Phương pháp cạn sữa đột ngột ở bò
Cạn sữa tạo điều kiện cho cơ thể tích luỹ các chất dinh dưỡng, chuẩn bị cho chu kỳ tiết sữa sau và đặc biệt là để hình thành sữa đầu được tốt. Mặt khác, cạn sữa còn nhằm mục đích tập trung dinh dưỡng cho sự phát triển của bào thai mà ở giai đoạn này tốc độ phát triển rất nhanh.
Ngoài đối tượng bò đang vắt sữa có chửa, cạn sữa còn áp dụng cho cả những con không có chửa nhưng năng suất sữa thấp dưới ngưỡng hiệu quả kinh tế, sữa chất lượng kém, những con gầy yếu, bị viêm vú …
Trong chăn nuôi bò sữa, cạn sữa là một khâu kỹ thuật quan trọng. Nguyên tắc cơ bản của việc cạn sữa là làm ngừng quá trình tạo sữa thông qua việc làm thay đổi các tín hiệu của phản xạ có điều kiện về tiết sữa và hạn chế cung cấp cho bò nguồn nguyên liệu tạo sữa (nếu cần). Nghĩa là thay đổi (giảm) số lần vắt, thời gian vắt, thay đổi cách vắt và địa điểm vắt sữa ….Nếu thấy các biện pháp đó không mang lại hiệu quả thì rút bớt mức dinh dưỡng, loại bỏ khỏi khẩu phần các thức ăn nhiều nước, thức ăn kích thích tạo sữa và thức ăn tinh.
Có ba phương pháp làm cạn sữa:
– Phương pháp làm cạn sữa chậm: thời gian làm cạn sữa khoảng 10-15 ngày.
– Phương pháp làm cạn sữa nhanh: thời gian làm cạn sữa khoảng 5-7 ngày.
– Phương pháp làm cạn sữa đột ngột.
Dưới đây Farmtech VietNam xin giới thiệu về phương pháp cạn sữa đột ngột:
1. Nguyên lý của phương pháp cạn sữa đột ngột:
Cạn sữa cho bò theo phương pháp đột ngột nghĩa là ngay sau khi vắt sữa buổi cuối cùng, bơm ngay thuốc cạn sữa vào các ống núm vú và chuyển bò sang lô theo dõi cạn sữa, đồng thời cho ăn khẩu phần của bò cạn sữa.
2. Lợi ích của phương pháp cạn sữa đột ngột:
Phương pháp cạn sữa đột ngột vừa giảm nguy cơ viêm vú, vừa tác động tốt lên quá trình tiết sữa của chu kỳ sau. Mặt khác, phương pháp này cho phép đơn giản hoá quá trình chăm sóc, cho ăn và vắt sữa so với phương pháp cạn sữa từ từ mà hiện nay nhiều cơ sở chăn nuôi bò sữa ở nước ta vẫn đang áp dụng.
3. Các loại bò đưa vào cạn sữa đột ngột:
– Bò có chửa từ ngày thứ 215 – 219: Bơm thuốc cạn sữa vào ngày chửa thứ 220.
– Bò đang điều trị, gầy yếu, đau chân nặng, ít sữa kéo dài, khả năng hồi phục kém.
– Bò có số ngày vắt sữa trên 305 ngày, ít sữa kéo dài và có hiện tượng viêm vú.
– Bò có số ngày vắt sữa trên 305 ngày, sữa ít và loãng.
4. Các bước tiến hành:
– Lập danh sách bò đưa vào diện cạn sữa theo các đối tượng nêu trên.
– Vắt sữa lần cuối.
– Lau sạch bầu vú với dung dịch khử trùng.
– Bơm vào tất cả các núm vú thuốc cạn sữa, ví dụ Mamifort Secado (với thành phần Cloxacillin sodium 500mg và Ampicillin sodium 250mg), bơm vào mỗi khoang vú một ống Mamifort Secado.
– Chuyển bò về lô theo dõi cạn sữa, cho ăn khẩu phần hàng ngày của bò cạn sữa với 15 – 16 kg cỏ voi (hoặc 10 – 11 kg cây ngô) + 3 kg rơm khô và 3 – 3,5 kg thức ăn tinh (tỷ lệ đạm thô 18%).
– Theo dõi cạn sữa trong 7 – 10 ngày, nếu có vấn đề liên quan đến kết quả cạn sữa thì xử lý.
– Khi cạn sữa thành công, chuyển bò về nuôi ở những lô tương ứng, với chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp (ví dụ: bò cạn sữa chửa kỳ cuối, bò không có chửa, bò gầy yếu ….)
5. Cạn sữa chưa đạt và cách xử lý:
Thông thường, phương pháp cạn sữa đột ngột cho kết quả rất tốt, quá trình tiết sữa bị ngừng ngay, bò không có hiện tượng viêm vú. Tuy nhiên, có một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể cạn sữa chưa đạt. Tuỳ trường hợp, có các biện pháp xử lý cụ thể như sau:
– Nếu sữa vẫn chảy ra, sữa bình thường, không có biểu hiện viêm vú: nhúng các núm vú bằng dung dịch thuốc sát trùng.
– Bầu vú bị cương, da căng chuyển mầu hồng đỏ nhưng chưa viêm: tiêm kháng sinh và thuốc kháng viêm (không bơm thuốc và không vắt sữa) cho đến khi hết triệu chứng và bầu vú trở lại bình thường.
– Vú bị viêm nhưng không sưng, sữa lợn cợn: bơm lại thuốc cạn sữa vào các vú bị viêm; các vú khác không bơm.
– Vú bị viêm cấp, bầu vú sưng, nóng, đỏ và đau: điều trị viêm vú cấp bằng kháng sinh, kháng viêm, bơm Mamifort 02 lần/ngày cho đến khi khỏi viêm rồi lại bơm thuốc cạn sữa. Chỉ điều trị các vú bị viêm, các vú khác không viêm không vắt sữa và không điều trị.