Lai Châu làm chủ quy trình sản xuất giống cá tầm
Sở KH&CN Lai Châu mới thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số khoảng vài ba năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Trường An, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu, cho biết các nhiệm vụ được thực hiện rất thành công.
Thành công đầu tiên mà ông An nhắc đến là đề tài “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ươm giống và nuôi thương phẩm cá tầm (Acipencer spp) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lai Châu” do Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va triển khai từ 2012 – 2013. Nhờ đề tài này, Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.
Lai Châu đã làm chủ được quy trình sản xuất giống cá tầm Siberi.
“Hiện giờ chúng tôi lại tiếp tục một đề tài nữa, đó là ‘Xây dựng mô hình liên kết chuỗi cá tầm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tại Lai Châu’. Có thể hiểu nôm na là Lai Châu đã xây dựng được ‘bệnh viện phụ sản’ cho con cá tầm để phục vụ từ khâu nuôi cá bố mẹ, đẻ trứng ấp nở ra con và cung ứng cho tất cả các nơi có nhu cầu về con giống cá tầm” – ông An khẳng định.
Trong giai đoạn hiện nay, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi được Lai Châu triển khai đều quy mô, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và có sự tham gia của doanh nghiệp – theo ông An.
“Chúng tôi đi vào các mảng như dược liệu, chè hữu cơ và cá tầm để từ đó xây dựng các thương hiệu lớn. Chúng tôi tuyển chọn các đơn vị thực hiện đề tài hết sức chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên với Bộ KH&CN, Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi. Khi kêu gọi được các doanh nghiệp lớn tham gia, họ có vốn, có lợi thế về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, chắc chắn sẽ phát triển được những sản phẩm có thương hiệu. Thứ hai là tạo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và gắn với xây dựng thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” – ông An cho biết.
Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.