Dưa chuột lựa vụ mang lại thu nhập cao

Trước và sau tết đến nay, trên các vùng trồng dưa chuột tập trung của huyện Gia Lộc (Hải Dương) ngày nào cũng có hàng chục tư thương thu mua tại đầu bờ với giá cao.

                                                ruộng dưa chuột

Thời gian qua, nhiều loại nông sản rớt giá thảm hại, giá bắp cải chỉ còn 1.000 – 1.500 đ/kg, su hào 600 – 700 đ/củ, cà chua 1.000 – 1.500 đ/kg, giá thịt lợn hơi, giá  tăng chậm, nhiều hộ nông dân không có lãi. Trong khi đó, một số hộ rất phấn khởi vì biết vận dụng quy luật cung cầu của thị trường, trồng rau, quả trái vụ, lựa vụ cho thu nhập cao.

Trước và sau tết đến nay, trên các vùng trồng dưa chuột tập trung của huyện Gia Lộc (Hải Dương) ngày nào cũng có hàng chục tư thương thu mua tại đầu bờ với giá cao. Kẻ mua và người bán đều phấn khởi, giá dưa chuột có ngày lên đến 25.000 đ/kg, cuối tháng 2 giá dưa vẫn giữ mức 6.000 – 7.000 đ/kg. Ước tính mỗi sào dưa chuột lựa vụ sau khi trừ hết chi phí về giống, làm đất, phân bón, dóc làm giàn, thuốc BVTV còn thu nhập ngày công và lãi từ 6 – 7 triệu đồng, 1 ha thu nhập trên 160 triệu đồng trong khoảng thời gian trên 3 tháng.

Theo phòng NN-PTNT Gia Lộc, diện tích trồng dưa chuột đông xuân sớm toàn huyện là trên 30ha, ước giá trị sản xuất đạt trên 8 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Thê ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang chia sẻ: “Nhà tôi trồng dưa chuột đã nhiều năm. Những năm trước đây trồng giống dưa chuột Yên Mỹ của Hưng Yên. Qua tìm hiểu, tham quan khu đồng trồng trình diễn giống Dưa chuột nếp số 1 của Viện Cây lương thực – cây thực phẩm, tôi trồng 2 sào 3 thước. Dưa chuột nếp số 1 chịu rét khá tốt, phân nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh hơn hẳn so với giống dưa chuột Yên Mỹ, sau trồng khoảng 45 ngày cho thu quả lứa đầu.

Về thời vụ, phải gieo cấy kết thúc trước ngày 15/12, thời gian cây trong bầu 12 – 15 ngày. Vụ đông xuân ít nắng, rét nhiều nên làm luống trồng theo hướng Đông Tây, bón lót nhiều phân chuồng hoai mục trung bình 1 sào khoảng 5 tạ, bón phân lân và kali nhiều, giảm lượng đạm so với các vụ khác.

Để chống rét cho cây con dùng khum và nilon trắng. Dùng bạt che hướng Bắc và Đông Bắc cao khoảng 2,5m để giảm bớt hiện tượng táp lá do gió. Mặc dù, trồng vụ đông xuân sớm năng suất có giảm hơn so với chính vụ nhưng thu nhập cao, đặc biệt là năm nay 1 sào dưa chuột thu bằng gần 1 mẫu su hào”.

Ông Đỗ Văn Hồng ở xã Đồng Quang vui vẻ cho biết: “Để trồng dưa chuột đông xuân sớm phải dùng các giống chịu lạnh như Dưa chuột nếp số 1 là rất thích hợp, chịu rét khá tốt, hình thức đẹp, quả dài 18 – 25cm, đặc ruột, ăn giòn, vị đậm, vỏ quả màu xanh và có gai, được thị trường ưa chuộng, dễ bán, giá cao hơn so với các giống dưa chuột khác.

Năm nay, thời tiết ấm, khô nên dưa chuột sinh trưởng khá tốt, ít bệnh cho năng suất khá 8 – 9 tạ/sào. Ở xã tôi mọi nhà đều gieo cấy từ ngày 10 đến hết tháng 11 âm lịch. Nhà tôi gieo đầu tháng 11 nên thu lứa đầu trước tết. Năm nay dưa chuột sớm là nhất, mỗi sào thu 9 – 10 triệu đồng”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phân bón sản xuất bằng ánh sáng mặt trời

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện cách thức sử dụng ánh sáng Mặt Trời để tổng hợp amoniac, thành phần quan trọng trong việc sản xuất phân bón.

Theo UPI, hiện nay có hai cách chính để tổng hợp amoniac (NH3) từ khí nitơ (N2). Đầu tiên là biện pháp sinh học, vi khuẩn có trong nốt sần của rễ cây họ đậu và một số loài cây khác sử dụng protein nitrogenase biến đổi nitơ thành amoniac. Cách thứ hai dựa trên quy trình công nghiệp Haber – Bosch, gồm nhiều phản ứng hóa học ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.

Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng.Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng. 

Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ hợp tác với Đại học Colorado, tìm ra quy trình tổng hợp mới, khai thác tiềm năng sinh hóa của nitrogenase trên quy mô sản xuất công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu kết hợp nitrogenase với tinh thể nano của hợp chất cadmium sulfide (CdS). Năng lượng ánh sáng Mặt Trời kích thích các electron trong tinh thể nano, tạo ra sự chuyển đổi nitơ thành amoniac. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 22/4.

“Bí quyết nằm ở chỗ kết hợp các tinh thể nano bán dẫn có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt Trời với nitrogenase, chất xúc tác tự nhiên giúp chuyển đổi nitơ thành amoniac”, Gordana Dukovic, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Hiện nay, sản xuất phân bón là một quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ mới mang đến hy vọng sản xuất phân bón theo cách bền vững hơn.

“Sử dụng ánh sáng Mặt Trời để thực hiện những phản ứng hóa học xúc tác khó mở ra tiềm năng chế tạo các hóa chất mới và sản xuất nhiên liệu hiệu quả hơn”, Katherine Brown, nhà nghiên cứu tại NREL, chia sẻ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực, thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp) cho biết đã chọn, tạo được giống lúa mới cho năng suất cao.

                                        Chọn tạo giống lúa mới, năng suất cao

Giống lúa mới có tên gọi HTY100, cho gạo ngon, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ, đã được đăng ký thương hiệu độc quyền Thiên Hương HYT100.

Đặc biệt, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 125–130 ngày vụ xuân muộn; 105–110 ngày với vụ mùa sớm. Chiều cao của cây là 95–100cm, đẻ nhánh khoẻ, bộ lá xanh vừa, góc lá đứng, khả năng chống đổ, chịu rét và chống sâu bệnh khá tốt, năng suất cao: vụ xuân 75–90 tạ/ha; vụ mùa 65–70 tạ/ha.

Được biết, giống lúa mới HYT100 được công nhận là giống lúa tạm thời từ năm 2005, hiện đã được trồng khảo nghiệm ở các địa phương như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương.

Kết quả khảo nghiệm tại các vùng trên cho thấy, giống lúa nói trên cho năng suất cao, chất lượng hạt đều.

Theo PGS, TS Nguyển Trí Hoàn – Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm thì việc phát triển và nhân rộng giống lúa lai 3 dòng HYT100 đã và đang góp phần vào việc phát triển thị trường lúa gạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác của người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trong thời gian tới giống lúa lai 3 dòng HYT100 sẽ được nhân rộng chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Hồng và trong tương lai sẽ nghiên cứu thổ nhưỡng của các vùng miền khác để đưa giống lúa vào gieo trồng” . PGS, TS Nguyển Trí Hoàn cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Giải mã bộ gene loài đậu thông dụng nhất trung mỹ

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu cao cấp Cinvestav của Mexico vừa giải mã thành công bộ gene của loài đậu thông dụng nhất tại quốc gia này và toàn bộ vùng Trung Mỹ.

Phóng viên tại Mexico dẫn thông báo ngày 23/2 của giáo sư Alfredo Herrera Estrella cho biết qua hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Cinvestav đã tìm ra bộ gồm 26.500 gen của loài đậu có tên khoa học Phaseolus Vulgaris.

Việc tìm ra bộ gene này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh giá cả lương thực trên thế giới tăng caoTìm ra bộ gane loài đậu

Trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu sẽ sàng lọc những gene trội, cho phép cây đậu chịu hạn tốt, thích ứng với môi trường khắc nghiệt, có khả năng chống chọi với nhiều loại bệnh và lai tạo ra các dòng đậu cho năng suất cao.

Theo giáo sư Herrera Estrella, việc tìm ra bộ gene này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh giá cả lương thực trên thế giới tăng cao.

Trong tương lai gần, Mexico sẽ tiến hành khoanh vùng và ưu tiên thâm canh loại đậu này để góp phần giảm đói nghèo tại các vùng sâu vùng xa thông qua tăng năng suất và sản lượng cây trồng.

Đây là kết quả công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia có tên gọi “Dự án PhasIbeAm” với tổng chi phí gần 2,5 triệu USD, được thực hiện với sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học đến từ 21 quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Sau công trình này, các nhà khoa học thuộc Cinvestav tiếp tục nghiên cứu để giải mã gene của 12 loại đậu khác ở Mexico và các nước Trung Mỹ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp việt nam

“Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại đang bị tách khỏi nền nông nghiệp. Đất cho vùng nhiên liệu sinh học gần như không còn”. Viện trưởng Viện KH Vật liệu ứng dụng trao đổi về việc thiết lập, bảo tồn mối quan hệ nhiên liệu sinh học – nông nghiệp Việt Nam.

                  Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp Việt Nam 

Trao đổi của PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng xung quanh sự nghiệp phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Việt Nam, đặc biệt là việc thiết lập và bảo tồn mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho biết, NLSH (còn gọi là nhiên liệu xanh) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

Song hành vĩnh cửu

– Là người nghiên cứu lâu năm về NLSH, xin ông cho biết thêm về mối quan hệ giữa NLSH với nông nghiệp?

Mối quan hệ qua lại của tất cả các tác động lên vạn vật bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu. Sự khác biệt chỉ là tốt ít hay tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều. Làm sao cho cái tốt nhiều, giảm thiểu cái xấu đến một mức độ có thể, luôn là mục tiêu của KH&CN.

NLSH cũng vậy, nó cũng có hai mặt. Nếu sử dụng đất nông nghiệp (đất tốt để sản xuất lương thực, thực phẩm) cho mục đích nhiên liệu, thì ta được lợi về mặt nhiên liệu, nhưng phía sau đó là ta phải nhập lương thực, thực phẩm, rau quả. Như vậy, lợi ít mà hại nhiều. Nếu sử dụng đất hoang hóa, đất bị bạc màu để trồng cây lấy dầu thì lợi nhiều mà hại ít. Nếu trên các nương đồi chỉ trồng sắn (củ mỳ), thì ta sẽ được tinh bột cho lương thực và làm nhiên liệu, nhưng ta đang khai tử vùng đất đó. Phải nhiều năm sau, cỏ mới mọc lại trên vùng đất đó, mà chủ yếu là cây cỏ tranh mới đủ sức sống ở đó.

Nông nghiệp trong đó có lúa gạo, khoai sắn, ngô, đậu là nguồn sống chính của người và gia súc. Các dạng thức ăn lên men công nghiệp cho gia súc có thể tăng nhanh số lượng, nhưng kèm theo đó là sự tăng trưởng đến chóng mặt của các loại bệnh lạ, làm hại đến sức khỏe của người. Nếu chúng ta nhớ lại hai, ba chục năm trước đây, khi chưa có thức ăn công nghiệp, gia súc của chúng ta hầu như không có các loại bệnh nan y. Sở dĩ như vậy, vì thức ăn của người và gia súc xuất phát từ nông nghiệp tự nhiên. Cho nên, nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta thu hẹp diện tích nông nghiệp tự nhiên, sống dựa vào nền nông nghiệp lai tạo và chất kích thích tăng trưởng, ta sẽ là nạn nhân của chính chúng ta.

– Vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào?

NLSH có nghĩa là nhiên liệu được sản xuất ra từ sản phẩm của nền nông nghiệp. Mà sản phẩm của nền nông nghiệp là loại sản phẩm có thể tái tạo. Sự tái tạo ở đây không phải là sự “sống lại”, mà là sự lặp lại chu kỳ sinh trưởng tự nhiên. Do đó, nguyên liệu cho NLSH sống mãi với nền nông nghiệp, không mất đi như dầu mỏ, chỉ mất đi khi nền nông nghiệp bị tiêu diệt! Vì vậy, chiến lược phát triển NLSH phải đi đôi và đồng bộ với chiến lược phát triển nông nghiệp.

Thật phi lý khi bộ Công thương lập chiến lược phát triển NLSH, trong khi Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, nơi chỉ đạo và QLNN về nền nông nghiệp lại chỉ là cơ quan phối hợp! Điều này chứng tỏ chúng ta chưa thực sự hiểu hết về nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác, chúng ta vẫn tách NLSH khỏi nền nông nghiệp. Đây là một sai lầm rất lớn và sẽ phải trả giá, nếu không thay đổi quan điểm.

– Nói như thế có nghĩa là NLSH ở ta chưa thực sự phát triển. Vậy, nguyên nhân chính là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân chính là do cách quản lý và thực hiện của ta có vấn đề. Nếu đọc kỹ đề án phát triển NLSH của Việt nam đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều con số rất ấn tượng. Nhưng các con số này chưa nêu được những biện pháp cụ thể, trong đó, cần chỉ rõ đất ở đâu, vùng nào trồng cây gì… Đất nông nghiệp (tạm xem là đất ở vùng có khả năng cải tạo để sử dụng cho mục đích sản xuất lương thực, thực phẩm) đang dần biến thành khu công nghiệp, sân golf, du lịch sinh thái… Vậy lấy đâu ra đất để qui hoạch vùng NLSH?

Điều các nhà khoa học, các nhà sản xuất NLSH, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu quan tâm là ngày nào, tháng nào, năm nào, NLSH sẽ được chính thức hóa ở Việt nam? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng? Cơ quan nào có trách nhiệm cung ứng? Thì không biết đến bao giờ mới có? Nếu không có những căn cứ cụ thể đó, ai dám xây dựng một nhà máy vài trăm tỷ rồi ngồi chờ đến lúc được phép sử dụng! Có những người dám đầu tư hàng trăm ngàn hec ta đất để trồng nguyên liệu, vì họ hiểu rằng, dầu là vàng! Nhiều nước sẵn sàng mua hết, kể cả mỡ cá với giá cao! Không biết đến năm 2025, ta có nguyên liệu để sản xuất NLSH hay không?

Phát triển NLSH: Lắng nghe thiên nhiên, bảo vệ đất

– Chúng ta nên làm gì để có thể phát triển nguồn NLSH một cách bền vững?

Có nhiều cách để phát triển NLSH (cả xăng và dầu diesel sinh học), chứ không chỉ có mía, sắn để làm cồn, đậu tương biến đổi gel để làm dầu… Cần phải lắng nghe và đồng cảm với thiên nhiên của ta. Đừng vội phá hoại nó cho một mục đích trước mắt để tạo ra nhiên liệu sinh học mà phá vỡ đi sự hài hòa của thiên nhiên và nông nghiệp Việt Nam.

Đừng thấy người Brazin trồng nhiều mía và trở thành cường quốc của NLSH, rồi ta cũng phá ruộng trồng mía. Đừng thấy Mỹ trồng bắp lai có năng suất cao rồi ta cũng bắt chước trồng bắp lai. Đừng thấy Ấn Độ trồng jatropha rồi ta cũng chặt cây sở, cây trẩu, cây cao su để trồng jatropha.

Các nhà sinh vật học vẫn cho rằng Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học. Hãy tôn trọng điều đó và từ đó, tìm cho mình một hướng đi để phát triển NLSH. Tất cả những gì thái quá đến cực điểm, sẽ có mẫu số chung là thảm họa. Nhìn thấy trước thảm họa để tránh, hơn là khắc phục thảm họa.

– Vậy thì, phát triển NLSH nên dựa trên những nguyên tắc nào, theo ông?

Thứ nhất, tất cả các cơ sở sản xuất NLSH phải được xây dựng trên nguyên lý công nghệ không bã thải.

Thứ hai, vùng nguyên liệu mới chỉ nên phát triển ở vùng đất kém hiệu quả kinh tế, đồng thời, phải bố trí đan xen các lọai nguyên liệu khác nhau, không độc canh. Trồng để cải tạo và phát triển chứ không trồng để bóc lột đất.

Thứ ba, hãy tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt nhân dân vùng sâu, vùng xa tham gia sản xuất nguyên liệu cho NLSH. Triết lý “góp gió thành bão” chính là cơ sở lý luận của công nghệ không bã thải.

Thứ tư, luôn nhớ rằng, NLSH có tính nhân văn, không phải để làm giàu, mà để bảo vệ trái đất, để xóa đói giảm nghèo, để trái đất xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Từ những nguyên lý đó, dẫn đến việc bố trí trồng nguyên liệu sao cho phù hợp với từng khu vực và trồng những cây gì để hài hòa sinh thái, để bảo vệ đất. Điều này, các nhà khoa học nông nghiệp hiểu rất rõ.

Việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có tài nguyên thực vật và sản phẩm nông nghiệp) sẽ tạo ra một mạng lưới nguyên liệu cho NLSH. Chỉ có thể phát triển bền vững, nếu ta kết hợp một cách hài hòa lợi ích của thiên nhiên với lợi ích của con người

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hệ thống giúp nông dân israel tưới nước bằng smartphone

Các doanh nghiệp Israel phát triển công nghệ tưới tiêu thông minh cho nông dân với sự hỗ trợ của chính phủ.

Nhiều nông trường ở Israel đang sử dụng SupPlant, một nền tảng ứng dụng trực tuyến có thể thu thập dữ liệu theo thời gian thực từ hệ thống cảm biến tại đồng ruộng và cung cấp phản hồi liên tục tới nông dân.

SupPlant sử dụng các cảm biến chuyên theo dõi đất đai, thời tiết cũng như các cảm biến giám sát nhiệt độ của lá, kích thước của quả cùng nhiều thông số khác để giúp nông dân xác định những thay đổi trong quá trình tăng trưởng của cây trồng, dấu hiệu của tình trạng thiếu nước, đồng thời cho phép họ ra lệnh tưới nước cho cây trồng tùy theo nhu cầu của cây.

Chia sẻ với PV, ông Ori Ben Ner, đồng sáng lập SupPlant, nhà cung cấp công nghệ Tưới tiêu dựa trên tăng trưởng cây trồng (Growth-Based Irrigation) Israel, cho biết để có được chỗ đứng trên thị trường, công ty phải trải qua rất nhiều khó khăn.

“Thách thức lớn nhất là chúng tôi đưa ra công nghệ mới dành cho người tiêu dùng đã quen với cách thức cũ trong nhiều năm. Việc bán ra sản phẩm mới luôn luôn khó khăn”, ông Ner nói.

Tuy nhiên, ông khẳng định sau khi trải nghiệm công nghệ mới, khách hàng của Suplant đã nhận thấy rõ hiệu quả. Họ có thể kiểm soát vùng canh tác bằng một chiếc điện thoại thông minh.

Hệ thống tưới tiêu của SupPlant hoàn toàn khác với tưới bằng sức người, bởi nó có thể giúp nông dân kiểm soát lượng nước dựa trên nhu cầu của từng loại cây thông qua Mạng lưới thiết bị kết nối (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), phân tích dữ liệu và năng lực dự đoán.

Dưới góc độ là một startup, đánh giá về các nhân tố giúp doanh nghiệp thành công, ông Ner cho hay chính môi trường là yếu tố chủ chốt giúp nhà cách tân phát triển, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp.

“Chúng tôi có một môi trường rất thuận lợi để phát triển, dù có sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ hay không. Tất nhiên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, họ có những công cụ giúp các công ty phát triển công nghệ. Điều đó vẫn đang xảy ra”, ông Ner nói.

Một trong các biện pháp quan trọng của Israel là thúc đẩy công nghệ giúp tiết kiệm nước.

Đồng tình với ý kiến này, ông Naty Barak, người phụ trách Phát triển bền vững của Netafim, công ty cung cấp các giải pháp tưới tiêu thông minh, trong đó có thiết bị tưới nhỏ giọt, cho rằng xuất phát từ thực tế Israel không có đủ nước dành cho tiêu dùng và phát triển nông nghiệp, chính phủ đã nhận thức rõ vấn đề này và thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục. Một trong các biện pháp quan trọng của Israel là thúc đẩy công nghệ giúp tiết kiệm nước.

Với Netafim, bên cạnh nhân tố chính là phát triển công nghệ, công ty nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính phủ trong đầu tư máy móc, trong nghiên cứu, thiết kế sản phẩm.

“Chính phủ Israel cũng miễn thuế cho những nông dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước”, ông nhấn mạnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay trên cả nước đã bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình trồng hoa, rau an toàn công nghệ cao tại Bắc Ninh; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Đại diện một số địa phương cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư khá lớn, công nghệ lại quá hiện đại khiến cán bộ nông nghiệp và nông dân không dễ để học hỏi, cập nhật.

Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiến nghị Bộ cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó có nguồn kinh phí để chủ động phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, trong Dự thảo Thông tư về phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao sắp ban hành, tiêu chí công nhận các vùng và khu nông nghiệp công nghệ cao cần xác định quy mô diện tích phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Tại hội nghị, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao Giấy chứng nhận doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agrivina (Dalat Hasfarm).

Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, chứng nhận này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là sự công nhận đầu tư chất xám, trí tuệ của doanh nghiệp cho ngành nông nghiệp.

Các địa phương thời gian tới cần nghiên cứu kỹ các văn bản, chính sách để góp ý kiến cho Bộ, hướng tới việc có chính sách tốt hơn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Policy Horizons Canada phối hợp với nhà phân tích Michell Zappa của tổ chức Envisioning đã xuất bản một báo cáo có tựa đề: “Các công nghệ mới và biểu đồ thông tin đi kèm”, trong đó liệt kê các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, vật liệu và nano, sức khỏe, truyền thông và số hóa.

Các công nghệ nông nghiệp được chia làm 4 nhóm chính: cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật. Trong đó, công nghệ cảm biến cho phép nhà nông chuẩn đoán và theo dõi mùa màng theo thời gian thực, hỗ trợ chăn nuôi và máy móc nông nghiệp. Công nghệ thực phẩm sẽ mang lại những thành tựu về gene cũng như khả năng tạo ra thịt từ phòng thí nghiệm. Công nghệ tự động trong nông nghiệp sẽ được thực hiện bởi các robot kích thước lớn hoặc robot siêu nhỏ để giám sát quá trình gieo trồng. Còn công nghệ kỹ thuật giúp nông nghiệp mở rộng quy mô sang những phương tiện mới, địa điểm mới và lĩnh vực mới của nền kinh tế.

I – Cảm biến

1. Cảm biến đất và không khí

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Các cảm biến là công cụ hỗ trợ cơ bản cho tự động hóa nông nghiệp. Các cảm biến này giúp cho người nông dân có thể theo dõi mùa màng theo thời gian thực, theo dõi nước/độ ẩm, không khí và các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Dự đoán đến năm 2015 sẽ trở nên phổ biến.

2. Viễn thông nông nghiệp

Công nghệ này giúp cho các máy móc nông nghiệp có thể thông báo cho người sử dụng về những trục trặc sắp xảy ra. Việc liên lạc giữa các máy móc có thể tạo ra một nền tảng cho kiểu canh tác “tập đoàn máy nông nghiệp”.

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến vào năm 2016.

3. Sinh trắc học chăn nuôi

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Người nông dân sử dụng GPS (hệ thống định vị toàn cầu), RFID (nhận dạng tần số sóng vô tuyến) và công nghệ sinh trắc học để có thể nhận dạng một cách tự động và truyền các thông tin quan trọng về chăn nuôi theo thời gian thực.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2020.

4. Cảm biến mùa màng

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Các cảm biến mùa màng độ phân giải cao sẽ cung cấp thông tin cho các thiết bị nông nghiệp để điều chỉnh lượng nước, phân bón cho thích hợp với đất đai và cây trồng. Các cảm biến quang học hoặc thiết bị bay không người lái sẽ có khả năng nhận diện tình trạng khỏe mạnh của cây trồng. Chẳng hạn chúng sẽ sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo độ xanh tốt trên toàn cánh đồng.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2019.

5. Cảm biến tình trạng cơ sở hạ tầng nông nghiệp

Các cảm biến này có khả năng đo những chấn động hoặc tình trạng vật lý của những ngôi nhà, cây cầu, xưởng sản xuất, nông trại và các hạ tầng khác. Làm việc trong một mạng thông minh, các cảm biến này sẽ truyền thông tin về cho người chuyên trách hoặc robot.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2027.

II – Thực phẩm

6. Thực phẩm tổng hợp gene

Trong tương lai, người ta sẽ tạo ra các loại thực phẩm biến đổi gene mới từ vật nuôi và cây trồng. Các loại thực phẩm này là sự kết hợp của công nghệ sinh học và sinh lý học. Nó là kết quả của sự phát triển của công nghệ biến đổi gene lên một mức cao hơn, trở thành thực phẩm tổng hợp gene.

Dự đoán sẽ phổ biến vào năm 2022.

7. Thực phẩm trong ống nghiệm

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Đây là loại thịt có nguồn gốc động vật nhưng được tạo ra từ ống nghiệm. Khác với thịt thông thường vốn được lấy ra từ một quá trình sinh trưởng hoàn thiện của động vật, thịt ống nghiệm chỉ phát triển từ một phần trong giai đoạn sinh trưởng đó. Hiện đã có một vài dự án chế tạo thịt ống nghiệm đang được tiến hành và đã thu được những thành công nhất định. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa được sản xuất ở cấp độ tiêu dùng.

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến năm 2024.

III – Tự động hóa

8. Điều khiển làm đất và gieo trồng

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Dựa trên những công nghệ định vị địa lý hiện có, việc làm đất và gieo trồng trong tương lai có thể tiết kiệm được hạt giống, khoáng chất, phân bón và thuốc diệt cỏ nhờ vào sự điều chỉnh tự động định mức đầu vào. Người nông dân sử dụng máy tính để tính toán hình dạng cánh đồng nơi họ sẽ gieo trồng. Nhờ vào sự hiểu biết về năng suất các loại cây trồng trên các khu vực khác nhau của cánh đồng, máy nông nghiệp có thể áp dụng định lượng về hạt giống, phân bón, thuốc diệt cỏ phù hợp với từng khu vực trên cánh đồng.

Dự kiến sẽ trở nên phổ biến vào năm 2016.

9. Gây giống nhanh và có chọn lựa

Công nghệ gây giống thế hệ kế tiếp sẽ dựa trên các thuật toán để xác định định lượng và những sự cải tiến cần thiết áp dụng cho gây giống vật nuôi và cây trồng.

Dự báo sẽ trở nên phổ biến vào năm 2017.

10. Các robot nông nghiệp

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Robot nông nghiệp, còn có một thuật ngữ khác là “agbot”, sẽ tham gia vào các quá trình tự động hóa nông nghiệp, chẳng hạn như thu hoạch, chuyên chở trái cây, làm đất, nhổ cỏ, gieo trồng, tưới tiêu…

Dự đoán sẽ trở nên phổ biến vào năm 2021.

11. Nông nghiệp chính xác

Việc quản lý gieo trồng sẽ dựa vào sự quan sát những thay đổi trên cánh đồng. Với sự trợ giúp của các hình ảnh vệ tinh và các cảm biến tiên tiến, người nông dân có thể tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào. Những kiến thức về mùa màng, các dữ liệu thời tiết định vị địa lý và các cảm biến chính xác sẽ giúp người nông dân ra quyết định chính xác và cải tiến kỹ thuật gieo trồng.

Dự kiến sẽ trở nên phổ biến vào năm 2024.

12. Tập đoàn máy nông nghiệp

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Giả định rằng trong tương lai việc làm nông sẽ có sự kết hợp của hàng chục, thậm chí hàng trăm robot cùng với hàng nghìn cảm biến siêu nhỏ. Tập hợp máy nông nghiệp này sẽ theo dõi, giám sát, dự báo, cày cấy trồng trọt và thu hoạch mà không cần sự can thiệp của con người. Hiện tại, người ta đã thực nghiệm trong quy mô nhỏ.

Dự đoán đến năm 2026 nó sẽ trở nên phổ biến.

IV – Kỹ thuật

13. Hệ sinh thái đóng

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Đây là một hệ sinh thái “tự thân vận động”, không chịu ảnh hưởng của những tác nhân bên ngoài hệ thống. Về mặt lý thuyết, một hệ thống đóng như thế này có thể chuyển đổi các sản phẩm phế thải thành oxy, thực phẩm và nước nhằm cung cấp cho quá trình sinh trưởng cây trồng bên trong hệ thống. Người ta đã thí nghiệm những hệ thống đóng trên phạm vi nhỏ, bởi vì công nghệ hiện tại chưa cho phép triển khai ở phạm vi lớn hơn.

Dự đoán đến năm 2021 sẽ được triển khai rộng rãi.

14. Sinh học tổng hợp

Sinh học tổng hợp mới chỉ ở giai đoạn phôi thai nhưng hứa hẹn đem lại một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực sinh học, bởi tiềm năng ứng dụng lớn lao trong xã hội. Sinh học tổng hợp là một dạng mở rộng của công nghệ kỹ thuật gene. Mục đích của sinh học tổng hợp là làm thay đổi và hoàn chỉnh các gene bằng phương pháp tổng hợp để tạo ra các sinh vật mới có đặc tính sinh học như mong muốn.

Trong nông nghiệp, nó sẽ giúp tạo ra các loại vật nuôi và cây trồng có đặc tính sinh học theo ý muốn. Sinh học tổng hợp còn ứng dụng được trong lĩnh vực chế tạo dược phẩm, sản sinh năng lượng, cung cấp thực phẩm, duy trì và nâng cao sức khỏe con người, xử lý rác thải bảo vệ môi trường.

Dự báo sẽ trở nên phổ biến vào năm 2024.

15. Trồng trọt thẳng đứng

15 công nghệ nông nghiệp của tương lai

Đây là một hình thức trồng trọt tiết kiệm không gian, ứng dụng trong các thành thị. Loại hình này có thể tạo ra các cây trồng từ những cột tháp chọc trời trong thành thị. Sử dụng các kỹ thuật trồng trọt tưới tiêu tương tự như trong nhà kính. Các cây trồng được tăng cường ánh sáng tự nhiên thông qua các biện pháp duy trì và tiết kiệm năng lượng.

Phương pháp trồng trọt thẳng đứng mang lại rất nhiều ích lợi, chẳng hạn như có thể sản xuất quanh năm, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thành thị, giảm chi phí vận chuyển.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát hiện 3 loài cây giúp hấp thu khí độc trong nhà

Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Lâm Nghiệp nghiên cứu thành công một số loài cây vừa có tác dụng làm cảnh đẹp vừa có khả năng xử lý khí độc.

Khí độc trong nhà

Theo TS Phùng Văn Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa sau đại học, trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), toluene là một dung môi hữu cơ dễ bay hơi và được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong nhà, khí toluene có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa, hoặc có thể bị khuếch tán từ ngoài trời vào trong nhà.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong nhà thoáng của dân, hàm lượng này chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, tại những khu nhà mới hoặc gần các nhà máy sản xuất, gần đường giao thông thì hàm lượng khí này tương đối cao.

Theo các nghiên cứu, đây là một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà rất nguy hiểm. Bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm người ở trong nhà có cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt… Khi ở nồng độ cao, khí toluene có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây bất tỉnh và thậm chí gây tử vong.

“Việc lựa chọn được giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các chất khí độc hại như toluene ở môi trường trong nhà là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Một trong những giải pháp thân thiện nhất với môi trường đã được biết đến đó là dùng thực vật để hấp thu chất ô nhiễm (Phytoremediation) đồng thời có tác dụng làm cảnh đẹp”, TS Phùng Văn Khoa cho biết.

TS Phùng Văn Khoa, ThS Bùi Văn Năng và ThS Nguyễn Thị Bích Hảo là những người nghiên cứu sử dụng cây xanh để hấp thu khí độc. Theo đó, các chuyên gia cho rằng ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây đã được khảo sát là Thiết mộc lan, Ngũ gia bì và Dương xỉ thường. Điều này dựa trên kế quả nghiên cứu: Sau 72 giờ tiếp xúc, Thiết mộc lan hấp thu 2,7µg/cm2 (đơn vị diện tích lá), Ngũ gia bì hấp thu 1,20µg/cm2, cây Cồ nốc hoa đầu hấp thu 1,00µg/cm2.

Cũng theo nhóm tác giả trên, ba loài cây này đã được lựa chọn nghiên cứu vì mang tính thẩm mỹ cao nên có thể trồng trong nhà như một loại cây cảnh. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khí toluene ở nồng độ từ 8,0 – 12,0mg/m3, các loài cây này vẫn sinh trưởng bình thường và không có biểu hiện khác thường nào về hình thái.

Các chuyên gia khuyên, khi trồng cây nên có mật độ phù hợp để có tác dụng cao. Ví dụ, nhà khoảng 10m2 nên trồng từ 2 – 3 cây, trong đó nên có một cây cao khoảng 1m và đường kính tán 0,5m, còn một cây nhỏ hơn đặt gần nơi ngồi làm việc. Bởi các nghiên cứu đã chứng minh, khi để cây gần người sẽ giúp thư giãn và tăng hiệu suất làm việc. Khi trên bàn làm việc có cây xanh nhỏ không những giúp hấp thu khí ô nhiễm mà còn giúp phát huy tính sáng tạo, khả năng tập trung cao hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một nền nông nghiệp hữu cơ có thể giúp thế giới chống đói nghèo

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC), theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi.

Một nền nông nghiệp hữu cơ có thể giúp thế giới chống đói nghèo

Thực phẩm hữu cơ từ lâu được xem là thị trường nhỏ, và xa xỉ chỉ dành cho giới trung và thượng lưu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng sự chuyển dịch phần lớn nền nông nghiệp sang phương thức cách tác hữu cơ vừa có thể giúp hạn chế tình trạng đói nghèo trên thế giới vừa góp phần cải thiện môi trường.

Tại Hội nghị LHQ về “Nông nghiệp hữu cơ và An ninh lương thực” vừa diễn ra ở Rome (Italia), các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ Đan Mạch nhận định an ninh lương thực cho vùng cận sa mạc Sahara (châu Phi) sẽ được bảo đảm nếu từ nay đến năm 2020, 50% diện tích đất nông nghiệp trong những vùng chuyên canh xuất khẩu ở đây được chuyển sang sản xuất theo công nghệ hữu cơ.

Kết quả nghiên cứu của trung tâm cho thấy khi quay về phương thức canh tác tự nhiên truyền thống, nông dân sẽ không phải tốn tiền mua thuốc và phân hóa học, đồng thời có thể đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, người trồng có thể xuất khẩu với giá cao hơn nông sản bình thường.

Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), nền NNHC có khả năng bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay song song với giảm thiểu những tác động có hại cho môi trường. Một nghiên cứu do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện cho thấy nếu thế giới chuyển sang nền NNHC sẽ tạo ra từ 2.641 đến 4.381 kilocalorie cho một người mỗi ngày so với mức sản lượng lương thực hiện nay của thế giới là 2.786 kilocalorie cho một người/ngày.

Hiện đang được ứng dụng tại 120 nước. Xu hướng này đang tăng nhanh tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh. Trên thế giới hiện mới có hơn 26 triệu hécta đất nông nghiệp đang được quản lý sản xuất theo công nghệ hữu cơ – chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ (khoảng 1-2%) trong nền nông nghiệp toàn cầu. Trung Quốc mới có hơn 1.000 công ty nông nghiệp và nông trại được chứng nhận là sản xuất bằng công nghệ hữu cơ.

Tại Ấn Độ, khoảng 2,5 triệu hécta trang trại được cấp giấy chứng nhận sản xuất sạch theo phương pháp hữu cơ. Năm 2006, thị trường nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ toàn cầu ước tính đạt 40 tỉ USD, tăng khoảng 10 tỉ so với trước đó 1 năm. Riêng tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa thập niên 1990 lên hơn 200 triệu USD hiện nay.

Châu Âu và Bắc Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất, và nhu cầu không ngừng tăng, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch sang các thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là làm thế nào xác định được nông sản được sản xuất theo công nghệ hữu cơ sạch và tiếp thị chúng, ngay cả trong thị trường nội địa ở các nước đang phát triển.

Hiện Quỹ Nông nghiệp và Phát triển quốc tế (IFAD), cơ quan chuyên trách của LHQ về các vấn đề xóa đói giảm nghèo, đang giúp các nước tăng nhanh diện tích canh tác bằng công nghệ hữu cơ, và hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập một cách hài hòa lĩnh vực sản xuất tư nhân nhằm cung cấp các dịch vụ tiếp thụ nông sản hữu cơ. Theo IFAD, tăng cường ứng dụng công nghệ canh tác hữu cơ cũng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới ở các vùng nông thôn, giúp hạn chế làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị.

Tại Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân có kế hoạch trong năm nay sẽ thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất NNHC nhằm thúc đẩy việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệp và liên kết sản xuất, cung ứng các sản phẩm rau, quả, lương thực – thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Năm qua, Hội Nông dân đã triển khai thử nghiệm phương pháp canh tác NNHC trên cây rau, lúa, cam, vải và cá nước ngọt tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam