Chỉ 1% vốn ngoại đầu tư vào nông nghiệp việt nam
Trong 6 tháng qua, tính tổng cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần của các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) ngoại vào ngành nông nghiệp chỉ đạt hơn 137 triệu USD, trong đó cấp mới là 127 triệu USD, 5 dự án tăng vốn, với hơn 6,16 triệu USD, 14 dự án mua cổ phần, với hơn 3,77 triệu USD.
Ngành nông nghiệp vẫn khó thu hút vốn ngoại dù nhiều chính sách ưu đãi
Trong tổng số vốn FDI 6 tháng đầu năm 2017 đạt 19,2 tỷ USD. FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua. Trong 18 ngành thu hút FDI, FDI vào nông nghiệp đứng thứ 12 về số dự án và đứng thứ 10 trong số các ngành thu hút được lượng vốn đăng ký trong thời gian qua.
So với số vốn FDI vào những ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất điện, khí và buôn bán ô tô xe máy, FDI vào ngành nông nghiệp chưa bằng 1/10 số vốn thu hút.
Theo lý giải của Cục đầu tư nước ngoài, thu hút FDI vào nông nghiệp chỉ ở những dự án nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có đại gia ngoại nào nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc bỏ vốn trồng rau quả quy mô lớn tại Việt Nam theo hình thức đầu tư công nghệ cao, hữu cơ.
Các đối tác đầu tư nông nghiệp Việt Nam hiện chỉ có Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… Hiện, giá trị ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thấp so với tiềm năng, các ngành chậm chuyển đổi và phát triển nhất là trồng trọt và đánh bắt thủy hải sản. Trong khi đó, ngành chuyển đổi nhanh là chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến thủy sản. Tuy nhiên, khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thời gian qua đã làm giảm hẳn tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp.
Mặc dù chủ trương kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành nông nghiệp đang được Chính phủ ưu tiên với nhiều chính sách về đất, thuế quan và thị trường nhưng số vốn đầu tư vào ngành vẫn chậm thay đổi.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, rất khó để thu hút vốn ngoại vào Việt Nam khi chỉ có những thay đổi từ thuế, đất đai và chính sách vốn. Điều các DN ngoại quan tâm hiện nay chính là phát triển theo chuỗi nông nghiệp hàng hóa và đất sống cho nông nghiệp hữu cơ để giúp sản phẩm tiêu thụ tại trong nước hoặc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn khó khăn trong việc nhập giống, công nghệ và kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao từ các nước phát triển do vướng mắc trong sở hữu trí tuệ, mua quyền sáng chế. Điều này góp phần làm cản trở hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Tính đến 20/6, tổng vốn FDI vào nông nghiệp đạt 3,46 tỷ USD, với 516 dự án, bằng 1,1% tổng vốn FDI (306,3 tỷ USD).
Thực tế, hiện Chính phủ rất kỳ vọng vào nông nghiệp xanh, sạch để đạt tăng trưởng và làm động lực tăng trưởng tương tự các ngành chế tạo, chế biến tuy nhiên, nhìn vào số dự án tăng thêm, số dự án tích lũy trong các năm giữa hai khu vực này, chúng ta thấy có sự chênh lệch rất lớn.
Luỹ kế đến thời điểm hiện tại, FDI đổ vào ngành công nghiệp chế tạo hơn 12.000 dự án, với 180 tỷ USD, các đối tác hàng đầu như Nhật, Hàn, Singapore, Anh, Hoa Kỳ… đã đổ lượng vốn hàng tỷ USD vào nhiều ngành, lĩnh vực.
Trái ngược, FDI vào nông nghiệp tính đến nay chỉ có khoảng 500 dự án, tổng vốn 3,46 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ có vốn khoảng 6 triệu USD (136 tỷ đồng). Trong khi đó, mỗi dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn bình quân 15 triệu USD (342 tỷ đồng).
Số vốn ít, hiệu quả không cao, đặc biệt nhiều DN FDI vào ngành nông nghiệp đang đứng ngoài các ngành trồng trọt, chỉ tập trung vào ngành chăn nuôi, chế biến theo chuỗi riêng của mình đã và đang khiến tính lan tỏa của FDI tại Việt Nam không cao.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam