Giải pháp thay thế kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi

Kháng sinh đã không còn được phép sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Có những giải pháp nào để giúp vật nuôi vẫn tăng trưởng tốt?

Một trang trại heo ở Trảng Bom (Đồng Nai) đang thử nghiệm B-safe

Nhiều giải pháp thay thế

Theo quy định trong Nghị định 39/2017, kể từ ngày 1/1/2018, kháng sinh dùng làm chất kích thích tăng trưởng không còn được phép trong TĂCN.

Tuy nhiên, quy định nói trên khiến cho nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi lo lắng về khả năng tăng trưởng cùng như phòng chống dịch bệnh của vật nuôi so với khi còn được sử dụng TĂCN có kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng.

Thông tin từ các chuyên gia ngành chăn nuôi, cho hay, hiện đã có nhiều giải pháp tốt để thay thế kháng sinh trong TĂCN. Chẳng hạn, theo TS Dương Duy Đồng (ĐH Nông Lâm TP HCM), để đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) trong bối cảnh không sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN, về dinh dưỡng, có thể thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết, cần điều chỉnh không chỉ các chỉ tiêu dưỡng chất mà xem xét đến cả các thành phần nguyên liệu và chất bổ sung sử dụng trong công thức.

Các giải pháp cần cân nhắc: Giảm nguy cơ từ các vi khuẩn có hại bằng cách điều chỉnh hợp lý mức đạm thô, acid amin thiết yếu, hạn chế sử dụng nguyên liệu nguồn gốc động vật; tăng khả năng tiêu hóa thức ăn của vật nuôi với các chế phẩm enzyme (NSP enzyme, phytase, protease), chất nhũ hóa kết hợp với xử lý nguyên liệu hợp lý hơn.

Các nhóm chế phẩm sinh học có tác động duy trì sức khỏe và gián tiếp hỗ trợ tăng năng suất vật nuôi, gồm: Probiotics, vi khuẩn hoặc nấm men sống; chiết xuất thực vật; acid hữu cơ; prebiotics, vách tế bào nấm men; oligosaccharides; các peptides. Ở EU, các chế phẩm sinh học đã được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong việc thay thế kháng sinh trong TĂCN.

TS Dương Duy Đồng cho rằng, để sử dụng có hiệu quả các chế phẩm nêu trên, cần hiểu biết sâu sắc tính năng của từng loại, điều kiện ứng dụng (đối tượng vật nuôi, nguy cơ sức khỏe, các tác động qua lại của môi trường chăn nuôi) và khả năng sử dụng đơn lẻ hay phối hợp các nhóm chế phẩm hoặc một vài sản phẩm khác nhau trong cùng một nhóm chế phẩm.

Giải pháp B-safe

Để thay thế việc sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN, mới đây, tại TP HCM, Wisium (thương hiệu quốc tế chuyên về lĩnh vực premix và các dịch vụ tư vấn của Neovia) đã giới thiệu giải pháp B-safe.

B-safe là sự kết hợp giữa khoáng sét (zeolite) và đồng sunfate, với hàm lượng đồng thấp. Đồng chủ yếu được định vị trên bề mặt khoáng sét nên có tính phân tán cao. Các hạt khoáng sét rất mỏng, làm gia tăng đáng kể diện tích tiếp xúc của đồng với những mầm bệnh tiềm tàng. Do đó, sử dụng B-safe trong TĂCN sẽ giảm áp lực về môi trường nhờ giảm sự bài tiết đồng của vật nuôi.

B-safe được Wisium nghiên cứu và phát triển từ 15 năm qua. B-safe đã được kiểm chứng qua hơn 60 lượt thử nghiệm trên heo, gia cầm tại Mỹ, Canada, Mexico, Pháp, Hà Lan, Thái Lan và Malaysia, trong môi trường nghiên cứu R&D và trong điều kiện trang trại, với hơn 80% thử nghiệm đạt kết quả tốt. Ở Việt Nam, B-safe đã được thử nghiệm tại một số trang trại và có hiệu quả tích cực.

Các thử nghiệm cho thấy B-safe đã chứng minh có tác dụng trên vi khuẩn và có lợi đối với sức khỏe đường ruột. Các tác dụng cụ thể của B-safe gồm: Kiểm soát các khuẩn gây bệnh, hỗ trợ các khuẩn cộng sinh; đảm bảo sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột; bảo vệ quá trình tiêu hóa; giúp hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng; cải thiện hiệu quả tăng trưởng cho vật nuôi.

Với những đặc tính và tác dụng như trên, B-safe được coi là giải pháp đột phá thay thế kháng sinh kích thích tăng trưởng trong TĂCN.

Qua nhiều thử nghiệm thực tiễn, B-safe đã chứng minh là một giải pháp hoàn hảo từ thiên nhiên để thay thế các loại kháng sinh kích thích tăng trưởng.

Khi sử dụng B-safe kết hợp với các chất bổ sung hiệu quả khác cùng với việc lưa chọn con giống tốt, có thểlàm giảm hoặc ngừng sử dụng kháng sinh cho mục đích điều trị.

Ở EU, B-safe hiện đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thay thế kháng sinh (các sản phẩm của Wisium đã tham gia vào việc thay thế kháng sinh trong TĂCN tại châu Âu từ 12 năm nay).

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (từ 6-12/3)

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng

1. Trên lúa

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ, tỷ lệ hại thấp.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên diện rộng. Chuột hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà muộn mới gieo. Ốc bươu vàng hại tăng trên lúa mới gieo cấy, hại nặng trên những ruộng gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng ngập nước thường xuyên. Tuyến trùng rễ, bọ trĩ có khả năng gây hại tăng trên các chân ruộng thiếu nước.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại trên lúa trà sớm giai đoạn đòng trỗ – chắc xanh. Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại tăng. Sâu đục thân, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại rải rác trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh bạc lá hại cục bộ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Chuột hại diện rộng trên các trà lúa ĐX giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Rầy nâu hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đạo ôn lá có thể sẽ xuất hiện trên lúa HT sớm 2018 giai đoạn đẻ nhánh ở mức độ nhẹ đến trung bình; Bệnh đạo ôn cổ bông vẫn còn phát triển và gây hại trên các trà lúa trỗ. Sâu năn gây hại trên các giống lúa Jasmin85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451… Nơi gieo sạ lúa HT phải đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX 2017-2018 tối thiểu là 15 ngày. Lưu ý bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ; chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn trỗ đến chín.

2. Trên cây trồng khác

– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, ốc sên tiếp tục gây hại.

– Cây có múi: Bệnh greening tiếp tục gây hại.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục gây hại.

– Cây dừa: Bọ cánh cứng và bọ vòi voi tiếp tục gây hại.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục hại.

Khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu môi giới truyền bệnh VL-LXL (700g/ha), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha, pha 40-50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1-1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5-7 ngày.

+ Để phòng trừ đạo ôn, sử dụng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha).

+ Sử dụng Bonny 4SL (0,75 lít/ha, 30 ml /bình 16 lít nước), lượng nước phun 400 lít/ha.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

+ Để kích thích cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tránh nghẹn đòng khi trổ, dùng Dekamon 22.43L (6ml/bình 16 lít nước), phun lên lá, bông 10-15 ngày sau sạ, 40-45 ngày sau sạ và sau khi trổ đều.

Cây rau:

+ Sử dụng Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/l, liều dùng 12-20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua.

Cây ngô (bắp):

+ Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4-6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4-6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê:

+ Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh.

Nguồn: Cục BVTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chè VietGAP bên sườn Tam Đảo

Xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nằm bên sườn dãy Tam Đảo. Bao đời nay, người Mỹ Yên chỉ quen với cách làm chè truyền thống nên hiệu quả chưa cao.

Từ khi bắt tay vào xây dựng chứng nhận thương hiệu cho sản phẩm chè VietGAP, bà con đã định hình được hướng đi cho mình.

Xây dựng chứng nhận

Đầu năm 2015, Ban Quản lý SX chè huyện Đại Từ đã triển khai mô hình SX chè theo quy trình VietGAP trên diện tích 5ha với 28 hộ xã viên của Hợp tác xã SX chè an toàn Bắc Hà (xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2) tham gia.

Sản xuất chè theo quy trình VietGAP tại Mỹ Yên

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình cho biết, khó khăn lớn nhất khi triển khai mô hình là các hộ tham gia đang SX chè theo phương thức truyền thống, công nghệ chế biến lạc hậu, khu vực chế biến bừa bãi, trang thiết bị phục vụ cho SX và chế biến chè chưa đáp ứng được yêu cầu theo kỹ thuật mới. Các loại trang bị quần áo bảo hộ lao động, dụng cụ lao động và hóa chất chưa có nơi bảo quản riêng. Đặc biệt, bà con chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nông hộ.

Sau khi được cán bộ Ban Quản lý chè huyện Đại Từ tập huấn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký nông hộ, bà con đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau nhiều nỗ lực của các hộ tham gia mô hình, đến tháng 10/2016, Hợp tác xã đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cấp cấp Giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP TCCN (có giá trị 2 năm, diện tích 5 ha của 28 hộ dân).

Thuần thục

Ông Lê Tự Đức (xóm Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên) nói làu làu, SX chè theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) là một chứng nhận giúp giám sát hoạt động SX, chế biến và kinh doanh chè bền vững, an toàn và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Chứng nhận đem lại lợi ích cho người SX, thị trường và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thực tế cho thấy, dù năng suất chè búp tươi SX theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn nhiều so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô đã không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ NN-PTNT quy định.

Bà con làm chè ở xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2 đã biết sử dụng thuốc BVTV đúng danh mục được phép sử dụng trên cây chè, đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng nồng độ và liều lượng; đúng lúc; đúng cách), ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học góp phần hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm sức khỏe của người lao động, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; giữ cân bằng hệ sinh thái…

Ông Nguyễn Văn Dũng (xóm Bắc Hà 2) cho biết, nghĩ lại cách chăm sóc cây chè trước đây mà sợ. Ai đời lại phun thuốc trừ sâu theo định kỳ. Cách phun thì vô tội vạ, phun cộng 2 – 3 loại thuốc cùng một lúc, phun thuốc này chưa đạt thì phun thuốc khác. Cứ phun bao giờ không thấy sâu nữa mới thôi, bất luận thời điểm cách ly, kể cả chè sắp thu hái…

Thế rồi cách bón phân cũng kỳ lạ và thật thiếu hiểu biết, trong xóm, ngoài làng, mọi người cứ thấy trời mưa là mang phân ra vã vào gốc chè. Chăm sóc đã vậy, cách chế biến cũng đơn giản và lạc hậu. Chè mang về đưa vào vò rồi mang ra sao suốt, thế là xong. Bây giờ, giáo viên VietGAP đã về xóm, cùng ăn, cùng ở với dân để hướng dẫn chúng tôi chuyển đổi quy cách SX. Theo đó, các xã viên bây giờ chỉ phun thuốc trừ sâu khi thật cần thiết.

Việc phun phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”. Thuốc chọn phun phải là loại thuốc đã được cho phép sử dụng trên cây chè. Quá trình chế biến được chia nhỏ thành 4 công đoạn để chè tạo hương, đậm vị. Cụ thể, chè nguyên liệu hái về phải được làm héo trước khi đưa vào sao diệt men. Sau đó mới thực hiện vò tạo cánh. Quá trình sao cũng chia thành sao 2 và sao 3. Giữa 2 công đoạn sao, chè được đưa ra rải đều trên nong nia để lấy thêm hương.

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình cho biết, cái lợi lớn nhất là môi trường và sức khỏe của người dân được bảo vệ tốt hơn. Không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà số lần phun thuốc BVTV cho cây chè cũng giảm từ 1 đến 3 lần so với trước đây. Ý thức người dân về việc SX sản phẩm chè an toàn đã được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, các hộ dân đã nắm chắc quy trình SX và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như tiếp cận được quy trình SX hàng hoá chất lượng cao, biết được tính cấp thiết của vấn đề an toàn thực phẩm; đảm bảo sản phẩm SX ra đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bà Chu Thị Nhì (Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên) cho hay, SX chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng chè thành phẩm được nâng lên, hiệu quả kinh tế từ cây chè cũng tăng lên. Trước đây, vào chính vụ, mỗi kg chè búp không chỉ bán được với giá 120 nghìn đồng thì nay đã bán được với giá 150 thậm chí là 300 nghìn đồng.

Từ những thành công trên, xã Mỹ Yên đang vận động các hộ dân trong xã, đặc biệt là 5 xóm SX chè chuyên canh nhân rộng mô hình theo quy trình VietGAP, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thận trọng khi đua nhau đầu tư trồng Dưa Lưới, tránh thiệt hại

Hai năm trở lại đây dưa lưới rất được thị trường Bình Phước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này khá cao nên nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng. Tuy nhiên một số chuyên gia nông nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng nhằm tránh thiệt hại về sau.

Đồng vốn lớn, thu nhập tốt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch 65 – 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500 – 2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200 – 2.500 cây/1.000m2.

Ông Thọ chia sẻ kỹ thuật và chờ đợi một vụ dưa lưới có giá cao

Với thời gian và mật độ này, trọng lượng mỗi trái đạt từ 1,5 – 2kg, năng suất trên 3 tấn trái/1.000m2. Với giá bán hiện tại từ 30 – 35 ngàn đồng/kg, nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Từ thực tế đó, nhiều nông dân Bình Phước đã đầu tư trồng dưa lưới và bắt đầu có lời.

Thấy dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế nên đầu năm 2016, anh Lê Anh Đức ở ấp 5, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trên diện tích 600m2. Sau gần 3 tháng, vườn dưa cho thu hoạch hơn 2 tấn, thu 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Đức và anh trai tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 để trồng.

Theo anh Đức, nếu “vốn yếu” thì dừng nghĩ đến chuyện đầu tư trồng dưa lưới. Nhưng nếu đầu tư đủ vốn, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, dưa lưới sẽ cho nông dân thu nhập cao hơn rau màu và các cây ăn trái khác.

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các nhà vườn, để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300 – 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2 và sự tỷ mẩn trong sản xuất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: “Để trồng 6 sào dưa lưới gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới nước tự động và giống. Tiền vốn ban đầu cao nhưng kỹ thuật chăm sóc lại quyết định việc thành – bại của quá trình đầu tư”.

Ông Thọ đã thu lời được 2 vụ dưa. Vụ này vườn cây đang trổ bong kết trái, ông và gia đình lại đón đợi một mùa bội thu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8ha dưa lưới trồng trên giá thể và trên đất. Việc đầu tư trồng dưa lưới bước đầu rất khả quan, thị trường tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cho người trồng.

Cần thận trọng

Đại diện Công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên đến đầu tư vườn dưa lưới tại thị xã Đồng Xoài, ông Phạm Song Quyền, cán bộ phụ trách kỹ thuật chia sẻ: “Thị trường có nhiều thông tin thiếu chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới khiến nhiều người đầu tư trồng ồ ạt. Đây là nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích và nếu giá thị trường giảm sâu thì người nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại trước tiên”.

Các chuyên gia khuyến cáo nông dân phải tìm hiểu kỹ thuật và chủ động đầu ra cho dưa lưới

Dưa lưới mới du nhập vào Việt Nam vài năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán. Ông Quyền cho rằng, để có thị trường dưa lưới ổn định cần sự liên kết của “4 nhà” gồm nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông. Đồng thời, để tăng hiệu quả trên cùng diện tích đất thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây khác như rau, dưa leo…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Bình Phước đang xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Song trên thực tế dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, đồng vốn lớn, người nông dân cần cân nhắc kỹ khi đầu tư để làm chủ đầu ra cho sản phẩm của chính mình.

Bà Tuyết khuyến cáo, nông dân muốn đầu tư trồng dưa lưới nên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được hỗ trợ tốt nhất về mặt kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh, hỗ trợ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống, cùng đó ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Nitơ trong ao nuôi.

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học mang lại vụ mùa thành công.

Lịch sử sử dụng chế phẩm sinh học

Trong vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng trung bình 16,8%/năm; tuy nhiên, cùng với việc nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã làm tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao. Để đối phó với dịch bệnh, kháng sinh và các biện pháp khử trùng trong canh tác NTTS được sử dụng một cách phổ biến. Điều này làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn đến giảm hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh đối với điều trị bệnh cho đối tượng thủy sản (Vaseeharan & Ramasamy, 2003). Đồng thời, những biện pháp trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (như Vibrio spp.) trong hệ thống nuôi.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng.

Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000).
Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao đã khiến nông dân trên khắp châu Á thả giống với mật độ ngày càng cao. Ở Việt Nam, mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu được áp dụng vào năm 1989. Ngay sau đó, nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh với mật độ 5 – 15 con/m2 sang nuôi tôm thâm canh với mật độ 70 – 150 con/m2 (Leung & Engle, 2006; Hai et al., 2015). Việc nuôi tôm ở mật độ cao hơn đã gây nhiều vấn đề xấu trong ngành NTTS, vốn dĩ việc áp dụng an toàn sinh học của ngành thủy sản đã khó hơn ngành chăn nuôi.

Sự gia tăng áp lực do dịch bệnh đã khuyến khích các nhà sản xuất tôm tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả hơn bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Ví dụ điển hình trên Hội chứng chết sớm (EMS), hay còn được gọi là bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND). EMS lần đầu tiên được báo cáo trên tôm he (Penaeid) ở miền Nam Trung Quốc năm 2010. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ngay cả thời điểm hiện tại, EMS vẫn đang tiếp tục tàn phá tôm nuôi. Bệnh rất nguy hiểm đối với ngành nuôi tôm do tôm ở giai đoạn Postlarvae dễ bị nhiễm bệnh trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả và tỷ lệ chết lên tới 100% trong hầu hết các ổ dịch. Tổn thất đối với ngành nuôi tôm châu Á lên đến 1 tỷ USD (theo GAA, 2013).

Có thể thấy, sử dụng các vi sinh vật có lợi thay thế kháng sinh để phòng bệnh trên tôm đã được thử nghiệm bởi nhiều nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ở tất cả vùng sản xuất tôm hàng đầu trên thế giới. Các vấn đề về bệnh đã xảy ra cho thấy, mặc dù công nghệ vi sinh được chứng minh là có hiệu quả trong một số môi trường thử nghiệm cụ thể và có kiểm soát, việc ứng dụng rộng rãi như thực hành NTTS tốt vẫn chưa cho kết quả khả quan do thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Xu hướng hiện tại

Các biện pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm. Giải pháp hàng đầu vẫn là kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất tôm giống, khẩu phần ăn, điều chỉnh tần suất cho ăn, và thời điểm thu hoạch hợp lý. Một trong những chiến lược hiện nay được sử dụng để chống lại dịch bệnh tôm là công nghệ nuôi nước xanh (De Schryver et al., 2014). Đặc điểm của hệ thống này là sự kết hợp hệ vi tảo với hệ vi sinh vật để có thể cạnh tranh các chất dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh và sản xuất các hợp chất ức chế khả năng sống của chúng (Natrah et al., 2014). Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào thì việc áp dụng quản lý tốt trang trại, thức ăn và nước ao nuôi vẫn giúp đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.
Nếu xem xét trên nhiều phương diện, các nghiên cứu đang tiến hành cho thấy, dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số phương pháp canh tác thông thường và xu hướng thả mật độ cao, từ đó làm giảm chất lượng nước.

Chất lượng nước nói chung đang ngày một kém đi, không chỉ bởi ảnh hưởng từ ngành NTTS. Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước. Một lý do đó là độ mặn tăng do sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nông dân vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng do độ mặn của nước biển tăng lên. Tại Bến Tre, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ sống gần sông áp dụng biện pháp nuôi luân canh tôm – lúa đã bị thiệt hại trung bình 15 – 30 triệu đồng trong năm 2015.

Biện pháp phổ biến hiện nay là khử trùng toàn bộ nước và đáy ao được cho là có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (như EMS/AHPND). Ví dụ, Chlorine được sử dụng rộng rãi để khử trùng các trại giống và ao nuôi; tuy nhiên, việc làm này cũng loại bỏ các động vật phù du, một nguồn thức ăn tự nhiên thứ cấp quan trọng cho tôm trước khi thả. Hệ thống “nước sạch” (do khử trùng bằng Chlorine) này cũng dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng tăng sinh khối nhanh (các vi khuẩn Vibrio spp.), chúng tái xâm chiếm trong môi trường nước (Attramadal et al., 2012). Chlorine và các biện pháp khử trùng khác làm giảm tổng số các vi khuẩn có khả năng cạnh tranh với dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Quá trình này cũng diệt quần thể tảo, do đó làm tăng nguồn thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh. Trên thực tế, những điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của bệnh phát sáng lan rộng vào đầu những năm 1990. Trong tất cả các trường hợp, sự gia tăng Vibrio cơ hội đã được chứng minh có sự xuất hiện trong ao nuôi sau khi khử trùng ao (Lavilla-Pitogo et al., 1998, Bratvold et al., 1999).

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao.

Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Đầu tư 226 tỷ đồng cho vùng nuôi tôm công nghệ cao Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thuỷ sản tập trung là hơn 226 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là gần 1,1 tỷ đồng, còn lại sẽ sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác.

Theo đó, khu nuôi thuỷ sản tập trung được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha; trong đó, khu nuôi tôm nước lợ tập trung 682 ha và khu nuôi hàu tập trung sẽ là 21 ha.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án này được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Riêng đối với khu nuôi tôm nước lợ, mục tiêu của vùng quy hoạch là phấn đấu đưa sản lượng tôm đạt hơn 16.000 tấn vào năm 2030 sẽ đạt sản lượng hơn 30.000 tấn.

Đặc biệt, với việc quy hoạch mỗi tiểu vùng nuôi tôm có diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên, khu nuôi tôm tập trung cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn.

Từ đó, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật như tổ chức nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Đối với dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đầu tư theo hình thức Nhà nước sẽ lập quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản.

Đồng thời, giao UBND huyện Nhơn Trạch là đơn vị đầu mối để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư bằng hình thức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng kinh doanh khai thác.

Những đối tượng được tham gia đầu tư bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều được phép đầu tư vào khu nuôi theo đúng quy hoạch được duyệt và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, các tiêu chuẩn mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đà Nẵng: Thu tiền tỷ từ vườn rau thủy canh công nghệ cao

Với mong muốn sản xuất ra những loại nông sản sạch tốt cho sức khỏe, trong điều kiện quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, anh Nguyễn Quốc Phong (256/2 Nguyễn ông Trứ, Đà Nẵng) đã quyết định bỏ ngang công việc ở tập đoàn viễn thông để nghiên cứu, thử nghiệm trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Đây là mô hình trồng rau sạch công nghệ cao có quy mô đầu tiên ở Đà Nẵng.

Bỏ việc, về nhà tìm giải pháp trồng rau sạch

Việc từ bỏ một công việc kỹ sư công nghệ thông tin thu nhập 25 triệu đồng/tháng ở Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel gần 01 năm qua, để thử nghiệm giải pháp trồng rau sạch khiến anh Nguyễn Quốc Phong bị không ít người chê “khùng”.

Anh Phong chia sẻ: Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp và nhu cầu bức thiết về an toàn thực phẩm như hiện nay, việc đầu tư trồng rau sạch là hướng khả thi. Suy nghĩ và tìm tòi các giải pháp, anh thấy giải pháp thủy canh sẽ giải được bài toán trên.

Anh tự tìm hiểu mô hình thủy canh trên mạng, rồi thiết kế một mô hình thủy canh đơn giản cho gia đình. Tận dụng những vật liệu có sẵn bằng ống nhựa, sau khi thử nghiệm thành công, anh liên hệ khảo sát mô hình tại Đà Lạt, tìm kiếm đối tác, vật tư với giá cả thấp nhất. Sau đó, tìm kiếm vật tư nông nghiệp công nghệ cao chuyên dụng cho thủy canh. Hiện anh đang thực hiện hệ thống thủy canh dùng công nghệ thủy canh NFT, đây là công nghệ tối ưu nhất trong thủy canh.

“Cuối năm 2016, mô hình bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. Khách hàng ban đầu, thử nghiệm mô hình là hai người bạn thân. Khi đưa mô hình lên mạng, một giám đốc tại Đà Nẵng cảm thấy thích thú với mô hình đã yêu cầu tôi lắp đặt tại nhà của ông. Sau đó, cả 3 rất bất ngờ, hài lòng với sản phẩm mang lại”- anh Phong chia sẻ.

Rau sạch cho nhà phố

Hiện mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của anh Phong cung cấp giải pháp trồng rau sạch mang tên H2O Farm theo quy trình chăm sóc, dinh dưỡng và hạt giống theo giải pháp tiêu chuẩn châu Âu. Mô hình này phù hợp với nhu cầu trồng rau sạch của người dân các đô thị.

Sau gần 1 năm thực hiện, đã tạo được việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên, đang chăm sóc cho gần 50 mô hình “rau nhà phố” tại Đà Nẵng và 3 dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích hơn 2.000 m2.

Anh Nguyễn Quốc Phong với mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao
Bà Trần Thị Anh Thư, một người dân ở Đà Nẵng cho biết, trước đây gia đình bà đã trồng các loại rau bằng các khay nhựa hoặc hộp xốp nhưng tốn thời gian để tưới cây và bảo vệ khỏi các loại sâu bệnh, chuột. Do đó, gia đình bà đã lắp đặt vườn rau thủy canh của công ty H20 Farm có diện tích 6m2 trên sân thượng từ 8 tháng nay để cung cấp rau sạch cho gia đình.

“Tôi đã đầu tư 10 triệu để lắp đặt hệ thống thủy canh gồm ống nước, giàn, máy bơm và hạt. Gia đình tôi không cần phải mua các loại rau ở bên ngoài bởi vì vườn đã cung cấp rất nhiều. Trồng rau công nghệ cao thực sự thích hợp với những hộ muốn sử dụng rau an toàn”. – bà Thư cho biết.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng công ty nhận thêm 10 đơn hàng để lắp đặt thiết kế theo mô hình này. Tính đến thời điểm hiện tai, sau gần một năm, mô hình có tổng doanh thu chừng 1 tỷ đồng, thu lợi nhuận khoảng 30%.

“Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư dự án phát triển hơn. Đối với tôi, khi khởi nghiệp ngoài đam mê phải có sự kiên trì, nhẫn nại, tìm kiếm mô hình, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ, quan trọng sản phẩm làm ra phải giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần, thực sự cần…”, anh Phong chia sẻ.

Công ty cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm phát triển hệ thống rau sạch trên nền công nghệ IOT (Internet of Things), đưa tính năng theo dõi và chăm sóc rau bằng điện thoại thông minh (smartphone). Thông qua ứng dụng được cài đặt trên hệ điều hành Android hoặc iOS, khách hàng có thể bật, tắt các thiết bị như máy bơm, tưới phun sương, kéo rèm che nắng và theo dõi các thông số như cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm giá thể, lượng dinh dưỡng chỉ với một vài thao tác trên điện thoại.

Nguồn: Khuyến nông Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.