Kỹ thuật trồng dưa hấu

Dưa hấu là một trong những cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, từ trồng đến thu quả dao động từ 60 đến 75 ngày. Năng suất cao, trung bình 1 sào Bắc bộ đạt từ 1,0 đến 1,2 tấn  quả, thu nhập từ 2,5 đến 3,0 triệu đồng. Vì vậy có thể nói dưa hấu là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng cánh đồng 50 – 100 triệu đồng/ha.

CHỌN ĐẤT

Đất trồng dưa hấu cần cao ráo, bằng phẳng, tưới và tiêu thoát nước dễ dàng, pH = 6-7.

Đất trồng dưa phải được luân canh với lúa hoặc cây trồng khác. Không nên trồng trên những ruộng vừa được trồng cây họ bầu bí.

CHỌN GIỐNG

Trong sản xuất chủ yếu trồng các  giống dưa hấu lai F1 nhập nội từ Mỹ, Thái Lan, Đài Loan…và Việt nam, các giống này có ưu điểm sinh trưởng khỏe, kháng được một số sâu bệnh nguy hiểm, năng suất, chất lượng sản phẩm tốt như giống Siêu Nhân, Hoa sen (VL 64 ,VL 68), Trang Nông (TN010, TN012, TN308…), Simeli (S&G 221, SS 1900, S&G 227…), Long Hoàng Gia, Kim Cô Lương….

THỜI VỤ GIEO TRỒNG

Miền Bắc có các vụ trồng chủ yếu:

  • Vụ Xuân: trồng đầu tháng 2 thu hoạch vào cuối tháng 4 (80-85 ngày)
  • Vụ Hè trồng từ đầu tháng 4 thu hoạch cuối tháng 5 (55-60ngày).
  • Vụ Hè – Thu trồng từ đầu tháng 6 thu hoạch cuối tháng 7 (55-60ngày).
  • Vụ Thu -Đông trồng từ đầu tháng 8 thu hoạch cuối tháng 9 (55-60ngày).
  • Có thể trồng Vụ Đông từ đầu tháng 10 thu hoạch cuối tháng 11 (nếu thời tiết ấm)

KỸ THUẬT TRỒNG

1. Chuẩn bị hạt giống và cây con

Để trồng 1 sào Bắc bộ ( 360 m2 ) cần 20 gam hạt giống (1 vỉ hạt giống 20g ).

Xử lý hạt giống: Trước khi ngâm hạt giống cần phơi lại dưới nắng nhẹ 2 – 3 giờ sau đó ngâm hạt trong nước ấm 40ºC từ 10 đến 12 giờ tuỳ theo thời vụ. Vớt ra rửa sạch, để ráo nước. Bọc hạt trong khăn sạch ẩm rồi cho vào túi nilon cột chặt miệng ủ ấm ở nhiệt độ 28 – 30o C trong vòng 30 – 36 giờ. Kiểm tra thấy hạt nứt nanh (nhú mầm trắng) đem gieo ngay.

Gieo hạt: Nên gieo hạt đã nảy mầm vào bầu bằng lá chuối  hoặc bầu nilon 5cm x10 cm.(bầu nilon phải đục lỗ xung quanh và dưới đáy để thoát nước). Hỗn hợp đất làm bầu gồm: 2/3 đất tơi xốp không có mầm bệnh, 1/3 phân chuồng hoai mục và 10 kg lân vi sinh/m3 hỗn hợp. Cần 360-400 bầu để trồng cho một sào (360 m2).

Trước khi gieo tưới ướt bầu. Đặt mầm rễ xuống dưới sâu khoảng 1 cm, phủ đất bột cho kín hạt. Trong 3 -4 ngày đầu tưới nước giữ ẩm (phun bằng bình phun thuốc trừ sâu 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát; các ngày sau có thể dùng ô doa để tưới).  Khi cây có 1-2 lá thật (12-15 ngày tuổi với vụ xuân và  5-7 ngày tuổi các vụ khác) đem trồng ra ruộng.

2.  Bón phân, lên luống, trải màng phủ nông nghiệp

Lên luống và trải màng phủ nông nghiệp

Chọn đất thịt nhẹ, cát pha chủ động nước, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Lên luống cao 30 – 40 cm, rộng 2,5 – 2,8 m. Trồng cây phía mép trong 2 luống liền kề, mép ngoài 2 luống  là rãnh tiêu thoát nước . Cây cách cây 35 – 40 cm. Mỗi sào Bắc bộ trồng 380 – 420 cây.
Sau khi lên luống và bón lót tiến hành phủ vải nhựa, mặt bạc hướng lên trên, mặt đen xuống dưới, dùng đất lấp lên 2 mép để tránh bị gió lật. Trước khi trồng đục lỗ theo khoảng cách cây, đường kính lỗ khoảng 10cm.

Phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2): Kỹ thuật bón phân (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360m2)

Sử dụng phân bón thâm canh:  3-5 tạ phân chuồng + 30 kg phân lân + 25 kg phân lân vi sinh sông giang + 14,0 kg đạm ure + 12 kg kali. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng + 100% phân lân + 10 kg đạm + 9 kg kali
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái 2,0 kg đạm + 3,0 kg kali

Sử dụng phân bón tổng hợp NPK 12:8:13 con cò (Việt-Pháp):  3-5 tạ phân chuồng + 15-20 kg phân lân vi sinh sông giang + 30-32kg phân NPK Con cò. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng và phân lân vi sinh sông giang + 30 kg phân NPK Con cò 13:8:12
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái  2kg urê + 3,0 kg kali

Chú ý:

Bón lót phân chuồng hoai mục và phân con cò phải được bón sâu 5 – 7 cm trước khi tiến hành trải màng phủ nông nghiệp.
Không tưới trực tiếp vào  thân và lá của cây, để tránh chết sót cây non và xém thân lá.

