Bảo quản và chế biến xoài

Bảo quản

Phần lớn xoài tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều đựng trong sọt tre, thùng gỗ, thùng carton để trong điều kiện tự nhiên, vì vậy bị tác động bởi nhiệt độ, ẩm độ cao lại vận chuyển đi xa nên chỉ bảo quản được 7 – 10 ngày, tỷ lệ dập nát đến 20 – 25%, có khi tới 30%.

Bảo quản xoài thủ công

Các viện nghiên cứu, trường đại học đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp bảo quản nhãn, xoài tươi như sau:

– Công nghệ bảo quản quả tươi ở nhiệt độ bình thường có sử dụng chất diệt nấm, vi sinh vật và côn trùng bằng xông khí SO2 và các phương pháp thay đổi thành phần môi trường bảo quản. Công nghệ này có thể bảo quản được 15 – 16 ngày, tỷ lệ hao hụt 10 – 12%, có thể vận chuyển đi xa từ các tình Nam Bộ ra miền Bắc.

– Công nghệ bảo quản quả tươi đối với xoài ở nhiệt độ thấp 10 – 12oC là phương pháp bảo quản hiệu quả nhất, thời gian bảo quản kéo dài trên 30 ngày, tỷ lệ hao hụt do dập nát 5 – 7%, có thể vận chuyển đi xa và xuất khẩu (trước khi bảo quản ở nhiệt độ thấp phải loại bỏ những quả thối, dập nát và xử lý các biện pháp như đã nêu trên). Với xoài bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên (như ở nước ta) thời gian giữ được rất ngắn. Song bảo quản ở nhiệt độ thấp dưới 10oC, quả xoài gặp nhiều hạn chế: dễ bị tổn thương do nhiệt độ lạnh làm trái chuyển màu, thịt mềm, mùi vị không đặc trưng như chín bình thường. Xoài sau khi thu hoạch, phân loại, rửa sạch rồi ngâm trong dung dịch CaCl2 hoặc Ca(NO3)2, nồng độ sử dụng 4 – 6%, vớt ra để khô ở điều kiện tự nhiên, sau đó đựng trong túi nilông kích thước 15 x 25 cm, có 20 lỗ thoát ẩm trên túi. Bảo quản ở nhiệt độ 11 – 11,5oC là tốt nhất, thời gian bảo quản trên 30 ngày, xoài vẫn giữ được màu sắc, chất lượng tốt (VNCCAQ MN).

Xoài bảo quản thủ công vận chuyển xa dễ hư hỏng

– Về bao bì bảo quản xoài:

1. Một loại truyên thống dùng sọt tre, nứa, thùng gỗ (đóng từng thanh) có giá thành thấp nhưng tỷ lệ dập nát, thối nhũn cao.

2. Dùng thùng carton có đục lỗ thoát ẩm, giá thành tuy có cao hơn loại truyền thống song tỷ lệ hao hụt, dập nát, thối ít hơn nhiều nên hiệu quả cuối cùng vẫn cao.

Chế biến

Chế biến xoài sấy

Quy mô xưởng sấy từ 150 – 250kg nguyên liệu. Xoài được ủ ở nồng độ CaC2 (khí đá) 1%, thời gian ủ 36 giờ.

Xoài được rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát, rồi xử lý ở nhiệt độ 80 – 900C trong 5 – 9 phút. Các miếng xoài được ngâm trong dung dịch nước đường có nồng độ 40 – 50%, thời gian ngâm 18 – 20 giờ. Sau đó xoài được rửa lại bằng nước ấm trước khi đem ra khay sấy. Nhiệt độ sấy 50 – 600C và sấy trong 14 -18 giờ. Sản phẩm phải có độ ẩm 16 -18%.

Chi phí đầu tư cho thiết bị này khoảng 160 triệu đồng.

Chế biến nước xoài

Nước đường (phụ phẩm sau chế biến xoài sấy) được phối chế với 20% bột xoài và nước ngâm dứa, bổ sung thêm 0,3 – ,5% acid citric. Sau khi được phối chế,dung dịch được bổ sung chất ổn định và được đồng hóa (10 phút) để tránh hiện tượng tách lớp. Dung dịch được bài khí bằng cách đun nóng trước khi rót chai ghép nắp và thanh trùng ở nhiệt độ 1000C trong 15 phút. Sản phẩm nước có mầu vàng tươi, mùi thơm tự nhiên…

Chi phí đầu tư cho quy trình này khoảng 60 triệu đồng.

Chế biến giấm xoài

Dung dịch nước đường trong chế biến xoài sấy được xử lý nhiệt trước khi phối chế với nước theo tỷ lệ 1/3, có bổ sung rượu. Hỗn hợp này được bơm vào thiết bị lên men liên tục, có sục khí nhằm cung cấp oxy cho hệ vi sinh vật thuần khiết đã được phân lập và được cấy trên giá thể xốp đặt trong thiết bị. Thời gian lên men là 7 – 10 ngày (ngắn hơn thời gian lên men thông thường 3 lần), độ chua của giấm là 5 – 6%. Giấm có độ trong cao, màu vàng nhạt, thoảng hương thơm trái cây.

Chế biến bánh xoài

Xoài để làm bánh tráng xoài được lựa chọn kỹ lưỡng, chín tự nhiên. Xoài chín được lột vỏ bằng tay, không gọt bằng dao để loại bỏ hẳn vỏ và làm bánh tráng xoài không bị xơ. Xoài sau khi lột vỏ được bào lấy nước cốt của xoài.

Đun nước xoài, được cho thêm ít đường và khoấy đều tay để dung dịch nước xoài không bị cháy, xít. Tiếp tục như vậy đển khi nước xoài trong nồi sôi và cô đặc thành dung dịch sền sệt là được.
Công đoạn phơi:

Nước xoài sau khi được đun chín, rưới tráng lên măm hoặc nia (một loại sàng bằng tre đan) đã phủ sẵn miếng lót nhựa nylon để dung dịch nước xoài không dính lên măm, nia và đảm bảo vệ sinh hơn. Sau đó, đem đi phơi dưới nắng gắt khoảng 2 ngày đến khi sờ vào tay không dính bánh mới đạt yêu cầu.

Nhờ độ chua tự nhiên của xoài cát và được chế biến theo phương pháp truyền thống (phơi sấy dưới nắng) nên bánh xoài có vị ngọt, chua và mùi thơm rất tự nhiện. Đặc biệt, bánh tráng xoài được bảo quản rất lâu trong điều kiện bình thường.

Những loại sâu, bệnh hại và các phòng trị ở xoài

Xoài là loài cây ăn quả xứ nhiệt đới phù hợp với khí hậu ở Việt Nam, là loài cây trồng có giá trị kinh tế.Ngoài ra xoài còn là loài cây che bóng, trang trí không gian vườn có giá trị thẩm mỹ cảnh quan rất cao.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng trọt thường gặp một số sâu, bệnh hại như sau:

Sâu hại

1. Sâu đục trái

Đây là đối tượng gây hại rất nghiêm trọng trên xoài. Thành trùng là một loại bướm màu trắng ngà, sải cánh dài 2-3cm, hoạt động về đêm. Chúng đẻ trứng dưới lớp vỏ ở phần đít trái xoài, trứng nở ra sâu non có khoan hồng đậm, đục thẳng vào hột để ăn hột xoài. Sau khi sâu lớn sẽ buông mình xuống và chui vào đất để hoá nhộng, sau đó vũ hoá thành bướm gây hai tiếp. Tỉ lệ gây hại có khi đến 30-35%.

Sâu đục trái xoài

Phòng trị:

+ Phun các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp, định kỳ 7 ngày/lần.

+ Loại bỏ các trái có dấu đục, không để rơi vãi trên mặt đất.

+ Dùng loại bao đặc biệt để bao trái lúc con nhỏ.

2. Ruồi đục trái

Gây hại trên xoài, táo, nhãn… Ấu trùng không những gây hại cho trái mà còn hạn chế khả năng xuất khẩu xoài sang các nước khác.Ruồi có kích thước nhỏ hơn ruồi nhà, màu nâu vàng, ngực có 2 sọc vàng, cánh không màu.Ruồi cái đục võ trái (lúc trái già) và đẻ trứng dưới lớp vỏ. Trứng nở thành giòi nhỏ, nằm bên trong ăn thịt trái. Trái bị giòi do bị bội nhiễm nấm nen bi lên men, thối rữa và rụng đi.

Ruồi đục trái xoài

Phòng trị:

+ Điều khiển xoài ra hoa sớm, tránh lúc mưa đầu mùa là thời điểm mật độ ruồi rất cao.

+ Bao trái, đây là biện pháp rất hiệu quả.

+ Tiêu huỷ trái rụng để diệt giòi.

+ Dùng bẫy bằng chất dẫn dụ (cây é tía hay chất trích ly từ cây é tía).

+ Phun thuốc theo định kỳ.

3. Rầy xoài

Còn gọi là rầy nhảy, hình dáng tương tự ve sầu nhưng nhỏ hơn. Rầy dài 3-5 mm, hơi nâu chích hút ở đọt, mặt dưới lá và phát hoa. Rầy còn tiết ra mật gây bệnh bồ hóng lá, làm cây phát triển kém. Hiện nay rầy là đối tượng gây hại số 1. Khả năng kháng các loại thuốc cũ như Bassa, Mipcin, Trebon rất cao.

Rầy xoài

Phòng trị:

Sử dụng thuốc Admire, Confidor, Applaud, Butyl.

4. Con cắt lá

Là loại côn trùng cánh cứng rất nhỏ bằng cọng chân nhang, dài 22 mm, có một vòi dài là 2 mảnh ghép lại dùng để cắt lá non. Chúng xuất hiện vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Chúng cắt cuống lá non vừa mới nhú hoặc lá chưa chuyển sang màu xanh, làm cho chồi non không có lá, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

Con cắt lá ở xoài

Phòng trị:

Trong giai đoạn cây ra lá non, cần theo dõi thường xuyên (2 ngày/lần). Nếu thấy có dấu hiệu gây hại lập tức phun thuốc trừ sâu nhóm cúc tổng hợp.

5. Sùng đục thân

Thành trùng là loài bọ cánh cứng có râu dài. Chúng thường đẻ trứng vào vết thương của cây, quanh gốc cây hoặc những nơi kín đáo nơi có lớp vỏ bong ra (cây già). Ấu trùng đục phần dưới lớp vỏ để ăn, sau đó hoá nhộng trong bao kén trắng nằm bên trong lớp vỏ cây. Ấu trùng gây ra vết thương tạo điều kiện để cho nấm xâm nhập và phát triển làm hư lớp vỏ quanh thân, nếu nặng cây có thể chết.

Phòng trị:

Nên thường xuyên kiểm tra quanh gốc xoài, nhất là ở những cây lâu năm có lớp vỏ bong ra. Nếu thấy có lớp mạt nhỏ ùn ra, dùng dao vạt vỏ, khi phát hiện dùng dây kẽm móc ra, trám đất sét lại.

6. Rệp sáp

Chích hút nhựa ở nhánh non và cuống trái. Đây là loại rệp hay chích hút trên cam quít.

Rệp sáp hại quả xoài

Phòng trị:

Bằng thuốc Supracide 40 ND.

Bệnh hại

1. Bệnh thán thư

Là loại bệnh nguy hiểm nhất, thường gây hại trong mùa mưa hoặc những lúc đêm có sương. Nấm bệnh tấn công cành non, lá non, hoa và trái.

Trên hoa, bệnh làm rụng hoa và hư phát hoa.

Bệnh thán thư ở xoài

Ở lá, đốm bệnh màu xám nâu, tròn hay góc cạnh, tạo đốm cháy lá và rách lá, cuối cùng lá bị rụng.

Trên trái, bệnh lúc đầu chỉ tạo các chấm nâu nhỏ, sau đó phát triển thành các đóm thối đen lõm xuống vỏ trái làm trái bị chín háp hoặc hư hỏng khi tồn trữ (nếu nhiễm muộn). Bào tử nấm có thể mọc mầm sau 6 giờ trong giọt nước nên gây hai rất nhanh.

2. Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm, nhất là vào mùa mưa. Trên nhánh mang đọt xuất hiện các đốm sậm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá biến màu nâu, bìa lá cuốn lên. Cành bị khô nhăn và có thể chảy mủ.Chẻ dọc cành bệnh, bên trong các mạch dẫn nhựa bị nhiễm nâu tạo thành các sọc màu nâu.

Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh thường tấn công trái trong giai đoạn tồn trữ hay vân chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống trái hoặc những nơi có phần vỏ trái bị trầy trụa. Khi hái trái không chừa cuống, bệnh rất dễ xâm nhập và lây lan chỉ sau 2-3 ngày, nhất là khi gặp điều kiện ẩm.

Phòng trị:

Tránh làm dập trái hoặc rụng cuống khi hái trái. Phun Benlate (0,01%), Copper-B (0,1%) với số lượng 10 lít/cây khoảng 2 tuần trước khi thu hoạch. Trái sau khi hái phải xử lý bằng nước ấm (55OC) có chứa Benlate 0,06-0,1%, cách này có thể phòng cả bệnh thối trái và bệnh thán thư. Cũng có thể nhúng trái vào dung dịch gốc đồng hay dung dịch Borax (0,6%).Phòng trừ bệnh trên cây con ghép cần chọn mắt ghép trên cây khoẻ mạnh, sạch bệnh và nên vệ sinh kỹ dụng cụ ghép.

3. Bệnh cháy lá

Bệnh phát triển nặng trong mùa mưa, gây hại cả lá, nhánh và trái. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ như đầu kim có màu vàng, sau lớn dần có màu nâu nhạt, sau chuyển thành màu nâu đậm, có viền màu tím sậm. Phần giữa vết bệnh có màu xám tro có các vết đen là những ổ nấm. Vết bệnh ở lá có hình bầu dục hay biến dạng, khi lan dần vào cuống lá làm chóp lá bị cháy khô.

Trên trái, đóm bệnh tròn úng nước, sau đó lan nhanh làm thối trái. Bệnh lây lan nhờ nước mưa.

Bệnh cháy lá ở xoài

Phòng trị:

Bằng cách cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan. Phun Copper- Zine, Copper-B, Zineb hay Benomyl.

4. Bệnh đốm lá

Tấn công cả lá và trái qua vết thương hay vùng tiếp xúc. Trên lá, đốm bệnh có hình bầu dục to, màu nâu nhạt, tâm sáng trắng có thể làm rách lá. Trên trái, bệnh làm thành vùng nhiễm có màu nâu đen, vùng nhiễm bệnh nhăn nheo. Bệnh thường gây hai nhẹ, có thể phòng trị như ở bệnh cháy lá.

Ngoài ra trên cây xoài còn bị một số bệnh hại khác như: Bệnh bồ hóng, Bệnh phấn trắng, bệnh đốm vi khuẩn và bệnh da ếch…

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Kỹ thuật trồng Xoài cát Hòa Lộc sạch không dùng thuốc BVTV

Xoài cát Hòa Lộc ở xã Cam Thành Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu xoài sạch, chất lượng. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con trong xã đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng xoài sạch của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đưa ra.

Xoài cát Cam Lâm là 1 trong 3 loại xoài được dán tem chứng nhận nhãn hiệu

Quy trình kỹ thuật gồm 5 bước như sau :

   Bước 1: Khi thu hoạch xong xoài vụ trước vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì tiến hành bón phân phục hồi cho xoài theo công thức: 1kg sunphat + 1kg lân + 0,5 kg kali/1 gốc xoài, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Sau đó, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho cây xoài, tăng nguồn ánh nắng chiếu vào tán cây nhằm hạn chế sâu bệnh ẩn nấp và cây đỗ ngã mùa mưa bão.

   Bước 2: Vào đầu tháng 12 âm lịch, tiến hành bấm ngọn cho ra lộc mới, nên bấm đồng loạt thì xoài sẽ ra ngọn, ra bông đồng loạt. Tiếp theo, bón 2 kg phân lân + 1 kg kali + 0,5 kg sunphat, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Bón phân ở giai đoạn này nhằm tạo ra những ngọn cây mập và khỏe mạnh, đồng thời dự trữ chất dinh dưỡng để nuôi hoa sau này.

Đến cuối tháng 1 âm lịch năm sau thì xoài bắt đầu ra cơi 2, sau đó khoảng 10 ngày thì ta phun thuốc trị sâu, rầy, bọ trĩ. Nếu gặp trời mưa thì phun thuốc trị bệnh thán thư cho xoài để hạn chế lây lan về sau. Sử dụng thuốc đặc trị có nguồn gốc sinh học, phun 03 lần, mỗi lần cách nhau 4 ngày. Vì trong thời kỳ này xoài ra ngọn nhiều, khi phun thuốc xong ta tiến hành tỉa bớt ngọn, chỉ để 1 – 2 ngọn mập và khỏe cho đủ sức nuôi hoa sau này tốt hơn.

     Bước 3: Vào tháng 2 âm lịch tiến hành bón phân tiếp theo công thức: 2kg kali + 1kg sunphat + 0,5 kg lân. Vào giai đoạn này cây xoài tập trung phát triển mầm hoa, do đó cần bón thêm 0,5 kg KNO3/1gốc cây, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng, tích lũy để phân hóa mầm hoa. Kết hợp với bón vôi để khử chua và cung cấp canxi cho cây.

     Bước 4: Khi cây xoài đã ra cơi 2 hoàn chỉnh, lá bắt đầu chuyển sang màu phớt hồng thì sử dụng thuốc gói Paclobutrazol loại 20% tưới kích cho cây. Hòa 1kg thuốc Paclobutrazol loại 20% tưới cho khoảng 8 – 10 cây xoài, tùy theo tán lớn nhỏ và độ tuổi của cây. Tưới cách gốc 5 tấc theo vành máng chứa rồi giữ ẩm liên tục từ 8 – 15 ngày và ngưng. Siết khô xong ta kiểm tra xem đọt xoài đã ra cựa gà chưa. Nếu thấy cây nhú cựa gà khoảng 80 – 90% thì phun thuốc trị sâu rầy, bọ trĩ hoặc nếu gặp mưa thì phun thuốc phòng ngừa thán thư hại bông sau này. Sau khi siết khô hạn được 10 – 15 ngày thì ta bón thêm 2 đợt KNO3 nữa để kích ra hoa đồng loạt, kèm theo bón phân vi lượng và trung lượng.

     Bước 5: Khi xoài ra hoa rộ và đậu quả bằng trứng cá hay trứng cút thì ta bắt đầu chọn loại bỏ bớt để xoài mau lớn trái. Đến khi trái xoài to bằng quả trứng gà hoặc lớn hơn thì chọn loại bỏ lần 2, chỉ để lại từ 1 – 2 trái/chùm mà thôi. Sau đó, tiến hành bao trái ngay để hạn chế ruồi vàng và sâu đục quả. Trong thời gian này ta bón phân kích thích lớn trái có thành phần kali, canxi làm cho trái xoài chắc, đẹp mã, nặng ký, giá cao và được thị trường ưa chuộng.

Nguồn : Khuyến nông Khánh Hòa, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Úc

Xoài Úc là một loại quả mang lại giá trị kinh tế cao. Với ưu điểm, quả to tròn, thịt cứng chắc, ít xơ, khi chín trên u vai quả có màu ửng hồng, khi ăn có hương vị ngọt nhẹ, mỗi quả nặng gần 1kg … giống Xoài Úc đã và đang được nhiều bà con đầu tư trồng trọt. Vậy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Xoài Úc như thế nào để thu hoạch được quả có chất lượng tốt nhất.

Xoài Úc

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Úc đơn giản

  1. Mật độ trồng Xoài Úc

Hàng cách hàng 7m, cây cách cây 6m. Với kích thước trên mỗi ha trồng được khoảng 240 cây.

  1. Quy cách hố trồng cây

Hố trồng hình vuông rộng 0,5m, chiều sâu từ 0,5– 0,7m.

Xoài Úc là loại cây ăn quả rễ cọc nên cần đào hố sâu để định hướng cho bộ rễ ăn sâu xuống dưới, tránh đỗ ngã khi mùa mưa bão tới, đặc biệt là những cây con mới trồng.

  1. Cách trồng cây con

Mỗi hố chuẩn bị 10kg phân hữu cơ + 0,2kg DAP. Cho tất cả số phân này trộn đều với đất được đào lên rồi cho vào hố ủ để trồng cây.

Cây con xoài Út

Khi trồng cây dùng kéo cắt lớp bầu bên ngoài rồi đặt vào hố trồng sao cho mặt bầu cây con ngang với mặt hố, sau đó nén chặt đất và tưới nước để giữ độ ẩm cho đất.

  1. Tạo hình và tỉa cành

– Tạo hình:

Bấm ngọn cách gốc 70cm và chọn 3 chồi khỏe phân bố đều. Khi 3 chồi này được 2 tầng lá, bấm ngọn dưới đọt lá 2. Tương tự như vậy cho các đợt chồi kế tiếp trong khoảng 2 năm đầu.

– Tỉa cành:

Tiến hành tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành bên trong tán,  cành không có khả năng ra quả vào vụ sau… để đảm bảo cho cây xoài phát triển tốt và đem lại năng suất cao cho vụ sau.

  1. Bón phân

– 3 năm đầu sau khi trồng:

  • Trong khoảng thời gian này bà con dùng phân NPK công thức 20:20:15 để bón cho cây.
  • Hai năm đầu bón 0,5 kg/cây/năm; bước sang năm thứ ba bón 1 kg/cây/năm. Mỗi năm bón 2 lần: đợt 1 bón vào những lúc mưa giông, còn đợt 2 bón khi bắt đầu mùa mưa chính.

Xoài Úc phát triển tốt khi được chăm sóc đúng cách

– Giai đoạn thu hoạch trái:

Giai đoạn này bón phân cũng chia làm 2 phần: 2/3 số phân bón ngay sau thu hoạch, 1/3 số phân còn lại bón khi cây bắt đầu trổ bông.

  1. Phòng trừ sâu bệnh cho cây Xoài Úc

Giống Xoài Úc thường mắc những loại sâu bệnh chính như: rầy bông xoài, sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư,… Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc cần chú ý quan sát để phát hiện ra những dấu hiệu lạ trên cây để khắc phục cho kịp thời. Đồng thời chú ý phun các loại thuốc phòng ngừa các loại bệnh cho cây.

Xoài Úc khi chín có thịt cứng chắc

Những thông tin cơ bản ở trên hi vọng có thể giúp ích được cho bà con trong quá trình trồng và chăm sóc cây xoài Úc đạt mùa bội thu.

Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.

Nhận biết xoài cát Hòa Lộc bằng mắt thường

Xoài cát Hòa Lộc bắt nguồn từ xã Hòa Lộc thuộc huyện Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay đổi thành xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang). Đây là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.

Xoài cát Hòa Lộc

Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất. Vì giá trị kinh tế cao nên trên thị trường có hiện tượng trà trộn các loại xoài kém chất lượng hơn để bán giá đắt. Dưới đây là một số cách nhận biết xoài Hòa Lộc cách đơn giản bằng mắt thường:

– Quả dày, dáng thuôn, bụng xoài tròn lẳn, phần đầu nhọn nhưng vẫn có đường cong, thấy rõ phần eo rốn, cuống xoài tròn.

– Kích thước xoài cát Hòa Lộc khá to, cầm nặng tay, trọng lượng mỗi quả có thể lên đến 450-600g.

– Xoài cát Hòa Lộc còn xanh, không bị non sẽ có đặc điểm nổi bất là màu xanh ngọc, phần đầu quả có nhiều đốm đen li ti.

– Khi chín, da xoài chuyển từ xanh ngọc sang màu vàng tươi rất đẹp mắt, phần đầu quả quả nhiều đốm đen hoặc nâu như vết kim đâm, có lớp phần mỏng bao phủ phần đầu.

– Khác với nhiều giống xoài khác, xoài cát Hòa Lộc khi chín ăn dẻo, thơm, ngọt thanh, ngon hơn rất nhiều khi ăn quả xanh.

– Thịt xoài cát Hòa Lộc khi chín rất thơm, màu vàng ươm, thịt dày và mịn, không bị nhiều xơ, ăn dẻo, rất ngọt. Mùi vị của chúng khá đặc biệt, khi ăn thấy sự khác biệt rõ với nhiều giống xoài khác.

Xoài cát Hòa Lộc khi trồng

Giá xoài cát Hòa Lộc cao nhất trong trong các giồng xoài tại Việt Nam, trung bình trên 40 ngàn đồng 1 kg. Cách chọn xoài cát Hòa Lộc ngon:

– Chọn những quả xoài cát Hòa Lộc còn tươi. Nên kiểm tra bằng cách cậy nhẹ phần cuống, nếu ngửi thấy mùi thơm thì quả còn tươi và không sử dụng thuốc bảo quản.

– Cầm thấy chắc tay, không chỗ nào bị mềm hoặc lồi lõm. Nhấn nhẹ ở cuống thấy còn cứng, có nhiều chấm sẫm màu trên da (chủ yếu tập trung ở cuống xoài). Đây là cách chọn xoài ngon cơ bản và áp dụng nhiều nhất.

– Chọn quả vừa, trọng lượng từ 450-600g, đây là mức trung bình của xoài cát Hòa Lộc. Quả nhỏ quá có thể còn non, ăn không ngon.

– Quả chín ăn ngon hơn quả xanh. Các chị nên nhớ giống xoài cát Hòa Lộc khi chín sẽ chuyển thành màu vàng hoàn toàn, màu sắc tươi tắn và bắt mắt. Thân quả căng bóng, có nhiều đốm ở đầu cùng với lớp phấn mỏng. Sờ nắn thấy chắc tay và không bị mềm. Những quả này ăn dẻo thịt, thơm và ngọt lịm.

Xoài cát chín với màu sắc tươi tắn

Không chỉ nổi tiếng về hương vị thơm ngon xoài cát Hòa Lộc còn được đánh giá rất cao về giá trị dinh dưỡng cũng như khả năng làm đẹp, phòng chống và điều trị bệnh tật.

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Cây xoài mắn đẻ 800 quả ở Nhật Bản

Một cây xoài ở đảo Okinawa năm ngoái đã khiến nhiều người ngạc nhiên với 400 quả, thì năm nay cho quả nhiều gấp đôi.

Tháng 7 năm nay, trang trại của ông Mineo Higa ở làng Nakijin (Okinawa, Nhật) thu hút nhiều người tới tham quan. Cây xoài trong vườn nhà ông đã đậu tới 800 trái, lập kỷ lục cây sai quả nhất trong vùng và cả nước Nhật.

Cây xoài 29 năm tuổi chỉ cao hơn một mét nhưng tán lá xòe rộng với đường kính lên tới 10m. Bởi vậy, ông Higa buộc phải cắt bỏ những cây mọc xung quanh. Ông cũng phải làm giàn đỡ, treo các cành cây lên để tránh bị gãy.

Thông thường, một cây xoài cho khoảng 100 quả. Năm ngoái, cây xoài của ông Higa cho thu hoạch 400 quả.

“Chúng tôi giảm bớt các loại thuốc trừ sâu, sản xuất những loại hoa quả sạch, an toàn với sức khỏe. Mục tiêu của chúng tôi là nông nghiệp hài hòa với môi trường xung quanh”, ông Higa chia sẻ.

Ông Higa phát hiện những con ve ăn hết côn trùng có hại bám bên ngoài thân cây. Bởi vậy, ông đã tập hợp loại ve này lại và thả chúng trong vườn xoài. Nhờ vậy, cây bị ít sâu bệnh hơn.

Theo trang Ryukiu Shimpo, chủ vườn mát tay còn dự tính sẽ đăng ký Kỷ lục Guinness Thế giới cho cây xoài của mình.

Nguồn: Tintucnongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Xoài Thái – cây trồng có giá trị kinh tế cao

Xoài Thái là một trong số những cây trồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều nhà vườn chọn trồng bởi cây cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. đồng thời bán được với giá cao, có thu nhập tốt.

Xoài Thái Lan

Xoài Thái Lan là Giống Xoài ăn xanh được nhập từ Thái Lan về trồng. Giống Xoài này đồng thời là một trong số các loại cây đang thích hợp trồng ở khu vực nhiệt đới, đặc biệt phù hợp với khí hậu nước ta.

Xoài Thái được trồng đơn giản

Xoài Thái có các đặc điểm khác biệt so với những Giống Xoài khác: vỏ trái xoài thái có màu xanh đậm và rất dày, trọng lượng trái trung bình 300 – 350gr. Khi Trái Xoài này vừa cứng bao đầu đã có vị ngọt, thơm ngon đặc trưng. Trái Xoài Thái có tỷ lệ đậu trái cao, cây 5 tuổi cho năng suất từ 60 – 70kg/cây.

Trái Xoài Thái có nhiều tác dụng, có thể ăn lúc xanh hay chín đều được. Hương vị Xoài Thái dễ có thể ăn sống, hoặc chế biến thành những món ăn chơi rất hợp.

Xoài Thái xanh

Xoài Thái có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất vàng, vàng đỏ, đất Feralit, đất phù sa cổ, đất phù sa mới ven sông, kể cả trên vùng đất cát giồng ven biển…

Với kỹ thuật trồng Cây Xoài Thái Lan đơn giản, xử lý ra hoa cũng không phức tạp nên Xoài Thái hiện nay người dân rất ưa trồng ở nhiều nơi trên cả nước.

Trồng Xoài Thái cho năng suất cao và việc làm ổn định

Xoài Thái mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trái Xoài Thái to, chất lượng tốt bà con nhà vườn có thể bán được với giá từ 25-30 ngàn đồng/kg, mùa nghịch có thể đạt 50 ngàn đồng/kg.

Cây giống Xoài Thái

Cây Xoài Thái Lan cho doanh thu cao khoảng 350 – 450 triệu/hecta. Ngoài ra còn có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen nhiều loại cây trồng khác có tán thấp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác.

Có thể thấy, Xoài Thái là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, năng suất tối ưu. Đồng thời, mang lại lợi nhuận và việc làm cho người dân thoát nghèo.

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

 

Kỹ thuật trồng dưa lê siêu ngọt

Đặc tính giống

Với sự ra đời của nhiều giống dưa lê siêu ngọt tiến bộ được đưa vào áp dụng trong sản xuất hiện nay đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ cũng như được nhiều nông dân các vùng quan tâm để thâm canh giống cây trồng này. Dưa lê siêu ngọt F1 được biết đến là cây sinh trưởng và phát triển mạnh, kháng được nhiều loại sâu bệnh.

– Cây dưa lê rất dễ trồng trên vùng có chân đất cao, đất thịt nhẹ hay cát pha vì đây là loại giống có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, từ 50 – 65 ngày (tùy mùa vụ).

Dưa lê siêu ngọt

– Giống dưa này có thể trồng được quanh năm. Hoa cái của cây vẫn tồn tại cả nhị đực, do đó cây rất dễ thụ phấn và đậu quả cao, quả đồng đều, quả non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu trắng lẫn ít màu vàng nhạt, thơm và rất ngọt, hình thức quả đẹp, có trọng lượng trung bình khoảng 0,3 – 0,5 kg/quả nên dễ tiêu thụ. Đặc biệt là cho năng suất cao, từ 1 – 1,5 tấn/sào.

Tuy nhiên cần nắm vững kỹ thuật trồng dưa lê siêu ngọt đúng cách cho năng suất cao nhất.
– Nên lựa chọn các giống dưa lê lai F1 siêu ngọt có những đặc điểm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay là: Dưa có kích thước quả vừa phải, độ ngọt cao, vỏ xanh da đá hoặc trắng, cứng, cùi dày, ít hạt, vị thơm đặc trưng… Một số giống dưa lê lai siêu ngọt phổ biến hiện nay là: Ngân Huy, Thanh lê, NS-333, Hồng Ngọc…

Thời vụ

Dưa lê ưa biên độ nhiệt rộng hơn dưa hấu( 18- 32oC). Vì vậy thời vụ trồng dưa lê đối với các tỉnh miền bắc nước ta có thể tiến hành từ tháng 2 đến tháng 9 DL. Tuy nhiên với dưa lê xuân hè gieo trồng thích hợp nhất vẫn là sau tiết lập xuân.

Ngâm, ủ, ươm cây

  • Ngâm hạt trong nước sạch 2 giờ, nhiệt độ thích hợp tốt nhất cho nảy mầm là 28-32oC, sau đó cho vào khăn ẩm ủ khoảng 24-36h hạt nẩy mầm. Ươm cây trong khay ươm với thời gian 10-14 ngày, khi cây xuất hiện lá thật thứ 2 thì tiến hành đi trồng.
  • Hạt giống ngâm nước sạch trong 4 giờ, sau đó ủ 24 giờ, khi hạt nẩy mầm thì gieo vào bầu đất 1 hạt/bầu. Sau khi gieo từ 8 – 10 ngày, khi cây có 1 – 2 lá thật thì có thể đem trồng.
  • Nếu trồng giàn thì lượng giống từ 1 – 1,2kg/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m. Trồng hàng đôi, mật độ cây 25.000 cây/ha. Còn trồng bò trên mặt đất, lượng giống từ 400 – 500 gram/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 4m.
  • Thời kì cây con trong bầu không nên cung cấp dinh dưỡng cho cây qua đường gốc sẽ làm cây bị thối hỏng rễ non. Tốt nhất nên bổ sung bằng các chế phẩm phân qua lá giàu vi lượng và can xi định kì 4-5 ngày/lần. Lượng phân sử dụng chỉ cần bằng 1/2 so với lượng cho cây trưởng thành.

Đồng thời, tưới bổ sung thêm chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để giảm thiểu lượng cây non chết vì bệnh thắt thân( lở cổ rễ). Khung che cần đóng mở linh hoạt để đảm bảo cây được ấm và không quá ẩm.

  • Tưới nước cho cây dưa lê trong bầu cũng cần lưu ý chỉ nên tưới đủ ẩm( nước ngấm hết vào đất sau khi tưới) và không tưới quá muộn. Đảm bảo cho cây con về đêm luôn khô nước trên thân lá.

    Làm đất, trồng cây

  • Đất trồng dưa lê tốt nhất không trồng trên ruộng đã trồng cà chua, cà pháo, bí, khoai tây, ớt, dưa và ruộng cây trồng trước đã bị héo xanh. Xử lý đất trồng bằng vôi tả (30- 40kg/sào) hoặc chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma. Lên luống rộng 1,8-2m cả rãnh, cao 25-30cm, rãnh rộng 30-35cm.

Luống thoải dần về hai bên mép. Nên dùng màng phủ chuyên dùng cho rau màu với dưa lê xuân hè. Trồng cây theo hàng, cây cách cây 25-30cm, đảm bảo 700- 800 cây/sào BB.

Chăm sóc dưa ở giai đoạn đầu

  • Ngay sau khi đặt bầu nên tưới ngay để cây nhanh liền thổ, chú ý rễ dưa rất yếu không chịu được úng, nếu ruộng bị ngập nước cần tháo rút nước ngay.
  • Phân bón: Năng suất của dưa rất cao có thể đạt 5-6 tạ/sào, trong khi đó thời gian sinh trưởng của cây rất ngắn sau trồng 40-45 ngày cho thu những lứa quả đầu tiên chính vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho dưa đặc biệt là phân lân.
    Nên sử dụng các loại phân dễ tan để bón cho dưa, đặc biệt là nguồn phân chuồng, phân bắc, phân xanh ủ mục. Nếu trời có nắng mưa xen kẽ rất dễ bị bệnh lở cổ rễ và thối thân nên phòng trừ bằng thuốc Validacin hoặc Anvil.

Chăm sóc dưa lê siêu ngọt

  • Bấm ngọn, ghim nhánh: Khi thân chính được 5 lá thì bấm ngọn để cho 2 nhánh cấp 1 phát triển, khi nhánh cấp 1 được 5 -6 lá thì bấm ngọn để cho 5 nhánh cấp 2 phát triển, khi nhánh thứ 2 được 5 – 6 lá thì bấm ngọn để 5 nhánh cấp 3 phát triển.
    Khi bấm ngọn 3 lần một cây dưa có thể có 72 hoa cái có khả năng cho trái. Mỗi cây dưa chỉ nên để 6 – 14 trái tuỳ theo lực của cây. Để tránh bị gió lật giây dưa nên dùng đất phủ lên dây dưa từng quảng 50 – 60 cm, hoặc dùng ghim tre để cố đinh dây dưa.
  • Thu hoạch: Trong quá trình chăm sóc nên che quả dưa bằng lá để quả dưa không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm mất màu tự nhiên và xuất hiện nhiều vân xanh. Dưa lê khi chín có mùi thơm hấp dẫn con trùng đến phá nên cần phải kê kích quả ngay tu khi quả còn xanh.


Dưa lê siêu ngọt hấp dẫn sau khi thu hoạch

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày, lúc này quả dưa có màu trắng sáng (bạch lê). Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng 25 – 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa lê.

Theo hoinongdan.org.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Viet Nam.

Bệnh hại trên cây dưa hấu

Chết héo cây con

– Tác nhân gây hại: do nấm Rhizoctonia solani
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, vết bệnh có màu nâu đen, bệnh tấn công làm cổ rễ teo tóp lại và thối cổ rễ, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã ngang và chết. Bệnh thường phát sinh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con.
Nấm tồn lại trên tàn dư cây trồng và trong đất trong vài năm, khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ xâm nhập vào gốc cây và gây hại. Điều kiện thời tiết nóng, ẩm độ cao rất thích hợp cho nấm phát triển mạnh.


Bệnh chết héo cây con

– Biện pháp phòng trị:
+ Vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng.
+ Luân canh với các loại cây trồng khác họ
+ Khi phát hiện bệnh, có thể phun các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, HECWIN 5SC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh nứt thân chảy nhựa (bệnh bả trầu)

Bệnh bã trầu

– Tác nhân gây hại: do nấm Mycosphaerella melonis
– Triệu chứng:
+ Trên lá: vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám như bị phun cổ trầu lên lá, bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
+ Trên thân: nhất là nhánh thân, đốm bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, làm khuyết thân hay nhánh nơi bị bệnh. Trên vết bệnh nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh.
+ Trên trái: lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt nẽ. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống trái làm cho trái không phát triển được hoặc bị rụng.
Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển. Bệnh lây lang nhanh, nếu không phòng trị kịp thời có thể làm thất thu.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng
+ Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm
+ Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, khi phát hiện bệnh tiến hành phun ướt đều hai mặt lá bằng các loại thuốc phòng trị sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh đốm phấn

Bệnh đóm phấn

– Tác nhân gây hại: do nấm Pseudoperonospora cubensis
– Triệu chứng:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Ở mặt trên lá, đốm bệnh lúc đầu nhỏ, có màu xanh nhạt, sau đó biến dần sang màu vàng rồi màu nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
Trong điều kiện ẩm ướt, nấm tạo ra lớp phấn màu xám đậm hoặc tím đỏ ở mặt dưới lá nơi có vết bệnh. Lá bị vàng khi có nhiều đốm, các đốm này sẽ liên kết lại tạo thành những vùng cháy màu nâu nhạt và chổ bệnh dễ bị rách. Cây nhiễm nặng có thể chết và cho trái kém giá trị.
Trái ít bị tấn công, nhưng trái sẽ nhỏ và có vị nhạt.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu dọn tàn dư cây trồng đem tiêu hủy
+ Ngắt bỏ các lá bị bệnh
+ Phun ngừa bằng các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh thán thư:

Bệnh thán thư

– Tác nhân gây hại: do nấm Colletotrichum lagenarium
– Triệu chứng:
+ Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, thường xuất hiện ở các lá già bên dưới trước, vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên, xung quanh màu nâu vàng, ở giữa vết bệnh màu nâu đậm hơn và có các đường vòng đồng tâm. Nếu trời ẩm, sẽ thấy lớp mốc màu hồng nơi vết bệnh, vết bệnh khô và rách.
+ Trên thân: vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm, bệnh nặng làm cho thân cháy khô và teo lại.
+ Trên trái: đốm bệnh tròn, úng nước, màu nâu đen đến đen, lõm vào vỏ, giữa vết bệnh nứt ra và cũng có lớp mốc hồng nơi vết bệnh. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành mảng lớn gây thối quả, nhũn nước.
Nấm bệnh lưu tồn trên tàn dư cây bệnh và hạt giống truyền bệnh sang năm sau. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch.

– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Tiêu hủy các tàn dư thực vật từ vụ trước
+ Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm, tăng cường phân kali
+ Phun ướt đều cả 2 mặt lá bằng thuốc đặc trị: ZIFLO 76WG, NOVA 70WP, DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, SUPER ONE 300EC . . .

Bệnh héo vàng

Bệnh héo vàng

– Tác nhân gây hại: do nấm Fusarium oxysporium
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập phá hại gốc cây làm gốc và rễ bị thối đen. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là dây dưa bị héo rũ vào buổi trưa nắng và tươi tỉnh lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Cây héo từng phần xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả cây, làm cây chết. Trước khi héo, cây có triệu chứng sinh trưởng kém, sau đó các lá biến vàng từ gốc trở lên. Khi chẻ dọc phần thân thấy mạch dẫn bên trong bị thâm đen, có sọc nâu chạy dọc theo mạch nhựa.
Nấm tồn tại ở trong đất ở dạng sợi và bào tử. Trong đất nấm sống rất lâu tới vài năm.
– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh
+ Tránh để ruộng dưa bị ngập úng, phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Phun phòng trị bệnh bằng các sản phẩm sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh héo xanh

Bệnh héo xanh

– Tác nhân gây hại: do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra
– Triệu chứng:
Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.
Triệu chứng điển hình nhất là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Ban ngày khi trời nắng cây héo, ban đêm cây xanh lại, sau 2- 3 ngày cây không hồi phục nữa và chết. Cắt ngang gốc thân cây bị bệnh, thấy các mạch dẫn bị nâu đen, ấn mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ thấy chất dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
– Biện pháp phòng trị:
+ Giử cho đất luôn ráo nước, tránh bị ngập úng trong mùa mưa
+ Xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, lưu ý phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh để tránh lây lang
+ Phun ngừa bệnh bằng thuốc CHAMPION 77WP hoặc phun thuốc đặc trị vi khuẩn LOBO 8WP.

Bệnh bướu rễ

Bệnh bướu rễ

– Tác nhân gây hại: do tuyến trùng Meloidogyne sp gây ra
– Triệu chứng:
+ Tuyến trùng sống trong đất, chích vào rễ cây tạo thành các u bướu, sống và phát triển trong đó.
+ Biểu hiện của bệnh bướu rễ là trên rễ xuất hiện các khối u bướu màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thước và hình dạng không cố định tùy theo số lượng tuyến trùng nhiều hay ít. Rễ phát triển kém làm cây cằn cỗi, lá nhỏ, vàng và rụng, bị hại nặng cây có thể chết.
Tuyến trùng phát triển thích hợp trong đất cát hơn trong đất thịt, tuyến trùng có thể sống từ 1- 2 năm trong đất.
– Biện pháp phòng trị:
+ Cày ải phơi đất, xử lý đất thật kỹ trước khi trồng
+ Luân canh với những cây trồng trồng khác họ
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật của vụ trước
+ Nhổ bỏ các cây bị bệnh nặng
+ Sử dụng thuốc trừ tuyến trùng TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sâu hại trên cây dưa hấu

Bọ trĩ


Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, con trưởng thành có màu vàng nhạt hay vàng đậm, cuối bụng thon. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt. Cả con trưởng thành và con non sống tập trung chủ yếu ở đọt non hoặc mặt dưới lá non. Bọ trưởng thành di chuyển nhanh, đẻ trứng trong mô mặt dưới lá.

Bọ trĩ gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái. Bọ trĩ hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại. Mật độ cao làm cây cằn cỗi không phát triển được, đọt dưa chùn lại, lá vàng và khô, hoa rụng, không đậu trái hoặc trái không lớn. Bọ trĩ gây hại nặng làm đọt non sượng, ngóc đầu lên cao, hiện tượng này nông dân gọi là dưa “đầu lân” hay “bắn máy bay”. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa.
Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có tính kháng thuốc cao. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu.

– Biện pháp phòng trừ:
+ Nên trồng luân canh với những loại cây trồng khác (trừ họ bầu, bí, dưa)
+ Sử dụng màng phủ nông nghiệp trồng dưa
+ Bón phân, tưới nước đầy đủ cho dưa sinh trưởng tốt
+ Khi phát hiện có bọ trĩ có thể phun các loại thuốc sau: JUST 050EC, DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, TASODANT 600EC, RAMBO 5SC, . . .
Chú ý nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát vì lúc này bọ trĩ bò ra ngoài nên thuốc dễ dàng tiếp xúc và cho hiệu quả cao, đồng thời cũng nên phun luân phiên các loại thuốc khác nhau để tránh hiện tượng bọ trĩ kháng thuốc.

Bọ dưa

+ Thành trùng có cánh màu vàng nâu, mắt đen, râu dài rất linh động, trứng được đẻ trong đất, gần gốc cây hay trong rơm rạ.
+ Trứng rất nhỏ, màu vàng xanh khi mới đẻ và màu vàng nâu khi sắp nở. Ấu trùng mới nở màu trắng sữa, sau thành màu vàng nâu, đầu màu nâu.
+ Nhộng màu nâu nhạt, được hình thành trong đất, bên ngoài bao phủ bằng một kén tơ rất dày.
Thành trùng hoạt động mạnh vào ban ngày, nhất là khi có nắng lên. Thành trùng cạp lớp biểu bì và phần mô diệp lục mặt trên lá thành một đường vòng, sau đó, phần bị cạp ăn sẽ đứt lìa khỏi lá. Thành trùng thường tấn công cây con khi có hai lá đơn đầu tiên, nếu mật số cao có thể ăn rụi hết lá lẫn đọt non. Cây trồng trong mùa nắng bị thiệt hại nhiều hơn trong mùa mưa.
Ấu trùng sau khi nở ăn rễ cây và đục vào gốc làm cây bị vàng héo, chậm phát triển hoặc chết đột ngột. Các vết ăn phá của ấu trùng trên rễ, gốc cây còn là nơi xâm nhập của vi khuẩn hay nấm làm dây dưa bị chết.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh ruộng dưa sạch sẽ trước khi trồng, tiêu hủy tàn dư của vụ trước.
+ Có thể dùng vợt hoặc bắt bang tay vào sáng sớm nếu mật số thấp.
+ Dùng thuốc sâu dạng rãi như RAMBO 800WG, TASODANT 12G . . . rãi quanh gốc dưa để diệt ấu trùng bọ dưa.
+ Phun thuốc hóa học vào sáng sớm hoặc chiều mát để diệt thành trùng bọ dưa bằng các loại thuốc sau: DIRECTOR 70EC, CHIEF 520WP, TASODANT 600EC, VITASHIELD GOLD 600EC, RAMBO 5SC, SOUTHSHER 10EC, . . .

Rầy mềm

Con trưởng thành có hai dạng:
+ Dạng không cánh: Toàn thân màu xanh đen, xanh thẩm và có phủ sáp, một ít cá thể có dạng màu vàng xanh.
+ Dạng có cánh: Đầu và ngực màu nâu đen, bụng màu vàng nhạt, xanh nhạt, có khi xanh đậm, phiến lưng ngực trước màu đen. Mắt kép to. Ống bụng đen.

Cả ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, chồi hút nhựa của cây làm lá bị quăn queo và phân tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái. Trong giai đoạn có hoa nếu bị rầy tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng, nhất là vào thời kỳ cho trái non, gây hiện tượng rụng trái hay trái bị méo mó.
Ngoài ra, rầy còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây. Sau cùng làm cây bị mất sức, lùn và chết.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Thu gom và tiêu hủy các phần bị rầy mềm gây hại
+ Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện rầy mềm gây hại có thể phun các loại thuốc sau: JUST 050EC,
DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, TASODANT 600EC, VITASHIELD GOLD 600EC, SOUTHSHER 10EC, RAMBO 5SC

Nhện đỏ

+ Thành trùng hình bầu dục, thành trùng đực có kích thước nhỏ, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình. Nhện có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây.
+ Trứng rất nhỏ, hình cầu, bóng láng và được gắn chặt vào mặt dưới của lá, thường là ở những nơi có tơ do nhện tạo ra trong khi di chuyển.

Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nếu mật số nhện ít không cần phun thuốc vì có rất nhiều loài thiên địch ngoài tự nhiên có thể tiêu diệt nhện đỏ như loài Bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, Bọ rùa Stethorus sp, Bọ xít nhỏ Orius tristicolor và Chysoperla carnea.
+ Khi phát hiện nhện gây hại nên dùng thuốc đặc trị nhện để phun như: MAY 050SC, DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, VITASHIELD GOLD 600EC. . . nên phun ướt đều 2 mặt lá và sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng nhện kháng thuốc.

Sâu ăn tạp

+ Bướm cánh trước màu nâu vàng, giữa cánh có vân trắng, cánh sau màu trắng óng ánh. Trứng có hình bán cầu, trứng mới nở có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro đậm.
+ Ấu trùng:  nhỏ có màu xanh lục, càng lớn sâu chuyển dần thành màu nâu đậm. Trên cơ thể có một sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám của bụng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng nên sâu ăn tạp còn được gọi là “sâu khoang”.
+ Nhộng:  có màu xanh đọt chuối, rất mềm ngay khi mới được hình thành, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, thân cứng dần và có màu nâu đỏ. Khi sắp vũ hoá, nhộng có màu nâu đen, các đốt cuối của nhộng có thể cử động được.

– Điều kiện phát sinh, gây hại:
Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.
Sâu tuổi 1- 2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu ăn phá mạnh cắn thủng lá và gân lá. Ở tuổi lớn khi thiếu thức ăn, sâu còn tập quán ăn thịt lẫn nhau và không những ăn phá lá cây mà còn ăn trụi cả thân, cành, trái non. Khi làm nhộng, sâu chui xuống đất làm thành một khoang và nằm yên trong đó hoá nhộng.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Cày xới phơi đất hay cho đất ngập nước và xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc rãi như: RAMBO 800WG, TASODANT 12G. . .để diệt nhộng và sâu non trong đất.
+ Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa
+ Phun trừ sâu bằng các loại thuốc sau: DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, SOUTHSHER 10EC, RAMBO 5SC, . . .

Sâu xanh ăn lá

+ Bướm nhỏ, màu nâu, khi đậu có hình tam giác, cánh trước màu trắng bạc, hoạt động vào ban đêm và đẻ trứng rời rạc trên cả 2 mặt lá, nhất là các đọt non và trái non.
+ Trứng rất nhỏ, màu trắng đục, trước khi nở chuyển thành màu trắng hơi ngả vàng.
+ Sâu nhỏ, màu xanh lục, có 2 sọc trắng chạy dọc cơ thể rất rõ.
+ Nhộng màu nâu nhạt khi mới hình thành, vài ngày sau chuyển thành màu nâu đen. Thời gian nhộng từ 6 – 7 ngày.

Sâu có tập quán là dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá hoặc cạp vỏ trái non làm cho trái bị thối và rụng. Khi sâu lớn có thể cắn trụi cả lá và chồi ngọn của đọt non. Khi trái lớn sâu thường ẩn ở mặt dưới, nơi phần trái chạm mặt đất và cạp lớp da bên ngoài làm trái bị lép nơi đó và da trái bị loang lổ. Sâu làm nhộng trong các lá non cuốn lại.
– Biện pháp phòng trừ:
Phun trừ sâu bằng các loại thuốc: DIRECTOR 70EC, SILSAU 5.5EC, SILSAU SUPER 3EC, CHIEF 520WP, VITASHIELD GOLD 600EC, RAMBO 5SC, SOUTHSHER 10EC . . .

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam