Gạo Việt Nam xuất khẩu miệt mài nhưng vẫn chưa đặc tên

Trong khi Thái Lan có thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia gia nhập thị trường xuất khẩu sau cũng đã kịp có tên gạo Phka Romdoul… thì Việt Nam dù đã bền bỉ xuất khẩu gạo nhiều năm nay, thuộc top đầu thế giới vẫn chưa được định vị bằng một cái tên thật sự “danh chính ngôn thuận”.

Chỉ chú ý số lượng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22% so với 2016. Còn trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2017. Dự kiến, cả năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2 – 3,3 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tới đây sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định, tăng cường quan hệ hợp tác thương mại gạo cả kênh Chính phủ và doanh nghiệp; đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Đến nay, Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị “Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam” ngày 10.10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với các biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Đáng chú ý, ngày 15.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.

“Tuy vậy, phải thừa nhận một thực tế, mặt hàng gạo của Việt Nam cần khắc phục và hoàn thiện việc nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, marketing, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu; các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng các nước biết đến. Đây là những vấn đề cần được khắc phục thời gian tới” – ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay cơ cấu chủng loại xuất khẩu gạo trắng cấp thấp, trung bình và gạo trắng phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn chiếm gần 40%. Trong khi đó, các thị trường cạnh tranh về xuất khẩu gạo với Việt Nam đang ngày càng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng gạo.

Trước bối cảnh trên, ông Hải cho hay, định hướng phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới là những định hướng mà ngành gạo Việt Nam đang triển khai. “Hiện, gạo trắng cấp thấp chiếm hơn 30%. Thời gian tới, sẽ giảm gạo phẩm cấp thấp, nâng cao thị phần gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica” – ông Hải nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu, cách nào?

Có thể thấy, điểm yếu nhất của gạo Việt hiện nay là chưa có thương hiệu. Theo ông Martin Albani – chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế: Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh, tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu mà còn tác động đến khách hàng mà còn đối với đối tác.

“Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý” – ông Martin Albani nói.

Lấy thêm ví dụ về Campuchia, theo ông Martin, ngành lúa gạo nước này bắt đầu gần như từ “tay trắng” nhưng nhờ chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, Campuchia đã khiến người tiêu dùng thế giới biết tới gạo của họ.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, các loại giống lúa Japonica, giống lúa theo thực phẩm chức năng, nhóm lúa hạt dài ở Việt Nam vẫn chưa tạo được sự vượt trội về hình dáng, hương vị so với các nước khác. “Muốn xuất khẩu gạo đem lại nhiều giá trị cần phải đặc biệt chú trọng tới giống lúa” – bà Tiên nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu; đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thiệt hại lớn do khai thác mủ cao su không đúng kỹ thuật

Tình trạng người dân khai thác mủ không đảm bảo kỹ thuật xảy ra phổ biến ở Kon Tum, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mủ và chất lượng vườn cây.

Xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có 11 thôn làng. Toàn xã có 1.000ha cây công nghiệp thuộc sở hữu cá nhân, trong đó riêng cây cao su có tới 800ha. Mặc dù trồng cao su, hầu như ngày nào cũng đi khai thác mủ cao su, song không phải người dân nào trong xã cũng nắm chắc kỹ thuật khai thác mủ.

Ông A Khế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Hring cho biết, qua theo dõi, tình trạng cạo mủ cao su không đúng kỹ thuật chủ yếu xảy ra ở các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số: “Qua nắm bắt của Hội Nông dân, nhiều hộ chưa hiểu rõ kỹ thuật khai thác mủ, nhiều hộ chưa học về kỹ thuật, chưa đi cạo nhiều”.

 Anh A Chau bên một cây cao sụ bị trọng thương do cạo mủ không đúng kỹ thuật.

Dọc hai bên tuyến đường nối từ xã Diên Bình, huyện Đăk Tô đến xã Đăk Pxi  huyện Đăk Hà dài gần 20km là bạt ngàn cao su. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác mủ.

Tiếp cận ngẫu nhiên lô cao su của một hộ dân bên đường cảnh tượng không khỏi xót xa. Trên thân những cây cao su gần 10 năm tuổi đang phát triển mỡ màng, là những vết sẹo lồi lõm do dao cạo mủ gây ra. Không ít cây lõi gỗ ở miệng cạo hở cả ra ngoài gặp trời mưa thâm xỉn lại rồi bị côn trùng tấn công. Nói về hậu quả của việc khai thác mủ cao su không đảm bảo kỹ thuật, ông Lục Văn Tua, thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, cho biết: “Nếu cạo không đúng kỹ thuật ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cây trồng, sẽ khiến cây không liền da được”.

Quan sát thực tế tại nhiều vườn cây cho thấy, lỗi phổ biến mà người dân hay mắc phải trong quá trình cạo mủ cao su là cạo phạm, cạo dài dăm và độ dốc của miệng cạo không đúng kỹ thuật. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi chất cũng như ảnh hưởng đến lớp vỏ kinh tế của cây cao su. Cùng với lỗi về kỹ thuật, người dân còn hay phạm lỗi về ý thức mà điển hình là việc sau khi cạo phạm không sử dụng mỡ bôi để bảo dưỡng cây. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc miệng cạo bị khô mật độ cây cạo trong lô giảm.

Rất nhiều cây cao su bị phá hỏng miệng cạo như thế này.

Ông Dương Văn Khẩu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do trong quá trình đào tạo nghề, nông dân ít được thực hành; nhiều nơi việc thực hành được thực hiện trên cây rừng chứ không phải cây cao su. Phần nữa là do ý thức, kỷ luật lao động của người dân chưa tốt.  “Việc đào tạo tại chỗ có thể giúp người dân hiểu ngay nhưng sau đó trong quá trình sản xuất lại dần quên đi. Đối với những người khéo léo, sau khi đào tạo xong có thể cạo đẹp ngay và từ đó thành một thói quen nhất định. Nhưng cũng có những người khéo léo nhưng lại kém về ý thức. Cầm dao vào là cạo là dóc, là phạm, cứ tiếp tục như vậy mà không được uốn nắn kịp thời”.

Việc người dân khai thác mủ cao su không đảm bảo kỹ thuật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mủ và chất lượng vườn cây hiện khá phổ biến tại nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum. Nếu không được khuyến cáo, điều chỉnh kịp thời thì  thiệt hại về kinh tế không chỉ là chuyện riêng của từng hộ dân, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển mà tỉnh Kon Tum đặt ra với loại cây trồng này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nguyên nhân đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến Malaysia (MOA) đã thông báo tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam với lý do dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) vượt quá ngưỡng cho phép của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 11/10, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, ông Phạm Quốc Anh cho biết có hai vấn đề cần lưu ý đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam.

Đó là không phải tất cả các đơn vị xuất khẩu ớt của Việt Nam đều vi phạm tiêu chuẩn MRL của Malaysia và quyết định tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam rất có thể liên quan đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trẻ do Chính phủ Malaysia bảo trợ.

Ông Phạm Quốc Anh cho biết mới đây, MOA rất quan tâm đến các hộ nông dân trồng ớt của Malaysia, đặc biệt là các nông dân trẻ tham gia chương trình bảo trợ của chính phủ, đồng thời bày tỏ mong muốn các nông dân Malaysia có thể cạnh tranh được với các nông dân trồng ớt nước ngoài.

Với lý do này, MOA đã quyết định cử đoàn công tác đến Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu ớt số lượng lớn vào Malaysia, để tìm hiểu thực địa.

Song song với việc trên, MOA cũng đã tiến hành một loạt hoạt động thanh kiểm tra đối với các sản phẩm ớt nhập khẩu được bán trên thị trường Malaysia.

Kết quả cho thấy không có hành động bán phá giá, song rõ ràng giá bán ớt nhập khẩu thấp đã gây áp lực lên các sản phẩm trong nước.

Ví dụ như ớt được trồng tại bang Johor được bán với giá 8 ringgit/kg (khoảng 45.000 VND), ớt dầu đỏ giá 6,5 ringgit/kg, trong khi giá ớt nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 3,9 ringgit/kg.

Các cuộc thanh kiểm tra cũng nhằm xác định xem các sản phẩm ớt nhập khẩu có vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn của Malaysia hay không. Thông báo tạm ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam được đưa ra sau các cuộc thanh kiểm tra nói trên.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hân, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Malaysia cho biết quyết định trên khiến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam bị đình trệ.

Lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng đến người trồng ớt Việt Nam mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Malaysia vì họ không được phép tiếp cận với các sản phẩm ớt nhập khẩu giá rẻ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường Malaysia nhập khẩu đến 80% để đáp ứng nhu cầu về ớt trong nước.

Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã có công văn gửi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Việt Nam, theo đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản chính thức yêu cầu phía Malaysia làm rõ tiêu chuẩn về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu cho phép để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham khảo.

Bên cạnh đó, hai bên cần thảo luận để đi đến công nhận lẫn nhau về vấn đề kiểm định chất lượng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của Malaysia được tiếp tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm vào nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cần có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu ớt của Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Malaysia.

Các doanh nghiệp Việt Nam rất cần những thông tin công khai của phía Malaysia về tiêu chuẩn nhập khẩu ớt, nhất là các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép, để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Gạo Việt NAm có mặt ở 150 thị trường nhưng vẫn ít người biết

Hạn chế về năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing thương hiệu… nên gạo Việt Nam ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Tính trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới

Hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Ngoài ra, các giống lúa thơm, chất lượng cao nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn.

Đặc biệt, để tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư

, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo, ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

“Một số cơ chế chính sách khác như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo; Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, mặc dù sản phẩm gạo đã có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số thị tường đòi hỏi chất lượng cao, song xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu.

“Năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Bởi vậy, sản phẩm gạo chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được người tiêu dùng thế giới biết đến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Chú trọng hơn nữa chất lượng và an toàn

Với mục tiêu xây dựng và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã ngày càng chú trọng hơn vào chất lượng gạo xuất khẩu thay vì sản lượng. Cùng với đó, thời gian qua, các chính sách về xuất khẩu gạo đi vào thực tiễn đã giúp cho hoạt động kinh doanh lúa gạo của các doanh nghiệp trong ngành đi vào nề nếp, bài bản hơn.

Bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giống lúa chất lượng cao để có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu của thị trường. “Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL đang nghiên cứu chương trình phát triển giống lúa hạt rất dài, có đặc điểm thơm đậm, gạo trong, dài phù hợp với thị hiếu của thị trường và đó cũng là xu hướng chung của thế giới”, bà Tiên cho hay.

Để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, bà Tiên cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào sản xuất những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng. “Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, chất lượng cao tạo lợi thế cho xuất khẩu”, bà Tiên lưu ý.

Nhận thấy những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu gạo chạy theo sản lượng của các doanh nghiệp Việt đã thay đổi, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận xét, thế giới ngày nay nhắc đến gạo Việt là nhắc tới chất lượng và sự an toàn và ngành gạo đã có bước chuyển mình ngoạn mục.

Từ kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, ông Thòn chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có sự thay đổi lớn để có thể ghi được tên mình vào bản đồ xuất khẩu thế giới.

“Lộc Trời áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, doanh nghiệp và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất tập trung theo loại hình “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ sản xuất lớn, thành hợp tác xã. Chính nhờ sự liên kết này, câu chuyện sản xuất manh mún, phân tán, không rõ nguồn gốc tại Lộc Trời đã trở thành quá khứ”, ông Thòn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng gạo. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

“Do đó, định hướng phát triển, sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới cần theo quy trình sạch, tăng cường sản xuất gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất gạo theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói… Cùng với đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng để tạo dựng uy tín, tạo thương hiệu hạt gạo Việt Nam rõ nét hơn trên thị trường thế giới”, ông Trần Thanh Hải mong muốn.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nho ngón tay vàng Nhật Bản hơn 1,5 triệu mỗi kg

Một loại nho mới từ Nhật Bản vừa được thử nghiệm xách tay về Việt Nam với giá bán 1,55 triệu đồng mỗi kg.

Một hệ thống bán trái cây nhập khẩu có cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội vừa đến tận vườn nho Ishihara Farm ở tỉnh Okayama (Nhật Bản) để mua nho ngón tay vàng (Gold Finger Grape) mang về Việt Nam bán theo đường xách tay.

Chủ hệ thống cho biết, 30 kg nho về đến vào tối Chủ nhật ngày 7/10 nhưng đã bán gần hết sau hơn một ngày. Vì lần đầu được bán tại Việt Nam và để tạo ấn tượng, loại nho được đặt tên thành “nho móng rồng”.

 “Loại này mới nhưng tiêu thụ khá tốt vì nó được xem là hàng sang. Ngoài ra, hàng về ngay mùng một đầu tháng âm lịch nên khách mua để cúng”, phụ trách một chi nhánh ở TP HCM nói.

Loại nho này dạng thon dài, có vỏ màu vàng chanh sáng, vị ngọt, thịt giòn và chắc. Người bán khẳng định, nho ngón tay ở thị trường Việt Nam trước đây chỉ có hàng Mỹ, Australia, Trung Quốc… hoặc các loại có kích thước bé.

