Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển diện tích trồng đậu bắp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên cánh đồng xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) phủ một màu xanh bát ngát của đậu bắp. Người dân địa phương cho biết, đây là loại cây khá dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao; có thể cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, đem lại thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/sào.
“Nhà tôi trồng đậu bắp từ mấy năm nay. Trước đây trồng đậu phụng và sắn nhưng thu nhập không cao, lại hay bị tư thương ép giá. Từ khi chuyển qua trồng đậu bắp, tôi thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, nhiều hộ trong xã cũng chuyển sang trồng cây này. Năm vừa rồi, đậu bắp cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây khác, nếu chăm bón tốt có thể gấp 5 lần. Đây thực sự là cây trồng phù hợp trên đồng đất của xã Quảng Thọ”, bà Trần Thị Thanh Hương (50 tuổi) cho hay.
Theo bà Hoàng Thị Thu Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thọ: Đậu bắp là món ăn giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp, tiểu đường và mỡ trong máu. Hiện nay, đậu bắp được đưa đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn toàn tỉnh và còn đóng đi các tỉnh lận cận;
Mở rộng diện tích trồng cây đậu bắp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho chị em toàn xã, điển hình như chị Võ Thị Thu Phượng, Hoàng Thị Tâm…; giúp đời sống nhiều chị em được nâng lên đáng kể, việc chăm lo cho con cái được tốt hơn; tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội.
Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền cho biết, đậu bắp khá dễ trồng và bố trí thời vụ cũng không khắt khe; năng suất trung bình từ 18 – 20 tấn/ha/vụ. Hiện toàn huyện đã đưa vào trồng 11,6 ha; trong đó nhiều nhất là xã Quảng Thọ 9,2 ha, còn lại được phân bổ rãi rác ở các xã Quảng Phú, Quảng Thành. Tuy hiệu quả cao, nhưng loại cây này mới được đưa vào trồng nên kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc của bà con chưa cao. Phòng NN-PTNT huyện đã có kế hoạch mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu bắp trong thời gian tới.
Vụ mùa Đông Xuân 2018-2019, nông dân trong tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi gần 200 ha đất trồng lúa sang trồng sen lấy gương, bình quân mỗi héc ta cho lãi từ 60 – 100 triệu đồng, lãi gấp 2 – 3 lần trồng lúa. Trồng sen ở Đồng Tháp nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Cao Lãnh; trong đó, huyện Tháp Mười trồng gần 70 ha.
Anh Nguyễn Thành Dũng, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vụ Đông Xuân 2018-2019 anh không làm lúa và chuyển sang trồng sen. Anh trồng được hơn 1 ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, anh thu hoạch kéo dài 2,5 tháng. Bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất 8 tấn/ha, anh bán với giá 15.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Sau khi thu hoạch diện tích trồng sen lấy gương anh Dũng tiếp tục trồng lúa, sản xuất theo mô hình lúa – sen – lúa.
Đặc biệt, cây sen ở huyện Tháp Mười được trồng nhiều nhất tỉnh và được chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười (huyện Tháp Mười) do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Ở huyện Tháp Mười còn đưa cây sen vào chương trình xây dựng “mỗi xã phường một sản phẩm”.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đến thu mua tiêu thụ sản phẩm gương sen tươi và hạt sen khô để xuất khẩu, ngoài ra còn các sản phẩm chế biến từ sen được đưa ra thị trường như: sữa sen, bột hạt sen, trà lá sen, trà tim sen đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ phát triển 300 ha trồng sen, đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa. Các sản phẩm từ cây sen Tháp Mười được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen, đồng thời tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn, nổi bật là món cơm gói lá sen, chè sen…
Nguồn: tintucnongnghiep.vn được kiểm duyệt bới FarmTech VietNam.
“Nếu so sánh về đơn vị quy mô diện tích thì hiện nay không có cây trồng nào cho thu nhập cao như dâu tây”, ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo (Sơn La), chia sẻ.
Hợp tác xã Tân Thảo nằm ở bản Tân Quế, xã Cò Nòi (H.Mai Sơn, Sơn La) hiện có 7 ha trồng dâu tây. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán cây dâu tây làm cảnh. Cận tết cũng là thời điểm nhiều nhà vườn bắt đầu có dâu tây chín. Dâu tây loại có vị chua được bán với giá 80.000 – 150.000 đồng/kg; loại ngọt giá cao hơn, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg và hái đến đâu đều có khách đặt mua đến đấy.
Cho thu nhập quanh năm
Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thảo, cho biết trong số 7 ha dâu tây thì có khoảng 3 ha người dân trồng bán làm cây cảnh chơi tết. Sau 10 năm dâu tây được trồng tại Sơn La, nhiều xã ở H.Mai Sơn có khí hậu trong lành, mát mẻ đang là mảnh đất giúp dâu tây trở thành cây trồng mới đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Cũng theo ông Lâm, dâu tây hiện được trồng theo diện tích mỗi ruộng khoảng 1.000 m² để phù hợp đầu tư hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động. Chi phí ban đầu mỗi ruộng khoảng 100 triệu đồng nhưng bù lại, cây dâu tây cho nguồn thu nhập rất đa dạng. “Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống”, ông Lâm giải thích.
Ông Lâm cho biết, dâu tây trồng tại H.Mai Sơn hiện có năng suất khá cao, mỗi cây có thể cho thu hoạch 0,4 – 0,5 kg quả, tính ra mỗi ruộng có thể đạt năng suất trên 1,6 tấn quả, chỉ bán tươi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Nếu cộng cả chi phí bán giống, bán cây cảnh và quả tươi thì mỗi ruộng dâu 1.000 m² hiện đang cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. So sánh về quy mô diện tích thì không có cây trồng nào ở địa phương cho thu nhập nhiều, nhanh hồi vốn như dâu tây”, ông Lâm quả quyết.
Còn tại xã Đông Sang (H.Mộc Châu, Sơn La), trang trại dâu tây Chimi, mô hình khởi nghiệp của chàng trai Vũ Văn Lực (29 tuổi), là địa chỉ không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch khi đến Mộc Châu. Vườn dâu tây tại đây rộng 4 ha, nằm giữa những vạt rừng thông mơ mộng. Những ngày trước và sau tết, mỗi ngày nhà vườn đón hàng ngàn khách đến thăm. Du khách được phát giỏ mây rồi vào vườn hái quả theo sự hướng dẫn của nhân viên, mỗi ki lô gam dâu tây ở đây có giá 350.000 đồng nhưng khách đều vui vẻ móc hầu bao khi lần đầu tiên được trải nghiệm tự mình hái những quả dâu tươi đỏ mọng, chụp ảnh với vườn dâu.
Cũng ở trang trại này, ngoài dâu tây tươi, nhóm của anh Lực tổ chức chế biến nhiều sản phẩm bánh dâu tây, nước ép dâu tây, mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo… để du khách có nhiều lựa chọn mua hàng. Theo một nhân viên thu ngân, doanh thu mỗi ngày lễ, tết ở trang trại này không dưới 100 triệu đồng. Dâu tây cũng khiến lượng khách tìm về khu du lịch rừng thông Bản Áng trên địa bàn xã Đông Sang tăng vọt.
Tiềm năng còn rất lớn
Quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp đại học tại Hà Nội nhưng anh Vũ Văn Lực chọn Mộc Châu làm điểm khởi nghiệp trồng dâu tây sau chuyến học tập kinh nghiệm ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo anh Lực, khí hậu Mộc Châu khá tương đồng với Đà Lạt nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, quả dâu tây ở Mộc Châu thậm chí còn có năng suất, chất lượng tốt hơn. Khởi nghiệp từ năm 2015 nhưng hiện dâu tây từ trang trại của anh đã có lượng khách quen tiêu thụ quả tươi rất lớn. Ngay từ ban đầu, anh Lực định hướng mô hình của mình chủ động chế biến quả dâu tây thành nhiều sản phẩm, tạo nhiều kênh phân phối, bán hàng khác nhau. Nhờ đó, diện tích trồng dâu tây năm 2015 chỉ có 2.000 m² thì nay đã tăng lên 4 ha vẫn đảm bảo thị trường tiêu thụ. Chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mô hình đã cho doanh thu tiền tỉ và hiện đang giải quyết việc làm trực tiếp cho 40 lao động địa phương.
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, khoảng 80% sản lượng dâu tây của Hợp tác xã Tân Thảo được bán quả tươi, 20% còn lại đưa vào chế biến. Trong đó, phần lớn khách hàng cá nhân, một số ít đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ. Với diện tích hiện tại, Hợp tác xã Tân Thảo chưa có đủ sản lượng để cung ứng vào siêu thị nên dâu tây còn tiềm năng rất lớn để phát triển, mở rộng diện tích.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho thấy cây dâu tây trồng đầu tiên tại cao nguyên Mộc Châu vào khoảng năm 2012 do một số hộ dân mang giống từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra trồng. Cho đến năm 2014, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng trồng dâu tây với giống dâu Nhật Bản. Có giá trị kinh tế cao nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích dâu tây ở Sơn La không ngừng tăng lên. Cho đến cuối năm 2018, diện tích dâu tây toàn tỉnh Sơn La đạt 43,3 ha với tổng sản lượng ước đạt 593 tấn. Dâu tây trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Vân Hồ. Ngay trong tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ hội dâu tây tại Hà Nội để giới thiệu và quảng bá thương hiệu cho loại quả này.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết hàng tấn quả dâu tây đã được tiêu thụ tại Hà Nội bước đầu cho thấy loại quả này được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Giá bán dâu tây trung bình trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa dâu tây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc nhưng chất lượng tương đương sẽ là lợi thế lớn cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
“Dù là cây trồng mới và đang được nhân rộng diện tích nhưng dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. UBND tỉnh Sơn La cũng đặc biệt quan tâm đến cây trồng này bằng cách hỗ trợ về cơ chế chính sách, Sở NN-PTNT tỉnh hỗ trợ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này khi sản lượng dâu tây hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Công nói.
Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.
Cây Hoài Sơn (củ mài) dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.
Khi giá tiêu ở mức thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) không mặn mà đầu tư để giữ vườn tiêu. Tuy nhiên anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) lại có lãi nhờ trồng xen cây Hoài Sơn (củ mài).
Chúng tôi đến tham quan vườn tiêu 10 ha trồng xen với cây Hoài Sơn của anh Nhâm đang thời kỳ thu hoạch. Những trụ tiêu sai trái đang độ chín trên cao, mà trong lòng đất cũng đang lộ thiên những củ Hoài Sơn chờ thu hoạch. Anh Nhâm nói: Cách đây 3 năm (2015) khi giá hồ tiêu xuống thấp, Công ty đã thử nghiệm nhiều cây trồng cộng sinh trong vườn tiêu và thành công với cây Hoài Sơn.
Theo anh Nhâm, Hoài Sơn là cây mọc hoang dại tự nhiên dưới các tán lá cây trong rừng và có nhiều loài (khoảng 20 loài). Cây Hoài Sơn trồng tại vườn được lấy từ vùng núi Mây Tàu thuộc huyện Xuyên Mộc. Là loại cây thân leo, nhưng khi đưa vào trồng trong vườn tiêu, cây được điều khiển phát triển bò trên phần diện tích đất trống.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây Hoài Sơn giữ độ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp, vườn tiêu không phải làm cỏ. Thân rễ phình to thành củ ăn sâu xuống đất, có nhiều rễ con làm cho mặt đất nứt tạo độ thông thoáng và lưu dẫn nguồn nước thoát cho cây tiêu, chống xói mòn.
Lá cây Hoài Sơn phát triển tốt, là thức ăn của sâu nhưng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất củ. Vì thế mà trên cây tiêu cũng giảm được các loài sâu và côn trùng, từ đó giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc.
Với chiều cao cây tiêu 5 – 6 mét là môi trường lý tưởng cho cây Hoài Sơn phát triển. Sự sinh trưởng cộng sinh này không cạnh tranh về ánh sáng. Bón phân cho cho cây tiêu cũng là bón phân cây Hoài Sơn, tiết kiệm chi phí, tạo giá trị kinh tế tăng thêm trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Cây Hoài Sơn thường trồng vào đầu mùa mưa, một hàng tiêu trồng xen một hàng Hoài Sơn, cây cách cây 20 cm. Với diện tích 1 ha, trước khi trồng cần bón lót 15 tấn phân chuồng ủ hoai, 250kg phân NPK loại 16-16-8. Sau một tháng bón thúc tăng lượng phân NPK lên khoảng 500-700 kg/ha. Mỗi ha đất trồng tiêu, trồng xen khoảng 20.000 gốc cây.
Trong vòng sáu tháng là cây có thể cho thu hoạch củ. Mỗi cây cho một củ có trọng lượng khoảng từ 0,5-3kg. Mỗi ha trồng tiêu khi trồng xen cây Hoài Sơn nếu chọn được giống tốt, rõ nguồn gốc, bón phân cân đối, áp dụng kỹ thuật canh tác thì năng suất có thể cho từ 30-40 tấn củ.
“Củ Hoài Sơn có giá trị kinh tế cao (khoảng 120-150 ngàn đồng/kg). Ngoài việc dùng để ăn, còn làm dược liệu điều chế thuốc quý chữa các bệnh như ăn uống khó tiêu, mồ hôi trộm, tiểu đường, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng và hấp thu tốt. Chính những đặc tính ưu việt đó, sắp tới Công ty sẽ chế biến củ Hoài Sơn thành sản phẩm Sữa Hoài Sơn, đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế”, anh Nhâm chia sẻ.
Cây Hoài Sơn dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.
Đây được xem là mô hình trồng xen cây cộng sinh điển hình, tạo điều kiện thuận lợi để canh tác vườn tiêu bền vững cần được khuyến khích nhân rộng trong bối cảnh giá tiêu không được thuận lợi như mong muốn của người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.
Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có bề dày kinh nghiệm trồng dưa kim. Mỗi vụ diện tích trồng dưa kim của xã lên đến trên 50ha, năng suất đạt từ 8 tạ đến 1 tấn/sào (360m2), giá bán sản phẩm cũng luôn cao.
Tham quan những cánh đồng dưa nơi đây chúng tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích. Các biện pháp kĩ thuật như làm luống, bố trí mật độ trồng, đặt cây trên luống, định số nhánh, số lá trên thân là cả một “nghệ thuật” mà bà con dày công tôi luyện. Xin chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của họ để bạn đọc tham khảo.
Cách lên luống trồng cây: Không giống với thông thường khi lên luống trồng dưa hấu, dưa kim các nơi khác (luống san bằng phẳng), nông dân Tân Hưng lên luống trồng dưa kim theo kiểu mái nhà (cao ở giữa, thoải về hai bên mé luống). Vị trí đặt bầu cây cũng là chỗ cao nhất của luống (giữa luống), khác hẳn cách làm truyền thống (đặt cây vào mé luống để dưa bò dần ra giữa cho đến mé luống bên kia).
Chiều rộng của luống ở đây cũng để như thông thường (1,8-2m) nhưng mật độ trồng thì cao hơn. Cây cách cây 20-25cm (mật độ 500-550 cây/sào). Đặt cây vào giữa luống là cách làm hay để có thể tăng mật độ cho dưa kim, vì thông thường trồng vào phần mé luống thì mật độ chỉ đạt 420-450 cây/sào. Lên luống cao ở giữa (chỗ vị trí đặt cây) có tác dụng làm cho gốc cây sau này không bị thối hỏng do bị đọng nước sau mưa, vì vốn dĩ dưa kim có bộ rễ, thân gốc yếu hơn các loại dưa khác.
Cách định số nhánh, số lá/cây và định hướng bò cho dưa: Vì trồng ở giữa luống với mật độ dày hơn thông thường và để ngọn dưa bò sang hai bên như đan nên bà con không để nhánh dưa bò dài như truyền thống. Mỗi cây chỉ để 15-17 lá/thân chính và để thêm 3 chèo, mỗi chèo 1-2 lá. Tổng số lá/cây sẽ có khoảng 21-22 lá. Trên một gốc dưa thường chỉ để 1 thân.
Hai dây dưa liền nhau cho bò ngược chiều về hai phía (so le) để cây phủ kín luống và dây dưa không bị chồng chéo nhau. Hướng ngọn về hai bên giúp việc tuyển quả sau này được dễ dàng. Số quả/luống sẽ nằm dàn đều về hai phía chứ không cùng một hàng như phương pháp truyền thống. Quả nọ không tiếp giáp quả kia nên đầy đủ ánh sáng và to đều, dựng quả thuận lợi, màu quả đẹp hơn…
Nông dân Dương Văn Hùng cho biết: Ngay từ những vụ đầu tiên chuyển từ trồng dưa hấu sang dưa kim, nông dân nơi đây cũng làm luống, đặt cây giống như trồng dưa hấu. Song dưa kim được lai tạo và cùng dòng với dưa lê nên thân chính không cần bò dài. Vì vậy nhiều người đã mày mò trồng thử ra giữa luống như trồng dưa lê nhưng không làm luống cao giữa.
Việc định nhánh, định số lá/cây và hướng ngọn bò cho dưa kim cũng không được “nghệ thuật” như bây giờ. Sau khi gặp một số bất lợi (dưa hay bị thối gốc sau mưa, số lá um tùm làm quả không đẹp, không to, dây dưa chồng chéo khiến sâu bệnh gây hại nhiều…), bà con đã rút được ra kinh nghiệm và dần khắc phục được thông qua các biện pháp kĩ thuật đã làm như trên.
Với thân dưa để bò từ giữa luống ra 2 bên sẽ hạn chế về chiều dài hơn so với trồng vào một mé luống. Vậy việc tuyển quả sẽ như thế nào? Quả dưa sẽ phải lấy gần gốc hơn, vậy có đạt tiêu chuẩn?
Anh Hải, một đại lý chuyên cung ứng vật tư cho nông dân giải thích: Khác với trồng một mé, khi trồng ở giữa luống đòi hỏi vị trí tuyển quả sẽ phải gần gốc hơn. Nông dân lấy quả từ lá thứ 5-8 (khác trồng thông thường lấy quả từ lá 8-10). Song với cách để 3 chèo, mỗi chèo từ 1-2 lá nữa tổng số lá trên một cây đủ để quang hợp và nuôi quả để quả to, mã đẹp. Cuối vụ dưa vẫn phủ kín hết bề mặt luống là đủ để quả phát triển thuận lợi và chín ngọt.
Cách làm luống, trồng dưa kim của nông dân Tân Hưng giúp năng suất đạt cao nhất so với các vùng trồng dưa khác, chất lượng quả cũng luôn cao. Vụ thu đông vừa qua nhiều hộ đã thu lãi trên 100 triệu/mẫu. Vì thế cây dưa kim đã khẳng định vị thế trên “quê hương thuốc lào”.
Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.
Khi có dịp ghé qua Từ Liêm Hà Nội bạn không thể không nếm thử loại đặc sản bưởi Diễn nơi đây. Hương vị thơm ngon thanh mát cùng mùi hương thơm dễ chịu khiến ai ăn thử một lần đều không thể quên được.
Bưởi Diễn là giống cây bưởi có nguồn gốc từ loại bưởi Đoan Hùng-Phú Thọ đã được người dân mang về trồng tại xã Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội. Do hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây mà loại cây này ra trái rất nhiều và có vị ngon đặc biệt hơn hẳn bất cứ nơi đâu. Thời xưa đây được coi là loại cống phẩm thượng hạng để tiến vua. Cho đến nay mỗi dịp tết đến hầu như trên bàn thờ nhà ai cũng có một quả bưởi Diễn để cúng tổ tiên.
Đặc điểm của giống bưởi Diễn
Không chỉ hấp dẫn bởi lớp vỏ mỏng vàng ươm. Những tép bưởi bên trong mọng nước và khi ăn có vị ngọt thanh mát rất đặc trưng. Điểm đặc biệt phải kể đến về giống bưởi này là hương thơm của chúng lan tỏa ra khiến ai gửi đều dễ chịu và thoải mái. Chỉ cần trong nhà bạn có 2 quả bưởi diễm xếp góc nhà thôi là cả căn phòng sẽ tràn ngập mùi bưởi.
Bưởi Diễn chính hiệu thường có trái vừa không quá to. Qủa tròn khi cầm chắc tay và da bưởi trơn không sần. Trung bình một quả khi chín nặng từ 0,8-1kg. Múi bưởi Diễn dễ tách rời, mọng nước và có tỷ lệ dinh dưỡng khá cao.
Về kinh tế thì đây là giống bưởi cho năng suất kinh tế cao. Một vụ 1 cây cho thu hoạch từ 60-70 quả. Chất lượng quả cao và ổn định không thấy thường như những giống khác.
Cách trồng và nhân giống bưởi Diễn
Chọn lựa giống : để cho ra được được những cây giống khỏe mạnh cho năng suất cao thì khâu chọn lựa cây giống là rất cần thiết. Cần chọn cây con giống tại những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng giống tốt nhất đem trồng. Cây giống tốt cần là những cây con to khỏe cao trên 30cm trở lên. Bộ rễ phát triển và không có mầm bệnh.
Đất trồng bưởi Diễn
Loại đất thích hợp để trồng bưởi Diễn là đất cát pha giàu dinh dưỡng và tơi xốp. Độ pH phù hợp từ 5,5-6,5. Đất trồng cần cao ráo sạch sẽ và nên ở những nơi không quá nhiều gió vì sẽ làm quả bị rụng.
Mật độ trồng bưởi Diễn
Tùy theo từng điều kiện Diện tích à điều chỉnh mật độ trồng bưởi Diễn phù hợp. Khoảng cách trung bình từ 3 đến 3,5m là thích hợp để cây phát triển.
Chuẩn bị hố trồng bưởi Diễn
Bạn cần chuẩn bị hố trồng trước 1 tháng. Cần đào hố và bón lót xuống đáy một lượng phân bón rồi lấp đất trên mặt cao so với hố 15cm. Sau giai đoạn này 1 tháng ta tiến hành trồng cây giống. Vét một hố nhỏ bằng bầu đất rồi đặt bầu vào rồi nén chặt phần gốc cây. Bạn có thể cắm thêm cọc giữ cho cây không bị đổ hay nghiêng gây chết cây.
Chăm sóc sau khi trồng
Sau khi trồng xong cây con giống bạn tiến hành tưới nước ngay cho cây. Tưới vào sát gốc ngày 1 lần cho đến khi cây bén rễ vào đất mới sau đó giảm dần 3 ngày tưới nước 1 lần.
Cắt tia cành và tạo tán bưởi Diễn
Trong khâu chăm sóc cây bưởi Diễn thì khâu cắt tỉa và tạo tán cho cay cũng khá quan trọng. Việc cắt tỉa cành tạo tán cho cây định kì sẽ giúp cây thông thoáng hơn. Bạn tỉa bỏ các cành bị sâu bệnh, cành héo giữ lại những cành khỏe mạnh và thường xuyên vun xới cỏ dại xung quanh gốc cây giúp đất thông thoáng hơn.
Bón phân cho cây
Cây bưởi Diễn muốn phát triển tốt và cho năng suất trái cao thì bạn cần định kì bón phân giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây phát triển lá và trổ hoa tạo quả. Nếu như trước khi trồng bạn đã bón lót vào đất trồng cây thì giai đoạn ra hoa tạo quả và sau thu hoạch lứa đầu tiên bạn cần bón thêm cho cây một lượng phân chuồng hoai mục và NPK theo tỷ lệ 10:3.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi Diễn
Nếu muốn cây khỏe mạnh phát triển tốt thì việc phòng ngừa sâu bệnh hại là điều tối quan trọng trong khâu chăm sóc. Bằng việc thường xuyên kiểm tra cây bưởi Diễn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu sâu bệnh hại ngay thời gian đầu.
Nếu phát hiện sâu bệnh hại bạn có thể loại bỏ bằng tay, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh tấn công hoặc có thể sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc để phun cho cây.
Thu hoạch và bảo quản
Với việc trồng đúng kĩ thuật bạn sẽ thu hoạch được những loại quả bưởi Diễn chất lượng cao, mọng nước. Nhớ thu hái quả vào lúc trời râm mát, khô ráo. Bảo quản trong nơi râm mát để quả giữ được độ tươi ngon. Sau khi thu hoạch xong bạn vệ sinh xung quanh gốc cây, cắt tỉa đi những cành già, héo và cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc như ban đầu.
Mít Thái siêu sớm là giống mít mới xuất hiện những năm gần đây, là giống cây dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, đậu trái quanh năm.
Đặc điểm nổi bật của cây mít Thái là cho thu hoạch rất nhanh. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch lứa đầu tiên chỉ mất khoảng 12-15 tháng. Cây đậu trái quanh năm nhất là vào mùa hè. Trái mít khi chín có trọng lượng từ 10-15 kg, bên trong có múi khá to và mọng, ăn thơm ngọt đậm. Bên cạnh đó, mít Thái giàu chất dinh dưỡng như vitamin A, C, canxi, sắt, kali, ma-giê và nhiều dinh dưỡng khác, do đó rất có lợi cho sức khỏe người dùng. Tuy mít Thái dễ trồng nhưng để trồng thành công cây mít Thái, cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
1. Chọn giống
Không nên nhân giống bằng hạt vì bị lai giống và cây lâu cho trái. Nên sử dụng cây ghép có đường kính gốc ghép từ 1 – 1,5 cm, cành ghép cao 20 – 30 cm (kể từ vết ghép), cây khỏe mạnh, sạch bệnh nhưng phải là dòng F1 thuần chủng thì mới đảm bảo về năng suất và chất lượng. Nên chọn cây có bộ rễ phát triển mạnh; lá đang giai đoạn già; vết ghép tiếp hợp tốt.
2. Thời vụ và khoảng cách trồng:
– Thời vụ trồng: để cây sinh trưởng và phát triển có hiệu quả nhất, nên trồng vào đầu mùa mưa, nghĩa là từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch.
– Khoảng cách trồng: trước khi trồng mít Thái cần làm đất và đắp mô cao từ 50 – 70 cm. Sau đó trồng cây lên mô đất. Do mít Thái có khả năng cho trái sớm nên có thể trồng theo mật độ dày, khoảng 3,5m x 3,5 m hoặc 4 m x 4 m. Sau khi thu hoạch mít từ 5 – 7 năm, có thể loại bỏ cây ở giữa, đảm bảo mật độ giữa các cây mít luôn thông thoáng, giúp cây phát triển và đậu trái tốt hơn.
3. Trồng và chăm sóc:
– Cách trồng: Móc lỗ sâu và to hơn bầu cây đôi chút. Dùng dao, kéo cắt đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại. Đặt bầu vào lỗ đã móc sẵn và rút nhẹ túi đựng bầu ra bỏ và lấp đất lại, không làm vỡ bầu, đứt rễ. Nếu đất khô phải tưới cho cây ngay, dùng rơm, rạ, cỏ rác… đậy xung quanh bầu để giữ ẩm. Cây cao, ốm yếu dùng cọc cắm cố định cho cây khỏi ngã đổ.
– Tưới nước: Tháng đầu sau khi trồng, nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần. Sau đó, có thể tưới 4-5 ngày/lần. Từ năm thứ hai về sau, tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và những tháng quá khô hạn. Mít Thái rất sợ úng nên vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra kênh mương cống rãnh và có kế hoạch chống úng.
– Bón phân:
+ Đối với cây 1 năm tuổi: mỗi tháng bón phân một lần bằng nước phân chuồng hoai pha tỷ lệ 1: 3 (tức 1 phần phân : 3 phần nước), tưới 10 – 15 lít/cây hoặc đạm urê 1% để tưới.
+ Cây 2 – 3 năm tuổi: mỗi cây nên bón 1,5 kg vôi bột, 30 – 50 kg phân chuồng hoai; 0,5 kg urê; 0,5 – 1 kg lân; 0,3 – 0,5 kg kali. Chia làm 4 lần để bón: sau khi thu hoạch, bắt đầu ra hoa, sau khi đậu trái 1 tháng, sau khi đậu trái 2,5 tháng.
+ Cây từ 4 năm tuổi trở lên: lượng phân tăng so với năm trước 0,5 – 1,0 kg/cây. Trong thời gian trái đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g giúp trái chín tập trung, màu thịt trái vàng hơn, mùi vị thơm ngon hơn.
+ Cách bón: Xới rãnh xung quanh theo đường kính tán cây, rắc phân rồi lấp đất, tưới ẩm. Bón càng nhiều phân chuồng hoai thì mít Thái càng sai và chất lượng trái càng ngon.
4. Tỉa cành, tỉa trái:
– Tỉa cành: Tỉa những cành sâu bệnh để cây thông thoáng nhằm tăng năng suất và mang tính thẩm mỹ. Tiến hành tỉa cành khi cây cao khoảng 1 m trở lên, cây còn nhỏ tỉa cành tạo tán 2-3 lần/năm. Cây lớn mỗi năm một lần khi thu hoạch trái xong. Cách tỉa cành mít như sau:
+ Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất (từ 40 cm trở xuống).
+ Tỉa bỏ bớt các cành cấp 2, cấp 3… cho cây vừa đẹp vừa thoáng.
+ Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40 cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50 cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1.
– Tỉa trái: Tỉa bớt trái xấu, trái sâu bệnh, trái nhỏ và cả những trái bình thường cho mật độ trái phù hợp với từng cây.
+ Khi cây 1 năm tuổi: nên tỉa bỏ chỉ chừa một trái/lứa.
+ Năm thứ hai: để 2 trái/lứa, thu hoạch được 4 trái/năm.
+ Năm thứ ba: để 3 trái/lứa, một năm 2 lứa, sẽ được 6 trái và như thế tăng số trái/cây theo từng năm tuổi.
5. Phòng trừ sâu, bệnh hại mít Thái:
5.1. Bệnh hại:
a. Bệnh thối nhũn
– Cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp dễ bị bệnh và bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh có thể do nấm Rhizoctonia solani, Sclerotium, Pythium gây nên.
– Trên thân gốc và bề mặt vật liệu nuôi cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng.
– Phòng bệnh: Sử dụng phân hoai mục. Tạo thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt. Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm bằng các loại thuốc có chứa các hoạt chất như Iprodione (Rovral), Metalaxyl + Mancozeb (Ridomyl Gold 68WG),…
– Trị bệnh bằng các loại thuốc có chứa các hoạt chất: Cyproconazole (Bonanza 100 DD), Difenoconazole (Score 250 EC, Tilt 250 ND).
b. Bệnh thối gốc chảy nhựa
– Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm Phytopthora xâm nhập.
– Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.
– Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có chứa các hoạt chất để phun xịt như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomyl Gold 68WG), Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG).
5.2. Sâu hại:
a. Sâu đục thân, đục cành
Thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu có các hoạt chất sau vào giai đoạn ra lá non, trái non như Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Vitako 40WG); Abamectin (Nouvo 3.6 EC).
b. Ruồi đục trái (loài dacus sp)
Đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Nên dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc có các hoạt chất diệt ruồi như Etofenprox (Trebon 10 ND), Deltamethrin (Decis 2.5 EC),…
c. Sâu đục trái
Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất. Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm. Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.
d. Rầy, rệp
Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học có các hoạt chất sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Fenobucarb (Bassan 50 EC), Methidathion (Supracide 40 EC),…
5.3. Phòng ngừa hiện tượng xơ đen:
Giống cây mít Thái Lan thường bị xơ đen, da không bóng, hình dạng bên ngoài vẫn phát triển bình thường. Trên cùng một cây có thể có trái bệnh, trái không bệnh. Nguyên nhân có thể do thiếu canxi – do mưa quá nhiều khiến canxi trong đất bị hao hụt. Do đó, trước khi cây ra hoa và trong thời gian ra hoa, cần bổ sung canxi cho mít. Loại canxi tốt nhất là canxi lỏng, phun lá và tưới gốc giai đoạn mít ra nụ và cứ định kỳ 2 tháng phun lại 1 lần đến khi thu hoạch.
6. Thu hoạch:
Thu trái chín khi đã thơm, từ 90 – 120 ngày sau khi trổ hoa. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp. Mít Thái tự chín ở nhiệt độ bình thường, trái mít có thể để lâu trong 6 tuần ở nhiệt độ 11 – 130C, nếu điều kiện bình thường thì để được 7 – 10 ngày.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết , thanh long ruột trắng và xoài cát chu đã mở đường cho hoa quả Việt Nam vào thị trường khó tính.
Chiều 7/11, lô xoài tươi cát chu ( Đồng Tháp) 3,5 tấn đầu tiên đã được giới thiệu tại trung tâm thương mại AEON ( tỉnh Chiba, Nhật Bản ). Dự kiến từ nay đến Tết Dương Lịch, 80 tấn xoài sẽ được nhập khẩu tại thị trường này, theo đường biển, hàng không.
Trong niềm vui với thành quả sau 4 năm theo đuổi và đàm phán thương vụ này, ông Nguyễn Trung Dũng đã có những chia sẻ.
Tôi rất vui. Vậy là sau gần 4 năm đàm phán, đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với sự chuẩn bị và hoàn thiện của nhà nông cũng như doanh nghiệp, chúng ta đã đưa được xoài tươi Việt vào thị trường Nhật.
Trung tâm thương mại AEON, tỉnh Chiba ( Nhật Bản) , nơi xoài của ta được tiêu thụ, mỗi ngày đón trung bình 50.000 khách. Quầy hàng xoài cát chu Việt Nam trong sự kiện giới thiệu sản phẩm đông nghịt khách.
Với quan sát và cảm nhận của tôi, không chỉ có người Nhật, mà ngay cả chính người Việt Nam tại đây, khi ăn thử, cũng tỏ ra rất ngạc nhiên vì chất lượng đồng đều, độ ngon ngọt , màu sắc đẹp của sản phẩm quê nhà. Tôi thật sự vui khi nhìn thấy điều đó.
Xoài tươi cát chu của Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản.
Chúng ta phải dành tới 4 năm để đi qua tất cả các khâu của quy trình từ kiểm tra, khảo sát vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tới khi hoàn tất đàm phán, đạt được thỏa thuận và vận chuyển tới thị trường Nhật.
Nói về công tác bảo quản xoài, chúng ta đã thành công trong việc quản lý xử khuẩn bằng hơi nước nóng. Đây là công nghệ chuyển giao của Nhật Bản, giúp thanh long ruột trắng trước đó, và nay là xoài vượt qua rào cản cuối để vào thị trường thành công.
Riêng về vận chuyển, trong đợt hàng đầu tiên, để đảm bảo chất lượng xoài tươi đáp ứng thị trường vào thời điểm ngon nhất, chúng ta phải chấp nhận đi đường hàng không. Chi phí vận chuyển này khá tốn kém. Trong thời gian tới, bằng cách tính toán thời gian hợp lý, ngoài đường hàng không, xoài có thể đi cả bằng đường biển.
Xoài là loại trái cây được yêu thích ở Nhật. Người Nhật cũng có xoài do chính họ trồng, đã có thương hiệu từ lâu. Tuy nhiên, xét về chất lượng, tôi đã trải nghiệm và thấy xoài của ta về độ ngon, ngọt, thơm và màu sắc không hề thua kém. Chưa kể giá loại quả này của Nhật bán tại các siêu thị cao hơn rất nhiều.
Thực tế, cuối tháng chín ,Việt Nam và Nhật Bản thông qua về nguyên tắc. Sau đó chỉ hơn một tháng, xoài Việt Nam chính thức lên kệ siêu thị Nhật.
Với tiến độ như vậy, đồng thời, bằng sự kiện Việt Nam gia nhập TPP, rất nhiều dòng thuế được giảm ngay sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản nói chung, trái cây Việt Nam nói riêng có nhiều hơn cơ hội vào thị trường Nhật.
Nguồn: nongnghiepvietnam.edu.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.
Ông Mai Văn To – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức (Long An) ngồi buồn so nói: “Vừa rồi chúng tôi đi xem tình hình bà con trồng mía trên địa bàn, thấy mà phát rầu. Bây giờ bà con kêu lái đến cho mía cũng không ai lấy. Xem như năm này bà con mất Tết”.
“Ăn Tết nỗi gì!”
Sau vụ mía “bán mà như cho”, ông Hai Long (Nguyễn Văn Long, xã Lương Hòa, Bến Lức) hốp ngụm trà thơm mà đắng chát cổ họng. “Mong vô vụ mía bán kiếm tiền ăn Tết, nhưng thua rồi. Giờ không biết lấy tiền đâu ăn Tết”, ông lắc đầu.
Theo ông Hai Long, giờ thương lái rất ngại mua mía cho nông dân. Nếu mua họ phải chở đi tận Tây Ninh, Bến Tre, thậm chí Hậu Giang để bán cho nhà máy đường. Đi như vậy lỗ vốn lấy gì ăn”, ông Hai thổ lộ.
Ông Hai cho biết, năn nỉ riết thương lái mới chịu mua mía nhưng chỉ với giá 200.000 đồng/tấn. Bán hơn 1ha mía với giá này ông Hai cầm chắc lỗ. “Với giá này chỉ đủ tiền phân. Nhưng không bán chẳng lẽ để mía chết khô trên đồng, rồi lại tốn thêm tiền thuê nhân công dọn rẫy”, ông Hai trần tình.
Trong khi đó, dù có gần 30 năm gắn bó với cây mía, từng trồng cánh đồng mía với diện tích đến 300 ha, nhưng ông Trương Hùng Dũng (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) giờ cũng nản lòng với cây mía. Hiện, ông đang chuyển dần khoảng 100ha mía còn lại sang trồng cây ăn trái.
Theo ông Dũng, năm nay bất lợi về thời tiết nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. “Với giá mía bèo bọt như hiện nay, trừ các khoản chi phí là lỗ là cái chắc, mong gì kiếm lời mà trang trải, ăn tết”, ông than thở.
Ông Dũng cho rằng, dù rất buồn phải chia tay với cây mía, nhưng ông sẽ quay lại nghề trồng mía nếu mỗi ha có lời khoảng 30 triệu đồng. Vì trồng mía có nhà máy chế biến bao tiêu, nông dân yên tâm chứ không quá bấp bênh như thị trường cây ăn trái sáng nắng, chiều mưa như hiện nay.
Nghề trồng mía teo tóp
Giá mía năm qua sụt giảm nghiêm trọng khiến các tỉnh có trồng mía đang teo tóp dần diện tích. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, diện tích mía niên vụ 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2017.
Hiện, tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Dự tính, đến năm 2020, diện tích này sẽ giảm còn 3.000 – 4.000ha.
Theo Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, tỉnh Long An được phân bổ 8.500ha mía. Nhưng theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sở này đã kiến nghị với Bộ NNPTNT xin giảm một nửa diện tích mía được phân bổ trong Đề án trên.
Lý do là tình hình sản xuất mía trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, do: Giá thấp, nhà máy nợ tiền nông dân, khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; Chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao, lượng đường tồn kho lớn. Vừa qua, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ.
Trong khi đó, Đồng Nai từng là tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước với cả chục ngàn ha nhưng cũng đang giảm dần theo từng năm. Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, nếu năm 2012 toàn tỉnh có gần 10.700 ha trồng mía thì đến nay chỉ còn 8.000ha.
Thương lái ở Long An không muốn mua mía vì phải vận chuyển mía đến nhà máy đường quá xa, sợ thua lỗ.
Tại nhiều tỉnh, thành, hàng loạt nhà máy đường đã đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản. Vụ thu hoạch mía năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều lâm vào cảnh khốn đốn.
Tại Long An, nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 nhà máy chế biến đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa – Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng thiết kế của 2 nhà máy đạt khoảng 5.000 tấn mía/ngày với tổng sản lượng đường đạt khoảng 38.900 tấn đường/năm. Nhưng theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, tính đến cuối 2018, lượng đường tồn kho của 2 nhà máy trên khoảng 19.000 tấn.
Theo ông Thiện, có 3 nguyên nhân dẫn đến giá thành đường Việt Nam cao là: Năng suất mía Việt Nam bình quân 60 – 70 tấn/ha, trong khi năng suất mía của các nước đạt khá cao; Chữ đường của Việt Nam lại thấp; nhiều nhà máy sản xuất công nghệ lạc hậu nên lượng đường sản xuất trên 1 tấn mía thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới…
Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì được người dân đem ra cắt các củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5 (cm) và ủ cho mọc mầm trước khi đặt xuống đồng ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, do đó làm ảnh hưởng đến năng suất.
Anh Lê Việt Hà canh tác 3ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây khoai mỡ ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu khoai, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất. Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống khoai sạch bệnh để bán cho bà con nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.
Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cấy mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cây mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ sản xuất khoai mỡ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.
Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cấy mô từ 3kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5000đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ cho bà con nông dân.
Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và người dân trồng khoai xung quanh”.
Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cấy mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con nông dân đồng đều, giá bán giống là 20.000 đồng/kg khoai giống, so với khoai hàng chợ 16.000 đồng/kg nhưng được nhiều bà con lựa chọn. Hiện nay anh đang trồng 3ha khoai giống để cung cấp giống tốt cho bà con trong vụ tới.
Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu đời trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất cây trồng nhưng với ý chí nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công trên mô hình trồng nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.