Lãi cao nhờ nuôi Cá Ngựa kết hợp Rong Sụn

Những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh gặp nhiều khó khăn do bệnh trên các đối tượng nuôi thường xuyên xảy ra, giá bán thương phẩm bấp bênh, không ổn định… Do đó, nhiều hộ đã có những hướng đi mới bằng việc nuôi kết hợp một số đối tượng trên cùng một diện tích và đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, điển hình như mô hình nuôi kết hợp cá ngựa với trồng rong sụn.

Anh Hoàng chế biến rong sụn khô

Hộ anh Lê Văn Hoàng là một trong những hộ ở phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh đã thực hiện thành công mô hình nói trên. Anh Hoàng cho biết, cá ngựa là loài thích đeo bám, rong sụn tạo giá thể và bóng mát cho cá nên anh quyết định kết hợp hai loại này nuôi với nhau.

Anh thiết kế ô nuôi với chiều ngang khung nuôi 9m, chiều dài 17m; mật độ 1.000 con cá ngựa và kết hợp thả nuôi 500 – 600 kg giống rong sụn; bên trong ô nuôi cá ngựa được bố trí các dây treo để trồng rong sụn.

Theo anh Hoàng, cá ngựa thường nuôi vào tháng 11 (Âm lịch), khoảng 4 – 6 tháng cho thu hoạch, một năm có thể nuôi được 2 vụ. Giá cá ngựa giống từ 8.000 – 10.000 đồng/con, khi đạt kích cỡ thành phẩm trên 14cm, giá bán 100.000 đồng/kg. Đối với rong sụn thường trồng từ tháng 10 (Âm lịch), khi thu hoạch thì thu rong sụn trước sau đó mới thu cá ngựa. Rong sụn tươi thương phẩm bán với giá hiện tại 20.000 đồng/kg, rong sụn khô 60.000 đồng/kg.

Anh Hoàng cho biết, thức ăn cho cá ngựa rất dễ kiếm, thường là cá tạp ngoài tự nhiên, băm nhỏ trước khi cho ăn.

Do hình thức nuôi này chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là tiền mua giống nên anh nuôi có lãi. Hàng năm, anh thu nhập hàng chục triệu đồng và đã xây được căn nhà khang trang.

Ông Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội nông dân Cam Phúc Bắc cho biết, Hội đã đứng ra thành lập tổ liên kết với quy mô trên 7 hộ tham gia, chủ yếu là các hộ dân nuôi trồng theo mô hình kết hợp rong sụn với cá ngựa hoặc rong sụn với sò; mỗi hộ trung bình lãi trên 30 triệu đồng/vụ, riêng hộ anh Hoàng lãi 60 triệu đồng/vụ.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Rong Sụn dễ trồng, đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao

Trước đây, người dân ở một số địa phương ở Ninh Thuận và Khánh Hòa chưa biết đến cây rong sụn. Tuy nhiên, qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn học tập kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức, đến nay đã có hàng chục hộ ăn nên làm ra nhờ trồng rong.

Rong sụn Khánh Hòa

Rong sụn dễ trồng, hiệu quả cao

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Phước Diêm, xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Tri Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) và phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh (Khánh  Hòa) đã mạnh dạn trồng cây rong sụn bởi đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận cao.

Anh Lê Văn Hoàng (phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh) là người khởi đầu cho phong trào trồng rong sụn của địa phương. Anh Hoàng cho biết, trước đây người dân địa phương chưa biết đến giống cây này. Để có kiến thức, anh đã bỏ công đi học tập cách làm rong sụn của một số địa phương khác để về áp dụng trồng ngay tại địa phương.

Anh Hoàng kể: “Gia đình tôi bắt đầu trồng rong sụn từ năm 2001, khi thực hiện thành công, tôi đã hướng dẫn cho các hộ xung quanh trồng theo. Chính loài cây này đã giúp cho hàng chục hộ làm giàu, có thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế”. Anh Hoàng tính toán, 1ha rong sụn bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 80 – 100 tấn sản phẩm tươi, giá bán ngay tại địa phương 3.000 đồng/kg rong tươi, 21.000 – 22.000 đồng/kg rong khô, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Theo anh Hoàng, cây rong sụn sinh trưởng phát triển rất nhanh, cứ 1 tấn giống ban đầu sau 1 tháng trồng nếu đúng kỹ thuật và gặp thời tiết thuận lợi sẽ đạt năng suất 4 tấn rong, tháng tiếp theo sẽ cho 16 tấn. Trong khi đó, rong sụn có thể làm được 2 vụ/năm. Thông thường, bà con bắt đầu thả giống trên biển từ tháng 7- 8 âm lịch, sau hơn 6 tháng chăm sóc đúng quy trình là sẽ đến vụ thu hoạch.

