Trồng hoa công nghệ cao trên vùng kinh tế mới, thu 15 – 20 triệu đồng/tháng

Nói tới trồng hoa công nghệ cao, người ta nghĩ ngay tới “thành phố Đà Lạt ngàn hoa”. Ít ai ngờ tại vùng kinh tế mới huyện Lâm Hà, Lâm Đồng chuyên canh cây cà phê lại có những nhà kính, trồng hoa theo công nghệ Israel cho hiệu quả kinh tế cao…

Ông Lăng Văn Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà dẫn chúng tôi tham quan khu nhà kính rộng 5.000m2 trồng hoa công nghệ Israel đang cho thu hoạch của ông Giáp Mạnh Kiểm (thôn Tân Thành, xã Tân Văn).

Nhờ trồng hoa công nghệ cao, nhiều nông dân Lâm Hà có thu nhập tốt

Ông Kiểm cho biết, quê ông ở Bắc Giang, sau 5 năm từ quân ngũ trở về, năm 1994 ông đưa gia đình vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Thời gian đầu rất vất vả, vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Nhờ chịu khó cần cù, tích cóp ông mua được 5.000m2 đất và trồng hoa cẩm tú cầu.

Do hiệu quả không cao, đầu năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính trồng hoa cát tường với tổng kinh phí 135 triệu đ/1.000m2 và hệ thống tưới Israel kinh phí 35 triệu đ/1.000m2; trong đó có hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt, đèn chiếu sáng. Loài hoa cát tường màu sắc đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ lớn. Đặc biệt, loài hoa này là chỉ cần xuống giống một lần nhưng thu hoạch hai lần (lứa thứ nhất cắt hết, rồi bón phân theo hệ thống nhỏ giọt để tiếp tục thu lần hai).

Ông Kiểm cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel thấy rất hiệu quả, hệ thống tưới phun sương làm mát cho cả nhà kính, còn hệ thống tưới nhỏ giọt vừa làm mát gốc, vừa trực tiếp cung cấp phân bón và dinh dưỡng cho cây, thời gian thu hoạch từ khi trồng tới lúc thu là 3 tháng.

“Tôi đang liên kết với Hasfarm Đà Lạt, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM) và các mối khác để tiêu thụ sản phẩm. Với 5.000m2 trồng hoa công nghệ cao, gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, tôi vừa ký hợp đồng trồng hoa xuất cho một công ty Nhật”.

Qua cánh đồng kế bên, chúng tôi sang thăm nhà kính trồng hoa của chị Bùi Thị Sáu (thôn Dam Pao, xã Đạ Đờn). Chị Sáu cho biết, quê chị ở tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Năm 1994 gia đình vào huyện Lâm Hà trồng lúa, cà phê. Năm 2016 chị mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 cà phê, chuyển qua trồng hoa.

Thời gian đầu chị trồng hoa hướng dương, khi được thu hoạch thì thị trường tiêu thụ yếu, bán giá thấp. Chị lặn lội lên Đà Lạt tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho vườn hoa của mình. Năm 2017 chị mạnh dạn đầu tư 2.000m2 nhà kính và 2.000m2 nhà lưới để trồng hoa cát tường.

“Qua quá trình làm tôi thấy trồng hoa cát tường hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cà phê gấp nhiều lần. Tháng nào cũng có thu nhập, tiền đóng học cho con cái không phải lo nghĩ như trước đây. Nhờ trồng hoa gia đình tôi có tiền nuôi con học đại học”, chị Sáu khoe.

Tương tự, anh Phan Quốc Vũ, người cùng thôn Dam Pao cũng mạnh dạn đầu tư 1.500m2 nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel để trồng hoa đồng tiền. Anh Vũ cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel có hệ thống tưới phun sương tự động, đặc biệt là bón phân và dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt rất hiệu quả, tiết kiệm và nhàn hạ. Đặc biệt, trồng trong nhà kính chủ động về nhiệt độ, tránh được nắng, mưa, hoa không bị dập nát, ngăn ngừa côn trùng từ bên ngoài xâm hại…

“Từ khi trồng tới thu hoạch chỉ 2,5 tháng, hoa thu quanh năm, cứ 3 ngày cắt bán một lần, 4 năm mới phải thay giống. Chỉ với 1.500m2 trồng hoa đồng tiền, mỗi tháng tôi thu được từ 15 – 20 triệu đồng”, anh Vũ hồ hởi nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ninh Bình lần đầu trồng cây thuốc đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP

Với dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ”, Ninh Bình trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước trồng loài cây dược liệu này theo tiêu chuẩn GACP (thực hành trồng trọt tốt và thu hái) của WHO ở quy mô lớn.

Vườn giống đinh lăng lá nhỏ được trồng trong nhà lưới đảm bảo giống cây khỏe, sạch bệnh. 

Sức hấp dẫn từ “cây nhân sâm của người nghèo”

Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia – đơn vị chủ trì thực hiện dự án – cho biết, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 9/2016.

Sở dĩ cây đinh lăng lá nhỏ được chọn làm đối tượng của dự án vì đây là cây dược liệu truyền thống của Việt Nam, được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc – ông Tâm lý giải.

Bên cạnh đó, đinh lăng là loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Thị trường tiêu thụ đinh lăng cũng rất rộng mở, tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể dùng để chế biến thành cao, thuốc, trà…

Được coi là “nhân sâm của người nghèo”, cây đinh lăng đã và đang tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. “Do đây không phải là cây mới nên chúng tôi có thể tính toán được lợi nhuận. Sau 3 năm, cây đinh lăng cho thu hoạch có thể đem lại 150 – 200 triệu/ha/năm. Ngoài ra, trên cùng một diện tích có thể trồng xen canh các cây ăn quả khác” – ông Tâm nói.

Dự án được thực hiện nhằm giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân tại huyện Nho Quan, Ninh Bình – nơi có khí hậu, địa chất phù hợp với sự phát triển của cây đinh lăng. Để tạo nguồn thu trước mắt, hiện dự án đang cho trồng xen hoa hòe, bưởi.

Từ nhỏ lẻ đến tập trung

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cây đinh lăng lá nhỏ mới được trồng nhỏ, lẻ ở quy mô hộ gia đình, và chưa theo hướng sản xuất hàng hóa. Kỹ thuật trồng chủ yếu sử dụng cây hom tự khai thác trong tự nhiên hoặc tự để giống nên không bảo đảm. Có thể nói, chưa có quy trình công nghệ nào được áp dụng trong việc trồng và chế biến cây đinh lăng lá nhỏ tại địa phương.

ThS Phạm Tiến Duật – chủ nhiệm dự án – cho biết, dự án sẽ khắc phục những điểm hạn chế này với các quy trình công nghệ về sản xuất giống, trồng, thu hoạch và chế biến để có năng suất và hàm lượng hoạt chất đảm bảo theo yêu cầu. Dự án cũng đào tạo 10 cán bộ, kỹ thuật viên cơ sở; và tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân vùng dự án về sản xuất dược liệu theo GACP – WHO.

Theo tiêu chuẩn GACP, từ khâu giống, làm đất, đến nước tưới đều phải có nhật ký. Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Khâu sơ chế cũng tuân thủ tiêu chuẩn nước rửa sạch, công đoạn thái sơ chế đảm bảo trong điều kiện sạch sẽ, nhà xưởng đảm bảo khép kín.

“Chúng tôi đang xây dựng vườn đinh lăng giống gốc rộng 1,5ha theo tiêu chuẩn GACP. Sau đó sẽ xây dựng mô hình thâm canh đảm bảo năng suất và hàm lượng hoạt chất để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến dược liệu với quy mô 30ha, năng suất 10 tấn tươi/ha, tương đương khoảng 2,0 tấn khô/ha; xây dựng nhà xưởng và hoàn thiện quy trình thu hoạch, sấy khô và bảo quản nguyên liệu dược liệu” – ông Duật cho biết.

Nếu thành công, Ninh Bình sẽ có cơ hội mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị sản xuất chế biến thuốc trong và ngoài nước, ông Duật kỳ vọng.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vũ Gia, trước Ninh Bình, mới có một dự án trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP ở Nam Định, nhưng quy mô nhỏ. Công ty Vũ Gia cam kết thu mua hết sản lượng đinh lăng theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ sản xuất với giá mua đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Đồng thời Công ty Vũ Gia cũng phối hợp với các công ty như Traphaco, Sao Thái Dương, Mediplantex, Nam Dược… để cung cấp các sản phẩm dược liệu từ cây đinh lăng lá nhỏ cho thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 26-31/12)

1. Các tỉnh phía Bắc

Rầy, sâu đục thân 2 chấm, ốc bươu vàng,… hại nhẹ trên mạ chiêm, lúa gieo sạ. Sâu đục thân, chuột, đốm lá,… hại trên ngô. Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp,… hại trên rau màu. Bệnh héo xanh, mốc sương,… hại trên cà chua, khoai tây; sâu khoang, bệnh đốm lá,… hại trên lạc, đậu tương.

Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng trên mía tại Nghệ An; Bệnh chảy gôm, bệnh loét, sẹo, ruồi đục quả, nhện… hại trên cam, chanh, bưởi. Bệnh chết nhanh xu hướng tăng trên tiêu. Bệnh gỉ sắt tăng trên cà phê. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn,… hại trên sắn.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Rầy, bệnh khô vằn, đen lép hạt,… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10+12 giai đoạn chín – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,… hại trên lúa ĐX giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

Cây trồng khác: Bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại; bệnh phấn trắng, mốc sương,… hại rau họ bầu bí; bệnh héo xanh, thán thư,… hại rau họ cà; sâu khoang, gỉ sắt,… hại nhẹ trên cây lạc và đậu đỗ. Bệnh đốm lá, khô vằn,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch. Rệp sáp, rệp vảy, đốm mắt cua,… hại cà phê. Tuyến trùng rễ, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm,… hại hồ tiêu. Sâu đục thân, bọ xít muỗi, thán thư,… hại điều. Sâu non bọ hung, bệnh sọc đỏ, trắng lá do Phytoplasma… hại cục bộ mía ở Gia Lai. Bọ cánh cứng phát sinh gây hại dừa. Bệnh đốm nâu, thán thư,… tiếp tục hại thanh long.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành. Đối với lúa ĐX đã xuống giống cần theo dõi rầy di trú, che chắn nước kịp thời đối với lúa dưới 20 ngày sau sạ. Đối với lúa ĐX xuống giống đợt cuối tháng 12/2017 đầu tháng 1/2018 cần theo dõi rầy nâu vào đèn, khí tượng thủy văn, xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, chuột, đen lép hạt.

Cây trồng khác: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tăng trên tiêu. Bọ xít muỗi giảm và bệnh thán thư tăng nhẹ trên điều. Bọ cánh cứng tăng nhẹ và bọ vòi voi giảm nhẹ trên dừa.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Cà Mau: Xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines để xuất khẩu

Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

6.000 cây chuối già Philippines nuôi cấy mô sạch bệnh được triển khai trên quy mô 100ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là mục tiêu của dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ cấy mô sản xuất giống cũng phát triển mô hình trồng chuối cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại vùng U Minh Hạ” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 -2025 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt triển khai tại Cà Mau từ năm 2017.

Trồng chuối giống mới ở Cà Mau.

Theo Ban quản lý dự án Chuối già Philippines có tên gọi là Cavendish (còn gọi chuối già Nam Mỹ) là loại chuối cho cho buồng, trái to. Từ nuôi cấy mô sạch bệnh, 6000 cây chuối này sẽ được trồng và hoàn thiện quy trình nhân chuối ở Cà Mau với năng suất dự kiến đạt khoảng 30 tấn/năm/ha. Theo tính toán, mỗi hécta chuối cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng, góp phần tạo ra thu nhập ổn định cho những người dân sống ở miệt rừng Cà Mau.

Được biết hiện tỉnh Cà Mau đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tới năm 2020. Ngoài giống lúa và một số sản phẩm nông nghiệp khác, Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các trang trại thẳng đứng đáng chú ý trên thế giới

Mô hình “nông trại thẳng đứng” đã không còn là khái niệm quá xa lạ, nhưng chỉ một vài năm trở lại đây các mô hình nông trại kiểu mới này mới có điều kiện phát triển và được nhân rộng tại nhiều nước.

Hình thức canh tác này được coi như lời giải cho bài toán hóc búa về nhu cầu lương thực thế giới và đất nông nghiệp khan hiếm. Kết quả mà các mô hình nông trại thẳng đứng đã đạt được chắc chắn sẽ làm choáng ngợp nhiều quốc gia.

Hãy cùng điểm tên một vài mô hình nông trại thẳng đứng đã được thực hiện tại một số nơi và xem chúng đã làm thế nào để xứng đáng với danh hiệu “giải pháp canh tác tiềm năng cho tương lai”:

1. Aero Farm – Mỹ

Các nông trại thẳng đứng Aero Farm ở New Jesey, Hoa Kỳ, được xướng danh với cái tên “trang trại thẳng đứng độc đáo lớn bậc nhất thế giới” bởi hình thức canh tác đặc biệt không dùng đất, thuốc trừ sâu hay ánh sáng mặt trời.

Aero Farm nằm trong một nhà kho rộng hơn 6,400 m2 tại Newark, New Jesey, mỗi năm trang trại này có khả năng cung cấp 900 tấn rau sạch cho Mỹ.

Quá trình chọn giống và chăm sóc cây tại đây đều được giám sát kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Ban đầu, nông dân đổ từng hạt giống nhỏ xíu lên một khay trồng phủ vải và nhựa tái chế, sau đó được chiếu đèn LED với cường độ và quang phổ phù hợp với từng loại giống cây.

Ở giữa mỗi dãy, người ta lắp đặt những chiếc quạt nhỏ để cung cấp oxy cho cây, các khay đều được phun dưỡng chất định kì và luôn được theo dõi bằng máy cảm biến để đảm bảo quá trình phát triển bình thường, không sâu bệnh.

Nhờ đó, Aero Farm cho thu hoạch từ 20 -30 đợt rau mỗi năm với khoảng hơn 250 loại thảo mộc, rau và đậu. Sau khi được thu hoạch, rau sẽ được chuyển đến các điểm tiêu thụ gần nhất để tiết kiệm chi phí vận chuyển từ vườn đến tay người tiêu dùng.

2. Plenty United – Mỹ

Plenty United, một công ty startup đến từ thung lũng Sillicon, được thành lập năm 2014 đã áp dụng thành công mô hình nông trại thẳng đứng để trồng rau sạch, thu hút hàng triệu đô la vốn đầu tư mỗi năm.

Thay vì canh tác ngoài trời, Plenty United trồng các khay rau trong nhà trong tháp đèn LED cao hơn 6 m bên trong một trung tâm phân phối hàng điện tử cũ tại nam San Francisco.

Cũng giống như AeroFarm, Plenty United sử dụng kĩ thuật trồng rau trong nhà theo chiều dọc, không cần sử dụng ánh sáng tự nhiên và thuốc trừ sâu bởi các yếu tố đầu vào đều được kiểm soát bằng máy móc.

Mỗi năm, nông trại này có thể cho năng suất gấp 350 lần và sử dụng ít nước hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Nông sản khi thu hoạch sẽ đến tay người tiêu dùng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Hiện nay, Plenty United đã hút vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, con số lớn nhất trong lịch sử công nghệ nông nghiệp hồi tháng 7 vừa qua.

3. Spread – Nhật Bản

Spread là nông trại thẳng đứng trong nhà lớn nhất Nhật Bản, nằm ở phía tây Tokyo với tổng diện tích hơn 4.000 m2, chủ yếu gieo trồng xà lách bằng các phương pháp canh tác cực kỳ hiện đại.

Từ nông trại này, hơn 21.000 cây xà lách được thu hoạch mỗi ngày, tức 7,7 triệu cây mỗi năm để xuất đi khắp các khu chợ và siêu thị tại Nhật Bản.

Tại đây, người ta lắp đặt hệ thống đèn LED, tưới tiêu bằng dung dịch có hòa dưỡng chất giúp đảm bảo quá trình quang hợp và cung cấp dinh dưỡng cho cây trong điều kiện không cần đất, không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng. Nếu xà lách có hiện tượng bị úa hay dập nát, chúng ngay lập tức bị loại bỏ khỏi khay trồng chính vì thế người dân hoàn toàn có thể yên tâm ăn trực tiếp xà lách tại nông trại mà không cần rửa qua nước.

4. A Go-Grow – Singapore

A Go-grow là một dự án vườn rau thẳng đứng ở Singapore do ông Jack Ng, giám đốc công ty Sky Greens hợp tác cùng Cơ quan thực phẩm nông nghiệp Singapore thực thiện. Họ trồng rau trên một cái tháp nhôm cao 9 m có 38 bậc với nhiều máng rau nằm liền nhau.

Các máng rau được vận chuyển từ trên xuống và từ dưới lên nhờ một chiếc ròng rọc. Hình tháp rau này khác với các mô hình nông trại thẳng đứng khác ở chỗ cây trồng tại các giàn vẫn đón ánh nắng tự nhiên khi ở trên cao để quang hợp sau đó được tưới nước và chất dinh dưỡng khi xuống thấp.

Toàn bộ hệ thống gồm 120 tháp rau như vậy, với 3000 cây trồng, có thể sản xuất ra 2 tấn rau xanh hàng ngày mà chỉ tốn diện tích gần 700m2. Hiện này A Go-Grow đang có kế hoạch nhân rộng thành 2.000 tháp rau trong vài năm tới để phục vụ nhu cầu rau sạch cho người dân Singapore.

Theo mô hình tháp ra thẳng đứng này, người dân thành phố hoàn toàn có thể tận dụng không gian trên sân thượng để canh tác, không tốn diện tích mà lại có thể tự cung cấp rau sạch cho gia đình.

Nguồn: Khampha.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Dị nhân” nặn dừa hồ lô lạ mắt bán Tết, bỏ ăn, bỏ ngủ suốt ngày trên cây

Có biệt tài nặn dừa hồ lô, dịp Tết này để có những trái dừa hồ lô độc, lạ, “dị nhân” U60 Nguyễn Hoàng Phúc ở Cần Thơ thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc bên trái dừa hồ lô của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (55 tuổi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, sau hơn một năm nghiên cứu, ông đã có thể tạo được thành công sản phẩm dừa hồ lô trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

“Để nâng cao giá trị trái dừa, tôi quyết tâm ngày đêm nghiên cứu tạo hình hồ lô trên trái dừa. Qua khá nhiều lần thất bại, trái nứt, rơi rụng (từ 40-50 trái), cuối cùng tôi cũng đã làm được” – ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Phúc, những ngày đầu làm thử nghiệm, vườn dừa của ông bị hỏng từ buồng này đến buồng khác, từ cây này sang cây nọ. Tuy nhiên, càng thất bại thì ý chí càng thúc giục ông phấn đấu làm tiếp, khi nào thành công mới thôi. Thậm chí, có những hôm, ban đêm, ông vẫn lọ mọ mở đèn pin trèo lên cây xem trái dừa mình đang “nặn” phát triển như thế nào.

Ông Phúc thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Phúc nói thêm: “Nhiều lúc vợ nói làm dừa hồ lô phí công cực khổ, không có thời gian nghỉ ngơi, hơn nữa tuổi cũng đã cao. Khi đó tôi trả lời, cái này là sở thích nên không thấy mệt. Nhiều khi “bỏ ăn, bỏ ngủ” ngồi ở trên cây dừa, gia đình đi kiếm mãi không thấy…”.

Dipk Tết năm nay, dừa tạo hình hồ lô của ông Phúc đã có khách đặt 100 cặp để đưa ra Hà Nội. Trong thời gian tới, ông Phúc sẽ mở rộng mô hình, thuê vườn của anh em hoặc hàng xóm để làm dừa tạo hình.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhiều hộ đổi đời nhờ mận xanh đường

Nông dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập.


Chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ bà con cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Điển hình là ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ tại khóm Đông Bình đã mạnh dạn chuyển đổi 9 công vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng mận xanh đường. Mỗi năm trừ hết các chi phí còn lời trên 300 triệu đồng, gấp hai, ba lần làm vườn tạp (chưa kể tiền bán nhãn và bưởi trồng xen trong vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng).

Ông Quyên giới thiệu những trái mận được bọc kín bằng bao nilon

Ông Quyên cho biết, ưu điểm của mận xanh đường là ruột đặc, trái to (10 trái/kg), da màu xanh, thịt mềm và ngọt như đường nên được nhiều người ưa chuộng. Theo ông, giống mận này đã xuất hiện tại phường Đông Thuận cách nay hơn 20 năm do ông Ba Cắc mang về nhân giống. Khi mận ra những chùm trái đầu tiên, nhiều người trong xóm ăn thử mới phát hiện đây là giống mận quý hiếm, vượt trội các giống mận hồng đào và An Phước.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người xin chiết nhánh nhân giống. Lúc đầu chỉ một vài người trồng, dần dần cả xóm cùng đào mương lên liếp nhân giống đại trà. Đến nay toàn phường có trên 56ha mận xanh đường, chỉ riêng khóm Đông Bình có gần 100 hộ trồng.

Vườn mận của ông Quyên được sản xuất sạch, mỗi trái đều được bao bằng bọc nilon từ khi còn nhỏ. Ngoài bao trái ông còn dùng biện pháp sử dụng màn lưới trùm lên toàn bộ khu vườn (mận “ngủ mùng”) nhằm ngăn chặn ruồi vàng đục trái và các loài bướm đến đẻ trứng. Nhờ vậy mà ít sử dụng đến thuốc trừ sâu, bảo đảm an toàn.

Cũng theo ông, mận vừa bao lưới (trùm mùng) vừa bao trái sẽ ngọt lịm, mùi vị thơm ngon hơn hẳn trái không bọc nilon. Đặc điểm của mận xanh đường là mùa nắng sẽ ngon ngọt hơn mùa mưa vì mùa mưa trái nhiều nước.

Vườn mận được bao lưới (trùm mùng)

Ông Quyên chia sẻ: Mận xanh đường nếu trồng đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý, thường xuyên cắt cành, tạo tán sau mỗi lần thu hoạch và xử lý cho cây ra hoa mùa nghịch, mỗi năm sẽ thu hoạch ba vụ, mỗi vụ bán được 30 triệu đồng/công. Thông thường 1 cây mận trưởng thành sẽ cho năng suất khoảng 120kg/năm. Đặc biệt vườn mận của ông không trồng thuần mận mà trồng xen canh cả bưởi và nhãn.

Bà Lê Thị Phương Lan, người gắn bó sản xuất giống mận này trên 15 năm cho biết, mận xanh đường tiêu thụ rất mạnh, giá cả dao động từ 10.000 – 13.000đ/kg tùy theo mùa thuận, nghịch chứ ít khi nào tuột giá như các giống mận khác.

Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận cho biết, đặc sản mận xanh đường là tiềm năng lớn của địa phương, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài sản xuất kinh doanh, nhiều chủ vườn còn giúp bà con ở địa phương có việc làm như bao trái, bao lưới, thu hoạch, vận chuyển và nhiều dịch vụ khác. Tỉnh Vĩnh Long đã chọn Đông Thuận làm thí điểm để nhân rộng mô hình…

Bà Lê Thị Phương Lan chăm sóc mận

Ngoài cây mận, ông Quyên còn thuê thêm 7 công đất khác để trồng cam xoàn, bưởi và nhãn Idor đang cho trái chín. Hy vọng một hai năm nữa ông sẽ vươn lên thành “tỷ phú miệt vườn”.

Với thành quả nêu trên, ông đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích SXKD giỏi và nhiều giấy khen của UBND TX Bình Minh.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng quýt hồng Lai Vung chuẩn GlobalGAP, chờ thu bộn tiền vụ Tết

 Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận tết là lúc trái quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) có mặt ở khắp nơi phục vụ người tiêu dùng, vì nó chỉ trồng một vụ vào mùa tết. Chính vì lẽ đó, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết nên các vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhộn nhịp hẳn lên.

Trồng quýt hồng ở Lai Vung – Đồng Tháp

Đến Lai Vung những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con kể nhau hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa quýt bội thu. Mặc dù giá VTNN năm nay tăng cao, thời tiết bất lợi nhưng theo đánh giá của nhiều người mùa quýt năm nay thành công nhất của người dân ở Lai Vung. Chẳng hạn như ở xã Long Hậu (một xã có diện tích quýt hồng lớn nhất so với các xã khác trong huyện Lai Vung) có 449 ha cho trái, năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha.

Anh Trần Việt Thắng, một người dân trồng quýt hồng lâu năm ở Long Hậu với diện tích gần 1ha, cho biết: Năng suất năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước, trừ các khoản chi phí vật tư, với khoảng 7 công quýt chắc chắn cho lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Thắng cũng cho biết thêm, nếu năm nào quýt cũng cho năng suất như năm nay, cộng với việc giá quýt ổn định như hiện tại thì năm sau anh sẽ cải tạo lại 3 công đất trồng màu để trồng quýt phục vụ tết.

Cũng ở xã Long Hậu này, lần đầu tiên thành lập được Tổ trồng quýt hồng theo hướng GlobalGAP phục vụ thị trường tết năm nay, có 10 thành viên với tổng diện tích 3,1ha. Sau hơn một năm thực hiện những kỹ thuật trồng theo hướng GlobalGAP, đến nay tính ưu việt của mô hình SX này đã được chứng minh. Từ ứng dụng khoa học của chương trình IPM đến sản xuất theo hướng GAP, nay lại đến GlobalGAP, nhà vườn chỉ cần thực hiện thêm tiêu chí đảm bảo vệ sinh vườn quýt, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể, phải thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa cành, tỉa bớt trái, nhất là những trái dị dạng hoặc bị côn trùng phá hại để khu vườn luôn sạch sẽ, thoáng đãng.

Quýt hồng trong trong dịp Tết hứa hẹn một vụ mùa bội thu và được giá

Bao thuốc, chai thuốc sau khi sử dụng phải được thu gom và tiêu hủy đúng cách, không quăng xuống mương vườn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhà vườn còn xây dựng nhà kho tại vườn để chứa các vật tư như phân bón, thuốc BVTV, các dụng cụ phục vụ SX, bảo hộ lao động. Ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ đều áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp và quy trình đã đề ra, theo từng giai đoạn phát triển của cây, vì vậy khi thu hoạch, năng suất quýt khá cao.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng, thành viên của tổ cho biết: SX theo hướng GlobalGAP, một năm giảm được 6 lần phun xịt thuốc. Trước đây, mỗi năm phun xịt 26 lần thì nay chỉ còn 20 lần, chi phí đầu tư nhờ đó cũng giảm đáng kể.

Theo chị Hồng, SX quýt theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc BVTV đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt lần cuối cùng đến khi thu hoạch… Nhà vườn dễ dàng trong hạch toán giá thành và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất cho vụ mùa năm kế tiếp. Vụ quýt hồng năm qua, Tổ trồng quýt hồng GlobalGAP thu được sản lượng gần 200 tấn quýt, trung bình mỗi ha đạt trên 60 tấn, cao gần gấp đôi so với sản lượng quýt hồng trung bình của cả huyện. Với cách mới, ngoài thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, các thành viên trong tổ GlobalGAP còn ý thức được vấn đề an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, an toàn môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng.

Còn anh Lưu Văn Tín, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu nhiều năm SX quýt hồng đạt hiệu quả cao thu nhập mỗi năm lên hàng tỷ đồng nhờ áp dụng VietGAP cho cây quýt hồng nên anh đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong SX nông nghiệp.

Anh Tín cho biết, vụ quýt tết năm nay thời tiết không thuận lợi mấy, nhưng nhờ kinh nghiệm và tận dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6,5 công quýt hồng vẫn đạt chất lượng và sản lượng, ước tính khoảng 60 tấn trái (cao hơn vụ trước 10 tấn). Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 22.000 – 30.000 đồng/kg, với giá này giúp gia đình thu nhập khoảng 1,3 – 1,4 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa.

Theo anh Tín: “Cái khó của cây quýt hồng là rất dễ bị bệnh vàng lá và khi vườn cây nào bị bệnh này thì xem như phá bỏ, bởi dù có trị tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn không hết bệnh. Bên cạnh đó, quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, trong khi chi phí đầu tư rất cao; vì vậy nếu thiếu vốn, không vững kỹ thuật… sẽ không trồng được. Bù lại, do quýt hồng bán vào dịp tết nên được giá cao. Phân tích kỹ những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, anh Tín chủ động từ việc thiết kế khu vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, anh còn gắn kết chặt với ngành nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… để học hỏi phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá; học cách xử lý ra hoa, đậu trái, xử lý màu cho trái quýt đẹp hơn…

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho phát triển cây có múi, địa phương cần phải có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch và tổ chức lại SX cho nông dân. Việc thay đổi tập quán SX của nhà vườn hướng đến sản xuất theo quy trình an toàn (VietGap, GlobalGap) và tổ chức liên kết tiêu thụ là vấn đề mà địa phương đang rất quan tâm thực hiện. Hiện tại, đặc sản quýt hồng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; sắp tới địa phương sẽ tiến hành xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho quýt đường và cam xoàn. Đây là định hướng quan trọng để nhà vườn tổ chức lại SX theo hướng liên kết, bền vững, để cây có múi của huyện vượt trội về chất lượng trong khu vực.

Hiện nay huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và SX theo các quy trình an toàn (Viet Gap, GlobalGap), bởi đây là điều kiện tất yếu để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời xây dựng được HTX quýt hồng Lai Vung với mục tiêu là phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại SX một cách bền vững trong thời gian tới.

Hiện toàn huyện có trên 2.700 ha trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 1.100 ha quýt hồng (loại trái cây đặc sản), gần 1.000 ha quýt đường và trên 600 ha cam các loại. Riêng cây quýt hồng cho trái vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hầu hết các nhà vườn trong huyện đều khá và giàu lên từ cây quýt hồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

An Giang: Nông dân chế tạo bình xịt điện năng lượng mặt trời

Hiện nay, thị trường có nhiều loại bình để phun xịt thuốc trên ruộng lúa, hoa màu và cây ăn trái như bình xịt gạt tay, bình xịt bằng máy xăng, bình xịt sử dụng điện của bình ắc quy…

Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi nhưng cũng có nhiều hạn chế như hao tốn nhiên liệu, thời gian sử dụng điện ắc-quy không lâu, trọng lượng nặng. Thấy được khuyết diểm đó, anh Trần Trung Hiếu ở xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành tỉnh An Giang đã nghiên cứu chế tạo bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời. Sáng chế này đã đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang lần X (năm 2017).

Gia đình anh Hiếu làm ruộng và trồng vườn để phát triển kinh tế. Do thường xuyên phun xịt thuốc bằng máy phun sử dụng động cơ xăng, anh nhận thấy máy gây ô nhiễm môi trường, tiếng động ồn ào, tốn kém nhiên liệu mà đeo vác cũng mệt nên anh Hiếu đã nghiên cứu chế tạo bình xịt theo nguyên tắc sử dụng điện năng lượng mặt trời để thay thế và tiết kiệm nhiên liệu xăng. Bình xịt điện năng lượng do Hiếu sáng chế có trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng từ 4 đến 6 kg, hoạt động theo nguyên lý sử dụng điện từ tấm pin năng lượng mặt trời tích điện cho ắc-quy để nạp năng lượng liên tục cho động cơ hoạt động thời gian dài.

Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời do anh Hiếu chế tạo

Với bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời này, thay vì phải dùng 100 bình xịt động cơ xăng để xịt thuốc cho 6 hecta ruộng, thì nay anh chỉ cần sử dụng phân nửa số bình xịt điện năng lượng mặt trời; 3 công đất trồng cam của gia đình giờ chỉ cần 7 bình xịt điện năng mặt trời trong khi trước đây phải tốn đến 15 bình xịt dùng động cơ xăng. Điểm nổi bật của sáng chế bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời là hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, các loại rầy bị tiêu diệt nhanh vì tốc độ phun rất đều và mịn.

Hiện nay Trần Trung Hiếu đã mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà và được khách hàng nhiều nơi đặt hàng. Sản phẩm này cũng đang chờ công nhận bản quyền do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

Nguồn: Khuyennong.gov được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quýt vàng Bắc Sơn được công nhận Nhãn hiệu tập thể

Hội làm vườn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vừa chính thức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” từ Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Trần Lê Hồng – Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn” cho Hội làm vườn Bắc Sơn. 

Được biết, quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao trồng trên các lân, lũng, núi cao. Quýt khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm. Đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ trong tỉnh và các vùng lân cận.

Sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 73864/QĐ-SHTT ngày 24/10/2017. Việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể chính là một bước ngoặt quan trọng trong phát triển cây quýt vàng đặc sản của huyện. Đồng thời mở ra hướng phát triển, liên kết sản xuất mới cho bà con nhân dân trong huyện.

Những trái quýt vàng căng mọng.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nhấn mạnh: “Nhãn hiệu tập thể Quýt vàng Bắc Sơn được bảo hộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo cơ sở để quả quýt vàng của huyện có sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế của người sản xuất, kinh doanh quýt vàng Bắc Sơn. Sản phẩm Quýt vàng Bắc Sơn là sản phẩm đầu tiên trên địa bàn huyện được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là tiền đề để huyện Bắc Sơn tiếp tục xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản khác có thế mạnh của huyện”.

Quýt của Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít xơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.

Quýt Bắc Sơn được trưng bày đẹp mắt với hình dáng độc đáo.

Hiện nay, toàn huyện Bắc Sơn có trên 490ha quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 362ha, sản lượng năm 2016 gần 1.500 tấn.

Cây quýt tập trung nhiều ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Nhất Hòa… Năm 2017, dự kiến sản lượng quýt đạt 2.000 tấn. Với giá 20.000 đồng/kg đang được các thương lái lùng tận vào các lân, lũng để mua. Giờ đây, có nhãn hiệu tập thể, trái quýt Bắc Sơn sẽ có nhiều cơ hội mới để phát triển và mở rộng thị trường hơn.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.