3.  Chế độ tưới nước cho dưa

Dưa hấu là cây chịu được hạn, rất sợ úng,  tuy nhiên dưa hấu cần nhiều nước là lúc cây bắt đầu lan dây, ngả ngọn và cần nhiều hơn khi cây ra hoa đậu quả. Đặc biệt là thời kỳ nuôi quả. Khi dưa nuôi quả không được để thiếu nước.

Khi tưới cần lưu ý, lúc ruộng ngấm đủ nước cần tháo ngay. Không được ngâm nước thường xuyên trong ruộng quá cao dễ bị mắc bệnh. Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày phải dừng tưới nước để nâng cao chất lượng và vận chuyển dễ dàng.

4.  Tỉa nhánh, sửa dây, bấm ngọn

Khi cây có 5 – 6 lá thật tiến hành bấm ngọn, tạo 2  cành cấp 1 sát gốc, khi dưa bò từ trên 0,6m thì tiến dùng dây dưa để đè dây dưa khỏi bị gió lật dây. Khi dưa ngả ngọn để dưa bò theo chiều ngang của luống.

5.  Chọn nụ, thụ phấn, tuyển quả

Thụ phấn và bấm ngọn:

Khi dưa hấu được 4-5 lá phải tiến hành bấm ngọn, sau đó chỉ để hai cành cấp 1 khoẻ đối xứng hai bên, còn các cành khác phải ngắt bỏ.

Khi bắt đầu ra hoa cái, loại bỏ hết hoa cái số 1 và số 2 chỉ lấy hoa cái số 3 trở ra (cách gốc 1,5m trở lên); mỗi dây lấy 1 quả, sau khi quả đậu, phải loại bỏ hết các hoa cái khác trên dây và bấm ngọn ngay. Thời tiết nắng ấm vào buổi sáng từ 7h-9h là điều kiện tốt nhất để tiến hành thụ phấn; nếu buổi sáng thời tiết không tốt thì có thể thụ vào buổi chiều có nắng.

Mỗi cây phải thụ ít nhất từ hai quả trở nên; trên 1 dây hoặc trên hai dây/gốc có hai hoa cái ra cùng một lúc và cùng số thì phải thụ cả hai.

Định quả và loại bỏ quả:

Sau khi quả đậu to bằng ngón chân cái thì phải tiến hành định quả ngay. Loại bỏ những quả ngắn, tròn, méo, vẹo, dị dạng. Chỉ lấy những quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp.

Trên 1 gốc: Về nguyên tắc chỉ lấy 1 quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp. Tuy nhiên có thể lấy hai quả trên gốc (mỗi dây 1 quả) khi hai dây có hai quả cùng số (ở cùng vị trí trên thân) và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi cây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Trên 1 dây, nếu có 2 quả (Q2 và Q3) thì ưu tiên lấy quả 3 nếu hai quả đẹp hoặc xấu gần bằng nhau; Trên dây có hai quả cùng số và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi dây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Nếu trên 1 dây có 2 quả (Q1 và Q2 hoặc Q2 và Q3), nếu Q1 đẹp thì loại bỏ Q2; nếu Q1 và Q2 (xấu, đẹp) gần tương đương nhau thì lấy Q2.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu hại

Sâu vẽ bùa : Thường xuất hiện gây hại trên lá, nhất là vào Vụ xuân, dùng Mã Lực (TQ) hoặc Song mã nồng độ 0,15 – 0,2% để phun ngay sau khi xuất hiện.
Sâu xám, sâu khoang, sâu ăn lá và các loại sâu khác (kể cả bọ xít, rày, rệp…) dùng thuốc Actara 5S hoặc Tiper Anpha 5SC 0,20-0,25% (20-30ml/bình 10 lít) + Dipterec 0,25% (25 gam/bình 10 lít).

Rệp, sau ăn lá, ruồi đục quả: dùng Marshel 200SC 0,2% Sherpa (0,2-0,3%); trừ bọ phấn dùng Butyl  + Conphai phun 0,1% -0,15%.

Bệnh hại dưa

Bệnh đốm lá gốc và nứt thân chảy mủ: Bệnh dễ lây lan khi bón nhiều phân đạm và sau những trận mưa. Phòng trị: Dùng Derosal, Scor,  Aliett 80 WP, Tilsuper 300DD.

Bệnh thối rễ héo dây: Dưa héo vào buổi trưa, tươi lại vào buổi sáng và chiều tối . Sau 5 – 7 ngày dưa chết, khi tách phía gốc thân ra thấy mạch dẫn bị đen. Phòng trị: Dùng Kasumin 1 gói + 1 gói lục phong pha cho 1 bình (mỗi sào cần 2 bình).

Bệnh Mốc sương: Phòng trừ tốt nhất bằng thuốc Ridomil MZ 72WP, Dithane M-45 80WP  Một sào phun 2 bình (25-30g thuốc/10 lít), vào lúc trời nắng ráo, phun đều trên 2 mặt lá

Bênh đốm lá, quả, thán thư..: dùng Bellkute 40EC phun với nồng độ 0,1%; Ridomil MZ 72WP phun nồng độ 0,25%; hoặc Dithane M-45 80WP  0,25%, phun 2 lần khi đậu quả, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Sau khi định quả xong nếu thời tiết không thuận (mưa nhiều) thì dùng Rampart (8 gam/bình 10lít)hoặc Validacin 0,3% phun để hạn chế bệnh phun để hạn chế đốm và thối quả (nếu thân lá quá tốt và làm cây cằn lại).

Chú ý: Phòng bệnh cho dưa tốt nhất là dùng nhiều phân chuồng hoai mục, tưới nước hợp lý không để độ ẩm quá cao trong ruộng. Nếu bón phân đơn thì hạn chế dùng đạm.

THU HOẠCH

 Sau khi đậu quả khoảng 28-30 ngày với vụ xuân và 24-25 ngày đối với vụ hè, thu-đông và vụ đông, khi quả dưa hấu đã to và chuyển màu là có thể thu hoạch được.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Kỹ thuật trồng cây dưa hấu không hạt cho lợi nhuận cao

Dưa hấu (tên khoa học: Citrullus lanatus) là một loài thực vật trong họ bầu bí (Cucurbitaceae), một loại trái cây có vỏ cứng, chứa nhiều nước, có nguồn gốc từ miền nam châu phi và là loại quả phổ biến nhất trong họ bầu bí. Dưa hấu có tính hàn có thể dùng làm thức ăn giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực.

Kỹ thuật trồng.

Dưa hấu là loại cây thân mềm, leo giàn hoặc bò dưới đất. Do đó, người trồng không nên áp dụng phương pháp triết hay dâm cành, nên gieo hạt thì năng suất hơn. Với những vùng có khí hậu ấm áp, người trồng có thể gieo trực tiếp hạt giống ở ngoài trời nhưng cần phải đợi cho tới khí nhiệt độ ngoài trời khoảng 70-90 độ.
Còn nếu vùng có khí hậu sương lạnh, người trồng cần đợi sương giá qua đi, mới cho gieo trồng. Nếu miền nhiệt độ mát, hạt giống cần được bảo quản trong nhà khoảng một tháng trước khi cấy ghép hay gieo trồng. Tiếp nữa, trước khi gieo hạt, người trồng cần thực hiện các kỹ thuật canh tác đất như phơi đất, ủ phân….Dưa hấu thích hợp với độ pH có trong đất từ 6 tới 6.8.

Đất trồng.

Cây dưa hấu không hạt rất thích với những nơi có đất sét, đặc biệt có hệ thống thoát nước tốt. Thêm nữa, người trồng dưa nên gieo hạt theo hàng và đặt khoảng cách giữa các hạt là 183cm.

Chăm sóc.

Để cây dưa hấu không hạt phát triển tốt, người trồng cần phủ rơm xung quang lên cây. Bởi cách này không những giúp giữ được độ ẩm cho đất, cản trở sự phát triển của cỏ dại vừa giúp trái cây phát triển quả sạch.
Thêm nữa, người trồng nên tưới nước thường xuyên và đều đặn cho cây từ lúc bắt đầu hình thành. Đặc biệt, khi dưa đang tong thời kỳ phát triển mạnh, chúng cần từ 0,01-0,03 lít nước mỗi tuần. Tuy nhiên, người trồng cần nhớ rằng, không để cây bị úng nước. Hơn nữa, nên tưới nước vào buổi sáng, không tưới từ trên cao xuống, tránh làm ướt lá dưa. Dưa ngọt nhất là khi thời tiết khô.
Nếu người trồng muốn cây phát triển nhanh và tốt, hãy bón phân nito nhiều hơn là phân kali, phốt pho. Sau khi cây bắt đầu ra hoa, hãy sử dụng một lượng phân bón nhất định nhưng có ít đạm.

Kỹ thuật trồng cây dưa hấu không giống như cây hồng không hạt, chúng cần được tỉa nhiều. Thế nhưng, dưa hấu lại ngược lại, chúng không cần cắt tỉa nhiều, nhưng người trồng vẫn phải cắt và bỏ lá ở phần gốc chính. Khi cây còn nhỏ thì chỉ cần cắt tỉa lá ở cuối để cây hấp thụ năng lượng ánh sáng tốt nhất. Khi cây trưởng thành, có quả, người trồng có thể cắt bớt một số loại hoa để năng lượng tập trung vào phát triển quả đạt năng suất hơn.
Khi màu quả chín tới, để ngăn hiện tượng thối diễn ra, người trồng nên nhẹ nhàng nhấc quả đặt nên rơm hay chỗ đất khô để quả cho năng suất hơn.

Thu hoạch.

Dưa hấu không hạt sẽ chín trong 2 tuần, do đó việc thu hoạch như thế nào để quả luôn được tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng là rất quan trọng.
Lấy tay đập vào quả dưa hấu, nếu có âm thanh rỗng, chúng sẽ chưa chín. Tiếp đến, nhìn màu sắc trên đỉnh quả dưa, nếu dưa chín thì màu của nó ít tương phản với các đường gân trên quả. Ngoài ra, người trồng có thể nhìn vào màu sắc ở dưới đáy quả, nếu dưa chín thì đáy có màu vàng, còn chưa chính sẽ có màu trắng, nhợt.

Nguồn: Baomoi.com, Biên soạn lại bởi Farmtech Viet Nam.

 

Hướng dẫn trồng dưa gang

Khái niệm dưa gang

Dưa gang được trồng phổ biến ở Việt Nam tên khoa học là Cucumis melo L. thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Quả dưa gang có hình trụ với nhiều sọc dọc, màu xanh lục hoặc màu vàng, thịt trái khi còn sống thì cứng giòn, khi chín thì mềm bở có vị nhạt. Quả dưa non làm rau ăn sống, làm gỏi, nấu canh, muối, ngâm giấm, ép lấy nước; dưa chín ăn với đường đá rất mát.

Theo Đông y, dưa gang còn gọi là hoàng qua, sinh qua, bạch qua, việt qua, tiêu qua… Dưa gang có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải khát, thông khí, lợi tiểu. Trong những ngày hè, ăn dưa có thể phòng ngừa được cảm nắng, lợi tiểu.

Dưa gang loại trái dài

Cách trồng dưa gang

Dưa gang rất dễ trồng và có thể trồng được quanh năm, có thể tận dụng các loại xô chậu, thùng xốp để trồng dưa gang tại nhà hoặc trồng dưa gang với diện tích lớn cho năng suất cao thu lợi nhuận kinh tế rất tốt. Mỗi chậu trồng 1 – 2 cây là phù hợp, lưu ý phải đục những lỗ thủng ở đáy thùng để thoát nước, tránh dưa bị thối rễ.

Dưa gang thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo và đầy đủ ánh sáng. Nếu trồng dưa gang ở điều kiện thời tiết mưa ẩm thì dưa gang sẽ sinh trưởng kém và bị chết rét.

Trồng dưa gang đơn giản tại nhà

Đất trồng dưa gang cần tơi xốp, giàu dinh dưỡng và nhiều phân lân. Chúng ta có thể gieo trực tiếp vào đất trong chậu hoặc ươm giống vào các loại chén nhỏ, sau 7 -10 ngày sẽ chuyển cây con vào chậu trồng.

Bước 1: Ngâm và gieo hạt giống dưa gang

Trước tiên phải chọn hạt giống tốt, sau đó, ngâm hạt giống trong nước ấm 4 – 5 tiếng, sau đó mang hạt ủ vào khăn ẩm trong vòng 1 ngày để hạt nứt nhanh.

Bước 2: Gieo hạt dưa gang

Cho hạt đã ngâm vào bầu ươm rồi phủ một lớp đất mỏng lên, để ở chỗ râm mát và tưới nước giữ ẩm cho hạt. Đất ươm hạt nên dùng đất trộn phân trùn hoặc phân chuồng để có đủ dinh dưỡng cho cây con khỏe mạnh.

Sau 2 ngày ươm giống, cây bắt đầu nảy mầm, cần tưới nước với lượng vừa đủ để cây phát triển. Sau khoảng 8 – 10 ngày thì cây bắt đầu cho 2 – 3 lá thật.

Bước 3: Trồng cây con

Khi cây con được 4 tuần cho ra 2 -3 lá chính thì bắt đầu đánh ra chậu trồng. Nếu trồng trên ruộng thì có thể trồng giàn hoặc trồng bò, tùy theo điều kiện đất trồng. Tuy nhiên dưa gang thuộc họ thân bò nhiều hơn bám giàn vì vậy mà nếu trồng ở ruộng thì nên để cây bò thì hiệu quả hơn và cũng tiết kiệm chi phí hơn. Lên luống rộng 1,5 – 2m, cao 25 – 30cm, rãnh rộng 30 – 35cm. Dưa gang có thể được trồng theo rạch, cây cách cây 50 – 70cm và hàng cách hàng 1 – 2m.
Tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ cây dưa gang con ra, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn, vùi kín bầu cây dưới đất, đôn cho chặt gốc. Phủ rơm rạ, gỗ mùn, cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây trong thời gian đầu..

Nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt. Khi trồng cây con xong cần tưới nước mỗi ngày 2 lần và che phủ tạo bóng râm trong 1 tuần đầu để cây con hồi sức.

Chăm sóc dưa gang

Trồng dưa gang phải tưới nước cho cây mỗi ngày, ở giai đoạn dưa ra hoa và nuôi trái cây cần nước nhiều hơn. Tuy nhiên thời điểm khi trái dưa gang lớn đến thời điểm chín thì nên hạn chế tưới nước, vì nếu tưới quá nhiều nước trong giai đoạn này vừa tốn kém chi phí lại dễ làm dưa bị thối, chất lượng dưa không ngon.

Khi cây dưa bò được 20 – 30 cm, nên lấp thêm đất vào gốc để rễ cây hấp thụ nhanh các chất dinh dưỡng. Nếu trồng dưa gang ở thùng xốp thì cần làm giá đỡ cho cây dưa bám vào và leo lên. Dây leo đến đâu nên buộc cố định để giữ cây không bị lung lay.


Dưa gang bội thu khi được chăm sóc tốt

Khoảng 15 ngày sau trồng cần tiến hành bón gốc cho cây bằng phân chuồng ủ hoại, tốt nhất là phân bò. Tiếp tục bón thêm 2 lần phân cách nhau 20 ngày từ lần bón trước.

Dưa gang không ưa bón nhiều phân hóa học nên nếu bón quá nhiều phân hóa học thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quả dưa gang.

Để dưa ra được trái cần phải canh thời gian bấm ngọn hợp lý, giúp cho dưa có khả năng phân nhánh nhiều, theo đó cũng cho trái nhiều hơn. Khoảng 15 ngày sau khi trồng nên bấm ngọn lần đầu tiên và sử dụng phân urê với liều lượng thấp để kích thích dưa phát triển nhánh. Việc phòng trừ sâu bệnh cũng cần lưu ý thực hiện định kỳ.

Chú ý thời gian quả đã đậu nếu có quá nhiều hoa đậu quả thì có thể ngắt bỏ bớt chỉ để cây ra 3 – 5 quả để cây tập trung nuôi quả. Cần sử dụng rơm rạ để phủ quanh gốc cây và tỉa thưa bớt lá.

Thu hoạch dưa gang

Từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch khoảng 2 tháng, mỗi trái dưa gang khi chín có cân nặng từ 0,5 – 1,5kg

Dưa gang sau khi thu hoạch

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Phương pháp trồng dưa lưới trong thùng xốp, thích hợp cho nhà có không gian nhỏ.

Cây dưa lưới thuộc họ bầu bí (tên tiếng Anh là Muskmelon hoặc Cantaloupe, tên khoa học là Cucumis melo L.) là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao.
Dưa lưới là loại trái cây có chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất ngon và được rất nhiều người yêu thích. Tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch là lúc thời tiết thích hợp để bắt đầu trồng dưa lưới. Dưa lưới thuộc nhóm dưa lê thơm, có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh thường có thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch 85 – 90 ngày.

Đất trồng.

Đất pha cát hoặc đất phù sa, nếu không có 2 loại trên thì có thể lấy xỉ than, ngâm nước trong vòng 1 ngày 1 đêm. Cứ khoảng vài tiếng,thay nước một lần rồi sau vớt ra để ráo rồi đập vụn, trộn với đất và trấu (trấu hun hoặc trấu tươi). Bạn trộn theo tỉ lệ 40% đất, 40% xỉ than, và 30% trấu. Đất trồng là đất phù sa, có bón lót một ít lân.

Thùng xốp.

Những vỏ chai nước suối nằm dưới đáy thùng đậy lắp kín và đục lỗ sẽ có nhiệm vụ chứa nước để cây hút nước suốt cả ngày trong nhũng hôm trời nắng nóng 37-40 độ, giúp cây không bị héo rũ vì nắng. Ba chai nước suối đục lỗ đưa cổ chai ra ngoài thành thùng xốp, cách đáy 10cm và mở nắp. Ba chai này có nhiệm vụ thông khí và thoát nước khi tưới quá nhiều nước và những hôm trời mưa to.

Cách làm này khiến lỗ thoát nước to. Hơn nữa, bụng chai nước suối rất to, khiến cho không khí vào ra dễ dàng – nhờ đó cung cấp khí Oxy dồi dào cho rễ và thải CO2 ra ngoài dễ dàng.

Gieo hạt.

Hạt dưa lấy về rửa sạch, bóc bỏ hết lớp màng nhớt bên ngoài. Sau đó, ngâm hạt vào nước vài tiếng, rồi ủ khăn ẩm để kích hạt nhanh nảy mầm. Khi hạt bắt đầu nứt nanh thì đem ươm vào hốc. Sau khoảng 10 ngày, khi cây lên được 2-3 lá thì trồng ra thùng xốp đã chuẩn bị trước.

Chăm sóc.

Khi cây được 2 lá thật thì bắt đầu bón phân đạm. Cứ 1/2 chén đạm (bé bằng chén trà) thì pha 7-8 lít nước rồi tưới cách ngày cho cây nhanh lớn, ra lá nhiều.

Khi cây đã bắt đầu trổ nhiều lá và ra nụ non (cao khoảng 25-30cm) thì pha nửa chén trà mạn gồm lân, đạm và kali theo tỉ lệ 3:1:2, pha với 8-10 lít nước rồi tưới cách ngày cho dưa. Dưa sẽ đủ dưỡng chất để thúc ra hoa, đậu quả. Khi quả non bắt đầu nhú thì tăng lượng phân lên 2/3 chén để tưới cây.

Nếu không có ong, bướm thì bạn phải tự thụ phấn cho cây. Bạn nên thụ phấn cho cây vào buổi sáng, tầm 7-8 giờ. Sau khi thụ phấn, bạn cần buộc túi để để phòng ong châm, hỏng quá trình thụ phấn.

Khi cây đã đậu quả thì bắt đầu ngắt hết những nhánh phụ của cây. Thông thường, một cây dưa chỉ để 25 lá để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Nguồn: Eva.vn, Biên soạn lại bởi Farmtech Viet Nam.

Dưa hấu tí hon có màu lạ vỏ đỏ sọc trắng

Khác với loại “dưa hấu chuột” vỏ xanh quen thuộc có vị chua, dưa hấu vỏ đỏ có quả tròn truyền thống, vị ngọt dịu và vỏ màu đỏ sọc trắng.

Dưa hấu tí hon vỏ đỏ có xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện được một cửa hàng cây cảnh online rao bán, với mức giá 20.000 đồng một cây. Khác với loại “dưa hấu chuột” vỏ xanh quen thuộc có vị chua, dưa hấu vỏ đỏ có quả tròn truyền thống, vị ngọt dịu và vỏ màu đỏ sọc trắng.

Theo chủ cửa hàng này, dưa hấu tí hon vỏ đỏ sinh trưởng trong điều kiện thường và khá phù hợp với thời tiết Việt Nam. Đây là loại cây leo thành giàn, thân mảnh, cho trái quanh năm. Do cây ưa nắng nên được khuyến cáo trồng vào cuối vụ xuân. Loại dưa này có thể sống được với thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam. Sau khi gieo hạt, 45-60 ngày sau cây sẽ ra hoa, và mất thêm 1 tháng để quả chín.

 

Loại dưa hấu tí hon mới đang được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt có vỏ màu đỏ sọc trắng.

Quả non của loại dưa này có màu xanh như dưa hấu tròn truyền thống, sau đó sẽ chuyển màu đỏ khi chín. Mỗi vụ, một cây trưởng thành cho khoảng 15-20 quả, có thể ra nhiều vụ một năm. Ngoài dùng ăn sống trong món salad, dưa hấu vỏ đỏ tí hon có thể dùng làm cảnh, do quả tươi lâu và cây có thể sống được tới 9 tháng.

Chủ cửa hàng cho biết, đây là giống cây mới và độc quyền. “Hiện nhà vườn đang trồng thử nghiệm và nhân giống đại trà. Những khách hàng đầu tiên có thể phải chờ thêm một tháng nữa mới có thể nhận cây con. Mức giá dự kiến là 20.000 đồng một cây, chưa tính phí chuyên chở và giao hàng”.

Trước đó, những loại dưa hấu tí hon vỏ xanh hoặc vàng cũng được nhiều khách hàng tại Việt Nam ưa chuộng. Quen thuộc nhất là “dưa hấu chuột” có hình dáng dài, vỏ xanh, vị chua, giá bán lên tới 1,3 triệu đồng/kg quả. Còn loại dưa hấu vỏ vàng giống Nam Mỹ (lớn bằng quả dưa lê, ruột vàng, không hạt) vị ngọt đậm được bán với giá 20.000 đồng một hạt giống.

Nguồn: Zing được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về dưa lưới

Dưa lưới là gì?

Cây dưa lưới thuộc họ bầu bí (tên tiếng Anh là Muskmelon hoặc Cantaloupe; tên khoa học là Cucumis melo L.) là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao.

Được biết tới là loại thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe con người, dưa lưới có nguồn chứa chất chống ôxy hóa dạng polyphenol giúp phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch.

Dưa lưới chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón. Đây còn là nguồn phong phú β-carotene, acid folic, kali và vitamin C, A.

Dưa lưới 

Dưa lưới chủ yếu được trồng trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ bán thủy canh, cho năng suất cao. Hiện nay có nhiều giống dưa lưới khác nhau trên thị trường, có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản…

Tùy các loại giống khác nhau, trái có hình tròn hoặc hình bầu dục, thời gian sinh trưởng 65 – 90 ngày, trong điều kiện nhà màng có thể trồng được  3 – 4 vụ/năm.

Với giá trị kinh tế tương đối cao so với các cây trồng khác, doanh thu 1ha dưa lưới có thể đạt 3 – 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 25% – 30%.

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao

Hiện nay, cây dưa lưới được trồng chủ yếu trong nhà màng, được trồng nhiều ở TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang…;ngoài ra cũng có thể trồng dưa lưới ngoài đồng ruộng.

Dưa lưới ở đây được trồng trong các nhà màng, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà tứ bề có lưới ngăn côn trùng, mái thưa bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Cây dưa được trồng trong các giá thể (bầu) lớn, và được lót bạt cao su nên cây không trực tiếp tiếp đất.

Dưa lưới nhà màng

Dưa lưới được trồng bằng hệ thống tưới nước nhỏ dọt, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. Việc bón phân gồm các chủng loại phân, liều dùng, được pha vào hệ thống nước, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây phát triển tốt nhất.

Dưa lưới sạch được chăm sóc cẩn thận

Vậy nên, tuy mới xuất hiện không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người tin dùng vì chất lượng ăn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao, hơn nữa dưa lưới yêu cầu kỹ thuật canh tác khá cao nên hiện tại đang được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và Gapglobal vì vậy hoàn toàn đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Giá trị dinh dưỡng

Theo các nhà nghiên cứu Pháp, dùng nước ép dưa lưới mỗi ngày có thể giúp chúng ta chống lại mệt mỏi và stress một cách có hiệu quả. Được lớp vỏ dày bảo vệ nên trái luôn mọng nước (88%), hàm lượng potassium (300 mg/100g) đáng kể nên dưa lưới có tính năng thanh lọc, lợi niệu, chất xơ (1g/100g) giúp nhuận trường.

Theo kết quả phân tích định lượng các chất khoáng và vitamin thì cứ 100g dưa lưới có chứa: Acid Folic (21 μg), Nianci (0.734 mg), beta-carotene (2020 μg), Magiê (12 mg), sắt (0,21 mg), canxi (9mg), Vitamin C (36,7 mg), vitamin A (169 μg), năng lượng (34 kcal)
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn nhiều dưa lưới vì chúng được xem là một trong những loại thực phẩm có khả năng đánh bại căn bệnh ung thư ruột và những khối u ác tính.

Một lưu ý nhỏ: người bệnh cảm sốt hoặc mới chớm khỏi bệnh, phụ nữ vừa sinh con trong tháng, tạng hàn thì không nên dùng dưa lưới.

Cách chọn dưa lưới chất lượng

Chọn trái nặng tay, là dấu hiệu dưa ngọt. Cuống bị rụng mất hay nứt ra là dưa vừa mới chín tới. Dưa lưới là loại trái vẫn tiếp tục chín sau khi hái nên sau khi hái từ vườn về, bạn nên để 1 đến 2 ngày cho cuống dưa héo đi mới bổ ra ăn. Bạn sẽ cảm nhận được rõ nét nhất vị ngọt và thơm của giống dưa này.

Dưa lưới có thịt ngon

Trái dưa lưới được trồng bằng công nghệ nhà màng thông thường để được thời gian tương đối dài, từ 7 đến 10 ngày, trong môi trường tự nhiên mà không lo hư hỏng.

Nguồn fruitvietnam.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Viet Nam.

Kỳ lạ giống dưa hấu ‘bạch tuộc’ cho ra 131 quả chỉ trong 90 ngày

Đây là cây dưa hấu “mắn” nhất trên thế giới và được ghi vào kỉ lục Guiness.

Một cây dưa hấu bình thường cho ra từ 1 đến 4 quả một vụ, nhưng mới đây các nhà khoa học nông nghiệp làm việc tại đơn vị giống cây trồng ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đã lai tạo thành công một cây dưa hấu rất “mắn”, có khả năng cho trới 131 quả chỉ trong 90 ngày.

Thông thường, các cây dưa hấu khác có cho đến 10 trái/cây thì sau cùng cũng chỉ có vài trái khỏe nhất sống sót đến cuối cùng, còn lại đều khô héo dần và chết. Thế nhưng, nhà khoa học Zhenzhou và các cộng sự của ông đã trồng cây dưa hấu sai quả nhất mà không quả nào bị hỏng. Đây là cây dưa hấu đầu tiên trên thế giới cho số lượng quả nhiều đến vậy, và đương nhiên nó được ghi danh vào sách Kỷ lục Guiness thế giới.

Không những cho năng suất cao, cây dưa hấu này còn phát triển nhanh chóng mặt. Nó được trồng trong một vườn ươm rộng 100m2 vào ngày 26/4. Đến ngày 1/5 thì cây bắt đầu hình thành và ra hoa vào 1/6. Nó có 7 nhánh dây leo chính và khá nhiều nhánh phụ lan tỏa xung quanh, nhánh cây dài nhất là 5m. Phía cuối mỗi nhánh đều cho ra một quả dưa hấu. Đến ngày 1/7 là người ta có thể thu hoạch, quả to nhất nặng 19kg và quả bé nhất nặng 5kg. Tính ra trọng lượng trung bình của mỗi quả dưa trên cây là 10kg.

Giống cây dưa hấu này có tên mã là ‘Tianlong 1508″. Nó được giới thiệu là giống dưa có khả năng kháng bệnh cao và phát triển mạnh ngay cả trên đất cát. Ông Zhenzhou lưu ý về nhiệt độ nước tưới cho giống dưa này để cho năng suất cao nhất, đó là không tưới nước lạnh. Mỗi buổi sáng ông và đồng nghiệp lại dùng tay tách các nhánh dưa không để xoắn vào nhau.

Hiện tại giống cây này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Tổ chức sách kỷ lục Guinness thế giới đã trao tặng danh hiệu ‘cây dưa hấu cho quả nhiều nhất trong một mùa vụ’ cho cây dưa hấu đặc biệt này.

Nguồn: Dịch từ SH được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật tạo hình dưa hấu

Dưa hấu là một loại quả được dùng để chưng tết. Tuy nhiên, để tăng giá trị của sản phẩm cũng như đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người ta đã nghĩ ra cách để tạo ra những trái dưa có nhiều hình dạng khác nhau như hình vuông, hình tim, hình thỏi vàng…

Phương pháp tạo dưa hấu hình vuông:

Trong quá trình trồng dưa hấu, người trồng đặt dưa hấu trong 1 cái khuôn hình vuông, khi dưa hấu to lên thì nó sẽ phát triển trong khuôn hình vuông, dẫn đến hình thành hình vuông. Ngoài ra, còn có nhiều hình dạng khác nhau như hình tam giác, hình tim …

Nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng thực ra nó phụ thuộc vào nhiều thứ để thành công như giống dưa hay kích thước khuôn. Vì nếu làm khuôn quá lớn, mà trái dưa hấu không to như bạn nghĩ thì quá ra trái dưa hấu không tạo hình được.

Còn nếu làm khuôn quá nhỏ, tuy trái dưa hấu sẽ tạo được hình vuông như khi ăn vị của nó mất đi vị ngọt. Cho nên cần cân đối về kích thước khuôn và trái dưa nữa nhé.

Bước 1: Làm khuôn hình vuông như thế này, như vậy khi trái dưa hấu được tạo hình, thì mới lấy ra được. Lưu ý: chất liệu tạo khuôn phải cho ánh sáng chiếu vào được.

duahauhinhvuong-phantrunque1

Bước 2: Khi trái dưa hấu nhỏ hơn khuôn, cho vào khuôn, đây là lúc thích hợp để trái dưa hấu phát triển trong khuôn.

duahauhinhvuong-phantrunque2

Bước 3: Đặt dưa hấu nhỏ vào khuôn, nhớ phủ 1 ít lớp đất dưới đáy, vừa tạo đệm cho dưa hấu vừa giúp tạo độ xốp khi trái dưa hấu tạo khuôn hình vuông.

duahauhinhvuong-phantrunque3

Bước 4: Mỗi ngày tưới nước 2 lần sáng và chiều và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây.

duahauhinhvuong-phantrunque4

Bước 5: Khi trái dưa hấu đã tạo thành khuôn hình vuông và chín là có thể thu hoạch.

duahauhinhvuong-phantrunque5

Đây là thành quả:

Dưa hấu hình tim

Dưa hấu hình hồ lô

Dưa hấu hình vuông

Dưa hấu hình thỏi vàng

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những sâu bệnh hại và cách phòng tránh ở bưởi

Kiểm soát, phòng bệnh trên bưởi là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu khi trồng trọt. Việc hạn chế, phòng trừ sự sinh sôi và phát triển các loại bệnh cần có phương pháp hợp lý, đúng đắn là rất cần thiết. Một số loại bệnh thường gặp như sau:

  1. Sâu

  • Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Triệu chứng: Là loại sâu phá hoại cây ở thời kỳ lộc non, nhất là đợt lộc xuân. Sâu non nở ra ăn các lớp biểu bì trên lá non, cành non, quả non tạo thành các lớp ngoằn ngoèo có phủ sáp trắng, lá non xoăn lại cuối đường cong vẽ trên mặt lá, có sâu non bằng đầu kim. Sâu phá hoại mạnh ở tất cả các tháng trong năm, mạnh nhất từ tháng 2 – 10.

Sâu vẽ bùa ở lá bưởi

Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc Polytrin 440 EC 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 – 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1 – 2 cm, quả non có đường kính 2 – 3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

  • Bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis)

Triệu chứng: Trưởng thành và ấu trùng dùng vòi để chích hút dịch quả từ khi quả còn rất nhỏ. Chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Trái còn nhỏ đã bị bọ chích hút nhiều thì sẽ vàng, rám và rụng sớm. Quả đã lớn bị bọ xít xanh gây hại thì dễ bị thối rụng.

Bọ xít xanh ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Thường xuyên kiểm tra quả và những lá gần quả để phát hiện và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy. Sử dụng một số loại thuốc như Bascide 50EC, dầu khoáng SK, Enspray 99 EC, Hoppercin 50 EC… để phun trừ.

  • Nhện đỏ (Panonychus citri)

Triệu chứng: Phát sinh quanh năm hại lá, chủ yếu vào vụ xuân. Nhện đỏ rất nhỏ, màu đỏ thường tụ tập thành những đám nhỏ ở dưới mặt lá, hút dịch lá làm cho lá bị héo đi. Trên lá nơi nhện tụ tập, mặt lá có những vòng tròn, lá bị bạc và hơi phồng.

Nhện đỏ ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc Comite 73EC 10 ml/10 lít nước; Ortus 5 SC, dầu khoáng SK, Newsodan 5.3 EC pha theo nồng độ khuyến cáo của nhà SX, phun ướt cả 2 mặt lá, phun lúc cây ra lộc non, quả non và phun sau khi cây đậu quả 10 – 15 ngày để phòng ngừa.

  • Rệp muội xanh (Aphis spiraecola) và rệp muội đen (Toxoptera aurantii)

Triệu chứng: Rệp muội xanh và rệp muội đen là 2 loài gây hại phổ biến với mật độ cao, làm lá vàng úa, phủ kín muội đen, dẫn đến giảm khả năng quang hợp, năng suất cũng như chất lượng quả. Rệp muội gây hại chủ yếu trên lá non, cành non, lá bị xoắn rộp, rệp tiết nước nhờn khiến lá bị muội đen.

Biện pháp phòng trừ: Cắt tỉa cành, điều khiển các đợt lộc ra tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rệp muội. Bảo vệ và tạo điều kiện để các loại thiên địch trong vườn phát triển. Dùng thuốc Trebon 10 EC, Sherpa 25EC theo nồng độ khuyến cáo của nhà SX, phun 1 – 2 lần ở thời kỳ lộc non.

  • Rệp sáp (Planococcus citri)

Triệu chứng: Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, quả cũng có thể bị biến màu, biến dạng, phát triển kém và bị rụng. Gây hại chủ yếu vào mùa nắng. Mật ngọt do rệp tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây.

Rệp sáp ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Sherpa 25EC hoặc Trebon 10 EC pha với nồng độ 0,1 – 0,2%, phun 1 – 2 lần ở thời kỳ lá non. Khi xuất hiện rệp, muốn trị có hiệu quả cần pha thêm vào thuốc 1 ít xà phòng để có tác dụng phá lớp sáp phủ trên rệp làm thuốc dễ thấm.

  • Sâu đục thân (Nadezhdiella cantori) sâu đục cành (Chelidonium argentatum)

Triệu chứng: Con trưởng thành đẻ trứng vào các kẽ nứt trên thân, cành chính. Sâu non nở ra đục vào phần gỗ tạo ra các lỗ đục, trên vết đục xuất hiện lớp phân mùn cưa đùn ra.

Sâu đục thân ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Thăm vườn thường xuyên, bắt xén tóc trưởng thành, bắt sâu non. Phát hiện sớm vết đục, dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ đục để bắt sâu non. Quét vôi hàng năm vào gốc cây và cành cấp 1 để diệt trứng. Dùng các loại thuốc xông hơi như Ofatox 400 EC 0,1%; Supracide 40ND 0,2% bơm vào lỗ đục của cây sau đó dùng đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu. Kết hợp phun các loại thuốc lên trên cây để diệt trứng.

2. Bệnh hại

  • Bệnh loét (Xanthomonas campetris)

Triệu chứng: Bệnh gây hại nặng tất cả thời kỳ trồng bưởi Diễn nếu không phòng ngừa tốt. Lá xuất hiện các vết bệnh màu nâu, có thể lốm đốm hoặc dày đặc, hình tròn, bề mặt vết bệnh sần sùi như ghẻ lở, màu vàng hoặc nâu. Cành bị nhiều vết bệnh sẽ bị khô và chết, thời kỳ mang quả bị bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Năm nào, mưa nhiều thời tiết nóng ẩm bệnh phát triển mạnh thành dịch.

Bệnh loét ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Phun Boocdo 1% (15 gr sunphat đồng + 20 gr vôi tôi/20 lít nước) hoặc Kocide 53.8 DF.

  • Bệnh sẹo (Elsinoe fawcetti)

Triệu chứng: Lá và quả có những nốt nổi gồ ghề màu nâu, thường gây hại lá và quả lúc còn nhỏ. Vết bệnh tạo thành những nốt ghẻ nhỏ trên bề mặt lá, màu vàng rơm. Nhiều vết bệnh liên kết lại thành từng mảng lớn làm cho lá bị nhăn nheo biến dạng, cây sinh trưởng kém, cằn cỗi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa theo các đợt lá và chồi non.

Biện pháp phòng trừ: Cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận cây bị nhiễm bệnh. Phun định kỳ các loại thuốc trừ nấm theo các đợt lá, chồi non như Kocide53.8 DF, Kasuran 0,2%, Mancozeb 0,2%.

  • Bệnh chảy gôm (Phytophthora sp)

Triệu chứng: Bệnh thường phát sinh ở phần gốc cây, cách mặt đất khoảng 20 – 30 cm trở xuống cổ rễ và phần rễ. Giai đoạn đầu bệnh mới phát sinh thường vỏ cây bị nứt và chảy nhựa (chảy gôm). Bóc lớp vỏ ra, ở phần gỗ bị hại có màu xám và nhìn thấy những mạch sợi đen hoặc nâu chạy dọc theo thớ gỗ.

Bệnh chảy gôm ở bưởi

Biện pháp phòng trừ: Đối với vết hại cục bộ ở phần thân gốc: Cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc Aliette 800 WP nồng độ 0,5% quét vào vết bệnh. Đối với những cây bị nhẹ cần phun Aliette 800 WP nồng độ 0,3% lên toàn bộ cây.

Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.

Phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc.

Hãy là một nhà tiêu dùng thông thái. Với một thị trường tràn lan các mặt hàng trong và ngoài nước từ có thương hiệu nhãn mác đến hàng giả hàng nhái. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc. Từ đó giúp bạn có thể mua được những trái cam một cách chính xác.

Phân biệt.

Thời gian gần đây, tại các chợ dân sinh cũng như vỉa hè Thủ đô xuất hiện rất nhiều điểm kinh doanh “cam Hà Giang”. Loại cam này có đặc điểm vỏ mỏng, màu xanh hoặc xanh ngả vàng, tép cam màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt.

Một đặc điểm khác nữa rất dễ nhận dạng là dẫu bị phơi nắng cả ngày nhưng cam vẫn tươi xanh như vừa mới hái. Đây chính là cam của Trung Quốc. Cam Việt Nam kể cả cam Hà Giang hay cam sành thì đều có vỏ sần sùi và dày vỏ hơn, vỏ hay bị nám và xấu hơn. Và cam Việt Nam thì loại nào cũng có hạt. Cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm.

Cam Hà Giang còn khác cam Trung Quốc ở đặc điểm lá. Người tiêu dùng có thể quan sát lá quả cam trước khi quyết định mua. Do có thể ngâm thuốc bảo quản và thuốc phát triển nhanh, lá cam Trung Quốc thường rất non, trong khi cam Hà Giang đúng vụ thu hoạch lá sẽ rất già, có màu hơi rám sẫm thậm chí có thể hơi úa vàng.

Nếu là cam xuất xứ từ Trung Quốc, tép rất mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt không có hạt. Cam Hà Giang khi chín quả sẽ có cùi dày, vị ngọt thơm và đương nhiên có hạt, một số quả chín chưa tới có vị hơi chua mát. Cam Trung Quốc luôn có vị ngọt sắc.

Phân biệt qua giá cả. 

cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển) và giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg vào cuối vụ. Bởi vậy, nếu là cam Hà Giang xịn thì không thể có mức giá rẻ như vậy. Cam Trung Quốc được bày bán đại trà, mức giá khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg; loại quả nhỏ, mẫu mã kém, giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietq.vn tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.