Tiêu chuẩn GAP là gì?
Hẳn chúng ta ai cũng đã từng nghe qua những câu “Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GloabalGAP”, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về VietGAP, GlobalGAP . Vậy những tiêu chuẩn đó là gì?
Gap là cụm từ Good Agricultural Pratices được viết tắt là G-A-P dịch sang tiếng Việt là “Thực hành nông nghiệp tốt”.
1 Nguồn gốc GAP
Từ năm 1997, theo sáng kiến của những nhà bán lẻ Châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group) nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khách hàng của họ. Họ đã đưa ra khái niệm GAP.
2 GAP trên toàn thế giới- GLOBALGAP
Từ ngày 7/9/2007, hệ thống EurepGAP (GAP của Châu Âu) được nâng lên thành GLOBALGAP (GAP của toàn Cầu). Đó là một tổ chức GAP của tư nhân được toàn thế giới hưởng ứng. Điểm quan trọng nhất của GLOBALGAP:
- An toàn thực phẩm.
- Truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm khi có sự cố xảy ra.
- Sự an toàn của người lao động.
- Sức khỏe và an sinh xã hội.
- An toàn cho môi trường. GLOBALGAP là tiêu chuẩn quy trình sản xuất của tổ chức làm ra sản phẩm (Prefarmgate).
Nghĩa là chứng chỉ đó bao trùm một chuỗi quy trình sản xuất xuyên suốt từ gieo hạt giống cho đến khi đưa sản phẩm ra khỏi nông trại.
GLOBALGAP được áp dụng cho rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cà phê hạt, trà, heo, gia cầm, cừu và gia súc, bò sữa, thủy sản, một số sản phẩm khác đang xây dựng.
Những yêu cầu chính để thực hiện GLOBALGAP
– Sản phẩm sản xuất ra phải được đăng ký nơi sản xuất rõ ràng.
– Cơ sở phải xây dựng hệ thống kỹ thuật và quản lý sản xuất hoàn chỉnh đến sản phẩm cuối cùng.
– Quy trình sản xuất, bón phân, BVTV có thể linh họat điều chỉnh cho phù hợp.
– Quản lý chặt chẽ kho thuốc, và dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.
– Hồ sơ sản xuất (trước và sau thu họach) ghi chép, hồ sơ đầy đủ để có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.
Thực hành sản xuất theo GAP có lợi gì cho người sản xuất, và sẽ gặp những trở ngại gì?
Sự có lợi của GAP ở chỗ những quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của chất lượng và độ an toàn của nông sản được xác định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đánh giá, làm giảm đi những rủi ro của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) và những tạp chất có hại khác.
Những thử thách, trở ngại chính của chương trình GAP là sự tăng giá thành sản phẩm do công việc ghi chép chứng từ, tập hợp hồ sơ suốt quá trình sản xuất, kiểm tra dư lượng hóa chất và những tạp chất khác trong nông sản, để đủ dữ kiện để có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư cho những công việc như đánh giá, và xây dựng hệ thống thông tin để quản lý GAP.
3 GAP của khu vực Châu Á – ASEANGAP
ASEANGAP được thành lập bởi Hiệp Hội ASEAN, năm 2006. ASEANGAP có những tiêu chí như sau:
– An toàn nông sản.
– An toàn môi trường.
– Sức khỏe cho người lao động, an sinh xã hội.
– Chất lượng nông sản.
4 GAP của một số nước
Một số nước đã có GAP áp dụng cho thị trường của mỗi nước.
– Thailand: Q GAP và ThaiGAP, do Bộ Nông Nghiệp & Hợp tác xã Thailand đưa ra.
– Japan: JGAP, do một nhóm người sản xuất xây dựng nên năm 2005, đến 2006 Bộ Nông nghiệp công nhận JGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật Bản. Tháng 8/07 Nhật Bản công nhận GLOBALGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật.
– Ấn độ: IndiaGAP: được thành lập bởi tổ chức quản lý chế biến xuất nhập khẩu nông sản của Ấn độ. Riêng nông sản xuất sang Châu Âu, Ấn độ sử dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP.
– Trung Quốc: ChinaGAP được thiết lập bởi Nhà Nước Trung Quốc cho nông sản và thực phẩm. Tháng 4/2006 ChinaGAP được hòa nhập với GLOBALGAP đối với nông sản xuất khẩu.
– Malaysia: SALMGAP, do Bộ Nông Nghiệp Malaysia đưa ra. Phòng kiểm tra chất lượng (Crop Quality Control Division) thuộc Cục Nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp Malaysia là đơn vị tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và cấp chứng chỉ SAlMGAP cho rau hoa quả.
5 GAP của Việt Nam
VietGAP: Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (Good Agricultural Practices for production of fresh fruit and vegetables in Vietnam) được Bộ Nông Nghiệp&PTNT Việt Nam ban hành vào 28/01/2008.
Mười hai nội dung quy trình thực hành VietGAP
- Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất.
- Giống và gốc ghép.
- Quản lý đất.
- Phân bón và chất phụ gia.
- Nước tưới.
- Hóa chất (Bao gồm cả thuốc BVTV).
- Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
- Quản lý và xử lý chất thải.
- Người lao động.
- Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.
- Kiểm tra nội bộ.
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.
Các chuyên gia về lĩnh vực này:
Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Quang Trường Thiên Trường value value