Thành lập tổ hợp tác trồng rong

Anh Hoàng cho biết mình trồng rong sụn theo phương pháp làm dây đơn trên biển, mỗi dây dài từ 10 – 20m, trên dây gắn giống rong để nuôi. Rong sụn sống hoàn toàn ngoài tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí đầu tư, tuy nhiên, theo anh Hoàng, cần kiểm tra thường xuyên giai đoạn phát triển của rong sụn, đồng thời kết hợp làm vệ sinh, thả giống đúng thời điểm, nuôi đúng kỹ thuật thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Nhu cầu của thị trường đối với rong sụn rất cao nên anh Hoàng đã đề xuất chính quyền địa phương giúp đỡ thành lập tổ hợp tác do anh làm tổ trưởng. Theo đó, tổ hợp tác đã chính thức đi vào hoạt động tháng 10.2013, đến nay đã có 21 thành viên tham gia, tổng diện tích trồng rong sụn trên 15ha. Bình quân mỗi thành viên thu lãi từ 90 – 100 triệu đồng/năm từ cây rong sụn. Nhiều hộ còn kết hợp nuôi sò, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba.

Anh Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phú Bắc cho biết, điều kiện ở địa phương rất thuận tiện để phát triển cây rong sụn, Mặt hàng này hiện không lo đầu ra, giá cả ổn định, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi trồng đơn giản nên người dân thu hồi vốn nhanh. Địa phương xác định đây là loại cây xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên người trồng rong sụn cần chú ý đến các yếu tố nhiệt độ, sự lưu thông dòng chảy và độ mặn để chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Rong Sụn làm rau xanh ở đảo Trường Sa

Các nhà nghiên cứu mới đây đã trồng thành công loại rong biển này, khắc phục phần nào tình trạng thiếu rau xanh triền miên của bộ đội trên đảo Trường Sa. Quy trình nuôi trồng rong sụn rất đơn giản, cho năng suất khá.

Rong Sụn được sử dụng làm rau xanh tại Trường Sa

Đây là dự án hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học, phân viện Hải dương học Hải Phòng, phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, ĐH quốc gia Hà Nội cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Rong biển là loại thực vật giàu dinh dưỡng, chứa hàm lượng cao protein, đường, chất khoáng, và nhiều loại vitamin (A, C, E…) cũng như các axit amin cần thiết cho cơ thể. Ở nước ta, rong sụn (tên khoa học là Kappaphycus alvarezii) đã được nuôi trồng tại nhiều địa phương như Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, và đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Rong sụn thích hợp với các vực nước ven bờ, các bãi ngang vùng triều, các đìa đầm nuôi tôm… Quy trình trồng loại cây này rất đơn giản, chỉ cần đóng cọc, buộc dây, rồi treo giống. Trọng lượng ban đầu của búi giống từ 100-150g/bụi, được treo xuống cách mặt nước từ 0,6 đến 0,8 mét (mùa nắng nóng) và từ 0,2 đến 0,4 mét trong mùa mát. Sau hai đến ba tháng là có thể thu hoạch được, trọng lượng bụi trưởng thành từ 14 đến 16 kg.

Nghiên cứu cho thấy, nước biển tại vùng quần đảo Trường Sa rất sạch (hàm lượng tất cả các chất độc hại đều dưới giới hạn cho phép nhiều lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), song lại rất nghèo chất dinh dưỡng (như các ion NO2, NO3, PO4 và NH4) so với nước biển ven bờ. Vì thế, việc nuôi trồng rong sụn ở quanh đảo là rất thuận lợi, tuy rằng phải bổ sung thêm những quy trình mới cho phù hợp với chất lượng nước ở đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết có thể trồng theo kiểu giàn bè nổi ở những vũng sâu, hay kiểu dây đơn trên đáy các bãi ngang kín sóng gió. Kỹ thuật này tuy cho năng suất cao, song do sóng lớn và cá ăn nên không hiệu quả. Vì thế, có thể nuôi trồng trong bể ngay trên đảo, dễ chăm sóc, quản lý và khai thác cho từng bếp ăn nhỏ.

Cây rong sụn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng

Qua 3 năm nuôi trồng thử nghiệm trong 6 bể nuôi bằng composit ở đảo Trường Sa lớn, rong sụn đạt tốc độ tăng trưởng 0,2-0,5%/ngày, thấp hơn so với nuôi trồng ven bờ, chủ yếu do ánh sáng và nhiệt độ trong bể cao. Để khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu đã tạo nên lớp cách nhiệt xung quanh bể (xếp đá san hô hoặc chèn xốp) và che bớt ánh sáng.

Nghiên cứu về rong sụn hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả nuôi trồng tại quần đảo Trường Sa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kinh nghiệm trồng Rong Sụn ở Khánh Hòa

Rong sun (Kappaphicus alvarezii) là nguyên liệu chủ yếu để chế biến Carrageenan – chế phẩm được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm. Đặc biệt, rong sụn có tính ưu việt về hàm lượng các nguyên tố vi lượng hữu ích như: Mg, Cu, Fe, Mn,… là một loại Polysacharide có tính nhũ hóa cao, có thể giải độc, chữa các bệnh mãn tính, làm nguyên liệu keo…

Rong nho – Món quà thiên nhiên ban tặng cho con người

Hiện nhiều nước trong khu vực như: Philippines, Indonesia, Tanzania… đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất loài rong này. Rong sụn là loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc từ Philippines. Tháng 2-1993, Phân Viện Khoa học vật liệu Nha Trang đã nhập từ Nhật Bản về Việt Nam thông qua chương trình hợp tác khoa học Việt Nam – Nhật Bản. Đến nay, rong sụn đã không ngừng phát triển và lan rộng ra một số tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Một số kinh nghiệm trồng rong nho tại Khánh Hòa xin được chia sẻ cho bà con:

1. Vận chuyển rong giống

Dùng sọt tre hay bao để đựng rong giống (không nên nén chặt rong với nhau). Nếu vận chuyển lượng lớn, phải đi xa nên dùng xe tải có máy lạnh, nhớ định giờ để tưới nước biển giữ độ ẩm cho rong.

2. Mùa vụ trồng rong sụn (Áp dụng cho các tỉnh Trung và Nam Trung bộ)

Mùa chính: Thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn ở các tỉnh Nam bộ thường từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau.

Mùa phụ: Từ tháng 4 đến tháng 6

3. Thời gian trồng và cách sơ chế

Kể từ ngày ra giống, với trọng lượng giống ban đầu 80 – 100g/bụi, đến trọng lượng đạt từ 1kg trở lên và thu hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trồng rong sụn ở các vùng nước cạn, dòng chảy và sự lưu chuyển của nước yếu, vào mùa nhiệt độ cao… thì sau 2 – 2,5 tháng mới cho thu hoạch. Nếu ở những vùng nước sâu, biển hở, sóng gió và sự lưu chuyển của nước tốt có thể sau 45 – 50 ngày là thu hoạch được.

Cách sơ chế: Phơi vài ngày nắng (tùy thuộc vào mức độ) cho đến khi rong khô và xuất hiện lớp muối trắng trên bề mặt rong là được. Gỡ bỏ rác, dây buộc còn sót, giũ sạch cát muối rồi cho vào bao, cất giữ nơi thoáng mát, tránh ẩm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu.

4. Bệnh rong và biện pháp phòng ngừa

– Bệnh trắng lũn thân là một bệnh chủ yếu và phổ biến nhất đối với rong sụn, nó gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau về sản lượng cũng như chất lượng…

– Trồng rong ở những vùng có dòng nước chảy, không kín sóng gió, xa nguồn nước ngọt, tránh vùng nước quá cạn và quá kín sóng gió. Sự lưu chuyển tốt của nước luôn là nhân tố quan trọng nhất trong nghề trồng rong sụn.

– Các giàn trồng rong cần có kích thước nhỏ đến vừa, mỗi giàn chỉ nên có kích thước tối đa 2000 – 3000m2 để dễ dàng trong việc điều chỉnh độ sâu của giàn cũng như thuận lợi cho việc xử lý khi bệnh rong xuất hiện.

5. Biện pháp xử lý bệnh xảy ra

Bệnh xuất hiện phát triển nhanh và lây lan. Khi rong bệnh cần phải xử lý bằng cách:

– Thu và cắt bỏ các phần bị bệnh rồi buộc giống trở lại.

– Hạ giàn rong xuống sâu 0,6 – 0,8m cách mặt nước.

– Di chuyển giàn trồng đến vùng dòng nước chảy tốt, thường xuyên có gió và sóng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Rong Sụn

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii Dotty) là loài rong biển nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Rong sụn có giá trị kinh tế cao

Chọn vùng nuôi

Rong sụn có thể trồng ở thủy vực, mặt nước ven biển và ở đảo chìm có độ sâu 0,5 – 10 m. Có thể trồng quanh năm hoặc theo mùa, tùy điều kiện từng vùng.
Vùng nuôi rong sụn cần đảm bảo một số yêu cầu: Nước biển có độ mặn từ 28 – 32‰, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước ngọt; Vùng nước yên tĩnh, ít chịu ảnh hưởng của sóng gió; Nước luôn được luân chuyển, với lưu tốc vừa phải, 20 – 40 m/phút.

Đối với các vùng bãi ngang cạn vùng triều, khi thủy triều xuống thấp nhất, mực nước phải còn lại ít nhất 0,5 m để đảm bảo rong không bị phơi ra ngoài không khí và biên độ thủy triều không > 2 m. Chất đáy thích hợp để trồng rong sụn tốt nhất là cát thô, san hô vụn. (Nền đáy là cát bùn hay bùn cát thì không thích hợp).

Giống và thời vụ

Để làm rong giống cần chọn đoạn rong bánh tẻ (không già không non), có nhiều nhánh nhỏ, trơn mướt, khỏe mạnh, mỗi đoạn dài 20 – 30 cm. Trọng lượng giống ban đầu bình quân 80 – 100 g/bụi, dùng dao sắc (không dùng tay bẻ) để cắt.

Rong giống sau khi cắt xong cần che đậy, tránh nắng gió trực tiếp, tránh nước ngọt ảnh hưởng. Không nên nén chặt rong với nhau. Cần đảm bảo cho rong luôn ẩm trong quá trình vận chuyển bằng cách tưới nước biển lên rong để giữ độ ẩm.

Mùa vụ

Căn cứ vào các yếu tố tự nhiên có thể nuôi rong sụn theo 2 mùa:

Mùa chính: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Thời điểm này nhiệt độ nước trung bình thường ổn định (< 300C), rong lớn nhanh và ít bị bệnh.

Mùa phụ: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ thường từ tháng 4 đến tháng 9; các tỉnh Nam bộ từ tháng 4 đến tháng 6. Các tháng mùa nắng – nóng của khu vực, nhiệt độ nước và không khí thường rất cao nên rong sụn phát triển chậm, dễ bị bệnh, năng suất thấp hơn. Vì vậy, cần phải chú ý đến kỹ thuật, quy mô diện tích, mật độ… để trồng rong hiệu quả nhất.

Hình thức nuôi trồng rong sụn

Dàn căng trên đáy

Hình thức này áp dụng cho việc trồng rong sụn ở các vùng bãi ngang vùng triều, ven các đầm phá, vũng vịnh, ven biển, ven đảo khi nước triều rút thấp nhất, mực nước còn khoảng  0,5 – 1,2 m.

Yêu cầu: Diện tích của một giàn tốt nhất có chiều ngang 20 – 25 m, chiều dài 50 – 100 m, tương đương diện tích 1.000 – 2.500 m2. Các giàn đặt cách nhau theo vị trí (phải, trái, trên, dưới) ít nhất 1 – 2 m, để đảm bảo nước lưu thông cho rong phát triển. Khoảng cách giữa các bụi rong giống ít nhất 20 cm, giữa các dây rong giống là 35 – 40 cm. Các dây rong giống đặt song song hướng gió.

Để hạn chế cá tạp ăn rong có thể dùng lưới (mắt lưới 1 – 1,5 cm) bao quanh giàn. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới để nước lưu thông tốt hơn.

Trồng rong sụn trong lồng lưới (mỗi lồng cao 1 m, đường kính 50 cm, cách nhau 1 m và đặt trồng cách bờ 20 – 30 m) có tác dụng ngăn cá vào ăn rong, đồng thời người trồng dễ kiểm tra, vệ sinh lồng lưới hằng ngày.

Trồng rong sụn luân canh trong ao nuôi tôm sú ven biển

Hình thức này áp dụng trong thời gian nghỉ của ao tôm (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau).

Yêu cầu: Chọn ao tôm có thể thay nước theo thủy triều (ít nhất 15 – 20 ngày/tháng), đáy ít bùn. Giàn trồng rong được làm bằng cách đóng cọc căng dây trên đáy hoặc giàn trên đáy có phao. Diện tích giàn thường chiếm 60% tổng diện tích mặt nước ao, đầm. Rong được đặt cách đáy 30 – 40 cm tùy khả năng mức nước lấy vào và giữ trong ao cao hay thấp hoặc dây rong được giữ bằng phao cách mặt nước khoảng 30 cm.

Hằng ngày thay nước trong thời kỳ triều cường. Khi thủy triều xuống thấp, hạn chế thay nước mà chỉ tiến hành giũ dây rong để tránh bị huyền phù bám vào.

Chăm sóc và phòng bệnh

Địch hại lớn nhất của rong là cá. Có thể hạn chế việc cá ăn rong bằng cách: đặt gần mặt nước; mật độ rong trồng không quá thưa; thường xuyên dùng lưới đánh cá quanh giàn trồng; chăm sóc rong thường xuyên trong giàn trồng; trồng với diện rộng và phổ biến.

Bệnh phổ biến nhất ở rong sụn là bệnh trắng nhũn thân. Nếu thấy thân rong, chỗ buộc bụi rong vào dây, chỗ bị cá ăn xuất hiện một số vùng bị mất màu (sắc tố) và trở nên trắng, mềm nhũn, cây rong bị đứt gãy, nghĩa là rong bị bệnh trắng nhũn thân. Bệnh này lây lan nhanh. Cách phòng ngừa hiệu quả là tuân thủ đúng kỹ thuật và mùa vụ trong khi trồng rong. Khi rong bị bệnh cần thu, cắt bỏ phần bị bệnh và buộc giống trở lại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các mô hình kỹ thuật trồng Rong Sụn

Rong sụn là loại rong biển có giá trị cao, thường được làm nguyên liệu chế biến Carrageenan dùng trong công nghiệp thực phẩm, y tế và nhiều ngành khác. Carrageenan là mặt hàng xuất khẩu quý, được nhiều thị trường ưa chuộng. Vì vậy, ngoài việc khai thác tự nhiên, rong sụn cần được phát triển trồng ở các thuỷ vực ven biển.

Rong sụn

Rong sụn phù hợp đặc biệt với môi trường ven biển miền Trung và Nam nước ta, chúng có thể trồng được ở các bãi ngang nông, ở các vùng triều cạn, vùng nước sâu ven các đầm phá (lagoon), ven biển và ven các đảo.

1. Mô hình trồng rong sụn ở vùng nước cạn (từ 0,6m đến 1,5m khi thuỷ triều thấp)

– Diện tích của một đơn vị dàn trồng từ 1.000m2 – đến 2.500m2, có chiều ngang khoảng 20 – 25m, chiều dài từ 50 – 100m. Diện tích này vừa tiết kiệm được vật tư vừa thích hợp cho việc chăm sóc cũng như xử lý khi có những hiện tượng nguy hại cho rong (dịch bệnh ).

– Các dàn rong đặt cách nhau (phải, trái, trên, dưới) ít nhất 2 – 5 m, để đảm bảo nước có thể lưu chuyển đều vào các dàn.

– Trọng lượng giống ban đầu bình quân 80g/bụi.

– Khoảng cách buột giữa các bụi rong giống bình quân 20 cm, giữa các dây rong 35 – 40cm.

– Các dây rong đặt song song với hướng sóng gió.

– Trong mô hình dàn căng, trên đáy có phao dây rong nên đặt gần mặt nước (khoảng 20 – 30cm) để tận dụng sự dao động của sóng bề mặt, đồng thời tránh nhiệt độ cao do nền đáy hấp thu nhiệt.

– Ðể hạn chế cá ăn rong có thể dùng lưới (mắt lưới 1 – 1,5cm) bao chung quanh dàn, nên thường xuyên giũ lưới để các chất huyền phù bám làm bịt kín lỗ lưới.

– Thời gian trồng : bình quân 60 ngày.

2. Mô hình trồng rong sụn ở vùng nước sâu (2-3m trở lên)

Các vùng nước sâu (từ 2m nước trở lên) ở trong các đầm phá lớn, ven biển hở và các đảo nhiều sóng gió thích hợp với mô hình này.

Kỹ thuật trồng cũng tương tự như trên nhưng phải làm dàn phao để rong bám vào. Có hai loại dàn phao là diện tích 1.000m2 và 2.500m2. Cách làm dàn phao như sau :

– Dây làm khung chính f = 12mm, dây ngang có phao nhỏ (dây đỡ) f = 3 – 4mm.

– Chiều ngang dàn 20 – 25m, chiều dài của dàn có thể dài ngắn tuỳ vào điều kiện vùng trồng bình quân 50 – 100m, diện tích thích hợp từ 1.000 – 3.000m2/dàn.

– Dùng neo hay cọc gỗ, cọc sắt, đá, bao cát để giữ dàn.

– Giữ dàn cách mặt nước 20 – 30cm (trong mùa mát hoặc trong mùa nóng nơi nước luân chuyển tốt, có gió, sóng), 60 – 80 cm (trong mùa nắng nóng, khi nước luân chuyển không tốt hoặc ít gió sóng).

– Khoảng cách giữa các buột giống bình quân 20cm, khoảng cách giữa các dây giống 25 – 30cm (vào mùa mát), 35 – 40 cm (vào mùa nóng).

– Thời gian trồng đến khi thu hoạch (kể từ ngày ra giống): bình quân 45 – 50 ngày.

Dàn trồng rong luân canh với nuôi tôm sú

3. Mô hình trồng rong sụn luân canh trong ao đầm nuôi tôm sú ven biển

Có thể trồng rong sụn luân canh trong ao đìa nuôi tôm sú ven biển trong thời gian nghỉ nuôi tôm (thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Một số kỹ thuật cơ bản như sau :

– Chọn các ao có thể thay nước (bằng nước thuỷ triều) ít nhất 15 – 20 ngày/tháng, đáy ao ít bùn.

– Dàn trồng được làm theo kiểu dàn căng trên đáy hoặc dàn trên đáy có phao, diện tích các dàn thực trồng chiếm 60% tổng diện tích mặt nước của ao, đìa.

– Mật độ giống bình quân 5 tấn rong/ha (khoảng cách các bụi rong giống 30cm, khoảng cách các dây rong 40cm).

– Rong đặt cách đáy 30 – 40cm tùy vào khả năng mức nước lấy vào và giữ trong ao cao hay thấp hoặc dây rong được giữ cách mặt nước 30cm bằng hệ thống phao.

– Thay nước hằng ngày trong thời kỳ nước triều cường.

– Có thể trồng 2 vụ (mỗi vụ 2,5 tháng).

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Rong Sụn chi phí thấp, ít tốn công và lãi cao

Những năm gần đây, cây rong sụn được trồng nhiều tại một số xã thuộc huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Đây là cây trồng cho năng suất cao, dao động từ 40 – 50 tấn tươi/ha, giá bán từ 20.000 – 23.000 đồng/kg loại tươi, bình quân mỗi ha cho lãi từ 40 – 70 triệu đồng.

Rong sụn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Thuận Nam, Ninh Thuận

Ninh Thuận là địa phương có nhiều vùng biển rất phù hợp với nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó cây rong sụn là một điển hình. Theo các ngư dân, trồng cây rong sụn chi phí đầu tư thấp, ít tốn công, ít dịch bệnh, phát triển nhanh và hiệu quả kinh tế cao. Ngư dân xem cây rong sụn là cây xóa nghèo và thường trồng trong lòng lưới, lòng bè phao nổi hoặc trong ao nuôi tôm.

Ông Nguyễn Hải – Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam cho biết, tại địa phương đã phát triển được 32 hộ trồng rong sụn, năng suất bình quân 50 tấn/ha, trừ chi phí lãi gần 50 triệu đồng/ha. Mỗi năm rong sụn trồng 1 vụ, bắt đầu từ tháng 9,10 dương lịch đến khoảng tháng 2,3 sẽ cho thu hoạch. Đầu ra của cây rong sụn rất ổn định.

Người dân đang thu hoạch rong sụn

Cũng theo ông Hải, hàng năm xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, phổ biến kỹ thuật trồng rong sụn, quy trình thu hoạch, kỹ thuật sơ chế cho các ngư dân. Ngoài ra còn hỗ trợ cho các ngư dân vay vốn để phát triển mô hình.

Nghề trồng rong sụn đã giải quyết khá tốt công ăn việc làm cho hàng trăm lao động vùng nông thôn.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi Rùa sinh trưởng thương phẩm

Trong giai đoạn sinh trưởng thương phẩm ta có thể nuôi rùa trong chậu nhựa hoặc tận dụng các bể nước có kích thước phù hợp.Đáy bể có thể lót một lượt cát thích hợp giúp rùa mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Rùa nuôi thương phẩm

Nguồn: Nongnghiepvui.com

Rùa nuôi thương phẩm chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1:

Từ lúc mới nở tới 5 tháng tuổi nuôi rùa ra chậu đường kính 60cm , mực nước 2-3cm , mật độ 30-40con/1chậu.Rùa mới nở 3 ngày đầu không cần ăn nhưng vẫn phát triển bình thường vì vẫn còn chất dinh dưỡng trong cơ thể đến ngày thứ 4 bắt đầu cho rùa ăn.

Thức ăn là tôm cá say nhỏ ngày cho ăn 1 lần thức ăn tăng theo độ lớn của rùa.cho rùa ăn xong khoảng 30 phút thay nước vệ sinh sạch sẽ chậu nuôi để rùa con không bị nhớt rêu … Nếu bị bám rêu rùa sẽ chậm phát triển . Trong giai đoạn này rùa con cũng ngủ đông, để rùa nên cát ẩm rồi phủ rơm 7 ngày cho ăn uống một lần xong lại ủ rơm tránh rét ( Chú ý che đậy rùa con cẩn thận vì rùa con hay bị chuột ăn ).

Giai đoan 2:

Từ 5 tháng tới 1 năm tuổi,trọng lượng của rùa đạt 50-200g. chuyển từ chậu sang bể nuôi , kích thước bể nuôI 1-1,5m2 chiều cao từ 50-60cm, lớp cát đáy bể dày 5cm mật độ 100c/1 bể thức ăn tôm cá nhỏ…Ngày cho ăn 1 lần, vệ sinh bể nuôi trước và sau khi cho ăn.

Giai đoạn 3:

Rùa từ 1-3 năm tuổi trọng lượng đạt từ 200g-500g bể nuôi rùa 4-6m2, mực nước 5-10cm, mật độ 15-20 con /m2,thức ăn tôm ,cá, ốc ngày cho ăn 1 lần , khối lượng thức ăn từ 5-7% trọng lượng cơ thể ngày thay nươc 2 lần trước và sau khi ăn.

Khi rùa 3-4 năm tuổi trọng lượng từ 500g-1000g thức ăn và chế độ chăm sóc như trên, mật độ 10-15 con /1m2.Rùa 4-5 năm tuổi trọng lượng 1-1,3kg đủ tiêu chuẩn xuất thương phẩm hoặc làm rùa sinh sản.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Một số kinh nghiệm nuôi Rùa sinh sản

Rùa là động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, vì thế việc nuôi để bảo tồn và nhân giống rùa là việc làm cần thiết.

Rùa cần được bảo tồn và nhân giống

 

Chủ trang trại Ba Huệ, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Huệ hiện ở ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM, chuyên sản xuất giống rùa cung cấp cho các công viên, khu du lịch, thảo cầm viên, để nuôi làm cảnh.

Anh Nguyễn Văn Huệ kể: Trước đây gia đình chủ yếu làm nông nghiệp ở khu vực thường có nước triều cường, nước bị nhiễm phèn, lúa kém năng suất. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, quanh năm túng thiếu. Năm 1997 tôi mạnh dạn xây dựng trang trại, chuyển qua chăn nuôi, thời gian đầu cũng nuôi heo, nuôi gà. Năm 1999 tôi được cử đi tập huấn lớp nuôi và chăm sóc động vật hoang dã tại công viên Đầm Sen TPHCM. Cũng chính năm ấy hạt kiểm lâm nhờ tôi nuôi cho một số rùa thanh lý. Nhận một mớ rùa từ tay kiểm lâm mà lòng cứ lo canh cánh, không biết mình có nuôi nổi không?

Lúc đầu do thiếu kiến thức, chưa có kỹ thuật, chưa biết cho rùa ăn cho nên rùa chậm lớn, đặc biệt rùa không đẻ. Để giải bài toán này anh Huệ đã phải mày mò tìm hiểu thông tin trên sách báo, tham quan trại nuôi ba ba để tìm ra điểm tương đồng, áp dụng về để nuôi rùa của mình. Nhờ chịu khó cần cù, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, từ 20 con rùa giống ban đầu tới nay đã có cả ngàn con rùa bố mẹ, ấp nở hàng vạn rùa con cung cấp cho thị trường.

Anh Huệ cho hay: Nuôi rùa cũng rất đơn giản, còn dễ hơn cả nuôi ba ba, tỷ lệ con sống cao, ít hao hụt. Trước tiên cần phân biệt rùa đực và rùa cái: rùa đực khấu đuôi to hơn, phần bụng lõm vào; rùa cái khấu đuôi nhỏ hơn, phần bụng phẳng.

Anh chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Chọn giống bố mẹ

Nên mua giống ở những trại có uy tín, chọn những con to khoẻ, đồng đều, không bị bệnh, không bị dị tật…, tỷ lệ 1 đực, 5 cái.

Thức ăn

Rất phong phú, có thể tận dụng phế phẩm ở các chợ như: rau cải bắp dập nát, khoai lang, bí đỏ, đầu ruột cá, thậm chí tận dụng thức ăn thừa của con nhím…

Chuẩn bị ao

Thiết kế ao 2/3 nước,1/3 cạn, ở giữa trồng cây tạo bóng mát. Làm máng đổ cát vào để cho rùa đẻ, giống ao nuôi ba ba. Ao rộng 200m2 trở lên, tháo cạn nước, phơi đáy ao cho bùn thật khô (đứng không lún), đổ đất cát pha xuống dày khoảng 30-40cm. Xung quanh bờ xây gạch, ở trên rào lưới B40.

Tháo nước vào ngâm 2-3 ngày sau là thả rùa con xuống. Mực nước luôn để ở mức 1- 1,2m.

Chăm sóc

Rùa là loài động vật tiêu tốn thức ăn rất ít, có thể hai ngày cho ăn một lần. Rau lấy ở chợ về vứt xuống rùa ăn hết, nếu cho ăn thêm cá biển cần xay nhỏ.

Phòng trị bệnh

Rùa có sức chống chịu tốt hầu như không có bệnh. Tuy nhiên cần tháo nước ra vào thường xuyên, không nên để nước quá bẩn, rùa dễ bị bệnh ghẻ.

Mùa sinh sản

Rùa thường bắt đầu đẻ trứng từ tháng 2 (âm lịch) tới tháng 7. Tối rùa bò lên các máng cát để đẻ, sáng hôm sau ta nhặt trứng, mang ấp.

Cách ấp trứng

Xây phòng ấp trứng, diện tích tuỳ theo số lượng trứng. Có thể rộng 1,2m, dài 2m, xung quanh xây kín, ở trong đóng kệ để gác những khay cát và thắp bóng điện, nhiệt độ thích hợp để cho rùa nở 32 – 33 độ. Ở đáy tráng xi măng và đổ nước vào, mực nước sâu khoảng 5-10cm để khi rùa nở, rùa xuống nước ngay, không bị chết khô. Thứ tự cho cát vào khay dày khoảng 3cm, xếp trứng vào (phôi trứng hướng lên trên), phủ một lớp cát dày 2cm. Ngày tưới phun sương 1 lần để giữ độ ẩm. Thời gian ấp 60 ngày, rùa cắn vỏ và bò ra ngoài.

Chăm sóc rùa mới nở

Khi rùa mới nở ta cho vào bể kính, ương thêm 2 tháng, thời gian này cho rùa ăn trùn chỉ, hoặc con bo bo, rùa cứng cáp mới đưa ra ao nuôi.

Qua việc nuôi và sản xuất giống rùa, trang trại của anh Nguyễn Văn Huệ đã cung cấp rất nhiều con giống cho thị trường. Ngoài ra anh còn sản xuất, tư vấn kỹ thuật nuôi, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ nông dân nuôi kỳ đà, nhím, ba ba, don, trăn… chỉ tính riêng nhím hiện trang trại có 200 con vừa nhím bố mẹ và nhím con, giá bán nhím con 9 triệu đồng/cặp và nhím bố mẹ giá 20 triệu/cặp (đang có bầu); kỳ đà có 100 con bố mẹ, 50 con kỳ đà con, giá bán thịt khoảng 300.000đ/kg.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thu hàng trăm triệu nhờ nuôi Rùa giống

Nuôi rùa giống đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân Cà Mau.

Người dân thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi rùa giống

Mô hình nuôi rùa giống của gia đình ông Trần Việt Bắc, ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nhiều năm qua được người dân địa phương biết đến, không chỉ bởi tính độc đáo mà vì hiệu quả kinh tế cao. Đây có thể coi là hướng đi mới giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu.

Ông Bắc tâm sự, khoảng năm 2012, qua thông tin trên mạng nhận thấy đây là mô hình hiệu quả và biết xuất phát từ tỉnh An Giang nên đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm.

Khởi điểm, ông Bắc chỉ nuôi 40 con rùa giống, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay, trại rùa của ông đã nuôi trên 200 con rùa giống với 6 loại khác nhau như: rùa đất lớn, rùa răng, rùa cá sấu, rùa nắp, càng đước (rùa răng)…

Nói về kỹ thuật nuôi, ông Bắc chia sẻ, nuôi rùa nặng nhất chủ yếu ở vốn đầu tư mua con giống còn kỹ thuật chăm sóc thì khá đơn giản.

Thức ăn của rùa phần lớn là rau cải, hoa màu có sẵn của địa phương; trong đó, chủ yếu là rau muống. Chuồng trại xây dựng cần thiết phải đảm bảo được lượng ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm…

Bên cạnh đó, hồ dành cho rùa phải sâu khoảng 60cm; trong khi nuôi cần chú ý đến việc thay nước trong hồ, không để nước quá bẩn.

Sau khi rùa đẻ trứng, người nuôi phải lấy trứng rùa về một tổ khác đã chuẩn bị sẵn trước đó để tiến hành ấp trứng. Theo đó, cần chú ý đến nhiệt độ của tổ ở mức 27 độ C, trung bình sau hơn 4 tháng thì trứng nở. Tổ ấp trứng được làm từ hỗn hợp cát, đất, trấu để cho rùa con sau khi nở có thể chui lên được dễ dàng.

Theo đánh giá của ông Bắc, hiện đầu ra của rùa khá thuận lợi và thường được bán cho các thương lái ở ngoài tỉnh. Mỗi con rùa giống bán với giá từ 500.000 – khoảng 1,2 triệu đồng, tùy theo loại rùa.

Ngoài ra, gia đình ông Bắc kết hợp nuôi nhiều vật nuôi khác…Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập không dưới 400 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Thị Kỷ Trương Văn Mẫn đánh giá, mô hình nuôi rùa giống của gia đình ông Bắc mang lại hiệu quả tích cực.

Đây được xem là hướng đi mới giúp nông dân trong xã có thêm thu nhập, vươn lên khá giả. Ngoài ra, Hội Nông dân có kế hoạch nhân rộng mô hình đến các hội viên khác trong xã.

Nguồn: baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.