Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Thịt cá hồi tự nhiên có nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn so với cá hồi nuôi

Thứ 4, ngày 15/11/2017 3045

Kết quả của một nghiên cứu gần đây ở Na Uy cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường trong cá hồi tự nhiên cao hơn trong cá hồi nuôi.

Đây là nghiên cứu chuyên đề đầu tiên so sánh cá hồi tự nhiên sống ở các vùng biển của Na Uy (Salmo salar) với cá hồi nuôi.

Anne-Katrine Lundebye, nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Hải sản và Dinh dưỡng Quốc gia Na Uy (the National Institute of Nutrition and Seafood Research – NIFES) nói rằng: “Người ta vẫn cho rằng cá hồi nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn cá hồi tự nhiên, nhưng trong trường hợp này thì không”.

Lundebye đã chủ nhiệm một dự án nghiên cứu ở Na Uy. Ở dự án này, hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường và các dưỡng chất trong cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đã được phân tích. Nghiên cứu đã cho thấy cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường thấp hơn nhiều so với cá hồi tự nhiên, bao gồm dioxin, PCB (là một nhóm các hợp chất nhân tạo, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe), BFR (là chất được phủ ngoài các linh kiện máy tính nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy) và các loại thuốc trừ sâu. Lundebye giải thích rằng sự khác biệt này xuất phát từ chế độ ăn của chúng.

Lundebye cho rằng cá hấp thụ những gì chúng ăn được, kể cả các chất ô nhiễm môi trường và chất dinh dưỡng. Có thể kiểm soát thức ăn của cá nuôi, nhưng cá tự nhiên thì không thể.

Các thay đổi trong thành phần thức ăn là một trong những lý do liên quan đến hàm lượng thấp các chất ô nhiễm hữu cơ trong cá hồi nuôi. Thức ăn cho cá ngày nay chứa ít dầu cá hơn, mà trước đây dầu cá là nguồn chủ yếu của các chất không mong muốn trong thức ăn.

Cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3

Trong nghiên cứu này, cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên đều có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường tương đối thấp, thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa cho phép. Nghiên cứu cũng cho thấy cá hồi tự nhiên có hàm lượng cao các dưỡng chất sắt, đồng, kẽm và selen. Các chất này làm cho các acid béo omega-3 và omega-6 trong cá hồi tự nhiên có giá trị hơn so với cá hồi nuôi.

Lundebye nói rằng: “Omega-3 trong cá hồi nuôi vẫn có tác dụng tốt, mặc dù tỷ lệ omega-3/omega-6 ở cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên”.

Mặc dù có sự khác biệt giữa cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên về hàm lượng các dưỡng chất và các chất ô nhiễm môi trường, nhưng Lundebye không ngần ngại khi khuyến cáo: người tiêu dùng đừng nên lo lắng, bởi vì cả 2 loại này đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3, chúng cũng không chứa các chất ô nhiễm môi trường đến mức phải báo động, chúng tôi đảm bảo rằng cả 2 đều tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu lớn nhất trong khu vực

Nghiên cứu được tiến hành rộng rãi, có 100 mẫu cá hồi được đánh bắt từ tự nhiên và 100 mẫu cá hồi nuôi, điều này đã đem lại những kết quả đáng tin cậy. Cá hồi tự nhiên được đánh bắt từ vùng biển Bắc Na Uy, nhưng Lundebye cho rằng các kết quả sẽ không có sự khác biệt lớn so với các con cá được đánh bắt dọc theo bờ biển Na Uy.

Lundebye nói thêm: “Do cá hồi là loài di cư nên vị trí khi bị đánh bắt cũng có sự thích hợp tương đối. Trước đây, người ta đã chứng minh rằng cá hồi ở Na Uy chỉ kiếm ăn ở biển Na Uy, ở một mức độ nào đó có thể là biển Barents. Các nghiên cứu khác cho thấy, cá hồi bị đánh bắt ở một khu vực thì đã từng sống ở những khu vực hoàn toàn khác nhau trong vùng biển. Nhưng chúng tôi không biết chính xác những con cá hồi trong nghiên cứu này đã từng sống ở đâu. Lý do mà chúng tôi đã sử dụng cá hồi được đánh bắt ở biển Bắc Na Uy trong nghiên cứu này là vì hầu hết cá hồi tự nhiên được đánh bắt ở đây”.

Mâu thuẫn với các nghiên cứu trước

Nghiên cứu được công bố rộng rãi nhất về các chất ô nhiễm môi trường ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên là một nghiên cứu của Mỹ được công bố trên tạp chí “Science” vào năm 2004. Nghiên cứu này đã báo cáo rằng cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường cao hơn so với cá hồi tự nhiên. Lundebye hoài nghi về nghiên cứu năm 2004, vì nghiên cứu này so sánh hai loài cá hồi khác nhau. Trong nghiên cứu của Mỹ, cá hồi tự nhiên được lấy mẫu là cá hồi Thái Bình Dương, trong khi cá hồi nuôi là cá hồi Đại Tây Dương.

Lundebye giải thích rằng hai loài này có hàm lượng chất béo khác nhau và do đó rất khó để so sánh chúng. Cá hồi Đại Tây Dương có nhiều mỡ hơn, nó sẽ có lượng chất ô nhiễm hữu cơ hòa tan trong chất béo cao hơn cá hồi Thái Bình Dương, bất kể là chúng được nuôi hay từ tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây trong cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên: dioxin, PCB, BFR, các loại thuốc trừ sâu (DDT, toxaphene, dieldrin, lindane, chlordane, hexachlorobenzene, mirex) và thủy ngân.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cá hồi tự nhiên cao hơn so với cá hồi nuôi: selen, đồng, kẽm, sắt, thành phần có lợi của các acid béo omega.

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây tương tự nhau ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên: cadmium, chì, thuốc trừ sâu endosulfan và pentachlorobenzene.

Nguồn: NIFES được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Hải Lý Đức Dương Tuấn Dũng