Ngưỡng chịu đựng của ao tôm

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm là khối lượng tôm tối đa mà ao tôm có thể gánh nổi. Đơn vị tính là kg tôm/m2. Ngưỡng chịu đựng này phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng ao nuôi (đáy ao, bờ ao, độ sâu), khả năng đầu tư trang thiết bị (máy quạt, máy thổi khí), chất lượng con giống, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của người nuôi…

Cần quản lý tốt chất lượng ao nuôi tôm

Tác động

Theo các nghiên cứu, càng về cuối vụ nuôi, chất thải (bao gồm phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) càng tích tụ nhiều ở đáy ao, tạo thành lớp bùn đen và sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ tạo thành khí độc như H2S làm tôm chết. Chất thải cũng là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, khi tảo tàn và phân hủy sẽ khiến cho nhu cầu ôxy trong ao nuôi tăng vọt.

Tôm càng lớn thì tổng khối lượng tôm trong ao càng cao, ao nuôi trở nên chật hẹp. Môi trường biến động xấu làm cho tôm suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp người nuôi phải thu hoạch tôm khẩn cấp. Việc làm này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì tốn nhiều tiền mua thuốc chữa trị trước đó, cộng với việc cỡ tôm nhỏ nên giá bán thấp.

Giải pháp kiểm soát

Theo Theo TS Pornlerd Chanratchakool (Thái Lan) giá trị ngưỡng chịu đựng như sau: Tại Thái Lan: Ao sâu 1,5 m, 36 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,8 – 2,5 kg tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng); Việt Nam: Ao sâu 1,2 m, 25 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,3 kg (ao đất) – 1,5 kg (ao bạt) tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng) và 0,6 – 0,8 kg tôm/m2 ao (tôm sú).

– Xác định lượng giống thả vào ao: Người nuôi không nên thả quá dày với tâm lý tôm hao hụt bớt là vừa mà cần phải chủ động thả mật độ vừa phải để tránh gây áp lực quá lớn lên ao nuôi.

– Xác định thời điểm ao tôm tới ngưỡng: So với giá trị ngưỡng ao đất là 1,3 kg/m2 thì tôm vẫn còn phát triển tốt vì chưa đạt ngưỡng. Như vậy, trước khi tôm đạt ngưỡng, người nuôi cần chủ động thu tỉa để tạo môi trường thông thoáng giúp tôm phát triển tiếp hoặc chủ động tăng cường quạt khí cũng như kiểm soát mật độ tảo thích hợp (không cho tảo quá dày).

Ao nuôi tôm công nghiệp cần có độ sâu từ 2 – 2,5 m, đảm bảo giữ được nước cao nhất từ 1,6 – 1,8 m. Mật độ thả hợp lý đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 – 80 con/m2. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần đảm bảo máy quạt đầy đủ, người nuôi nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trong ổn định các chỉ số môi trường ao nuôi khi có biến động do thời tiết.

Cùng đó cũng cần lưu ý, sau những cơn mưa kéo dài nên kiểm tra lại độ pH trong ao. Nếu độ pH giảm thấp thì dùng vôi nông nghiệp hòa tan trong nước với liều lượng từ 10 – 20 kg/1.000 m3; duy trì mực nước trong ao từ 1,3 – 1,8 m để tránh sự biến động của yếu tố môi trường. Đối với hiện tượng tảo tàn, người nuôi có thể bón phân vi sinh, để khử khí độc trong ao nên sử dụng men vi sinh định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm có chứng nhận, nâng cao giá trị sản phẩm

Các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau đang hình thành nhiều tổ hợp tác (THT), HTX kiểu mới. Bước đầu đã có một số HTX nuôi tôm sạch đạt chứng nhận quốc tế. Đây là xu hướng mới để ngành tôm mở rộng qui mô SX, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu tôm Việt Nam.

Chuyển biến mới

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… bắt đầu hình thành một số HTX nuôi tôm sạch và mở hướng liên kết SX theo chuỗi giá trị. Đặc biệt từ sau khi thực hành nuôi tôm có chứng nhận, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc kháng sinh, đến kỳ thu hoạch có DN bao tiêu sản phẩm, tổ chức thu mua nên loại hẳn nạn bơm chích tạp chất. Điều này đang được các nhà nhập khẩu nước ngoài đồng tình, quan tâm theo dõi.

Vùng nuôi tôm sạch đạt chuẩn ASC của HTX Hòa Nghĩa (Sóc Trăng)

Từ đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của WWF (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) tại Việt Nam, Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp các cơ quan chuyên ngành và DN của tỉnh, HTX Hòa Nghĩa (xã Hòa Đông, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bắt đầu trải nghiệm quá trình tập huấn kỹ thuật, thực hành áp dụng quy trình nuôi tôm theo chuẩn quốc tế ASC (Aquaculture Stewardship Council – nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm). Sau hơn 1 năm, đến cuối tháng 6/2017 HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa được Chương trình Nuôi trồng Thủy sản và Thực phẩm của WWF Việt Nam trao giấy chứng nhận quốc tế ASC về nuôi tôm bền vững. Nhà nhập khẩu Nordic Seafood (Na Uy) và Cty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cùng đến tham dự, chứng kiến sự kiện.
Theo HTX Hòa Nghĩa, vào cuối tháng 6/2017 sản phẩm tôm nuôi theo chuẩn ASC đã được Cty Stapimex bao tiêu với giá cao hơn thị trường 15 – 20%. Từ sản phẩm tôm sạch đạt chuẩn ASC, Cty Stapimex chế biến xuất khẩu sang Na Uy. HTX Hòa Nghĩa có 29 thành viên, với diện tích ao nuôi 90 ha, mỗi năm SX cung ứng khoảng 600 tấn tôm thương phẩm. Từ nền tảng ban đầu vào năm 2013 HTX đã nuôi tôm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năm nay các hộ thành viên nuôi đạt chuẩn ASC thêm tự tin vì sản phẩm được DN bao tiêu với giá cao.

Xây dựng chuỗi liên kết

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản tỉnh Sóc Trăng là tổ chức lại các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt đối với vùng nuôi tôm nước lợ. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư cho vùng nuôi trọng điểm, hợp tác sản xuất theo hình thức tổ, nhóm. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tỉnh Sóc Trăng thành lập mới 1 HTX và 7 THT, nâng tổng số lên 22 HTX và 183 THT thủy sản.
Kết quả sau gần 2 năm thực hiện liên kết về chuỗi SX và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, hiện nay về thực hiện liên kết đầu vào có 5 HTX/THT với diện tích 197 ha liên kết các nhà cung ứng vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống, bạt lót). Việc thực hiện mô hình liên kết giúp bà con sử dụng vật tư với giá thấp hơn so với mua ở các đại lý bên ngoài đồng thời kiểm soát tốt hơn chất lượng. Về liên kết đầu ra toàn tỉnh có 11 HTX/THT với diện tích 337 ha đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các công ty yêu cầu người nuôi tôm phải áp dụng theo các quy chuẩn nuôi tôm sạch, đảm bảo chất lượng theo chuẩn ASC, VietGAP. Trong khi thực trạng đa số hộ nuôi đều quy mô nhỏ lẻ nên việc mua với số lượng lớn/lần khá khó khăn. Vì vậy yêu cầu của DN đối với các tổ nhóm tham gia ký kết phải có kế hoạch SX cụ thể.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, nhìn nhận: Các HTX nuôi tôm đạt tiêu chuẩn sạch, thực hiện liên kết SX theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả đã trở thành những điểm sáng. Lợi nhuận các hộ thành viên tăng cao hơn, dần nâng cao nhận thức về thực hành nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 1 HTX đạt chứng nhận nuôi tôm theo chuẩn ASC, 2 HTX/THT nuôi tôm áp dụng thực hành nuôi tốt đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo chương trình tuyên truyền về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP cho người nuôi tôm nước lợ, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có thêm 2 HTX/THT được chứng nhận VietGAP.
Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối viên quốc gia về thực phẩm bền vững của WWF Việt Nam:

HTX Hòa Nghĩa nhận giấy chứng nhận ASC

Từ đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp các cơ quan chuyên ngành và DN tập huấn kỹ thuật, thực hành áp dụng quy trình nuôi tôm theo chuẩn ASC (một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) cho 30 HTX (Sóc Trăng 17 HTX, Bạc Liêu 5 HTX và Cà Mau 8 HTX).
Hiện nay người nuôi tôm nhỏ lẻ cung cấp sản lượng tôm nuôi chiếm phần lớn và lượng nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC chỉ khoảng 5%. WWF Việt Nam nhắm tới các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực về kiến thức, thông qua các mô hình điểm HTX/THT với mô hình liên kết tam giác 3 nhà SX – DN chế biến XK – nhà nhập khẩu.

HTX thành lập từ năm 2003 có diện tích ao nuôi 26,6 ha, đến năm 2012 chuyển đổi theo Luật HTX. Theo hướng SX tôm sạch và liên kết SX, tất cả 20 hộ thành viên trong HTX đồng lòng, thừa nhận vào HTX SX đồng loạt theo thời vụ gặp nhiều mặt thuận lợi hơn. Khâu đầu vào khi mua tôm giống HTX liên kết với 3 công ty cung ứng giống. Thức ăn thủy sản HTX liên kết với 2 công ty, đến cuối vụ thu hoạch tôm bán cho Cty CP Thủy sản sạch Việt Nam và một số công ty khác.
Tuy HTX có phương án SX kinh doanh nhưng vốn ít. Vốn điều lệ của HTX chỉ có 162 triệu đồng và hoạt động chủ yếu nhờ vốn tín dụng nội bộ. Kế hoạch năm 2018 HTX tiếp tục vận động bà con bên ngoài tham gia, mở rộng qui mô SX và tổ chức liên kết SX theo chuỗi giá trị; đồng thời tranh thủ vốn vay từ ngân hàng, liên minh các HTX để làm dịch vụ cung ứng đầu vào – đầu ra giúp các hộ thành viên tăng thêm lợi nhuận.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đồng Tháp: Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Chiều ngày 22/11, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương có buổi tiếp và làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thuỷ sản Nam miền Trung về việc thực hiện thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng vốn sinh sống ở vùng nước mặn thích ứng với vùng nước ngọt để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Tháp.

Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cho biết, Công ty cần khoảng 50 ha để đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao, với nhiều mô hình để nông dân tiếp cận quy trình nuôi mới. Cùng với đó là chủ động nguồn tôm giống thuần ngọt tại chỗ, kiểm soát nước thải, môi trường, nguồn nước và thâm canh đối với tôm.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty trao đổi về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, thích ứng nước ngọt

Công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho cán bộ thuỷ sản và người nông dân. Bước đầu, Công ty sẽ hỗ trợ giống và hướng dẫn quy trình để người dân nuôi thử nghiệm – ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương thống nhất với đề xuất của Công ty và chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty khảo sát địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn, theo dõi quá trình thuần ngọt của tôm thẻ chân trắng và chọn 4 – 5 hộ nông dân cùng thực hiện; đồng thời, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan thực tế mô hình nuôi tôm của Công ty.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Dương đã khảo sát mô hình sản xuất tôm của Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung tại Bình Thuận.

Được biết, Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cũng đang đầu tư tại Long An trại vèo thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng thích ứng với nước ngọt.

Để nuôi được tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất.

Buổi làm việc với Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung nhằm mục tiêu nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, phù hợp với môi trường tự nhiên, giải quyết bài toán tạo nước mặn ở vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hiện tại, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn áp dụng.

Nguồn: Đồng Tháp GOV được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới – Nuôi tôm càng xanh toàn cái

Các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

 Nuôi tôm càng xanh toàn cái có sự đồng đều và kích thước lớn hơn. 

Trong nghề nuôi giáp xác, kích cỡ hình thái giữa đực và cái là yếu tố chính quyết định lợi thế của nuôi trồng thuỷ sản đơn tính so với các quần thể hỗn hợp cả hai giới tính. Yếu tố này đặc biệt phù hợp đối với tôm càng xanh, Macrobrachium rosenbergii vì sự phức tạp của quá trình nuôi do cấu trúc xã hội phức tạp của đối tượng này, trong đó đàn những cá thể đực chiếm ưu thế, thường tranh giành lãnh thổ và ức chế sự tăng trưởng của những con đực và con cái nhỏ hơn.

Do đó, các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

Thí nghiệm

Trong báo cáo này, các nhà khoa học đã có đánh giá thực địa so sánh trên quy mô lớn lần đầu tiên của quần thể tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp tôm với điều kiện nuôi cùng mật độ ở hình thức quảng canh và thâm canh trong ao đất. Nghiên cứu dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học mới của Isreal dựa trên phương pháp sinh học mới bằng việc tiêm vào tế bào tuyến nội tiết nhằm tạo ra tôm càng xanh toàn cái.

Kết quả

Trong cả hai điều kiện nuôi thâm canh và quảng canh, ao nuôi tôm càng xanh toàn cái đã cho kết quả tốt hơn so với ao nuôi hỗn hợp cả hai giới tính trong hầu hết các thông số chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm tỷ lệ sống và sản lượng trên một ha (năng suất).

Tăng trọng của ao nuôi tôm toàn cái ở hình thức quảng canh và thâm canh

So sánh sự tăng trọng giữa hai nhóm tôm nuôi

Ngoài ra, những ao thả cá có mật độ thả cao cho thấy tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt hơn trong ao nuôi tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp. Hơn nữa, trong khi kích thước trung bình không khác biệt đáng kể giữa ao nuôi thì quần thể tôm toàn cái thể hiện sự thống nhất về kích thước lớn hơn đáng kể.

Kết luận

Nghiên cứu của các nhà khoa học Isreal cho thấy rằng đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, việc nuôi tôm toàn cái là một phương pháp bền vững để sản xuất một vụ tôm thành công và đồng nhất.

Nguồn: Sciencedirect được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Xuất khẩu tôm vươn ra 93 thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vươn rộng ra 93 thị trường trên thế giới, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.

Và tăng trưởng tốt trong nhiều tháng qua, dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng mạnh vào dịp lễ Noel và năm mới 2018.

1. Chủ động nuôi

Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nuôi tại ĐBSCL những tháng cuối năm 2017 được dự báo thuận lợi, nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm, thị trường đầu ra rộng mở.

Là đơn vị sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Kiên Lương, Kiên Giang) rất chú trọng phát triển vùng nuôi nhằm chủ động nguyên liệu tại chỗ.

Ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư 650ha vùng nuôi, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước thả nuôi. Dù đã thời điểm cuối vụ nhưng Cty vẫn duy trì thả nuôi gần 20 ao (5.000m² mặt nước/ao), tôm nuôi được từ 40 – 60 ngày tuổi. Nếu thuận lợi, tôm nuôi khoảng 85 – 90 ngày sẽ cho thu hoạch, với năng suất từ 10 – 15 tấn/ao. Ngoài tôm đông lạnh trong kho, thì đây sẽ là nguồn cung tôm rất quan trọng trong những tháng cao điểm cuối năm.

Các tập đoàn chế biến tôm xuất khẩu lớn tại ĐBSCL thời gian qua cũng rất chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) đang sản xuất tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) với diện tích tự đầu tư trên 900ha. Ngoài ra, tập đoàn còn liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho khoảng 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác trong vùng, khoảng 100.000ha nữa. Đây sẽ là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến, xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có gồm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Tại Bạc Liêu, nhiều đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) tổng diện tích đầu tư nuôi 60ha, thả nuôi được 20ha mặt nước. Trong đó, 10ha nuôi trong nhà lưới mật độ 100 – 150 con/m² và 10ha nuôi ngoài trời mật độ 60 – 80 com/m² hiện tại thu hoạch được 3ha, sản lượng 90 tấn, diện tích đang còn tôm là 17ha. Chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) đầu tư với tổng diện tích toàn khu hơn 315ha, đang tiếp tục xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

2. Đầu ra rộng mở

Theo các đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua khá ấn tượng, với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Trung Quốc (63,3%), Hà Lan (35,1%), Anh (29,5%), Hàn Quốc (28%), Nhật Bản (27,7%), Canada (21,5%).

Hiện nay, Cty CP Trung Sơn đang xuất khẩu tôm qua các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với mặt hàng chính là tôm đông lạnh nguyên con và tôm chế biến giá trị gia tăng cao. Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ, được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và chủ động thu hoạch theo đứng kích cỡ (size) khách hàng yêu cầu nên sản phẩm của Trung Sơn luôn dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao

Theo đại diện VASEP, hiện nay châu Âu rất chú trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản xuất bền vững. Nhiều nước EU xem đây là điều kiện bắt buộc để thủy sản được chấp nhận vào thị trường. Các quy trình sản xuất bền vững, an toàn với dịch bệnh, môi trường như: tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ… tại Việt Nam đang được các thị trường này rất ưa chuộng. Trong khối thị trường châu Âu thì Hà Lan, Anh và Bỉ là ba nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, 9 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến đạt 26.290 tỷ đồng, tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng có bước tăng trưởng tốt, 9 tháng ước đạt 357,63 triệu USD, tăng 38,63% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy hải sản, với 54,97%.

Còn tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 750 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt gần 120 triệu USD.

Ông Phan Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, hiện các thị trường như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang nhập mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý IV sẽ tăng cao. Khả năng đạt chỉ tiêu 1,1 tỷ USD trong năm nay là rất lớn.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ

Ngày 11-11, Tập đoàn Việt – Úc đã công bố chương trình sản xuất tôm bố mẹ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu, chọn tạo, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ cùng tôm giống ngay trong nước là cấp bách và rất quan trọng trong việc chủ động nguồn tôm giống phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2020.

Hiện mỗi năm cả nước nhập khẩu 230.000 con giống, trong khi chỉ có 2 đơn vị được công nhận sản xuất giống thủy sản mới là Tập đoàn Việt – Úc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 sản xuất được 20.000 – 25.000 con giống/năm. Nhu cầu này sẽ tăng lên 400.000 – 500.000 con giống/năm 2025.

Năm 2015, Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao được Bộ NN-PTNT công nhận giống mới là đóng góp quan trọng chọ sự phát triển chung ngành tôm Việt Nam.

Đây là kết quả của hơn 5 năm triển khai chương trình chọn giống tôm bố mẹ thẻ chân trắng mà Tập đoàn Việt – Úc hợp tác với Viện CSIRO. Hiện đã chọn được giống thế hệ G7 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 48%. Từ chỗ nguồn tôm bố mẹ chủ yếu được sản xuất từ Mỹ, Singapore, Thái Lan, nay Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ riêng.

Dịp này, Tập đoàn Việt – Úc ký kết hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Đại học Nông Lâm TP, ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang và một số tỉnh nhằm sản xuất ra tôm giống phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tổng công suất các trại nuôi của Tập đoàn Việt – Úc trên 50 tỷ con giống/năm.

Nguồn: Vietuc.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chất lượng tôm giống Nam Trung bộ đứng đầu!

Tôm giống SX tại Nam Trung bộ được người nuôi trồng thủy sản đánh giá đứng đầu cả nước. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống “ra lò”, các DNSX tôm giống đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

“Thủ phủ” tôm giống lâu đời

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ tôm giống lớn nhất cả nước. Hàng năm, các cơ sở SX tại khu vực này cung cấp khoảng 50% lượng tôm giống nước lợ cho người nuôi tôm khắp các tỉnh, thành, số còn lại SX tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,…) cùng một số tỉnh phía Bắc.

Tôm giống sản xuất tại Nam Trung bộ được người nuôi tôm ưa chuộng

Nghề SX tôm giống ở Bình Thuận bắt đầu hình thành từ những năm 1990 với vài cơ sở nhỏ lẻ ở khu vực Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Sau đó bung ra rất mạnh giai đoạn 1996-1998, và đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở SX giống thủy sản, với hơn 600 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân. Hiện Bình Thuận đóng góp sản lượng tôm giống chiếm 20% thị phần cả nước nhưng chiếm 70-80% về con giống chất lượng.

Ông Lưu Quyết Tiến, Phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, sở dĩ tôm giống ở đây có chất lượng hàng đầu bởi ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như nguồn nước sạch, độ mặn nước biển ổn định, thì các DN còn có truyền thống, kinh nghiệm làm tôm giống nhiều năm, tâm huyết với nghề, chịu đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHKT…

Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, coi trọng chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống, như Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Việt Úc), Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty Thông Thuận, Cty Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển, DNTN Tuấn Cự… Mỗi năm tỉnh SX trên 20 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nuôi mau lớn.

Còn tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, với hơn 1.200 trại tôm. Trong đó 2 vùng SX giống tập trung lớn nhất đã được quy hoạch ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải); ngoài ra còn có khu vực SX giống nhỏ lẻ ở Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…

Hàng năm Ninh Thuận xuất ra thị trường khoảng 25- 30 tỷ con tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi nội địa 30-40%, còn lại bán đi các tỉnh ngoài. Về chất lượng, tôm giống ở đây cũng đứng tốp đầu, được người nuôi ưa chuộng.

Không ngừng nâng tầm chất lượng

Để nâng cao chất lượng, các DN tôm giống ở cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô SX. Các cơ sở đều chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ SX con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh.

Ông Phan Tuấn Cự, GĐ DNTN Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: Trong lúc này, nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại, tôm giống nhập khẩu về nhiều sẽ “bóp chết” các cơ sở trong nước. Xác định được như vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

Thứ nhất, thường xuyên tu sửa, nâng cấp các bể ươm nuôi. Thứ 2, áp dung quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch nhất; áp dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh. Thứ 3, chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Thứ 4, nguồn thức ăn mua của các Cty, tập đoàn uy tín, đảm bảo tôm ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống, các cơ sở SXKD ngoài việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho SX thì chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Do đó các cơ sở tôm giống trong tỉnh đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gen di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.

Dẫn chúng tôi tham quan sở sở tôm giống của mình, ông Phan Tuấn Cự cho biết, hiện DN đã quy hoạch khu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống thành các khu SX riêng biệt. Để có nguồn nước nuôi ương tốt nhất, DN đã mua 2 máy lọc nước UF, đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm riêng, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm.

DN chỉ chọn nhập tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng khuẩn tốt; áp dụng công nghệ vi sinh (không có kháng sinh) trong SX để cho ra đời những mẻ con giống tốt nhất. Hàng năm DN cung cấp cho người nuôi trên 1 tỷ con giống, hang SX ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí cháy hàng.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định: Chúng tôi quyết giữ vững chất lượng tôm giống hàng đầu cả nước. Ngoài tăng cường kiểm soát đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao để chất lượng tôm giống không ngừng nâng lên. Đồng thời tháo gỡ các bất cập, đơn giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tổng kết tình hình sản xuất muối và artemia

Ngày 15-11, tại Nhà văn hóa xã Vĩnh Tân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TX. Vĩnh Châu tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất muối, artemia năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Sản xuất artemia ở Vinh Châu.

Theo báo cáo, tổng diện tích sân nền sản xuất muối là 50,3ha, sản lượng thu hoạch 2.400 tấn, năng suất bình quân 47,7 tấn/ha và sản lượng muối mà diêm dân sau thu hoạch tiêu thụ được 63%, giá muối dao động từ 600 đồng – 750 đồng/kg; hiện số muối còn dự trữ tại hộ khoảng 880 tấn. Theo bà con diêm dân, sau thu hoạch trừ các khoản chi phí thì sản xuất muối mang lại lợi nhuận 3 triệu đồng/ha.

Đối với artemia, diện tích thả nuôi là 694ha, đạt 100% kế hoạch, có 302 hộ tham gia, sản lượng trứng bào xác thu hoạch gần 13.400kg, năng suất bình quân ước 19kg/ha, sau khi artemia hết cho trứng thì thu sinh khối bán với số lượng 117.950kg, giá trứng bình quân từ 1 – 1,1 triệu đồng/kg, ước giá trị hơn 14,7 tỉ đồng, người dân lợi nhuận đã trừ chi phí là 18 triệu đồng/ha.

Trong quá trình sản xuất, bà con gặp thuận lợi trong chỉ đạo sản xuất của các ban ngành địa phương nên đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật do ngành chuyên môn chuyển giao trong kỹ thuật sản xuất muối, nuôi artemia, kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến các quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh thuận lợi đã nêu, tình hình sản xuất tại hộ dân được các đại biểu chia sẻ còn gặp một số khó khăn, như: thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến làm muối, việc thả nuôi artemia; hiện các kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng làm ảnh hưởng trong việc lấy nước lên ruộng nuôi, nguồn vốn hỗ trợ còn hạn hẹp, khó tiếp cận vốn ngân hàng, đầu ra sản phẩm phụ thuộc thương lái.

Trong năm 2018, kế hoạch sản xuất muối trên địa bàn TX. Vĩnh Châu dự kiến 100ha, sản lượng 5.000 tấn và artemia sản xuất 650ha, sản lượng trên 30 tấn, năng suất khoảng 50kg/ha.

Để vụ mùa thành công cũng như tiêu thụ tốt sản phẩm sau thu hoạch, đồng chí Trương Văn Đúng nêu giải pháp trọng tâm, gồm: đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ ở các hợp tác xã về nạo vét kênh cấp thoát nước bị bồi lắng, sạt lở, gia cố đường vận chuyển muối; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; mở các lớp chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất muối, artemia; đề xuất các chính sách đầu tư vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các hộ dân và hợp tác xã, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; nâng cao chế biến tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ.

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Nuôi tôm trên núi kiếm trăm triệu mỗi năm

Hàng chục hộ dân tại tỉnh Đồng Nai từ lâu sinh sống bằng nghề nuôi tôm trên núi đá. Hàng chục ha diện tích mặt nước trong xanh giúp họ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nghề nuôi tôm ở vị trí đặc biệt này tồn tại từ lâu tại xã Trà cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hiện ở địa phương này có gần 50 ha mặt nước trong xanh trên núi dành để nuôi tôm.

Thu hoạch tôm ở Trà Cổ

Cách đây đến vài chục năm, nghề nuôi tôm trên núi đá ở đây đã hình thành. Những hồ nước hình thành trong không gian tuyệt đẹp, khí hậu trong lành lại đem đến nguồn thu nhập nuôi sống người dân.

Tôm được nuôi ở các hồ đá là loại tôm càng xanh, thân lớn, thịt chắc thơm ngon. Thức ăn dành cho chúng không phải thức ăn công nghiệp mà là cám từ bắp và các loại thực phẩm tạp ở miền quê do người dân tự chế biến.

Sản phẩm tôm trên núi

Theo một cán bộ xã Trà Cổ, hiện tại địa phương có khoảng 45 hộ làm nghề nuôi tôm càng xanh. Anh Đoàn Nam Quốc, một hộ nuôi tôm, cho biết nhà anh có hai hồ nuôi với tổng diện tích vài nghìn m². Mỗi đợt thu hoạch tôm cách nhau khoảng 4 tháng. Tôm nước ngọt có màu pha xanh bắt mắt, có con dài đến 25cm, trung bình cứ khoảng 10-15 con nặng 1kg.

Việc nuôi tôm ở vùng núi mang nét độc đáo của địa phương

Hiện, tôm này có giá gần 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm với diện tích 1 ha, người nuôi tôm thu về khoảng 200-300 triệu đồng.

Các hộ nuôi tôm cho biết cứ đến đợt thu hoạch thương lái từ các vùng đến thu mua.

Nụ cười mùa thu hoạch

Theo các cán bộ địa phương, hầu hết các hồ có diện tích lớn hình thành lâu đời từ đặc thù địa chất, cũng có nơi ở vùng trũng người dân tự khơi thành ao sử dụng tạo nên nguồn sống mang nét đặc thù cho vùng đất này.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.