Thời của nuôi trồng hiện đại
Thời gian qua, việc áp dụng những hình thức mới vào nuôi trồng thủy sản đã cho kết quả tích cực về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam “điểm danh” lại những mô hình này.
Tôm giống chất lượng cao
Nuôi tôm hai giai đoạn
Với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong nhà lưới 20 – 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Thời điểm này, người nuôi cần kiểm soát chặt chẽ tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học để ngăn ngừa hội chứng chết sớm (thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi). Tôm giống được thả với mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 – 2 g/con sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao liền kề, mật độ 200 – 300 con/m2, cho đến khi đạt cỡ 40 – 60 con/kg. Tổng thời gian nuôi là 80 – 100 ngày. Quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; không phải thay nước hoặc thay rất ít; sử dụng các thiết bị hiện đại như: máy cho ăn tự động, máy sục ôxy đáy, quạt nhím. Quy trình này tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm 10 – 20% chi phí so các mô hình nuôi tôm khác.
Nuôi tôm bằng công nghệ vi sinh
Giai đoạn một, thực hiện cải tạo ao như thông thường. Cấp nước và diệt khuẩn với các sản phẩm không độc cho tôm như Iodine, chỉ diệt khuẩn bằng Chlorine khi cần thiết với những ao nuôi mà vụ trước bị bệnh hoặc ao nuôi nằm trong vùng có dịch bệnh. Đối với những ao nuôi khó gây màu nước có thể sử dụng chế phẩm vi sinh và gia tăng hàm lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi. Kiểm tra thành phần vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả giống.
Giai đoạn hai, dùng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường định kỳ trong suốt vụ nuôi nhằm ổn định một số vi khuẩn có lợi trong ao. Trộn chế phẩm vi sinh vào thức ăn giúp phòng trị các bệnh về đường ruột của tôm.
Giai đoạn ba, sau khi thu hoạch sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm vi sinh với nhiều thương hiệu khác nhau; tuy nhiên, chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất và có hiệu quả cao là chế phẩm EM. Cạnh đó, người nuôi có thể tự sản xuất bằng sử dụng 1 gói vi sinh EM gốc kết hợp 5 kg mật đường cùng với 500 ml nước, tiến hành ủ ít nhất 4 – 10 giờ, sau đó có thể sử dụng tạt xuống ao.
Nuôi tôm theo CPF-Combine Program
Nhằm giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai mô hình CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. CPF-Green House là mô hình nuôi tôm trong nhà ương (25 – 30 ngày), sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm nhằm mục đích hạn chế được các dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, giảm chi phí, tăng vụ nuôi. Ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại. Đây là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học. Ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000 m2, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Khi thực hiện mô hình CPF-Turbo Program, người nuôi phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, có hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Hiện, mô hình này được C.P triển khai rất hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như theo chị Trần Thị Bàng, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), áp dụng mô hình này chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm trên 30 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ.
Nuôi cá “sông trong ao” (IPA)
Do ông Jess Chappell (Mỹ) sáng tạo là một công nghệ nuôi trồng thủy sản mới cho hiệu quả cao, giảm tiêu hao năng lượng và bảo vệ tốt cho môi trường nuôi, tránh dịch bệnh. Hiện nay, một số tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương… đã áp dụng và cho kết quả tốt, có thể nhân rộng. Hệ thống IPA tạo môi trường sông trong ao, chủ động nguồn nước, nước trong ao không cần thay mà có thể tuần hoàn, tránh lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh. Công nghệ IPA đã giải quyết được các khó khăn của người nuôi là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần phải chờ xử lý ao. Trong mô hình này, cá tập trung ở một phạm vi nhỏ (hệ thống IPA chỉ chiếm 1,5 – 2% diện tích ao) nên giảm đáng kể công lao động (cho ăn và thu hoạch) so với các hệ thống nuôi trong ao khác. Công nghệ IPA có điểm tối ưu là hệ thống máy nén đưa không khí nén qua máng độn dưới đáy ao, sau đó đẩy từ dưới lên mặt nước, giúp tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao.
Công nghệ Na Uy nuôi cá lồng
So với lồng nuôi bằng gỗ truyền thống, hệ thống lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) có nhiều tính năng vượt trội, được xem là mô hình phù hợp với biến đổi khí hậu. Thể tích mỗi lồng nuôi 1.200 – 2.400 m3, kết nối với nhau và với neo giàn, mỗi neo nặng 3 – 4 tấn, chịu được bão gió cấp 12. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi mà môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng ATTP; tránh xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải, du lịch ở những vùng vịnh kín sóng gió (Nguyễn Quang Huy, 2016). Ngoài ra, loại lồng này còn chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm.
Việc ứng dụng công nghệ Na Uy cho kết quả khả quan qua mô hình của Viện Nghiên cứu NTTS I thực hiện tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Mô hình có thể sản xuất được 100 – 200 tấn cá/năm (cá chim, cá giò, cá vược…) với năng suất nuôi 8 – 12 kg/m3. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so mô hình nuôi nhỏ lẻ.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.