Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.

Thanh Hóa: Tỉnh cấm, nông dân cứ chặt cây cao su vì để thì… đói

Mặc dù cao su từng được coi là cây “vàng trắng” và đang ở thời kỳ thu hoạch, nhưng giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay khiến người dân Thanh Hóa phải ồ ạt chặt bỏ loại cây để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đua nhau chặt bỏ… “gánh nợ”

Cách đây hơn 20 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời.

Người dân xã Quảng Phú ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa. Ảnh: Bùi Oanh

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000ha diện tích cây cao su, trong đó có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch. Các huyện có diện tích cây cao su lớn như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng chỉ trồng được 1ha vì người dân không còn mặn mà với loại cây này.

Năm 1997, khi chính quyền xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Hơn 144ha đất của 202 hộ nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng cao su, theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.

Sau hơn 10 năm cây cao su cho thu hoạch mủ, vài năm đầu giá mủ cao, người dân có lãi nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su, rồi tiếp đó là việc ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được xem như“vàng trắng”.

Gia đình chị T (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 6.500m2 đồi cao su trong sự cay đắng. Chị T cho biết: “Mất 20 năm công sức chăm sóc cao su mới cho thu hoạch được vài năm, dù không muốn chặt bỏ nhưng cũng phải chặt thôi, càng để càng lỗ đau. Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuống rất thấp, mỗi ngày vợ chồng tôi đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí. Nhiều năm nay gia đình tôi đã không đến lấy mủ cao su ở vườn trồng của mình nữa. Nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để cao su như vậy thì không biết lấy gì mà sống. Vẫn biết chính quyền ra lệnh cấm không cho chặt bỏ cao su, nhưng đành phải liều thôi”.

Nhìn 14 sào cao su hơn 5 năm nay không thu được nổi 1 đồng nào, bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú) nói trong xót xa: “Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 – 9.000/kg mủ tươi, quần quật làm cả ngày trời cũng không thu nổi 100.000 đồng thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lên xã cầu cứu, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, thời hạn hợp đồng chưa hết nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì dân chỉ có chết đói”.

Không chờ được sự đồng ý của chính quyền, nhiều hộ dân tại xã Quảng Phú đã tự ý chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa và các loại cây trồng khác. Chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

Khó giữ diện tích cao su?

Những gốc cây cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định… Chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng khó xử khi trên thì ra lệnh giữ nguyên diện tích cao su, còn đa phần người dân thì kiến nghị chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhằm nuôi sống gia đình.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trước đây, toàn xã có hơn 144ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30ha và khoảng 30ha khác do đổ gãy. Hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80ha. Theo hợp đồng trông cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay xã chỉ thu 100.000 đồng/sào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su vì hợp đồng chưa hết, nếu chặt bỏ là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó cho người dân khi cao su không đem lại lợi nhuận, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Xã đang cho cán bộ rà soát lại diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su” – ông Quyết nói.

Ông Lê Thọ Cường – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thọ Xuân cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha cây cao su nhưng hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp. Nhiều xã và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác” – ông Cường nói.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lợi ích kép từ trồng cây ăn trái xen canh cà phê

Sau hơn 10 năm trồng thử sức với mô hình cây ăn trái xen canh trong vườn cà phê, ông Phạm Đình Dũng (thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã và đang được hưởng những trái ngọt khi thu về hiệu quả kinh tế cao. Trên một diện tích nhưng ông trồng được cả cà phê, sầu riêng, bơ đã cho thấy hiệu quả kép của mô hình này.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân trong làng, gia đình ông Phạm Đình Dũng chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích hơn 3.000m2. Năm 2005, khi giá cà phê xuống thấp, ông đã nghĩ đến việc chuyển đổi trồng cây ăn trái thay cho cà phê. Tuy nhiên, chặt cà phê thì tiếc, ông tính cứ trồng xen canh rồi sau này cây lớn sẽ quyết định.

Vậy là ông gửi người mua 11 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép ở tận Bến Tre về trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, tìm hiểu, ông Dũng nhận thấy cây sầu riêng không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cây cà phê, vì vậy ông quyết định giữ lại cả hai loại cây trồng. Đáng nói hơn, cả hai loại cây đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kinh tế kép cho gia đình ông Dũng.

Việc xen canh sầu riêng không làm ảnh hưởng tới suất năng của cà phê.

Ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: Lúc đầu, tôi chỉ tìm thử một loại cây trồng mới xem sao thôi. Không ngờ, cây hợp đất nên phát triển rất tốt, 4 năm sau, những cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói, đến năm thứ 5 cho thu quả ổn định. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm rõ kỹ thuật nên mặc dù cây ra rất nhiều trái nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, khi chín bị sượng và chỉ chín ồ ạt vào giữa mùa nên không bán được giá. Đến năm 2011, tôi nhờ con trai lên internet tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách can thiệp để quả ra sớm, đậu nhiều, chín đều… và áp dụng vào quá trình chăm sóc. Từ đó, vườn sầu riêng cho ra quả nhiều, quả nhỏ cũng được vài ký, quả to lên tới 5-6kg, sầu riêng chín sớm nên bán rất được giá. Năm ngoái, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 80 triệu đồng tiền sầu riêng; năm nay, giá bán thấp nhất 45.000 đồng/kg, giá cao nhất tới 90.000 đồng/kg, tôi bán được 120 triệu. Cá biệt, có một cây thương lái mua trọn gói 20 triệu đồng.

Mấy năm nay, tên tuổi sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người sành ăn biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà ông mua hoặc gọi điện thoại đặt hàng rồi ông Dũng mang giao tận nơi. Điều đặc biệt khiến sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người nhớ tới đó là ông luôn để sầu riêng chín rụng tự nhiên, không bao giờ cắt sớm; ông cũng chỉ bán khi quả chín vừa đủ.

Dẫn tôi thăm vườn cà phê trĩu quả xen lẫn những cây sầu riêng to bự, cao vút bắt đầu ra trái non đầy cành, ông Dũng chỉ: Cô thấy không, cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn nhiều quả hơn khi trồng độc canh vì chúng được hưởng cả phần dinh dưỡng khi bón cho sầu riêng. Những cây sầu riêng cũng được hưởng lợi khi mình chăm sóc cà phê nên có thể nói việc xen canh là nhất cử lưỡng tiện. Với tôi, sầu riêng là cây xen canh nhưng giờ lại là cây cho thu nhập chính, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với cà phê.

Với thành công từ vườn sầu riêng xen canh, từ năm 2012- 2013, ông Phạm Đình Dũng mạnh dạn tiếp tục mở rộng mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của gia đình mình. Tuy nhiên, dù sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ông không chăm chăm vào một loại cây, mà lần này ông Dũng lại thử sức với cây bơ sáp trên diện tích hơn 4.000m2 cà phê. Năm ngoái, những cây bơ đầu tiên đã cho thu bói; năm nay, hầu hết vườn bơ đều cho thu quả.

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác. Hơn nữa, hiện nay, giá các loại trái cây sầu riêng, bơ, luôn khá cao và ổn định nên thu nhập còn vượt trội hơn nhiều.

Thấy được hiệu quả kinh tế của việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê của cha mình, chị Phạm Thị Lượm – con gái ông Dũng cũng học tập và làm theo. Tuy nhiên, điểm khác của vườn cà phê trồng xen cây ăn trái của nhà chị Lượm là trong cùng vườn cà phê, chị trồng xen cả sầu riêng và bơ chứ không chỉ xen 1 loại bơ hoặc sầu riêng như của ông Dũng. Với khoảng 20 cây sầu riêng năm nay cho thu bói, chị Lượm cũng đã thu về gần 30 triệu đồng, từ sang năm, bơ cũng bắt đầu cho thu quả.

Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nông dân lo lắng vì cà phê được mùa mất giá

Giá giảm từng ngày

Theo người dân trồng cà phê ở Bình Phước, thời điểm đầu mùa vụ, giá cà phê luôn ổn định ở mức cao khiến bà con không khỏi trông đợi vào một vụ cà phê hiếm hoi được mùa, được giá để cứu vãn phần nào chi phí đầu tư sau một vụ mùa thất bát. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, giá cà phê đang dần đi xuống, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tâm trạng chung của phần lớn người trồng cà phê ở Bình Phước là bất an, lo lắng vì năm nào cũng vậy, họ thường không làm chủ được thị trường và giá cả sau mỗi mùa thu hoạch.

Người dân lo lắng khi cà phê được mùa nhưng mất giá

Được mùa mất giá là điệp khúc thường xuyên mà người nông dân trồng cà phê ở Bình Phước thường phải đối mặt. Vụ mùa năm nay, giá cà phê xuống quá nhanh khiến người nông dân bị ảnh hướng rất nhiều tới cuộc sống. Nếu như thời điểm đầu mùa, giá cà phê ổn định từ mức 44.000 – 45.000 đồng/kg cà phê nhân thì nay giảm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Trong khi đó chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đã mất trọn khoản thu đó.

Với mức giá hiện tại, người trồng cà phê bị lỗ từ 5 – 6 triệu đồng/1 tấn cà phê. Quy ra với 1 ha cà phê, người dân mất trung bình hơn 20 triệu đồng do ảnh hưởng của giá cả xuống thấp. Hiện, người trồng cà phê ở Bình Phước đang hối hả thu hoạch sớm để có được mức giá đỡ “chua chát” hơn bởi giá cà phê đang xuống từng ngày mà không có tín hiệu tích cực hơn.

Theo ông Hồ Quốc Hưng, một thương lái chuyên thu mua cà phê trên địa bàn H.Đồng Phú (Bình Phước), giá cà phê bắt đầu giảm mạnh trong khoảng một tuần trở lại đây. Cứ mỗi ngày giá cà phê rớt trung bình 1.000 đồng/kg. “Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân mà còn gây khó khăn đối vối cả những doanh nghiệp thu mua cà phê”, ông Hưng nói.

Theo phân tích của ông Hưng, giá cà phê xuống thấp bên cạnh việc ảnh hưởng mạnh tới đầu tư, công cán, phân bón, chăm sóc còn gây khó khăn cho các thương lái trong việc tiêu thụ. Ngoài ra, thương lái còn phải chịu khoản phí ứng trước của người dân để đầu tư, trong khi giá xuống thấp thì khoản thu hồi vốn sẽ gặp nhiều trở ngại.

Khó kiếm nhân công

Không chỉ khó khăn về giá cả mà tình trạng nhân công khan hiếm cũng là trở ngại không nhỏ với bà con khi sản lượng cà phê tăng lại đang vào chính vụ thu hoạch. Dù giá nhân công đã cao hơn so với năm ngoái nhưng nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở Bình Phước vẫn không tìm được nhân công để thu hái.

Sản lượng cà phê cao nhưng mất giá nên tình trạng tìm kiếm nhân công rất khó khăn

Gia đình anh Nông Văn Táy (xã Nghĩa Bình, H.Bù Đăng) có hơn 3 ha cà phê 6 năm tuổi đang rất lo lắng trước tình trạng khan hiếm nhân công. “Cà phê đến kỳ phải thu hái nhưng không kiếm được nhân công. Bình thường giá nhân công tại chỗ chỉ khoảng 150.000 đồng/người/ngày, giờ tăng lên 200.000-220.000 đồng/ngày mà kiếm không ra. Riêng công hái khoán tính theo kg thì giá công lên đến 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Toàn bộ diện tích cà phê của gia đình tôi hái xong tiền công tốn khoảng 25 triệu đồng. Cộng với tiền chăm sóc, tiền phân bón, nước tưới… thì vụ mùa cà phê năm nay gần như chẳng thu được đồng lãi nào”, anh Táy ngao ngán cho hay.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Giải pháp mới cho cà phê già cỗi

KTNT – Khá nhiều hộ nông dân ở các vùng cà phê Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… (Lâm Đồng) đã và đang áp dụng giải pháp ghép chồi mới trên thân cây cũ, kết hợp với việc sử dụng đồng bộ các chất dinh dưỡng, điều hòa độ pH, khử chua cho đất, tạo bộ rễ mới cho cây cà phê già (15- 20 năm tuổi), hướng đến năng suất 7 tấn nhân/ha/năm.

Vườn cà phê trẻ hóa, mô hình do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông hỗ trợ ở Đức Trọng ra hoa, đậu trái đồng loạt sau khi cải thiện độ pH trong đất từ 5,2-6,0.

Khử chua cho đất

Thống kê 3 năm qua, Lâm Đồng đã tái canh trồng mới và ghép cải tạo trên 24.000ha cà phê giống cũ già cỗi (15- 20 năm) bằng các giống cao sản như TR4, TR9, TR11…, tăng năng suất bình quân từ hơn 2,8 tấn/ha lên ổn định từ 6-7 tấn/ha. Trong đó, 50% diện tích là tái canh ghép cải tạo được thực hành từ những vườn cà phê quy mô hộ gia đình canh tác 1- 2ha. Nếu áp dụng biện pháp tái canh cà phê trồng mới phải mất 2- 3 năm luân canh cải tạo đất bằng các loại cây hoa màu ngắn ngày, cộng với khoảng 3 năm thâm canh mới bước vào thời kỳ cà phê kinh doanh, thì biện pháp ghép cải tạo vừa thu hoạch cà phê trên cành, nhánh cây cũ hàng năm mà vẫn chăm sóc chồi cành mới phát triển. Tính ra việc ghép cải tạo cà phê dù đến năm thứ 4 mới hoàn thành, nhưng vẫn không bị gián đoạn thu nhập của người sản xuất.

Để góp phần trẻ hóa cà phê phù hợp với điều kiện canh tác của hộ gia đình ở địa phương, tháng 12/2012, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Thanh Hóa (Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng) xây dựng 2 mô hình tiêu biểu tại vùng cà phê xã Bình Thạnh (Đức Trọng), mỗi mô hình đang sản xuất 2ha cà phê khoảng 20 năm tuổi. Mô hình được tiến hành đồng thời 3 giải pháp chính trong 3 năm, gồm: sử dụng phân bón cân đối; kiểm soát, điều hòa độ pH cho đất; và ghép chồi mới trên thân cây cà phê cũ. Cụ thể, hàng năm, vào mùa khô, sau khi thu hoạch cà phê, tiến hành cắt tỉa cành già cỗi, cành xương cá yếu ớt và thân cây không còn tiềm năng phát triển… Chờ khi lá cà phê hơi rũ xuống mới tiến hành tưới nước đợt một để giúp cây ra hoa, đậu trái đồng loạt. Đợt tưới thứ hai cách đợt tưới đầu tiên khoảng 25-30 ngày để có thời gian ép cây nở hết nụ hoa còn lại. Mỗi gốc cây bón 400-500g phân “cà phê số 1 Tiến Nông”, bón phân đến đâu thì tưới nước đến đó…

Kỹ sư Lương Văn Hoàn, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Thanh Hóa – Chi nhánh Lâm Đồng, chia sẻ thêm: “Sau những đợt mưa đầu mùa hàng năm, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn nông dân cải tạo độ chua, phục hồi độ phì nhiêu của đất bằng chất điều hòa pH, giúp cây cà phê hấp thụ tối đa dinh dưỡng. Đồng thời kiểm tra phòng chống những bệnh thường gặp của cây cà phê như tuyến trùng, thối rễ tơ, thối rễ cọc trước khi bón phân…”. Bên cạnh đó, bắt tay vào ghép chồi mới trên thân cây cũ, tỉa bỏ số cành và chồi vượt còn lại, rồi bón phân dinh dưỡng “Tiến Nông cà phê số 2” 400-500g/gốc. Giai đoạn chăm sóc vào giữa và cuối mùa mưa, 2 chủ vườn cà phê bón phân đợt 1 vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 bằng sản phẩm “Tiến Nông cà phê số 3 từ 500 – 600g/gốc”; đợt 2 bón “Tiến Nông cà phê số 3” vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9,khoảng 600-700g/gốc…

Tăng thêm thu nhập 50 triệu đồng/ha

Kết quả nghiệm thu sau hơn 3 năm cải tạo đất mới, trẻ hóa cây cà phê tại 2 mô hình ở xã Bình Thạnh, thấy: Do vẫn lạm dụng phân hóa học làm cho đất canh tác bị chua, có độ pH từ 4-5, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ, những vườn cà phê già cỗi, giống cũ chỉ đạt năng suất 3 – 4 tấn nhân/ha/năm. Khi áp dụng quy trình kỹ thuật và giải pháp dinh dưỡng mới của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, đến nay 2 vườn cà phê mô hình được cải thiện độ pH lên 5,2 – 6,0, đất tơi xốp, rễ tơ phát triển nhiều hơn, ở mặt dưới đất đào lên thấy có nhiều giun, năng suất đạt đến 5 – 7 tấn nhân/ha/năm, cao hơn năng suất canh tác theo biện pháp thông thường 2- 3 tấn nhân/ha/năm. Đặc biệt, cây cà phê được nâng cao khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thấp, thu hoạch trái chín đồng đều…Hạch toán theo giá cả niên vụ cà phê năm 2015- 2016, biện pháp canh tác mới này đã tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

“Những vườn cà phê 15- 20 năm tuổi, năng suất thấp trong nhiều năm liền (dưới 1,5 tấn nhân/ha), nhưng cây vẫn có bộ rễ khỏe thì có thể áp dụng biện pháp cưa ghép cải tạo làm trẻ hóa vườn cây để giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngược lại, những vườn cà phê dù cùng 15 – 20 năm tuổi, nhưng bộ rễ quá yếu, thường xuyên bị sâu bệnh gây thối mục, thì nên tiến hành tái canh trồng mới”, kỹ sư Hoàn nói.

Nguồn: Báo Kinh tế nông thôn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Đầu tư 170 tỷ đồng phát triển cà phê chất lượng cao

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng.

Đề án có nội dung nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và XK; nâng giá cà phê XK của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.

Cụ thể, đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 DN hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 DN xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy môi mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm…

Theo đề án đưa ra, vùng nguyên liệu phát triển cà phê chất lượng cao sẽ có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Năng suất cà phê vối đạt 2,7 tấn/ha, cà phê chè đạt 2,0 tấn/ha.

Về kết quả đạt được, đề án đặt ra có ít nhất 10 DN tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030.

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% DN đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới…

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị và 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).

Ngân sách từ các DN, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 200-300 nghìn ha cà phê chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu hàng hóa; 20 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống sấy, kho bảo quản, chế biến; 10 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường).

Thời gian thực hiện đề án là giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

“Hoàng hậu quả khô” khẳng định vị thế trên đất cà phê

Bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, những năm gần đây, cây mắc ca đã từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng (Đắk Lắk), góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” vì hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Loại cây này được đưa vào trồng rải rác ở một số khu vực tại huyện Krông Năng từ hàng chục năm trước. Có thời gian cách đây chừng 10 năm, người dân ồ ạt đưa vào trồng mắc ca khiến cây trồng này lên cơn “sốt”. Để nhanh chóng phát triển diện tích, nông dân đua nhau tìm cây giống về trồng bất chấp nguồn gốc, chủng loại và chất lượng giống, trong đó, chủ yếu là giống thực sinh. Do đó, một số hộ gặp thất bại vì kiểu làm ăn xổi, bởi cây mắc ca phát triển tốt nhưng không cho quả. Bên cạnh đó, nhiều vườn mắc ca cho năng suất cao, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Những diện tích này được trồng bằng giống cây ghép, trồng ở khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp và canh tác đúng kỹ thuật.

Vườn mắc ca của gia đình ông Đinh Minh Đại tại thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng.

Một trong những người có kinh tế khá lên nhờ trồng mắc ca là ông Đinh Minh Đại, thôn Giang Minh, xã Ea Puk với vườn cây 2,6 ha trồng từ năm 2011 đến nay. Hiện, trong tổng số 800 cây mắc ca của gia đình ông, đã có 300 cây cho thu hoạch, năng suất đạt 15 kg hạt/cây. Bên cạnh thu hạt, vườn cây của ông còn cung cấp 4 dòng giống mắc ca ghép ra thị trường với số lượng 3.000 cây/năm, tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Đại cho biết, cây mắc ca có thể trồng thuần hoặc xen trong cà phê, tiêu…, năng suất vẫn tương đương và không ảnh hưởng đến các loại cây khác, thu hoạch xong được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá gần 100.000 đồng/kg hạt tươi.
Nói về sản xuất mắc ca ở Krông Năng thì không thể không nhắc đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya). Đơn vị có 49 thành viên, canh tác hơn 350 ha mắc ca trồng từ năm 2008 đến nay, trong đó, một phần diện tích đã cho thu hoạch, tổng sản lượng hằng năm đạt 40 tấn và 4 sào cây đầu dòng sản xuất giống ghép. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của đơn vị sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Bên cạnh bán hạt, HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đặc biệt, sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”.

Mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp mắc ca Tân Định đạt năng suất 3,5 tấn/ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện có 302 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk (99 ha), Cư Klông (45,7 ha), Ea Tam (38 ha)… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện nhiều vườn cây đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 tấn/ha. Những diện tích này tuy mới bước vào thời kỳ kinh doanh vài năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao và từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng. Thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca, trong đó, chú trọng vào chất lượng cây giống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Theo báo Đắk Lắk , kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất giống cà phê bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Nhằm đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân, cũng như áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các nhà khoa học làm việc tại Phòng Sinh hóa và Công nghệ sinh học -Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã ngày đêm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Đây được xem là một công nghệ sinh học hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả khi đã nhân giống hàng nghìn cây cà phê đạt chất lượng cao. Một số hình ảnh tại phòng nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào của WASI:

Bước đầu tiên của hình thức nhân giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học phải lựa chọn những giống cây đạt chất lượng tốt nhất để lấy mẫu. Trong ảnh: Cà phê lựa chọn lấy mẫu là TR4 và TR11 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận)

Các mẫu lá sau khi được lựa chọn sẽ khử trùng và đưa vào bình thí nghiệm để tiến hành tạo mô sẹo, công đoạn này mất khoảng 5 tháng 

Sau đó các bình thí nghiệm được đưa lên máy lắc để nhân thêm mô sẹo

… sau 4 tháng những mô sẹo mới được hình thành

Để bảo đảm cây giống cà phê được phát triển tốt, các bình thí nghiệm chứa mô sẹo đều được bảo quản trong môi trường tốt nhất

Mất thêm 5 tháng để mô sẹo hình thành cây trong hệ thống nuôi cấy mô

… và mất thêm 50 ngày để các nhà khoa học tạo thành cây con hoàn chỉnh trong các box thí nghiệm nhỏ.

Sau đó được cắm vào các bầu đất trong vườn thực nghiệm để cây sinh trưởng

Nhằm giúp cây con phát triển tốt, vườn thực nghiệm phải được trang bị một hệ thống tưới phun sương hiện đại

Hệ thống phải bảo đảm được điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây con

Nhờ chăm sóc tốt, các cây cà phê được nhân giống tại đây đều sạch bệnh, phát triển tốt

Mất gần 2 năm kể từ khi lấy mẫu lá cho đến lúc phát triển thành cây cà phê, tuy nhiên chất lượng cây giống này luôn được bảo đảm. Trong ảnh: các nhà khoa học kiểm tra tình trạng phát triển của cây cà phê được nhân giống bằng hình thức nuôi cấy mô

Như vậy, từ một mẫu lá của một cây mẹ đạt chuẩn, bằng hình thức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học có thể nhân lên hàng nghìn cây con có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, nhờ loại bỏ được những khuyết điểm tồn tại trên cây mẹ.

Nguồn: Báo Daklak được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.