Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lai tạo giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển và trồng giống chuối Cavendish cải tiến kháng lại loài nấm gây bệnh nhiệt đới TR4, còn gọi là bệnh héo rũ Panama ở cây chuối.

Trong một thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên đất bị nhiễm mầm bệnh TR4, giống chuối Cavendish chuyển đổi bằng một gen lấy từ chuối tự nhiên vẫn hoàn toàn không có mầm bệnh TR4. Các kết quả vừa được đăng tải trong tạp chí Nature Communications.

Những điểm chính của nghiên cứu:

  • Giống chuối Cavendish Grand Nain đã được cải biến với gien RGA2 lấy từ các phân loài chuối tự nhiên của Đông Nam Á là Musa acuminata ssp malaccensis kháng mầm bệnh TR4.
  • Giống chuối Cavendish cải tiến (RGA2-3) vẫn không mang mầm bệnh TR4 trong ba năm thử nghiệm.
  • Ba giống chuối khác được biến đổi với RGA2 cho thấy sức đề kháng mạnh, với 20% hoặc ít hơn các cây có biểu hiện bệnh trong ba năm.
  • Ngược lại, 67% -100% các giống chuối khác sau ba năm cây sẽ chết hoặc bị nhiễm TR4, bao gồm một biến thể Giant Cavendish 218 được tạo ra thông qua nuôi cấy mô ở Đài Loan và cho thấy có khả năng chịu được TR4.

Cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 do Giáo sư James Dale, Trung tâm trồng cây nhiệt đới và các sản phẩm sinh học của Đại học Công nghệ Queensland chủ trì thực hiện. Nghiên cứu đã được thực hiện trên một trang trại chuối thương mại bên ngoài Humpty Doo thuộc miền bắc Úc trước đây bị ảnh hưởng bởi TR4. Đất trồng cũng bị tái nhiễm nặng nề với dịch bệnh do thử nghiệm.

Giáo sư Dale cho biết kết quả là một bước đi quan trọng để bảo vệ ngành chuối xuất khẩu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD, vốn đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bệnh TR4. Ông nói: “Những kết quả này rất thú vị vì nó có nghĩa là chúng ta có một giải pháp có thể được sử dụng để kiểm soát căn bệnh này”.

TR4 có thể tồn tại trong đất trong hơn 40 năm và không có biện pháp kiểm soát hóa học hiệu quả. Căn bệnh này là một vấn đề rất lớn, nó đã tàn phá các đồi trồng chuối Cavendish ở nhiều nơi trên thế giới và nó đang lan rộng khắp Châu Á. Đó là một mối đe dọa rất lớn đối với sản xuất chuối thương mại trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên đồng ruộng ở miền bắc nước Úc, phát triển 4 dòng chuối RGA2 cho thấy sự đề kháng với mầm bệnh cũng như những dòng mới được cải tiến của giống chuối biến đổi gien Cavendish Grand Nain và Williams.

Giáo sư Dale nói: “Mục tiêu là chọn dòng Grand Nain tốt nhất và dòng Williams tốt nhất để đưa vào sản xuất thương mại. Trong khi ở Úc, chúng tôi chủ yếu trồng giống chuối Williams, ở những nơi khác trên thế giới, giống chuối Grand Nain rất phổ biến”.

Giáo sư Dale cho biết mối tương quan giữa hoạt động của gien RGA2 và sức đề kháng TR4 đã giúp mở ra những nghiên cứu mới.

Nguồn: Mard.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thanh Hóa: Tỉnh cấm, nông dân cứ chặt cây cao su vì để thì… đói

Mặc dù cao su từng được coi là cây “vàng trắng” và đang ở thời kỳ thu hoạch, nhưng giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay khiến người dân Thanh Hóa phải ồ ạt chặt bỏ loại cây để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đua nhau chặt bỏ… “gánh nợ”

Cách đây hơn 20 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời.

Người dân xã Quảng Phú ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa. Ảnh: Bùi Oanh

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000ha diện tích cây cao su, trong đó có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch. Các huyện có diện tích cây cao su lớn như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng chỉ trồng được 1ha vì người dân không còn mặn mà với loại cây này.

Năm 1997, khi chính quyền xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Hơn 144ha đất của 202 hộ nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng cao su, theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.

Sau hơn 10 năm cây cao su cho thu hoạch mủ, vài năm đầu giá mủ cao, người dân có lãi nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su, rồi tiếp đó là việc ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được xem như“vàng trắng”.

Gia đình chị T (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 6.500m2 đồi cao su trong sự cay đắng. Chị T cho biết: “Mất 20 năm công sức chăm sóc cao su mới cho thu hoạch được vài năm, dù không muốn chặt bỏ nhưng cũng phải chặt thôi, càng để càng lỗ đau. Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuống rất thấp, mỗi ngày vợ chồng tôi đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí. Nhiều năm nay gia đình tôi đã không đến lấy mủ cao su ở vườn trồng của mình nữa. Nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để cao su như vậy thì không biết lấy gì mà sống. Vẫn biết chính quyền ra lệnh cấm không cho chặt bỏ cao su, nhưng đành phải liều thôi”.

Nhìn 14 sào cao su hơn 5 năm nay không thu được nổi 1 đồng nào, bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú) nói trong xót xa: “Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 – 9.000/kg mủ tươi, quần quật làm cả ngày trời cũng không thu nổi 100.000 đồng thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lên xã cầu cứu, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, thời hạn hợp đồng chưa hết nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì dân chỉ có chết đói”.

Không chờ được sự đồng ý của chính quyền, nhiều hộ dân tại xã Quảng Phú đã tự ý chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa và các loại cây trồng khác. Chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

Khó giữ diện tích cao su?

Những gốc cây cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định… Chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng khó xử khi trên thì ra lệnh giữ nguyên diện tích cao su, còn đa phần người dân thì kiến nghị chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhằm nuôi sống gia đình.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trước đây, toàn xã có hơn 144ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30ha và khoảng 30ha khác do đổ gãy. Hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80ha. Theo hợp đồng trông cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay xã chỉ thu 100.000 đồng/sào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su vì hợp đồng chưa hết, nếu chặt bỏ là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó cho người dân khi cao su không đem lại lợi nhuận, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Xã đang cho cán bộ rà soát lại diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su” – ông Quyết nói.

Ông Lê Thọ Cường – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thọ Xuân cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha cây cao su nhưng hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp. Nhiều xã và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác” – ông Cường nói.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao su…

Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 292 triệu USD.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%) và Trung Quốc (52,7%).

Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.

Còn với mặt hàng cao su, do giá cao su tăng mạnh (giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016), nhu cầu tăng nên khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% về khối lượng nhưng tăng tới 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.

Mặt hàng thủy sản cũng là một điểm sáng của xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%) và Canada (22,7%).

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có mức tăng nhẹ là chè (tăng 10,2% về khối lượng, 8,9% về giá trị ), hạt điều (tăng 1% về khối lượng, 23,2% về giá trị), gỗ (tăng 10,5%).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Gỡ bỏ 12 thủ tục sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thủy sản

Trong phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ bãi bỏ 12 thủ tục hành chính và quy định trong lĩnh vực này.

Nhiều thủ tục về Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y sẽ được bãi bỏ

Các thủ tục và quy định này nằm rải rác trong nhóm thủ tục hành chính (TTHC) từ khi nuôi/sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số có 83 TTHC trong nhóm này. Trong đó: Lĩnh vực Chăn nuôi có 23 TTHC, lĩnh vực Thú y có 43 TTHC và lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có 17 TTHC.
Trong số 12 thủ tục xem xét bãi bỏ gồm 7 thủ tục ở lĩnh vực Chăn nuôi, 1 thủ tục trong lĩnh vực Thú y và 4 thủ tục của lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Lĩnh vực Nông lâm sản và Thủy sản dự kiến bãi bỏ 4 thủ tục

Một số thủ tục điển hình được xem xét bãi bỏ như: Cấp giấy phép nhập khẩu giống vật nuôi ngoài danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn; Các thủ tục về thẩm định điều kiện vệ sinh thú y (được quy định các dạng cơ sở cụ thể) do Trung ương và địa phương quản lý…

Nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi được bãi bỏ

Ngoài 12 thủ tục đề nghị bãi bỏ trong nhóm thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT đang dự kiến đơn giản hóa 49 thủ tục khác trong lĩnh vực này. Ước tính tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa TTHC nhóm này khoảng 27%, tổng chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được hơn 483 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

“Đột nhập” trang trại rau sạch

Trang trại trồng rau rộng hơn 4.000m2 nhưng chỉ có 2 công nhân phụ trách chăm sóc, thu hoạch; muốn vào thăm phải qua nhiều lớp cửa, phải khử trùng giày dép bằng vôi bột; vừa tham quan vừa vặt rau, trái thưởng thức ngay tại vườn, không cần rửa… Đó là những trải nghiệm của chúng tôi sau một ngày ở Trang trại trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm (48, đường en Biển, phường 12, TP.Vũng Tàu).

Anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm kiểm tra chỉ số dinh dưỡng cung cấp cho rau cải.

Ăn rau không cần rửa

Theo đúng hẹn, 7 giờ 30, chúng tôi có mặt tại Vifarm. Chị Trần Ngọc Trinh, kỹ sư của Vifarm dẫn chúng tôi đi qua 3 lớp cửa – trong đó có một đoạn rắc vôi bột – mới vào được nơi trồng rau. Chị Trinh giải thích, vôi bột để diệt vi khuẩn, mầm bệnh từ ngoài theo giày, dép của khách vào. Bình thường, trang trại có 2 công nhân đảm nhận các khâu chăm sóc, thu hoạch rau, nhưng hôm chúng tôi đến, chỉ có một người làm vì khoảng 1/3 diện tích đang trong giai đoạn khử trùng để chuẩn bị cho mùa rau Tết.
Trước mắt chúng tôi là hệ thống 52 giàn chữ A trồng rau thủy canh hồi lưu. Mỗi giàn đều có bảng ghi đầy đủ thông tin như: tên cây trồng, xuất xứ, ngày ngâm hạt, ngày gieo, ngày lên giàn (dự kiến), ngày thu hoạch (dự kiến), mã vạch truy xuất… Chị Trinh cẩn thận kiểm tra từng giàn cây, ghi chép các thông số vào sổ. Thấy một cây xà lách Ý có biểu hiện sâu trên lá, chị Trinh lật qua lật lại lá rau và bắt được con sâu gần bằng đầu đũa rồi chị tách cây riêng ra vị trí khác để theo dõi. Sau đó, chị cẩn thận lật từng lá của những cây xà lách xung quanh để kiểm tra đến khi thấy “an toàn” mới thôi.

Chị Nguyễn Thị Tài thu hoạch dưa leo tại trang trại Vifarm.

Sau khi thăm quan khu vực trồng rau thủy canh, chúng tôi đến khu vực trồng rau theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khoảng 100 gốc dưa leo Hà Lan và 500 gốc cà chua bi đang ra trái. Dưa leo đã trồng được hơn 1 tháng, nhiều cây trĩu quả, đạt trọng lượng chừng hơn 200 gram/trái. Chị Nguyễn Thị Tài, công nhân của trang trại cho biết, nếu để thêm vài ngày nữa khi hoa ở cuống trái rụng, dưa leo có thể đạt trọng lượng 300 gram/trái. Tuy nhiên, thời điểm này trang trại đã thu hoạch vì dưa đang rất ngon. Chị Tài mời tôi nếm thử một số rau, trái trong vườn mà không cần rửa. Thấy khách chần chừ, chị Trinh đưa trái dưa leo lên ăn trước, như để chứng minh cho khách rằng rau, quả ở đây bảo đảm an toàn tuyệt đối. Xong, chị bốc nắm đất trồng cải cầu vồng để kiểm tra độ ẩm. “Trồng theo phương pháp tưới nhỏ giọt, cải cầu vồng phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn và nhìn bắt mắt hơn. Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm để đưa ra phương án trồng tốt nhất”, chị Trinh vừa ghi vào cuốn sổ tay vừa cho biết.

Học sinh tham quan trang trại Vifarm.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Khác với cách trồng rau thông thường, ở Vifarm, rau được trồng trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động bằng công nghệ của Israel. Rau được trồng trên giá thể xơ dừa hoặc thủy canh hồi lưu, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào. Việc bổ sung dinh dưỡng cho rau được tính toán trên máy vi tính, căn cứ vào công thức đã tính toán xong, kỹ thuật viên mới đưa dưỡng chất vào nước cung cấp cho rau. Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch rau từ 30-60 ngày như phương pháp trồng rau truyền thống. Trồng rau công nghệ cao có mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại, năng suất ổn định, ít bị sâu bệnh, được giá và dễ tiêu thụ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, 3 cơ sở của Vifarm cung cấp 10 tấn rau, trái cho 500 khách hàng, là các hộ gia đình tại BR-VT và một số công ty cung cấp suất ăn chất lượng cao, nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Không tiết lộ tổng chi phí đầu tư ban đầu, nhưng anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm lạc quan, sau 2 năm trang trại có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
Anh Mạnh chia sẻ, vì lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng, năm 2015, anh cùng người bạn là Cao Nhật Anh Tú – kỹ sư của một công ty dầu khí – rủ nhau làm trang trại trồng rau sạch để sử dụng trong gia đình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, bàn thảo, hai người quyết định chọn công nghệ trồng rau của Israel, đặt mua hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, tưới tự động và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Vũng Tàu. Xơ dừa được mua từ các tỉnh miền Tây, một số loại hạt giống của Việt Nam, còn lại đa số phân vi sinh và hạt giống đều được nhập khẩu. Anh cũng thuê kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật. Vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm nên việc trồng rau của các anh khá thuận lợi. “Ban đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm một số loại rau để xem có phù hợp với điều kiện tự nhiên hay không, có đạt năng suất như kỳ vọng hay không, khi thấy hiệu quả mới mở rộng và trồng đại trà”, anh Mạnh chia sẻ. Từ ý tưởng ban đầu là trồng rau sạch tự cung tự cấp cho gia đình, anh Mạnh và anh Tú đã quyết định mở rộng diện tích trồng rau để cung cấp cho thị trường. Theo đó, năm 2016, họ đã mở thêm cơ sở tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (2ha) và năm 2017 mở thêm cơ sở tại tỉnh Kon Tum (30ha, đang canh tác 2.600m2).
Trồng rau hiệu quả, anh Mạnh, anh Tú cũng chủ động thuê người quản lý và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng Internet. Ngoài facebook, zalo, Vifarm còn có website riêng: vifarm.org, giới thiệu quy trình trồng rau, các sản phẩm hiện có và giá thành của hơn 20 sản phẩm trên các trang web này để người tiêu dùng nắm được và đặt hàng. “Các sản phẩm của Vifarm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT. Sản phẩm có mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và quá trình tăng trưởng của cây. Chúng tôi đang làm thủ tục để sản phẩm của Vifarm được cấp chứng nhận GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu). Chúng tôi đã làm việc với các đối tác tại Singapore, Nhật Bản, Mỹ để sau khi được cấp chứng nhận GlobalGAP, sẽ xuất khẩu rau ra nước ngoài”, anh Mạnh cho biết.
Giá rau của Vifarm từ 35.000-100.000 đồng/kg, tùy loại. Một số mặt hàng đã có thương hiệu như: cải bó xôi, cải Kale, cải cầu vồng, xà lách Ý, cà chua bi socola, cà chua đen… Ngoài cung ứng rau, Vifarm còn nhận lắp đặt giàn rau thủy canh hồi lưu, hệ thống trồng tưới nhỏ giọt cho rau, cây ăn trái cho các hộ gia đình. Đặc biệt, chỉ cần liên hệ trước, các cơ quan, đơn vị, trường học, có thể đến thăm quan, tìm hiểu mô hình trồng rau theo công nghệ tiên tiến tại Vifarm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đưa tỏi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, vì sao?

Từ lâu, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn xa khắp nước và ra nhiều nơi trên thế giới. Với việc đưa tỏi Nhật vào trồng “cạnh tranh” trực tiếp với tỏi Lý Sơn trên hòn đảo có diện tích đất trồng tỏi rất ít ỏi này, cơ may tồn tại và phát triển của tỏi Lý Sơn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Vùng trồng tỏi ở Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn. Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản). Ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc công ty này giới thiệu giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha, giá mỗi kg khoảng 180 ngàn đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhà nông học Lê Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế) tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Quảng Ngãi sẽ cho phép giống tỏi voi Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.

Theo ông Dũng, tỏi Lý Sơn là đặc sản, nổi tiếng không chỉ trong nước. Đây là giống tỏi quý chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này. Trong đó, đặc biệt nhất là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển. Việc cho chủ trương trồng tỏi Nhật Bản trên đảo Lý Sơn, theo nhà nông học này, đó là xu hướng chung hiện nay ở nước ta là thích “của ngoại” và thường nghĩ rằng giống ngoại là tốt nhất.

Tiến sỹ, nhà nông học Lê Tiến Dũng.

Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa”, TS Dũng nói. Bởi theo ông, tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu”.

Là người lâu năm trong nghiên cứu nông học, ông Dũng chia sẻ: Nhiều chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản mà ông từng làm việc đã từng cảnh báo về việc chúng ta quá say sưa nhập giống của nước ngoài, trong đó có giống của Nhật Bản. Trong khi người Nhật bản đi thu thập giống của Việt Nam về để dùng. Còn việc Việt Nam có giống tốt thì không dùng mà đi làm điều ngược lại.

Ở các nước phát triển, chính sách bảo hộ nông sản rất được coi trọng. Các nước xem quỹ gen là nguồn tài sản quý, vô giá của quốc gia nên đầu tư kinh phí rất lớn để lập các ngân hàng quỹ gen. Các nước thu thập các nguồn gen không chỉ trong nước và cả nước ngoài để làm tài sản quốc gia và rất được coi trọng. Còn tại nước ta hiện nay, lãnh đạo các địa phương ít chú trọng việc này mà chỉ quan tâm đến những vấn đề khác, trong đó có lợi ích kinh tế trước mắt. Việc này để lại hậu quả là thế hệ con cháu mất những sản vật quý, đặc sản, đặc trưng chỉ có ở những vùng miền.

Theo ông Dũng việc nhập các giống cây trồng, nguyên tắc chung phải được nhà nước thông qua bằng các nghị định thư, các hiệp định trao đổi sản phẩm khoa học… Các nước muốn trao đổi phải có nghị định thư trao đổi các sản phẩm khoa học. Việc nhập một giống mới phải qua con đường khảo nghiệm giống. Nhà nước kiểm nghiệm từ các khâu và phải qua kiểm dịch thực vật. Sau đó sẽ theo dõi giống đó về đâu, theo dõi, đánh giá và báo cáo thường xuyên. Thông qua Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp sẽ đánh giá cho phép sản xuất chứ không được tùy tiện.

“Muốn đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Việt Nam phải qua con đường khảo nghiệm, được nhà nước và vùng sản xuất chấp nhận thì mới mở rộng sản xuất. Cơ quan khảo nghiệm sẽ là trọng tài đồng ý cho phép sản xuất. Hội đồng đánh giá nhà nước có văn bản đánh giá đồng ý cho phép thì mới cho phép sản xuất ở vùng đó”, nhà nông học Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quy định là vậy, tuy nhiên theo TS Dũng, gần đây một số giống cây trồng các địa phương tự nhập về bỏ qua khâu khảo nghiệm. “Phép vua thua lệ làng”, về mặt quản lý nhà nước phải đứng bên ngoài, tiếng nói do địa phương quyết định.

“Nếu nhà nước cho phép, giống tỏi Nhật Bản đưa vào vùng khác của Quảng Ngãi thì được. Riêng Lý Sơn thì đừng. Nếu tỏi Lý Sơn mất thì mất một thương hiệu, mất một dư địa chí cho sản phẩm đặc sản. Diện tích eo hẹp như vậy thì nên độc nhất một giống tỏi Lý Sơn”, ông Dũng cho biết.

Nguồn: Kinhtenongthon.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành công văn đề xuất danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao trong nông nghiệp.

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:

I.  Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

–  Sản xuất các giống cây trồng nhiễm sinh vật gây hại (sậu, bệnh) nặng trong sản xuất.

–  Công nghệ, quy trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất (phân bón, thuốc BVTV hóa học)

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–  Các giống vật nuôi bản địa.

c) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ máy móc, thiết bị kèm công nghệ sản xuất các loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp, có khả năng gây hại môi trường.

–  Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và bảo quản thủy sản.

–  Công nghệ tạo giống thủy sản bằng phương pháp biến đổi gien.

–  Công nghệ chế biến bột cá dạng hở.

d) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt.

–  Công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn dư hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hàm lượng cao.

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín (arsenic).

đ) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật và các lĩnh vực khác.

–  Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

–  Công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng chưa được thử nghiệm độ an toàn.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài

a) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng thủy sản thuộc sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế

b) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sản xuất, nhân giống các loại cây trồng thuộc danh mục quý hiểm hạn chế xuất khẩu

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

– Công nghệ nhân, nuôi sinh vật gây hại cây trồng.

– Công nghệ sản xuất phân bón, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–   Các giống vật nuôi, nguồn gien quý hiếm (cấm xuất khẩu).

c) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất keo dán gỗ Urea-Formaldehyhe (UF), Melamine Urea-Formaldehyhe (MUF) và Phenol-Formaldehyde có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT.

–  Công nghệ sử dụng các loài sinh vật ngoại lai (động vật, thực vật và vi sinh vật) thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

d) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

–  Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).

Nguồn: Khuyennongvn.gov.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu

Từ nhà khoa học đến người nông dân ai ai cũng đinh ninh rằng thuốc sâu độc hại nhưng không có nó thì sẽ mất mùa ngay. Thế nhưng có một nơi cả xã đã 10 năm nay không hề dùng đến thuốc sâu mà vẫn được mùa liên tiếp…

Những nông dân biết sám hối

Đó là một buổi chiều mùa hè năm 2013, ông Nguyễn Xuân Điện (thôn Động Giã, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi làm đồng về, quần vẫn xắn móng lợn, người mướt mải mồ hôi, nói như reo lên với vợ rằng: “Bà nó ơi, hôm nay tôi ra hái mấy mớ rau muống ở cánh đồng Sú mà có ba con đỉa bám vào chân đấy! Đỉa lại xuất hiện ở làng mình rồi!”.

Đối với lão nông này thì bất kỳ sinh vật nào trên đời đều có quyền được sống, quyền bình đẳng dưới ánh sáng mặt trời.

Người dân cương quyết từ chối dùng bình thuốc sâu

Đã 10 năm nay dân làng ông, xã ông từ chối dùng thuốc trừ sâu. Cân bằng sinh thái trên đồng đã được tái lập mà bằng chứng là sự xuất hiện trở lại của đỉa, của bọ rùa, của chuồn chuồn kim, của xén tóc…

Đồng làng lại thơm mùi lúa chứ không còn tức ngực bởi mùi thuốc sâu sặc sụa. Đồng làng lại sáng sáng, chiều chiều từ trẻ con, người già đến các nam thanh, nữ tú quây quần ra ngồi hóng mát. Đồng làng lại có người tuốt đòng đòng để cắn chắt mà không sợ bị ngộ độc thuốc, hít hà hơi lúa mới đang lên sữa bên trong hạt mà không sợ bị ho hen vì hóa chất…

Cho đến nay, anh nông dân Nguyễn Đình Thắm ở Động Giã vẫn còn ám ảnh tội lỗi trước kia mình đã phải dùng đến chất diệt ốc bươu vàng: Thuốc vừa rời khỏi tay người là mặt nước bắt đầu nổi sóng. Các sinh vật bên dưới quằn quại và giãy giụa. Đầu tiên là tôm nổi lên, búng được vài cái rồi chết chìm. Kế đến là cá, chúng như bị thần kinh, lao đầu tứ tung, đâm cả vào bờ rồi chết rục. Lươn, chạch nằm sâu ở dưới bùn cũng phải bơi lên, giật đùng đùng rồi chết lập lờ ngang mặt nước. Cuối cùng là con ốc, gặp thuốc thì chúng chìm sau đó cả buổi mới chết nổi. Dã man quá! Diệt một con ốc bươu vàng thôi mà bao con phải chết theo…

Trước đây, nông dân dùng thuốc sâu bừa bãi theo thói quen. Gieo mạ xong thì phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong thì phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái thì phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt thì phun kích thích cho mã hạt đẹp, màu không bị rám. Tính ra mỗi vụ trung bình 4 – 5 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí mà thảm khốc nhất phải kể đến những buổi thuốc ốc, thuốc cỏ.

Anh Thắm cảm thấy tội lỗi khi nhớ lại cảnh rắc thuốc diệt ốc trước đây

Trong một buổi rắc thuốc như thế, anh Thắm bị chất độc ngấm vào người say lử lả. Miệng muốn nôn mà không thể nôn được, đầu váng vất như phải cảm còn khớp tay, khớp chân đau nhức như như có giòi bò ở bên trong, mãi chục ngày sau mới lại người. Hãi thuốc sâu từ dạo đấy nên hiện nay gia đình anh dù cấy đến 1,1 mẫu ruộng nhưng không hề dám phun một giọt hóa chất nào mà năng suất lúa vẫn đạt khá cao 1,5 – 1,7 tạ/sào.

Gieo mầm lành, gặp quả phúc

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Đoạt và bà Vũ Thị Tị năm nay đã tròm trèm tuổi thất thập nhưng vẫn còn cấy tới 1,2 mẫu vì làm ruộng bây giờ nhàn quá, công đoạn nào cũng có máy móc trợ giúp lại chẳng phải dùng đến thuốc trừ sâu. Trước đây, cũng như bao vùng quê khác, mỗi khi vào vụ ông bà vẫn thường phải “tắm mình” trong chất độc.

Cho đến khi ông Đoạt trở thành học viên của lớp IPM đầu tiên của xã năm 1992, được thầy giáo giảng về tác hại của việc lạm dụng thuốc, của ích lợi do các loại thiên địch như nhện, như bọ dừa, như chuồn chuồn kim, như kiến ba khoang… đem lại. Kể từ đó, làng xóm dần dần vắng bóng bình phun thuốc và giờ đây gần như tuyệt nhiên không nhà nào còn giữ. Thỉnh thoảng cũng có một vài công ty thuốc đến tiếp thị, cho không sản phẩm nhưng dân làng cũng chỉ lịch sự cười và xua tay.

Ông Đoạt ngợi ca hạt thóc của nhà mình, nhờ cấy thưa mà lúa mọc đều, từng hạt, từng hạt vàng óng như kén tằm, năng suất đạt 1,5 – 1,7 tạ/sào với một giống rất “đỏng đảnh” như là Bắc Thơm số 7 kể cũng là một sự lạ. Mỗi vụ gia đình thu về 1,8 tấn thóc, giữ lại 8 tạ để ăn còn đâu đem bán, đút túi gọn gàng 4 triệu đồng tiền lãi để dưỡng già.

Còn bà Tị thì lại mê mẩn vẻ đẹp bình dị của cánh đồng làng. Mỗi lần ra đó là hồn bà như có muôn đợt sóng vỗ về, rào rạt ở bên trong. Bà yêu cánh đồng bằng cả tấm lòng chân thật, thủy chung từ thủa thanh nữ đến lúc về già đủ để tinh tế cảm nhận từng biến chuyển của nó theo từng ngày, từng tháng. Lúa trỗ rồi lúa uốn câu, đỏ đầu bông, dần dần vào chắc. Mùi thơm của cánh đồng chuyển từ hương cốm non thành hương cốm già, nồng nàn chứ không còn man mác nữa.

Niềm vui trên cánh đồng sạch

Đồng sạch, tôm, cá, cua, chạch đua nhau sinh sôi, nảy nở. Những buổi mưa rào đám con cháu bà Tị lại rủ nhau mang chũm ra đồng kéo cá còn những hôm nắng lửa thì chúng đeo giỏ, mang móc ra đồng bắt cua. Tôm béo thơm, cua béo ngậy, cá béo bùi càng đẩy đưa bữa cơm canh thanh đạm, quê mùa nhưng hễ đặt vào môi là trôi ngay xuống cổ.

Anh Nguyễn Đăng Miền – cán bộ HTX Nông nghiệp Đỗ Động khẳng định với tôi rằng ở đâu phun thuốc thì vụ nào, năm nào cũng phải dùng vì cánh đồng đã mất đi thiên địch, mất đi sự cân bằng sinh thái. Thuốc độc diệt sinh vật có hại đồng thời diệt luôn cả sinh vật có lợi. Mà thói đời, “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” thứ có hại bao giờ cũng phát triển nhanh hơn thứ có lợi, bệnh tật bùng phát là vì thế.

Phải tôn trọng thế cân bằng của cánh đồng như tôn trọng chính con người. Tổ khoa học của HTX vỏn vẹn 4 người là thành viên đại diện cho 4 thôn trong xã. Họ thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện các ổ dịch để tuyên truyền cho dân làng biết mà phòng ngừa, nếu có dịch thì chỉ dập ở ổ chứ không bao giờ phun tràn lan, đại trà cả cánh đồng.

“Đã mấy năm nay, chưa bao giờ chứng kiến dịch nào đủ lớn để phải phun cả. Vụ này tuy là lúa bị bạc lá, khô vằn nhưng nông dân cũng quyết định không phun bởi vì bạc lá là do vi khuẩn gây ra có phun thuốc cũng vô ích còn khô vằn tuy có nhiễm nhưng mật độ không đáng kể, phun thuốc chỉ làm mất đi các thiên địch có ích. Tổ khoa học chỉ tổ chức phun thuốc duy nhất một lần để phòng khi cây mạ chuẩn bị ra ngôi (khoảng 15 ngày tuổi) còn người dân thì không bao giờ phải động đến hóa chất độc hại. Thế mà ở Đỗ Động chúng chưa bao giờ chịu cảnh mất mùa kể cả năm 2013 lụt lội khiến lúa chậm phát triển nên gặp đúng đợt dịch sâu đục thân phá hoại, năng suất giảm xuống thấp nhất nhưng vẫn đạt 1 tạ/sào”, anh Miền nói.

Còn anh Trần Đình Tuyến – Bí thư xã Đỗ Động thì xác nhận với tôi rằng với tổng số 400ha lúa, 30ha rau mỗi vụ nhưng địa phương mình không hề có một cửa hàng bán thuốc trừ sâu nào, không hề có cảnh nông dân đi phun thuốc, không có bao bì thuốc vứt trên mương máng, đường nội đồng. Bởi thế mà hạt gạo sạch được trân quý, không chỉ để ăn mà còn gửi biếu cho họ hàng ở trong Nam, cho con em trọ học ngoài nội thành.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.