Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tre lấy măng

Ngoài việc được chế biến thành nhiều món ăn ngon thì măng tre còn có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch…

Cây măng tre giống.

1. Thời vụ và đất trồng

Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Đất thấp có thể làm thối măng tre. Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi đặt cây con từ nửa tháng đến một tháng. Hố có kích thước mỗi cạnh 60cm và sâu 60cm. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10 – 15 kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ, …) cộng với 0,5-1 kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố.

Tùy loại đất mà tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau như: 3 x 3m, 4 x 4m, 4,5 x 4,5m và 5 x 5m.

Nếu có đủ nước tưới có thể trồng bất cứ tháng nào trong năm. Riêng vùng đất chân núi, đất giồng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa.

Măng tre

2. Chọn giống và trồng tre

Hiện nay, trên thị trường có những giống tre trồng lấy măng phổ biến như tre tàu, tre mạnh tông, tre bát độ, tre lục trúc…

Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7 – 8 tháng tuổi để làm giống.

Hom gốc: Nhân giống tre bằng hom gốc phải có một phần thân tre khoảng 7 – 8 tháng tuổi, có 3 lóng dài từ 80 – 100cm, có đường kính từ 7cm trở lên. Đem một thân ngầm, có chồi mầm không dập nát, không bị thối, đem ươm ở vườn ươm thời gian từ 3 – 4 tháng rồi đem trồng.

Hom thân: Chọn cây tre 7 – 8 tháng tuổi cưa ở gốc, phần tiếp giáp với thân ngầm, đem về đục lỗ trên các lóng theo hướng thẳng góc với cành. Sau đó đem đặt ở các luống tại vườn ươm, lấp đất vừa đủ kín thân cây tre (đất vườn ươm đã được cày bừa và bón phân hữu cơ đầy đủ). Kế tiếp đổ nước vào các lóng tre cho đầy rồi đậy lại để giữ ẩm, vườn ươm có làm giàn che mát 70 -80%, tưới ẩm thường xuyên. Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra cành mới và rễ thứ cấp thì bứng lên, cưa từng đoạn đem trồng.

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể tìm mua cây giống ở các vựa nông sản.

Sau khi chuẩn bị đất trồng và giống xong đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 45 độ (nếu là hom gốc),dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.

Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữ ẩm vào mùa khô.

Tre măng mới thu hoạch

3. Chăm sóc

Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15 – 20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1 kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch. Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại.

Thường xuyên làm cỏ, vun xới, tấp cỏ rác mục vào gốc cây để cho măng to và nhiều hơn.

Măng tre bóc vỏ

4. Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, cây tre sẽ cho thu hoạch măng sau khoảng 2 năm trồng. Sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh và cách phòng trị bệnh ở cây cao su

1. Bệnh phấn trắng

Tác nhân: Do nấm Oidium heveae. Bệnh gây hại trên cây cao su ở mọi lứa tuổi, mùa bệnh vào giai đoạn cây cao su ra lá mới từ tháng 2 đến tháng 5, bệnh hại nặng ở những vùng cao có khí hậu lạnh và thường xuyên có sương mù.

Triệu chứng: Lá non từ 1-10 ngày tuổi bị rụng dần để lại cuống trên cành, lá trên 10 ngày tuổi không bị rụng mà để lại vết bệnh với nhiều dạng loang lổ, hai mặt lá có bột màu trắng và nhiều ở mặt dưới lá. Các dòng vô tính nhiễm nặng: VM 515, PB235, PB255, RRIV4&

Bệnh phấn trắng ở cây cao su

Phòng trị

Dùng thuốc Sumieght 0,2%; Kumulus 0,3%; bột lưu huỳnh 9-12kg/ha. Xử lý định kỳ 7-10 ngày/lần, vào thời kỳ lá non chưa ổn định.

2. Bệnh héo đen đầu lá

Tác nhân: Do nấm Collectotrichum glocosporioides gây ra. Bệnh thường xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây, phổ biến vào mùa mưa có ẩm độ cao từ tháng 6 đến tháng 10. Bệnh hại nặng ở vườn cây KTCB.

Triệu chứng

+ Lá non từ 1-10 ngày tuổi có đốm nâu nhạt ở đầu lá. Rụng từng lá chét, sau cùng rụng cuống lá.

+ Lá già hơn 14 ngày tuổi, không gây rụng lá nhưng để lại đốm u lồi trên phiến lá. bệnh còn gây hại trên trái và chồi non, bệnh gây khô ngọn khô cành từng phần hoặc chết cả cây.

Bệnh héo đen đầu lá

Phòng trị

Dùng thuốc Vicarben50SC, Carbenzim 500FL nồng độ 2% Phun lên tán lá non, 7-10 ngày phun 1 lần.

3. Bệnh rụng lá mùa mưa

Tác nhân: Do nấm Phytophtora botryosa, Phytophtora palmivora gây nên. Chỉ xảy ra ở mùa mưa, hại nặng trên vườn cây khai thác, nhất là những vùng thường mưa dầm.

Triệu chứng: Trên cuống lá có cục mủ màu đen hoặc trắng, trung tâm vết bệnh có màu nâu xám, rụng cả ba lá chét và cuống, bệnh hại nặng trên trái gần khô.

Phòng trị

+ Dùng thuốc Oxyclorua đồng 0,25%, Bordeaux 1%, Ridomil MZ 72 0,3 – 0,4%.

4. Bệnh nấm hồng

Tác nhân: Bệnh thường tập trung ở nơi phân cành do ẩm độ cao. Do nấm Corticium salmonicolor gây nên. Bệnh gây hại trên cây từ 3 – 12 năm tuổi và hại nặng ở cây 4 – 8 tuổi. Bệnh thường tập trung hại vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 và tấn công trên thân cành đã hóa sần.

Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu là những mạng nhện trắng xuất hiện trên cành, đồng thời có những giọt mủ chảy ra, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh chuyển từ màu trắng sang hồng, cành lá phía trên vết bệnh chuyển vàng và chết khô.

Bệnh nấm hồng ở cao su

Phòng trị

+ Vệ sinh vườn cây, cắt đốt bỏ những cành chết do bệnh để hạn chế sự lây lan.

+ Dùng thuốc Validacin 5L (thuốc đặc hiệu) 1,2%, dung dịch Bordeaux 1% (phun) và 5% (quét). Chu kỳ phun 10-15 ngày/ lần.

5. Khô ngọn khô cành

Tác nhân: Do các bệnh lá, vết thương cơ giới, yếu tố môi trường. Xuất hiện ở mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su, gây nguy hại ở giai đoạn cây KTCB.

Triệu chứng: Các chồi bị rụng lá và có những đốm nâu đen trên vỏ còn xanh sau đó lan dần xuống dưới và phần bị nhiễm chết khô.

Phòng trị

+ Bón phân cân đối, diệt cỏ dại, phòng trị bệnh lá, không gây vết thương cho cây.

+ Xử lý: Cưa dưới vết bệnh 10 20 cm một góc 450, bôi vaseline, dùng dung dịch nước vôi quét toàn bộ thân.

6. Cháy nắng

Tác nhân: Do nắng, biên độ nhiệt độ trong ngày cao, tủ gốc và làm bồn không kỹ.Phân bố ở vườn cây cao su KTCB.

Triệu chứng: Cháy lá loang lổ, có màu trắng bạc, sau đó rụng và chết chồi non do mất nước. Cây 2 – 3 tuổi, trên thân hóa nâu từ 0 20 cm cách mặt đất bị lõm và nứt vỏ, chảy mủ, sau đó vết bệnh lan rộng và có hình mũi mác, các vết bệnh thường cùng một hướng (hướng Tây và Tây Nam).

Phòng trị

+ Làm bồn tủ gốc kỹ vào mùa khô, quét nước vôi lên thân.

+ Bôi vaseline lên vết bệnh ngăn chặn tấn công của nấm và côn trùng.

7. Bệnh loét sọc mặt cạo

Tác nhân: Do nấm Phytophtora palmivora gây nên. Bệnh gây hại trên mặt cạo vào mùa mưa tháng 6 -11.

Triệu chứng: Những sọc nhỏ hơi lõm màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và chạy dọc song song với thân cây, sau đó các vết bệnh liên kết lại thành những mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn, dịch màu vàng rỉ ra có mùi hôi thối, để lộ gỗ, gây khó khăn cho việc khai thác sau này. Đây cũng là vị trí thuận lợi cho mối mọt tấn công.

Phòng trị

+ Không cạo khi cây còn ướt, không cạo phạm, cạo sát.

+ Vệ sinh trừ cỏ dại thông thoáng vườn cây.

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện dịch bệnh, xử lý bôi thuốc kịp thời. Các thuốc như Ridomil 2-3%, Mexyl MZ 72 nồng độ 2%.

+ Ở những vùng thường xảy ra bệnh hoặc vườn cây có miệng cạo gần mặt đất phải bôi thuốc phòng định kỳ, bôi phòng 1lần/tháng, có thể 2 lần/tháng vào những tháng mưa dầm.

+ Cây bị bệnh nặng phải nghỉ cạo để hạn chế lây lan.

8. Bệnh thối mốc mặt cạo

Tác nhân: Do nấm Ceratocysits fimbriata. Bệnh xảy ra vào mùa mưa, thường kèm với bệnh loét sọc mặt cạo.

Triệu chứng: Trên mặt cạo xuất hiện những vết bệnh song song với đường cạo, dễ lầm với cạo phạm, ngày khô ráo thấy nấm màu trắng xám trên vết bệnh.

Phòng trị: Tương tự như trị bệnh loét sọc mặt cạo.

9. Bệnh khô miệng cạo

Tác nhân: Bệnh xuất hiện trong suốt chu kỳ khai thác. Chưa rõ tác nhân, hiện vẫn xem là bệnh sinh lý.

Triệu chứng: Ban đầu xuất hiện những đoạn mủ khô ngắn trên miệng cạo, sau đó lan nhanh và khô mủ hoàn toàn, nếu nặng cây bị nứt cả vỏ cạo.

Phòng trị

+ Đảm bảo chế độ cạo S/2 d/3 6d/7.

+ Chăm sóc, bón phân đầy đủ, nhất là khi vườn cây có sử dụng thuốc kích thích mủ.

+ Khi cây có biểu hiện bị bệnh phải ngưng cạo, dùng đót cứ 5 cm chích thử một lỗ trên vỏ cạo phía dưới đường cạo để xác định ranh giới vùng bị khô, từ chỗ đó cạo song song với đường cạo cũ một đường tới gỗ để cách ly bệnh.

+ Cho cây bệnh nghỉ cạo 1-2 tháng, kiểm tra nếu cây khỏi bệnh thì cạo lại với cường độ cạo nhẹ&

10. Bệnh nứt vỏ

Tác nhânDo nấm Botryodiplodia

Triệu chứng: Thân cành bị nứt, có mủ chảy rỉ ra, có màu nâu đặc trưng, đôi khi chồi mọc ra dưới vết nứt, làm cây châm sinh trưởng, đôi khi chết cây. Bệnh thường xuất hiện trên vườn cây KTCB trên 3 năm tuổi và vườn cây khai thác.

Phòng trị:

Dùng thuốc trừ nấm có gốc Carbendazim (Vicarben 50HP, Bavistin 50FL& nồng độ 0,5% phun hết toàn bộ cây 2 tuần/ lần, phun 2-3 lần.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Quản lý và khai thác vườn cao su

Hiện nay chu kỳ khai thác mủ cây Cao su rút xuống còn 20 năm, nhờ có giống mới tiến bộ và áp dụng Khoa học kỹ thuật nên cho năng suất cao, sản lượng vẫn đạt 35-40 tấn/ha.

Khi hết thời kỳ đầu tư Kiến Thiết Cơ Bản (KTCB) nếu vườn cây có 70% số cây đạt vanh thân ở vị trí cách mặt đất 1 m đạt 50 cm trở lên, vỏ cạo dày hơn 6 mm thì đưa vào khai thác lấy mủ, số cây còn lại mở bổ sung vào năm sau.

Vườn cao su khai thác chia làm ba nhóm cây

Cây tơ/ nhóm I: Từ năm cạo thứ nhất đến năm cạo thứ 10.

Cây trung niên / Nhóm II: Từ năm cạo thứ 11 đến năm cạo thứ 17.

Cây già/ Nhóm III: Từ năm cạo thứ 18 đến năm cạo thứ 20.

1. Thiết kế miệng cạo

Cây mới mở cạo có miệng tiền cách chân voi 1.3m, cạo ngược sẽ bắt đầu từ độ cao 1,3m cách chân voi.

Thiết kế miệng cạo cho cây cao su

Độ dốc miệng cạo so với trục ngang từ 30– 34o.

+ Cây nhóm I: 34o

+ Cây nhóm II: 32o

+ Cây nhóm III: 30o

Miệng tiền được mở đồng loạt một hướng trong lô

Dùng thước dây chia cây làm 2 phần bằng nhau,

Đường thước chia cây miệng liền có đánh 3 dấu: Nơi mở miệng, đóng máng và cột kiềng.

Dùng rập lấy vị trí miệng tiền làm chuẩn, kẻ 4 rập trong năm, để khống chế mức đo hao dăm (mỗi rập 3,5 cm cho 1 quí cạo).

2. Thời vụ cạo

Mở miệng cạo vào tháng 3-4 và tháng 10-11 trong năm.

Nghỉ cạo vào mùa rụng lá tháng 1-2; ngưng cạo lúc lá bắt đầu nhú chân chim và tiến hành cạo lại khi cây đã có tán lá ổn định.

3. Chia phần cây cạo

Số cây trên phần cạo được qui định tùy vào địa hình, mật độ cây cạo, tuổi cây cạo tình trạng vỏ cạo và chế độ cạo.

Chia từ 200 – 500 cây cạo/phần cạo.

Mỗi phần cạo phải được đánh dấu phân chia rõ ràng.

4. Quản lý độ hao dăm, độ sâu cạo mủ, chế độ cạo và cường độ cạo

– Độ sâu cạo mủ: Cạo sâu cách tượng tầng từ 1-1,3 mm là cho mủ tốt, cạo cách tượng tầng hơn 1,3mm là cạo cạn, ít mũ, cạo sâu cách tượng tầng dưới 1mm là cạo sát, cạo chạm gỗ là cạo phạm. Cạo sát, cạo phạm dễ làm khô miệng cạo và khó tái sinh vỏ.

– Lượng hao dăm

Cạo xuôi hao dăm từ 1,1 – 1,5 mm/lần cạo (hao dăm tối đa 16 cm/năm) đối với nhịp độ cạo D3 và hao dăm 20cm đối với nhịp độ cạo D2

Cạo ngược hao dăm từ 1,5 -2 mm/lần cạo (hao dăm tối đa 3cm /tháng).

– Chế độ cạo, cường độ cạo:

Khuyến cáo: S/2 d/3 6d/7. (Cạo 1/2 miệng cạo, 3 ngày cạo một lần, 1 tuần cạo 2 lần, nghỉ ngày chủ nhật)

Không khuyến cáo chế độ cạo d/2 (2 ngày cạo một lần) kể cả các dòng vô tính GT1, RRIM 600, và các dòng RRIV chỉ nên kết hợp sử dụng thuốc kích thích để đảm bảo năng suất, tiết kiệm được công lao động và lớp vỏ cạo kinh tế.

– Tiêu chuẩn đường cạoĐường cạo phải đúng độ dốc, có lòng máng, vuông viền, vuông hậu, không lệch miệng, không lượn sóng, không vượt ranh, vượt tuyến.

– Giờ cạo mủ: Tùy theo thời tiết trong năm, cạo càng sớm càng tốt. Khi nhìn thấy rõ đường cạo, mùa mưa khi cây khô ráo mới bắt đầu cạo.

– Giờ trút mủ: Trút mủ từ 10 – 11 giờ trưa, tùy giống gặp trời chuyển mưa có thể trút mủ sớm hơn.

5. Kỹ thuật cạo

Mở miệng cạo: Sau khi định hướng vị trí miệng tiềng trong lô, dùng thướng, móc, rạch để phân ranh tiền, hậu, đánh dấu đóng máng, cột kiềng.

Dùng rập (cờ): đánh dấu miệng cạo chuẩn, vạch đường chia hao dăm quý. Mở mương tiền (trên lớn dưới nhỏ) để dẫn mủ.

Thiết kế xong, tiến hành cột kiềng, đóng máng và cạo xả 3 nhát:

+ Nhát 1: nhát cạo chuẩn (theo đường rập).

+ Nhát 2: Cạo vạt nêm tạo độ nghiêng miệng cạo.

+ Nhát 3: Cạo hoàn chỉnh (cạo áp má dao) lấy độ đúng độ sâu cạo mủ.

5.1. Kỹ thuật cơ bản cạo miệng xuôi

a. Cách cầm dao cạo

– Miệng cạo ngang tầm người trở xuống

Tay phải: cho cán dao thúc vào lòng bàn tay, cầm cả 5 ngóm sao cho 3 ngón út, ngón nhẫn và giữa ôm sát vào cán dao, ngón trỏ áp sát má dao bên phải.

Tay trái: cầm phiá ngoài tay phải, cầm cả 5 ngón sao cho ngón trỏ áp sát sống dao bên trái, song song với thân dao.

– Miệng cạo cao hơn tầm người

Tay phải: Cầm giống như cách tầm ngang người trở xuống.

Tay Trái: Đặt thân dao vào lòng bàn tay, 5 ngón tay đặt lên phía sống dao, các ngón tay hơi cong.

b. Tư thế đứng và dịch chuyển

– Miệng cạo ở tầm vừa và cao

Đứng cách thân cây 1 khoảng nhìn thấy được ranh hậu, 2 chân đặt song song với nhau chân trái trước, chân phải sau. Đặt dao ở miệng hậu, lấy góc hậu sau đó dịch chân trái sau chân phải đồng thời tay kéo dao cạo theo bước chân đến góc tiền, lấy vuông tiền bằng cách nâng 2 tay cùng lúc.

– Miệng cạo ở tư thế thấp (Cúi khom người)

Cách chuyển động ngược với tư thế trên, chân trái chân trái chuyển phiá sau chân phải trước, cúi khom người để dao chuyển động nhịp nhàng, không bị cạo phạm.

5.2. Kỹ thuật cơ bản cạo miệng ngược

Hiện nay chế độ cạo miệng ngược được áp dụng rộng rãi ở nước ta và các nước trồng cao su trên thế giới, chế độ cạo này áp dụng cho các vườn cây có tuổi cại cạo từ năm thứ 11 trở lên (hoặc một số vườn không thực hiện được cạo xuôi). Tuỳ theo tuôi cạo để có chế độ cạo ngược, do khác nhau về chiều dài miệng cạo, số miệng cạo. nhịp độ cạo& dao cạo để kiểm soát độ hao dăm, độ dốc miệng cạo (cạo ngược có kiểm soát và cạo ngược không có kiểm soát)

– Đặc điểm của vườn cạo ngược:

+ Đã cạo xong lớp vỏ tái sinh

+ Qua 10 năm mặt cạo xuôi

+ Mặt cạo xuôi có triệu chứng khô mủ

+ Vỏ tái sinh mặt cạo xuôi quá kém (Bị cạo phạm, U quá nhiều&)

+ Vỏ tái sinh quá mỏng&

a. Cách cầm dao

Tay cầm dao theo kiểu cạo xuôi, lưu ý cạo ngược lưỡi dao là má dao, dùng lực đẩy dăm, dăm cạo dài càng tốt, nâng tay để hất dăm ra ngoài để tránh mủ chảy leo ra ngoài.

b. Tư thế dịch chuyển

Chân trái bước phía trong, chân phải vòng ra ngoài, phải bước xéo chân, thì ta mới đủ lực đẩy dao đến ranh hậu.

6. Kỹ thuật bôi thuốc kích thích

– Bôi kích thích trước nhát cạo kế tiếp 24 – 48 giờ

– Không bôi khi cây còn ướt.

– Không bôi trong mùa khô, mùa rụng lá

6.1. Phương pháp bôi trên vỏ tái sinh

Sau khi khuấy đều chất kích thích, dùng cọ bôi 1 lớp mỏng trên lớp vỏ tái sinh tiếp giáp miệng cạo, bôi thuốc trên băng rộng 1,5 cm. (Áp dụng cho miệng cạo xuôi)

6.2. Phương pháp bôi trên miệng cạo không bóc mủ dây

Sau khi khuấy đều chất kích thích, dùng cọ bôi một lớp mỏng, đều ngay trên miệng cạo (Áp dụng cho miệng cạo ngược).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su

1. Điều kiện sinh thái để trồng cây cao su

Đất canh tác có tầng sâu trên 1,5m không bị úng thủy, không đụng đá kết von, đá bàn, cao trình dưới 600m so mực nước biển.

Khí hậu có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25-28oC, lượng mưa bình quân hằng năm 1500mm phân bố mưa từ 5-6 tháng trong năm.

Cây cao su

2. Chuẩn bị đất

Công tác chuẩn bị đất: phải hoàn chỉnh trước vụ trồng mới trên 60 ngày, cho rà gốc, gom dọn sạch rễ, chồi sau khi cày đất.

Đất chuẩn bị trồng cần phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ đất màu, chống úng, chống xói mòn, có mương thoát nước và xây dựng hệ thống đường đi.

3. Thiết kế hàng trồng

Cao su được trồng theo hàng và mật độ phù hợp

Đất dốc <50 trồng thẳng hàng theo hướng Bắc Nam

Đất dốc từ 5– 200 trồng theo đường đồng mức chủ đạo

4. Mật độ và khoảng cách trồng

Đất đỏ: 7m x 3m tương ứng với 476 cây/ha

Đất xám: 6m x 3m tương ứng với 555 cây/ha

5. Phương pháp trồng

Quy cách hố trồng: 60x60x60 cm (Khoan máy hoặc đào bằng tay).

Sau khi đào hố để ải 15 ngày, lấp hố bằng lớp đất mặt khoảng ½ hố, bón lót 2kg phân hữu cơ vi sinh (hay 1-1,5kg phân hữu cơ vi sinh Komix) + 300 gr lân + lớp đất mặt lấp đầy hố, cắm cọc giữa hố để đánh dấu điểm trồng sau này.

a. Trồng cây bầu

Lấy cuốc móc đất lấp trong hố lên, có độ sâu bằng chiều cao bầu cây con; dùng dao bén cắt bỏ đáy bầu 1 lớp khoảng 1-2 cm; cắt bỏ phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu, hoặc bị xoắn trong đáy bầu, sau đó đặt bầu xuống hố, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất, dùng dao bén rọc túi bầu Pe từ phía dưới lên cuốn nhẹ từ từ túi bầu, cuốn lên tới đâu lấp đất tới đó, ém giữ cho bầu đất không bị vỡ, cuối cùng cho lấp đất quanh gốc bầu phủ kín cổ rễ, nhưng không lấp mắt ghép.

b. Trồng cây stum trần

Dùng cuốc móc đất lấp hố lên, có độ sâu dài hơn rễ đuôi chuột cây stump; đặt tum thẳng xuống hố, mắt ghép quay về hướng gió chính lấp hố lại từng lớp đất, lấp tới đâu dậm kỹ tới đó để đất lắp chắt gốc tum; sau cùng lấp đất mặt cho cho đến ngang mí dưới mắt ghép, không để lồi cổ rễ lên mặt đất.

c. Trồng dặm: Phải trồng dặm và định hình vườn cây từ năm thứ nhất

20 ngày sau trồng phải kiểm tra, trồng dặm lại những cây chết hoặc mắt ghép chết.

Để đảm bảo vườn cây đồng đều, phải chuẩn bị 15% đối với vườn cây trồng bầu và 25 % vườn cây trồng trần trồng dặm, so với cây trồng mới.

Có thể trồng dặm bằng tum trần, bầu cắt ngọn, bầu 1-2 tầng lá hoặc Stump bầu có hai tầng lá ổn định.

Trồng dặm bằng cây con đúng giống đã trồng trên vườn cây.

6. Thời vụ trồng

Trồng mới khi thời tiết thuận lợi, đất có đủ độ ẩm

Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

+ Trồng tum trần từ 1/6 15/7 (Dương lịch)

+ Trồng bầu từ 15/5 31/8 (Dương lịch)

Trồng dặm cũng được thực hiện theo thời vụ trên

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Làm giàu từ mô hình trồng xen canh cây Bơ- Cà phê

Nhận thấy tiềm năng đất đai của vùng đất bazan màu mỡ rất thích hợp cho sự phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu…anh Mười quyết định trồng thử nghiệm cây bơ xen cà phê tại vườn nhà.

Làm giàu từ mô hình trồng xen canh cây Bơ- Cà phê

Tiềm năng của mô hình trồng xen canh cây bơ- cà phê

Anh Trịnh Xuân Mười ở thôn 9, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột là một trong những nông dân làm giàu giỏi tại địa phương. Nhờ nhận thấy tiềm năng lớn từ việc trồng cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Mười quyết định mua 1,3 ha đất rẫy cà phê. Ban đầu, anh luôn trăn trở, suy nghĩ tính toán cần phải làm gì để có thể làm giàu trên mảnh đất này. Tình cờ trong một lần đi thu gom bơ trái tại một hộ gia đình trồng bơ, anh đã nhận thấy cây cà phê trồng dưới tán cây bơ rất xanh tốt mà vẫn nhiều hoa, sai quả. Nhờ vậy anh đã quyết định trồng thí điểm xen canh cây Bơ- Cà phê tại vườn nhà.

Anh Mười chia sẻ về bí quyết trồng xen canh bơ- cà phê: Cứ cách 4 hàng cây cà phê, anh lại trồng một hàng bơ. Sau đó, anh nhìn thấy cây bơ phát triển nhanh, bên cạnh đó nó còn tạo điều kiện cho cây cà phê thêm xanh tốt, do đặc tính của cây cà phê ưa mát, mà cây bơ lại cho bóng mát và giữ độ ẩm cao cho đất.Có một số cây bơ sau 2 năm ra quả bói và chuyển sang năm thứ 3 thì cây nào cũng cho quả đều trung bình khoảng 40kg quả/cây. Năm thứ 4, gia đình anh Mười thu hoạch được 50-60kg/cây. Từ những năm sau sản lượng mỗi cây tăng 30-50% quả/năm.

Nhờ việc áp dụng mô hình trồng bơ xen canh cây cà phê, thu nhập bình quân một héc-ta tăng 1,5 đến 2,3 lần, tùy theo năm tuổi cây bơ, so với một héc-ta cà phê không xen cây bơ. Vì vậy mà thu nhập kinh tế của gia đình anh Mười dần ổn định và tăng cao.

Làm giàu từ mô hình trồng xen canh cây Bơ- Cà phê

Ngoài ra, anh Mười cũng cho biết: “2 loại cây này có tính cộng sinh cao, có cùng chung những loại bệnh nên dễ diệt trừ. Bên cạnh đó khi chăm sóc như: bón phân, tưới nước hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến cây bơ. Nhờ đó mà cây bơ sinh trưởng phát triển tốt. Vì cây bơ và cây cà phê cùng ra hoa, đậu quả nên sẽ được thu hoạch cùng vào thời điểm như vậy sẽ rất thuận lợi cho người dân trong việc chăm sóc và thu hoạch”.

Nhân rộng mô hình trồng xen canh cây bơ- cà phê

Nhờ thành công trong việc áp dụng mô hình trồng xen canh cây bơ và cây xà phê, nên nhiều người dân địa phương đã tin tưởng và học cách “làm giàu” từ gia đình anh Mười. Anh Mười cũng thường xuyên hướng dẫn và chia sẻ bí quyết tăng năng suất mô hình trồng xen canh cây bơ- cà phê cho người dân tại địa phương và những vùng lân cận mỗi khi đến thăm quan, học hỏi.

Mô hình trồng xen canh bơ-cà phê của gia đình anh Mười đã được Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Giáo sư Nguyễn Lân Hùng đến thăm khảo sát từ đó đánh giá cao lợi ích kinh tế do mô hình mang lại và khuyến khích người dân nên học tập làm theo mô hình xen canh cây bơ- cà phê để phát triển nền kinh tế vùng.

Nguồn: Tin tức nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

400 ha cà phê 20 năm trồng không sử dụng thuốc sâu

Về xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi đây là xã chuyên canh 1.500ha cà phê, trong đó có khoảng 400ha trong suốt 20 năm không sử dụng thuốc BVTV nhưng năng suất vẫn đạt từ 4 – 6 tấn/ha.

Cà phê “sạch” không sử dụng thuốc BVTV

Ông Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh cho biết, gia đình ông trồng 10 ha cà phê từ năm 1997 đến nay hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu, năng suất trung bình đạt 5 tấn nhân/ha/năm. Sự việc bắt đầu từ mô hình trồng cỏ không sử dụng thuốc sâu của KS Trần Thanh Tâm ở cùng xã. Mô hình đã giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Từ đó lan tỏa trong và ngoài xã, đến nay cả xã có trên 600 hộ có thâm niên 20 năm không dùng thuốc sâu trong canh tác cà phê.

KS Trần Thanh Tâm kể, năm 1995 sau khi ra trường anh về quê mua đất trồng cà phê. Sau đó lấy giống cỏ gừng trồng xen cà phê. Sau 3 năm áp dụng phương pháp canh tác mới, đồi cà phê cây nào cây nấy sai trĩu cành, năng suất cao. Thấy cách làm lạ, người dân kéo đến xem và học hỏi và làm theo.

Anh Tâm khẳng định, từ năm 1990 anh hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê, chủ yếu sử dụng phương pháp “thiên địch” để diệt sâu hại. Toàn bộ diện tích cà phê đều nuôi trồng cỏ lá gừng (tên khoa học Axonopus compressus) và cỏ cúc Thái Lan, hay còn gọi là sài đất (tên khoa học Wedelia chinensis).

Mục đích của việc nuôi cỏ nhằm chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất. Loại cỏ này phát triển rất mạnh và cho lượng sinh khối rất lớn, có khả năng cải tạo đất rất tốt, cân bằng hệ sinh thái giúp cho giun đất, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong ký sinh, hệ vi sinh vật có lợi phát triển.

Chính những côn trùng có lợi này sinh ra để tiêu diệt các loại sâu có hại nên không cần sử dụng thuốc sâu. Tuy nhiên khi nuôi trồng cỏ cũng cần lưu ý kỹ thuật phát cỏ, có thể phát toàn bộ diện tích, hoặc phát 1 hàng để 1 hàng. Phát cách mặt đất từ 5 – 10cm, giữ cho mặt đất không bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cà phê sẽ phát triển tốt.

Anh Tâm chia sẻ, làm theo phương pháp nuôi trồng cỏ, không sử dụng thuốc sâu trong vườn cà phê tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: không tốn tiền mua phân hữu cơ vì hàng năm nguồn hữu cơ tự nhiên từ cỏ mục cung cấp một lượng rất lớn. Giảm lượng phân vô cơ, giảm và không mất tiền công tưới nước, không mất công đánh bồn, cuốc đất, không mất tiền mua thuốc BVTV, không ảnh hưởng môi trường. Đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Một năm đầu tư hết khoảng 15 triệu tiền phân vô cơ cho 1ha, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc sản xuất cà phê bền vững.

Tuy nhiên, khi canh tác cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hệ thống thâm canh cây cà phê. Từ cây giống, kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch, tiêu thụ sản phảm… Kỹ thuật bón phân bà con lưu ý: Nên bón phân cân đối, cách bón này đã giúp ngăn ngừa và trị bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu đục thân ở cành cà phê chỉ việc cắt cành (cắt sau chùm cà phê bị đen 10 – 20cm) vứt xuống đất, các loại thiên địch như: kiến, bọ rùa, ong, tự bò tới tiêu diệt con sâu, nên không cần phải dùng thuốc sâu, tốn kém.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc tốt là những yếu tố quan trọng để thu hoạch được những hạt cà phê chất lượng

Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thanh xác nhận: Thông tin 20 năm người dân ở địa phương không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê là hoàn toàn chính xác. Mô hình này rất hiệu quả và cần được nhân rộng.

Cũng theo ông Hồng, gia đình ông trồng 7ha cà phê từ năm 2000 không sử dụng thuốc sâu, mà dùng “thiên địch” để diệt sâu bệnh, năng suất vẫn đạt 5 tấn/ha/năm. Điều phấn khởi nhất là người dân đã ý thức được tác hại của thuốc sâu đối với chất lượng sản phẩm cà phê, với sức khỏe người lao động. Trước đây cả xã có 5 cửa hàng bán thuốc BVTV. Nhưng do người dân không sử dụng thuốc sâu nên các cửa hàng đều ế ẩm, có nhà phải chuyển qua bán phân bón hoặc kinh doanh mặt hàng khác.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Cà phê Tây Nguyên thối, rụng, bung hoa, nông dân điêu đứng

Người trồng cà phê Tây Nguyên không chỉ điêu đứng vì giá liên tục giảm mà còn bất lực chứng kiến cảnh cà phê đang chín rộ khiến quả thối rụng. Chưa hết, hiện tượng hoa bung nở trong lúc thu hoạch còn làm giảm năng suất, chất lượng cà phê vụ kế tiếp.

Chị Ngân nhặt từng quả cà phê sau bão

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Tây Nguyên đúng lúc nông dân đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhiều diện tích cà phê bị quật đổ. Chị Đinh Thị Ngân ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có 400 cây cà phê đang cho thu hoạch bị bão quật gãy cành lá, trái non, già vùi lẫn dưới đất. Tiếc của, chị phải bới từng gốc nhặt quả, vớt vát thiệt hại. Năm trước chị thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng nay chỉ được 1 nửa, năm sau còn giảm nữa do nhiều cây gãy chết.

Sau bão, tiếp tục xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo làm chậm tiến độ thu hoạch, phơi sấy cà phê. Nhà chị H’ Djuang Niê ở buôn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) có hơn 5 sào cà phê nhưng cả tháng nay vẫn chưa thu hoạch xong.

Theo chị H’ Djuang, tầm này mọi năm nhà chị đã thu hoạch xong cà phê nhưng hiện tại vẫn phải vừa hái, vừa phơi rất tốn thời gian. “Trời mưa liên tục, cà phê hái về đổ đầy sân không phơi được nên không dám thu hoạch nữa. Gọi là hái chứ nhặt dưới gốc là phần nhiều vì cà phê chín quá rụng trắng gốc. Nước mưa thấm vào làm quả nở tét, nhân bị thâm đen, bán mất giá.

Năm vừa rồi thu được 3 tấn, năm nay cao lắm là 2 tấn, hiện giá cà phê bán ra cũng giảm từ 50 nghìn đồng/kg (2016) xuống còn khoảng 36 nghìn đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí thu hoạch, nhà tôi tự hái hoặc đi đổi công ở các nhà khác chứ không dám thuê nhân công”, chị H’ Djuang chia sẻ.

Cà phê chín rụng khó thu hoạch

Không riêng Đắk Lắk, nông dân các tỉnh khác cũng lao đao vì thời tiết. Ông Vương Đình Danh (51 tuổi, ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) có 2ha cà phê chín rộ vẫn chưa thu hoạch xong do khát nhân công. Từ đầu vụ đến nay ông đã thuê 10 nhân công từ các tỉnh miền Trung vào hái nhưng được vài ngày thì họ phải quay về khắc phục hậu quả mưa lũ tại quê nhà. Số người còn lại do không quen với khí hậu nắng mưa thất thường nên tiếp tục bỏ về khiến tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra trên diện rộng.

Ông Danh xót ruột cho biết: “Ở đây nhà nào cũng có cà phê nên họ lo thu hoạch cho xong phần mình. Giờ tôi mới tìm thêm được vài nhân công nên năn nỉ họ cố hái hết vụ chứ nhà tôi không thể xoay xở hết 2ha đang chín đỏ trên cây. Với tình hình thời tiết, giá cả như hiện nay tôi chỉ mong đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”.

Nỗi lo mất mùa vụ đang hiện hữu thì hiện tượng hoa cà phê nở trắng cành khi việc thu hái chưa xong càng khiến nông dân lo lắng hơn. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua một mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên búp hoa, lúc này người dân mới tưới nước tập trung cho cây nở hoa đều, khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài sang mùa khô khiến cây ra hoa nhiều khi đang thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Việt ở huyện Cư M’gar có vườn cà phê nở hoa khi đang thu trái cho hay, mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng cà phê cho vụ hiện tại, lại kích thích hoa nở sớm, ảnh hưởng đến vụ năm sau.

Thu hoạch cà phê gián đoạn vì thời tiết

Giờ anh đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu hái quả khi hoa đang nở sẽ gây rụng hoa chắc chắn làm giảm năng suất vụ sau. Còn nếu kiên nhẫn chờ hoa khô rụng rồi mới hái thì quả chín quá, rơi hỏng, vừa nhọc công thu hoạch, nâng suất cũng giảm.

Đằng nào cũng ảnh hưởng nên anh và một số hộ khác chọn cách tuốt bỏ bông hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khuyến cáo xử lý sâu bệnh từ 19 – 25/12

Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

1. Cây lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, sử dụng Thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”, mạnh mẽ hơn diệt cỏ chưa mọc mầm và đã mọc mầm. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2 , trừ hiệu quả cỏ dại trong ruộng lúa ở giai đoạn 0 – 3 ngày sau sạ. Với phổ diệt cỏ rộng, diệt cả 3 nhóm cỏ: hòa bản, chác lác, lá rộng, an toàn cho mầm lúa.

+ Sử dụng Clincher 200EC với hoạt chất Cyhalofop – buty 20% w/w do Dow AgroSciences B.V sản xuất để phòng trừ cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực trên lúa (giai đoạn 5 – 12 ngày sau sạ) với liều khuyến cáo 0,5 – 0,7 lít thuốc/ha, pha 50 – 70ml/bình máy 25 lít.

Để trừ cỏ đuôi phụng (giai đoạn 12 – 18 ngày sau sạ): Liều khuyến cáo 0,7 lít thuốc/ha, pha 70ml/bình máy 25 lít. Với lượng nước phun: 400 lít/ha.

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại mạnh và phát sinh trên diện rộng, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh Vàng lùn – lùn xoắn lá) hiệu quả, sử dụng với liều lượng 700g/ha. Hoặc sử dụng Wellof 3GR (12 – 15kg/ha), rải đều trên ruộng lúa, khi rầy ở tuổi 1, 2.

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun ở ngưỡng phòng trừ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8 – 1 lít/ha, pha 40 – 50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân hại lúa, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1 – 1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5 – 7 ngày.

+ Bệnh đạo ôn trên lúa (đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông) đang có xu hướng gia tăng mạnh. Để phòng trừ hiệu quả, sử dụng thuốc đặc trị BEAM 75WP – ”Cắt ngay cháy lá” (250g/ha) phun khi vết bệnh chớm xuất hiện.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22 – 0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

2. Cây rau:

+ Sử dụng sản phẩm phân bón lá Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng. Kích thích sự sinh trưởng phát triển của cây trồng (thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp và trao đổi chất) đồng thời kích thích sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất, giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản khi thu hoạch.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/lít, liều dùng 12 – 20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh Sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua. Phun thuốc khi tỷ lệ bệnh từ 5 – 10%.

Cây ngô (bắp): Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ ở giai đoạn từ 7 – 20 ngày đối với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

3. Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4 – 6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), sử dụng sản phẩm Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4 – 6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Ca cao Việt Nam được ví ngon nhất thế giới, dân vẫn chê ồ ạt phá bỏ

Chỉ trong 5 năm, diện tích cây ca cao tại Việt Nam đã giảm đến 56%. Nguyên nhân khiến loại cây này thăng trầm liên tục là bởi giá hạt ca cao nguyên liệu giảm mạnh, năng suất thấp, nông dân không có lợi nhuận so với một số loại cây trồng khác như sầu riêng, bưởi, cà phê…

Người dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bên vườn ca cao đang cho thu hoạch

Đó là một trong những thông tin được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam (VCC) năm 2017, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào ngày 13.12 vừa qua.

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 11.559 ha diện tích ca cao, tăng 1.487 ha so với năm 2016. Trong đó, tập trung chủ yếu 15 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích ca cao đang cho thu hoạch chiếm khoảng 70% và diện tích trồng xen chiếm khoảng trên 90%. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu trồng xen cây điều, còn tại ĐBSCL trồng xen dừa và cây ăn quả.

Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến nay, diện tích ca cao lại giảm 10.551 ha, tương ứng với 56%, mặc dù chất lượng hạt ca cao nguyên liệu trồng tại Việt Nam được các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà chế biến chocolate đánh giá là thơm ngon nhất thế giới.

Nguyên nhân khiến diện tích ca cao giảm sâu là do giá cả biến động, có thời điểm xuống thấp, hiện nay chỉ còn dao động từ 4.500 – 5.000 đồng/kg; một số vùng trồng xen canh ca cao với cây ăn quả như bưởi, hồ tiêu…, đến khi cây ăn quả cho thu nhập ổn định, nông dân lại đốn bỏ ca cao.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu khiến năng suất giảm chỉ còn trung bình khoảng 7,5 tạ hạt khô/ha; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ca cao chưa xây dựng mối liên kết với nông dân nên người dân chưa yên tâm trồng ca cao.

Sơ chế ca cao tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. 

Theo quy hoạch phát triển cây ca cao được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ tăng diện tích trồng đạt 50 nghìn ha, năng suất bình quân 12 tạ/ha. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đưa ra một số giải pháp chủ yếu là: các địa phương bổ sung cây ca cao vào đối tượng cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng…

Tại hội nghị, Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 21 câu lạc bộ ca cao ASEAN. Do vậy, VCC sẽ tập trung vào công tác thống kê chính xác lại diện tích ca cao, xây dựng các mô hình để các đoàn khách quốc tế sẽ tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Hơn nữa, thông qua đó sản phẩm ca cao Việt nam cũng có dịp quảng bá về vùng trồng cững như chất lượng ra khu vực và thế giới. Đồng thời, năm tới VCC sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương phát triển ca cao theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ…

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp tuần 1 tháng 11 (5-11/12)

Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ…


1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô: bệnh đốm lá, sâu đục thân… tăng. Rau màu: bọ nhảy, rệp, dòi đục hành… hại nhẹ đến trung bình; Bệnh lở cổ rễ trên khoai tây, bệnh héo xanh, xoăn lá trên cà chua… tiếp tục gây hại.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại. Cam, chanh, bưởi: bệnh chảy gôm, ruồi đục quả,… hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh, bệnh gỉ sắt có xu hướng tăng. Cây cà phê: bệnh gỉ sắt tăng, bệnh khô cành, rệp các loại… gây hại mức độ tăng chậm.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

a) Cây lúa: Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển, lây lan theo nguồn nước.

b) Cây trồng khác: Cây ngô và rau màu: sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp… hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua gây hại; Bệnh đốm lá, khô vằn, sâu đục thân,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch.

– Cây cà phê: Rệp sáp, bệnh khô cành, gỉ sắt… tiếp tục gây hại. Cây hồ tiêu: tuyến trùng rễ, rệp sáp… tiếp tục gây hại. Cây điều: sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng, thán thư… hại tăng. Cây dừa: bọ cánh cứng tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

a) Cây lúa: Rầy nâu: phổ biến trưởng thành, trứng, tuổi 1. Bệnh đạo ôn lá phát triển thuận lợi và gây hại trên trà lúa Đông Xuân sớm, trà lúa Mùa. Cần lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, bệnh bạc lá vi khuẩn ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh – đòng, bệnh đen lép hạt ở giai đoạn trỗ chín.

b) Cây trồng khác: Cây thanh long: bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng và bệnh thán thư giảm. Cây cà phê: bệnh khô cành giảm diện tích và rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

CỤC BVTV khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng, dùng Honeycin 6G (5-6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3-5cm khi ốc xuất hiện, hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, dùng thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2. Phòng trừ rầy nâu, dùng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh VL-LXL), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ dùng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha). Để trừ sâu đục thân dùng Nurelle D 25/2.5EC (1-1.5 l/ha). Để phòng trừ bệnh đạo ôn, dùng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha). Sử dụng Aviso 350SC (0,35 l/ha) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 l/ha) phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công. Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 l/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

Cây rau:

+ Dùng phân bón lá Foliar Blend cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng; kích thích sự phát triển của cây trồng, sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất.

Cây ngô (bắp): Dùng Maxer 660SC (1,25 – 2,5l/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu: Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP + Bonny 4SL, và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ. Để trừ nấm Phytophthora (gây bệnh chết nhanh), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom, tưới 4-6l/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật