Dân Bảy Núi trồng chùm ngây dưới tán rừng để thoát nghèo

Hạt chùm ngây 100.000 – 120.000 đồng/kg, lá non 50.000 – 60.000 đồng/kg, giống 15.000 đồng/cây, loài vốn chỉ làm hàng rào giờ có thể mang lại cho nông dân cả trăm triệu mỗi năm.

Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera, thích nghi với vùng đất núi, dễ trồng. Tỉnh An Giang đang hỗ trợ nông dân thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây chùm ngây” ở vùng Bảy Núi ( huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) với diện tích 200ha theo hai hướng: sử dụng cho rau sạch và thuốc sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tỉnh An Giang còn có kế hoạch sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu 2.000 ha tại 9 xã của hai huyện vùng Bảy Núi, khai thác từng bước 6.000ha đất trồng rừng hiệu quả thấp, qua đó tăng giá trị kinh tế từ 2 triệu đồng/ha/năm lên 20 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm, thu nhập cao cho lao động nông thôn miền núi.

Cây giống chùm ngây 2 tháng tuổi chuẩn bị đem đi trồng ở vùng Bảy Núi

Ông Trần Văn Hiệp ở ấp Núi Đá Lớn, xã An Phú, Tịnh Biên, cho biết, gia đình trồng 5 công cây chùm ngây ở phía sau triền núi Voi, cây đang cho thu hoạch lá. Trung bình 2 tuần thu hoạch lá non một lần, giá 1 kg lá từ 50.000 – 60.000 đồng, còn hạt giống bán 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, gia đình làm vườn ươm cây con, mỗi năm cũng ươm được vài ngàn cây, bán giá mỗi cây giống từ 15.000-20.000 đồng.

Cũng theo ông Hiệp, một công đất ở triền núi khó có thể trồng cây ăn trái cho năng suất cao mà chỉ trồng rừng, và mà đặc biệt chỉ có chùm ngây trồng xen canh với rừng là phù hợp, cho thu hoạch không thua gì so với trồng lúa, trong khi việc chăm sóc lại nhàn hạ hơn. Toàn thân cây chùm ngây là thuốc nên luôn được các công ty chế biến dược phẩm quan tâm đến tận nhà thu mua.

Ông Trần Văn Mì, bí thư xã Lương Phi (Tri Tôn – An giang) cho biết thêm, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có vùng Bảy Núi với khí hậu khô hạn khắc nghiệt là nơi lý tưởng trồng chùm ngây. Hiện huyện Tri Tôn đang thực hiện đề tài: “Bảo tồn, phát triển sản xuất và hướng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây chùm ngây”. Đây là chương trình nằm trong dự án xóa nghèo, nhằm cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer và người trồng rừng phòng hộ khu vực Bảy Núi. Kinh phí cho dự án hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Mì, ước tính dự án giải quyết việc làm cho khoảng 300 hộ nông dân tại địa phương và trên 1.000 lao động nông nhàn.

Cây chùm ngây đang cho trái.

Cây chùm ngây có trong tự nhiên từ lâu đời. Tại vùng núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) nhiều nhà trước nay vẫn quen trồng làm hàng rào. Nay bà con mới biết tới các công dụng của nó. Ông Mì cũng cho biết: Chùm ngây là loại cây thân gỗ, có thể cao tới 5-6m, cây rất dễ trồng, dễ sống, không kén đất, ít tốn phân, và hầu như “miễn dịch” với sâu bọ. Cây có thể trồng quanh hàng rào, trồng ở những bãi đất trống, trồng dọc đường đi… Trồng khoảng 4-5 tháng là bắt đầu thu lá. Vì thuộc họ cây cổ thụ nên tuổi thọ của chùm ngây kéo dài.

Người dân có thể trồng chùm ngây xen kẽ dưới tán rừng, khi cây cao được 1,5m thì cắt cành, chỗ cắt sẽ đâm ra nhiều tược, khi tược cao lại cắt ngang, lúc đó cây sẽ đâm tược theo cấp số nhân. Chùm ngây trồng khoảng 6 – 8 tháng là có thể thu hoạch được lá hoặc hạt.

Nguồn: Zing.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đáng nể vườn địa lan Hoàng Vũ đạt kỷ lục lớn nhất nước

Sau 10 năm nghiên cứu và sản xuất, đến nay ông Trần Phi Công (SN 1959, thôn Bồi Tây, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) sở hữu gần 2.300 chậu hoa địa lan Hoàng Vũ.

Kỷ lục gia Trần Phi Công bên vườn lan Hoàng Vũ của mình

“Nhiễm” thú chơi lan từ nhạc phụ

Vườn lan Hoàng Vũ của ông Trần Phi Công được Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Vườn địa lan Hoàng Vũ tư nhân lớn nhất cả nước” vào ngày 19/1/2017.

Ông Công đến với nghề trồng lan Hoàng Vũ cũng thật bất ngờ. Bố vợ ông là cụ Nguyễn Văn Nâm, một trong những người ở Nam Định đam mê thú chơi lan Hoàng Vũ nên ông Công cũng “nhiễm” địa lan từ cụ. Và, từ đó ông tâm huyết với loài cây này không kém bố vợ mình.

Hàng ngày, ông qua nhà bố vợ học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và tìm hiểu thú chơi về loài “Nữ hoàng địa lan” này. Nắm bắt thị trường lan Hoàng Vũ ở trong nước rất lớn nhưng còn thiếu những vườn có quy mô lớn, giống lan quý hiếm để đáp ứng nhu cầu người chơi. Sau nhiều ngày tính toán, bàn bạc với gia đình, ông Công quyết định trồng lan Hoàng Vũ.

Năm 2007, ông Công bỏ ra 85 triệu đồng để mua 10 chậu lan Hoàng Vũ về gây dựng và hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng trồng lan tại chợ Dần (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản). Tích góp dần dần, vườn lan của ông Công ngày càng lớn mà diện tích lại càng ít đi. Để mở rộng diện tích, năm 2011, ông đã mạnh dạn mua đất, xây dựng vườn tại xã Mỹ Phúc.

Vườn rộng trên 5.000m2, trong đó có 2 khu vực trồng lan Hoàng Vũ rộng trên 1.000m2 được rào kiên cố bằng sắt, lưới thép bao xung quanh, trên mái được che chắn bằng lưới nilon, có hệ thống tưới nước tự động.

Sau 10 năm gây dựng, ông Công đang sở hữu gần 2.300 chậu lan Hoàng Vũ

Bao quanh toàn bộ khu vườn là hệ thống mương nước có tác dụng tạo không khí ẩm cho cây lan phát triển, có khu vực ủ phân bón, làm đất. Tổng giá trị đầu tư vườn địa lan Hoàng Vũ khoảng 3,5 tỷ đồng.

“Ngày xưa các cụ trồng lan Hoàng Vũ là chỉ để chơi, thưởng thức mùi hương và giao lưu chứ không phải mục đích trồng để làm kinh tế. Nhận thấy nhu cầu chơi lan Hoàng Vũ ngày càng nhiều, tương lai phát triển rất rõ mà quy mô trồng không nhiều nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng giống lan này”, ông Công chia sẻ.

Sau 10 năm gây dựng, đến nay ông Công đang sở hữu 2.300 chậu lan Hoàng Vũ, trong đó có 1.000 chậu hoa giống và 1.300 chậu hoa chuẩn bị bán thương phẩm. Đến đầu năm 2017, vườn địa lan Hoàng Vũ Thành Công của ông mới chính thức bán sản phẩm lan giống và lan thương phẩm ra thị trường.

Hiện tại, lan Hoàng Vũ của gia đình ông được bán với giá dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/chậu hoa giống và 10 – 20 triệu đồng/chậu hoa thương phẩm, tùy thuộc vào cây to, khỏe, hoa đẹp.

Còn hơn 1 tháng nữa, mới đến tết Nguyên đán nhưng thị trường hoa lan Hoàng Vũ ở Nam Định đã bắt đầu sôi động. Nhiều người yêu hoa lan Hoàng Vũ ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình… đang đua nhau về vườn lan nhà ông Công để chiêm ngưỡng và đặt hàng.

Văn hóa chơi lan

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan Hoàng Vũ của gia đình, kỷ lục gia Trần Phi Công bảo, lan Hoàng Vũ được người yêu hoa đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, là đỉnh cao trong các loài hoa, bởi loài này đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, cho đến màu sắc, hương thơm. Lá của cây lan Hoàng Vũ mềm, mướt, luôn vặn kiếm, đầu nhọn, tỏa ra ôm trọn lấy chậu rất đẹp.

Hoa lan Hoàng Vũ màu vàng, to nhất trong các loại lan, các cánh hoa lúc nào cũng hướng về ánh sáng, mềm mại như đang múa. Thân cây cứng cáp, hương thơm man mác. Không chỉ đẹp, lan Hoàng Vũ còn đòi hỏi người trồng, chăm sóc phải có kinh nghiệm, kỳ công nên có giá trị kinh tế cao.

Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục

Để chơi lan Hoàng Vũ đúng cách trong dịp tết, theo ông Công, người chơi lan Hoàng Vũ phải tinh tế, hiểu được văn hóa chơi cũng như cái đẹp, giá trị của loài lan này. Nên bỏ chậu lan Hoàng Vũ lúc đẹp nhất (khi hoa đang nở rộ) vào nhà chơi tết và khi nào lan sắp tàn thì nên đem ra ngoài.

Ông Công lý giải: “Lan Hoàng Vũ thường được chơi vào những ngày tết, nó tượng trưng cho những gì tinh túy nhất trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, khi đưa chậu lan vào nhà phải trọn vẹn, lan đang thời kỳ nở rộ, ý muốn nói năm mới luôn đầy sức sống, mãnh liệt và khi đón tết xong thì nên bỏ chậu lan ra ngoài, ý muốn nói phải trân trọng và nhớ đến loài hoa này. Chứ chơi tàn hết hoa mới đem ra ngoài thì không còn đọng lại cảm xúc…”.

Đặc biệt, một chậu lan Hoàng Vũ đầy đủ ý nghĩa nhất, chơi trong những ngày tết phải đủ 3 thế hệ hay còn gọi là gia đình “Tam đại đồng đường” gồm lan mẹ, lan con, lan cháu, ý muốn nói sự sum họp của gia đình trong ngày Tết, thể hiện lối sống mẫu hệ, một gia đình nương tựa vào nhau mà sống.

Cũng theo ông Công, chậu hoa lan Hoàng Vũ đủ 3 năm thì sẽ cho hoa chất lượng nhất, hương thơm ngào ngạt. Mỗi chậu hoa nên giữ khoảng 7 – 9 ngồng hoa là đẹp nhất, không bị rối mắt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ninh Thuận cấm tàu thuyền ra biển từ 18 giờ tối nay

Chiều 3/1, theo BCH PCTT-TKCN Ninh Thuận, UBND tỉnh đã tổ chức họp khẩn lên phương án ứng phó với bão số 1 vào chiều nay và đã phát lệnh cấm tàu, thuyền ra biển từ 18 giờ ngày 3/1.

Người dân cùng nhau đưa tàu thuyền vào bờ chống bão

Hiện toàn tỉnh hiện có 2.651 phương tiện tàu, thuyền với 16.474 lao động. Trong đó có 508 tàu với 3.619 lao động hoạt động trên biển đã liên lạc được và biết được thông tin về bão, còn 2.143 tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng

Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, đồng thời tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo tính mạng người dân và tài sản.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 3 năm

Năm 2017, tổng giá trị SX toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,16%, GDP nông lâm thủy sản tăng ở mức 2,9% so với năm 2016.

Ngành trồng trọt, nhất là rau quả XK đang có nhiều chuyển biến tích cực

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh phải hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề cùng nhiều thách thức lớn về thị trường.

Trồng trọt vượt kế hoạch

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị SX toàn ngành nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17% và thủy sản tăng 5,89%. GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9% (so với mức 2,95% năm 2013; 3,9% năm 2014; 2,6% của năm 2015 và 1,44% năm 2016).

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai, tuy nhiên, trồng trọt là lĩnh vực đã tạo được nhiều chuyển biến trong năm qua. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức SX; khuyến khích phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết SX theo chuỗi giá trị… tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu SX ngành trồng trọt tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao… Nhờ đó, giá trị SX trồng trọt đã tăng 2,23% so với năm 2016, vượt mục tiêu so với kế hoạch đề ra (2%).

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2017, với tổng số khoảng 185,7 nghìn ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cộng thêm với thiệt hại do thiên tai, diện tích lúa cả năm chỉ đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha; sản lượng lúa ước đạt 42,84 triệu tấn, giảm khoảng 318,3 nghìn tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, các loại cây lương thực như ngô cũng giảm trên 52 nghìn ha và 114,6 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại diện tích, sản lượng nhiều loại rau màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn trái có thị trường tiêu thụ tốt tăng mạnh.

Cụ thể, diện tích rau các loại đạt 937,3 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (3,5%). Diện tích cà phê đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 51,9 nghìn tấn (4,7%); hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn (11,6%). Đặc biệt, diện tích cây ăn quả ước đạt 923,9 nghìn ha, tăng 52,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 9.478,9 nghìn tấn, tăng 555,9 nghìn tấn (6,2%)… Xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha với nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, rau đậu các loại). Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha SX lúa theo mô hình cánh đồng lớn với các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường (như VietGAP, Global GAP…) được phổ biến nhân rộng…

Thủy sản quyết vượt khó

Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Thủy sản vượt khó ấn tượng trong năm 2017

Điểm khởi sắc trong năm 2017 của ngành thủy sản, đó là việc khôi phục SX sau sự cố môi trường biển miền Trung đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thương mại thủy hải sản ở khu vực này đã cơ bản lấy lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và XK hải sản nước ta trong năm 2017 lại vấp phải khó khăn do EC ban hành “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) áp dụng với DN Việt Nam.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về IUU; đồng thời hoàn thiện Luật Thủy sản trình Quốc hội phê duyệt để có quy định pháp lý cao nhất điều chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU-Fishing; xây dựng chương trình truyền thông về khai thác IUU nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về khai thác hải sản…

Tại buổi họp báo tổng kết 2017 của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khẳng định, mục tiêu trong năm 2018, ngành thủy sản phải bằng mọi biện pháp trước hết không để EU rút “thẻ đỏ”, tiếp tục duy trì trạng thái thẻ vàng, từ đó triển khai các giải pháp khắc phục.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng 1ha măng cụt VietGAP trên đất lúa, mỗi năm thu về trăm triệu

Với 1ha măng cụt trồng theo VietGap, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Tỵ ở Bình Dương thu về trăm triệu.

Vườn măng cụt của ông Tỵ

Ông Tỵ bắt đầu trồng thêm cây măng cụt trên đất lúa từ năm 2004. Cây có thể cho trái đến gần 100 năm, sản lượng mỗi năm sẽ một tăng. Hơn nữa, cây măng cụt sinh trưởng mạnh, khả năng chống sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc giống các loại cam, quýt.

Ban đầu, ông học kỹ thuật trồng từ người bán giống và tự tìm hiểu thêm qua sách vở. Năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng măng cụt theo chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức, ông đem kiến thức học được về áp dụng cho vườn cây của gia đình.

Ông Tỵ cho biết, chăm sóc cây măng cụt không khó mà cái khó hơn là tuân thủ các yêu cầu khi trồng theo VietGap. Chi phí đầu tư gồm giống, phân bón cho 1ha tốn khoảng 20 triệu đồng, trong đó cây giống khoảng 1,6 triệu đồng trên 200 cây. Ông tuân thủ kỹ càng các yêu cầu từ cách đào hố, bón lót, tỷ lệ đạm, lân, kali, phân chuồng để cây sinh trưởng tốt.

Tại Bình Thuận, mùa nắng kéo dài nên nước tưới là yếu tố quan trọng. Để vườn đủ nước, ông đào rãnh, mương dẫn nước vào vườn, xen giữa các hàng cây. Để tránh nắng cho cây, nhiều nhà vườn còn chăng lưới che. Riêng vườn ông, tận dụng thêm những cành dừa khô để chắn cho cây con thay lưới. Từ khi trồng đến nay, suốt 13 năm, vườn nhà ông chỉ xuất hiện kiến. Mỗi năm, ông chỉ xịt thuốc sinh học một lần.

Ông Tỵ tự tay chăm bón 1ha măng cụt, từ bón phân, làm cỏ, tỉa cành. Sau 5 năm, vườn măng cụt bắt đầu cho thu hoạch, năm sau cao dần hơn năm trước. Thời điểm thu hoạch từ tháng 3-4 Âm lịch hàng năm.

Vụ măng cụt 2017, ông Tỵ phấn khởi vì sản lượng tiếp tục tăng thêm 0,4 tấn so với vụ 2016. Giá bán tại vườn là 45.000 -50.000 đồng một kg. Giá cả các năm ổn định mang về đều đặn cho ông trên 100 triệu đồng mỗi năm. Theo ông, giá măng cụt ổn định như vậy là do chất lượng quả ngon, đều và thị trường tiêu thụ khá rộng. Ông cho biết, măng cụt có thể bảo quản cả tháng mà không bị hư nên chúng có thể vận chuyển ra thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Theo xu hướng phát triển của cây măng cụt, địa phương đang có các chủ trương khuyến khích hộ trồng giữ vững tiêu chuẩn trồng VietGap, liên kết thành hợp tác xã trồng măng cụt VietGap, tạo nền tảng hình thành vùng chuyên canh và xây dựng thương hiệu măng cụt địa phương.

Nguồn: VNE được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kính nể lão nông ‘gàn’ lên núi trồng rau công nghệ cao

Mới nghe chuyện có người lên núi trồng rau công nghệ cao, tôi cứ ngỡ ấy là việc làm của chàng thanh niên gàn dở nào đấy, không ngờ nhân vật đó lại là một nông dân đã chạm tuổi “cổ lai hy”!

Đã gần 70 tuổi, nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận từ ông toát ra sự năng động hừng hực. Ông nói về chuyện trồng rau công nghệ cao như một “ma men” nói đến rượu ngon.

Ông Ba Thành nói chuyện trồng rau CNC như “ma men” nói đến rượu ngon

Ông họ Ba tên Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Lên núi kiếm cơm

Nhà nghèo, con đông, vốn liếng có mấy sào ruộng, vợ chồng ông Ba Thành dù có cố đến mấy cũng không thể nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Bàn đi tính lại miết, cuối cùng vợ chồng ông Ba Thành dắt díu con cái rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không bóng người, nằm trên địa bàn thôn Diễn Khánh ở xã Hoài Đức để bày cuộc làm ăn.

Đó là vào năm 1990. Khi ấy, con cái còn nhỏ, vợ chồng ông Ba Thành ngày đêm gắn với cây cuốc cái rựa để phát dọn, biến vùng đồi hoang vu ngày nào thành 6 sào đất bằng phẳng nhìn mát mắt.

Vốn con nhà nông, đi đến đâu ông Ba Thành cũng nghĩ đến cây lúa. Ngày ấy, cái đói luôn ám ảnh, nên cây lúa nhanh chóng xuất hiện trên vùng đất mới của ông Ba Thành. Nước tưới đã có những con suối từ trên núi chảy xuống cung cấp. Nhưng vì nằm cạnh núi, nên vùng đất ông Ba Thành khai hoang chẳng mầu mỡ gì mấy.

Lại thêm nạn chuột. Vào mùa mưa lũ, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Lũ qua, chúng kéo xuống cả đoàn, vậy là những ruộng lúa xanh mướt của ông Ba Thành trở thành nơi “chè chén” của chúng.

Không chỉ có chuột, những con thú trong rừng lâu lâu “đổi gió” xuống đồng cũng “góp tay” phá nát những đám lúa của ông. Đến mùa, số lúa thu hoạch được chẳng bõ công vợ chồng Ba Thành bỏ ra suốt mấy tháng trời.

Khó khăn kích thích năng động. Trồng lúa không hiệu quả, ông Ba Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông rủng rỉnh tiền cho con đi đại học. Đến bây giờ, ông Ba Thành vẫn không dấu được tự hào khi nói: “Chính lũ trâu lũ bò ngày ấy đã nuôi ba đứa con lớn của tui học hành đến nơi đến chốn, giờ một đứa thành bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp TP.HCM”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2005, ông Ba Thành bắt tay đầu tư trồng cây lâu năm với 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Những loại cây ông chọn trồng cách đây hơn 10 năm bây giờ trở thành loại cây “thời thượng” trong bảng “xếp hạng” các loại cây ăn quả ở Bình Định.

Vườn bưởi da xanh của ông Ba Thành sẽ “hốt tiền” trong dịp Tết Mậu Tuất 2018

Ghé thăm trang trại của ông Ba Thành vào những ngày cuối năm 2017, đi dạo vườn, mắt tôi không thể rời những cây bưởi da xanh lúc lỉu quả non. Ông bảo, lứa bưởi này kịp bán Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chừng này bưởi bán vào dịp tết để người ta chưng mâm ngũ quả là hốt tiền!

Khi đã có của ăn của để, và có thêm chân thêm tay của 2 người con trai nhỏ theo nghề nông của cha đỡ đần công việc, ông Ba Thành mở rộng quy mô chăn nuôi. Bò đã có 30 con, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi heo. Bây giờ, góc đồi hoang vắng ngày xưa thêm rộn ràng bởi tiếng kêu của 100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản, nhất là đến giờ chúng đòi ăn.

“Bén duyên” rau công nghệ cao

Dường như một việc làm hoài khiến ông buồn hay sao mà ông Ba Thành không để cái đầu ngơi nghỉ. Lần này, ông nghĩ đến cái điều mà tôi dám chắc, chưa một nông dân nào ở Bình Định dám nghĩ tới, đó là trồng rau công nghệ cao. Vốn liếng trong tay có 6 sào đất (500 m2/sào), bưởi cam chuồng heo chuồng bò chiếm mất 2 sào, còn lại 4 sào ông “quăng trất” vào công cuộc trồng rau công nghệ cao.

Tôi hỏi: “Điều gì dẫn dắt chú đến với rau công nghệ cao?”. “Từ báo chí. Tui mê nghề nông nên hễ báo chí nói gì đến nông nghiệp là tui đọc tuốt. Có bữa tui vớ phải tờ báo có bài viết về làm rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tui đọc ngấu đọc nghiến. Đọc xong bài báo ấy thì chuyện trồng rau công nghệ cao cứ ám ảnh miết trong đầu. Ngủ mơ cũng thấy nhà màng, béc phun. Vậy là tui ghim trong ruột chuyện đó, quyết tâm sẽ có ngày mình làm!”, ông Ba Thành bộc bạch.

Những nhà kính trồng rau bề thế của ông Ba Thành trên ngọn đồi hoang vắng

Đi theo sau sự quyết tâm là cả chuỗi ngày dài tìm tòi học hỏi. Ở Bình Định chưa có nông dân nào làm, ông đành học từ các phương tiện truyền thông. Tivi thì xem chương trình nói về rau công nghệ cao, báo chí thì đọc những bài viết về rau công nghệ cao. Sợ mình tuổi già lú lẫn tiếp thu không hết, ông Ba Thành còn nhờ người con trai ở TP.HCM lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau trên ấy rồi về truyền đạt lại. Cách làm nhà màng trồng rau như thế nào, con trai ông vừa quan sát vừa chụp ảnh, mang về diễn giải lại cho cha.

Tháng 5/2017, ông Ba Thành quyết định thực hiện ước mơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính có tổng diện tích 2.000m2 bề thế với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Nếu quy số tiền này ra heo ra bò thì không biết bao nhiêu con, nhưng đã “lỡ mê” là ông Ba Thành làm tới.

“Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kỹ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar của Israel sản xuất. Nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập vào vườn gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng; bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Ba Thành hồ hởi khoe.

Để đảm bảo đầu ra, ông Ba Thành trồng nhiều loại rau: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… các loại rau ăn lá. Mỗi thứ một ít diện tích, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Để có được nguồn nước tưới rau, ông Thành phải đào giếng. Do là vùng đất đồi núi nên giếng ông đào phải sâu đến 70m mới có nước. Nước được bơm từ giếng lên chiếc bồn có dung tích chứa 7.000 lít đặt trên cao rồi được xả xuống hệ thống tưới tự động trong các vườn rau.

Hiện bình quân mỗi ngày vườn rau của ông Ba Thành cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), rau của ông Ba Thành còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông Ba Thành vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng rau của ông không đủ bán. Ngoài vợ chồng và mấy đứa con suốt ngày lúc thúc trong những vườn rau, ông Ba Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Cái máu tìm tòi luôn “sôi” trong người, nên ông Ba Thành không ngừng “săn lùng” những giống rau mới mang về trồng. Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông Ba Thành còn xuất hiện những dây dưa leo giống mới, nhập ngoại, cứ mỗi mắc đã cho 1 quả mà theo ông Thành, loại dưa này trồng chỉ 25 ngày là đã cho thu hoạch và giống dưa hấu Nam Mỹ.

Ông Ba Thành nói về những giống rau mới

“Ở Bình Định chắc chưa có ai trồng hai loại cây này, tôi bảo con trai mua giống về trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Ba Thành nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Nguy cơ mất vụ xoài Tết

Thời gian qua, mưa bão đã khiến diện tích lớn xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị rụng trái, hư hỏng. Người trồng xoài đang đứng trước nguy cơ mất vụ xoài Tết.

Ông Nguyễn Chí Hiếu (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc, thị trấn Cam Đức) có hơn 2ha xoài Úc và xoài cát Hòa Lộc. Đợt cơn bão số 12 vừa qua, lượng lớn xoài cát Hòa Lộc của ông bị rụng trái, chỉ còn lại xoài Úc. Gia đình ông đang ra sức chăm sóc số xoài còn lại cho kịp bán vụ Tết thì mấy ngày qua, trời mưa to, gió lớn làm xoài rụng trái gần hết, những cây đang ra hoa cũng bị hư hỏng. Sản lượng xoài của gia đình ông bây giờ chỉ còn lại khoảng 20% đến 30% kịp phục vụ bán Tết. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục mưa, gió lớn, nguy cơ mất trắng rất lớn. “Đến bây giờ, tôi may mắn còn giữ lại được một ít, chứ có nhiều nhà đã mất sạch, xoài rụng chỉ biết mang về ăn chứ bán được cho ai. Chắc năm nay người trồng xoài mất vụ Tết”, ông Hiếu nói.

Vườn xoài của ông Nguyễn Chí Hiếu chỉ còn lại hơn 20% sản lượng do mưa và gió lớn những ngày qua.

Ông Thái Minh Ngưu (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, hơn 60 gốc xoài Úc của gia đình ông đang ra trái, chờ đến gần Tết thu hoạch đã bị mất một nửa trong cơn bão số 12; vừa qua, trời gió lớn đã khiến số xoài còn lại bị rụng gần hết. Ông Ngưu cho biết: “Bây giờ có làm cách nào cũng không kịp để cho xoài ra trái kịp vụ Tết. Chưa có năm nào thời tiết xấu như năm nay, người trồng xoài như tôi giờ không mất trắng thì cũng lỗ”.

Tại xã Cam Hòa, người dân trồng xoài cũng chịu chung tình cảnh. Ông Phùng Minh Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, sau cơn bão số 12, diện tích xoài còn trái để phục vụ Tết của toàn xã chỉ còn khoảng 50ha, nhưng những ngày qua, mưa to và gió lớn đã khiến diện tích xoài này rơi rụng, hư hỏng hết. Xoài Úc hiện nay có giá 80.000 đồng/kg, đến gần Tết sẽ tăng lên hơn 100.000 đồng/kg. Đây không phải là vụ chính nhưng là thu nhập Tết của người trồng xoài, nhưng thời tiết xấu đã ảnh hưởng khá nhiều.

Khảo sát ở nhiều vườn, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng trên. Nhiều người chạy đôn chạy đáo mua thuốc về xử lý, hy vọng gỡ gạc để kịp có xoài bán dịp Tết nhưng đều bất lực. Vườn xoài nào cũng xơ xác, bông, trái đều rụng hết. Bà Trần Thị Hải – thương lái thu mua xoài ở xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “Với tình hình này thì xoài chắc chắn mất vụ Tết, giá xoài sắp tới sẽ cao. Không những người trồng mất mùa mà thương lái cũng không có mà bán”.

Ông Lê Đình Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm cho biết, vụ xoài chính thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng trước đó, hầu hết người dân trồng xoài đều xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Theo thống kê mới nhất của địa phương, năng suất xoài đang đạt 73,29 tạ/ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng với tình hình mưa, gió lớn những ngày qua, năng suất thực tế đã giảm thấp hơn rất nhiều. Qua cơn bão số 12, toàn huyện bị đổ ngã 1.733,8ha/5.021,5ha xoài, người trồng vừa khôi phục được phần nào thiệt hại thì lại thêm đợt mưa lớn và gió làm xoài bị rụng, nên nguy cơ người dân mất vụ xoài Tết rất cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cà phê Tây Nguyên thối, rụng, bung hoa, nông dân điêu đứng

Người trồng cà phê Tây Nguyên không chỉ điêu đứng vì giá liên tục giảm mà còn bất lực chứng kiến cảnh cà phê đang chín rộ khiến quả thối rụng. Chưa hết, hiện tượng hoa bung nở trong lúc thu hoạch còn làm giảm năng suất, chất lượng cà phê vụ kế tiếp.

Chị Ngân nhặt từng quả cà phê sau bão

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Tây Nguyên đúng lúc nông dân đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhiều diện tích cà phê bị quật đổ. Chị Đinh Thị Ngân ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có 400 cây cà phê đang cho thu hoạch bị bão quật gãy cành lá, trái non, già vùi lẫn dưới đất. Tiếc của, chị phải bới từng gốc nhặt quả, vớt vát thiệt hại. Năm trước chị thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng nay chỉ được 1 nửa, năm sau còn giảm nữa do nhiều cây gãy chết.

Sau bão, tiếp tục xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo làm chậm tiến độ thu hoạch, phơi sấy cà phê. Nhà chị H’ Djuang Niê ở buôn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) có hơn 5 sào cà phê nhưng cả tháng nay vẫn chưa thu hoạch xong.

Theo chị H’ Djuang, tầm này mọi năm nhà chị đã thu hoạch xong cà phê nhưng hiện tại vẫn phải vừa hái, vừa phơi rất tốn thời gian. “Trời mưa liên tục, cà phê hái về đổ đầy sân không phơi được nên không dám thu hoạch nữa. Gọi là hái chứ nhặt dưới gốc là phần nhiều vì cà phê chín quá rụng trắng gốc. Nước mưa thấm vào làm quả nở tét, nhân bị thâm đen, bán mất giá.

Năm vừa rồi thu được 3 tấn, năm nay cao lắm là 2 tấn, hiện giá cà phê bán ra cũng giảm từ 50 nghìn đồng/kg (2016) xuống còn khoảng 36 nghìn đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí thu hoạch, nhà tôi tự hái hoặc đi đổi công ở các nhà khác chứ không dám thuê nhân công”, chị H’ Djuang chia sẻ.

Cà phê chín rụng khó thu hoạch

Không riêng Đắk Lắk, nông dân các tỉnh khác cũng lao đao vì thời tiết. Ông Vương Đình Danh (51 tuổi, ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) có 2ha cà phê chín rộ vẫn chưa thu hoạch xong do khát nhân công. Từ đầu vụ đến nay ông đã thuê 10 nhân công từ các tỉnh miền Trung vào hái nhưng được vài ngày thì họ phải quay về khắc phục hậu quả mưa lũ tại quê nhà. Số người còn lại do không quen với khí hậu nắng mưa thất thường nên tiếp tục bỏ về khiến tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra trên diện rộng.

Ông Danh xót ruột cho biết: “Ở đây nhà nào cũng có cà phê nên họ lo thu hoạch cho xong phần mình. Giờ tôi mới tìm thêm được vài nhân công nên năn nỉ họ cố hái hết vụ chứ nhà tôi không thể xoay xở hết 2ha đang chín đỏ trên cây. Với tình hình thời tiết, giá cả như hiện nay tôi chỉ mong đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”.

Nỗi lo mất mùa vụ đang hiện hữu thì hiện tượng hoa cà phê nở trắng cành khi việc thu hái chưa xong càng khiến nông dân lo lắng hơn. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua một mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên búp hoa, lúc này người dân mới tưới nước tập trung cho cây nở hoa đều, khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài sang mùa khô khiến cây ra hoa nhiều khi đang thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Việt ở huyện Cư M’gar có vườn cà phê nở hoa khi đang thu trái cho hay, mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng cà phê cho vụ hiện tại, lại kích thích hoa nở sớm, ảnh hưởng đến vụ năm sau.

Thu hoạch cà phê gián đoạn vì thời tiết

Giờ anh đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu hái quả khi hoa đang nở sẽ gây rụng hoa chắc chắn làm giảm năng suất vụ sau. Còn nếu kiên nhẫn chờ hoa khô rụng rồi mới hái thì quả chín quá, rơi hỏng, vừa nhọc công thu hoạch, nâng suất cũng giảm.

Đằng nào cũng ảnh hưởng nên anh và một số hộ khác chọn cách tuốt bỏ bông hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.