Nuôi dúi - dễ kỹ thuật, khó đầu ra
Những năm gần đây, người dân ở các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dúi. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, vật nuôi này tỏ ra dễ thích nghi, phát triển tốt nhưng người nuôi lại gặp khó khăn trong việc tìm được thị trường đầu ra ổn định.
Kỹ thuật đơn giản
“Nếu muốn tiêu thụ dúi một cách chủ động, quan trọng nhất là người nuôi dúi tìm được đầu ra cho sản phẩm. Muốn vậy, người dân phải tự mình đi giới thiệu sản phẩm, chủ động sử dụng nhiều kênh thông tin để tìm đến những người có nhu cầu. Chỉ khi nào thị trường có nhu cầu ổn định mới thúc đẩy việc nuôi dúi phát triển lâu dài”, ông Trần Hưng Phú, chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đồng Xuân, nói.
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết, hiện nay dúi vẫn là vật nuôi mới và không nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của tỉnh nên chưa được tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, một số phòng Kinh tế – Hạ tầng, NN-PTNT các huyện đã có chủ trương cho người dân nuôi dúi thử nghiệm. Dúi là một vật nuôi hoang dã nên ban đầu, người dân gặp nhiều khó khăn nhưng qua một thời gian rút kinh nghiệm, một số mô hình nuôi dúi đã cho kết quả đáng khích lệ. Người dân qua quá trình nắm bắt kỹ thuật chẳng những có thể nuôi dúi đẻ bán giống, nuôi dúi thịt thương phẩm mà còn rút ra được quy trình nuôi hiệu quả.
Tại huyện Đồng Xuân, bốn mô hình nuôi dúi đều tập trung tại xã Xuân Sơn Bắc để cán bộ thú y xã dễ quản lý và chăm sóc. Ông Trần Hưng Phú, chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đồng Xuân, cho biết: “Huyện Đồng Xuân là nơi con dúi sống trong tự nhiên, sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, qua thời gian, loài vật này bị con người săn lùng ráo riết nên cạn kiệt dần. Nhận thấy con dúi có thể phát triển trên vùng đất này nên chúng tôi đã cung cấp con giống cho các hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc nuôi thử nghiệm và có những hướng dẫn ban đầu về việc làm chuồng trại, cho ăn uống. Tuy nhiên, để hoàn thiện quy trình, những người nuôi dúi trong quá trình nuôi thực tế phải tự mình rút ra kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Văn Minh, một trong bốn hộ tham gia mô hình nuôi dúi ở xã Xuân Sơn Bắc, cho biết: “Dúi trong tự nhiên thì tôi đã thấy nhiều nhưng khi mua về nuôi do không nắm bắt được thói quen sống của loài này nên tôi phải mất hai năm đầu chịu nhiều tổn thất. Đến năm thứ ba, nhờ nắm vững kỹ thuật, biết cách chăm sóc, điều trị bệnh nên dúi nuôi phát triển tốt, tăng cân đều và hao hụt rất thấp”.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, dúi sinh sản mỗi năm bốn lứa và dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi. Thức ăn của chúng phong phú, đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, bắp, mò o, lá tre… Để kiểm tra lượng thức ăn cung cấp cho dúi có đủ hay không, người nuôi dúi chỉ cần quan sát lượng thức ăn của dúi trong vòng 12 giờ. Sau thời gian này, nếu thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Đặc biệt, khi cho dúi ăn đủ rau, củ, quả tươi thì không cần bổ sung nước.
Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu vực yên tĩnh, tránh ánh sáng trực tiếp. Chuồng nuôi dúi sinh sản mỗi ô rộng khoảng 50cm, dài từ 0,8 đến 1m, xây tường cao 70cm bên trong tô xi măng hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con. Đối với chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2,2m trở lên, xây tường cao 70cm trở lên. Trong chuồng đặt các ống cống nhỏ hoặc các gốc cây làm nơi trú ẩn cho dúi. Để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và ánh sáng gắt.
Tìm thị thường cho con Dúi
Hiện nay, mô hình nuôi các loài động vật hoang dã như nai, nhím, rắn, dông, heo rừng… cung cấp cho các quán ăn đặc sản đang thu hút nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên, dù địa phương đã có nhiều cách làm hay để mở rộng các mô hình nuôi nhưng người dân cũng không duy trì được lâu dài. Lý giải về điều này, ông Lê Trung Hiền, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tây Hòa, cho biết: “Những vật nuôi mới muốn duy trì và phát triển thì quan trọng nhất là phải đảm bảo được đầu ra. Tuy nhiên, nhiều vật nuôi ban đầu đầu ra rất rộng mở nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là bão hòa, không tìm được thị trường tiêu thụ”.
Theo ông Trần Hưng Phú, các mô hình nuôi dúi ở huyện Sông Hinh và Phú Hòa tuy đã được đầu tư để người dân nuôi thử nghiệm nhưng chưa mở rộng mô hình. Riêng ở huyện Đồng Xuân, kỹ thuật nuôi được người dân nắm vững, sản phẩm từ con dúi cũng được một người tham gia mô hình nhận thu mua để cung cấp con giống cho các bạn hàng trong và ngoài tỉnh; còn dúi thương phẩm là món ăn ngon nên thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà con dúi mang lại, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Xuân cũng tự đầu tư xây chuồng nuôi dúi.
Hiện dúi giống có trọng lượng từ 300 đến 400g được bán với giá 600.000 đồng/cặp; còn dúi thương phẩm có giá 320.000 đến 350.000 đồng/kg. Với đàn dúi 30 con đang trong thời kỳ sinh sản, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, ưu điểm của loài vật này là sinh sản rất tốt, mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa 2 đến 3 con. Dúi con sau khi nuôi 5 tháng có trọng lượng 400 đến 500g. Sau khoảng 8 tháng, dúi đã thành thục và có thể đạt trọng lượng 1,5kg, đủ điều kiện để xuất bán. Dúi con thường dễ thích nghi với môi trường sống, thức ăn cho dúi đơn giản, dễ kiếm và nhu cầu thị trường về dúi lấy thịt vẫn đang khá cao. Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ sản phẩm của tất cả những người nuôi dúi ở huyện Đồng Xuân đều dựa vào một đầu nậu thu mua chính nên giá cả không chủ động được.
Nguồn: Báo Phú Yên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.