Quy trình trồng Mè Trắng V6

Mè trắng là loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: nấu ăn, làm bánh keo, sản xuất dầu mè…

Thời vụ

Ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa nổi vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch, bà con nông dân nên tranh thủ ngay trong khi đang thu hoạch lúa, hoặc vừa khi thu hoạch lúa xong, để tận dụng ẩm độ trong đất, xuống giống và thu hoạch mè V6 trong tháng 3.

Kỹ thuật trồng

1/ Giống:

Mè V6 do Công Ty VOCARIMEX-TP.HCM cung cấp, với đặc tính cây mọc thẳng không phân nhánh, số trái trung bình từ 20-70 trái/cây, năng suất có thể đạt từ 100 -200kg/1.000m2, tuỳ theo mức độ thâm canh.

2/ Làm đất:

Đối với đất ruộng lúa mùa nổi, có thể sạ chay không cần cày xới, nhưng cần xẻ rãnh thoát nước, để chống úng khi tưới và đề phòng những trận mưa cuối mùa.

3/ Gieo sạ:

Do diện tích canh tác lúa mùa thường lớn nên bà con nông dân nên chọn cách sạ lan, để giảm công lao động, có thể gieo sạ bằng hai cách sau:

– Gieo sạ trước khi cắt lúa 01 ngày, hoặc sạ xong cắt lúa ngay, mục đích để làm cho hạt mè rơi xuống đất, khi cắt lúa.

– Sau khi cắt lúa, do lớp rạ lúa mùa nổi để lại trên đồng ruộng quá dày nên cần đốt bớt gốc rạ trước khi sạ.

Chú ý: Cần làm sau khi cho hạt mè rơi xuống đất, tránh trường hợp hạt mè còn nằm lại trên rạ nên khi nảy mầm rể không tiếp đất được sẽ khô và chết đi.

4/ Lượng giống và cách sạ:

Trước khi sạ nên xử lý thuốc BVTV như Basudin, Bam, Forwin, có thể trộn chung với Zineb, dùng nước hoà tan thuốc ở dạng sệt sau đó trộn hạt giống để cho thuốc áo một lớp ngoài vỏ để phòng trừ một số côn trùng tha hạt hay cắn phá mầm và tránh một số nấm bệnh tấn công gây chết cây con.

Lượng giống:

+ Đối với cách sạ trước khi cắt lúa nên dùng lượng giống từ 0,8-1 Kg/1.000m2, nhầm trừ hao hụt giống vướng trên rơm rạ.

+ Đối với cách sạ sau khi cắt lúa và có đốt rơm lượng giống từ 0,4-0,5 Kg/1.000m2

Cách sạ:

+ Sạ lan: Nên trộn giống đã xử lý với cát khô để sạ như sạ lúa, làm sao cho hạt giống phân bố đều trên đồng ruộng.

+ Sạ theo hàng: Có thể sạ trên ruộng đã cắt bằng cách căng dây, một người đi trước vạch gốc rạ, một người đi sau sạ theo hàng đã vạch.

Bón phân và chăm sóc

1/ Bón phân:

Bón lót: Đối với đất ruộng lúa mùa nổi có thể không cần bón lót vì lượng phù sa bồi đắp sau mùa nước để lại rất nhiều.

Bón thúc:

+ Lần 1: 10-12 ngày sau khi sạ, nên bón kết hợp với tỉa dặm cây và làm cỏ. Sử dụng 15 – 20Kg NPK/1.000 m2 ( có thể dùng phân NPK 16 – 16 – 8 hay 20 – 20 – 15 )

+ Lần 2: 40 – 42 ngày sau khi sạ, . Sử dụng 15 – 20Kg NPK/1.000 m2.

+ Lần 3: 55 – 60 ngày sau khi sạ, . Sử dụng thêm 5Kg Urê + 3Kg Kcl/1.000 m2 , tuỳ theo tình trạng phát triển của cây.

Chú ý: Không nên sử dụng bất cứ một loại thuốc dưỡng, phân bón lá nào đó khi chưa có sự đồng ý của cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.

2/Chăm sóc:

Tỉa thưa và dặm cây: Đối với cây mè v6 chỉ yêu cầu mật độ cây từ 30-40 cây/m2, do đó cần nhổ bỏ những chỗ cây mọc dày và dặm lại những chỗ thưa cây, mất cây để đảm bảo mật độ cây/ diện tích, cần tiến hành sớm vào từ ngày thứ 7 – thứ 10 sau khi sạ để cây không bị mất sức do rễ bị đứt.

Tưới nước: Cây mè chịu hạn tương đối khá, nhưng cần tưới nước cho đủ ẩm, trước khi bón phân, phương pháp tưới tốt nhất là tưới phun, nếu tưới tràn phải đào rãnh thoát nước triệt để, tránh ngập úng.

Trừ cỏ:cần phun các loại thuốc cỏ chọn lọc như: Oneside, Dual,Whip’S . . .

Phòng trừ sâu bệnh: Cây mè thường bị sâu ăn tạp tấn công giai đoạn đầu, sâu xanh da láng , sâu đục trái-đục ngọn tấn công giai đoạn sau khi cây ra hoa đậu trái. Cây mè không có khả năng phục hồi lá như lúa, do đó cần phun thuốc BVTV có thời gian lưu tồn lâu trong cây như: Basudine,Forsan, Fekill, Regen . . . Bệnh thường gặp là héo cây con và héo tươi xuất hiện ở giai đoạn có bông kết trái, do nấm bệnh còn tồn lại sau vụ lúa, vì vậy cách hiệu quả nhất là xử lý hạt giống trước khi gieo sạ, có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Validan, Manzate, Bonaza . . .

3/ Thu hoạch:

Thời gian sinh trưởng của mè V6 là 75 ngày, nên thu hoạch đúng thời vụ để tránh rơi rụng hạt mè ngoài đồng làm ảnh hưởng đến năng suất. Khi thấy lá chân và trái ở các mắt dưới gốc chuyển sang màu vàng thì thu hoạch, có thể dùng thuốc cỏ Gamaxon phun trước khi cắt cây 2 ngày để cho lá rụng (do Gamaxon chỉ có tác dụng tiếp xúc nên khi phun lên lá làm lá chết và rụng nhanh ).

Khi cắt nên bó thành từng bó nhỏ khoảng 10-15 cây/bó và dựng phơi trên đệm, lưới cước để tránh hạt rơi vãi ngoài đồng.

Sau khi giũ hạt cần giê sạch và tránh phơi hạt ngoài nắng gắt buổi trưa (nên phơi nắng sáng hoặc nắng chiều), vì hạt mè có một vỏ lụa mỏng gặp nắng gắt sẽ dễ tươm dầu chuyển màu làm ảnh hưởng đến phẩm chất hạt mè sau khi thu hoạch.

Có thể thử hạt mè phơi khô bằng cách thử bằng tay khô nắm chặt nắm mè sau đó buông tay ra nếu tay dính hạt là mè còn ướt cần tiếp tục phơi cho thật khô, nếu tay dính đất hoặc tạp chất là mè còn dơ cần giê lại. Sau khi mè khô và sạch thì cho vào bao để nơi thoáng mát tồn trữ.

Nguồn: Agriviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thâm canh giống Mè Đen 2 vỏ Bình Thuận

Mè hay còn gọi là cây vừng (tên khoa học là Sesamum indicum L.) là cây chịu hạn rất tốt, có thể trồng và sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, mè có thời gian sinh trưởng ngắn (75 – 85 ngày).

Làm đất

Đất phải được cày độ sâu 15 cm cho tơi xốp, bằng phẳng, kết hợp với bón lót.

Kích thước luống tuỳ vào điều kiện địa hình đất đai, ở những vùng khó thoát nước nên lên luống cao 15 – 20 cm, mặt luống rộng 0,5 – 1,5 m, rảnh rộng 20 – 30 cm để tiện việc chăm sóc tưới và thoát nước khi mưa (mè rất sợ úng, kể cả tình trạng úng cục bộ khi có mưa lớn).

Gieo trồng

– Lượng giống: 4 – 5 kg/ha.

– Xử lý hạt giống trước khi gieo: 2 gr thuốc Rovral trộn đều cho 1 kg hạt, có thể xử lý khi có kiến bằng các loại thuốc như Vibasu…

Mè có thể gieo sạ hoặc gieo hàng, lưu ý trộn với thuốc kiến (Vibasu 10H) trước khi gieo để tránh bị mất cây.

– Gieo theo hàng: Rạch hàng sâu khoảng 4 – 5 cm, khoảng cách hàng 60 cm, khoảng cách hốc 15 cm, chừa 1 – 2 cây, lấp nhẹ và kín.

– Gieo sạ: Muốn sạ hạt cho đều thì gieo theo từng ô đất nhỏ với lượng hạt tương ứng và gieo 2 – 3 lần, sau đó gieo hết diện tích cần gieo. Sau khi sạ xong, cào nhẹ lớp đất mặt để lấp hạt sâu khoảng 1,5 cm. Nếu lấp hạt sâu quá thì hạt nảy mầm chậm và cây mọc yếu. Khi gieo hạt, đất phải đủ ẩm, nếu đất khô thì nên tưới nước và có thể lấp hạt sâu hơn nhưng không sâu quá 5 cm. Khi cây được 2 lá thật, tiến hành tỉa thưa chừa khoảng cách 60 x 15 cm, mỗi hốc 1-2 cây.

– Kinh nghiệm dân gian: Cho hạt mè vào chai nước khoáng rỗng, khoảng 1/2 – 1/3 chai, đục 1 – 2 lỗ nhỏ ở nắp chai, dốc ngược chai và rắc trên hàng.

Phân bón:

Lượng phân cho 1 ha: 120 kg N + 60 kg P2O5 +60 K2O + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh/ha (tương đương 260 kg urê + 375 kg supe lân + 100 kg KCl + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh).

– Nếu không bón các loại phân đơn thì có thể dùng NPK 16-16-8 với lượng 750 kg/ha.

– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi và supe lân + 1/3 urê + 1/3 KCl (hay bón lót 150 – 200 kg phân NPK16-16-8).

– Bón thúc: Lượng phân vô cơ còn lại chia làm 2 lần bón vào lúc 15 ngày sau gieo và 25 ngày sau gieo (có thể bón 1 lần vào lúc 20 ngày sau gieo).

– Phân bón lá: dùng Tiltsuper hoặc Headline phun 2 lần. Lần 1 phun vào lúc 20 ngày sau gieo và lần 2 phun vào lúc 40 ngày sau gieo.

Tưới, tiêu nước:

Mè rất sợ úng, nên tưới bằng vòi sen để cây không đổ ngã hoặc có thể tưới theo rãnh. Trong mùa mưa, khi gieo tránh để úng cục bộ. Trong mùa khô, cần tưới nước đều đặn và tuyệt đối không để bị hạn khi đang ra hoa.

Phòng trừ cỏ dại

– Có thể dùng bằng tay hoặc công cụ làm cỏ (xe đẩy cỏ), nên khống chế sạch cỏ trong giai đoạn đầu, từ khi mọc đến ra hoa và khép tán kín.

– Dùng Ronstar (tiền nảy mầm) phun kỹ trên mặt đất trước gieo, khi đất đủ ẩm hoặc phun Dual vào lúc 15 và 25 ngày sau gieo (liều lượng theo khuyến cáo cuả nhà sản xuất), xới xáo, kết hợp bón thúc, nếu mật độ dày thì tỉa thưa còn khoảng 10 – 20 cây/m2.

Phòng trừ sâu bệnh

– Sâu hại: Sâu hại mè chủ yếu là sâu gai, sâu xám, rệp, sâu đục thân và bọ xít. Có thể dùng một số loại thuốc thông dụng hiện nay trên thị trường như: Hopsan, Bassa, Fastac… để phòng trị.

– Bệnh hại: Mè thường bị 3 loại bệnh chủ yếu: đốm khô, héo khô và virút do lây truyền bởi rầy rệp. Cần chú ý phòng bệnh tốt bằng cách làm tốt vệ sinh đồng ruộng, chống úng, gieo trồng mật độ hợp lý. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh thông dụng như Champion, Vicarben…

– Chống úng là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Thu hoạch

Khi có khoảng 2/3 quả và lá ngã màu vàng (một số cây có vài quả dưới gốc đã khô) thì thu hoạch. Không nên thu hoạch sớm vì có nhiều hạt lép và làm giảm phẩm chất mè, thu hoạch muộn thì bị nứt nẻ hoặc hạt rơi vãi. Thu lúc trời nắng ráo. Dùng liềm cắt và bó thành từng bó có đường kính từ 10 – 15 cm, rồi dựng đứng các bó từ 3 – 5 ngày và đập lấy hạt, sau đó sàng sảy sạch và phơi tiếp 2 – 3 nắng. Khi đang phơi mà gặp mưa, nếu quả chưa khô thì ít bị ảnh hưởng, nhưng nếu quả đã khô thì ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất hạt. Có thể ủ trong mát 2 – 4 ngày trước khi phơi nhưng không được chất thành đống.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Mè Đen đơn giản

Vừng đen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt. Mọi người có thể tự trồng ngay tại nhà mình.

Mè đen còn gọi là hồ ma, du tử miêu, vừng đen có rất nhiều công dụng làm đẹp và chữa bệnh. Hơn nữa kỹ thuật trồng mè đen không khó nên mọi người có thể dễ dàng trồng cho thu hoạch cao nhất.

Thời vụ gieo trồng

Mè có thể trồng quanh năm, tuy nhiên tùy điều kiện địa hình của từng vùng chọn thời điểm xuống giống thích hợp và mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Mè là cây chịu hạn, nhưng để hạt giống nảy mầm tốt yêu cầu đất phải đủ ẩm, đất quá khô hay thừa nước đều làm hạt nảy mầm yếu và không đồng đều.

Vụ Đông Xuân: Gieo từ tháng 12-1 dương lịch, thu hoạch tháng 2–3 dương lịch, vụ này cho năng suất cao nhất trong năm, thuận lợi cho thu hoạch và phơi hạt dễ dàng, hạt có màu sáng đẹp, ít bị nấm mốc tấn công. Trồng mè vụ Đông Xuân cây ít đổ ngã, ít sâu bệnh, tuy nhiên trong vụ Đông Xuân cây mè khó cạnh tranh được với cây ngô, lạc.

Vụ Hè Thu: Nên trồng trên đất cao, thoát nước tốt, tránh úng khi gặp mưa nhiều. Gieo vào tháng 4-5 dương lịch thu hoạch vào tháng 6-7 dương lịch. Chủ yếu làm ở vụ Hè Thu, gieo trên đất màu hoặc đất lúa sau khi đã thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân. Vụ này hay gặp hạn khi gieo và gặp mưa to gây ngập úng cục bộ ở một số vùng vào thời kỳ thu hoạch. Vì vậy gieo càng sớm càng tốt.

Giống

Phân loại về màu sắc có hai loại: Mè đen: Dễ trồng, mọc khỏe, sai quả, chín muộn hơn mè trắng, thời gian sinh trưởng 3,0-3,5 tháng, thích hợp với đất và khí hậu đồi núi. Mè trắng: Loại quả tròn, sai quả, chín sớm, thời gian sinh trưởng 2,5-3 tháng, thích hợp với việc tăng vụ trồng xen.

Làm đất

Đất trồng mè: Thích hợp trên các chân đất thịt nhẹ, đất cát pha và thoát nước tốt. Làm đất: Hạt mè rất nhỏ nên phải làm đất thật kỹ, nếu không làm đất kỹ hạt mè sẽ bị vùi khó nảy mầm. Đất cày sâu 15-20 cm, bừa kỹ nhiều lượt. Làm đất thật nhỏ và sạch cỏ, sau đó tiến hành lên luống.

Trồng mè đen cần chút kỹ thuật chăm sóc cẩn thận

Lên luống: Lên luống cao 15-20cm, luống rộng 1,5-2,5m, rãnh rộng 30-35cm để thoát nước tốt, mặt luống có hình lưng rùa. Những vùng đất cát pha, tơi xốp, thoát nước tốt thì gieo mè xong mới vét rãnh thoát nước, tạo thành từng luống rộng từ 2,5-3m.

Kỹ thuật gieo

Gieo thưa, lượng hạt giống 3 kg/ha; trước khi gieo xử lý hạt giống bằng Polyram (3-5g/1kg hạt) hoặc Tricho ĐHCT (5g/1 kg hạt). Sạ lan cần trộn hạt giống với đất bột sạ cho đều, hoặc sạ hàng bằng công cụ sạ mè theo hàng.

Bón phân

Lượng bón cho 1 ha: 90N:40P2O5:60K2O +200-300 kg hữu cơ vi sinh + 200-300 kg vôi.

+ Cách 1: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg NPK 20:20:15 + 25 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 50 kg NPK 20:20:15 + 100 kg Urê + 25 kg Kaliclorua/ha.

+ Cách 2: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg Supe lân + 50 kg NPK 20:20:15 + 75 kg Urê + 35 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 90 kg NPK 20:20:15 + 60 kg Urê + 30 kg Kaliclorua/ha.

+ Cách 3: lót phân hữu cơ + vôi + 50 kg DAP + 100 kg Urê + 50 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 40 kg DAP + 60 kg Urê + 50 kg Kaliclorua/ha.

Quản lý nước

Mè đen có nhiều công dụng trong nấu ăn, làm đẹp và chữa bệnh

Nguyên tắc đất đủ ẩm, không đọng nước sau mưa, sau tưới, có hệ thống thoát úng tốt, tranh thủ xuống giống khi đất còn ẩm. Các giai đoạn cần nước của cây: nẩy mầm (sau gieo); bắt đầu ra hoa (20-25 ngày); đậu trái (30-35 ngày); trái chắc (40-50 ngày) và thời kỳ chín (60-65 ngày).

Tỉa thưa và dặm

Tỉa thưa: là kỹ thuật bắt buộc, giúp cây phát triển đồng đều, khỏe, phân cành mạnh. Tỉa sớm khi cây 12-14 ngày tuổi. Khoảng cách sau tỉa 25-30 cm. Nên sử dụng công cụ sạ hàng để giảm bớt công tỉa. Dặm mè: sau gieo từ 5-7 ngày, nếu diện tích mè chết 25% nên sạ lại.

Thu hoạch

Khi cây vừng có 3/4 số lá ngả vàng , quả đã cứng, chuyển màu từ vàng xanh sang vàng thẫm hoặc vàng nâu là thu hoạch được. Dùng liềm cắt cách gốc 10cm, đem về ủ 1-2 hôm cho rụng hết lá rồi tãi ra sân phơi có lót màng nilon hoặc nong nia trong 4-5 giờ, sau đó đập, sàng sẩy lấy hạt. Hạt vừng được phơi lại 1-2 nắng nữa cho khô (độ thủy phần khoảng 13%) thì đem tiêu thụ hoặc đưa vào kho bảo quản.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá tăng kỷ lục, ngành Điều vẫn khó

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,84 tỉ USD, đứng thứ 2 sau ngành cà phê.

Ngành điều VN dẫn đầu thế giới nhiều năm liền nhưng vẫn phát triển thiếu bền vững. Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm nay nhưng ngành điều VN hưởng lợi không bao nhiêu do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong nước mất mùa

Hiện tại đang vào vụ thu hoạch điều nhưng do năm nay mưa trái mùa phổ biến trên diện rộng với lượng lớn; thêm vào đó dịch bệnh phát triển nên năng suất và sản lượng ở các vùng nguyên liệu đều giảm. Ông Nguyễn Văn Quang ở xã Đak Ơ, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: Giá bán điều giữa tháng 3 này lên tới 45.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Dù giá cao nhưng ông Quang cũng chẳng vui nổi vì mất mùa nặng. Năng suất năm nay chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Hòa Hội, H.Xuyên Mộc cho biết: Giá điều ở mức chưa từng có với điều tươi 46.000 đồng/kg, điều khô 60.000 đồng/kg. Nhưng nhiều vườn điều ở địa phương bị sâu, bọ xít ùa vào chích hết từ lá non đến lá già, vườn chết khô y như bị cháy. Một số hộ kịp thời phun thuốc, kích thích trổ bông lại từ đầu nên có khả năng trong vòng 2 tháng nữa sẽ có thu hoạch nếu còn nắng. Trong khi đó, nhiều hộ bỏ mặc, thất thu đến 80%.

Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết mùa điều năm nay thu hoạch kém hơn các năm trước trong đó Lâm Đồng thiệt hại nặng nề nhất, mất mùa gần 80%. Một số tỉnh như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cũng thiệt hại khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu do sự bùng nổ của sâu róm đỏ và bọ xít muỗi. Toàn bộ hoa, chồi non đều bị bọ xít muỗi chích đến khô khốc, cháy đen, không thể thụ phấn, đậu quả. Các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg

Giá điều tăng đột biến cũng là do mất mùa, nguyên liệu khan hiếm. Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá thấp, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Người “khổng lồ” bị ép giá

Trong khoảng 10 năm qua, VN luôn dẫn đầu ngành điều thế giới ở cả khâu nhập và xuất khẩu. Năm 2016, VN chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong năm này, theo Bộ NN-PTNT, VN xuất khẩu đạt 347.000 tấn tương đương kim ngạch 2,84 tỉ USD; tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bỏ ra đến 1,6 tỉ USD để nhập 1 triệu tấn nguyên liệu chủ yếu từ châu Phi về sản xuất.

Dù dự báo sản lượng điều thế giới không giảm nhưng theo Vinacas, giá điều nhập khẩu không ngừng tăng khiến lợi nhuận thu về của ngành giảm mạnh. Cụ thể ngày 15.3, giá điều thô nhập khẩu tăng thêm 150 USD/tấn, đạt mức 2.000 USD/tấn. Lý giải về mức giá nguyên liệu điều tăng quá mạnh, ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho rằng, là do các doanh nghiệp (DN) của ta sợ thiếu nguyên liệu, tranh mua nên bị ép giá. “Chúng ta là nhà nhập khẩu điều lớn nhất thế giới mà vẫn bị ép giá là một sự thật hết sức vô lý. Sự tranh mua cũng bắt nguồn từ tranh bán, chỉ mạnh ai nấy làm nên dù là người “khổng lồ” trên thương trường thế giới nhưng chúng ta vẫn đang bị ép cả hai đầu” – ông Hồ Ngọc Cầm nói.

Nhưng mức giá 2.000 USD/tấn chưa phải là cao nhất. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay VN nhập khẩu 93.000 tấn tương đương 226 triệu USD, tăng gần 54% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính ra giá nhập khẩu bình quân đến 2.430 USD/tấn, tương đương khoảng 53.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm 2016, VN nhập khẩu 63.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tương đương 1.630 USD/tấn, rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg. Nghĩa là chúng ta càng nhập nhiều thì giá càng cao, càng làm nhiều, lợi nhuận càng ít đi.

Giá trị gia tăng thấp

Theo ông Cầm, 4 kg điều thô sẽ cho ra 1 kg điều chế biến. Với giá điều nhập khẩu là 2,43 USD/tấn thì để có 1 kg điều xuất khẩu với giá 9,1 USD chúng ta tốn tới 9,72 USD (2,43 x 4) để nhập nguyên liệu. Năm 2016 VN nhập khẩu

1 triệu tấn điều với giá trị 1,6 tỉ USD. Với công thức trên, để có một ký điều xuất khẩu chúng ta mất giá vốn 6,4 USD. Với giá xuất khẩu bình quân năm 2016 là 8.118 USD/tấn (tương đương 8,1 USD/kg), mức chênh lệch giữa mua – bán là 1,7 USD/kg. Khoản chênh lệch 1,7 USD phải gánh hàng loạt chi phí như lãi vay ngân hàng, lương nhân công, điện, nước, thuế, khấu hao máy móc… nên lợi nhuận thu về là rất thấp, thậm chí không ít DN không khéo thu vén sẽ bị lỗ. Vậy họ sống nhờ cái gì? Ông Cầm giải thích, có 3 yếu tố giúp các DN tồn tại. Thứ nhất là DN sống nhờ vào nguồn thu từ phụ phẩm trong quá trình chế biến điều. Thứ hai là cố gắng kềm giá thu mua điều trong nước để bù vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Thứ ba chính là có một số DN “lướt sóng” mua được nguyên liệu dự trữ lúc giá thấp. “Nhìn con số xuất khẩu 2 – 3 tỉ USD rất ấn tượng nhưng giá trị gia tăng mang lại rất khiêm tốn. Chúng ta cần nên tỉnh táo nhìn vào thực chất”, ông Cầm nói.

Điều – một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới

Không chỉ vậy, các DN còn đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nguyên liệu qua trung gian. Nhiều DN trong ngành thừa nhận, họ ít khi mua được nguyên liệu trực tiếp từ châu Phi mà chủ yếu qua các thương nhân Ấn Độ nên rủi ro về chất lượng hàng nhập khẩu rất lớn.

Vậy giải pháp nào cho ngành điều, một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành điều phát triển bền vững, cần chú trọng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tạo giống để tăng sản lượng từ 2 tấn/ha lên 3 – 4 tấn/ha, áp dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt, sản xuất, chế biến điều. Chỉ có như vậy, mới giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Đối với thị trường nhập khẩu cần có đàm phán cấp Chính phủ trong việc thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó các DN phải thật sự đồng lòng, đoàn kết để luôn có giá tốt trong cả mua và bán. Nếu không, câu chuyện của ngành sẽ giống như ngành cá tra – dù một mình một chợ vẫn thua thiệt.

Nguồn: tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Điều – Cây tỷ đô nguy cơ mất vị thế số 1 dù nhu cầu tăng, giá tăng

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, sản xuất hạt điều trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường và đang có dấu hiệu giảm sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp… Trong khi đó giá điều nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng do nhu cầu chế biến tăng, điều này khiến cho giá trị kinh tế của ngành điều sụt giảm rõ rệt.

Ngành điều đang đứng trước nhiều đòi hỏi về đổi mới giống, tái canh, chế biến sâu…

Nghịch lý từ thị trường

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển ngành điều, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu (XK) điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và giữ vị trí thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng điều. Năm 2016, ngành điều Việt Nam XK 347.000 tấn, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân.

“Chế biến sâu nếu không làm thì chúng ta sẽ thua. Làm sao 5-10 năm tới kim ngạch xuất khẩu điều đạt 5 tỷ USD? Chỉ cần giữ nguyên sản lượng, tập trung đầu tư chế biến sâu, tăng xuất khẩu là đạt được mục tiêu đề ra”. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam

Đánh giá về ngành điều, ông Lê Văn Liền – chuyên gia phân tích thị trường cho biết: “Hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm, song không thể đáp ứng nguồn cầu (tăng 6%/năm) do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu. Giá điều thô tăng cao do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác”.

Từ bức tranh cung cầu của ngành điều, ông Liền nhận định, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng trong vài năm gần đây. Giá điều thô tăng làm giá điều thành phẩm tăng, khiến người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động tiêu cực của thị trường.

Sản xuất điều trong nước đang đối diện với nghịch lý, trong khi ngành điều mang lại giá trị kinh tế cao xấp xỉ 3 tỷ USD/năm, nhưng nguồn lực đầu tư cho ngành điều lại chưa tương xứng, khiến ngành điều chưa phát huy hết tiềm năng và đang đối diện với muôn vàn khó khăn: Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang cây trồng khác.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Diện tích điều có xu hướng giảm, năm 2005 có trên 400.000ha, hiện nay chỉ còn khoảng 300.000ha, bên cạnh đó diện tích trồng mới cũng có xu hướng giảm. Diện tích điều già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80.000ha ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, công tác chọn giống chưa phù hợp, hệ thống tưới tiêu còn nhiều hạn chế”.

Cũng theo ông Sơn, một trong những yếu tố tác động lớn đến cây điều là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, mưa trái mùa cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất.

Nông dân đang nhặt hạt điều

Cần đẩy mạnh tái canh, chế biến sâu

Lo lắng ngành điều sẽ sụt giảm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ về hàng hóa nói chung. Cây điều được dự báo nhu cầu sẽ tăng 6%, nhưng cũng sẽ không đáp ứng được (chỉ 3-3,5%), điều này rất vô lý. Việt Nam đang chế biến trên 50% sản lượng điều thô thế giới. Vậy nhưng mỗi năm diện tích trồng điều trong nước đang thu hẹp, sản lượng thấp dần, chỉ tự đáp ứng được trên 30% nguyên liệu”.

Bộ trưởng Cường đặt câu hỏi: Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay tự chúng ta làm cho hạt điều không còn hấp dẫn. Vì vậy nếu không có sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân, ngành điều sẽ đi xuống…

Nhiều chuyên gia cho rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Ông Lê Văn Liền cho hay: “Nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều xuất khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha”.

Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệ quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Giáo sư-Viện sĩ Trần Đình Long – thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Pan cũng nhấn mạnh: “Ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả. Tập đoàn Pan sẽ hình thành viện nghiên cứu giống điều, tự làm giống. Viện nghiên cứu này sẽ giải quyết vấn đề giống điều để tạo ra các giống cho chất lượng, năng suất cao”.

Nguồn: tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đổi đời nhờ Điều cao sản

Ông Nguyễn Trọng Sử (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã trên 30 năm gắn bó với nắng mưa, bùn đất, cuối cùng bén duyên với cây điều.

Bà Giáp Thị Luyện (vợ ông Sử) bên vườn ươm giống điều cao sản

Nhờ tâm huyết và chịu khó lao động, cây điều đã cho gia đình ông sung túc…

Gian nan lập nghiệp

Năm  1981, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Sử và bà Giáp Thị Luyện rời quê Hà Tĩnh đến vùng đất Trảng Bom để bắt đầu một cuộc sống mới. Cả hai vợ chồng đều tay trắng, thứ họ sở hữu chỉ là sức khỏe và ước mơ có cuộc sống ổn định, bớt nhọc nhằn.

Trong những năm đầu tiên tại vùng đất này, cuộc sống của hai vợ chồng ông rất vất vả, làm lụng quanh năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, lý do vì điều kiện thổ nhưỡng không tốt, đất đai khô cằn dẫn đến năng suất cây trồng kém.

“Lúc đó chưa có điều kiện áp dụng kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho nông nghiệp còn thiếu thốn, đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn lắm!”, ông Sử nhớ lại.

Năm 2001 là một năm đáng nhớ trong quá trình vươn lên làm giàu của gia đình ông Sử. Trong một lần xem tivi về chương trình nông nghiệp có phát một phóng sự về cây điều, ngay lập tức, ông Sử nhận thấy tiềm năng lớn của loại cây này.

Một thời gian ngắn sau đó, ông quyết tâm trồng thử cây điều trên mảnh vườn 1 ha của mình. “Tôi cũng run lắm, lo cảnh “được ăn cả, ngã về không”, mà chuyện tìm mua được giống điều tốt lúc đó không đơn giản. Lúc đó chủ yếu là giống thực sinh, khả năng chống chọi với sâu bệnh hạn chế, chưa cho năng suất cao, hạt nhỏ nên thường bị thương lái chê và định giá thấp.

Nhưng cứ như bị mê hoặc bởi cây điều, tôi nung nấu quyết tìm bằng được giống điều tốt để “thay máu” vườn điều thực sinh. Ngày đêm tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sâu hơn về cây điều, cứ thấy ở đâu có lớp học phổ biến cách trồng và chăm sóc điều là tôi bỏ thời gian đi học. Lớp học ở xa tôi cũng dành thời gian lặn lội đến tận nơi, đồng thời tìm thêm sách báo đọc, đúc kết kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả. Kiến thức về cây điều của tôi cứ vậy mà dày lên”, ông Sử kể lại.

Lý thuyết nắm vững, năm 2009, ông Sử mạnh dạn chặt bỏ giống điều cũ (điều thực sinh) và trồng 3 giống điều mới. Ông hể hả: “Giống điều mới cho năng suất cao hơn gấp 3 lần so với giống điều cũ, khoảng 4 tấn/ha, khả năng chống chọi với sâu bệnh cũng tốt hơn và cũng dễ chăm sóc hơn. Giống điều mới có ưu điểm hạt to (giống AB29 và AB05-08 khoảng 130 hạt/kg), thương lái cũng khen hơn, giá bán vụ rồi lên tới 29.000 đ/kg tươi”.

Nâng cấp vườn ươm

Sau khi trồng điều cao sản thành công, ông Sử nghĩ đến chuyện ươm giống điều. Ông tiếp tục tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu về cách thức nhân giống tại nhiều nguồn, nhiều nơi để thực hiện ước mơ của mình.

Bắt đầu chỉ từ 1.000 m2 đất trồng điều, đến nay cơ ngơi của ông Sử là một căn nhà khang trang ngay mặt tiền QL 1A; 1 cơ sở vườn ươm giống điều kỹ thuật cao mang tên Trung Thành chuyên cung cấp điều giống cao sản với tổng diện tích 3,5 ha; 1 vườn điều cao sản rộng 5 ha, một của hàng kinh doanh giống các loại nông sản như gạo, bắp, khoai…

Hiện cơ sở vườn ươm điều kỹ thuật cao của ông Sử đang SX trên 300.000 cây điều giống, xuất đi khắp nơi. Ông Sử chia sẻ: “Giống điều cao sản cho hạt to, đẹp, xuất khẩu giá trị cao. Khi cây đạt độ tuổi từ 7 năm trở lên, năng suất kỳ vọng có thể lên tới trên 5 tấn/ha”.

Không ngừng ở đó, ông Sử đang phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) để tiếp tục tìm hiểu các giống điều mới và nhân rộng phục vụ bà con nông dân.

Trái điều cao sản 

Vườn ươm giống điều kỹ thuật cao và vườn điều cao sản của ông cũng là điểm đến thường xuyên của các lớp tập huấn cải tạo vườn điều, là nơi ông chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Sự quyết tâm, tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm đã “biến” người nông dân nghèo Nguyễn Trọng Sử trở thành tỷ phú điều.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đặc điểm thực vật học của cây điều

Dưới đây là đặc điểm hình thái tiêu chuẩn của cây điều, căn cứ vào những đặc điểm thực vật học này bà con có thể nhận biết được những giống điều nào sẽ là giống điều tốt để xây dựng vườn điều có khả năng thích nghi cao và cho năng suất ổn định trong suốt thời kỳ sinh trưởng.

Điều là cây công nghiệp lâu năm có tuổi thọ lên tới 40 năm tuổi, cây thường cho năng suất ổn định trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm sau khi trồng.

Rễ cây điều

Cây điều thuộc loại rễ cọc, các rễ ngang phát triển mạnh để tìm kiếm chất dinh dưỡng, cây điều có thể ăn sâu vào đất. Khi trồng nơi đất tơi xốp thì chỉ cần sau 2 đến 3 tháng cây đã có thể cắm sâu xuống 80 cm, sau khi trồng được 5 đến 6 tháng cây đã có thể ăn sâu vào đất tới 2m.

Tùy vào loại đất và khả năng sinh trưởng của cây, bộ rễ của cây điều có thể ăn sâu hàng chục mét và có thể lan rộng ra bán kín tán từ 50 đến 60 cm chính vì vậy mà cây có khả năng chịu hạn rất tốt, có thể sinh trưởng bình thường trong mùa khô, không có nước từ 5 đến 6 tháng.

Thân

Vì là cây lâu năm nên cây điều thường có thân cao từ 6 đến 8m, nếu sống trong điều kiện sinh trưởng tốt cây có thể cao tới 10 m. Trong thân cây và cành thường có nhiều mủ. Tán cây thường có dạng hình dù, cành thường phát sinh theo chiều ngang nên khi còn nhỏ cành thường hay mọc sà cong xuống đất.

Cây điều là cây ưa sáng nên thân có thể mọc tốt ở những nơi có ánh sáng mạnh, khi có đầy đủ ánh sáng, cành có thể vươn rộng nên bà con cần chú ý trong công đoạn tỉa cành tạo tán và trồng cây ở mật độ thích hợp để tăng khả năng vươn của cành.

Lá cây điều

Cây điều có bộ lá thường tập trung ở đầu cành, lá thường có chiều dài từ 10 đến 20 cm, chiều rộng từ 5 đến 10 cn, cuống lá ngắn. Phiến lá khá dày với những đường gân nổi rõ, đặc biệt là mặt dưới các đường gân nổi bật lên. Kho còn non lá điều thường có màu đỏ hoặc hơi xanh nhạt, khi già lá chuyển sang màu xanh đậm.

Bộ tán của cây điều thường rất rộng, khi cây trưởng thành và phát triển thành thục trong điều kiện sinh trưởng thuận lợi thì bộ tán có thẻ rộng đến 5m tính từ gốc, thông thường một cây điều trưởng thành thường có bộ tán chiếm diện tích lên tới 50 đến 60 mét vuông khi cây đạt 6 đến 7 tuổi.

Hoa cây điều

Cây điều thường ra hoa vào lúc kết thúc mùa mưa chuẩn bị chuyển sang mùa khô. Hoa điều có cả hoa đơn tính và hoa lưỡng tính. Hoa mọc thành từng chùm, mỗi chùm có khoảng từ vài chục hoặc hàng trăm hoa.

Hoa điều có màu vàn hoặc trắng có vằn đỏ, đôi kho hoa có màu hồng đẹp. Hoa điều có 5 cánh, đối với hoa đực chỉ có nhị đực còn hoa lưỡng tính thì có tới 8 đên 10 nhị đực và 1 nhụy cái. Thông thường thì chỉ có 1 nhị đực ở hoa lưỡng tính phát triển đầy đủ các chức năng và có khả năng tung phấn, các nhị khác thường không có khả năng thụ phấn.

Hoa điều

Hoa điều thường mọc ở đầu cành và bao gồm cả hoa đực lẫn hoa lưỡng tính. Hoa thường chỉ thụ phấn bằng côn trùng hoặc gió. Hoa thường nở vào buổi sáng, tuy nhiên nếu trong lúc hoa đang nở mà xuất hiện mưa thì bao phấn sẽ không thể nứt ra để phấn rớt vào nên quá trình thụ phấn sẽ không xảy ra khiến mất mùa.

Cây điều sau 3 năm trồng mới thì bắt đầu trổ hoa, thời gian ra hoa thường kéo dài khoảng 3 tháng và chia thành 3 pha rõ rệt gồm:

  • Thời điểm hoa đực thứ nhất nở thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày, lúc này có khoảng từ 19 đến 100% là hoa đực nở.
  • Thời điểm cả hai loại hoa lưỡng tính và hoa đực cùng nở thường kéo dài khoảng 70 ngày. Trong đó có khoảng từ 0 đến 60 % là hoa đực nở còn lại khoảng từ 0 đến 20% là hoa lưỡng tính nở.
  • Thời điểm hoa đực thứ hai nở thường chỉ kéo dài 13 ngày có khoảng từ 0 đến 67% là hoa đực nở.

Như vậy thời điểm hoa lưỡng tính và hoa đực nở thường chênh lệch nhau tới 1/6 nên  chùm hoa thường có nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 10,2%.

Trái cây điều

Điều hay còn được gọi là đào lộn hột bởi trái điều thật ra chỉ là một trái giả với phần cuống quả phình to tạo thành. Trái điều thật chính là hạt điều mà chúng ta sử dụng.

Sau khi thụ phấn thành công thì trái thật của quả điều (chính là hạt điều) sẽ phát triển kích thước rất nhanh. Trong vòng 1,5 tháng là có khả năng đạt kích thước tối đa. Từ đó quả không bắt đầu phát triển nữa mà chuyển sang phình to phần cuống quả thành quả giả. Như vậy trái điều thường có hai phần là trái thật và trái giả.

 

Trái điều

Trái giả thường chiếm trọng lượng rất lớn, tới 90% do phần cuống quả phình to có hình quả lê, khi chín quả điều thường có màu hồng hoặc màu vàng, trọng lượng quả giả thường từ 45 đến 60g. Trái điều vàng thường lớn hơn và có hàm lượng đường cao hơn điều đỏ.

Trái thật (hạt quả) thường chỉ chiếm 10% trọng lượng quả. Hạt điều thường có dạng hình hạt đậu lớn, lớp vỏ ngoài thường có màu xám xanh khi còn tươi và sau quá trình phơi khô sẽ chuyển sang màu nâu. Hạt điều thường nhẵn có trọng lượng thường từ 3-5 g một hạt.

Để lấy được nhân hạt điều bà con cần loại bỏ lớp vỏ hạt (lớp vỏ hạt này thường chiếm tới 70% trọng hạt và có vỏ dày đến 3mm), vỏ hạt cũng được chia làm 4 phần để bao bọc lấy nhân. Ngoài cùng là vỏ ngoài rất dai và cứng, tiếp đến là vỏ giữa khá xốp, vỏ giữa thường chiếm 30% trọng lượng vỏ, đây là phần chứa dầu của hạt điều. Để lấy được nhân điều chúng ta cần loại nỏ lớp vỏ này nhưng nó có chứa chất Urushion rất độc với da người. Cuối cùng là vỏ trong rất cứng sau đó mới đến lớp vỏ lụa mỏng bên ngoài bao bọc lấy phần nhân màu trắng.

Nhân điều

Nhân điều có chứa nhiều dầu, chất béo, có hương vị thơm ngon, vị bùi béo nên được sử dụng nhiều trong việc chế biến bánh kẹo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giới thiệu chung về cây Điều

Điều (Đào lộn hột) là một trong những cây công nghiệp lâu năm đang được trồng nhiều tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, một số ít có thể trồng ở các tỉnh miền Tây.

Trái điều

Điều thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt là những vùng có đất cằn cỗi cây điều vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt nên thường được chọn là cây “xóa đói giảm nghèo” có giá trị hiệu quả kinh tế cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà con tìm hiểu được nguồn gốc cũng như những giá trị kinh tế của cây điều.

Nguồn gốc và phân bố địa lý

Phân loại khoa học.

Giới: Plantae
Bộ: Sapindales
Họ: Anacardiaceae
Chi: Anacardium
Loài: A. Occidentale
Cây điều (Anacardium occidentale) có nguồn gốc xuất hiện ở vùng Đông Bắc Brazil, cây mọc hoang dại trên các bãi cát ven biển và một số vùng đất xung quanh. Sau khi phát hiện thấy giá trị của nó người ta bắt đầu trồng điều trên một diện tích và biến nó trở thành một cây công nghiệp.

Vào thế kỷ thứ 16 cây điều thường chỉ được sử dụng để che phủ và chống xói mòn cho đất. Một số người Bồ Đào Nha đã mang điều đến trồng ở Ấn Độ, Malaysia và một số nơi ở vùng bờ biển Đông Phi sau đó nó được nhiều người biết đến và trồng rộng rãi tại các nước nhiệt đới ở Châu Á.

Điều thường trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới có vĩ tuyến từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam. Điều được trồng phổ biến lên tới 50 quốc gia và nơi trồng nhiều điều nhất là Ấn độm Mozambich, Brazil, Malayxia, Srilanca, Philipines, Tanzania, Nigieria, Kênia.

Việt Nam đang là có sản lượng điều nhân xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới. Điều thường chỉ được trồng ở các tỉnh phía Nam nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và có một số ít trồng ở miền Tây. Hiện nay các tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất gồm Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Thuận và Bình Định.

Giá trị của cây điều

Giá trị kinh tế cao nhất của cây điều đến từ nhân hạt điều bởi nó có chứa đa dạng các chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó hàm lượng chất béo chiếm tới 44.9 %, tinh bột chiếm 19,82%, đường là 13,48 %, ngoài ra còn có chứa 2,49% là canxi, photpho sắt và các loại vitamin như B1, B2, D, E, PP,…. Nhân hạt điều có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như điều rang, bánh kẹo nhân điều.

Hạt điều chứa nhiều dinh dưỡng

Ngoài công dụng để chế biến các món ăn thì điều cón có thể ép dầu, trong vỏ hạt điều thường có chứa từ 23 đến 28% dầu. Dầu vỏ điều thường rất dễ cháy, có màu đẹp nên thường được sử dụng để chế vecni cho đồ gỗ, sơn chống thấm hay sơn chịu nhiệt. Ngoài ra dầu điều còn được sử dụng trong một số loại thuốc nhuộm hay cả mỹ phẩm.

Thông thường nhiều người thường không sử dụng trái điều vì nó thường gây tưa lưỡi. Tuy nhiên trái điều có chứa hàm lượng vitamin C nhiều rất 5 lần quả cam, ngoài ra còn có vitamin B2 cùng các chất khoáng, đạm, đường và tanin rất tốt cho sức khỏe. Một số nơi đã sơ chế điều để làm rượu nhẹ hoặc nước giải khát lên men.

Điều là một trong những cây công nghiệp có dầu thích hợp trồng ở các tỉnh miền Nam nước ta, hiện nay để có tới 50 tỉnh trồng điều và diện tích điều sẽ còn tăng cao khi giá trị kinh tế của điều đang được khẳng định nhờ nhân hạt có giá trị xuất khẩu lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng mới cây Điều giúp đạt năng suất cao

Cây điều là một cây công nghiệp có tuổi thọ lâu dài nên kỹ thuật chăm sóc điều cũng cực quan trọng để đảm bảo điều cho năng suất cao và ổn định qua nhiều năm. Nhưng trước khi chăm sóc chúng ta cần phải chú trọng đến công đoạn làm đất cũng như thời vụ trồng điều hợp lý để cây có bộ rễ sinh trưởng mạnh và thích nghi tốt trong thời gian dài.

Cây điều

Chuẩn bị cây giống

Cây giống cần đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn chọn lựa của những cây đầu dòng, giống đã được gieo tạo trong bầu PE, có kích thước bầu đất là 20×30 cm, chiều cao cây cần lớn hơn 30 cm, các vết ghép liền không bị hở, cây sinh trưởng khỏe mạnh và không bị nhiễm sâu bệnh.

Thời vụ trồng

Thời vụ thích hợp nhất để trồng mới điều chính là trong mùa mưa, khi mưa đã ổn định và thường xuyên có từ 2 đến 3 đợt mưa trong một tuần. Như vậy cây sẽ có đầy đủ nước và điều kiện thuận lợi để sinh trưởng hơn.

  • Đối với vùng Duyên hải Nam trung bộ bà con nên trồng điều vào tháng 9 hoặc tháng 10.
  • Đối với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thì nên trồng điều vào tháng 6 hoặc tháng 8 là hợp lý,

Nếu không trồng điều được điều trong mùa mưa bà con nên chú ý xới đất quanh gốc và tủ cỏ để đảm bảo độ ẩm cho cây.

Đào hố

Tùy vào điều kiện đất đai và cả mật dộ trồng bà con có thể đào hố theo hình hộp vuông với kích thước 50x50x50 cm hoặc 60x60x60 cm là hợp lý.

Bón phân lót

Sau khi đào hố bà con cần tiến hành bón lót để tạo điều kiện thuận lợi cho cây điều phát triển.

  • Trộn lớp đất đã đào lên với khoảng 10 đến 20 kg phân chuồng được ủ hoai cùng với 0,5 – 1 kg phân lân nung chảy cùng 1 kg vôi bột để cải tạo đất.
  • Sau khi trộn phân bà con nên dùng cuốc cào đất lấp đất vào trong lòng hố đã đào trước đó  rồi dùng que nhỏ đánh dấu tâm hố đã lấp đất để tiện cho việc trồng mới điều đúng vị trí.

Trước khi trồng mới điều khoảng từ 15 đến 30 ngày bà con cần tiến hàn đào hố và lấp phân bón lót để đất được độ phì nhất định.

Trồng mới cây điều

Khi đã chuẩn bị xong đất trồng điều, bà con bắt đầu đem cây điều đạt tiêu chuẩn xuất vườn ra vườn và tiến hàng trồng mới điều.

  • Đầu tiên cần đào một hố nhỏ ngay vị trí đã cắm cây nhỏ khi trộn phân đánh dấu lúc trước.
  • Tiếp đến dùng dao sắc cắt bỏ khoảng 2 đến 3 cm ở phía dưới đáy bầu, loại bỏ ngay rễ đuôi chuột nếu có.
  • Đặt cây điều xuống vị trí hố nhỏ đã đào, đặt bầu ở chính giữa và chú ý là là mặt bầu chỉ thấp hơn mặt đất nền khoảng từ 5 đến 10 cm thôi nhé.
  • Dùng dao sắc rạch một đường theo chiều dọc của bầu rồi kéo túi nilon ra.
  • Dùng lớp đất đã đào lên lúc trước để lấp hố bầu. lấp đất sao cho mặt bầu chỉ thấp hơn mặt đất nền khoảng từ 2 đến 3 cm.
  • Nén chặt phần đất vừa lấp xuống và có thể cố định cây nếu trồng ở nơi có gió lớn bằng một cây nhỏ.
  • Rải thêm 10- 20g Furadan quanh hố trồng để hạn chế kiến và mối tấn công.

Như vậy là đã hoàn thành bước trồng mới điều rồi. Sau khi trồng bà con cần chú ý trồng dặm và tiêu nước cho cây hợp lý để cây không bị úng nước nhé.

Sau 15 ngày trồng cần thăm vườn thường xuyên để thay thế ngay những cây bị chết hoặc yếu ớt không thích nghi bằng những cây khỏe mạnh hơn. Cây điều con không chịu được khi đất bị úng nên bà con cần phải tạo rãnh thoát nước kịp thời để chống úng cho cây.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cây Điều

1. Sâu đục thân

Có 2 loại phá ở thân và loại đục càng:

a. Sâu đục thân gốc: Trưởng thành là xén tóc màu nâu đỏ. Ðầu, ngực màu đậm hơn, dài khoảng 5 – 6 cm, con cái đẻ trứng vào các vết nứt trên thân gần gốc. Sâu non nở ra có màu trắng vàng nhạt đục vào bên trong thân cây theo nhiều đường ngoằn ngoèo và ăn vào tận trung tâm làm tắc nghẽn các mạch dẫn nhựa nuôi các cành bên trên nên dần dần cây bị suy và chết, lỗ đục do ấu trùng của sâu đục thân có nhiều phân và chất thải giống mạt cưa cùng nhựa cây tiết ra. Giai đoạn sâu non dài khoảng 7 – 8 tháng, lúc lớn nhất có thể dài 6 – 7 cm. Nhộng thường ở phần vỏ gần mặt đất trong các vỏ cứng màu trắng hình bầu dục dài.

Phòng trừ sâu bệnh hại để có được chất lượng điều tốt nhất

b. Sâu đục thân cành: Xén tóc màu đen, có lốm đốm bông ở mặt lưng, kích thước khoảng 3 – 3,5 cm, con cái đẻ trứng ở vỏ cây, thường ở các nơi phân cành. Sâu non nở ra đục vào cành làm tắc mạch dẫn nên dần dần bị khô, sâu thường tiết tơ kết dính phân và miếng vụn của cây tạo những dây dài.

Phòng trừ: sâu đục thân và đục cành có vòng đời dài sống quanh năm. Do sâu đục bên trong thân, cành hoặc rễ cây nên rất khó trị, vì vậy cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm khi sâu mới đục ở phần vỏ, phòng trừ bằng các cách:
– Bóc chỗ vỏ có dấu sâu đục hoặc vạt nơi sâu đục thân để bắt sâu non, nhộng và trứng, cưa bỏ và tiêu huỷ các cành bị đục.
– Sử dụng hóa chất: dùng bình bơm hoặc xi lanh bơm dung dịch thuốc trừ sâu như: Sago-super 20EC, Dragon 585EC, Diaphos 50ND. . . Hoặc đặt các miếng gòn có tẩm các loại thuốc trên vào nơi có sâu đục, bịt kín lỗ đục lại bằng đất sét.
– Quét vôi hoặc trộn Sago-super 3G hay Diaphos 10H với bùn loãng (gồm đất sét + phân trâu bò) theo tỉ lệ 1:4 quét lên thân cây từ 1m trở xuống vào đầu mùa khô (tháng 12 dl) để ngăn chận sự đẽ trứng và ấu trùng xâm nhập.

2. Côn trùng chích hút

Quan trọng nhất là bọ xít muỗi và bọ trĩ, ngoài ra còn có rầy mềm (Aphid).

a. Bọ xít muỗi: Con trưởng thành và con non có dạng gần giống nhau. Bọ xít có màu nâu đỏ, ngực đen. Trưởng thành dài 6 – 8 mm. Xuất hiện quanh năm nhưng mậtsố tăng cao và gây hại nặng vào cuối mùa mưa đến sau thu hoạch, cao điểm vào tháng 12 – 1 dl
Con cái đẻ trứng vào chồi non. Thời gian sâu non ngắn khoảng 10 ngày, cả con non và con trưởng thành chích hút trên lá non, chồi non, cành hoa, trái và quả non. Nơi bị chích hút có tiết nhựa màu trắng trong, lá non bị chích khô trắng lại, khó rụng, có khi khô cả chùm hoa, trái non rụng nhiều. Vết chích bị nấm phụ snh tấn công nên có màu đen, rất dễ lầm với bệnh thán thư
Bọ xít muỗi thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều mát, nó có thể sống trên nhiều loại cây như: ổi, xoài, tiêu. Nhưng cũng có nhiều thiên địch có thể diệt bọ xít.

b. Bọ trĩ (Thrip): Con trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 1mm, màu vàng nâu, cánh có lông tơ. Con cái có thể đẽ từ 30 – 50 trứng rất nhỏ ở mặt dưới lá dọc theo gân chính của lá non. Trứng nở sau 4 – 6 ngày. Bọ trĩ non màu vàng nhạt, rất khó thấy bằng mắt thường (chỉ dài 0,2mm), lột xác 2 – 3 lần kéo dài 12 – 18 ngày. Do vậy có rất nhiều thế hệ liên tiếp nhau gây hại nặng cho điều vào đầu mùa khô. Cao điểm vào tháng 12 – 2 dl lúc trời nắng nóng.
Cả bọ trĩ trưởng thành và con non đều gây hại bằng cách cứa rách lớp biểu bì ở các bộ phận non và liếm hút nhựa chảy ra, dẫn đến lá đọt kém phát triển và có màu trắng bạc, hoa và trái non bị khô và rụng, vỏ hạt bị hiện tượng da cám, vỏ trái giả bị chai sần, nứt chảy nước và thối.

c. Rầy mềm (Aphid): Con non có dạng tròn lớn hơn hạt mè, màu hồng có một lớp phấn trắng. Rầy bám thành từng mảng dày trên chồi lá, chồi hoa, hoặc chích hút nhựa ở trái non, sau đó chất thải của rầy bị nấm ký sinh làm đen trái non và rụng.

Phòng trừ: Côn trùng chích hút phá hoại nhiều vào giai đoạn điều ra đọt non và ra bông-kết trái. Vì vậy từ tháng 11 dl phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu,
– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa là biện pháp tích cực nhằm chủ động hạn chế mật độ nhóm côn trùng chích hút khi điều ra bông-kết trái.
– Sâu nhiều có thể diệt bằng các loại thuốc như: Secsaigon 10EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC…
Chú ý nên xịt lúc sáng sớm và chiều mát và không nên dùng các loại thuốc nhủ dầu với nồng độ cao có thể làm hại bông.

3. Sâu hại lá

Có 3 loại:

a. Sâu đục lòn lá: sâu rất nhỏ đục vào biểu bì lá non, tạo thành những vết phồng màu trắng.

b. Sâu róm đỏ: lúc nhỏ sống thành từng đàn trên một vài lá. Khi lớn phát tán ra. Nhiều lúc ăn trụi lá cả cây. Sâu hóa nhộng trong những kén tơ vàng ánh. Sâu có thể gây dịch lớn. Sâu xuất hiện vào đầu mùa khô.

c. Sâu kết lá: sâu non màu nâu đen, sâu nhả tơ kết lá thành tổ. Sâu xuất hiện nhiều vào đầu mùa khô.

d. Sâu kèn: Có nhiều loại. Sâu thường nhả tơ kết dính thành tổ có dạng khác nhau tùy loại sâu sống bên trong, di chuyển cả tổ đi ăn phá lá. Sâu xuất hiện nhiều vào giữa mùa mưa (tháng 7,8) và đầu mùa khô. Sâu có thể gây dịch.

e. Câu cấu: Là những con cánh cứng, có nhiều loại với kích thước 5 – 6 mm đến 15 – 18 mm, có thể có màu xanh lá mạ ánh vàng, màu nâu đen. Sâu thường buông mình rơi xuống khi bị động. Sâu có thể phá hoại nhiều cây khác nhau như tràm bông vàng, ổi, xoài…

f. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ hung, sâu đo, mối đôi lúc cũng gây hại cục bộ .

Phòng trừ: 
Có thể dùng những loại thuốc đã nêu trên như: Secsaigon 10EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC… để phòng trị

4. Bọ vòi voi đục chồi (đục nõn)

Có kích thước nhỏ 7-8 mm, màu đen, phần miệng kéo dài như vòi voi. Trưởng thành đẻ trứng vào các chồi non, sâu chích hút chồi làm cây không phát triển được, sâu phá nhiều vào giai đoạn ra đọt non.
Nên cắt bỏ, gom đốt các chồi hư. Khi mật độ nhiều có thể dùng các loại thuốc như Secsaigon 25EC, Sapen Alpha 5EC, Fenbis 25EC, Sago-super 20EC… để trị.

5.Bệnh hại điều

Có thể gặp các bệnh quan trọng như bệnh thán thư (khô đen bông, đen rụng trái non), bệnh nấm hồng (chết khô cành) và một số bệnh ít quan trọng như nấm bồ hóng, rong bám lá, thối cổ rễ cây con, đốm lá,

a. Bệnh thán thư:
Do nấm Collectotrichum gloeosporioides gây ra. Là bệnh rất phổ biến ở các vùng trồng điều và thường gây hại nặng trên cây điều trong điều kiện ẩm độ cao và mưa nhiều hay lúc cây điều đang trổ hoa gặp sương mù dày đặc kèm theo nhiệt độ thấp từ 24-32ºC.

Bệnh thán thư ở cây điều

Triệu chứng: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ có màu nâu đỏ, sau đó xảy ra hiện tượng tiết gom (chảy nhựa). Vết bệnh trên chồi non phát triển theo chiều dọc và lan dần vòng tròn hết cả chồi. Lá non bị bệnh trở nên khô đen, vỡ nát. Hoa bị khô đen, cụp xuống và rụng. Hạt bị bệnh thường bị thối đen, nhăn lại.
Phòng trị: Sau khi thu hoạch phải tiến hành tỉa bỏ những cành vô hiệu, cành sâu bệnh giúp cây thông thoáng, ánh sáng chiếu xuyên vào tán cây. Phun phòng trị bằng các loại thuốc:
+ Dipomate 80WP: 25 – 30 gam/8 lít nước
+ Carbenzim 500 FL: 15 – 20ml/8 lít nước
+ Thio-M 500 SC: 15 – 20 ml/8 lít nước
Có thể hỗn hợp với thuốc trừ sâu để phun ngừa luôn bọt xít muỗi và bọ trĩ. Nên phun vào các giai đoạn sau:
+ Giai đoạn 1: khi vừa ra lá non (phun từ 1-2 lần)
+ Giai đoạn 2: Khi vừa nhú hoa
+ Giai đoạn 3: Khi vừa đậu trái đến khi trái to bằng hạt đậu phộng.
Cần chú ý theo dõi thường xuyên, kiểm tra chính xác tác nhân gây hại trên hoa điều, để phân biệt là: Bọ xít muỗi, bọ trĩ hay bệnh thán thư để sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm gây hại, cũng như đúng liều lượng và cách phun thuốc phù hợp.

b. Bệnh nấm hồng: 
Tác nhân gây bệnh giống như bệnh nấm hồng cây cao su. Bệnh xuất hiện vào giữa mùa mưa (tháng 6 – 9), cây nhiễu bệnh từ đọt cành xuống, có các đốm trắng trên vỏ cành, sau chuyển thành hồng gây chết khô cành.

Phòng trị:
– Cắt, gom đốt bỏ cành bệnh.
– Dùng Bordeaux bôi vết cắt, phun hay Vanicide 5L với nồng độ 15 ml/8 lít.
– Nơi thường bị bệnh, ngừa bằng thuốc trừ bênh Vanicide 5SL hoặc Saizole 5SC vào tháng 5 – 7 dl.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.