Xuất khẩu tôm vươn ra 93 thị trường thế giới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vươn rộng ra 93 thị trường trên thế giới, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.
Và tăng trưởng tốt trong nhiều tháng qua, dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng mạnh vào dịp lễ Noel và năm mới 2018.
1. Chủ động nuôi
Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nuôi tại ĐBSCL những tháng cuối năm 2017 được dự báo thuận lợi, nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm, thị trường đầu ra rộng mở.
Là đơn vị sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Kiên Lương, Kiên Giang) rất chú trọng phát triển vùng nuôi nhằm chủ động nguyên liệu tại chỗ.
Ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư 650ha vùng nuôi, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước thả nuôi. Dù đã thời điểm cuối vụ nhưng Cty vẫn duy trì thả nuôi gần 20 ao (5.000m² mặt nước/ao), tôm nuôi được từ 40 – 60 ngày tuổi. Nếu thuận lợi, tôm nuôi khoảng 85 – 90 ngày sẽ cho thu hoạch, với năng suất từ 10 – 15 tấn/ao. Ngoài tôm đông lạnh trong kho, thì đây sẽ là nguồn cung tôm rất quan trọng trong những tháng cao điểm cuối năm.
Các tập đoàn chế biến tôm xuất khẩu lớn tại ĐBSCL thời gian qua cũng rất chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) đang sản xuất tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) với diện tích tự đầu tư trên 900ha. Ngoài ra, tập đoàn còn liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho khoảng 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác trong vùng, khoảng 100.000ha nữa. Đây sẽ là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến, xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có gồm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.
Tại Bạc Liêu, nhiều đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, Cty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) tổng diện tích đầu tư nuôi 60ha, thả nuôi được 20ha mặt nước. Trong đó, 10ha nuôi trong nhà lưới mật độ 100 – 150 con/m² và 10ha nuôi ngoài trời mật độ 60 – 80 com/m² hiện tại thu hoạch được 3ha, sản lượng 90 tấn, diện tích đang còn tôm là 17ha. Chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) đầu tư với tổng diện tích toàn khu hơn 315ha, đang tiếp tục xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017.
2. Đầu ra rộng mở
Theo các đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua khá ấn tượng, với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Trung Quốc (63,3%), Hà Lan (35,1%), Anh (29,5%), Hàn Quốc (28%), Nhật Bản (27,7%), Canada (21,5%).
Hiện nay, Cty CP Trung Sơn đang xuất khẩu tôm qua các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với mặt hàng chính là tôm đông lạnh nguyên con và tôm chế biến giá trị gia tăng cao. Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ, được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và chủ động thu hoạch theo đứng kích cỡ (size) khách hàng yêu cầu nên sản phẩm của Trung Sơn luôn dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính.
Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao
Theo đại diện VASEP, hiện nay châu Âu rất chú trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản xuất bền vững. Nhiều nước EU xem đây là điều kiện bắt buộc để thủy sản được chấp nhận vào thị trường. Các quy trình sản xuất bền vững, an toàn với dịch bệnh, môi trường như: tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ… tại Việt Nam đang được các thị trường này rất ưa chuộng. Trong khối thị trường châu Âu thì Hà Lan, Anh và Bỉ là ba nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.
Theo Sở Công thương Kiên Giang, 9 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến đạt 26.290 tỷ đồng, tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng có bước tăng trưởng tốt, 9 tháng ước đạt 357,63 triệu USD, tăng 38,63% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy hải sản, với 54,97%.
Còn tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 750 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt gần 120 triệu USD.
Ông Phan Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, hiện các thị trường như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang nhập mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý IV sẽ tăng cao. Khả năng đạt chỉ tiêu 1,1 tỷ USD trong năm nay là rất lớn.
Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.