Trong đó, nho ngón tay Mỹ có màu tím đỏ, còn được gọi là nho phù thủy. Hiện loại này được bán tại Việt Nam giá từ 300.000 đến 400.000 đồng mỗi kg, tùy kích thước và loại đít tròn hay đít nhọn.

“Thay vì ngón tay Mỹ thì giờ là ngón tay Nhật. Loại này trước nay chưa có, toàn kiểu nho ngón tay đít tròn hoặc cỡ bé như trái ớt”, chị Huyền đại diện hệ thống nói.

Theo thông tin tại trang AliExpress, nho ngón tay vàng của Nhật Bản được lai bởi một người Nhật có tên Harada vào năm 1982 từ giống nho của châu Âu. Năm 1983, giống nho được đăng ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản.

Gần đây, các loại trái cây Nhật Bản, đặc biệt là nho, đang được ưu chuộng trong phân khúc cao cấp tại Việt Nam. Ví dụ như nho mẫu đơn giá khoảng 1,45 triệu đồng mỗi kg, nho Queen Nina giá 1,2 triệu đồng vẫn bán chạy. Đó là lý do các cửa hàng cao cấp rất tích cực sang tận vườn ở nước này để săn tìm các loại trái cây mới.

“Ai thích ăn cứng, thơm ngọt mùi sữa thì mua nho mẫu đơn. Ai thích ăn dẻo, mọng nước, hơi chút mùi rượu nhẹ thì ăn Queen Nina”, một nhân viên mô tả khả năng đáp ứng thị hiếu của các loại nho này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Đà Lạt: Giá hoa hồng tăng đột biến, nhà vườn lãi lớn

Hơn một tháng nay, giá hoa hồng tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) bất ngờ tăng mạnh và giữ ở mức cao khiến nhà vườn trồng loại hoa này đang có lãi lớn.

Khảo sát tại các vùng chuyên trồng hoa hồng tại làng hoa Vạn Thành, phường 5 thành phố Đà Lạt, hiện tại một cành hồng nhung bán tại vườn có giá trên 3.000 đồng/cành, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Đối với các loại hoa hồng khác như hồng vàng, trắng, ánh trăng, cánh sen… cũng dao động từ 2.500 – 3.000 đồng/cành, tăng từ 2-3 lần so với cùng kỳ của những năm trước.

Giá hoa hồng tại vườn vào những ngày thông thường chỉ có giá giao động từ 800 – 1.200 đồng/cành.

Một số nhà vườn chuyên trồng hoa hồng tại phường 5, TP Đà Lạt cho biết, nguyên nhân khiến giá hoa hồng tăng mạnh là do vùng trồng hoa hồng của Đà Lạt vừa qua bị dịch bệnh do thời tiết, giống cây cũng đã già cỗi khiến nhiều vườn đã phá bỏ loại hoa này chuyển sang trồng hoa màu khác.

Diện tích và sản lượng hoa hồng sụt giảm mạnh đã khiến giá cả loại hoa này tăng mạnh và giữ ở mức cao trong thời gian qua.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech VietNAm

Trái ớt Việt Nam bất ngờ bị Malaysia “chê”

Phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều lô ớt Việt Nam quá giới hạn cho phép nên quyết định tạm dừng nhập khẩu từ giữa tháng 9.

Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNN) cho biết đã nhận được thông báo của Cục Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và chế biến nông sản) Malaysia về việc sẽ tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 14-9-2018.

Nguyên nhân là sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra và kiểm dịch nước này phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của Malaysia.

Đơn vị thuộc Bộ NN&PTNN đã có công văn gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản sang Malaysia và các tổ chức, cá nhân liên quan về việc này.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong nước cũng phải rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn sự cố.

Ngoài ớt xuất khẩu sang Malaysia, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết cơ quan cũng nhận được thông báo từ cơ quan chức năng Hàn Quốc về việc phát hiện một số lô hàng đu đủ đã chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang là sản phẩm chuyển gen.

Theo quy định của Hàn Quốc, các loại thực phẩm chuyển gen không được sử dụng tại nước này, buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech VietNam

Vì sao thanh long trong nước rớt giá?

Thanh long thị trường nội địa rớt mạnh thời gian gần đây là có thật. Thế nhưng, nguyên nhân có phải do “đụng hàng” của Trung Quốc hay do quốc gia này đột ngột ngưng nhập khẩu như một số thông tin đã nêu hay không?

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết, liên quan đến thông tin Trung Quốc ngưng nhập khẩu thanh long Việt Nam là hoàn toàn không đúng.

“Tính đến nay, Trung Quốc không có bất cứ một văn bản hay thông báo nào về việc ngưng nhập khẩu thanh long của Việt Nam cả”, ông Lập nhấn mạnh.

Theo ông Lập, đối với thông tin Trung Quốc chỉ nhập khẩu thanh long loại 1, còn loại 2-3 không nhập thì cũng hoàn toàn không chính xác. “Thanh long của mình (Việt Nam) vẫn xuất khẩu bình thường, không có chuyện gì xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc buôn bán biên mậu và chính ngạch cả”, ông cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ cho kiểm tra lại thông tin nêu trên.

Giải thích lý do giá thanh long rớt mạnh, ông Lập cho rằng do thời điểm thu hoạch thanh long của Việt Nam hơi trễ, tức thu hoạch trước ngày Trung thu (15 tháng 8 âm lịch), nhưng khi vận chuyển đến Trung Quốc, thì Trung thu đã xong, thành ra không bán được, trong khi đó là thời điểm nhu cầu cao của thị trường này.

Còn hiện tại, theo ông Lập, Trung Quốc nghỉ quốc khánh 1-10 và người dân nghỉ lễ kéo dài đến một tuần, trong khi lượng thanh long thu hoạch ở Việt Nam lại rơi đúng vào thời gian nghỉ, thành ra không có giao dịch mua bán dẫn đến lượng hàng ứ đọng liên tục nên rớt giá.

Một lý do nữa, theo ông Lập, do thời điểm này đã vào cuối vụ thu hoạch, cho nên, chất lượng sản phẩm quá xấu cũng khiến giá bán thấp.

Cụ thể, thời điểm trước Trung thu, giá thanh long loại 1 thị trường nội địa dao động từ 37.000-38.000 đồng/kg, nhưng hiện đã giảm xuống dưới 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại 2-3 trước đó có giá 10.000-12.000 đồng/kg, thì hiện chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg.

Ông Lập cho biết thêm, Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều khu vực khác nhau và có nhiều đối tượng khách hàng, cho nên, có những khu vực (nghèo) vẫn tiêu thụ tốt thanh long loại 2-3; có khu vực thích thanh long ruột trắng, nhưng cũng có khu vực thích sử dụng thanh long ruột đỏ và ruột đỏ giống Đài Loan.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 9-2018 ước đạt 380 triệu đô la, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỉ đô la, tăng 17,1% so với cùng ký. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 khi chiếm 74,1% thị phần, tương đương đạt gần 2 tỉ đô la, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cách trồng nho Pháp và kỹ thuật trồng nho Pháp trong thùng xốp

Cách trồng nho Pháp và kỹ thuật trồng nho Pháp trong thùng xốp. Đây là giống mới du nhập vào Việt Nam song đã được nhiều người mua về trồng do cây dễ chăm sóc, nhanh ra quả.

Các giống nho truyền thống có tại Việt Nam, sau khi trồng phải 3-4 năm mới ra quả. Trong khi đó, nho Pháp, nếu chăm sóc tốt, chỉ mất một năm. Thường loại này ra quả quanh năm, nhưng rộ nhất vào mùa xuân, đến hè là quả chín. Cây ít sâu bệnh, leo giàn nhanh, có khả năng tạo bóng râm tốt nên được nhiều người lựa chọn trồng trong mùa hè.

Nho là giống cây rễ chùm, vì vậy, nên chọn nơi có diện tích lớn để trồng, đào hố 50x50x50 cm cho 1 gốc nho. Nếu không gian gia đình hạn hẹp, không có vườn đất rộng, có thể trồng trong những thùng xốp tối thiểu là 100 lít – bạn sẽ thu hoạch được khoảng 6 – 8 chùm nho/mùa (2 – 3kg/mùa). Nếu bạn muốn nhiều hơn thì dùng thùng càng lớn thì càng thu hoạch được nhiều, kiếm được cái thùng 500 lít thì tuyệt vời. Thông thường nên trồng vào vào thùng tầm 200 – 300 lít.

Lưu ý: Nho là một cây sống lâu năm (10 – 20 năm hay hơn nữa), rễ ăn ra rất mạnh. Do đó không nên sử dụng thùng xốp để trồng. Bởi sau 1 năm, rễ nho ăn bục thùng. Vì vậy nên dùng thùng phuy nhựa hay chậu đất lớn. Thùng trồng của phổ biến có kích thước 70 x 50 x 45 cm (dài x rộng x cao)

Chăm sóc cây ban đầu

Lúc cho cây vào trồng thì đất trồng chiếm hết hơn nửa thùng. Sau đó chỉ tưới phân humate (mua cùng khi mua cây nho) và phân NPK pha nước (ppm khoảng 1000) trong thời gian khoảng 5 tháng. Mỗi thứ chỉ tưới 1 lần/tuần: phân humate tưới sáng thứ 4, phân NPK tưới ngày chủ nhật.

Tưới nước chỉ cần vừa đủ giữ ẩm, thời điểm này chỉ cần khoảng 2 – 3 lít/ngày tùy theo trời nắng nhiều hay ít. Các bạn xem trên bề mặt khô thì hãy tưới (nếu bề mặt không có che phủ).

Thời vụ thích hợp trồng nho

Ta nên trồng nho vào tháng 11, 12, tháng 1 dương lịch. Tốt nhất là sau khi mùa mưa kết thúc.

Đất trồng nho

Loại đất thích hợp trồng nho là đất pha cát, pH = 5,5 – 7,5, vị trí đất cao không bị ngập úng, thoát nước tốt, có hệ thống tưới tiêu tốt.Đất phải tơi xốp và được bón phân hữu cơ

Mật độ trồng

Tùy theo diện tích sân thượng cũng như chu cầu mà bạn sẽ có mật độ trồng nho khác nhau.Ta trồng cách cây 1,5 – 2m. Mật độ 200 – 266 cây/ha.

Trước khi đặt gốc nho, chúng ta nên bón 8-10kg phân hữu cơ (NPK) cho một gốc.

Làm giàn cho nho có thể leo phát triển

Ta có thể hàn khung sắt trên sân thượng để làm giàn treo cho cây nho.Độ cao của giàn khoảng 1,8 – 2m để tiện việc đi lại, chăm sóc. Chọn ngọn khỏe nhất buộc vào cọc cho nho leo lên giàn, các ngọn hoặc cành còn lại cần cắt bỏ. Khi ngọn của thân chính đã leo cao khỏi giàn 20-30cm, tiến hành cắt bỏ thân chính (vị trí phía dưới tàn), cây nho sẽ mọc nhiều cành mới – cành cấp 1.

Mỗi cây nho chỉ để lại 2-4 cành cấp 1 tùy giống và bố trí sau cho phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài khoảng 0,8-1m, tiến hành cắt ngọn để mọc ra các cành cấp hai – cành quả, mỗi cành cấp 1 để 10-20 cành cấp 2 tuỳ giống và mật độ trồng.

Các cành cấp 1 và cấp 2 cần được buộc chặt vào giàn tránh gió lay làm rách lá, rụng mắt và tránh để cành đè lẫn lên nhau. Dây để buộc cố định cành vào giàn sử dụng những loại có khả năng tự phân hủy như  bẹ chuối …

Kỹ thuật trồng nho Pháp trong thùng xốp

1.Cắt cành cho cây

-Khoảng 10-12 tháng sau trồng, khi các cành cấp 2 đã hóa gỗ, màu nâu, mắt đã nổi rõ thì tiến hành để trái bằng cách cắt hết cành lá đã có, chỉ để lại cành quả, mầm dự trữ ở chân cành quả (sau quả vụ sau). Những cành to khỏe dài hơn 1m thì cắt cành ở vị trí mắt thứ 6 – 8, các cành nhỏ, ngắn cắt ở vị trí mắt thứ 1 – 2 để tạo cành dinh dưỡng cho vụ thu hoạch sau. Sau cắt cành khoảng 20 ngày cây bắt đầu ra hoa, 25-30 ngày đậu trái. Mỗi dây chỉ để 2 – 3 chùm.

Nhiều anh chị có thắc mắc không biết nên cắt cành và tạo tán cho cây nho thế nào. Các bạn nhớ 2 điểm quan trọng khi cắt cành nho

Trước khi cắt cành ta phải đảm bảo cho cây ăn đầy đủ chất dinh dưỡng,đảm bảo đó là thời kỳ cây đang sung mãn nhất. Tiêu chuẩn để 1 cành nho được cắt là đường kính chỗ cắt phải tương đương cây bút chì HB có đượm tí màu nâu gỗ mới đủ già, mạnh để nho có thể nảy chồi tốt.

-Sau khi cắt cành nho song, ta tuốt bỏ hết lá cây để cây nho chỉ dồn nhựa nuôi mầm mới và chồi hoa.Nếu bạn không tuốt lá cho cây thì cây nho sẽ không sinh nhánh hoa -quả.

2. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Ta cần chuẩn bị:

+ 3 lọ 10cc: dùng để phòng trừ hầu hết các bệnh về nấm gây hại cho nho.(thuốc có tính nội hấp-lưu dẫn bên trong lá,thân cây non ) như : thán thư, mốc sương, phấn trắng, rỉ sắt…Cách dùng: dùng 10 giọt của mỗi lọ pha vào 1 lít nước (tổng cộng 30 giọt từ 3 lọ thuốc) để phun toàn bộ lá, thân, gốc cây. Có thể pha hỗn hợp 3 loại thuốc phòng – trị bệnh nấm nho trên đây, cùng với 1 nắp (5cc) phân nước humate để phun cây.

+Lọ phân nước humate dùng để phun cho lá,thân hoặc tưới gốc nuôi dưỡng cây. Tỷ lệ: 1 nắp chai (5cc) pha với 1lít nước để dùng tưới gốc hoặc phun lá cây.

+ Lọ phân bột siêu dưỡng rễ, tạo nhựa nuôi mắt ghép: dùng phun lá hoặc tưới gốc dưỡng cây. Tỷ lệ: 1 nắp chai (5cc) pha với 3 – 5 lít nước để tưới gốc. Dùng thuốc để phòng nấm bệnh cây nho: phun đều đặn mỗi tuần/lần.

Cây đã có biểu hiện bệnh

Khi cây đã có dấu hiệu biểu hiện bệnh trên nho ta tiến hành phun thuốc trị bệnh:Mỗi tuần 2 lần, mỗi lần liền 2 ngày, cách 3 – 4 ngày sau lại phun tiếp, liên tục trong 2 ngày(để thuốc có thời gian nội hấp – lưu dẫn bên trong cây)…Khi mà thấy cây có biểu hiện bệnh ta tiếp tục quy trình phun thuốc cách thời gian đến khi khỏi bệnh

Các bệnh như mốc sương,rỉ sắt phấn trừng…rất có hại cho nho ta có thể dùng thuốc (3 loại pha chung như trên) phun phòng & trị dễ dàng, không khó.

Bệnh do nấm không chỉ có tác hại cho nho mà còn gây hại cho nhiều loại cây trồng khác trong vườn nếu như ta không phòng trừ diệt triệt để.Đây là loại bệnh nguy hiểm nhất trong các loại bệnh hại từ tác nhân nấm: bùng phát nhanh, lây lan nhanh, phá hoại lá, thân non, quả của cây rất nghiêm trọng. cần phun thuốc phòng ngừa trước, nhất là vào mùa mưa, hoặc môi trường trồng nào có ẩm độ cao…Nếu đợi khi bệnh đă ngấm sâu vào cây sẽ rất khó trị khỏi.

Cắt cành xử lý ra hoa

Khoảng 10-12 tháng sau trồng, khi các cành cấp 2 đã hóa gỗ, màu nâu, mắt đã nổi rõ thì tiến hành để trái bằng cách cắt hết cành lá đã có, chỉ để lại cành quả, mầm dự trữ ở chân cành quả (sau quả vụ sau). Những cành to khỏe dài hơn 1mthì cắt cành ở vị trí mắt thứ 6 – 8, các cành nhỏ, ngắn cắt ở vị trí mắt thứ 1 – 2 để tạo cành dinh dưỡng cho vụ thu hoạch sau. Sau cắt cành khoảng 20 ngày cây bắt đầu ra hoa, 25-30 ngày đậu trái. Mỗi dây chỉ để 2 – 3 chùm, trên các chùm cần tỉa bỏ các trái bị dị tật, méo, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại.

Xới xáo

Dưới tán giàn nho mặt đất không phơi ra nắng, ít bị mất nước, đóng váng. Tuy nhiên điều tra ở thực tế cho thấy 70% các người trồng nho xới đất mỗi vụ một lần để phá bỏ một phần bộ rễ cũ, tái tạo bộ rễ mới kết hợp bón phân, trộn đều vào đất.

Tưới nước

Tưới nước là một kỹ thuật quan trọng cùng với phân bón quyết định năng suất. Tưới chỉ cần thiết vào vụ nắng và về mùa mưa có khi cũng phải tưới. Đất thịt tưới nhiều nước hơn nhưng số lần tưới ít thường cách 10 – 15 ngày tưới một lần, nhưng thời kỳ ra hoa quả, sau 7 – 10 ngày đã lại cần tưới. Đất cát tưới một lượng nước ít hơn nhưng số lần tưới phải nhiều hơn, thường 5 – 7 ngày phải tưới một lần; khi lá nhiều, ra hoa quả – mỗi lần tưới chỉ cách nhau 3 đến 5 ngày.

Thu hoạch

Sau khi thu hoạch nho không chín thêm nữa. Đây là một nhược điểm vì nhiều trái cây khá như chuối, đu đủ, bơ, dứa v.v… có thể hái khi trái chưa chín, còn cứng, chịu được vận chuyển. Nho thì phải đợi chín mới thu hoạch được. Do đó phải chọn những giống thịt cứng, vỏ dày, dễ vận chuyển, nếu muốn bán các giống nho ăn tươi. Năng suất tùy giống, tùy vụ, tùy mức độ chăm sóc.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

100.000 đ/ củ tỏi Nhật vẫn được tìm mua

Đắt gấp nhiều lần tỏi Việt Nam, tỏi Organic Nhật có giá lên đến 100.000 đồng/củ nhưng vẫn được giới nhà giàu Việt ưa chuộng.

Tỏi là một loại gia vị quen thuộc trong bếp nhà của người Việt, được dùng để thêm vào giúp món ăn thơm ngon hơn. Tỏi được bán trên thị trường hiện nay rất rẻ, chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg tỏi, hay chỉ 5 nghìn mua lẻ cũng đã được vài củ tỏi đủ nấu cả tuần.

Nhưng mới đây, trên thị trường thực phẩm xách tay lại xôn xao bởi những củ tỏi Organic Nhật được bán với giá lên đến 100.000 đồng/củ, đắt gấp nhiều lần tỏi Việt Nam.

Củ tỏi Organic Nhật có hình dáng to, tròn và trắng hơn nhiều so với tỏi Việt Nam. Tỏi Nhật được bán theo cặp đựng trong túi lưới nhỏ, nên người tiêu dùng thường mua cả túi 200.000 đồng 2 củ tỏi.

Chị Hương (Minh Khai, Hà Nội) chỉ vào đĩa rau lang xào trên bàn: “Đĩa rau lang này, tiền rau lang chỉ 12.000 đồng, nhưng tiền tỏi là 100.000 đồng!”

Chị Hương cho hay, chị mua tỏi Organic Nhật tại một siêu thị chuyên bán hàng xách tay, dù giá của loại tỏi này khá cao nhưng vì yêu thích và tin dùng hàng Nhật nên chị vẫn mua về để nấu ăn. Mỗi lần mua sắm chị Hương thường mua 3 túi tỏi về để làm gia vị nấu cho cả tuần, tính ra mỗi lần mua sắm chị phải chi 600.000 đồng chỉ để mua tỏi.

Trao đổi với PV VTC News, chị Khúc Ngọc Anh chủ một cửa hàng bán đồ nhập khẩu (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Tỏi Organic Nhật mới có trên thị trường Việt Nam nhưng rất được ưa chuộng. Khi cho vào xào nấu, món ăn thơm ngon hơn”.

Chị Ngọc Anh cho biết thêm, lí do loại tỏi này có giá thành cao và được yêu thích bởi là tỏi Organic được gieo trồng theo phương pháp hữu cơ khắt khe của Nhật.

Chị Nguyễn Thị Hường, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cho biết, giá tỏi thường ở Nhật không quá cao, tại các khu chợ có thể mua được giá 20.000 đồng/3 củ nếu tính ra tiền Việt Nam, còn các siêu thị giá tỏi đắt hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/củ.

Riêng với tỏi Organic giá cao hơn hẳn và tùy vào thương hiệu mà giá tỏi khác nhau, như tỏi hữu cơ của ông Tanigamura tỉnh Aomori có giá 356 yên/củ là khoảng 73.000 Việt Nam đồng; tỏi hữu cơ tỉnh Miyazaki giá 518 yên/củ vào khoảng 107.000 đồng. Như vậy, giá tỏi Organic Nhật được bán ở Việt Nam hiện nay là không quá cao so với giá bán tại Nhật./.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam