Đánh giá sức khỏe tôm tại ao

Việc làm này giúp người nuôi phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.

Quan sát dấu hiệu bất thường

Thông thường, người nuôi nên kiểm tra toàn bộ hoạt động của tôm trong ao 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, quan sát một số dấu hiệu như: tôm thiếu ôxy, thức ăn dư thừa, màu sắc nước ao. Các dấu hiệu quan sát được là thông tin quan trọng đánh giá về hiện trạng sức khỏe tôm cũng như môi trường ao nuôi.

Tôm chết: trong mọi trường hợp, tôm chết cho thấy tình trạng ao nuôi đang xấu, sức khỏe tôm rất yếu.

Tôm bơi trên mặt nước: tôm có thể bị sốc do hàm lượng ôxy hòa tan thấp hoặc nhiệt độ cao hay bệnh.

Tôm hoạt động gần bờ: có thể do thiếu thức ăn.

Màu nước: thay đổi đột ngột hoặc đậm màu.

Mùi: Mùi phổ biến thường gặp là mùi tanh và mùi tảo. Mùi tanh là mùi đặc trưng của nhớt do tôm lột xác đồng loạt hoặc mùi thức ăn khi cho tôm ăn lượng lớn. Tảo nở hoa sẽ gây ra mùi, tảo lục thường là mùi bùn, tảo lam là mùi của thuốc kháng sinh. Ngoài ra, chất hữu cơ phân hủy trong tình trạng yếm khí cũng sinh ra mùi hôi thối.

Có cá bống bơi hỗn loạn hoặc tập trung gần bờ: Dấu hiệu cho thấy ôxy hòa tan thấp, có kèm khí độc cao, thường thấy ở những ao nhiều ngày tuổi. Đối với những ao này nên thu càng sớm càng tốt, để lâu theo phản ứng bình thường tôm sẽ lột xác nhưng không cứng vỏ và chết.

Ở một vài ao khi xuất hiện cua còng bò lên bờ, phản ứng chậm chứng tỏ nước ao nuôi bị ô nhiễm, khí độc cao và lượng ôxy hòa tan thấp… chỉ một tuần sau tôm sẽ rớt đáy. Một dấu hiệu nhận biết khác là ốc bò ra khỏi mặt nước thì lúc đó ao nhiều khí độc, đáy ao yếm khí…

Bọt khí nổi: Do hàm lượng hữu cơ trong nước ao cao.

Quan sát tôm ở sàng ăn

Hàng ngày kiểm tra tôm trong sàng ăn. Tôm khỏe là tôm có màu sắc bóng đẹp, phụ bộ đầy đủ không bị tổn thương, tôm búng mạnh, bơi nhanh, đường ruột đầy thức ăn và liên tục, tuyến gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường. Phân tôm mạnh khỏe sẽ có màu của thức ăn. Phân tôm có màu khác hoặc nhớt là dấu hiệu bất ổn. Khi thấy phân tôm của một vài con có màu đỏ, thường là trong ao đã có tôm chết.

Chài tôm kiểm tra sức khỏe

Tôm bị bệnh có biểu hiện: mềm vỏ, trống ruột. Ngã nghiêng (nằm nghiêng) nhanh chóng sau khi chài lên. Đục cơ trước 10 phút (khi chài lên) và thường xuyên xuất hiện đục cơ tại ao.

Sau khi chài tôm lên, cho vào một thau chứa lượng nước vừa đủ để tiện quan sát. Khi đã ổn định, tiến hành quan sát toàn thể mẫu tôm. Ba chỉ tiêu quan trọng nhất cần quan sát lúc này là độ đồng đều, tình trạng ruột và màu sắc gan tụy. Đây là những chỉ tiêu dễ quan sát và phản ánh trực tiếp hiện trạng sức khỏe tôm nuôi.

Kích cỡ tôm

Đánh giá độ đồng đều, mức độ phát triển của đàn tôm theo ngày tuổi từ đó đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của tôm. Nếu tôm quá nhỏ so với bình thường có thể đưa ra các giả định tôm bị nhiễm các bệnh gây chậm lớn. Nếu tôm lệch cỡ nhiều, có thể đưa ra giả thuyết tôm thiếu dinh dưỡng (thiếu khoáng hoặc thiếu thức ăn) hoặc nhiễm các bệnh gây lệch cỡ.

Kiểm tra gan: Tôm bình thường gan có màu nâu vàng hoặc vàng cam. Khi bóp gan ra, có dịch màu nâu vàng sệt, không chảy. Có mùi tanh đặc trưng.

Kiểm tra ruột

Quan sát và đánh giá khi tôm còn sống

Điểm trung bình < 1,6: tôm bị thiếu ăn hoặc bệnh

Nếu đã cho ăn > 80% tổng lượng thức ăn khuyến cáo và ít nhất 3 lần/ngày mà ruột < 1,6 là tôm bệnh.

Một số thay đổi bên ngoài

Vỏ: Tôm khỏe có vỏ bóng, khá dày chắc trong khi tôm bệnh vỏ thường lồi lõm. Vỏ tôm mỏng hoặc do lột xác không cứng vỏ thường cho thấy môi trường nước xấu và tôm sốc rất nặng. Nếu trong chài có số lượng tôm mỏng vỏ nhiều hơn 5% thì cần có biện pháp để khắc phục.

Hình dạng bất thường: tình trạng dị hình (do một số bệnh thường gặp như ASDD hoặc IHHNV), gãy gai chủy, đứt râu, mòn cụt chân bơi, chân bò (do đáy ao bị ô nhiễm); vỏ có các chấm đốm đen, đốm nâu, đốm trắng (nhiễm khuẩn hoặc hội chứng Taura)

Cong thân: có thể bị tác động bởi các yếu tố như sốc do nhiệt độ cao, nhiễm khuẩn Vibrio, mất cân bằng khoáng chất, độc tố trong môi trường ao nuôi. Tỷ lệ tôm bị cong thân có thể chấp nhận được trong ao tôm là < 5%

Đốm đen: Những đốm đen trên vỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như nhóm vi khuẩn Vibrio, Taura syndrome virus (TSV), những tổn thương vật lý (Lightner, 1996). Những đốm đen do vi khuẩn Vibrio gây ra với nguyên nhân khởi phát là chất lượng nước xấu, thường không gây chết tôm nếu như nó không làm tổn thương vỏ quá sâu vào bên trong phần cơ thịt tôm. Trong ao tôm, tỷ lệ vỏ tôm có đốm đen có thể chấp nhận được ở mức 5 – 10% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.

Mang: bình thường mang có màu trong suốt. Mang đổi màu sang vàng, nâu hay đen thường do đáy ao bị ô nhiễm, chất hữu cơ trong nước nhiều. Ngoài ra, các vùng trắng như tuyết trên mang có thể là mang bị hoại tử do bão hòa khí trong nước.

Phụ bộ: sưng phồng hay gãy phụ bộ thường do nhiễm khuẩn từ những vùng đáy ao bị ô nhiễm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Sự tích lũy manganese trong hệ thống nuôi tôm Biofloc

Nghiên cứu này nhằm chứng minh sự tích lũy chất độc hại là manganese (Mn) và ảnh hưởng của nó đến tôm nuôi trong hệ thống Biofloc.

Trong hệ thống nuôi tôm tuần hoàn sẽ có sự mất mát các chất dinh dưỡng và tích lũy các chất độc hại. 

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc ngày càng phổ biến ở nước ta do nhiều ưu điểm như tiết kiệm nước, tỉ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng thủy sản nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng do sự trao đổi nước thấp của những hệ thống này dẫn đến việc thiếu hụt yếu tố dinh dưỡng hoặc tích lũy các chất độc hại.

Sự tích tụ Mn (SBR) là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của tôm nuôi. Do nước nuôi tôm có hàm lượng Mn cao chứa trong các hạt biofloc, các hạt biofloc này là thức ăn bổ sung cho tôm nuôi. Về cơ bản SBR có nhiều trong nước thải từ hệ thống nuôi tôm. Vật liệu flocs còn sót lại từ các lần xử lý nước trước còn gọi là “nước bẩn” . Các floc này trộn lẫn với các hạt floc mới và nó được dùng làm thức ăn bổ sung vào thức ăn cho tôm.

Thí nghiệm đánh giá tác động của Mn với tôm nuôi

Hai thử nghiệm được tiến hành như sau:

(i) Thử nghiệm thức ăn đầu tiên là một thí nghiệm kéo dài 6 tuần để xác định độc tính của mangan đối với tôm (Litopenaeus vannamei) trong khẩu phần không có bioflocs.

(ii) Thử nghiệm cho ăn thứ hai (5 tuần) là được thực hiện với các biofloc nói trên với hàm lượng mangan cao.

SBR được sử dụng đối với tôm nuôi trong giai đoạn khoảng 30 ngày tuối, ở giai đoạn này chất lượng nước nuôi tương đối tốt.
Nước sử dụng sau khi tách các hạt floc được sử dụng ngược lại vào hệ thống RAS và các hạt floc được sử dụng bổ sung cùng với thức ăn viên cho thấy tăng trưởng của tôm nhanh hơn so với chỉ đơn thuần dùng thức ăn viên.

Tuy nhiên, đến giai đoạn nuôi khoảng 60 ngày khi này chất lượng nước trở nên xấu hơn, do đó khi bổ sung các hạt floc vào thức ăn làm giảm tăng trưởng của tôm khoảng 30% so với việc không bổ sung.

Giai đoạn nuôi từ 60 ngày trở đi cho thấy hàm lượng Mn tích lũy dao động trong khoảng 0.9 – 1.1%, tương đương hàm lượng Mn có thể có trong thức ăn tôm khoảng 0.1 – 0.3% tùy thuộc vào lượng biofloc tạo thành.

Kết luận.

Mn đóng cai trò quan trọng trong nuôi tôm, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng Mn trong thức ăn tôm càng cao thì tôm càng chậm lớn, và hàm lượng này không được vượt quá 0.02%.

Sự tích lũy Mn trong nước nuôi tôm theo hệ thống Biofloc làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Do đó cần cân nhắc cẩn thận đối với các cấp độ tiềm tàng của các nguyên tố vi lượng trong biofloc.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cà Mau: Có 63/65 mẫu tôm giống nhiễm virut bệnh còi

Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: trong số 65 mẫu tôm giống thu tại một số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời để tiến hành xét nghiệm đối với 3 chỉ tiêu gồm: Đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi. Kết quả cho thấy, không phát hiện vi rút gây bệnh đốm trắng, đầu vàng. Tuy nhiên, có đến 63 mẫu tôm giống phát hiện nhiễm virut bệnh còi.

Người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống ở những nơi có uy tín trên thị trường.
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau khuyến cáo các cơ sở sản xuất tôm giống tích cực nâng cao các biện pháp kỹ thuật, nhằm cải thiện chất lượng tôm giống, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh còi, để phục vụ cho người nuôi đạt hiệu quả.

Đối với người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống từ những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống có uy tín trên thị trường, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng hoặc chọn mua tôm giống từ các cơ sở sản xuất có kết quả xét nghiệm mẫu tôm giống không phát hiện virut gây các bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi được cập nhật hàng tuần trên Trang Thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.

Đối với các hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh, khi mua giống cần lựa chọn những bể tôm giống không nhiễm virut gây bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh còi. Ngoài ra, cần xét nghiệm thêm chỉ tiêu bệnh hoại tử gan tụy cấp trước khi thả nuôi.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Trong nuôi tôm, độ kiềm là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất tôm nuôi. Kiểm tra độ kiềm hàng tuần là cần thiết trong quản lý ao nuôi tôm. Bài viết cung cấp kinh nghiệm đo độ kiềm trong ao nuôi tôm cá.

Kinh nghiệm đo độ kiềm (KH) trong ao nuôi tôm cá

Độ kiềm trong nước là gì?

Độ kiềm là thước đo khả năng trung hòa acid của nước. Trong nuôi trồng thủy sản độ kiềm chỉ hàm lượng các ion HCO3-, CO32-, OH- trong nước, đơn vị là mg CaCO3/L .

Tầm quan trọng độ kiềm trong nước

Độ kiềm trong nước ít có tác động trực tiếp đến đời sống của các loài thủy sản nhưng lại tác động lên các yếu tố có liên quan như sự phát triển của thủy thực vật (tảo), ảnh hưởng tới pH, ảnh hưởng đến mức độ độc hại của khí độc và kim loại nặng trong nước. Năng suất sơ cấp (tảo) của ao nuôi tỉ lệ thuận với độ kiềm, vì vậy ao nuôi có độ kiềm cao dễ gây tảo hơn.

Nhiều người nuôi tôm mặc định là khi trời mưa phải bón vôi nhưng chưa thật sự hiểu được ý nghĩa thật sự của nó. Nước mưa mang theo lượng lớn acid chúng làm trung hòa lượng bicarbonate làm độ kiềm giảm kéo theo pH giảm đột ngột. Kiềm và pH giảm cùng lúc ảnh hưởng xấu đến tôm nếu không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời tôm nuôi sẽ gặp sự cố ngay.

Lưu ý khi đo độ kiềm

Vì độ kiềm đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm do đó người nuôi tôm thường phải đo độ kiềm ít nhất 1 lần trong ngày. Để đo độ kiềm người ta thường sử dụng 3 cách:

– Phương pháp chuẩn độ: Dùng khi cần độ chính xác cao và trong phòng thí nghiệm.

– Sử dụng máy đo: Máy đo hiện tại vẫn chưa tiện dụng nên vẫn cần những thao tác phức tạp và chi phí khá cao.

– Sử dụng bộ test kít: Đây là phương pháp được nhiều sự lựa chọn bởi thao tác thực hiện đơn giản, giá rẻ có thể áp dụng nhanh trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Một số lưu ý giúp bạn đo độ kiềm ao nuôi chính xác hơn:

– Lựa chọn loại Test kít uy tín dựa trên độ chính xác và độ đơn giản thao tác: Bộ Test kH được sử dụng nhiều hiện nay là bộ test kH của Sera (Đức) với ưu điểm kiểm tra nhanh, thao tác dễ dàng và độ tin cậy cao (Bạn có thể tham khảo tại đây).

– Đọc kỹ hướng dẫn thao tác kèm theo bộ Test và thao tác đúng quy trình đó để có kết quả tốt nhất.

– Luôn bảo quản thuốc thử nơi khô ráo thoáng mát và theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất. Nghi ngờ thuốc thử hỏng phải dùng mẫu mới kiểm tra đối chiếu.

– Khui nắp: Nếu nắp đậy lọ thuốc thử có đầu kim thì dùng đầu kim này để chích vào nắp nhỏ giọt. Nếu không thì dùng dao cắt lỗ nhỏ sao cho thuốc thử không tự chảy ra khi úp ngược lọ mẫu.

– Ống nghiệm luôn phải được vệ sinh bằng nước sạch trước và sau khi sử dụng.

– Lắc kỹ thuốc thử trước khi kiểm tra.

– Tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu như: mẫu mang tính đại diện vị trí lấy mẫu phải lấy ở tầng giữa cách mặt nước 50cm, dụng cụ thu mẫu, bảo quản và vẫn chuyển mẫu phải đảm bảo sạch.

– Không thu mẫu ngay sau khi xử lý hóa chất xuống ao.

– Mẫu nước đưa lên phải được đo ngay khi có thể hoặc mẫu phải được chuyển ngay đến phòng thí nghiệm. Việc đo các thông số của mẫu nước sẽ ít sai số hơn khi thực hiện đo nhanh trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu nước.

Độ kiềm phù hợp trong ao nuôi trồng thủy sản 75mg/l – 200mg/l với tôm thẻ chân trắng độ kiềm thích hợp là 120 – 150 mg CaCO3/l, với tôm sú độ kiềm thích hợp là 80 – 120 mg CaCO3/L.

Độ kiềm trong ao nuôi tôm thấp thường do: độ mặn thấp, ao bị phèn, thực vật phù du (tảo) phát triển mạnh, 2 mảnh vỏ ốc quá nhiều. Để tăng kiềm tốt nhất kết hợp loại bỏ các tác nhân này kết hợp bón vôi CaCO3 hoặc sử dụng Sodium bicarbonate (soda), liều soda 1,68mg/l để phục hồi 1mg/L kiềm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tôm càng xanh: Đổ xô nuôi sẽ được mùa mất giá

Chỉ trong 1 năm, diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình (Cà Mau) đã tăng lên 4.000ha so với năm 2016, đưa tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện này lên gần 12.000ha. Đây được xem là năm có diện tích nuôi tăng đột biến, khiến mối lo ngại về điệp khúc được mùa – mất giá lại tái diễn.

Lãi cao, người dân đổ xô nuôi tôm càng xanh làm diện tích tăng vọt.

Mô hình bền vững, thu lãi cao

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững, chưa kể đây cũng là một mô hình nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Tại tỉnh Cà Mau những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở huyện Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Với nhiều tính ưu việt đó, mô hình đã phát triển thêm diện tích ở một số huyện khác như: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, mô hình đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa. Những năm qua, năng suất bình quân con tôm luôn đạt từ 150-220 kg/ha.

Theo nhiều nông dân áp dụng mô hình, sau khi trừ hết chi phí, bà con thu lãi từ 20-30 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ tiền lãi với loại tôm càng xanh toàn đực.

Lo ngại vấn đề đầu ra

Với hiệu quả kinh tế cao, người dân tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước bắt đầu phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là đầu ra ổn định cho con tôm vẫn chưa có lời giải.

Theo khảo sát của phóng viên, dù chưa bước vào vụ thu hoạch đồng loạt nhưng giá tôm càng xanh hiện chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên nhiều người lo ngại khi bước vào chính vụ thu hoạch, giá sẽ giảm mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lê (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho biết: Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa từ cách đây khoảng 6 năm. Bình quân mỗi năm với 1ha diện tích, gia đình có thu nhập tăng thêm từ con tôm càng khoảng 20 triệu đồng.

Cũng theo ông Lê, trong vụ tôm – lúa năm nay, người dân địa phương mở rộng diện tích nuôi và thả nuôi mới tôm càng xanh nhiều hơn mọi năm. Điều này khiến nhiều người lo ngại thương lái sẽ ép giá khi vào vụ thu hoạch đồng loạt. Bởi như vụ tôm năm 2016, khi người dân bước vào vụ thu hoạch rộ, giá tôm bất ngờ sụt giảm từ 20.000-50.000 đồng/kg so với năm trước.

Ông Kiều Văn Chiến – Chi Hội trưởng Chi hội Thuỷ sản ấp Lê Hoàng Thá (xã Tân Bằng), cho biết: Từ trước đến nay, nông dân nơi đây luôn mua bán trực tiếp với thương lái, ai mua giá cao thì nông dân bán, chứ chưa thông qua một hình thức bao tiêu đầu ra hay thông qua một tổ hợp tác nào cả. Chính vì vậy, giá cả đều do thương lái quyết định. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã chọn giải pháp mang tôm trực tiếp ra các chợ bán lẻ để có giá thành cao hơn.

Từ thực tế trên, UBND huyện Thới Bình khuyến cáo người dân, giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt cùng cao điểm mà thu hoạch lúa trước, tôm thu hoạch sau, tốt nhất là qua cao điểm dịp Tết Nguyên đán nhằm để tôm lớn hơn và bán được giá hơn. Điều này vừa giải quyết tình trạng sản lượng tôm tăng ồ ạt gây mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Về lâu dài, huyện sẽ liên kết với trường Đại học Cần Thơ tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Đồng thời, địa phương sẽ gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con.

Được biết, trong vụ thả nuôi năm nay, địa phương cùng với Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với hình thức cho ăn dặm. Với quy mô 12ha cho 12 hộ dân ở ấp 3 và ấp 9 xã Thới Bình, mỗi hộ tham gia được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí cải tạo ao đầm và thức ăn cho tôm.

Bên cạnh đó, huyện Thới Bình còn được hỗ trợ từ dự án “Tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Văn bản hóa quy trình nuôi tôm siêu thâm canh chuẩn

Sau khi kết thúc chuyến kiểm tra thực tế các hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước vào ngày 13/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo ngành nông nghiệp trong tuần này phải hoàn thành văn bản chi tiết về quy trình nuôi tôm siêu thâm canh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bìa trái) trao đổi cùng hộ ông Trần Văn Cương, ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng về quy định của nuôi tôm siêu thâm canh.

Đến thời điểm này, huyện Cái Nước có hơn 23 ha nuôi tôm siêu thâm canh với 109 hộ dân tham gia. Trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Tân Hưng Đông 20 hộ và Tân Hưng 19 hộ nuôi.

Qua kiểm tra, rà soát về quy trình nuôi, chỉ có 50 hộ nuôi đạt tiêu chuẩn quy định, còn lại 59 hộ nuôi không có ao lắng, ao xả thải và hệ thống dây dẫn điện không an toàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trao đổi, hướng dẫn hộ ông Lê Văn Đạt, ấp Tân Hòa về thiết kế ao lắng, lọc tuần hoàn nước cho mô hình này, tránh xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát, thẩm định quy trình nuôi tôm siêu thâm canh, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, ghi biên bản đề nghị hộ nuôi khắc phục hệ thống lưới điện và phải có ao xử lý nguồn nước thải, không xả thải trực tiếp ra kinh rạch.

Qua báo cáo của địa phương và kiểm tra thực tế 3 hộ nuôi tại xã Tân Hưng, đoàn nhận thấy, tại các hộ này đã hứa khắc phục nhưng thực tế vẫn không làm. Hệ thống lưới điện được kéo tạm bợ, thả dưới đất rất nguy hiểm. Ao xả thải không thiết kế ngăn lắng, lọc và tuần hoàn nước, vẫn còn xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

Qua kiểm tra, trao đổi với người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng người dân chưa nắm được, chưa hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về nuôi tôm siêu thâm canh. Các đoàn thẩm định trước đây vẫn chưa chi tiết được, chưa thể hiện được hết ý nghĩa và hướng dẫn cụ thể cho người dân. Còn huyện nói có tập huấn quy trình nuôi cho người dân nhưng kiểm tra thực tế người dân vẫn chưa được tập huấn…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tham mưu văn bản đánh giá sau chuyến khảo sát này; giao Sở NN&PTNT khẩn trương triển khai tổ kiểm tra môi trường nuôi trồng thủy sản và thẩm định quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Qua đó cũng kiểm tra ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đã được triển khai cụ thể đến từng hộ dân hay chưa. Phải hướng dẫn dân chi tiết về thiết kế ao nuôi, quy hoạch và xử lý môi trường vụ nuôi. Phải thể hiện thời gian khắc phục, thời gian kiểm tra lại và phải đảm bảo mọi người dân tham gia nuôi phải biết quy định này.

Về phía huyện phải hoàn thành văn bản chi tiết nội dung của biên bản về thẩm định quy trình nuôi tôm siêu thâm canh trong tuần này, tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp trong tuyên truyền cho người dân nuôi tôm. Làm thế nào cho mọi người đang nuôi tôm cũng như chuẩn bị nuôi nắm được quy định trên, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhân rộng lót lưới mành thay cho lót bạt trong ao nuôi tôm

HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã đưa ra sáng kiến lót lưới mành đáy ao thay cho lót bạt trong nuôi tôm.

Nhân rộng lót lưới mành thay cho lót bạt trong ao nuôi tôm

Cách đây 1 năm, HTX Nuôi thủy sản năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vẫn còn khoảng 90% thành viên thiếu vốn sản xuất; thì sau vụ nuôi năm 2017, nhiều thành viên đã có trong tay bạc tỷ, nhờ hợp tác hỗ trợ nhau cùng áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến.

Thành công vượi trội

Ngày 19/11, HTX Tân Hưng đang thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng (TTCT) cuối cùng sử dụng sáng kiến lót lưới mành đáy ao của Giám đốc Huỳnh Xuân Diện. Dù thời gian nuôi (kể cả giai đoạn ương 20 ngày) chỉ mới 75 ngày, nhưng tôm đã đạt kích cỡ 54 con/kg, nhưng Giám đốc Diện vẫn còn thấy tiếc: “Do độ mặn hiện tại chỉ còn khoảng 4 – 5‰, nên buộc phải thu hoạch vì tôm bắt đầu chậm lớn, nếu không, chỉ khoảng 2 tuần nữa thôi là có thể thu tôm cỡ 30 con/kg”.

Thay vì nuôi bạt đáy như mọi năm, năm nay, anh Diện có sáng kiến thử nghiệm thay bạt đáy bằng loại lưới mành để giảm chi phí và cả 3 ao (1.600 m2/ao) đều thành công lớn. Anh Diện chia sẻ: “Nếu sử dụng bạt đáy, mỗi ao tốn khoảng 60 triệu đồng, còn sử dụng loại lưới mành này chỉ tốn 16 triệu đồng, nhưng mật độ thả nuôi, tốc độ tăng trưởng và năng suất thì vẫn như nhau”. Chỉ ao tôm đang thu hoạch, anh Diện cho biết: “Như ao này, mặc dù độ mặn xuống thấp, nhưng cũng chỉ 75 ngày tôm đã vào cỡ 54 con/kg, sản lượng ước tính nếu kéo hết cũng khoảng từ 4 tấn trở lên”.

Cũng theo anh Diện, HTX hiện có 60 thành viên, với 60 ha mặt nước nuôi TTCT thâm canh và bán thâm canh với mật độ thả nuôi 200 – 250 con/m2, tất cả đều nuôi 2 giai đoạn, có ao ương riêng và sang ao bằng kỹ thuật sang khô. “Nhờ nuôi 2 giai đoạn, nên chỉ cần 75 ngày là tôm thu hoạch đạt cỡ 50 – 60 con/kg, do đó mỗi năm có thể thả nuôi đến 4 vụ. Theo tổng kết sơ bộ, năm nay hầu hết người nuôi đều có lời, người lời cao nhất trên 800 triệu đồng/vụ, còn người thấp nhất khoảng 200 triệu đồng/vụ” – anh Diện phấn khởi chia sẻ thêm.

Liên kết cùng phát triển

Khi thành lập vào tháng 10/2016, các thành viên HTX Tân Hưng đều là những người nuôi tôm có kinh nghiệm, kỹ thuật lâu năm, nên việc tiếp cận, cập nhật mô hình nuôi mới cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do từ năm 2015 trở về trước, tình hình nuôi không mấy khả quan, nên có nhiều thành viên HTX thiếu vốn, khiến cho việc huy động vốn làm dịch vụ còn khó. Mặt khác, nguồn điện ở đây rất kém, nên việc triển khai nuôi thâm canh, mật độ cao, nhất là nuôi theo công nghệ Biofloc còn khó và chi phí cao.

Điểm mới trong mô hình nuôi là HTX thử nghiệm thành công trên 3 ao nuôi bằng phương pháp lót lưới mành toàn bộ ao nuôi thay cho lót bạt. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí đầu tư theo anh Diện, hình thức nuôi này còn giúp cho ao không bị đục do tôm không thể sục xuống bùn đáy ao để tìm kiếm thức ăn. “Ngoài tiết kiệm chi phí, ao nuôi không bị đục, qua thử nghiệm 3 vụ nuôi, tôi thấy tôm cũng rất mau lớn và màu sắc đẹp, đại lý thu mua rất thích, sẵn sàng trả giá cao”. Mặt khác, do không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, nên giá bán tôm luôn cao hơn bên ngoài khoảng 3.000 đồng/kg.

Trong vụ nuôi vừa qua, dù nguồn vốn hạn chế, nhưng HTX cũng hỗ trợ được cho thành viên của mình mua con giống, thức ăn đến cuối vụ mới trả, nhưng vẫn rẻ hơn bên ngoài 1.000 đồng/kg đối với thức ăn và 10 – 15% đối với con giống. Ngoài ra, con giống cũng được phía doanh nghiệp cung ứng bảo hành trong 30 ngày, nếu có thiệt hại sẽ được phía doanh nghiệp hoàn trả 100%.

Trao đổi về tình hình liên kết trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc HTX Huỳnh Xuân Diện cho biết: “Cũng có nhiều doanh nghiệp tìm đến muốn liên kết với HTX, nhưng qua tìm hiểu, thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ. Do đó, HTX cũng có trao đổi với UBND tỉnh để tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX được liên kết với các doanh nghiệp lớn trong cung ứng đầu vào lẫn đầu ra trong thời gian tới”. Hiện nay, vụ nuôi năm 2017 đã kết thúc, các thành viên HTX tranh thủ cải tạo lại ao nuôi, chờ con nước có độ mặn cao tới là thả nuôi vụ mới.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

 

Khánh Hòa: Đại lý thức ăn cũng “lao đao” sau bão

Sau cơn bão số 12, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, kéo theo các đại lý thức ăn thủy sản cũng lâm vào cảnh khó khăn do không thu hồi được số tiền bán thức ăn nuôi thủy sản.

Nhiều hộ nợ tiền thức ăn nuôi thủy sản

Mua nợ gối đầu

Ông Nguyễn Đình Huân – chủ đại lý thức ăn thủy sản Đình Huân ở tổ dân phố Hội Phước (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đang lo lắng khi những ngày qua, nhân viên kinh doanh của Công ty Tongwei Việt Nam liên tục nhắc nợ khoản tiền thuốc thú y, thức ăn thủy sản mà đại lý còn thiếu. “Những năm qua, người nuôi tôm ở phường Ninh Hà đều khá uy tín. Trong vụ, họ đều lấy chịu thức ăn từ đại lý chúng tôi, đến cuối vụ xuất bán tôm xong là thanh toán toàn bộ số tiền nợ. Tuy nhiên, vụ tôm cuối năm 2017, toàn bộ tôm bị cuốn phăng theo bão, người nuôi không còn gì để trả nợ tiền mua thức ăn. Trong khi đó, công ty không cho nợ nên gia đình tôi đang phải lo tiền trả cho công ty”. Lật cuốn sổ ghi nợ cho chúng tôi xem, trong số người nuôi mua nợ thức ăn cho tôm từ đại lý của gia đình ông, người ít thì 20 – 30 triệu đồng, người nhiều 50 – 60 triệu đồng, tính ra số nợ lên đến cả tỷ đồng. Ngoài đại lý Đình Huân, 3 đại lý bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản tại phường Ninh Hà và các địa phương khác ở thị xã Ninh Hòa đều rơi vào cảnh tương tự, có đại lý số nợ lên đến 2 – 3 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Âu – người nuôi tôm ở khu vực Hà Liên cho biết: “Vụ nuôi cuối năm, gia đình tôi thả nuôi 20 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau 50 ngày nuôi, tôm đã đạt kích cỡ 150 con/kg, chưa kịp xuất bán thì bão ập vào, gia đình tôi mất trắng toàn bộ. Hiện nay, tôi đang nợ 60 bao thức ăn từ đại lý với số tiền 18 triệu đồng”. Qua câu chuyện với chủ đại lý thức ăn, ông Âu đề nghị khoanh lại số nợ này, đồng thời mong muốn đại lý tiếp tục bán chịu cho ông chờ vụ nuôi tới sẽ trả.

Các nậu vựa chuyên bán thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè cũng rơi vào cảnh tương tự. Qua tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi lồng bè lớn ở thị trấn Vạn Giã và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), được biết, các chủ nậu vựa không để nông dân nợ lâu tiền thức ăn mà chỉ gối đầu trong 1 tháng. Tuy nhiên, các hộ nuôi lồng bè thường nuôi với số lượng lớn, chi phí thức ăn nhiều nên số nợ trong 1 tháng của hộ nuôi ít cũng đến 60 – 70 triệu đồng, hộ nhiều 400 – 500 triệu đồng. Một chủ vựa kinh doanh thức ăn ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau cơn bão số 12, số tiền các hộ nuôi tôm lồng bè nợ gia đình tôi hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi muốn thu hồi nợ, người nuôi cũng không có để trả nên đành phải khoanh lại số nợ này, đợi người nuôi phục hồi sản xuất, năm sau thu hồi”.

Mong sự chia sẻ

Được biết, để có vốn kinh doanh, hầu hết các nậu vựa đều vay ngân hàng, trong khi thức ăn đã bung ra, nợ chưa thu hồi được nên rất khó khăn. Các chủ nậu vựa kiến nghị ngân hàng xem xét khoanh nợ, miễn, giảm lãi cho các đại lý kinh doanh thức ăn bị ảnh hưởng do bão.

Theo ông Nguyễn Thược – hộ nuôi tôm hùm lồng ở thị trấn Vạn Giã, sau bão, toàn bộ số tôm của gia đình ông mất sạch, ông đang nợ 60 triệu đồng tiền thức ăn từ nậu vựa. Trước mắt, gia đình ông đang xoay xở để làm lại lồng bè, mua giống để thả nuôi tôm lại, từ đó mới có thể có tiền trả nợ. Gia đình ông Trương Thái Hùng – hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh cũng đang nợ 3 tháng tiền mua thức ăn, với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông cho biết, qua trao đổi, các chủ nậu vựa chuyên cung cấp thức ăn thủy sản cho bè nuôi của gia đình đồng ý khoanh lại số nợ nhưng người nuôi phải chịu lãi suất ngân hàng. Riêng đối với số thức ăn mua mới, phải có tiền mua thì họ mới bán.

Qua trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, các địa phương đều xác nhận thực trạng những hộ nuôi trồng thủy sản ao đìa, lồng bè đang nợ tiền mua thức ăn từ các đại lý, nậu vựa. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong lên đến 16.530 ô lồng, đầm Nha Phu 2.310 ô lồng; thị xã Ninh Hòa 1.025ha ao đìa, huyện Vạn Ninh 640ha ao đìa thì số nợ tiền thức ăn là rất lớn.

Hiện nay, người dân mong muốn bên cạnh việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, các ngân hàng cần xem xét cho người dân vay mới để tái đầu tư; các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản thiệt hại do bão sớm được ban hành, triển khai. Từ đó mới có thể khắc phục được hậu quả, trả các khoản vay, khoản nợ do bão gây ra.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tôm hùm giống đầu mùa có giá thấp

Hiện nay, ngư dân các xã, phường ven biển TP Quy Nhơn như: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng… đã bắt đầu vào vụ khai thác tôm hùm giống.

Tôm hùm giống đầu mùa đang ở mức thấp. 

Hiện tại, tôm hùm sao (tôm hùm bông) có giá dao động từ 220 – 240 ngàn đồng/con, tôm xanh có giá 20 – 30.000 đồng/con. So với cùng kỳ mùa vụ năm trước, giá tôm sao giảm từ 130 – 150 ngàn đồng/con, tôm xanh giảm từ 30 – 50.000 đồng/con.

Theo ngư dân làm nghề đánh bắt khai thác tôm hùm giống cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua đã làm thiệt hại nặng nề đối với các vựa nuôi, nên hiện tại nhu cầu nuôi tôm chưa có nên giá bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng thời tiết bất thường, tôm hùm giống chưa xuất hiện nhiều nên việc đánh bắt không đạt.

Nguồn: Báo Bình Định được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới luôn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mỗi nước.

Sự minh bạch thiết yếu

Băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải tỏa khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang – Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Công ty CP Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử. Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi TTCT theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử. Kết quả của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thanh Hương triển khai mô hình nuôi TTCT theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vẫn nhiều khó khăn

Phương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho người nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Thực tế, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.

Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.