Close

Đăng ký

Close

Thông tin Đăng nhập

Giới tính:

Thông tin chuyên môn

Bạn là:
Lĩnh vực:

Cách nuôi cá Vàng không bị chết (P1)

Thứ 6, ngày 26/01/2018 2394

Làm sao nuôi cá vàng không bị chết? Câu hỏi này có lẽ được nhiều bạn yêu cá đặt ra. Các bạn có thể tham khảo thêm một vài thông tin qua bài viết dưới đây để có thể rút ra một vài kinh nghiệm cho việc nuôi cá trong thực tế của mình.

Cá Vàng cảnh

Cá Vàng (carassius auratus) là loài cá nước ngọt nhỏ thường được nuôi làm cảnh trong bể cá mini để bàn. Cá vàng là một trong những dòng cá được thuần hóa sớm nhất và ngày nay vẫn là một trong những loài cá cảnh phổ biến nhất cho cả bể cá trong nhà và hồ cá ngoài trời.
Cá vàng được thuần hóa từ loài cá giếc Phổ (Carassius gibelio), một loài cá giếc màu nâu xám sẫm bản địa của châu Á. Cá vàng được nhân giống theo màu lần đầu tiên tại Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước. Do chọn giống, cá vàng đã phát triển thành nhiều giống khác nhau và hiện có nhiều màu sắc và hoa văn đa dạng, có hình dạng và kích thước khác nhiều do với giống cá diếc được thuần hóa ban đầu.

Cá vàng là thành viên tương đối nhỏ của họ Cá chép, họ cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Ngoài cá vàng, trong họ Cá chép còn có các thành viên nổi tiếng khác như cá tuế, cá lưới, cá chép, cá trắm đen, cá trắm cỏ và cá chép Koi v.v. Quá trình chọn giống qua nhiều thế kỷ đã tạo ra nhiều kiểu màu sắc khác nhau, một số khác xa với màu vàng của cá vàng nguyên gốc. Cá cũng có những hình dáng khác nhau và kiểu vây, đuôi, mắt khác nhau. Một số loại cá vàng ở các thái cực phải được nuôi trong bể kính trong nhà vì chúng yếu hơn các giống gần với giống tự nhiên ban đầu. Một số giống khác như cá vàng Shubunkin lại khỏe hơn và có thể sống trong hồ cá ngoài trời.

Nuôi cá cảnh hiện đang trở thành xu hướng và sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc sao cho cá của mình khỏe mạnh và đẹp mắt. Đặc biệt đối với cá vàng, việc chăm sóc cần phải thực hiện kỹ lưỡng và chu đáo hơn rất nhiều, từ khâu cho cá ăn, thay nước trong bể đến chăm sóc khi cá bị bệnh. Dưới đây là một vài hướng dẫn cơ bản về cách nuôi cá vàng nhằm giúp cho quá trình chăm sóc cá vàng của bạn dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bể cá

Đa số người nuôi cá vàng đều thích nuôi trong bể tròn vì trông sẽ đẹp mắt hơn, tuy nhiên, đây lại không phải là loại bể cá cảnh lý tưởng. Bởi lẽ bể cá tròn tuy dễ mang đi mang lại và cọ rửa nhưng diện tích mặt nước lại quá nhỏ để có thể cung cấp lượng oxy cần thiết cho cá. Bạn nên lựa chọn loại bể có bề mặt phẳng, lớn xíu ví dụ như hồ cá treo tường, hồ thủy sinh dạng tủ, hồ cá để bàn… Cũng cần lưu ý rằng cá vàng không phải là vật nuôi hoàn toàn trong nhà, chúng sẽ khỏe mạnh hơn nếu như được nuôi ở môi trường bên ngoài, ví dụ như ao cá ở ngoài vườn.

Cách chuẩn bị bể nuôi cá vàng

Bể mới mua về phải được đổ nước cho đầy để kiểm tra sức chịu đựng, rịn nước nếu có.
Cho chuối xiêm chín đập dập thả vào hồ và ngâm nước khoảng 3 ngày để bay hết mùi keo và làm cho hồ sạch bề mặt (cách này cũng áp dụng tương tự cho hồ xi măng mới xây nhưng phải để một tuần sau đó mới xúc sạch hồ và đổ nước sạch vào, có thể dùng nước máy).
Bật máy lọc hoạt động liên tục trong 3 ngày và để đèn chiếu sáng (hồ xi măng cũng làm như vậy nhưng thời gian lọc nước có thể kéo dài hơn thì càng tốt, mục đích lọc nước là để nước trong và bay hết mùi clo) nhớ xả miếng lọc cho thật sạch.
Đối với hồ đã cũ bạn hãy cho nước vào ngập hồ, tiếp theo cho vào đó 1-2 kg muối (càng mặn càng tốt), ngâm hồ 2 ngày nhằm tiêu diệt những mầm bệnh như: ký sinh, nấm… Sau đó súc nước lại cho sạch, thay nước mới vào và thực hiện quy trình lọc nước giống như hồ mới.
Lưu ý:
Không được để bể cá tiếp xúc với xà phòng và các chất tẩy rửa.
Tuyệt đối không được dùng chậu thủy tinh tròn để nuôi cá vàng vì chúng sẽ chết chỉ sau vài ngày do không gian sinh sống bị bóp méo và thiếu oxy. Chậu thủy tinh tròn và những loại chậu có kích thước nhỏ khác chỉ thích hợp dùng để nuôi các loại cá nhỏ như cá betta, cá 7 màu, cá mún, cá bình tĩnh … Với số lượng tối đa là 3 con.

Vị trí thích hợp để đặt bể cá

Cá vàng là loại cá rất nhạy cảm với âm thanh và tiếng động, vì vậy nên đặt bể cá ở nơi yên tĩnh không có tiếng động và ít người qua lại hay nói chuyện lớn tiếng, tuyệt đối không gây tiếng động mạnh làm cho cá bị sốc. Không đặt hồ cá gần các thiết bị điện như Tivi, tủ lạnh, máy vi tính, … Vì sóng điện từ sẽ lan truyền vào nước làm cá bị chấn động và chết sau một khoảng thời gian nhất định.

Khi nào có thể thả cá vàng vào bể?

Có 3 cách nhận biết thời điểm thích hợp để thả cá:
Khi ngửi thấy nước không còn mùi clo.
Cho vài cọng rong xanh vào hồ và tắt máy lọc nước, sau 3 ngày thấy rong vẫn tươi xanh thì có thể thả cá được.
Cho vài con cá bảy màu vào, nếu thấy chúng vẫn ổn sau 1 ngày thì có thể thả cá vàng vào.

Lưu ý:Nếu bạn thả cá mà không thực hiện 1 trong các cách trên thì cá vàng sẽ bị sốc nước và chết.

Cách chọn mua cá khoẻ mạnh

Thông thường, có 2 loại cá vàng. Loại thứ nhất thân dài, là loại hay gặp và phổ biến. Loại thứ hai có thân tròn, chia ra làm nhiều loại nhỏ với đặc trưng là đuôi dài, mắt lồi và đầu to hơn mình. Loại cá này bao gồm cá mắt bong bóng, cá thiên đàng, cá đầu sư tử, cá đuôi quạt,…Để có một hồ cá thủy sinh đẹp, bạn phải chọn được những chú cá vàng tốt và đẹp. Bạn không nên nuôi cùng lúc cả hai loại cá trong cùng 1 bể vì cá thân dài bơi nhanh hơn nên sẽ chiếm hết thức ăn cũng như khoảng không gian trong bể của cá thân tròn.
Sau khi nhận biết được thời điểm thích hợp để thả cá vào bể, việc kế tiếp là chọn mua cá. Nhiều người cho rằng cá vàng chậm chạp, thật ra điều đó không đúng vì chúng rất linh hoạt, bơi suốt ngày và ít đứng yên nếu cá khỏe.

Cách nhận biết cá khoẻ mạnh:

Cá phải luôn luôn linh động và nhanh nhẹn, không ở một chổ, không nằm dưới đáy hồ, không nổi đầu lên mặt nước để ngáp (do thiếu oxy, cá sắp chết).
Vây bơi linh hoạt, không có chỉ máu, đuôi xoè, vảy óng ánh, không bị xù hay tróc hoặc chảy máu, không bị xuất huyết.
Không có những chấm nâu hình oval viền trong ở ngoài, hơi đậm ở trong vì có khả năng là cá bị rận, rận cá nếu quan sát kỹ sẽ di chuyễn trên mình cá (thay đổi vị trí).
Cá không được nhảy dựng bất thường (có khả năng do nhiễm rận và ký sinh).
Môi cá không bị phù, miệng đớp nước đều đặn, thích bơi ngược dòng và không bị trôi theo dòng chảy, không lật ngược lật xuôi và bị hút dính vào máy lọc nước, khi bơi phải nằm ngang, không chổng ngược chổng xuôi.
Không ghẻ chóc, không nổi những bệt trắng có gồ (nhiễm nấm), mắt cá phải trong hoặc đen rõ rệt, không được đục, bể tròng.

Lưu ý: Dù cá đẹp đến cỡ nào nếu không đạt các tiêu chuẩn trên thì đừng mua vì cá sẽ dễ chết, không sống lâu.

Khi mua cá vàng dù gần hay xa, cũng phải nói người bán bơm oxy thật đầy, cá vàng không cần nhiều nước mà chỉ cần nhiều oxy, thậm chí nước xâm xấp lưng cá cũng không sao, trung bình cứ 1 con cá vàng thì túi đựng cá phải có từ 1-2 lít (thể tích khí) như vậy với hai con cá vàng thì ít nhất cũng phải có hai lít khí bơm vào.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Các chuyên gia về lĩnh vực này:

Trần Anh Ân Tấn Phát Đức Dương Tuấn Dũng