Thức ăn thủy sản không có cá: Hướng phát triển cho nuôi trồng thủy sản bền vững

Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào bột cá và dầu cá trong sản xuất thức ăn thủy sản làm cho nguồn cung ngày càng trở nên khan hiếm. Giá bột cá trên thị trường liên tục tăng trong thời gian qua làm cho giá cho thức ăn thủy sản tăng cao.

Chi phí thức ăn chiếm khoảng 60-70% chi phí của vụ nuôi. Do đó, giảm chi phí thức ăn đóng vai trò quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm tìm nguồn thay thế bột cá và dầu cá trong chế biến thức ăn thủy sản. Các biện pháp được đề xuất hướng đến việc sản xuất thức ăn không chứa cá trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc

Biofloc là các hạt lớn (macroaggregrates) bao gồm các loài tảo khuê, tảo có kích thước lớn, những hạt phân, khung xương của sinh vật (như vỏ giáp xác), xác chết của các vi sinh vật trong ao nuôi. Hàm lượng protein trong các hạt này rất cao so với hàm lượng protein trong thức ăn. Mật độ vi sinh vật có lợi trong các hạt floc đã được chứng minh có khả năng tăng cường hoạt động của các enzyme tiêu hóa, qua đó kích thích sự tăng trưởng của tôm nuôi. Việc kiểm soát các hạt này phải được đảm bảo trong suốt quá trình nuôi nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi trong nuôi tôm siêu thâm canh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.

Hạn chế của công nghệ biofloc là đòi hỏi người nuôi phải hiểu rõ kỹ thuật nuôi, cùng với việc lắp đặt hệ thống sục khí phải đảm bảo cho việc tạo và duy trì các hạt biofloc. Công nghệ nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao do việc giảm được một phần đáng kể chi phí thức ăn. Tuy nhiên, nuôi tôm với công nghệ biofloc đòi hỏi nguồn năng lượng cao. Do đó, khả năng nhân rộng mô hình này đòi hỏi đầu tư chi phí cao cùng với nguồn năng lượng phải đảm bảo trong suốt quá trình nuôi.

Nuôi tôm với công nghệ Copefloc

Công nghệ nuôi tôm này được phát triển ở Thái Lan, công nghệ copefloc được phát triển dựa trên công nghệ biofloc. Copefloc sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn là các hạt biofloc và thức ăn tự nhiên bao gồm: copepod, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ.

Trong mô hình nuôi này dung dịch lên men từ cám gạo/cám đậu nành và probiotics được định kỳ bổ sung vào ao nuôi, qua đó kích thích sự phát triển của thức ăn tự nhiên. Đây là một trong số các mô hình nuôi có nhiều triển vọng trong tương lai. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc và hóa chất. Qua đó, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được đảm bảo. Hạn chế của mô hình nuôi này là chỉ nuôi được với mật độ thấp.

Thử nghiệm sản xuất thức ăn không chứa cá (challenge F3, fish-free-feed)

Một cuộc thi có tên “Challenge F3” (fish-free-feed) đang được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, và Nam Phi. Giải thưởng lên đến 200.000 đô la Mỹ, đội chiến thắng là đội đầu tiên bán được 100.000 tấn cá nuôi sử dụng thức ăn không chứa cá, hay là đội bán nhiều nhất tính đến thời điểm kết thúc cuộc thi vào tháng 9/2017. Qua đó, nhằm kêu gọi các cá nhân tổ chức đưa ra các công thức thức ăn khác nhau với tiêu chí không chứa bột cá và dầu cá. Các ý tưởng đưa ra trong đó bao gồm sử dụng tảo làm thức ăn, tảo với hàm lượng omega-3 và DHA cao nên có khả năng thay thế dầu cá. Bên cạnh đó nguồn đạm từ côn trùng cũng được dự đoán có thể thay thế nguồn đạm từ cá trong tương lai. Mục đích cuộc thi nhằm hướng đến các ý tưởng mang đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Kết quả của cuộc thi sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành nuôi trồng thủy sản trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Aquanetviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thay thế dầu cá bằng nguyên liệu thực vật

Nguồn cung bột cá, dầu cá hạn chế khiến ngành thủy sản nuôi bị chững lại nhưng thúc đẩy ngành khoa học thủy sản tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Bằng công nghệ hiện đại, hãng dinh dưỡng Alltech đã tìm nguyên liệu thức ăn tối ưu 100% nguồn gốc thực vật để thay thế dầu cá.

Alltech – hãng sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ lên men và sản xuất nấm men, tảo, lên men giá thể rắn đã tìm ra được nguồn nguyên liệu thức ăn 100% nguồn gốc thực vật để nuôi thủy sản mà không cần phải bổ sung bất cứ thành phần sản phẩm phụ từ động vật hoặc chất béo động vật trên cạn hay dưới nước. Bằng công nghệ đùn, Alltech đã tạo ra nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cao và premix (canxi bổ sung khoáng và vitamin) như Aquate, ForPlus và tảo DHA.

Tăng lợi nhuận từ nguồn dinh dưỡng tối ưu

Công nghệ đùn chính là bước quan trọng nhất mang lại thành công cho quy trình sản xuất thức ăn 100% nguồn gốc thực vật; đặc biệt có ý nghĩa khi mô hình nuôi thủy sản tái tuần hoàn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lợi ích của công nghệ đùn là cải thiện tính ổn định của nguồn nước được cung cấp; quá trình tinh bột hồ hóa cao hơn; cải thiện hấp thu dinh dưỡng; tăng năng lượng; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; có khả năng tạo ra thức ăn chìm, nổi hoặc chìm chậm.

Aquate

Công nghệ Aquate được sử dụng thành công trong ngành nuôi trồng thủy sản từ thập kỷ trước và ngày nay nó vẫn duy trì được lớp cân bằng bảo vệ giữa đối tượng nuôi, dinh dưỡng và môi trường. Công nghệ Aquate có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi và tạo ra màng chắn bảo vệ dạ dày và ruột của vật nuôi. Aquate củng cố chức năng của hệ tiêu hóa; từ đó, mang lại sự phát triển trong chăn nuôi và cuối cùng là nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.

Phương pháp dị dưỡng

Cơ sở sản xuất tảo của Alltech tại Winchester, Kentucky là một trong những cơ sở sản xuất vi tảo dị dưỡng lớn nhất thế giới. Bản chất của phương pháp này là giảm nhiễm bẩn, đồng thời cho phép nhà sản xuất giám sát tốt hơn các quy trình chế biến và tối đa hóa hàm lượng dinh dưỡng. Kết quả cuối cùng là tạo ra nguồn DHA giàu dinh dưỡng, tinh khiết và ổn định. Loại vi tảo giàu DHA này là nguồn thức ăn thiên nhiên dành cho cá hồi non và thay thế được dầu cá trong chế độ ăn hiện nay. Nhờ sản xuất theo công nghệ dị dưỡng, năng suất của tảo đã được tăng lên đáng kể, cùng đó, giúp nhà sản xuất nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm và môi trường.

ForPlus

Đây là một sản phẩm chất lượng cao có khả năng thay thế dầu cá do chứa hàm lượng DHA rất cao, an toàn và bền vững. Sản phẩm đã được dùng thử nghiệm trên cá hồi Atlantic từ giai đoạn cá bột đến khi phát triển thành cá giống và giai đoạn tăng trưởng trên 1,2 kg theo chế độ ăn 15% vi tảo. Đáng chú ý là chế độ ăn 15% vi tảo không chứa dầu cá. Vi tảo được chứng minh là tạo cảm giác ngon miệng hơn cho vật nuôi, tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt giàu đạm và axít béo không bão hòa. Loại tảo này cũng tác động tích cực lên hàm lượng axít béo ở gan và fillet cá hồi bằng cách kích thích sự phát triển các cơ của vật nuôi.

>> Alex Tsappis, Chuyên gia dinh dưỡng, Alltech cho biết: Các loài thủy sản nuôi chỉ cần một chế độ dưỡng chất cân bằng để tăng trưởng và khỏe mạnh. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra được cách thức cung cấp dinh dưỡng cho các loại thủy sản với chi phí hiệu quả và bền vững nhất.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn

Bài viết trình bày chi tiết về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Chuẩn bị ao ương nuôi

– Cải tạo ao

+ Để nuôi TTCT theo hình thức này, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 – 1.000 m2 để ương tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để thuận tiện cho việc san thưa, hạn chế tôm nuôi bị sốc.

+ Trước mỗi vụ tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ương theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đầu tiên, tháo cạn nước ao nuôi và ao ương, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các địch  hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao; sau đó rải vôi CaO lượng 10 – 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.

+ Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 – 30 cm), thau rửa 2 – 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 15 – 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 – 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

– Lấy nước và xử lý nước

+ Khuyến cáo người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 – 5 ngày.

+ Cấp nước từ ao lắng qua ao ương và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 – 1,2 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponine liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất.

– Gây màu nước

+ Áp dụng phương pháp bón phân gây màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 – 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 – 40 cm mới tiến hành thả giống.

2. Tôm giống và phương pháp ương

– Chọn tôm giống

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 – 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

– Phương pháp ương tôm giống

– Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 – 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 – 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 – 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi

– Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

– Sau khi ương được 30 – 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

– Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác… giảm lượng thức ăn 30 – 50% lượng thức ăn hằng ngày.

– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

– Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

–  Định kỳ 7 – 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibriospp. cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 – 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

– Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 – 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

10.000 lồng tôm hùm tan nát sau bão số 12

Cơn bão số 12 Damrey đã đi qua nhưng những thiệt hại mà nó để lại hậu quả khá nặng nề. Thiệt hại nặng nhất là đối với những người ngư dân nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trăm gia đình ở xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) mất trắng mùa tôm hùm, thiệt hạị hàng trăm tỷ đồng sau khi bão số 12.

Tàu thuyền bị dạt vào trong bờ sau trận bão lịch sử

Nguồn: Zing.vn

Dù không phải là nơi tâm bão đổ bộ nhưng người dân vịnh Xuân Đài vẫn chịu thiệt hại lớn khi hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm từ 4 – 7 tháng tuổi, chuẩn bị thu hoạch bị sóng đánh hư hỏng, mất tôm.

Hàng nghìn lồng tôm bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 12

Nguồn: Zing.vn

Sau khi bị sóng đánh hư hỏng, nhiều lồng tôm trôi ra biển, dạt vào vách núi và vào bờ thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Có lồng tôm bị gió hất lên cành cây, vào nhà dân sống cạnh biển.

Theo anh Nguyễn Văn Thể (thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh), bão số 12 đánh hư tất cả các lồng, số ít còn sót lại được người dân vá lưới để thả lại xuống biển tiếp tục nuôi lại tôm hùm. Mỗi người dân trung bình nuôi 20-30 lồng tôm, có nhà nuôi đến 70-80 lồng. Người dân xã Xuân Thịnh chỉ biết chắt chiu các lồng cũ để vớt vát chút tôm còn sót lại sau khi bão đánh tan cả 1 vùng nuôi tôm lớn ở vịnh Xuân Đài.

Ngư dân mang lồng tôm bị hư hỏng còn sót lại lên bờ vá lưới

Nguồn: Zing.vn

Anh Nguyễn Văn Thể bưng lồng tôm bị hư hỏng lên bờ vá lưới, buộc thép trước khi thả lại xuống biển. “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1.000 con tôm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”, anh Thể nói. Theo người dân, lâu nay chưa có cơn bão nào đổ bộ làm lồng tôm hư hỏng, mất sạch tôm như năm nay. Những năm trước trời mưa, lụt lớn nước ngọt đổ ra vịnh thì tôm chết. Lần này tôm vừa mất mà lồng còn hư hỏng, thiệt hại lớn, có nhà mấy tỷ đồng.

Hình ảnh người dân vá lưới

Nguồn: Zing.vn

“Chỉ còn 1 đến 2 tháng nữa gia đình tôi đã thu hoạch tôm hùm rồi, giờ bão cuốn đi sạch. Vừa mất không có tiền bán tôm còn không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng. Cả nhà mong còn 1,2 lồng nhưng tìm hoài không còn, mất sạch rồi”, anh Lê Khánh (45 tuổi, thôn Vịnh Hảo) buồn bã. Cũng theo anh, người dân chỉ biết chắt chiu lại những lồng hư hỏng nhẹ để vá lưới, buộc thép thả lại xuống biển tiếp tục nuôi tôm. Nhiều nhà buộc phải làm lại lồng nuôi tôm mới với giá 5-7 triệu/lồng.

Hình ảnh hàng nghìn lồng tôm hùm dính chặt vào nhau cùng trôi dạt vào bờ biển ai cũng quặn lòng

Nguồn: Zing.vn

Theo news.zing.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tác dụng của bột bã mía và mật rỉ đường trong ao nuôi tôm

Hiện nay, sử dụng giải pháp sinh học để ổn định chất lượng nước cũng như hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, bột bã mía và mật rỉ đường được xem là nguyên liệu rẻ tiền nhưng lại có tác hiệu quả trong việc kiểm soát các yếu tố chất lượng nước.

Bột bã mía trong nuôi tôm

Bã mía chiếm từ 20-30% trọng lượng mía đem ép. Tùy theo giống mía và thổ nhưỡng của nơi trồng mà thành phần hóa học trong mía sẽ thay đổi. Bã mía sau khi đem sấy khô, nghiền thành bột sẽ có các thành phần chính là: Cellulose(Xơ): 45-55%, Hemicellulose: 20-25%, Lignin: 18-24%, Tro: 1-4%, Sáp <1%.

Trong ao nuôi tôm, bột bã mía có tác dụng ổn định môi trường nước, giúp phát triển hệ vi sinh có lợi, cung cấp chất khoáng cho tảo, bổ sung các chất Fe, Zn cho tôm nuôi… Theo “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn thì quy trình sử dụng bột bã mía trong ao nuôi tôm như sau:

+ Sau khi cải tạo ao, sẽ dùng bột bã mía để gây màu nước với liều lượng 1kg/100m3 nước. Đối với ao thuần thì bón 5 ngày/1 lần, riêng ao đã bị chai nền đáy thì cần bón 2 ngày/1 lần.

+ Trong 2 tháng đầu, người nuôi không cần sử dụng chế phẩm sinh học hay khoáng bổ sung vào nước mà chỉ bón định kỳ bột bã mía 10kg/1000m3 nước ao. Lưu ý cần phải kiểm tra các yếu tố môi trường nước(mật độ vi khuẩn trong nước, PH, kiềm…) trước khi bón 1 ngày và sau khi bón 2 ngày. Điều này, sẽ giúp ước lượng chính xác liều lượng bột bã mía cần sử dụng.

+ Sau 2 tháng nuôi, tôm đã lớn, lượng chất thải cũng nhiều hơn. Do đó, ngoài việc sử dụng bột bã mía định kỳ, cần bổ sung thêm chế phẩm sinh học để môi trường nước luôn ổn định.

+ Trong quá trình nuôi, cần theo dõi kỹ màu nước , các yếu tố môi trường, để có sự điều chỉnh hợp lý lượng  bột bã mía cần bón.

Mật rỉ đường

Mật rỉ đường chiếm 3-5% trọng lượng mía đem ép, và có thành phần chính gồm: Nước 20%, đường saccaro 35%, đường khử 20%, Tro 15%, Protetin 5%, Sáp 1%, Bột 4%,và một số loại khoáng Fe, Al, Ca, Mg, P, K.

Trong ao nuôi, tôm chỉ sử dụng 20-30% lượng đạm trong thức ăn, phần còn lại sẽ chuyển hóa loại đạm có độc là NH3 và NO2.

Do đó, các nhà khoa học đã tận dụng cơ chế hoạt động của các loại vi khuẩn dị dưỡng là sử dụng carbon và nitơ để tổng hợp protein, nhằm loại bỏ hai chất độc hại này. Điểm mấu chốt ở đây, là cần bổ sung nguồn carbon cho ao nuôi tôm. Và mật rỉ đường chính là sự lựa chọn thích hợp cho giải pháp này.

Các thử nghiệm tại cơ quan nghiên cứu của Úc đã cho rằng bón mật rỉ đường với liều lượng 30 lít/ha là thích hợp nhất, vì sẽ rất an toàn, hữu ích giúp giảm chi phí và giảm được pH trong ao nuôi.

Ngoài việc hòa với nước tạt đều khắp ao, mật rỉ đường còn được sử dụng để ủ với men vi sinh để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản: ủ mật đường với men vi sinh từ 3-6 h sục khí liên tục và tạt xuống ao.

Kết Luận: Mật rỉ đường và bột bã mía đều là những phế phẩm trong nông nghiệp, khi sử dụng trong thủy sản mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm chi phí đầu tư, cho ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Hi vọng, đây cũng sẽ là một giải pháp giúp ngành nuôi tôm công nghiệp bền vững hơn trong tương lai.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

Đối với những đối tượng nuôi trong ao , đầm, hồ ( ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm )

– Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
– Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
– Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm 1 kg Vita – C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita – C/1kg thức ăn
– Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm bà con cần chú ý theo dõi và bổ xung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên, Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá lúa

– Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
– Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
– Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
– Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.( chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất )
– Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

– Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng
– Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
– Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
– Đối với người nuôi trồng thủy sản.Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
– Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.
– Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
– Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra
– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất
– Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vì sao tôm chậm lớn?

Tôm chậm lớn hay tôm còi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ nuôi do vậy cần theo dõi trọng lượng tôm hằng ngày để phát hiện kịp thời nguyên nhân làm tôm chậm lớn từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.

Tác hại của tôm chậm lớn

1. FRC của tôm cao tốn kém thức ăn.

2. Tôm chậm lớn kéo dài thời gian thu hoạch làm tăng chi phí nuôi.

3. Làm giảm giá trị tôm nuôi, giảm năng suất sản lượng tôm nuôi.

Nguyên nhân và cách phòng bệnh của tôm chậm lớn

1. Chất lượng con giống kém

Nếu nguồn giống bố mẹ cho đẻ càng nhiều lần thì chất lượng tôm giống càng kém hoặc tôm giống kém chất lượng do quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách. Do vậy phải lựa chọn tôm giống có chất lượng, tuyệt đối không thả giống trôi nổi trên thị trường.

Phương pháp lựa chọn tôm giống: Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín. Xét nghiệm PCR và test khuẩn trên môi trường thạch. Nếu tôm không đạt chuẩn kiên quyết loại bỏ.

2. Tôm mắc bệnh còi MPV (Monodon Baculovirus) và HPV (Hepatopancreatic virus)

Dấu hiệu tôm bắt mồi kém, vỏ sậm màu, bơi lội lờ đờ, dễ bị ký sinh trùng hoặc rong bám, nặng hơn chết rải rác trong thời gian nuôi.

Chưa có biện pháp trị: Ngay khi phát hiện tôm bệnh phải bắt bỏ những con tôm bị còi ra khỏi ao bằng cách đặt chà ( dùng rò tre nhỏ bỏ cành cây lá khô, dụ bắt tôm còi)

Biện pháp phòng:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh MBV.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.

+ Kiểm dịch nguồn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ.

+ Xử lý nước nguồn nước kỹ trước khi ấp trứng thì có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.

3. Tôm bị bệnh phân trắng

Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Vi bào từ trùng

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm, chúng sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến cho tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác.

Phòng: Xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.

Khuyến cáo: sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

5. Mật độ quá dày, sinh khối lớn

Khi nuôi tôm mật độ quá dày, những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho tôm không đủ để tôm phát triển và lột xác.

Khuyến cáo: nuôi tôm thâm canh thì mật độ thích hợp là dưới 100con/m2. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.

6. Lạm dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh

Người dân thường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh, sau khi dùng men vi sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột.

>> Không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.

7. Thức ăn kém chất lượng, chất lượng nước ao nuôi xấu

Thức ăn kém chất lượng cũng là nguyên nhân làm tôm chậm lớn do tôm không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng. Do đó phải bảo quản thức ăn đúng nơi quy định. Không được để bao thức ăn dưới sàn đất.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước (Độ kiềm, Fe, NO2, NH3..) trong ao để nhanh chóng điều chỉnh.

Không được sử dụng thuốc trừ sâu để cải tạo ao.

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến làm cho tôm bị chậm lớn, chúc bà con một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Quy trình trồng rong sau đó diệt rong làm thức ăn cho tôm

“Kỹ sư nuôi rong” là tên gọi vui mà bà con đặt cho anh nông dân Lê Ngọc Giao, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân.

Trong khi nhiều người nuôi tôm thường lạm dụng hoá chất, thì anh Giao lại đi từ yếu tố căn bản là tạo môi trường tự nhiên bằng vi sinh, chế phẩm sinh học. Mất nhiều thời gian tìm hiểu và thực hiện quy trình nuôi rong, rồi lại diệt rong trong đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến, anh Giao chia sẻ , đây là khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh bền vững. Con tôm cần nhất 3 yếu tố: có thức ăn để sống, có ôxy để thở và môi trường sống rộng rãi, trong lành. 17 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thức ăn thiên nhiên không còn, vì vậy đòi hỏi phải tạo nguồn thức ăn cho tôm đối với nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống.

Anh Lê Ngọc Giao (bìa phải) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến cho bà con nông dân

“Yếu tố quan trọng là phải khôi phục các yếu tố tự nhiên, đảm bảo môi trường vì môi trường nước nuôi tôm hiện nay ít nhiều bị ô nhiễm vì chất thải chính từ nuôi tôm và các chất thải công nghiệp khác, thải ra, lấy vào đều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bà con thường nóng vội, thả tôm rất dày, có khi chỉ 1 ha nhưng thả đến cả trăm ngàn con giống, vậy mà chừng 2 tháng lại tiếp tục thả nối đuôi. Quá dày, không đủ thức ăn, phát sinh bệnh tật, hậu quả là… thất bại”, anh Giao khẳng định.

Với suy nghĩ làm cách nào vừa có thức ăn tự nhiên cho tôm, vừa cải thiện được môi trường bền vững, với kiến thức tích luỹ được và dựa trên quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến của ngành chuyên môn, anh Giao xây dựng một quy trình nuôi tôm “quảng canh cải tiến bền vững” cho mình và chia sẻ cho bà con xung quanh cùng thực hiện. Nhiều hộ được anh hướng dẫn áp dụng đã thành công ngay vụ nuôi đầu tiên.

Quy trình bền vững

Quy tắc chung của quy trình này là đảm bảo 3 yếu tố: thứ nhất là nuôi thưa, chỉ 1-2 con/m2 để đảm bảo môi trường sống đủ ôxy và thức ăn, hạn chế bệnh tật cho tôm; thứ hai là tạo thức ăn cho tôm nuôi bằng giải pháp tự nhiên. Có thể tận dụng rạ lúa, cỏ khô để thả xuống vuông. Khi cây cỏ phân huỷ sẽ sinh ra các loại sinh vật làm thức ăn cho tôm. Đối với những khu vực vuông nuôi thiếu cỏ khô, gốc rạ như ở huyện Phú Tân hiện nay thì phải thực hiện quy trình tạo rong. Rong sẽ hút chất bẩn do quá trình nuôi tôm thải ra, góp phần cải thiện môi trường và cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm khi rong chết đi.

Nuôi rong rồi diệt rong làm mồi cho tôm đang được áp dụng rộng rãi trong mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân

Để tạo rong thì dùng chế phẩm sinh học và đạm vô cơ rải đều trên trảng, mỗi công đất chừng 1 kg. Chỉ rải trên một khu vực nhỏ trong vuông tôm thôi, rồi sau đó diệt đám rong này lại tạo rong chỗ khác. Nếu rong mọc hết vuông tôm không khéo tôm lại thiếu ôxy thì tác dụng ngược. Còn cách diệt rong thì dễ, có thể dùng men hoặc thuốc để cắt luồng rong. Rong phân huỷ sẽ tạo nên thức ăn cho tôm. Quy tắc chung là vậy, nếu vuông nuôi có thảm thực vật như cỏ hay năn thì sẽ thực hiện bằng cách khác.

Làm tốt công việc này cũng là đảm bảo cho yếu tố thứ 3 trong quy trình nuôi tôm bền vững, đó là đảm bảo môi trường. Anh Giao nói, trong quá trình cải tạo ao đầm không được dùng hoá chất mà phải sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh. Chỉ sử dụng hoá chất lúc cải tạo ban đầu và diệt tạp.

Vụ nuôi theo quy trình này kéo dài 1 năm, bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch hằng năm. Ban đầu phải cải tạo ao đầm triệt để, diệt cá tạp và phơi đất khô. Tiếp đó hứng nước mưa và thực hiện việc tạo rong. Sau đó diệt rong để tạo thức ăn cho tôm rồi tiến hành xử lý nước bằng thuốc diệt khuẩn, tro trấu, khoáng, men vi sinh và thả tôm nuôi. Tôm hầm đất là phù hợp, thả ban đầu khoảng 1 con/m2, sau đó thả bổ sung hằng tháng. Cứ thế, khi lứa nào thu hoạch được thì thu hoạch và thả giống bổ sung nhưng phải đảm bảo mật độ khoảng 2 con/m2. Hằng tháng phải tạt men vi sinh bổ sung trong quá trình nuôi. Điểm đáng lưu ý là nuôi theo quy trình này thì rất ít thay nước, chủ yếu là lấy nước thêm khi mực nước trên ao đầm hụt đi.

Hiệu quả…

Ở ấp Đất Sét và là một trong những hộ được anh Giao hướng dẫn thực hiện nuôi theo quy trình này, đã đạt hiệu quả ngay vụ đầu tiên, ông Tô Ngọc Đẹp cho rằng: “Trước đây, nuôi truyền thống trúng lắm cũng khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, thậm chí mấy năm gần đây tôm chết hoài. Bây giờ nuôi theo quy trình này mà thu nhập 50 triệu đồng/ha coi như là thất”.

Ông Phạm Hoàng Phương ở cùng ấp cũng áp dụng theo quy trình này từ giữa năm 2016 trên diện tích 3 ha của gia đình mình. Mức thu nhập đến nay của gia đình đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/ha. Không giấu được sự vui mừng, ông Phương cho biết: “Yếu tố quan trọng là sử dụng các giải pháp hoàn toàn tự nhiên nên tôm nuôi rất mạnh và ổn định, lớn nhanh”.

Hơn 20 hộ dân ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân thực hiện theo quy trình này đều có hiệu quả ban đầu. Tất cả bà con đều vô tổ hợp tác để thuận tiện thông tin, trao đổi lẫn nhau. Có lúc thông tin qua điện thoại, có lúc trực tiếp.

Là nông dân thực thụ nhưng anh rất thuần thục cách sử dụng vi sinh, khoáng… Kiểm tra dấu hiệu trên tôm, anh biết nó thiếu thức ăn hay chậm lớn do nguyên nhân gì, từ đó bày cho bà con cách xử lý phù hợp. Anh nhiệt tình đi từ cánh đồng này đến ruộng nọ, từ nhà nọ đến nhà kia để hướng dẫn bà con cách nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững.

Vừa qua, được ngành chuyên môn hỗ trợ để thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh cho 5 hộ, anh Giao lồng ghép thực hiện luôn quy trình của mình. Kết quả, 3 hộ thành công do thực hiện đúng quy trình. Thu hoạch bình quân hơn 100 triệu đồng/ha. 2 hộ thành công chưa cao do thực hiện sai, thả tôm quá dày nên không đủ ôxy, thức ăn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Lương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, cho biết: “Về cơ bản quy trình nuôi tôm của anh Giao áp dụng không khác so với quy trình khuyến cáo của ngành chuyên môn nhưng có cải tiến theo hướng phù hợp điều kiện đất đai và thực tế từng vuông nuôi. Điểm quan trọng là nuôi thưa và tạo môi trường tự nhiên lý tưởng cho tôm nuôi sinh sống và có thức ăn, ít thay nước”.

…và nhân rộng

Tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở xã Tân Hưng Tây, Phú Tân, Việt Thắng… đến tìm hiểu, nhờ anh Giao hướng dẫn thực hiện mô hình quảng canh cải tiến bền vững này. Trong đó có cả những người đã từng nuôi công nghiệp thất bại nay muốn trở về mô hình nuôi bền vững hay những nông dân từng nuôi quảng canh truyền thống, giờ muốn nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Văn Sơn, ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, mấy năm nay tôm thất liên tục. Được anh Giao chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước, ông nuôi được hơn 8 tháng, 5 tháng nay đã thu hoạch dần, mỗi tháng cũng hơn chục triệu đồng.

Ông Hồ Hởi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết: “Xã vừa phối hợp ngành chuyên môn tổ chức hội thảo về mô hình này. Bà con phấn khởi lắm bởi đã có hướng đi cho người nuôi tôm ít vốn, ít kỹ thuật nhưng đất đai rộng. Xã cũng đưa vào kế hoạch trình cấp trên nâng lên thành hợp tác xã để bà con áp dụng mô hình cánh đồng lớn”. “Phải nhân rộng” là câu khẳng định của lãnh đạo xã này, của ngành chuyên môn và nhiều nông dân khác. Đây cũng là điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp phát hiện sớm bệnh trên tôm với chi phí rẻ

Một công ty công nghệ sinh học Nhật Bản đang hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku để phát triển một giải pháp có thể phát hiện nguyên nhân gây hội chứng tử vong sớm (EMS) ở tôm nuôi và các bệnh khác trên tôm. Được thực hiện tại ao, nhanh chóng và chính xác nhưng chi phí cực kỳ hợp lý.

Tohoku Bio-Array, còn được gọi là Công ty TBT và Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, Nhật Bản, sẽ cùng nhau phát triển xét nghiệm di truyền để cho phép phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm trong tôm nuôi, được báo cáo trên Nippon Keizai Shimbun vào ngày 5/6 vừa qua. Mục đích chính của phương pháp này là nhanh chóng phát hiện ngay tại ao nuôi tôm.

Để sử dụng bộ kit, tôm được nghiền sau đó pha trộn rồi đưa qua phản ứng PCR được gắn nhãn để khuếch đại gen của virut. PCR là một kỹ thuật sao chép một vài bản sao của một đoạn DNA, để sản xuất hàng ngàn (hoặc hàng triệu bản sao). Sau đó, một dải thử nghiệm – một màng có dãy DNA in trên nó – được nhúng trong dung dịch, và một đường màu xanh xuất hiện nếu kết quả dương tính, và có thể được xác nhận trực quan. Các xét nghiệm cho ba hoặc bốn bệnh, bao gồm cả EMS, có thể được bao gồm bằng 1 xét nghiệm duy nhất.

Một máy xử lý là cần thiết để khuếch đại gen, nhưng giá mỗi lần xét nghiệm dự kiến sẽ chỉ khoảng 5-10 USD (từ 4,50 đến 9 EUR). Việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong khoảng một giờ để nông dân có cơ hội thu hoạch ao sớm hoặc dừng ao nuôi mới nhằm giảm tổn thất nếu có kết quả dương tính.

Xét nghiệm di truyền chuẩn đoán bệnh trên tôm không phải là mới. Nó đã có thể được thực hiện với chi phí cao hơn một chút so với các thử nghiệm này. Và phương pháp thông thường vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm thì nông dân phải đợi ít nhất vài ngày mới có kết quả.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những khoáng chất nào cần cho tôm?

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng  của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố  Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ  hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.