy trong ao nuôi copefloc

Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm.

Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi. Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi.

     Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi. 

Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Làm giàu từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm

Mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp các hộ dân thoát nghèo và hiện tại đang được nhân rộng ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

                                                sò huyết của bà con nông dân

Hộ anh Nguyễn Quốc Trạng ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) có hơn 1 ha đất vuông tôm. Đầu năm, anh thả hơn 300 kg sò giống (chi phí 27 triệu đồng). Sau 9 tháng nuôi thu được 137 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu.

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò.

Ông Tám “sò” (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

Ông Tám chia sẻ, nhiều năm trước, bà con sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cua nhưng chỉ đủ ăn. Khi mô hình nuôi sò trong vuông tôm hình thành, nhiều hộ phất hẳn lên. Có của ăn của để, còn mua thêm được đất.

“Hồi đó thấy sò huyết sinh sống và phát triển tốt ở các cửa biển rồi vào cả các tuyến kênh nối biển. Nhiều bà con khai thác kiếm thêm thu nhập. Nhưng những con sò nhỏ bán không ai mua, mang về ăn thì phí quá. Một vài hộ thả đại xuống vuông tôm nhà mình, sống chết mặc bay, không ngờ mang lại hiệu quả”, ông Tám “sò” hồi tưởng.

Từ thành công của bà con ở Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau) mô hình nuôi sò tràn sang huyện bạn Đông Hải (Bạc Liêu). Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, bà con vùng này còn có nguồn thu nhập cao hơn cả nơi “đất tổ” của mô hình nuôi sò.

Theo số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, diện tích nuôi sò trong mô hình “Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả ghép sò huyết” của huyện đã tăng lên 578 ha chỉ hơn 100 ha), chủ yếu tập trung ở xã An Phúc, An Trạch A và Long Điền Tây dọc theo tuyến kênh sáng Gành Hào – Hộ Phòng. Ước lợi nhuận bình quân đạt từ 100 – 200 triệu đồng/ha.

Anh Trang Minh Cảnh, ngụ ấp 2, xã An Trạch A (Đông Hải) cho biết: “Sò rất dễ nuôi, không có quá nhiều rắc rối về kỹ thuật. Chỉ cần mua giống về quăng xuống, trông coi. Sau gần 1 năm trên 4 ha thử nghiệm  tôi thu gần 100 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm nuôi sò của bà con xã An Trạch A không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận. Nuôi con sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường.

Đặc biệt cần chú ý vuông tôm nào mà có rong sống dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết, cũng chưa rõ tại sao sò lại kỵ rong đến như vậy. Còn theo sự tích góp kinh nghiệm cả chục năm nay của ông Tám “sò”.

Sò huyết ăn phù sa, vì vậy chúng phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Trên địa bàn xã Đông Thới vùng thích hợp nuôi sò, nhất là các vuông tôm dọc theo tuyến kênh Đông Hưng dài khoảng 9 km.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sử dụng bồn nylon nâng cao năng suất nuôi lươn trên cạn

Kỹ thuật nuôi lươn trên cạn

Người dân tại các huyện ở An Giang, Đồng Tháp đang đổ xô nuôi lươn trên cạn vào mùa nước lũ do mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và cách nuôi không quá phức tạp. Lươn là loài sống dưới bùn, nhưng với mô hình này, người nuôi không cần dùng nước mà lươn vẫn sống tốt, cho hiệu quả kinh tế.

Người dân tận dụng đất trống hai bên đường hoặc xung quanh nhà, đóng cọc xung quanh rồi trải nylon làm ô bao để nuôi. Bể nuôi thông thường có chiều dài khoảng 4m, ngang 2 – 2,5m, cao 1m trở lên. Trong bể, người nuôi bỏ đất bùn và các loại cây như lục bình, thân cây ngô, cây sậy, rơm khô, lá chuối… làm chỗ cho lươn trú ngụ.

Ông Nguyễn Văn Xuẩn, thành viên câu lạc bộ Nông dân ấp Vĩnh Lợi là một trong những nông dân đầu tiên tại xã này nuôi lươn trong bồn nylon. Với lượng lươn giống ban đầu là 400 kg (bình quân 25 – 30 con/kg), sau 7 – 9 tháng nuôi, ông Xuẩn thu hoạch được khoảng 980 kg lươn thịt.

Giá bán bình quân 70.000 – 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi gần 29 triệu đồng. Vào mùa nước nổi các năm sau đó, ông Xuẩn mở rộng diện tích và gần như mùa nào cũng thu lợi hơn 40 triệu đồng từ mô hình nuôi lươn trên cạn.

Sử dụng bồn nylon nâng cao năng suất nuôi lươn trên cạnNuôi lươn trên cạn trong bồn nylon cho nông dân năng suất, thu nhập cao.

Để nuôi lươn trong bồn nylon, nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt. Diện tích xây bồn từ 10 – 30 m2 là thích hợp nhất, chỉ cần mua bạt nylon không thấm nước là có thể xây dựng thành bồn nuôi.

Chiều cao mỗi bồn từ 1 – 1,3 m, bỏ đất ruộng (đang canh tác) vào trong hồ lươn khoảng 1/2 – 2/3 diện tích để cho lươn chui vào đó cư trú. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho lục bình hay trồng rau mác, rau dừa vào trong hồ để tạo bóng râm trong bồn.

Mực nước trong bồn nuôi từ 20 – 30 cm, mực nước sâu quá, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn. Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bồn nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.

Sử dụng bồn nylon nâng cao năng suất nuôi lươn trên cạnLươn nuôi trong bồn nylon phát triển khá đồng đều. 

Chọn con giống: Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện…

Lươn có 3 loại (theo màu sắc). Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 – 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 – 80 con/m2.

Cách cho ăn: Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 – 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn hai lần/ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn.

Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định”: (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 – 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vai trò của chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản

Thủy sản ngày càng phát triển, đi đôi với chúng thì hàng loạt thuốc hóa chất được dùng trong nuôi càng nhiều. Tuy nhiên việc lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh gây không những vật nuôi chậm phát triển mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Và vì thế chế phẩm sinh học ra đời

Chế phẩm sinh học ra đời là bước tiến lớn trong tất cả các ngành nông nghiệp, và thủy sản cũng nằm trong số đó.

Tìm hiểu vai trò của chế phẩm sinh học nhằm giúp người dân hiểu rỏ được công dụng nhằm sử dụng  chúng một cách đúng và đạt hiệu quả một cách tốt nhất.

  • Tăng cường sức khỏe và ngăn chặn mầm bệnh

Chế phẩm sinh học có khả năng sản sinh ra các chất hoá học có tác dụng diệt các vi khuẩn gây bệnh bám trên thành ruột của vật chủ, do vậy có thể coi chế phẩm sinh học là một rào cản hữu hiệu ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh.

Ngoài ra, chế phấm sinh học hay các vi khuẩn có lợi còn có khả năng cạnh tranh vị trí bám vào thức ăn trong thành ruột với các vi sinh vật gây bệnh, không cho phép các vi sinh vật này bám vào cơ thể vật nuôi, nhờ vậy giúp ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho vật nuôi.

  • Cải tiến hệ tiêu hóa

Chế phẩm sinh học là nguồn dinh dưỡng và Enzyme cho bộ máy tiêu hoá của các vật nuôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế phấm sinh học có ảnh hưởng tích cực đến quá trình tiêu hoá của các vật nuôi bởi vì các dòng chế phẩm sinh học sản xuất ra các enzyme ngoại bào như: as protease, amilaza, lipaza,… và cung cấp các dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin…

Trong thủy sản, các vi khuẩn vi sinh như BacteroidesClostridium sp cung cấp dinh dưỡng cho cá, đặc biệt là cung cấp các axit béo và vitamin. Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể tham gia vào quá trình tiêu hoá của động vật hai mảnh vỏ bằng cách sản xuất ra các enzyme ngoại bào như Protease, Amilaza, Lipaza và cung cấp dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin.

  • Cải thiện chất lượng nước

Chế phẩm sinh học xử lí nước thải BiO-EM

Chế phẩm sinh học còn giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong ao nuôi. Các vi sinh vật có lợi giúp phân hủy các chất hữu cơ, góp phần giảm thiểu việc hình thành lớp bùn và chất cặn bã, nhờ vậy chất lượng nước trong ao được cải thiện, làm tăng số động vật phù du, giảm mùi hôi, từ đó tăng sản lượng nuôi trông thủy sản. Hơn nữa, sử dụng chế phẩm sinh họcsẽ  góp phần làm giảm hóa chất, kháng sinh trong phòng và trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nuôi trông thủy sản bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam