Kỹ thuật nuôi cá Koi
Thời gian gần đây, người ta cho ra đời nhiều loài cá chép tuyệt đẹp thông qua phương pháp lai tạo. Tiêu biểu trong số đó là cá chép Koi do các nhà khoa học Nhật bản tiến hành phối giống và lai tạo nên, cá Koi nhật bản đẹp đến mức mà hễ nhắc đến cá Koi người ta nghĩ ngay đến đây là một giống cá chép Nhật. Và cá Koi cũng được xem là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc.
Cá Koi thuộc họ cá chép nên mang đặc tính của cá chép nói chung đó là dễ nuôi và mau lớn, nhưng cá Koi có một điểm rất riêng đó là rất nhạy với sự thay đổi của môi trường, vì vậy khi nuôi cá Koi cần hết sức lưu ý, sau đây Thái Dương sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật chăm sóc cá koi và một số vấn đề mà bạn cần lưu ý sau :
Nước trong hồ nuôi cá Koi
Nước trong hồ cá koi ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cá Koi, kích thước tối đa của cá Koi có thể lên đến 2m, vì vậy hồ nuôi cá cần đủ rộng để cá phát triển. Đồng thời, nước nuôi phải luôn trong sạch, nồng độ pH lý tưởng là từ 7-7,5pH, nhiệt độ nước và nồng độ pH nếu bị thay đổi đột ngột có thể làm cá bị sốc và chết, vì vậy cần giữ môi trường sống ổn định cho Koi, nếu muốn thay nước hồ thì phải thay từ từ, không nên thay 1 lần, cứ 2 ngày giảm đi khoảng 1/3 thể tích nước trong hồ, cho đến khi nước trong trở lại là được, và cũng lưu ý một điều đó là phải khử Clo cho nước trước khi đưa vào hồ. Có thể phơi nước trước 1 ngày hoặc dùng than hoạt tính để khử clo.
Hệ sinh thái trong hồ nuôi cá Koi
Các loại rong tảo góp phần tạo nên hệ sinh thái tốt cho hồ nuôi Koi, nhưng nếu rong tảo phát triển quá nhiều là điều không tốt vì chúng sẽ hút hết oxy trong nước, làm cho cá không đủ lượng oxy để thở. Vì vậy, chúng ta cần kiểm soát sự phát triển của các loại rong tảo trong hồ, nên trồng thêm các loại cây sống trong nước như sen, súng.. tốt nhất là tạo một thác nước nhỏ, thác nước này sẽ giúp lưu thông dòng nước tạo oxy cho cá thở.
Thức ăn cho cá Koi
Cá Koi là loài ăn tạp, từ 3 ngày tuổi, sau khi tiêu hết noãn hoàng, chúng có thể ăn các thức ăn bổ sung như bo bo, các sinh vật phù du, lòng đỏ trứng chín..
Được nửa tháng, Koi chuyển qua ăn các động vật tầng đáy như giun, loăng quăng.. Sự thay đổi tính ăn của Koi trong giai đoạn này làm tỉ lệ con sống bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy để đảm bảo sự sống cho Koi, người nuôi cần chú ý gây nuôi các sinh vật tầng đáy, nhằm cung ứng đủ lượng thức ăn cho cá
Từ 1 tháng tuổi trở đi cá chuyển sang ăn các động vật nhỏ như giun, ốc, ấu trùng…giống như cá trưởng thành. Ngoài ra, cá còn ăn cám, bã đậu, phân xanh, thóc lép, các thức ăn chế biến sẵn cho cá. Trên thị trường hiện nay, các thức ăn chế biến sẵn có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu được chế biến từ gạo, bột mì, bột bắp pha thêm các vitamin và bột cá.
Lưu ý khi cho cá ăn đó là không nên cho ăn quá nhiều vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến dáng cá và lượng thức ăn dư thừa cũng như chất thải của cá sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, không tốt cho cá. Khẩu phần ăn vào khoảng 5% trọng lượng cơ thể cá, cho ăn 2 lần trên ngày. Các loại thức ăn tươi sống nên hạn chế, và nên dùng loại đông lạnh để tránh mang mầm bệnh cho cá.
Bệnh tật ở cá Koi
Cũng giống như tất cả các loài vật khác, cá Koi cũng có thể mắc bệnh. Các bệnh thường xuất hiện ở cá Koi như biếng ăn, ngứa mình, đốm trắng, lở da, rụng vảy, lở môi.. khi phát hiện cá bị bệnh, cần cách ly cá khỏi đàn cho ra hồ chứa riêng để tiện theo dõi và tránh lấy lan cho những con khác. Có thể dùng các thuốc đặc trị bệnh nếu thấy nhẹ, trường hợp bệnh trở nặng thì nên mời bác sĩ thú y.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam