Ủ chua ngọn và lá mía để nuôi bò thịt
Bà con các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường đã tận dụng ngọn, lá mía sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Sau khi thu hoạch mía, lá mía và ngọn được sử dụng để ủ chua làm thức ăn cho bò
Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt” của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm.
Theo TS. Bình thì ngọn, lá mía dùng cho chăn nuôi bò thịt có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, có thể thay thế được nguồn thức ăn xanh. Với phương pháp ủ chua, nông dân có thể tận dụng được từ 60 đến 80% ngọn lá mía tại các vùng nguyên liệu mía đường làm thức ăn dự trữ cho những tháng thiếu cỏ để chăn nuôi bò thịt rất tốt.
Ông Nguyễn Công Nhân ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân là người đầu tiên được Sở NN-PTNT Thanh Hóa và nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giúp đỡ xây dựng mô hình theo phương pháp này phấn khởi cho hay: “Phương pháp này dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có, các phụ gia cũng dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền”. Nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở Xuân Châu đã bắt đầu làm theo. Cách làm như sau:
– Ngọn lá mía sau khi thu hoạch được băm nhỏ với kích thước 1-3cm rồi trộn đều với urê (2%), rỉ mật (2-4%) hoặc bột sắn, bột ngô, cám gạo… (tỷ lệ 4-6%). Nếu là rỉ mật thì có thể dùng vòi phun hoặc pha trong bình ô doa để tưới đều vào đống lá và ngọn đã băm nhỏ; nếu là bột mì, bột ngô hoặc cám gạo thì dùng tay trộn đều trước khi đem ủ trong các silo.
Lá mía sau khi thái nhỏ
– Silo là những ống tròn rỗng có đường kính khoảng 1,2-1,4m, cao 1,3-1,4m được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gỗ, tôn sắt… và có thể chồng lên nhau để có chiều cao theo ý muốn. Trong trường hợp không có các silo thì có thể đào hố đất, xây bể xi măng hoặc dùng các bao nilon chắc chắn để nén ủ cũng được. Dùng nilon để lót đáy và xung quanh silo trước khi cho hỗn hợp ngọn, lá mía và chất phụ gia gây lên men vào ủ. Cứ sau 1 lớp ngọn, lá mía dày 10-15cm lại dùng đầm hoặc chân để nén chặt xuống cho đến khi đầy silo. Sau cùng dùng nilon đậy kín rồi lấp 1 lớp đất dày 20-30cm (nện chặt) lên trên. Dùng bao đựng cát hoặc đất xếp 1 lớp lên trên, làm giàn mái che mưa nắng.
– Sau từ 30-45 ngày có thể lấy ra cho bò ăn dần. Nếu không có nhu cầu cho ăn ngay thì có thể bảo quản dự trữ được từ 5-7 tháng. Sản phẩm đảm bảo chất lượng là có mùi thơm dễ chịu, màu hanh vàng, trâu bò rất thích ăn. Có thể cho ăn với khối lượng 6-8kg/con/ngày cùng với các loại thức ăn tinh khác.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.