Những “kiệt tác” từ cây chuối

Nếu biết tận dụng tối ưu các đặc điểm vốn có của cây chuối, các nghệ nhân có thể tạo ra những món đồ thẩm mĩ và có giá trị kinh tế cao.

Chuối với nhiều giá trị dinh dưỡng

Từ xa xưa con người đã biết tận dụng các sản phẩm như thân, bẹ, lá cây chuối để làm thức ăn cho gia súc. Có thể nói, mọi bộ phận của cây chuối đều có thể tận dụng như làm thức ăn, nguyên liệu hay trở thành các bài thuốc quý. Quả chuối không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, thức ăn bổ dưỡng cho con người, toàn bộ cây chuối đều có thể khai thác để tạo nên những sản phẩm độc đáo, gia tăng giá trị kinh tế cho con người.

Những sản phẩm đựơc làm từ cây chuối:

Sản phẩm từ lá chuối

Lá chuối thường được làm thức ăn cho gia súc hay gói bánh. Ngoài ra, còn dùng để làm nguyên liệu tạo ra giấy.

Chi phí sản xuất giấy từ lá chuối có hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần các vật liệu khác. Sản phẩm này còn thân thiện với môi trường và góp phần làm giảm gánh nặng từ việc khai thác gỗ cho các sản phẩm phục vụ con người.

Những sản phẩm giấy từ lá chuối có bề mặt nhẵn, không thua kém các loại giấy cao cấp chất lượng cao khác, thậm chí cả giấy in cao cấp.

Sản phẩm từ bẹ chuối khô

Phần bẹ chuối khi phơi khô sẽ là nguyên liệu tuyệt vời để tạo nên các sản phẩm đan độc đáo như bàn ghế, salon, va li, hộp ô van, khay, hộc, làn, giỏ xách… vì độ bền của bẹ chuối rất cao, mềm và dễ gia công.

Bàn ghế làm từ bẹ chuối

Những sản phẩm bền và đẹp này rất được ưa chuộng tại Nhật Bản và các nước châu Âu, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người nông dân khi rãnh rỗi.

Ngoài ra, bẹ chuối còn có thể dùng để dệt chiếu, sản phẩm từ bẹ chuối khô có độ bền, độ bóng, chắc sắc xảo và đẹp, hoa văn bắt mắt, giảm đau lưng… đủ để có thể cạnh tranh với các loại chiếu nhựa, chiếu cói hay chiếu từ các vật liệu khác.

Các sản phẩm làm từ bẹ chuối

Bẹ chuối còn bền đến nỗi người ta có thể dệt những chiếc võng hay thảm, những sản phẩm này rất được ưa chuộng ở nông thôn vì sự bền đẹp, thân thiện môi trường.

Những sản phẩm sáng tạo như khác giày dép, chén bát, ly, thìa, chiếu hay túi xách… từ bẹ chuối khô còn giúp nhiều nước nghèo, trồng nhiều chuối như Ấn Độ có được giải pháp hiệu quả.

Giày dép làm từ bẹ chuối

Nguồn soha.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

 

Chuối được mùa nhưng rớt giá, người dân Lào Cai chẳng buồn thu hoạch

Một thời gian dài, cây chuối được ví như cây bạc, cây vàng, giúp người dân làm giàu, đổi thay cả một vùng biên giới. Tuy nhiên, những ngày qua, giá xuất đi Trung Quốc rớt thê thảm, hàng trăm tấn chuối chín vàng nhưng người dân không buồn thu hoạch.


Giá chuối rớt xuống chỉ còn 1 nghìn đồng/kg

Mặc dù đang là chính vụ thu hoạch chuối, nhưng đến xã Bản Lầu vào những ngày này không còn bắt gặp cảnh tấp nập người mua, kẻ bán vốn có. Theo chính quyền xã Bản Lầu, chuối năm nay được mùa nhưng người dân không mấy mặn mà thu hoạch bởi giá bán xuống thấp kỷ lục. Nếu bỏ công thu hoạch cũng khó thu đủ vốn đầu tư chứ đừng nghĩ tới lãi.

Năm nay, gia đình anh Liều Seo Lý ở thôn Na Lốc 4 đầu tư trồng hơn 2 nghìn gốc chuối. Nếu giá chuối như mọi năm, khoảng 4 – 5 nhân dân tệ (tương đương 12 – 15 nghìn đồng/kg), gia đình anh sẽ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá chuối liên tục giảm, khiến cho những kế hoạch của anh Lý bị phá sản hoàn toàn. Với giá mua chuối của thương lái Trung Quốc dao động khoảng hơn 1 nghìn đồng/kg thì dù có thu hoạch về bán cũng chẳng đủ tiền trả thuê nhân công chứ chưa nói đến hoàn trả tiền phân bón và cây giống.

“Bây giờ chuối đã đến kỳ thu hoạch mà giá thì cứ giảm thế này, không thu về thì chuối chín thối rụng hết. Hôm qua có thương lái ở dưới xuôi lên đặt mua mấy tấn với giá cũng 1 nghìn đồng/kg, nhưng bù lại bán cho họ không phải mất công ra nải, không phải vận chuyển xuống tận sát biên giới… Thôi thì bán được đồng nào hay đồng ấy”, anh Lý buồn rầu.

Chị Sùng Thị Chư cùng thôn Na Lốc 4 trồng có 3.000 gốc chuối, năm 2016 với diện tích chuối này gia đình chị thu về gần 150 triệu đồng. Từ đầu vụ chuối, thương lái thu mua với giá quá thấp (bình quân 3 nghìn đồng/kg), tuy vậy với giá này chị Chư cũng như bà con trồng chuối trừ tất cả chi phí còn thu về được chút ít.


Chuối chín vàng trên nương nhưng người dân không thu hoạch

Nhưng một tuần trở lại đây, giá chuối giảm xuống còn 1 nghìn đồng/kg, chị Chư không có đủ tiền để thuê nhân công thu hoạch. “Nhà mình ít người, mọi năm thu hoạch chuối đều phải thuê người về chặt, bây giờ giá chuối rẻ quá nếu mà chặt về thì không có đủ tiền trả cho họ. Mấy hôm nay chuối chín rụng nhiều, mang về cho lợn ăn cũng chẳng hết được, tiếc lắm mà chẳng biết làm thế nào”, chị Chư thở dài.

Ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết, năm 2017 diện tích trồng chuối toàn xã tăng gần 100ha so với năm 2016. Trong đó, chuối trồng tại xã khoảng 500ha, cùng hơn 100ha người dân đi thuê đất ở xã Nậm Chảy để trồng. Nhìn chung, vụ chuối năm nay bà con nông dân khá vất vả bởi ngay từ đầu năm do ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là dịp tháng 6 và tháng 7 vừa qua, gió lốc làm gãy đổ khoảng 40ha chuối của bà con.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì chuối năm nay được mùa, quả to đẹp, nếu tính bình quân sản lượng khoảng 25 tấn/ha thì toàn xã cũng có 15 nghìn tấn chuối. Giá chuối năm nay được thương lái Trung Quốc thu mua thấp hơn so với mọi năm, thời điểm cao nhất giá chuối đạt 5 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay bà con đã thu hoạch được 1/2 tổng sản lượng chuối.

Những ngày gần đây, giá chuối giảm mạnh khiến cho việc tiêu thụ hết sức khó khăn. “Với giá dao động 1 nghìn đồng/kg, các hộ nương chuối ở xa, phải thuê nhân công nữa thì sẽ lỗ lên rất nhiều hộ bỏ mặc chuối chín trên cây không thu hoạch vì càng thu hoạch thì càng lỗ”, ông Năm cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, cấp ủy, chính quyền xã Bản Lầu cũng đã báo cáo thực trạng và đề nghị huyện Mường Khương kêu gọi các doanh nghiệp trong nước về mua chuối cho bà con. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp, thương lái ở xuôi lên mua chuối bởi hiện nay nguồn nguyên liệu chuối trong cả nước tương đối nhiều.


Khu tập kết chuối để xuất khẩu đến mùa thu hoạch nhưng không một bóng người

“Về giải pháp lâu dài, căn cơ thì chúng tôi đã thống nhất sẽ không khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, dứa nữa mà chuyển sang trồng các cây có giá trị kinh tế khác như quế, sa nhân, mít Thái Lan… Bởi những năm gần đây đầu ra của chuối và dứa ở Bản Lầu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, giá cả biến động liên tục nên rất khó khăn cho người nông dân”, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho chia sẻ.

Nguồn : Báo NNVN, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 2

Ở bài trước Farmtech VietNam đã giới thiệu cho các bạn “Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 1” và ở bài này chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn phần 2 về chăm sóc và sâu bệnh trên cây chuối già.

7. Chăm sóc

– Trồng dặm: sau khi trồng khoảng 30 ngày, nếu thấy cây chết hay phát triển kém thì phải trồng dặm bằng những cây giống có chiều cao thân 20 – 30 cm.

– Tỉa cây con: khi cây bắt đầu đẻ cây con tiến hành tỉa con (có thể dùng để trồng tiếp hoặc bỏ đi). Mỗi tháng kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi chỉ nên có 3 – 4 cây đang phát triển (1 cây mẹ, 2 – 3 cây con), cụ thể:

+ Khi cây mẹ chưa trổ quày chỉ chừa lại 3 cây/bụi (1 mẹ và 2 con), tuổi của 2 con cách nhau khoảng 3 tháng, 2 cây con chừa lại phân bổ đều các hướng.

+ Khi cây mẹ bắt đầu trổ quày, tiếp tục chừa cây chuối thứ 3 (1 cây mẹ, 3 cây con), các cây con chừa lại phân bổ đều theo tán cây mẹ. Khi cây con tiếp theo bắt đầu trổ quày tiến hành chừa cây con nữa. Cứ tiếp tục cho tới hết chu kỳ cây chuối.

Khi tỉa chồi, áp dụng biện pháp cơ học là cắt ngang thân giả sát mặt đất rồi dùng đục sắt phá hủy điểm sinh trưởng, hoặc bứng bỏ cây con bằng leng, xà beng. Có thể dùng hoá chất như nhỏ khoảng 3 giọt 2,4-D 50% dạng nhũ dầu vào đỉnh sinh trưởng hay dùng kim tiêm thẳng vào đỉnh

– Bẻ bắp chuối: sau khi chuối trổ hàng hoa cuối cùng, để trổ tiếp 2 hàng hoa đực nữa thì cắt bỏ bắp. Cắt xa nải chuối 20 – 30 cm tránh vết cắt có thể bị thối, ảnh hưởng đến nải chuối.

– Che, chống buồng: để tránh rám trái do nắng, bảo vệ vỏ có màu sắc đẹp, sau khi bẻ bắp khoảng 10 ngày thì dùng bao nhựa dẻo hay giấy dầu cột túm ở cuống quày, bên dưới để trống. Nếu quày chuối quá nặng, cần dùng nạng bằng tre hoặc tràm để chống đỡ quày, tránh cây đổ ngã.

– Chăm sóc vườn sau thu hoạch: đốn bỏ cây mẹ đã thu buồng, đào bỏ củ, cắt bỏ lá khô, bẹ khô, chuyển ra khỏi vườn.

8. Sâu bệnh gây hại

  • Sùng đục củ (Cosmopolites sordidus)

Thành trùng là một loại mọt dài 0,5-1 cm, màu xám, khi mới nở có màu đỏ nâu hay đen. Mọt di chuyển ban đêm, ban ngày ẩn núp ở củ hay bẹ chuối gần mặt đất. Con cái sống cả năm và đẻ trứng liên tục, chích vào thân chuối đang mọc để đẻ trứng. Ấu trùng là sùng màu trắng dài 1-1,5 cm, đục phá củ chuối thành những lỗ đường kính độ 1-1,5 cm, tạo đường đi cho nấm xâm nhiễm. Cây chuối không hấp thu dinh dưỡng được nên phát triển kém, nếu là cây con thì dễ chết. Cây trổ buồng nhỏ, trái nhỏ. Khi thấy trong vườn có lá chuối rụng nhiều hoặc cây mọc yếu mà không có dấu hiệu gì khác thì có thể nghi là bị sùng đục củ chuối.

Để phòng trị sùng đục củ chuối, áp dụng các cách sau:

– Chọn cây con đem trồng không có dấu vết của sùng, không chất đống cây con qua đêm trước khi trồng để tránh mọt đến đẻ trứng. Không tồn trữ cây con quá lâu.

– Có thể nhúng cây con trong dung dịch thuốc trừ sâu, như Furadan hay Basudin trước khi trồng.

– Khi thu hoạch cần chặt sát thân mặt đất, lấp đất lại không để mọt đẻ trứng.

– Lấy thân chuối chẻ đôi, cắt thành khúc dài 30-60 cm, đặt úp xuống đất dụ sùng đến để giết.

– Dùng thuốc bột hay hột rải quanh gốc, cách gốc 30 cm; Hoặc phun thuốc nước vào gốc.

  • Sâu cuốn lá (Erionota thrax Linnaeus)

Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, có màu vàng nhạt, khi sắp nở có màu hồng. Ấu trùng màu xanh nhạt, khi lớn có sáp trắng bao quanh, dài khoảng 6 cm. Nhộng thon dài màu nâu vàng và cũng được phủ lớp sáp trắng. Thành trùng có màu nâu, chiều dài khoảng 5-5,5 cm (con đực), 6-6,5 cm (con cái). Cánh trước có 3 đốm vàng nhạt. Sâu cắt lá và cuốn lại. Lá bị cuốn sẽ khô héo đi. Ở ĐBSCL, sâu xuất hiện cũng phổ biến nhưng có mật số thấp. Khi bị nặng, cây trụi lá, quầy nhỏ.

Phòng trị bằng cách ngắt bỏ các phần lá bị cuốn, khi có nhiều sâu thì phun các loại thuốc: Regent , Phironin, …

  • Tuyến trùng

Gồm có các loài sau:

– Loài đục rễ (Radopholus similis)

Thành trùng dài 0,68 mm, rộng 0,02 – 0,03 mm, con cái có kim, đầu hơi tròn. Tấn công và phá hủy rễ, tạo các vết màu nâu đỏ hay đen. Rễ ngắn đi và ít mọc rễ nhánh. Tuyến trùng có thể đục ở vòng ngoài của củ làm vòng củ bị đỏ lên. Tuyến trùng đẻ trứng ở các mô trong rễ, khi nở sẽ chích hút nhựa tế bào. Các mô chết làm thành các vết đen ở rễ. Cây bị cằn cỗi, buồng nhỏ, trái nhỏ và dễ bị các loại nấm sống trong đất như Fusarium oxysporum, Rhizoctonia solani tấn công theo các vết chích hút của tuyến trùng, làm chết cây. Mật số tuyến trùng tăng nhiều từ mùa thứ 2 trở đi.

– Tuyến trùng làm sưng rễ (Meloidogyne incognita):

Làm rễ bị sưng với nhiều nốt rễ có kích thước khác nhau. Loại nầy ít gây thiệt hại.

– Tuyến trùng xoắn ốc (Heliotylenchus Spp): Sống bên ngoài rễ làm đứt rễ.

– Tuyến trùng chích rễ (Pratylenchus Spp.): Có triệu chứng tương tự như tuyến trùng đục rễRadopholus similis.

Cách phòng trị:

– Loại bỏ các cây bệnh, đào bỏ cả rễ.

– Cày phơi đất trong 6 tháng trước khi trồng mới.

– Chọn cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng. Nếu trồng bằng cây tách chiết, chọn cây con ở vườn không bệnh để trồng; trước khi trồng gọt bỏ rễ và mặt củ cây con, tránh làm hư các mầm ngủ trên củ, ngâm củ với dung dịch Furadan 0,2% trong 1 phút, sau đó để khô trong 24 giờ trước khi trồng.

– Rải Basudin hay Furadan trước khi trồng và lặp lại mỗi 6 tháng hay 1 năm.

  • Bệnh héo rũ Panama (nấm Fusarium oxysporum f. cubense)

Bệnh lan tràn nhanh dẫn đến chết cây, không trồng lại được ở vùng đất bị nhiễm bệnh, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây. Các lá già bị vàng trước rồi lan dần lên các lá ngọn. Lá bị vàng từ bìa lá rồi lan vào gân lá, lá bị héo. Cuống bị gãy nơi tiếp xúc với thân giả, đôi khi ở phần giữa phiến lá. Các lá đọt còn xanh và mọc thẳng, sau đó có màu xanh nhạt hay hơi vàng, nhăn nheo và cuối cùng cũng bị héo. Thân giả bị chết nhưng vẫn đứng, có các bẹ ngoài bị nứt dọc theo thân. Các chồi con vẫn phát triển nhưng sau đó bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy ở các bẹ lá non nhất bên trong có mạch dẫn nhựa đổi màu vàng, trong khi ở các bẹ lá già bên ngoài có mạch màu nâu.

Trong thân thật (củ chuối) có những đốm vàng, đỏ hay nâu. Chẻ dọc phần gốc của các rễ thấy có sọc đỏ chạy dần vào củ chuối.

Cách phòng trị :

– Đào bỏ các gốc bị bệnh, rải vôi hay các loại thuốc gốc đồng (Coc 85, …) để khử đất trước khi trồng trở lại.

– Ở các vườn bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-6 tháng để diệt nấm.

– Không dùng chuối con của các vườn bị bệnh. Khử trùng con chuối bằng các loại Ridomil 68WP, Aliette 800WG, … trước khi trồng. Sát trùng dụng cụ chăm sóc.

  • Bệnh Đốm Lá Sigatoka (nấm Cercospora musae)

Bệnh chỉ gây hại các phiến lá, triệu chứng bệnh thường thấy trên các lá thứ 2, 3 hay 4 tính từ ngọn xuống. Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ 1-10 mm, rộng 0,5-1 mm, màu vàng lợt hay xanh nâu. Các đốm nầy thường xếp dọc theo các gân phụ của phiến lá, phát triển thành các đốm hình thoi nhỏ, màu nâu đen với quầng vàng chung quanh. Nhiều đốm liên kết có thể làm phiến lá bị khô thành những mảng lớn. Cây bị bệnh nặng thường không phát triển được các lá đọt. Trong mùa mưa, nấm bệnh lan theo nước chảy trên lá làm các vết bệnh xếp thành hàng, vào mùa nắng các đốm bệnh phát triển ở chóp lá, làm cháy mép lá hay ngọn lá. Quày và nải nhỏ, trái lâu chín, ruột trái màu vàng hay hồng lợt, ăn có vị chát.

Để phòng trị bệnh không nên trồng chuối trên các chân đất chua, đất phải thoát thủy tốt. Trồng với mật độ thích hợp, tăng cường bón phân lân, làm cỏ thường xuyên. Cắt và đốt bỏ các lá bệnh … Phun ngừa bằng hỗn hợp Bordeaux 1%, Benomyl, Ridomil 0,1%.

  • Bệnh đốm lá Cordana (nấm Cordana musae)

Xuất hiện nhiều đốm hình thoi hay hình trứng lớn, có viền nâu hay đỏ nâu, ở mặt trên lá, bên trong vết bệnh màu xám trắng, có nhiều vòng đồng tâm. Mặt dưới vết bệnh có màu nâu xám. Chung quanh vết bệnh thường có quầng vàng. Các vết bệnh có thể nối liền nhau làm phiến lá bị khô trắng từng mảng lớn.

Quy hoạch vườn cây với mật độ thích hợp, không bị ngập úng, ẩm thấp, vệ sinh thường xuyên, cắt bỏ và thiêu hủy lá bệnh. Phun các loại thuốc giống như trị bệnh đốm lá Sigatoka.

  • Bệnh chùn đọt (Bunchy Top Virus)

Do một loài rầy Mềm Pentalonia nigronervosa truyền mầm bệnh virus. Bệnh phát triển nặng vào những lúc có ẩm độ cao trong mùa khô, nhất là ở đất giàu dinh dưỡng và có phủ đất thường xuyên. Trên lá chuối xuất hiện các sọc xanh lợt ở cuống và phiến lá, song song với các gân phụ. Cây nhiễm nặng sẽ bị chùn đọt do lá không phát triển, mọc hơi đứng chứ không xòe ngang như bình thường. Lá bệnh nhỏ, mép lá phát triển không đều, có màu vàng trắng. Cây bị lùn do nhiễm bệnh sớm và sẽ không trổ buồng. Nếu nhiễm bệnh trễ, cây có thể vẫn cho trái nhưng buồng nhỏ, trái nhỏ cong queo. Cây có thể trổ buồng ngang hông.

Điều tất yếu là nên chọn cây con từ các vườn không có bệnh để trồng, vệ sinh vườn thường xuyên, tránh tủ gốc trong mùa mưa. Nên tiêu hủy ngay đối với tất cả cây bệnh, kể cả củ chuối và phun thuốc diệt rầy.

Nguồn: TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Sâu hại trên cây chuối

Sâu vòi voi

Sùng đục củ và thân chuối hay sâu vòi voi thân củ (Cosmopolites sordidus):
Đây là loại sâu nguy hiểm gây hại cho vườn chuối. Quan sát vườn chuối thấy trên thân cây chuối có nhiều lỗ nhỏ xì mủ ra đó là sâu đục thân chuối. Sâu đục thân chuối làm trái không phát triển, nếu vào sâu trong lõi chuối sẽ làm gãy đổ buồng chuối … sử dụng Furadan hay Basudin rải trên gốc chuối, hoặc dùng bả mồi là những khúc thân chuối bổ đôi úp quanh gốc để bắt thành trùng, kết hợp phun xịt thuốc.

Rầy mềm


Rệp muội hay rầy mềm (Pentalonia nigronervosa):
Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng trên 1mm, màu nâu đen, có cánh hoặc không có cánh. Rệp thường sống tập trung trong các bẹ lá già gần mặt đất, khi mật độ cao rệp bám cả trên ngọn chuối và cây chuối con, chích hút nhựa làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây chuối và truyền bệnh virus. Chất bài tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá và buồng chuối. Vòng đời rệp rất ngắn, trung bình chỉ 10-13 ngày nên khi gặp điều kiện thuận lợi rệp phát triển số lượng khá nhanh. Trong vườn chuối bị bệnh sẽ phát hiện thấy có rệp.
Đây là một trong những tác nhân chính làm lây lan bệnh chùn đọt chuối và bệnh khảm lá chuối.
Trong trường hợp vườn chuối đã bị bệnh và đang có chiều hướng lây lan rộng, cần tiến hành ngay một số biện pháp như:
– Vệ sinh vườn sạch sẽ thông thoáng, cắt bỏ và thu gom các lá già ra ngoài vườn để tiêu hủy, không tủ vào gốc.
– Đào bỏ các cây bị bệnh nặng, nhặt hết cả củ, đồng thời phun trừ rệp bằng các loại thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Sago super. Phun ướt đều lên cả lá, thân và gốc cây chuối.
Không dùng cây con ở vườn đã bị bệnh để làm giống. Nếu vườn bị bệnh nặng phải phá bỏ trồng cây khác trong khoảng 1 năm mới trồng lại chuối được.

Bù lạch

Bù lạch (Chysannoptera thripidae): Thành trùng rất nhỏ, có màu nâu hay đen thường tập trung ở các lá bắc để chích hút các trái non, làm trái có những chấm màu nâu đen.

Sâu cuốn lá

Sâu cuốn lá  (Erionata thorax): Xịt thuốc hoặc ngắt bỏ các lá bị cuốn và giết sâu.

Bọ giáp

Bọ giáp ( Basilepta robusta): Bọ hình bầu dục dài khoảng 8 -10mm có cánh màu nâu sẫm hoặc xanh đen óng ánh. Bọ trưởng thành ban ngày thường giả chết, tập trung ở các ngọn chuối ăn lá non, quả chuối mới trổ tạo thành các vết xước ở quả chuối, khi quả lớn thành sẹo, hay những vết ghẻ làm giảm giá trị khi bán.

Tuyến trùng hại rễ

Bằng cách loại cây bệnh ra khỏi vườn, rải Basudin hay Furadan, Mocap… vừa phòng trị sâu vòi voi và tuyến trùng. Phải khử đất và xử lý con chuối giống trước khi trồng

Quản lý cỏ dại và vệ sinh vườn chuối

Trong năm đầu tiên trồng chuối, nông dân có thể tận dụng đất để trồng những cây họ đậu khác để hạn chế cỏ dại. Không nên trồng những cây họ bầu bí, cà, ớt.

Nguồn : Khuyến nông Lâm Đồng, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 1

Chuối là cây trồng ít kén đất, có thể sống trong điều kiện pH= 4,5 – 8, nhưng thích hợp nhất trong khoảng 6 – 7. Chuối già hiện nay có nhiều loại: già lùn, già hương, già cui, già Nam Mỹ, tiêu hồng, …

Chuối già Nam Mỹ

Chuối già có chiều cao thân (tính từ cổ rễ đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) khoảng 2 – 3m. Đặc biệt ở giống chuối già Nam Mỹ, chuối tiêu hồng ngay từ nhỏ trên lá xuất hiện những vết loang màu tím đặc trưng, khi cây lớn những vết này mất dần và chuyển sang màu xanh đậm, thời gian trổ quày khoảng 7 – 8 tháng (trồng từ cây giống nuôi cấy mô), từ trổ quày đến thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, mỗi quày có thể nặng 30 – 50 kg, trái thon, dài, vỏ trái khi chín có màu vàng tươi, ruột vàng, ăn có vị thanh ngọt, thơm, dẻo.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CHUỐI GIÀ NAM MỸ

  1. Chuẩn bị đất trồng

Tùy theo địa hình cao thấp mà có thể lên liếp hoặc không. Vùng ĐBSCL là  vùng đất thấp, trồng chuối phải đào mương, lên liếp, lập hệ thống bờ bao để ngăn lũ trong mùa mưa. Mặt liếp phải cao hơn mực nước trong mương tối thiểu là 60cm. Khi đào mương lên liếp, chú ý không đưa tầng sinh phèn hoặc vật liệu sinh phèn lên mặt liếp, mương đào phải đủ rộng để dễ vận chuyển sản phẩm, vật tư và tưới nước trong mùa nắng cho vườn. Chiều rộng mương thường bằng 1/2 hay 1/3 chiều rộng liếp.

Lên liếp vào đầu hay giữa mùa nắng để đất có thời gian khô, khi mưa xuống đất bong ra là bắt đầu trồng cây được. Chuối trồng 2 hàng theo hình nanh sấu có bề ngang mặt liếp khoảng 5m. Nếu trồng 3 hàng xen kẽ thì mặt liếp rộng khoảng 7m.

  1. Thời vụ trồng

Nên trồng chuối vào đầu mùa mưa để cây có đủ nước và đỡ mất công tưới, nhưng cần lưu ý cho đất thoát nước tốt. Nếu đảm bảo đủ nước tưới, có thể trồng chuối bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, nên trồng ở những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ cao để thân giả ít bị mất nước.

  1. Chọn cây giống

Sử dụng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng.

Ưu điểm của loại cây giống này là đồng đều về kích cỡ, tuổi cây nên rất thuận lợi cho trồng thâm canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác chung cho toàn vườn; thời gian thu hoạch đồng loạt, nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; có hệ thống rễ hoàn chỉnh nên cho tỷ lệ sống cao; hơn nữa đây là nguồn cây giống tương đối sạch bệnh, tương đồng về di truyền và độ thuần giống nên khả năng cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Chọn cây giống có chiều cao thân (đo từ mặt bầu đến điểm giao nhau 2 bẹ lá trên cùng) ≥ 20cm, đường kính thân (đo cách gốc 2 cm) ≥ 2 cm, có trên 5 lá, cây phát triển tốt. Nên chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng.

  1. Khoảng cách và mật độ trồng

Mật độ trồng thay đổi tùy theo khí hậu và đất đai, hoặc tùy theo số lượng con chuối cần chừa lại ở mỗi bụi mà quyết định khoảng cách trồng. Khoảng cách trồng giữa các hàng thường khoảng 2,0 – 2,5m và khoảng cách giữa các cây trung bình khoảng 2m. Mật độ cây trung bình cho 1 ha (có lên liếp) thường khoảng 1.000 – 1.500 cây (tùy kích thước và tỷ lệ mương/liếp).

  1. Phương pháp trồng

Đào hố sâu 50 cm và rộng 40 – 50 cm, bón lót cho mỗi hố 10 – 15 kg phân hữu cơ, 0,1 kg phân NPK 16-16-8. Trộn phân với đất cho vào khoảng nửa hố, tháo bỏ bầu nylon, đặt cây chuối giống vào giữa hố trồng sao cho mặt bầu ngang bằng mặt đất, lấp đất vào đầy hố, lấp vừa quá cổ gốc chuối, ém đất chung quanh gốc, tưới đẫm.

Các bước trồng chuối từ cây con nuôi cấy mô

Cây con sau khi trồng

  1. Bón phân

* Phân hữu cơ: gồm phân gia súc gia cầm, tro, trấu đã hoai mục, bùn sông và bùn ao, chứa chất dinh dưỡng cao. Bón phân hữu cơ tạo môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây trồng và cải tạo đất giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị cằn cỗi trong quá trình canh tác. Trung bình, một cây chuối cần khoảng 20 – 25 kg phân hữu cơ /năm, bón vào đầu mùa mưa hàng năm, cuốc xung quanh gốc tạo thành rãnh cách gốc 1,5 – 1,7m, phân được rải đều bên trong rãnh.

* Phân vô cơ:

– Lượng phân bón cho 1 bụi chuối trong năm đầu mới trồng:

Cách bón: Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , lần 1 cách gốc 40 – 50cm, lần 2 cách gốc 50 – 70cm, lần 3 cách gốc 1m, lần 4 cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

– Lượng phân bón cho 1 bụi trong các năm tiếp theo:

Cách bón: Nếu có điều kiện tưới nước thì chia đều lượng phân trên thành 3 lần bón: lần 1 sau khi thu hoạch, lần 2 sau đó 2 – 3 tháng và lần 3 sau 2 – 3 tháng tiếp theo sao cho bón phân dứt điểm trước khi trổ buồng. Trường hợp không có điều kiện tưới nước, lượng phân được chia đều cho 2 lần bón, vào đầu và cuối mùa mưa. Đào 4 hốc xung quanh gốc, sâu 10 – 15 cm , cách gốc 1,5 – 1,7m, bón phân vào hốc và lấp đất lại.

Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng và năng suất của cây ở những thời điểm khác nhau hoặc cây trồng trên những vùng đất khác nhau, có thể điều chỉnh lượng phân bón so với công thức trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất trồng, có thể bón thêm 1 – 3kg vôi/cây/năm.

Nguồn:  TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những giống chuối đặc sản của Việt Nam

Chuối là tên gọi các loài cây thuộc chi Musa; trái của nó là trái cây được ăn rộng rãi nhất. Những cây này có gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Úc. Ngày nay, nó được trồng khắp vùng nhiệt đới. Chuối được trồng ở ít nhất 107 quốc gia.

Ở Việt Nam chuối được trồng khá rộng rãi với nhiều loại đa dạng. Một trong những số đó được đặc biệt người dân Việt Nam xem như là đặc sản:

1. Chuối laba Đà Lạt, Lâm Đồng

Quả thon dài, hơi cong, cuống buồng nhỏ, trái úp vào buồng như mảnh trăng lưỡi liềm. Quả chín có màu vàng hươm mượt mà, thơm ngon, dẻo ngọt. Chuối laba từng được dùng để tiến Vua Bảo Đại và các quan chức triều đình.

Chuối laba

2. Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Hưng Yên

Hình thức đẹp, quả to (180-200g/quả), hương vị thơm ngọt, được trồng nhiều ở các xã Tứ Dân, Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Hàm Tử. Năng suất trung bình 35-50 tấn/ha/năm. Đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

 Chuối tiêu hồng

3. Chuối già hương, Đồng Nai

Trái rất dài và cong, khi chín có màu xanh, được xuất khẩu rất nhiều sang châu Âu, đặc biệt là Pháp. Chuối già hương giàu dinh dưỡng, rất tốt cho các vận động viên thể hình.

Chuối già hương

4. Chuối tá quạ Cầu Kè, Trà Vinh

Giống chuối đặc biệt quả lớn bằng bắp tay, nếu ăn trực tiếp sẽ rất nhão và nhạt. Phải nấu chín, chuối mới ngon ngọt, dẻo như sáp, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, cari, lẩu…

Chuối tá quạ

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Bệnh thường gặp trên cây chuối

Nhóm bệnh do vius gây ra

 Bệnh chùn đọt chuối, bệnh khảm lá chuối, bệnh sọc chuối. Đối với nhóm bệnh này hiện không có thuốc trị, thời gian từ khi cây chuối bị nhiễm bệnh đến khi phát hiện bệnh ra bên ngoài kéo dài 3 – 4 tháng nên khi phát hiện bệnh cần phải đào bỏ ngay và xử lý đất thật cẩn thận (đào hố chôn rồi rắc vôi, đem đốt bỏ …) trước khi trồng lại phải rắc vôi xử lý sau 1 tháng mới trồng lại.
Bệnh chùn đọt (Bunchy top virus): Cây bị bệnh lá mọc chụm lại ở ngọn thân giả, lá nhỏ, bìa bị vàng, mép lá uốn cong, cuống lá ngắn lại. Trên phiến lá có các sọc xanh lợt chạy song song với các gân phụ.
Bệnh chùn đọt chuối
Bệnh khảm lá (CMV: Cucumber Mosai Virus): Bệnh do virus gây hại. Cây bị bệnh lá có sọc vàng từ ngoài bìa lá vào cuống lá, cây phát triển kém, khi phát hiện cây bị bệnh cần phải đào bỏ và xử lý ngay để tránh lây nhiễm.
Bệnh sọc lá chuối (CSV)Bệnh do virus gây hại. Các bệnh do virus gây hại đều có khả năng truyền từ cây này sang cây khác, bệnh lây lan trực tiếp qua con giống và trung gian truyền bệnh như rầy mềm sống ở các bẹ lá chuối, tuyến trùng trong đất truyền virus từ cây này sang cây khác hoặc trong quá trình đánh tỉa con chuối, cắt lá chuối…
Phòng trừ: Trong trường hợp vườn chuối đã bị bệnh và đang có chiều hướng lây lan rộng, cần tiến hành ngay một số biện pháp sau:
– Vệ sinh vườn sạch sẽ tạo độ thông thoáng cho vườn chuối, cắt bỏ và thu gom các lá già để tiêu hủy, không tủ vào gốc.
– Đào bỏ các cây bị bệnh nặng, nhặt hết cả củ để tiêu huỷ đồng thời phun trừ rệp bằng các loại thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Sago super. Phun ướt đều lá, thân và gốc cây chuối.
– Không sử dụng cây con ở vườn đã bị bệnh để làm giống.
– Nếu vườn bị bệnh nặng nên phá bỏ và trồng cây khác trong khoảng 1 năm sau mới trồng lại chuối được.

Nhóm bệnh do vi khuẩn

Bệnh đốm lá hay bệnh cháy lá
Do nấm Sigatoka vàng (Mycosphaerella musicola) và Sigtoka đen (Mycosphaerella fijiensis), bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ (Sigatoka vàng). Đối với Sigatoka đen những đốm bệnh có màu sậm hơn và xuất hiện ở mặt dưới của lá. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng mùa mưa và mùa có sương, ẩm ướt, bệnh nặng ảnh hưởng tới năng suất cây.
Bệnh đôm lá
Biện pháp phòng trị: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa lá già và lá bị bệnh đem đốt, thoát nước tốt cho vườn chuối trong mùa mưa. Phun các thuốc gốc đồng hay Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil… phun từ 2 – 4 lần trong mùa mưa.
Bệnh héo rũ Panama ( Fusarium oxysporumf)
Cây chuối bị nhiễm bệnh Panama thường có hiện tượng vàng từ lá già lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng khô héo. Cây bị bệnh chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con vẫn phát triển xung quanh nhưng sau đó cũng bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch có màu nâu vàng, cắt ngang thân thật (củ chuối) các mạch có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi. Nấm bệnh lưu tồn trong đất và các cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con và đất có mang mầm bệnh. Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch mọc làm cho cây bị vàng héo.
Bệnh Panama
Biện pháp phòng trị: Thường xuyên kiểm tra vườn và vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt bỏ những lá bệnh đem đốt, thoát nước tốt. Phun các thuốc gốc đồng hay Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil….vào mùa mưa thì 2 – 4 tuần phun 1 lần.
– Nên chọn đất có độ pH hơi kiềm để trồng chuối.
– Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống, gọt sạch rễ và đất ở gốc trước khi trồng.
– Nên bón vôi vào các hố trồng, có thể nhúng gốc chuối con vào dung dịch Bordeaux hay các thuốc gốc đồng như: Funguran, COC 85, Kocide…
– Khi phát hiện cây bệnh nên đào bỏ các gốc bệnh và rải vôi khử đất.
– Nếu vườn chuyên canh chuối mà bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-3 tháng để diệt mầm bệnh.
– Tưới thuốc vào đất ở các vườn chuối con bằng các loại thuốc như Benomyl, macozeb, Zineb, Kocide, Tilt, Score, Anvil…

Nhóm bệnh trên quả chuối

Gồm bệnh đốm đen (Fruit Freckle) và bệnh chấm đen (Deigh toniella speckle), bệnh rỉ nước ở quả chuối.
Bệnh đốm đen và bệnh chấm đen thường xảy ra cùng 1 lúc trên cùng một buồng chuối. Bệnh lây nhiễm từ lá mang bệnh truyền qua buồng chuối. Vào mùa mưa khi ẩm độ không khí cao bệnh phát triển mạnh.
Những đốm đen trên quả chuối dân thường gọi là đốm trứng cuốc nhưng thực tế là do nấm bệnh, bệnh này không ảnh hưởng tới chất lượng quả chuối nhưng làm mất vẻ đẹp thẩm mỹ của quả chuối nên không xuất khẩu được.
Nguồn : Khuyến nông Lâm Đồng, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những giống chuối kì lạ nhất thế giới

Chuối có lẽ là trái cây không hề xa lạ gì với cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Chuối được mệnh danh là “món ăn hạnh phúc ” hay “trái cây thần kì” bởi lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại.

Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có nhiều giống chuối kì lạ và bí ẩn nhất thế giới mà chưa chắc trong chúng ta ai cũng đã từng được chứng kiến. Dưới đây là một số giống chuối lạ nhất hành tinh mà Farmtech VietNam xin giới thiệu cho các bạn:

Chuối Kluay

Với chiều dài trung bình khoảng 36cm, chuối Kluay hay còn gọi là chuối Rihno được coi là giống chuối thuộc hạng “khủng” trên toàn cầu và là giống chuối dài nhất hiện nay.

Nhìn “ngoại hình” quả chuối người nào cũng nghĩ có vẻ sắp được “một bữa no” nhưng thực chất phần thịt của chuối Kluay khá ít.

Chuối Musa Ingens

Được mệnh danh là giống chuối to nhất thế giới, chuối Musa Ingens là loài đặc biệt ở Papua New Guinea. Giống chuối kỳ lạ này không phải đột biến gene hay lạm dụng thuốc tăng trọng.

Chuối khổng lồ Musa Ingens phát triển tự nhiên có thể đạt chiều cao tối đa lên tới 18m, chu vi thân có thể lên tới 2m, tương đương cây cổ thụ. Quả chuối chín dài khoảng 18cm và rộng khoảng 5-6cm.

Chuối Señorita

Có to thì phải có nhỏ, vì vậy mà tạo hóa lại “sinh ra” cả giống chuối Señorita. Với chiều dài trung bình chỉ khoảng hai,5 tới 5cm, Señorita được coi là “em út” của họ nhà chuối.

Chuối Ae Ae

Nếu những quả chuối Ae Ae không mọc theo buồng như thế này, thì chắc hẳn nhiều người sẽ tưởng nó là quả… dưa sọc xanh vì vẻ ngoài y hệt.

Đến lá cây chuối này cũng vệt trắng vệt xanh “chẳng giống ai”. Do khó sống ở nhiều nơi, cộng thêm vị hơi đắng khó ăn, mà chuối Ae Ae được liệt vào dạng “hiếm có khó tìm” của họ nhà chuối.

Chuối hạt

Loài chuối “không trồng mà tự sinh sôi” đó còn được gọi với cái tên chuối hoang dại.

Đây là một trong số ít giống chuối khó ăn hay nói cách khác là không được khai thác làm thực phẩm bởi bên trong nó chứa rất nhiều hạt cứng màu đen. Chuối hoang dại được tìm thấy rất nhiều tại những nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam được gọi là chuối hột và được sử dụng để ngâm rượu.

Chuối cam

Nhìn thì giống vỏ cam bắt mắt thế này nhưng thực chất thì chuối vẫn là chuối, hương vị của nó giống với chuối vàng chứ không hề có vị cam.

Chuối xanh lam

Hình ảnh về loài chuối màu xanh lam dường như vẫn chưa được xác thực bởi nhiều luồng ý kiến khác nhau, người thì cho rằng đây là giống thực vật biến đổi gen, người thì cho rằng chỉ là những hình ảnh được chỉnh sửa.

Nhưng suy cho cùng nếu loài chuối này có tồn tại trên thực tế thì chúng sẽ được bán rất đắt hàng.

Chuối đen

Chuối đen nếu nhìn lần đầu có thể nhầm với chuối vàng bị thâm vỏ, nhưng thực chất đây là giống chuối có vỏ màu đen. Nhiều người còn cho rằng chuối đen là loại thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe

Chuối đỏ

Có vị ngọt đặc trưng, thêm chút vị của quả mâm xôi, chuối đỏ là giống chuối được bán chạy nhất trong họ nhà chuối. Thêm vào đó, trong nó có chứa hàm lượng kali khá cao.

Chuối tím

Đây là món ăn yêu thích của vùng trung mỹ. Chuối tím rất tốt cho sức khỏe với hàm lượng calo thấp.

Chuối hình bàn tay úp

Thiên nhiên thật khéo khi tạo ra buồng chuối kỳ lạ giống như đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện.

Chuối hồng

Chuối hồng là loại chuối có vẻ hợp với câu nói “càng đẹp thì càng độc” bởi sở hữu vẻ bề ngoài xinh xẻo, đáng yêu nhưng vị của giống chuối đó rất đắng và rất ít người ăn được vì thế chúng thường được trồng trong nhà để làm cảnh.

Có mức giá đắt đỏ và được coi là đặc sản “hái ra tiền” của nhiều quốc gia vùng Trung Mỹ, các nước ở vùng nhiệt đới, giống chuối với màu tím hồng lạ mắt này đã có mặt ở Việt Nam và ngay lập tức khiến nhiều người tò mò.

Quả chuối nhỏ nhắn, kích thước khoảng 7-8 cm, vỏ màu tím pha hồng, hạt nhỏ màu đen. Lá cây màu xanh thẫm, bóng đẹp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Kinh nghiệm trồng chuối cho năng suất cao

Cây chuối (tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae). Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha. Hiện nay, trên thế giới, nước đạt năng suất chuối cao nhất là Goatemala 100 tấn/ha. Chuối có giá trị kinh tế khá lớn và là mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước.

Chuối

Điều kiện sinh thái của cây chuối

– Nhu cầu về nước: Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao, trong thân già 92,4%, trong rễ 96%, trong lá 82,6% và trong quả 96%. Độ bốc hơi của lá rất lớn, dưới ánh nắng mặt trời, sức tiêu hao nước của chuối từ 40-50mg/dm2/phút. Với giống chuối tiêu lùn, cần từ 15-20 lít nước/ngày tuỳ theo trời râm hay trời nắng. Chú ý vào mùa đông ở nước ta thường khô hanh, ít mưa nên cần có biện pháp tưới ẩm để cung cấp đủ nước cho chuối.

– Nhu cầu về ánh sáng: Chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng. Cho nên lượng ánh sáng ở điều kiện nước ta cũng cho phép cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt.

– Nhu cầu về nhiệt độ: Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong phạm vi 25-35ºC. Khi nhiệt độ giảm đến 10ºC thì quả chuối nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm. Chuối sợ rét và sương muối, khi gặp sương muối kéo dài lá chuối sẽ xám lại và héo khô. Như vậy, ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ, bình quân nhiệt độ hàng năm lớn hơn 24ºC, nên có lượng nhiệt rất tốt cho chuối phát triển.

Hình thức sinh sản

Hình thức nhân giống chuối chủ yếu là nhân giống vô tính. Người ta thường dùng loại chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của chuối, thường có 2 loại chồi con: chồi con đuôi chiên và chồi con lá rộng.

Theo nhiều kinh nghiệm, loại chồi con đuôi chiên được sử dụng trồng tốt nhất. Nó được sinh ra khoảng tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ thích hợp, loại chồi non này sinh ra rất nhanh, tốc độ sinh trưởng rất mạnh. Chồi này rất sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh và mau ra buồng, sản lượng cao.

Ngoài chồi con, ở một số nơi đã chọn củ chuối (thân ngầm) để nhân giống, ở nước ta chưa áp dụng nhiều nhưng ở Trung Quốc, các nước châu Phi, châu Mỹ đã áp dụng nhiều phương pháp trồng bằng củ chuối.

Phương pháp này có lợi ở những mặt: dễ vận chuyển, con giống mọc ra từ củ tương đối đồng đều nên khi trồng dễ chăm sóc và thu hoạch, hệ số nhân giống cũng tương đối cao vì khi ta bổ một củ ra đem trồng có thể đạt được từ 4 đến 6 cây con.

Mùa vụ trồng chuối

Đối với khí hậu nước ta, chuối có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, nếu để đạt đến năng suất cao và phẩm chất chuối tốt, cần chú ý đến thời vụ. “Giêng trúc lục tiêu” tức là kinh nghiệm về mùa vụ trồng tre và chuối hợp lý, tức tháng giêng (ÂL) trồng tre, tháng sáu (ÂL) trồng chuối.

Đối với các giống chuối gòn, chuối lá mật, chuối ngự,… có thể trồng được vụ xuân (tháng 2-3 ÂL), nhưng với chuối tiêu thì phải trồng vụ thu (tháng 6-7 ÂL) và cây sẽ ra hoa vào tháng 6-8 năm sau, đến tháng 9-11 thu hoạch, lúc này năng suất, phẩm chất chuối tiêu rất tốt. Vì vậy mà trong dân gian cũng đã có kinh nghiệm ăn chuối: vào mùa nóng thì nên ăn chuối gòn, chuối lá, còn vào mùa rét thì ăn chuối tiêu ngon hơn.

Kỹ thuật bón phân, tưới nước

Đạm (N), Lân (P), Kali (K) đều rất cần thiết bón cho chuối. N ảnh hưởng đến năng suất chuối, K liên quan đến sự phát triển chiều cao và P có tác dụng tạo phẩm chất quả tốt, chống sâu bệnh.

Lượng bón phân tuỳ thuộc vào sản lượng thu hoạch. Đối với nước ta, liều lượng N, P, K thích hợp bón cho 1 cây chuối tiêu trong 1 năm ở đất phù sa ven sông là: 100-200g N nguyên chất, 20-40g P nguyên chất, 250-300g K.

Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chuối nhất thiết phải đạt 3-4% là tốt, nếu thấp hơn phải bón phân hữu cơ. Đối với chuối thường bón 30-50kg phân chuồng cho một gốc một năm. Có thể phủ cỏ, vỏ cà phê, mùn cưa, lá thông,…một lớp dày 30-40cm quanh gốc chuối để dần thành mùn và giữ ẩm cho đất cũng rất tốt hoặc có thể trồng cây phân xanh để tạo chất hữu cơ cho đất. Vào các tháng 7-8-10 sau khi trồng là giai đoạn bón thúc quan trọng, giúp nâng cao năng suất và phẩm chất chuối.

Chuối có nhu cầu nước cao, chịu hạn kém, cho nên cần lưu ý tưới nước đủ cho chuối. Một nghiên cứu đã cho biết một cây chuối có diện tích bộ lá 13,5m2 cần 50-70kg nước để thoát nước trong một phút.

Tưới nước cho cây chuối

Ngoài ra, còn một số kinh nghiệm khác như: chọn cây con đem trồng nên chọn cây cao từ 0,6-1m và đã có trên dưới 10 lá, trước khi trồng phải gọt sạch rễ và cắt bớt lá.

Khi chuối ra hoa cần phải cắt hoa đực và hoa trung tính (tức cắt bắp chuối), có tác dụng làm quả to hơn. Vườn chuối phải trồng luân canh thì năng suất mới cao. Mùa mưa không nên đi lại, cày xới trong vườn chuối. Và quan trọng phải theo dõi sâu hại chuối và có cách phòng trừ hiệu quả.

Theo m.2lua.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Viet Nam.

 

Các giống chuối phổ biến có giá trị kinh tế ở nước ta

Các giống chuối ở nước ta khá phong phú và đa dạng. Vì vậy cũng không ít giống có giá trị kinh tế cao. Một trong số đó là:

  1. Chuối tiêu

Chuối tiêu có năng suất cao, phẩm chất tốt (hàm lượng đường và axit, vitamin đều cao), vì vậy nó là giống được trồng phổ biến trong nhân dân ta. Hiện nay chuối tiêu là giống có ý nghĩa kinh tế nhất, nó là mặt hàng xuất khẩu chính trong các loại chuối.

Chuối tiêu khi chín

Đặc điểm: cây thấp, lá mọc sít nhau, cuống lá ngắn, có eo lá màu tím đỏ, gốc lá nhọn và sâu, cuống lá hở. Quả chuối tiêu dài và cong, khi chín vào mùa đông vỏ thường có đốm “trứng cuốc”.

Trong chuối tiêu lại có nhiều dạng khác nhau:

  • Chuối tiêu lùn, cây cao 1,2 – 1,5 m, cây mập, lá rộng bề ngang, nhưng ngắn, quả ngắn hơn chuối tiêu cao, phẩm chất khá.
  • Chuối tiêu vừa, cây cao trung bình 2-3,5 m. Ở ta trong dạng này còn phân biệt chuối tiêu trắng ( ruột trắng ) và chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng chín vào mùa nào vỏ quả cũng có màu vàng tươi, thịt quả màu vàng, còn chuối tiêu trắng thịt quả nhạt hơn, mùa hè bao giờ vỏ quả cũng vẫn giữ màu xanh khi chín, chỉ chín trong mùa đông mới có màu vàng và “trứng cuốc”. Về phẩm chất , chuối tiêu hồng tốt hơn chuối tiêu trắng.
  • Chuối tiêu cao, thân cây cao 2,5 – 5 m, chịu được khô hạn, quả to hơn, sản lượng cao. ở ta có giống chuối tiêu cao, múp đầu, bị hơi chua, nhưng cũng có giống quả không múp đầu, quả dài và cong. Một số dạng chuối tiêu cao trồng để xuất khẩu rất tốt.

2. Chuối ngự

Là loại chuối quý, trước đây trồng để tiến vua chúa nên còn có tên là “chuối tiến” hay “ngự tiến”.

Chuối ngự

Đặc điểm: cây yếu, bẹ mềm, thân cây có màu vàng óng ả, lá mọc đứng, lá dài, nhỏ, màu lá xanh vàng. Gốc lá nhọn và không cân đối giữa hai mép, cuống lá gần khép kín. Chuối ngự đẻ khoẻ, nhiều con. Buồng ngắn, nải xếp xít nhau, quả ngắn, đầu quả múp, vỏ mỏng, thịt quả dau, ăn ngọt, và rất thơm.

Chuối ngự cũng có hai dạng: ngự thường và ngự mít.

Ngự mít có quả vàng tươi, cây thấp hơn, thịt quả mịn, ăn ngọt và rất thơm. Còn ngự thường, cây cao to hơn, quả to dài hơn ngự mít, ăn ít thơm.

Chuối ngự ngon từ tháng 4 đến tháng 8. Mùa đông kém ngon hơn cho nên trồng trọt sao cho trổ vào mùa xuân, đầu hè, thì phẩm chất tốt.

Nhận xét: loại chuối này phẩm chất rất cao, đẹp về hình thức, cho nên nếu được phát triển ở những nơi có điều kiện vận chuyển để xuất khẩu tươi (xuất khẩu quả chín) thì giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên nếu phát triển chuối ngự cũng cần chú ý những nhược điểm:

  • Cây mềm yếu dễ đổ gãy, yêu cầu đất đai và chăm sóc cao, khi dấm quả không đúng kỹ thuật, vỏ quả dễ bị nứt.
  • Các giống chuối tiêu, chuối gòn, chuối ngự là những giống có giá trị kinh tế cao hơn, ngoài ra ở các địa phương có trồng nhiều loại chuối khác nhau như: chuối mật (lá mật), chuối mắn, chuối mỏ giang, chuối ngốp, chuối hột, chuối cẩm… Những giống chuối này phân bố lẻ tẻ và ít có ý nghĩa kinh tế hơn.

3. Chuối Philipine

Chuối Philipine có hàm lượng đường trong trái thấp nên ăn có vị thanh chua, không được ngọt như các giống chuối tiêu Việt Nam.

Chuối Philipine

Nhưng do vỏ trái dày cộng với cuống trái to và cứng nên khi trồng quy mô giống chuối Philipine tỏ ra ưu thế hơn để đóng gói, bảo quản và vận chuyển đi xuất khẩu ở những thị trường xa.

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.