Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào bột cá và dầu cá trong sản xuất thức ăn thủy sản làm cho nguồn cung ngày càng trở nên khan hiếm. Giá bột cá trên thị trường liên tục tăng trong thời gian qua làm cho giá cho thức ăn thủy sản tăng cao.
Chi phí thức ăn chiếm khoảng 60-70% chi phí của vụ nuôi. Do đó, giảm chi phí thức ăn đóng vai trò quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm tìm nguồn thay thế bột cá và dầu cá trong chế biến thức ăn thủy sản. Các biện pháp được đề xuất hướng đến việc sản xuất thức ăn không chứa cá trong nuôi trồng thủy sản.
Nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc
Biofloc là các hạt lớn (macroaggregrates) bao gồm các loài tảo khuê, tảo có kích thước lớn, những hạt phân, khung xương của sinh vật (như vỏ giáp xác), xác chết của các vi sinh vật trong ao nuôi. Hàm lượng protein trong các hạt này rất cao so với hàm lượng protein trong thức ăn. Mật độ vi sinh vật có lợi trong các hạt floc đã được chứng minh có khả năng tăng cường hoạt động của các enzyme tiêu hóa, qua đó kích thích sự tăng trưởng của tôm nuôi. Việc kiểm soát các hạt này phải được đảm bảo trong suốt quá trình nuôi nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi trong nuôi tôm siêu thâm canh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Hạn chế của công nghệ biofloc là đòi hỏi người nuôi phải hiểu rõ kỹ thuật nuôi, cùng với việc lắp đặt hệ thống sục khí phải đảm bảo cho việc tạo và duy trì các hạt biofloc. Công nghệ nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao do việc giảm được một phần đáng kể chi phí thức ăn. Tuy nhiên, nuôi tôm với công nghệ biofloc đòi hỏi nguồn năng lượng cao. Do đó, khả năng nhân rộng mô hình này đòi hỏi đầu tư chi phí cao cùng với nguồn năng lượng phải đảm bảo trong suốt quá trình nuôi.
Nuôi tôm với công nghệ Copefloc
Công nghệ nuôi tôm này được phát triển ở Thái Lan, công nghệ copefloc được phát triển dựa trên công nghệ biofloc. Copefloc sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn là các hạt biofloc và thức ăn tự nhiên bao gồm: copepod, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ.
Trong mô hình nuôi này dung dịch lên men từ cám gạo/cám đậu nành và probiotics được định kỳ bổ sung vào ao nuôi, qua đó kích thích sự phát triển của thức ăn tự nhiên. Đây là một trong số các mô hình nuôi có nhiều triển vọng trong tương lai. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc và hóa chất. Qua đó, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được đảm bảo. Hạn chế của mô hình nuôi này là chỉ nuôi được với mật độ thấp.
Thử nghiệm sản xuất thức ăn không chứa cá (challenge F3, fish-free-feed)
Một cuộc thi có tên “Challenge F3” (fish-free-feed) đang được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, và Nam Phi. Giải thưởng lên đến 200.000 đô la Mỹ, đội chiến thắng là đội đầu tiên bán được 100.000 tấn cá nuôi sử dụng thức ăn không chứa cá, hay là đội bán nhiều nhất tính đến thời điểm kết thúc cuộc thi vào tháng 9/2017. Qua đó, nhằm kêu gọi các cá nhân tổ chức đưa ra các công thức thức ăn khác nhau với tiêu chí không chứa bột cá và dầu cá. Các ý tưởng đưa ra trong đó bao gồm sử dụng tảo làm thức ăn, tảo với hàm lượng omega-3 và DHA cao nên có khả năng thay thế dầu cá. Bên cạnh đó nguồn đạm từ côn trùng cũng được dự đoán có thể thay thế nguồn đạm từ cá trong tương lai. Mục đích cuộc thi nhằm hướng đến các ý tưởng mang đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Kết quả của cuộc thi sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành nuôi trồng thủy sản trong thời gian sắp tới.
Nguồn: Aquanetviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.